Bụi trần lắng đọng

Chương 2: Hạt nhật

Lúc ấy bà Thổ ti đi khắp tầng trên, tầng dưới, sai người tìm tôi.

Nếu cha ở nhà sẽ không ngăn cản những cuộc chơi như thế này của tôi. Nhưng mấy hôm nay mẹ ở nhà chủ trì công việc, mọi chuyện cũng khác. Cuối cùng, người giúp việc tìm thấy tôi trong vườn quả. Lúc ấy mặt trời đang lên, tuyết trắng càng chói chang hơn.Tay tôi đầy máu, đang gặm xương của những con chim nhỏ.Tôi đi cùng lũ con nhà gia nô về, con chó canh cửa ngửi thấy mùi máu, nó sủa vang. Vừa vào đến cửa, ngước lên đã thấy mẹ tôi trên gác, một khuôn mặt nghiêm khắc đang nhìn xuống. Mấy đứa trẻ con đám gia nô run sợ dưới cái nhìn của mẹ.

Tôi được đưa lên gác để hơ khô quần áo bên lò sưởi.

Trong giếng trời bỗng vang lên tiếng roi da vun vút. Âm thanh ấy nghe như tiếng chim ưng vút ngang trời.Tôi rất giận mẹ tôi, giận bà Thổ ti Mạch Kỳ. Mặt bà sưng lên như người đau răng, nói "Xương cốt trên người con không phải là của kẻ nghèo hèn!".

Xương cốt ở chỗ chúng tôi là điều vô cùng quan trọng, nó đồng nghĩa với nguồn cội.

Nguồn cội là một từ ngắn gọn "Ni".

Xương cốt là một từ ngữ kiêu hãnh "Hạt nhật".

Thế giới là nước, lửa, gió, không khí. Cấu thành nhóm người là xương cốt, hoặc là nguồn cội.

Nghe mẹ tôi nói và cảm nhận cái ấm áp của bộ đồ mới thay, tôi cũng suy nghĩ về chuyện xương cốt, cuối cùng không nghĩ ra được điều gì, nhưng nghe thấy hoạ mi trong bụng đang dang cánh, nghe tiếng roi da trút lên người lũ gia súc trong tương lai của tôi, nước mắt tuổi niên thiếu của tôi chảy tràn.

Bà Thổ ti cứ tưởng con trai bà đã hối hận, xoa đầu tôi, nói "Con ngoan, con phải nhớ, con có thể bắt chúng làm ngựa để cưỡi, làm chó để đánh, nhưng không thể coi chúng là người". Bà tự cảm thấy mình thông minh, nhưng tôi thấy người thông minh cũng có chỗ ngu dốt.Tuy tôi là đứa ngớ ngẩn, nhưng cũng có chỗ mà người khác không bằng. Vậy là mặt tôi vẫn đầy nước mắt, tôi bật cười khúc khích.

Tôi nghe thấy người quản gia, bà vú nuôi, cô hầu hỏi, hôm nay cậu làm sao thế? Tôi không nhìn họ.Tôi nghĩ, mình phải nhắm mắt lại.Thực tế mắt tôi vẫn mở, tôi kêu lên "Tôi mất mắt rồi!".

Ý tôi nói, tôi không trông thấy gì.

Đôi mắt của con trai nhà Thổ ti sưng đỏ, chỉ một chút ánh sáng thôi cũng làm nó cảm thấy đau như kim châm.

Lạt ma Môn Ba là người có y thuật nói, mắt tôi đau vì tuyết chói sáng. Ông sao một cành bách và một ít lá thuốc, xông cho tôi bằng thứ khói cay nồng, tôi cứ tưởng ông ta đang thay lũ chim hoạ mi trả thù tôi. Lạt ma còn đưa ảnh Bồ tát được vương đến treo ở đầu giường tôi. Chỉ lát sau, tôi vốn là đứa to mồm, nằm yên một chỗ.

Tỉnh dậy, Lạt ma Môn Ba lấy cho tôi một bát nước trắng. Ông đóng cửa sổ, bảo tôi mở mắt nhìn xem trong bát nước có gì không?

Tôi thấy có ánh sáng như sao trên bầu trời đêm. Nhìn kỹ lại, thấy nơi đáy bát có những hạt như hạt lúa căng tròn. Mầm của hạt lúa mạch đang nhả những bọt nước long lanh.

Nhìn một lúc, tôi cảm thấy mắt sạch sẽ, mát mẻ.

Lạt ma Môn Ba cúi lạy tạ ơn vị bồ tát được vương, thu xếp dụng cụ, lên gian thờ đọc kinh cho tôi.

Tôi chợp ngủ một lúc, rồi bị tiếng đập đầu vào cửa làm thức giấc. Mẹ Trạch Lang đang quỳ trước bà Thổ ti, xin bà tha cho đứa con tội nghiệp của bà. Mẹ hỏi "Đã thấy chưa?"

"Thưa bà con thấy rồi!".

"Thấy thật chưa?"

"Con thấy thật rồi ạ!".

Nhận được câu trả lời khẳng định, bà Thổ ti nói "Cởi dây trói thả thằng kia xuống, cho nó hai chục roi". Một người mẹ cảm ơn một người làm mẹ khác rồi đi xuống nhà dưới.Tiếng khóc của bà khiến người khác nghĩ đến mùa hè, từng đàn ông đang bay lượn bên giàn hoa.

Nhân lúc tôi chưa bay nhảy bốn phương, hãy nói về xương cốt chúng tôi.

Ở tất cả những nơi giáo pháp mà chúng tôi tôn thờ, xương cốt được coi là dòng giống.Thích ca Mâu ni xuất thân từ một dòng giống cao quý. Đó là Ấn Độ - bang mặc đồ trắng. Còn những nơi quyền lực tồn tại ở ta, Trung Quốc – bang đồ đen, xương cốt được coi như cái có liên quan đến bậc cửa, Cái từ khó mà giải thích cặn kẽ, đại khái chỉ cái cửa mở ở nơi cao hay thấp. Nếu đúng như vậy, cửa của nhà Thổ ti phải mở ở một nơi thật cao. Mẹ tôi vốn là con gái một nhà nghèo hèn, sau khi về nhà Thổ ti Mạch Kỳ bà rất chú trọng chuyện này. Bà rồi muốn nhét đầy đầu đứa con ngu ngốc những điều ấy.

Tôi hỏi mẹ "Cửa cao như thế, lẽ nào chúng ta có thể ra vào cái nơi chót vót tận mây xanh kia?"

Bà chỉ cười đau khổ.

"Vậy thì chúng ta không phải là Thổ ti mà là Thần tiên".

Đứa con ngớ ngẩn của bà nói với bà như vậy. Bà cười thất vọng, đồng thời khiến tôi cảm thấy điều tiếc nuối khổ đau trong lòng.

Nhà của Thổ ti Mạch Kỳ rất cao. Bảy tầng lầu có thêm mái che, cộng thêm tầng hầm nhà giam, cao hai mươi trượng. Nhà cửa trong khuôn viên nối với nhau bằng những cầu thang và hành lang rối rắm phức tạp như thế sự và lòng người. Khuôn viên chiếm cứ một địa thế đẹp, nằm ngay đỉnh điểm long mạch, nơi hội tụ hai con sông, nhìn xuống phía dưới là hơn chục bản nhà làm bằng đá ngay bên bờ sông.

Người ở trong những làng bản gọi là Khơ-ba. Mấy chục hộ cùmg một loại xương, loại "hạt nhật". Ngoài việc cày cấy gieo trồng, họ còn phải vào làm những việc vặt vãnh mà Thổ ti gọi đến bất cứ lúc nào.Trong địa bàn ba trăm sáu mươi dặm đông tây và bốn trăm dặm nam bắc quanh nhà tôi, có hơn ba trăm làng bản, hơn hai ngàn hộ đảm nhận việc đưa thư, chạy giấy. Ngạn ngữ của các Khơ-ba nói: lửa đốt đít là thư lông gà của Thổ ti.Tiếng cồng của quan trên gọi đưa thư, chạy giấy, cho dù cha mẹ đang trút hơi thở cuối cùng thì vẫn phải bỏ đấy mà đi.

Nhìn theo lưu vực con sông có thể thấy các làng bản nối tiếp nhau kéo dài từ bờ sông đến tận chân núi. Họ sống bằng nghề cày cấy và chăn nuôi gia súc. Mỗi bản đều có người đứng đầu với những cấp bậc khác nhau. Người trưởng bản cai quản cả bản, nhà Thổ ti chúng tôi cai quản trưởng bản, trưởng bản cai quản dân đen. Đó là giai tầng của một cộng đồng người. Đó cũng là người của một loại xương cốt. Người của giai tầng ấy có thể lên cao, thay đổi, khiến cho xương cốt của mình vì giòng máu quý tộc tràn đầy mà trở nên quan trọng hơn. Nhưng khả năng lớn nhất là tụt xuống, một khi tụt xuống thì khó lòng gượng dậy nổi. Vì Thổ ti thích người dân tự do biến thành nông nô mất tự do. Nông nô là gia súc, có thể bán mua, có thể sai khiến tuỳ ý. Hơn nữa, để biến một người tự do thành nông nô thật vô cùng đơn giản, chỉ cần định ra những luật lệ cấm kỵ đối với những việc con người dễ phạm sai lầm nhất. Điều này còn dễ dàng hơn việc đặt bẫy của người thợ săn có kinh nghiệm.

Mẹ của Trạch Lang là người như thế.

Bà vốn là con gái một dân thường, vậy bà phải là một người dân thường được tự do. Làm một người dân thường, Thổ ti muốn sai bảo phải thông qua trưởng bản. Nhưng bà có con trước khi cưới, bà phạm vào luật có con riêng để rồi bản thân và đứa con trở thành nô lệ nhà Thổ ti.

Sau này có người viết sách nói Thổ ti không có luật pháp. Đúng vậy, chúng tôi không viết những điều ấy ra giấy, nhưng nó là luật lệ, không cần viết ra cũng thành điều khắc cốt ghi tâm.Thậm chí nó còn hiệu lực hơn khối cái ngày nay viết ra giấy.Tôi hỏi: chẳng phải thế hay sao? Một tiếng nói khẳng định từ một nơi rất xa vọng lại, tiếng nói rất long trọng: đúng vậy, đúng vậy!

Tóm lại, những quy định thời xưa của chúng tôi chỉ có thể làm con người đi xuống chứ không thể đi lên. Người có xương cốt cao quý là những nhà nghệ thuật đặt ra những quy định đó.

Xương cốt chia con người thành cao thấp.

Thổ ti.

Dưới Thổ ti là trưởng bản.

Trưởng bản cai quản dân đen.

Sau đấy mới đến Khơ-ba (người chạy giấy, sai vặt chứ không phải sứ giả mang thư), sau đấy là gia nô. Ngoài những loại đó ra còn có loại người mà địa vị có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Họ là tăng lữ, nghệ nhân làm nghề thủ công, thầy mo, nghệ nhân hát xướng. Đối với những loại người này, Thổ ti có phần nới tay hơn, chủ yếu họ đừng làm cho Thổ ti có cảm giác phải khó xử đối với họ.

Một vị Lạt ma nói với tôi: người Tạng ở trong những lều lán vùng núi tuyết, lúc đối mặt với tội ác, không phân biệt phải trái, giống như sự im lặng của người Hán, những lúc không có gì vui vẻ lại tỏ ra vui vẻ như người Ấn Độ.

Trong ngôn ngữ của chúng tôi gọi Trung Quốc là "Gia Na", có ý nói là bang mặc đồ đen.

Gọi Ấn Độ là "Gia Cơ", có nghĩa là bang mặc đồ trắng.

Vị Lại ma ki về sau bị Thổ ti Mạch Kỳ trị tội, vì ông ta suy nghĩ đến những vấn đề mọi người không cần phải đi sâu tìm hiểu. Ông ta bị cắt lưỡi, bị đau đớn không thể nào tả nổi rồi mới chết. Về chuyện ấy tôi nghĩ, trước Thích Ca Mâu Ni, là thời đại tiên tri, sau đấy, chúng ta không cần dùng đầu óc chúng ta để suy nghĩ. Nếu anh cảm thấy mình là kiệt xuất, mà không phải xuất thân từ tầng lớp quý tộc, xin hãy làm một vị Lạt ma vẽ cho mọi người một bức tranh tương lai. Nếu anh cảm thấy có điều gì cần nói về hiện tại, về con người, thì hãy nói nhanh lên. Nếu không, đến khi mất lưỡi sẽ không còn nói được nữa.

Người chẳng thấy hay sao, cái lưỡi muốn nói điều gì đó thì đã bị nát.

Người dân thường đúng là có lúc muốn nói, nhưng những người đó phải chờ đến chết mới nói ra. Dưới đây là những lời hay trước lúc lâm chung:

Cho tôi một hớp rượu mật ong.

Hãy đặt vào lưỡi tôi một viên ngọc nhỏ.

Trời sắp sáng rồi.

Mẹ ơi, họ đến rồi.

Tôi không tìm thấy chân tôi.

Trời ơi, trời ơi.

Ma, ma!

Hãy chờ, hãy chờ.