Bút Ký Dưới Hầm

- 7 -

Nhưng đó chỉ là những giấc mộng vàng mà thôi!

À mà này! Ai là người đầu tiên đã phát biểu, người đầu tiên đã tuyên bố rằng con người làm những điều khốn nạn chỉ bởi vì hắn không biết đến những tư lợi của hắn, và nếu ai soi sáng cho hắn, nếu ai mở mắt cho hắn nhìn thấy những quyền lợi thực thụ của hắn, những quyền lợi bình thường của hắn, thì lập tức hắn sẽ thôi không làm những điều khốn nạn nữa và lập tức sẽ trở thành tốt và thẳng thắn, bởi vì một khi đã được khoa học soi sáng cho và đã hiểu những quyền lợi thực của mình, thì hắn sẽ tìm thấy trong cái thiện ấy mối lợi của hắn? Cho rằng không ai có thể hành động cố tình chống lại quyền lợi của chính mình được, cho nên con người tất nhiên phải làm điều thiện. Ôi, con nít làm sao! Ngây thơ làm sao!

Nhưng có bao giờ, trong suốt bao nhiêu ngàn năm nay, có bao giờ con người chỉ hành động theo tư lợi? Ta trả lời làm sao được hàng triệu sự kiện chứng minh rằng con người, trong khi vẫn ý thức được đâu là quyền lợi của mình, lại đem đặt nó vào hàng thứ yếu và đâm đầu vào một con đường khác hẳn, đầy rủi ro và nguy hiểm? Không phải là hắn bị bắt buộc làm như thế, nhưng hình như hắn muốn cố tình tránh con đường đã vạch ra, để tự mình vạch lấy một cách tự do, một cách phóng khoáng, một con đường khác đầy khó khăn, một con đường phi lí, khó mà nhận ra, mù mịt. Chính bởi vì cái tự do ấy, dưới mắt hắn, có nhiều sức dẫn dụ hơn là những tư lợi của hắn… Tư lợi! Thế nào là tư lợi? Quý vị có dám định nghĩa cho thật đúng hộ tôi tư lợi của con người là thế nào không? Quý vị sẽ nói sao nếu một ngày kia tư lợi của con người, trong một vài trường hợp, không những có thể, mà nhiều khi lại còn phải là ham muốn cái hại chứ không phải là cái lợi. Nếu thế, nếu có trường hợp này xảy ra, thì cả cái nguyên lí của quý vị sẽ sụp đổ. Quý vị nghĩ sao? Có thể có trường hợp đó được không?

Quý vị cười! Quý vị cứ cười đi, nhưng xin trả lời tôi đã: ta có đếm được chính xác những tư lợi của con người không? Có cái nào không có trong bảng phân loại của quý vị và có cái nào không thể phân loại được không? Bởi, theo tôi biết, quý vị đã thiết lập cái bảng tư lợi con người đó theo những con số trung bình của thống kê và những định thức kinh tế - khoa học. Vậy tư lợi con người theo quý vị gồm có phú quý, tài sản, bình yên, tự do, vân vân và vân vân. Và nếu kẻ nào không giấu giếm, và cố tính bài xích cái bảng phân loại đó, quý vị và cả tôi nữa sẽ coi kẻ đó là một thằng điên, một kẻ ngu dân chủ nghĩa, phải không? Có đúng thế không đã? Nhưng có một điều là: làm thế nào mà các nhà thống kê, các bậc hiền triết và các vị nhân ái đó lại luôn luôn gạt một thức tư lợi đặc biệt ra ngoài cái bảng tính những tư lợi của con người? Thậm chí họ cũng chẳng muốn tính đến nó trong dạng thức mà lẽ ra phải tính đến, mà điều này có tính chất quyết định đến kết quả tính toán. Cũng chẳng phải là một việc khó khăn gì, thì tại sao không làm cho hết cái bảng đó đi, tại sao không cho cái yếu tố đó vào?… Nhưng điều nguy hại là yếu tố tư lợi sáng suốt ấy không thể có chỗ trong một bảng phân loại nào và không thể ghi được vào một bảng nào hết. Chẳng hạn, tôi có một ông bạn… A, mà tôi nhớ rồi, quý vị cũng biết ông ta mà! Có ai mà không biết ông ta cơ chứ!

Khi sắp sửa hành động, ông bạn đó bắt đầu cắt nghĩa cho ta rất rõ bằng những câu nói đẹp đẽ và vĩ đại, rằng ông ta phải hành động ra sao để phù hợp với lí trí, với chân lí. Hơn thế nữa: ông ta sẽ thảo luận ra một cách xúc động say sưa những tư lợi thực sự và bình thường của nhân loại; ông ta sẽ chế nhạo sự mù quáng của những kẻ ngu si không hiểu gì về những quyền lợi thực của mình, cũng chẳng biết gì đến cái giá trị thực sự của phẩm hạnh. Nhưng chỉ mười lăm phút sau, chẳng vì một nguyên cớ đột xuất bên ngoài nào, mà chỉ do một động cơ nào đó bên trong mạnh hơn cả mọi tính toán và quyền lợi, ông ta sẽ làm một việc lố bịch, bậy bạ nào đó, và thế là ông ta hành động chống hẳn lại những quy tắc mà ông đã viện dẫn ra, chống lại cả lí trí, cả tư lợi, chống lại tất cả… Nhưng tôi báo trước cho quý vị biết rằng ông bạn tôi là một nhân vật tập thể và vì vậy rất khó mà quy trách ông ta một mình được. Chính đó là cái điều tôi muốn nói tới, thưa quý vị! Thật vậy, chẳng lẽ đối với ta lại không có một cái gì đáng quý hơn cả những quyền lợi lớn lao nhất hay sao? Nói khác đi (để khỏi phá vỡ lôgích): chẳng lẽ đối với ta lại không có một cái lợi nào (cái người ta đã bỏ sang một bên, cái mà ta vừa mới nói tới) quan trọng hơn và có lợi hơn tất cả cái lợi khác, một cái lợi mà con người nếu cần sẽ sẵn sàng hành động chống lại mọi quy tắc, nghĩa là chống lại lí trí, hi sinh danh dự, yên ổn, hạnh phúc, nói tóm lại tất cả những gì đẹp đẽ và có lợi của mình đi, không gì khác hơn là chỉ để với tới cái mối lợi cơ bản nhất, có lợi nhất, và đối với anh ta là quý giá nhất hay sao?…

- Có chứ - quý vị sẽ ngắt lời - nhưng cũng vẫn là tư lợi như thường!…

Nhưng xin mạn phép quý vị cho tôi giảng nghĩa thêm; vấn đề ở đây không phải là trò chơi chữ mà là ở chỗ, cái tư lợi này sở dĩ tuyệt vời chính là vì nó phá hủy tất cả những bảng phân loại của ta và đảo lộn tất cả những hệ thống do những người yêu nhân loại vì hạnh phúc của con người đã dựng nên. Tóm lại, nó gây trở ngại cho mọi thứ. Nhưng trước khi chỉ đích danh cái tư lợi đó cho quý vị thấy, tôi muốn tự buộc cá nhân tôi vào đó, và vì thế tôi mạnh dạn quả quyết rằng tất cả những hệ thống đẹp đẽ ấy, tất cả những lí thuyết giải nghĩa cho nhân loại biết đâu là những tư lợi bình thường của mình, để nhân loại lập tức trở thành có lòng nhân ái và cao thượng trong lúc đạt tới những tư lợi đó - tôi xin tuyên bố rằng tất cả những cái đó chỉ là vấn đề lôgích học. Vâng, lôgích học đơn thuần! Vì một khi công nhận sự cải tạo con người có thể đạt được bằng cách làm cho hắn biết những tư lợi đích thực của hắn, theo tôi, giống như công nhận với Buckle[1] rằng văn minh làm cho con người dịu dàng đi, và do đó con người dần dần trở nên ít khát máu hơn, ít hiếu chiến hơn. Buckle đã tới được kết luận này một cách hết sức lôgích, tôi tin thế. Nhưng con người say mê những hệ thống, những diễn dịch lôgích trừu tượng đến nỗi hắn sẵn sàng cố tình làm sai hẳn sự thật đi, sẵn sàng nhắm mắt bịt tai trước sự thật, chỉ để biện minh cho lôgích của mình.

Sở dĩ tôi lấy thí dụ này bởi nó là một thí dụ quá rõ ràng. Hãy thử nhìn chung quanh quý vị thì rõ! Máu chảy từng suối, mà chảy vui vẻ là khác, cứ như là rượu sâmbanh. Đó là toàn bộ cái thể kỉ XIX này của chúng ta, trong đó có Buckle! Đó là Napoléon - vừa vĩ đại, vừa là của ngày nay! Đó là Bắc Mĩ, một liên bang vĩnh cửu! Và cuối cùng, đó là chân dung khôi hài của Schleswig Holstein[2]! Vậy văn minh làm ta dịu dàng ở chỗ nào? Văn minh chỉ làm phát triển nơi ta cái đa tạp của cảm giác mà thôi… Ngoài ra không có gì khác. Và nhờ sự phát triển cái đa tạp đó, có thể rồi đây con người sẽ tìm được một khoái lạc nào đó trong việc đổ máu cũng nên. Vả lại sự này cũng đã xảy ra rồi.

Quý vị có để ý rằng những kẻ khát máu tinh tế nhất bao giờ cũng là những vị văn minh nhất, và so với họ thì những Attia,[3] những Sténka Razin[4] sẽ chẳng thấm vào đâu. Sở dĩ những vị đó không được để ý đến mấy là bởi họ quá nhiều và ta đã quen đi rồi. Nhưng dù sao nếu văn minh không làm cho con người khát máu hơn, thì chắc chắn nó cũng làm cho khát máu một cách khốn nạn hơn, hèn hạ hơn. Ngày xưa con người cho rằng mình có quyền làm đổ máu, và hắn thủ tiêu - mà lương tâm vẫn yên ổn - bất cứ ai hắn xét là đáng chết. Còn ngày nay, mặc dù vẫn cho rằng đổ máu là một hành động xấu, người ta vẫn giết người như thường, thậm chí còn giết thường xuyên hơn ngày xưa. Cái đó có tệ hơn không? Xin quý vị tự phán xét lấy. Người ta nói rằng Cléopatre (xin lỗi đã lấy thí dụ này trong sử La Mã) giải trí bằng cách lấy kim đâm vào vú bọn nô lệ của bà và khi thấy chúng la thét lên và quằn quại thì lấy làm thích chí lắm. Quý vị chắc sẽ bảo rằng chuyện đó xảy ra trong một thời kì tương đối còn man rợ, rằng thế kỉ chúng ta cũng hãy còn man rợ, bởi vì (cũng nói một cách tương đối) người ta cũng vẫn đâm kim vào thịt người, rằng con người, mặc dù đã học nhìn biết sự vật một cách rõ ràng hơn, hắn vẫn còn lâu mới học được cách hành động theo những quy tắc lí trí và khoa học. Nhưng dù sao quý vị vẫn hoàn toàn tin tưởng rằng hắn sẽ quen với những quy tắc đó chừng nào hắn đã hoàn toàn lìa bỏ được vài khuynh hướng xấu của hắn, và chừng nào lẽ phải và khoa học đã hoàn toàn cải huấn được bản tính con người và lái nó vào một con đường bình thường. Quý vị sẽ tin chắc rằng chừng đó con người sẽ thôi tự nguyện lầm lẫn và bất giác không còn muốn tách rời ý chí với những ý thích bình thường của hắn nữa. 

Hơn thế nữa: quý vị sẽ bảo, chừng đó khoa học sẽ dạy cho con người biết (nhưng theo ý tôi đây là một xa xỉ phẩm vô ích) rằng hắn chưa bao giờ có ý chí hay những tính khí bất thường hết, và tựu trung hắn chỉ là một cái phím dương cầm, một cái pédale đại phong cầm; bởi vì thế bất cứ cái gì hắn làm không phải là do hắn muốn vậy, mà là phù hợp với những quy luật tự nhiên. Cho nên chỉ cần khám phá ra những quy luật đó là con người sẽ không còn trách nhiệm gì về hành vi của hắn, và rồi cuộc đời đối với hắn sẽ vô cùng dễ chịu. Tất cả những hành vi nhân loại cố nhiên sẽ có thể căn cứ vào toán học mà tính ra và xếp vào bảng, như những bảng logarít tính đến 108.000, rồi ghi vào mục lục; hoặc, tốt hơn nữa, ta sẽ cho in những cuốn sách thật dày bự, đại loại như những từ điển bách khoa của ta, trong đó cái gì cũng đã được tính toán và đoán trước rõ ràng đến nỗi trên thế giới này sẽ chẳng thể còn phiêu lưu, chẳng còn đến cả hành động gì hết.

Và rồi - vẫn theo lời quý vị - những tương quan kinh tế mới cũng sẽ được thiết lập theo một chính xác toán học, để rồi mọi vấn đề sẽ biến mất ngay lập tức, bởi lẽ giản dị là ta đã tìm ra mọi giải đáp rồi. Và rồi ta sẽ dựng một lâu đài pha lê. Rồi ra sẽ thấy Chim Lửa, và rồi… Tất nhiên đâu có bảo đảm (bây giờ là tôi nói) rằng cuộc đời sẽ không buồn chán kinh khủng (thật vậy, còn biết làm gì nếu cái gì cũng đã tính toán và định trước cả rồi); nhưng được cái mọi người đều sẽ trở nên khôn ngoan hết. Cố nhiên buồn chán cũng có thể đưa đến nhiều chuyện không hay: chính buồn chán nó làm ta đâm kim vàng vào thịt người… Nhưng như thế cũng còn chưa sao. Điều tệ hại là ở chỗ (vẫn lời tôi) có thể con người sẽ vô cùng thích thú nếu có được những cây kim vàng trong tay: con người ngu xuẩn, ngu xuẩn kinh khủng, hay đúng hơn hắn không ngu xuẩn bằng vô ơn; khó mà tìm được sinh vật nào vô ơn hơn hắn. Chẳng hạn, tôi sẽ không ngạc nhiên tí nào nếu ngay giữa cái lúc tối đa hạnh phúc đó bỗng có một ngài mất hết cả vẻ lịch sự, bộ mặt “phản động” và cười cợt, đứng phắt lên, hai tay chống nạnh, nói với ta: “Bẩm các ngài chứ, hay là ta đá quách cái hạnh phúc khôn ngoan đó xuống đất để mà tống khứ mẹ những lôgarít đó đi, để lại bắt đầu sống theo cái sở thích ngông của ta, có hơn không?” Như thế cũng vẫn còn là nhẹ. Cái đáng giận hơn là nhân vật này thế nào rồi cũng tìm được nhiều đồ đệ cho mà xem. Con người là vậy đó. Tất cả là do một cái rất tầm thường, một cái không đáng nhắc tới chút nào cả mà ra: đó là vì con người ta, bất cứ hắn là ai, bao giờ và ở đâu cũng khát vọng được hành động theo ý hắn muốn chứ không theo những mệnh lệnh của lí trí và tư lợi. Mà ý muốn của ta có thể, và đôi khi bắt buộc phải (đây là ý kiến riêng của tôi), bắt buộc phải đi ngược với quyền lợi của ta. Cái ý muốn tự do của tôi, cái tự ý của tôi, cái tính khí bất thường của tôi, cho dù nó điên khùng đến mấy, cái ngông cuồng khích động tới một độ điên loạn đó của tôi - vâng, đó chính là cái mà người ta đã gạt sang một bên, đó chính là cái tư lợi có lợi nhất trong những bảng phân loại của quý vị nó không hề có được một chỗ, đó chính là cái nó bẻ gẫy ra trăm ngàn mảnh vụn mọi hệ thống, mọi lí thuyết.

Căn cứ vào đâu mà tất cả các nhà thông thái ấy lại cho rằng con người ta cần phải có một dục vọng bình thường và đức hạnh? Tại sao họ lại tưởng được rằng con người bắt buộc phải có một dục vọng tư lợi sáng suốt? Con người chỉ cần một cái duy nhất là dục vọng độc lập với bất cứ giá nào, bất chấp hậu quả ra sao. Nhưng còn dục vọng thì chỉ có quỷ thần may ra mới biết được nó ra sao…

Chú thích:

[1] Sử gia người Anh (1822-1862), trù định viết cuốn Lịch sử văn minh Anh quốc trong đó ông muốn dựng nên những quy luật phát triển nhân loại. Buckle không hoàn thành tác phẩm, và chỉ viết xong có hai bộ. (ND).

[2] Chiến tranh giữa Phổ và Đan Mạch tranh giành hai quận Schleswig và Holstein xảy ra trong lúc Dostoievsky viết tập Bút Kí này. (ND)

[3] Lãnh tụ dân Huns chinh phục La Mã. (ND).

[4] Người cầm đầu quân nổi loạn Kozak hô hào nhân dân miền Đông Nga nổi dậy chống Nga hoàng Alexis. Bị xử tử năm 1671. (ND).