Bút Ký Dưới Hầm

Phần II - 1 -

Khi nỗi gay gắt say sưa

Cuốn lời anh khuyến dụ

Kéo thoát linh hồn em

Chịu đầy ải sâu cùng

Từ đây vực tối tăm của lầm lẫn

Trong thống khổ dữ dằn

Em quằn quại

Nguyền rủa thói hư hèn mê hoặc

Khi tâm can nhầu nát

Kiếp dĩ vãng chối từ

Em kinh hoàng hổ thẹn

Giấu mặt trong hai bàn tay

Òa khóc….

Nekrasov

(Thanh Tâm Tuyền dịch)

Hồi đó tôi mới hai mươi bốn tuổi, cuộc đời tôi lúc đó cũng đã như bây giờ: tẻ nhạt, phóng túng, và cô độc như một con thú rừng… Tôi không có thân thuộc hay bằng hữu, tôi cố tránh không nói chuyện với bất cứ một ai, và càng ngày càng chỉ muốn chôn chân ở nhà. Trong những giờ làm việc ở sở, tôi cố tránh không ngó ai hết; nhưng tôi nhận thấy các bạn đồng nghiệp của tôi coi tôi như một thằng cha dở hơi và thậm chí - tôi đoán vậy - còn ngó tôi với một vẻ ghê tởm nữa. Đôi khi tôi tự hỏi: Tại sao chỉ có mình mình là tưởng tượng rằng người ta nhìn mình với vẻ ghê tởm? Một trong những người cùng sở tôi chẳng hạn, hắn có một bộ mặt rỗ gớm khiếp, trông như một tên ăn cướp. Nếu bộ mặt đó là của tôi, có lẽ tôi đã không bao giờ dám giơ ra cho mọi người xem. Một người khác quần áo dơ dáy đến nỗi hễ cứ đừng gần anh ta là thấy sặc mùi hôi hám. Vậy mà hai vị này chẳng thấy gì là xấu hổ hoặc vì bộ mặt mình hoặc vì bộ quần áo mình cả. Họ cũng chẳng hề tưởng tượng là người ta có thể nhìn họ với đôi mắt ghê tởm nữa. Vả lại, cho dù họ có tưởng tượng như thế đi nữa, họ cũng chẳng hề quan tâm tới, miễn sao họ được vừa lòng các ông sếp họ là được rồi.

Bây giờ tôi mới hiểu ra rằng chính là do thói hiếu danh quá mức, do đó đòi hỏi mình quá cao mà tôi thường hay bực mình với tôi, bực mình đến nỗi tôi đâm ra tự khinh bỉ mình.Và chính bởi thế nên tôi mới cho rằng mọi người cũng nhìn tôi với con mắt như vậy. Chẳng hạn, tôi đâm ra ghét bộ mặt của tôi, tôi thấy nó hạ cấp, thậm chí tôi còn ngờ rằng nó có một vẻ gì hèn hạ và ti tiện nữa. Chính vì vậy nên mỗi buổi sang đến sở làm việc, tôi gắng hết sức giữ một bộ mặt thản nhiên, để không ai nghĩ tôi là hèn nhát, tôi lại cố tạo cho bộ mặt tôi một vẻ thật là tao nhã. Tôi tự nhủ: “Nếu mặt mình không đẹp thì ít ra nó phải tao nhã, diễn cảm, và cái chính là phải hết sức thông minh”. Nhưng điều đau đớn là tôi biết mặt tôi sẽ chẳng bao giờ phản ánh được nét đẹp đẽ ấy. Và đáng sợ hơn cả là tôi chỉ thấy nó ngu xuẩn mà thôi. Có lẽ tôi phải bằng lòng với cái nét thông minh vậy. Đến mức tôi có thể chịu cho nó ti tiện cũng được, miễn là nó phải cực kì thông minh.

Dĩ nhiên tôi ghét mọi nhân viên trong sở tôi, từ kẻ trên đến người dưới, tôi khinh hết thảy, nhưng đồng thời tôi lại sợ họ, tôi tin là thế. Có lúc tôi lại coi họ ở trên hẳn tôi. Nhưng trạng thái ấy luôn luôn xảy ra với tôi một cách bất ngờ: lúc thì tôi khinh người, lúc thì tôi lại tôn họ lên. Một con người đứng đắn và có văn hóa chỉ có thể kiêu căng với điều kiện tự đòi hỏi ở mình thật nhiều, và đôi khi còn phải tự khinh mình đến độ thù ghét nữa. Nhưng dù khinh bỉ hay kính trọng, lúc nào tôi cũng không dám nhìn thẳng vào mắt mọi người mà chỉ nhìn xuống dưới. Thậm chí nhiều lần tôi đã thử xem mình có thể chịu được cái nhìn của người này, hay người kia không, nhưng lần nào tôi cũng là kẻ đầu tiên phải nhìn xuống. Điều này ám ảnh tôi đến phát điên.

Tôi lại còn một bệnh là sợ mình trông khôi hài, và chính vì lẽ đó tôi chỉ thích làm nô lệ cho thói quen và thích những gì có quan hệ đến cuộc sống bề ngoài; tôi sung sướng được đi theo con đường mòn của đời sống chung, và rất sợ những manh ý lập dị mà tôi nhận thấy tôi có. Nhưng tôi kháng cự thế nào được bây giờ? Trí thông minh của tôi là một trí thông minh được nảy nở một cách bệnh hoạn, mà một con người thông minh của thế kỉ chúng ta cần phải có. Song những người khác đều là những tên ngu xuẩn và giống nhau như một bầy cừu. Có khi trong cả sở chỉ có mình tôi lúc nào cũng cảm thấy mình là một thằng hèn, một đứa nô lệ, và chính bởi thế tôi mới tưởng tôi là kẻ thông minh.

Nhưng đó không phải chỉ là tưởng tượng, mà thực tế đúng như vậy: tôi đúng là một thằng hèn, một thằng nô lệ. Tôi nói câu đó mà không cảm thấy xấu hổ chút nào hết. Bất kì một con người đứng đắn nào ở thời đại tôi tất phải là một thằng hèn, một thằng nô lệ. Đó là trạng thái bình thường của hắn. Tôi tin tưởng sâu sắc điều đó. Hắn được tạo ra như vậy, và được sắp đặt như vậy. Mà chắc chắn không phải là ở thời đại ta, do những hoàn cảnh ngẫu nhiên nào đó, mà nói chung là trong bất cứ thời đại nào con người đứng đắn bao giờ cũng phải là một thằng hèn và một thằng nô lệ. Đó là quy luật tự nhiên của tất cả mọi con người đứng đắn trên trái đất này. Thảng hoặc hắn có thể đóng vai người hùng, nhưng đừng vội huyênh hoang hay đắc chí, bởi ngay sau đó hắn sẽ lại khóc sướt mướt cho mà xem. Đó là cái quy luật duy nhất và vĩnh cửu của hắn. Chỉ có những con lừa và quái thai của chúng mới dũng cảm, và cũng chỉ tới một độ nào đó mà thôi. Chẳng cần để ý đến chúng làm gì, bởi chúng hoàn toàn vô nghĩa.

Hồi đó còn có một lí do nữa day dứt tôi: tôi nhận thấy tôi chẳng giống ai, và chẳng ai giống tôi hết ráo. Tôi tự nhủ: “Tôi là một con người riêng biệt, còn họ, họ là tất cả mọi người.” Tự nhủ như thế rồi tôi bắt đầu suy tư, nghĩ ngợi.

Như thế mới thấy tôi hãy còn trẻ con biết chừng nào!

Nhưng đôi khi, có những trường hợp ngược lại. Đến sở làm việc đối với tôi có lúc quả là một hình phạt. Đến nỗi rất nhiều khi lúc về đến nhà là tôi đâm ra đau thật. Nhưng rồi tự dưng tôi bước vào một thời kì hoài nghi và lãnh đạm (mọi sự việc xảy đến với tôi từng thời kì); tôi tự chế giễu cái khó tính và cái hợm mình của tôi, và tôi tự trách mình là lãng mạn chủ nghĩa. Mới hôm qua tôi chẳng muốn nói năng gì với họ, mà hôm nay tôi lại đi bắt chuyện với họ, thậm chí còn thân thiết là đằng khác. Cái tính khinh khỉnh hằng ngày bỗng dưng tiêu tan hết. Chẳng ai biết ra làm sao. Có thể chính tôi chưa bao giờ có tính khinh khỉnh ấy, mà chẳng qua chỉ do sách vở mà ra cũng nên? Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời nào hết. Có lần tôi kết thân với họ thực tình. Tôi đến thăm họ, chúng tôi đánh bạc với nhau, uống rượu, nói chuyện về công việc cơ quan… Nhưng đến đây quý vị hãy cho phép tôi mở một dấu ngoặc đã.

Trong đám người Nga chúng ta, nói chung không bao giờ có những kẻ lãng mạn ngu xuẩn kiểu Đức, và nhất là kiểu Pháp, đắm mình trong những giấc mộng đầy sao, và chẳng có gì lay chuyển nổi họ, cho dù đất đang lở dưới chân, cho dù nước Pháp đang sắp bị tiêu diệt vì nội loạn! Chẳng bao giờ họ thay đổi, cho dù thay đổi chỉ để mà thay đổi, và cứ tiếp tục ca hát những khúc thánh ca màu nhiệm cho đến ngày cuối cùng, bởi một lẽ là họ ngu xuẩn. Còn ở nước ta, trên đất Nga, không có kẻ nào là ngu si; đó là điều ai cũng biết. Và chính đó là cái nó phân biệt nước ta và các nước khác. Bởi vậy, ở nước ta không có những tư chất mơ mộng ở dạng thuần khiết. Tưởng lầm rằng những Constanjoglo và những Piotr Ivanovich[1] là mẫu người lí tưởng của chúng ta nên các nhà phê bình và viết báo thời trước đã coi những nhà lãng mạn của ta cũng mơ mộng như những nhà lãng mạn ở Pháp và Đức.

Sự thực trái hẳn: cái tư chất lãng mạn của nhà lãng mạn ở ta hoàn toàn khác cái tư chất của những nhà lãng mạn nước ngoài, và không một tiêu chuẩn Châu Âu nào có thể thích ứng với ta ráo trọi (xin phép quý vị dung chữ “lãng mạn”, một danh từ cổ, đáng kính mà ai cũng biết). Cái đặc tính của nhà lãng mạn xứ ta là ông ta hiểu hết, nhìn thấy hết và còn nhìn rõ hơn mọi trí óc thực dụng nhất. Nhà lãng mạn ở xứ ta không thỏa hiệp với bất cứ ai và bất cứ cái gì, song đồng thời cũng chẳng khinh miệt họ. Nhà lãng mạn của ta sẽ né tránh, sẽ nhường bước tất cả, ông ta không bao giờ quên cái mục tiêu thực dụng và hữu ích (một số tiền ân cấp khá khá, một cái huy chương nho nhỏ, một căn nhà xinh xinh triều đình ban cho), ông ta nhìn cái mục tiêu ấy qua mọi cảm khái, qua những trang thơ trữ tình. Nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên vẹn cái lí tưởng của mình về “cái đẹp và cái cao thượng”, và đồng thời giữ luôn cả chính ông ta như một viên ngọc báu, để phát huy cái “đẹp”, cái “cao thượng” ấy. Nhà lãng mạn xứ ta là một con người vô cùng hào phóng, và cũng là một tên giảo quyệt vào bậc nhất của chúng ta - tôi dám cam đoan như vậy…; và sở dĩ tôi biết là do kinh nghiệm cá nhân của tôi. Cố nhiên đó là đề cập đến nhà lãng mạn thông minh mà thôi. Ủa, mà tôi vừa nói gì? Nhà lãng mạn nào mà chẳng thông minh! Nhưng tôi muốn quý vị để ý dùm cho rằng nếu thảng hoặc có một vài người ngu trong số những nhà lãng mạn xứ ta, thì họ không đáng kể, bởi một lí do rất giản dị là ngay từ lúc sung mãn nhất họ đã biến thành những nhà lãng mạn Đức thực thụ rồi, và sau đó đến nương náu ở một nơi nào ở Schwarzwald hoặc ở Thụy Sĩ để bảo trì cái kho tàng của họ.

Riêng tôi chẳng hạn: tôi thực tâm thù ghét cái việc làm của tôi, và nếu tôi không nhổ toẹt vào nó thì chẳng qua chỉ vì tôi buộc phải đến sở làm, bởi người ta trả lương cho tôi vì việc đó. Xin quý vị lưu ý điều đó: dù gì chăng nữa tôi vẫn cứ đi làm như thường! Nhà lãng mạn của chúng ta thà điên (nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra) chứ không bao giờ nhổ nước bọt vào sự nghiệp của mình nếu không có một sự nghiệp nào khác. Người ta không thể nào trục xuất hắn được cho dù bằng đấm bằng đá, và nếu hắn ta có điên thực, thì nhiều nhất là đem giam vào một nhà thương điên cho hắn ta đóng vai một “Hoàng đế Tây Ban Nha”[2].

Nhưng chỉ những kẻ ốm o hay những kẻ già xọm mới có thể hóa điên được; còn, một số nhiều vô kể các nhà lãng mạn của ta đều có những chức tước quan trọng. Họ có những tài năng khác biệt nhau rất đỗi lạ lùng. Và không hiểu tại sao họ có thể hòa hợp được những tình cảm, những cảm giác mâu thuẫn nhau đến thế! Hồi đó tôi đã cảm thấy được an ủi vì điều này, bây giờ vẫn thế. Chính vì vậy ở xứ ta mới có nhiều “tâm hồn hào phóng” đến thế, những tâm hồn ôm ấp toàn vẹn lí tưởng của họ cho tới hơi thở cuối cùng. Và mặc dù họ chẳng hề nhúc nhích một ngón tay để hoạt động cho lí tưởng đó, mặc dù họ là những tên trộm cướp bất trị, họ vẫn cứ là những kẻ có tâm hồn thanh thản lạ lùng, vẫn một lòng kính trọng lí tưởng đó, cái lí tưởng mà không khi nào họ nói đến mà đôi mắt lại không rưng rưng lệ.

Thưa quý vị đúng thế. Chỉ có ở xứ ta những tên lưu manh nhất mới có thể có một tâm hồn thanh thản tao nhã đến cái độ cao siêu, mà không vì thế mà bớt lưu manh đi chút nào. Tôi xin nhắc lại: trong hàng ngũ những nhà lãng mạn xứ ta thường có những “kẻ cắp” (tôi dùng danh từ “kẻ cắp” với một nghĩa âu yếm), những kẻ cắp có sự nhạy cảm về thực tế, những kiến thức về thực tế đặc biệt đến nỗi cấp trên họ và công chúng phải dụi mắt vì kinh ngạc!

Vâng, cái đa dạng và cái phong phú của chúng ta quả là phi thường, và chỉ có trời mới biết được về sau hậu quả của nó sẽ ra sao! Quả là một chất liệu thực tốt! Quý vị nghĩ sao? Tôi nói vậy không phải do một lòng ái quốc rởm nào hết. Nhưng quý vị tưởng là tôi đang pha trò chứ gì, tôi chắc thế. Mà biết đâu, ngược lại: quý vị lại cho là tôi nói thật cũng nên. Dù sao, cả hai ý kiến trái ngược trên đây đều làm tôi rất hân hạnh và thích thú ngang nhau.

Nhưng cũng xin quý vị tha lỗi cho sự ra ngoài đề vừa qua.

Dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ chịu được lâu những quan hệ bạn bè với các đồng nghiệp của tôi, chúng tôi nhanh chóng cãi cọ và chia tay nhau, rồi do tính nông nổi của tuổi trẻ, tôi cũng chẳng thèm chào họ nữa, và giữa chúng tôi thế là hết. Với lại chuyện đó chỉ xảy đến cho tôi một lần duy nhất mà thôi. Còn nói chung lúc nào tôi cũng lẻ loi một mình. Thứ nhất, tôi chỉ chúi đầu vào đọc sách; tôi làm như vậy là để dùng những cảm xúc bên ngoài để lấn át những cảm xúc lúc nào cũng nung nấu bên trong tôi. Mà cảm xúc bên ngoài duy nhất mà tôi có thể có là đọc sách. Dĩ nhiên nó mang lại cho tôi nhiều an ủi: nó làm tôi cảm động, nó giải phiền cho tôi, nó day dứt tôi; nhưng rồi tôi cũng chán ngấy sách vở. Tôi cảm thấy cần phải làm một cái gì, bất cứ cái gì: thế là tôi lao đầu vào ăn chơi trác táng, một thứ trác táng nhỏ nhoi, bẩn thỉu, giả dối. Những đam mê lại càng làm cho tâm hồn tôi nóng bừng bừng, bực dọc. Có lần, chúng làm tôi lên cơn thần kinh, khiến tôi khóc lóc, xấu hổ. Ngoài sự đọc sách, tôi chẳng còn thú tiêu khiển nào khác. Chung quanh tôi chẳng còn cái gì đủ sức quyến rũ tôi và làm tôi thán phục. Tôi ngụp lặn trong biển chán chường, tôi cảm thấy thèm khát như điên dại những gì tương phản, đối nghịch, và bởi thế tôi lao mình vào trác táng.

Tôi nói những điều đó ra không phải là để tự bào chữa cho tôi đâu… Mà tôi lại vừa nói dối nữa rồi! Sự thực là tôi có muốn bào chữa. Nhưng tôi chỉ thú tội như thế với tôi mà thôi. Tôi đâu muốn nói dối. Tôi đã hứa như thế rồi.

Đêm đêm tôi tìm đến đàn bà một cách lén lút, vụng trộm, bẩn thỉu, với một niềm xấu hổ không rời, ngay trong những lúc đê tiện nhất, một niềm xấu hổ làm tôi muốn điên. Từ hồi đó, tâm hồn tôi đã mang tâm trạng một kẻ sống dưới hầm. Tôi sợ hãi kinh khủng bị ai bắt gặp và nhận ra, cho nên tôi thường tới những xóm lụp xụp, nhớp nhúa nhất.

Một buổi tối đi qua một quán cơm nhỏ, nhìn qua ô cửa sổ có đèn sáng, tôi được chứng kiến một trận ẩu đả giữa đám người chơi bi-a bằng gậy chơi bi-a, và tôi thấy một người trong bọn họ bị ném văng ra ngoài cửa sổ. Giá vào lúc khác có lẽ tôi đã chán ngấy cái cảnh đó, nhưng tối hôm ấy tôi lại ở trong một trạng thái chán chường đến nỗi tôi cảm thấy thèm được giống như cái vị mà người ta vừa tống ra cửa sổ kia. Tình cảm đó mạnh đến đỗi tôi bước vào quán cơm và đi vào phòng chơi bi-a: “Biết đâu, tôi lại chẳng gây được một cuộc ẩu đả và làm cho người ta phải ném tôi ra ngoài cửa sổ?”

Tôi không say rượu, nhưng biết làm sao khi mà nỗi ngao ngán, chán chường đã làm cho tôi gần như phát điên! Nhưng rồi tôi cũng chẳng làm được trò gì. Hóa ra tôi cũng chẳng có khả năng nhảy qua cửa sổ như vậy, và tôi bước ra khỏi quán cơm chẳng gây được một trận xô xát nào với ai hết.

Sự thực, ngay lúc đầu một vị sĩ quan đã nhắc cho tôi biết tôi phải đứng ở chỗ nào rồi. Tôi xán lại bàn bi-a, và do không biết luật, tôi đã làm quẩn chân những người đang chơi ở đó. Muốn đi qua chỗ tôi đứng, một vị sĩ quan đã nắm lấy hai vai tôi, và không một lời giải thích, không nói một tiếng nào, hắn đẩy tôi ra chỗ khác và đi qua như là tôi không có đó. Tôi có thể tha thứ được giá hắn đấm tôi, đá tôi, nhưng cái tôi không chịu nổi là cái lối hắn lặng thinh đẩy tôi ra như vậy.

Thú thực, lúc ấy tôi có thể gây được một trận cãi lộn ra trò, một trận cãi lộn đàng hoàng, “văn học” (nếu tôi có thể dùng chữ đó). Người ta đã đối xử với tôi như một con ruồi. Tên sĩ quan thì cao lớn, còn tôi thì nhỏ oắt và yếu ợt. Cái cớ để gây lộn đã nằm trong tay tôi: chỉ cần tôi cự nự, có lẽ người ta đã bắt tôi phải chuồn bằng đường cửa sổ thật rồi. Nhưng tôi nghĩ lại và xét rằng nên chuồn thẳng là hơn, thế là tôi bước ra, lòng căng vì uất ức.

Ra đến ngoài phố, ngậm ngùi và do dự, tôi bèn về thẳng nhà. Và hôm sau tôi lại ném mình vào cái trác táng nhỏ nhoi đó của tôi, càng sợ sệt hơn nữa, càng sầu muộn hơn nữa, và mắt rưng rưng đầy lệ. Vậy mà tôi vẫn tiếp tục. Tuy nhiên quý vị đừng tưởng rằng tôi lùi bước trước tên sĩ quan kia là vì tôi sợ đâu. Trong thâm tâm không bao giờ tôi là một kẻ hèn nhát, mặc dù tôi vốn rất nhút nhát trong hành động; nhưng khoan, đừng vội cười! - Tôi xin giải thích. Bất cứ trường hợp nào tôi cũng giải thích được hết, quý vị hãy tin như vậy.

A, giá tên sĩ quan kia thuộc vào hạng người sẵn sàng nhận thách đấu cơ! Nhưng đâu có, chính bởi đó là một trong những vị (Than ôi! Cái loại người này cũng đã biến mất từ lâu rồi) thích choảng nhau bằng gậy chơi bi-a, hoặc thích đi thưa gửi cấp trên, kiểu ông quan hai Pigorou của Gogol đó[3]. Họ không ưa đánh nhau theo lối quyết đấu, nhất là khi có chuyện lôi thôi với chúng ta, những tên công chức thảm hại; và nói chung họ cho rằng quyết đấu có cái gì vô nghĩa, bốc đồng mang tính cách Pháp. Nhưng không vì thế mà họ không dám chửi người khác thật sướng mồm, nhất là khi họ lại cao lớn và to con!

Lí do tôi bỏ đi không phải là hèn nhát, mà chính là vì lòng tự kiêu. Tôi sợ không phải cái thân hình cao lớn của kẻ xúc phạm tôi, không phải những cú đấm đá hắn có thể tặng tôi, không phải sợ có thể bị ném ra ngoài cửa sổ, không phải tôi thiếu cái can đảm thể xác, mà chính là thiếu cái can đảm tinh thần. Tôi sợ những người có mặt ở đó, kể từ tên ghi điểm hỗn xược cho đến thằng làm công oắt con có cổ áo đầy ghét kia, tôi sợ chúng không hiểu và cười phì vào mặt tôi nếu tôi lên tiếng cự nự bằng một giọng văn chương. Bởi, ở xứ ta, chỉ khi nào nói đến vấn đề thể diện (xin quý vị chú ý: không phải vấn đề danh dự, mà là vấn đề point d’honneurn[4]), người ta mới dùng tới ngôn ngữ văn chương. Trong ngôn ngữ thường ngày, người ta không bàn tới vấn đề thể diện. Tôi dám chắc (như quý vị đã thấy, lãng mạn chủ nghĩa đâu có ngăn cấm ý thức về thực tế), tôi dám chắc họ sẽ cười vỡ bụng, và tên sĩ quan kia sẽ chẳng thèm đánh nhau với tôi làm gì mà chỉ đá vào đít tôi và bắt tôi chạy long nhong quanh bàn bi-a, rồi sau đó thương hại mới ném tôi qua cửa sổ. Tôi cho là câu chuyện chỉ có thể kết thúc đến thế mà thôi.

Về sau rất nhiều lần tôi còn gặp tên sĩ quan đó ở ngoài phố, và tôi ngó hắn rất kĩ. Chỉ có điều tôi không biết hắn có nhận ra tôi không. Chắc là không. Tôi đoán thế qua một vài dấu hiệu. Riêng tôi, thì tôi ngó hắn một cách căm thù, tức giận. Cứ như vậy trong nhiều năm. Thời gian trôi qua, sự căm thù của tôi ngày càng trở nên thô bạo hơn, dữ dằn hơn. Mới đầu tôi tìm cách hỏi thăm kín đáo về tên sĩ quan nọ. Điều này thật là khó bởi tôi chẳng quen lấy một mống nào cả. Nhưng có một lần trong lúc đang theo dõi hắn ở đằng xa thì có ai đó gọi tên hắn ngoài phố. Nhờ vậy tôi mới biết hắn tên gì. Một lần khác tôi theo hắn đến tận nhà, tôi cho tên gác cửa hai côpếch để hắn nói cho tôi biết tên sĩ quan ở lầu thứ mấy, ở với ai, v.v… Nghĩa là tất cả những gì có thể khai thác từ một tên gác cửa.

Một buổi sáng đẹp trời kia, mặc dù chẳng bao giờ thích chuyện văn chương, bỗng dưng tôi nảy ra ý nghĩ phải mô tả tên sĩ quan đó với một giọng châm biếm, lấy hắn làm nhân vật cho một truyện ngắn viết theo lối trào phúng. Tôi hăm hở viết ngay truyện ngắn ấy. Tôi tả nhân vật của tôi bằng những màu sắc tối tăm nhất. Thậm chí tôi còn cố ý vu oan cho hắn nữa. Tên hắn mới đầu tôi chỉ đổi đi một chút thôi để bạn bè hắn có thể nhận ra ngay được là hắn; nhưng sau nhiều suy nghĩ, tôi lại đổi hẳn tên ấy đi. Tôi gửi truyện ngắn đó cho tờ Tổ quốc Niên giám . Nhưng vì cái mốt thời đó chưa phải là thể trào phúng, nên người ta không in truyện của tôi. Tôi giận hết sức.

Đôi khi tôi cáu đến cái độ uất nghẹn cả cổ họng. Cuối cùng tôi quyết định thách kẻ thù tôi trong một trận quyết đấu. Tôi thảo một lá thư thật hay, trong thư tôi yêu cầu hắn phải xin lỗi tôi, nói ám chỉ rằng nếu hắn từ chối thì hắn phải nhận lời quyết đấu với tôi. Lá thư được xếp đặt khéo đến nỗi giá tên sĩ quan kia trong đầu có chút gì gọi là “mĩ, thiện” chắc chắn sẽ phải chạy ngay đến ôm lấy cổ tôi và xin kết làm bạn. Như vậy, chắc sẽ phải cảm động biết mấy! Chúng tôi sẽ được sống với nhau thật là hạnh phúc, thật là hạnh phúc…! Cái đẳng cấp uy nghi của hắn sẽ phải bảo vệ, che chở được cho tôi, và trí thông minh cùng những tư tưởng của tôi sẽ làm cho hắn trở thành một con người thật cao thượng. Và còn có thể nhiều thứ khác nữa!… Quý vị hãy tưởng tượng đó là hai năm sau khi tên sĩ quan nọ xúc phạm tôi, và cái sự thách đấu đó chẳng qua chỉ là một việc không còn hợp thời nữa và rất khỉ, mặc dù tôi đã dùng đủ xảo thuật để giảng nghĩa, đồng thời che giấu sự không hợp thời đó đi; nhưng cũng may nhờ ơn trên (cho đến bây giờ tôi vẫn còn ngầm cảm ơn Thượng Đế, mắt rưng rưng lệ) là tôi đã không gửi lá thư đi. Chỉ nghĩ đến những gì có thể xảy ra sau khi lá thư được gửi đi là tôi cũng đủ rùng mình.

Rồi đột nhiên một lần tôi trả thù được, bằng một lối giản dị nhất, tài tình nhất: bởi bỗng dưng tôi nảy ra được một ý nghĩ rất phi thường. Trong những ngày nghỉ lễ, tôi thường đi dạo trên đại lộ Nevski, và cứ vào khoảng bốn giờ là tôi hay đi trên vỉa hè có nắng. Nói cho đúng, không phải tôi hay đi dạo, mà đó là những lúc tôi cảm thấy muôn vàn day dứt, muôn vàn tủi nhục, và lòng đầy uất ức. Nhưng có lẽ tôi cần phải thế cũng nên. Như một loài côn trùng, tôi len lách qua những đám đông một cách khả ố nhất, luôn luôn nhường bước cho các ông Tướng, các vị sĩ quan thị vệ, các khinh kị binh, và các phụ nữ đẹp. Thực sự tôi cảm thấy tim tôi thót lại và sống lưng lạnh run chỉ vì nghĩ tới cái vẻ tiều tụy của quần áo mình, cái dáng thấp hèn và tầm thường của cái thân hình bé mọn của mình. Quả là một chua xót, một tủi nhục không bờ bến, mỗi khi ý thức được rõ mình chỉ là một con ruồi giữa cái thế giới thanh lịch đó, một con ruồi bẩn thỉu, có hại, cố nhiên có thông minh và cao thượng hơn tất cả bọn họ, nhưng lại lúc nào cũng cảm thấy như bị xúc phạm, lúc nào cũng cảm thấy như bị sỉ nhục, lúc nào cũng bắt buộc phải nhường bước.

Nhưng tại sao tôi cứ phải đi dạo ở đại lộ Nevski làm gì? Tại sao cứ phải đi chuốc lấy niềm chua xót đó? Tôi không biết. Nhưng tôi cảm thấy như bị quyến rũ bởi con đường ấy, và hễ cứ có dịp là tôi chạy ngay tới đó.

Từ hồi đó tôi đã bắt đầu biết đến những cơn khoái lạc mà tôi đã nói tới trong phần đầu. Nhưng sau vụ với tên sĩ quan kia, tôi lại càng thấy cần đi dạo ở đại lộ Nevski hơn. Bởi chỉ ở con đường này tôi mới hay gặp hắn nhất; chỉ ở đây tôi mới có thể được chiêm ngưỡng hắn. Hắn cũng thường đi dạo ở đó trong những ngày lễ. Hắn cũng nhường lối đi cho các vị Tướng, cho các vị tai to mặt lớn, hắn len lách giữa đám đông như một con cá chép, nhưng hễ gặp những dân thuộc hạng như tôi, hoặc có thể sạch sẽ hơn đôi chút, là hắn chỉ có việc đè bẹp; hắn xông thẳng vào coi như chỗ không người, và không bao giờ nhường một bước nào cho ai hết. Trông thấy hắn từ đằng xa tiến tới là tôi đã điên tiết lên rồi, nhưng lần nào tôi cũng cứ tránh sang một bên cho hắn đi, vì thế tôi lại càng điên tiết hơn. Tôi thấy đau khổ là dù đã ở ngoài phố tôi vẫn không thể giữ ngang hàng được với hắn. Nửa đêm thức giấc, tức giận đến uất người, tôi tự hỏi: “tại sao cứ phải mày nhường bước? Tại sao cứ phải là mày mà không phải là ? Làm gì có luật lệ nào quy định như thế? Có sách nào nói đến đâu. Đã đành người lịch sự cần phải đối xử với nhau đàng hoàng: nó nhường bước một tí, mày cũng nhường bước một tí, rồi hai người đi qua nhau, cùng kính trọng nhau cả.” Dù gì thì gì, lần nào cũng chính tôi là đứa phải nhường bước, còn hắn cũng chẳng thèm để ý đến cái lễ phép của tôi nữa chứ! Rồi một lần tôi bỗng nảy ra một ý tưởng thật tài tình: “Khi hai bên gặp nhau mình cứ thử không nhường bước cho hắn xem sao? Mình cứ nhất định cố tình không nhường bước cho hắn, cho dù có phải xô hắn ra, xem thế nào?” Cái tư tưởng táo bạo ấy dần dần chiếm đoạt tôi trọn vẹn đến nỗi tôi không tài nào gạt bỏ nó đi được. Lúc nào tôi cũng mơ ước đến chuyện đó và tôi cố tình đi đến đại lộ Nevski nhiều hơn, để hình dung cụ thể xem khi làm việc đó tôi sẽ phải làm như thế nào. Tôi rất phấn chấn! Càng nghĩ nhiều đến chuyện đó bao nhiêu, tôi lại càng cảm thấy nó có vẻ hiện thực bấy nhiêu, “Cố nhiên mình sẽ không xô đụng hắn. Nhưng mình không thèm tránh hắn”, mới nghĩ như vậy tôi đã thấy khoái rồi. Hai người sẽ va phải nhau, nhưng không đau mấy, miễn làm sao hai vai phải chạm nhau, vừa đủ thôi, để khỏi như thất lễ; làm sao để hắn đụng tôi mạnh thế nào thì tôi cũng đụng hắn mạnh như thế.

Và rồi tôi quyết định hành động. Nhưng việc sửa soạn cho cuộc đụng độ ấy làm tôi mất rất nhiều thời giờ. Trước hết để thực hiện chương trình đó, tôi sẽ phải ăn mặc cho đàng hoàng một chút, cho nên tôi phải để ý đến bộ mã của tôi. “Thí dụ nếu có gì lôi thôi xảy ra (mà giờ đó là giờ nhiều nhân vật quan trọng ở ngoài phố nhất: Ông Hoàng D…., bà Bá Tước A…., giới nhà văn…), thì mình phải ăn mặc lịch sự. Như vậy để cho người ta kính nể mình, và dưới mắt xã hội thượng lưu mình sẽ ngang hàng với bất cứ ai”. Cho nên tôi vay trước một số tiền lương và đến hiệu Tchukin mua một chiếc mũ và một đôi găng tay màu đen. Găng đen có vẻ lịch sự hơn, đúng thời trang hơn là găng vàng nhạt mà thoạt đầu tôi định mua. Cái màu ấy nổi quá - người ta có thể cho là tôi muốn chơi trội. Bởi thế tôi không chọn găng vàng nữa. Tôi đã sửa soạn từ lâu một chiếc sơ mi lịch sự, co khuy ngà. Nhưng chiếc măng tô thì chán quá. Nó không đến nỗi xấu xí lắm, còn giữ đủ ấm; nhưng áo lại lót bằng bông, và cổ áo thì bằng lông gấu chuột, trông cứ như áo choàng của lính hầu. Vì vậy thế nào cũng phải thay cái cổ áo đi và mua một cổ áo bằng lông hải li giống các ông sĩ quan hay mặc. Tôi đi lùng khắp các hiệu tìm mãi không được, sau tôi đành phải đi tìm một loại lông hải li làm ở Đức, chắc là không đắt mấy. Dù rằng lông hải li Đức không được bền lắm và chỉ mặc một hồi là trông xuống nước ngay, nhưng lúc mới trông cũng oách lắm, với lại tôi cũng chỉ cần cho một dịp này mà thôi. Tuy nhiên lúc hỏi giá tôi thấy quá đắt. Về sau tôi quyết định đem bán cái cổ áo lông gấu chuột đi, và vay them tiền ông chủ sự phòng tôi, Anton Antonovich Setochkin. Ông ta là một người hiền lành nhưng nghiêm túc và thực tế. Hồi trước khi vào làm đã có một ông lớn gửi gắm tôi cho ông đó.

Tôi thấy bứt rứt kinh khủng: vay tiền Anton Antonovich thì thật là nhục nhã, dã man. Trong suốt hai, ba đêm liền tôi không chợp mắt được là vì vậy. Nói chung hồi đó tôi ngủ rất ít. Tôi lên cơn sốt, tim tôi nặng trĩu, rồi tự dưng nó bỗng cứ nhảy thình thịch, thình thịch, thình thịch…

Mới đầu Anton Antonovich hơi tỏ vẻ ngạc nhiên; rồi ông ta cau mặt, suy nghĩ một lúc, và cuối cùng cũng lấy tiền cho tôi vay, nhưng bắt tôi phải kí vào một tờ giấy ủy quyền cho ông ta lĩnh hai tuần lương của tôi.

Vậy thế là xong. Lông hải li đẹp kia đã thay cho lông gấu chuột khốn nạn đó, và mỗi ngày một chút tôi bắt đầu phác họa chương trình hành dộng. Cố nhiên không phải mới gặp lần đầu là làm ngay: phải tìm một dịp thuận tiện, và tiến tới từ từ, kiên nhẫn. Nhưng sau mấy lần toan thực hiện chương trình đó, phải thú thực là tôi bắt đầu thấy nản chí. Không tài nào hai người giáp được mặt nhau. Hay là tôi chưa sửa soạn kĩ càng? Hay là tôi chưa đề phòng mọi sự có thể xảy ra? Nhưng đây rồi, đây rồi, lần này nhất định… nào… va vào nhau!… Va! Nhưng, ô hay! Tôi lại tránh sang một bên cho hắn đi một lần nữa! Và hắn đi qua mà chẳng thèm để ý gì đến tôi hết! Lúc tiến gần tới hắn tôi đã ngầm khấn trời phật cho tôi có can đảm để thi hành. Có một lần tôi đã rắp tâm để làm nhưng rồi lúng túng thế nào tôi lại vướng vào chân hắn ngã xuống, bởi chỉ còn độ mười phân thì tôi lại do dự, cho nên hắn bược đại qua tôi, hết sức điềm tĩnh, còn tôi thì bắn sang một bên như một trái banh!

Đêm hôm đó tôi lại lên cơn sốt; tôi mê man, tôi nói sảng.

Nhưng câu chuyện bỗng nhiên một hôm kết thúc vô cùng bất ngờ, và không thể nào hay hơn được nữa. Thực ra buổi chiều hôm đó tôi đã có ý định bỏ quách cái kế hoạch xấu xa đó của tôi đi rồi, và nhất định sẽ quên hết. Chính trong cái tâm trạng này mà tối hôm đó tôi đã tới đại lộ Nevski, có thể nói là để chứng kiến sự bỏ cuộc của tôi một lần chót. Bỗng nhiên chỉ còn cách kẻ thù tôi đúng ba bước thì tôi lại quyết định. Tôi nhắm mắt lại… Và chúng tôi va vào nhau, vai đụng vai. Tôi đã không nhường hắn một li nào và hai người đi qua giáp mặt nhau rất bình đẳng. Hắn cũng không quay đầu lại và giả vờ như không nhìn thấy. Nhưng tôi dám chắc hắn chỉ làm bộ mà thôi. Đến bây giờ tôi còn dám chắc như vậy. Cố nhiên va nhau như thế thì tôi đau hơn hắn, bởi lẽ hắn khỏe hơn. Nhưng tôi đã đạt được mục đích của tôi, tôi đã bảo vệ được phẩm cách của tôi, tôi đã không nhường hắn một li nào hết và đã bắt hắn phải đương nhiên coi tôi như một kẻ ngang hàng. Trên đường về nhà tôi cảm thấy đã hoàn toàn rửa được nhục. Tôi sung sướng vô kể. Tôi đã thắng. Tôi hát ầm lên những bài ca opéra Ý.

Cố nhiên tôi sẽ không tả cho quý vị biết ba hôm sau đó tôi ra sao. Nếu quý vị đã đọc phần đầu, Dưới hầm, thì quý vị có thể tưởng tượng được dễ dàng.

Về sau tên sĩ quan đó thuyên chuyển đi đâu, tôi không rõ. Mười bốn năm trời rồi, tôi không còn thấy hắn nữa. Bây giờ hắn làm gì, ông bạn quý đó? Hiện còn đang cưỡi đầu cưỡi cổ ai không?

Chú thích:

[1] Tên những nhân vật tiết nghĩa trong phần hai một tiểu thuyết của Gogol, “Những linh hồn chết” (ND).

[2] Ám chỉ nhân vật trong “Nhật kí một người điên” của Gogol (ND).

[3] Tên nhân vật một truyện ngắn của Gogol, Đại lộ Nevski.

[4] Nguyên văn tiếng Pháp: thể diện (BTV).