Bức Thư Mất Trộm

Phần 4

Khi ông ta đã đi khỏi, anh bạn tôi cắt nghĩa cho tôi nghe:

- Cảnh sát Ba Lê rất giầu kinh nghiệm. Các nhân viên của họ khôn ngoan, chu đáo, biết hết mọi việc phải làm. Vì vậy, khi G tả cho chúng ta nghe về lối khám xét trong căn nhà của D thì tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài khéo của ông ta và tôi chắc ông ta đã làm đủ bổn phận về phương diện nghề nghiệp.

Tôi hỏi:

- Đủ bổn phận về phương diện nghề nghiệp ư?

Đỗ Văn nói:

- Đúng, những cách đó không những là những cách hay nhất mà còn có thể nói là hoàn toàn nhất nữa. Nếu bức thư được giấu ở trong vùng bị khám xét, thì chắc hẳn những nhân viên của ông ta đã tóm được rồi, điều đó tôi không còn nghi ngờ gì nữa.

Tôi mỉm cười, nhưng Đỗ Văn vẫn có vẻ rất nghiêm trang, anh tiếp:

- Vậy những kỹ thuật của họ ứng dụng vào việc tìm kiếm này thì rất tốt và đã được thi hành đúng đắn, nhưng chỉ có một lỗi lầm lớn là họ lại đem áp dụng không đúng chỗ, nghĩa là không thể dùng vào trường hợp tên D được ; điều đó viên cảnh sát trưởng lại không hiểu.

Trước đây tôi có quen một thằng bé lên tám, nó biết chơi trò chẵn lẻ một cách khôn ngoan không thể tưởng tượng được, đến nỗi mà ai ai cũng phải thán phục. Trò chơi này giản dị lắm: chơi bằng các viên bi. Một người cầm trong tay một số bi và hỏi người kia : “Chẵn hay lẻ?”. Nếu người kia đoán đúng, hắn sẽ được thưởng một viên, còn nếu hắn thua thì sẽ mất một viên bi. Thằng bé mà tôi quen đó, nó thắng tất cả các bạn và ăn hết bi của cả trường. Dĩ nhiên là nó phải có một cách riêng để đoán biết tâm lý của đối phương.

Giả tỉ địch thủ của nó là một tên hết sức thộn, giơ bàn tay ra hỏi nó : “Chẵn hay lẻ?” Thằng bé trả lời : “lẻ” và nó thua. Nhưng đến lần thứ hai nó sẽ thắng vì nó nghĩ là : “Thằng ngu kia lần đầu đã để số chẵn, và lần thứ hai, nó chỉ khôn lanh tới mức đổi sang số lẻ mà thôi, vậy nếu ta nói số lẻ nữa thì ắt phải thắng”. Thế là nó nói : “lẻ” và nó thắng.

Bây giờ, với một địch thủ khôn ngoan hơn chút đỉnh, nó sẽ lý luận khác hơn, như sau : “Tên này đã thấy rằng lần đầu ta nói lẻ và bị thua, lần thứ hai hắn sẽ nghĩ trước hết đến việc đổi chẵn thành lẻ như thằng ngu kia, nhưng suy tính lại, hắn sẽ thấy rằng nếu vậy thì giản dị quá, và sau cùng hắn sẽ quyết định vẫn giữ số chẵn như lần trước, vậy ta phải nói chẵn”. Rồi nó nói : “chẵn” và lại thắng. Bây giờ, bạn bè nó đều tưởng là nó gặp may nhưng mình biết rằng đó chỉ là một lối suy luận, vậy theo anh đó là lối gì thế?

Tôi trả lời:

- Đó chỉ là lối tự đặt mình vào địa vị của kẻ kia để suy nghĩ.

Đỗ Văn nói:

- Đúng đấy, và khi tôi hỏi thằng bé coi làm cách nào có thể tự đặt mình vào địa vị đối thủ một cách hoàn hảo như thế, nó trả lời như sau:

- “Khi tôi muốn biết người khác có thể khôn ngoan hay ngu ngốc đến mức độ nào, tử tế hay độc ác tới đâu, hay là lúc này kẻ kia đang nghĩ gì, thì tôi tự tạo ra một vẻ mặt rất giống với vẻ mặt của người kia, và tôi đợi xem trong đầu tôi sẽ nghĩ gì hay trong tim tôi sẽ có cảm giác nào, như là để thích ứng với vẻ mặt của tôi vậy”. Câu trả lời của thằng học trò hàm chứa một ý nghĩa tâm lý rất sâu xa.

Tôi hỏi:

- Vậy là muốn đặt mình vào địa vị của kẻ kia, thì phải hiểu đúng mức độ tri thức của kẻ đó?

Đỗ Văn trả lời:

- Thực tế thì phải như vậy, và nếu viên cảnh sát trưởng và cả nhóm họ bị lầm lẫn, trước hết là vì họ thiếu cái việc đặt mình vào địa vị của D, hai nữa, là họ không hiểu được trí thông minh của D, hay đúng hơn, họ không tìm hiểu. Họ chỉ nhìn thấy những sáng kiến hay ho của họ ; và khi họ tìm kiếm một vật, họ chỉ nghĩ đến những phương tiện mà chính họ, họ sẽ dùng, nếu họ muốn giấu vật đó. Họ rất có lý, vì những sự khôn ngoan của họ chính là sự khôn ngoan của phần đông mọi người ; nhưng, khi họ gặp một tên bất lương đặc biệt mà đầu óc sắc sảo khác thường, thì tất nhiên là họ sẽ bị tên này lừa bịp.

Chuyện đó rất thường xảy ra, vì họ không chịu thay đổi lối lục soát của họ. Cùng lắm, như trong trường hợp có phần thưởng rất to chẳng hạn, thì họ cũng chỉ khám xét kỹ lưỡng hơn, nhưng vẫn theo cùng một phương pháp cũ kỹ đó, và không chịu thay đổi một tí nào cả.

Ví dụ như trong trường hợp của D này, thử hỏi họ đã làm gì để thay đổi? Tất cả những công việc như lục lọi, đục bàn ghế, dò bằng kim, nghiên cứu bằng kính lúp đó là gì, nếu đó không phải là làm quá lố, trong lúc áp dụng các phương pháp khám nghiệm của họ? Anh có để ý thấy là ông ta nghĩ rằng tất cả mọi người, nếu muốn giấu một bức thư, đều khoan một lỗ trong một chân ghế, hay ở một chỗ nào đó không?

Và anh có thấy là một chỗ giấu đặc biệt như vậy chỉ được dùng khi người ta có một trí thông minh bình thường và trong trường hợp bình thường, vì cái lối giấu đồ vật quái đản đó rất dễ bị khám phá. Chả cần phải tinh khôn gì cả và chỉ cần một chút kiên nhẫn và cương quyết là người ta tìm ra ngay. Nhưng trong trường hợp quan trọng – nghĩa là đối với cảnh sát thì phần thưởng phải lớn – ta sẽ thấy ngay là các đức tính vừa kể chả dùng được việc gì cả. Bây giờ chắc anh đã hiểu vì sao tôi nói đến bức thư nằm trong vùng khảo sát của cảnh sát, nghĩa là nếu nó được giấu theo những phương pháp thông thường mà cảnh sát đã biết, thì họ đã tìm được nó rồi. Nhưng viên cảnh sát trưởng đã phải chịu thua, và lý do chính là vì ông ta đã xét đoán nhầm về tên bộ trưởng. Ông ta cho D là một tên điên, vì hắn được mọi người gán cho danh nghĩa là thi sĩ, và dưới mắt của viên cảnh sát trưởng thì tất cả các thi sĩ đều điên.

Tôi hỏi:

- Nhưng có thật hắn là một thi sĩ không đã chứ? Tôi biết họ có hai anh em, và cả hai đều có danh tiếng trong giới văn chương. Tôi nhớ hình như viên bộ trưởng đã viết một cuốn sách về cách tính vi phân và tích phân thì phải. Vậy hắn là nhà toán học chứ đâu phải là nhà thơ.