Bức chúc thư bằng mật mã

Chương XII

Những người "Bạn đồng hành" và Gămbađu luồn vào bụi cây, theo con Ka-phi đã vạch lối. Họ đến sát một vật mà La Ghiơ đã trông thấy: đó là chiếc hộp bằng kim loại, chắc là chiếc hộp đựng bánh bích quy mà ngày xưa người ta dùng để bảo quản bánh cho khỏi ẩm, chiếc hộp dính bết bùn nhưng nó còn có một cạnh ánh lên. Đó là phản chiếu của kim loại dưới ánh đèn đã đập vào mắt của La Ghiơ.

Nha-phơ-rông "oắt con" thử nâng lên nhưng rất nặng mặc dù khối lượng của chiếc hộp không lớn. Chiếc hộp ì ra dường như nó dính với đất.

- Tông-đuy, giúp một tay, nào ông Tông-đuy to béo, nào!

Hai đứa loay hoay mãi mới nhấc lên được để đặt lên đống lá khô. Gămbađu chắp tay lại, nói lắp bắp:

- Báu... báu vật của tôi. Các ... các anh mở... mở ra mau!

Ti-đu còn do dự. Tốt nhất là để việc này cho cảnh sát họ mở.

- Không, không! - Gămbađu nài nỉ - Mở ngay ra!

Anh quỳ xuống đất. Những ngón tay cong lại nậy chiếc nắp ra mà không được; nó rất chặt, nhưng rồi cuối cùng cũng bật ra được.

- Vàng! Vàng! Trời đất ơi, vàng của chú tôi!

Những người "Bạn đồng hành" cũng vậy. Những thỏi vàng óng ánh dưới ánh đèn pin đập vào mắt họ, làm họ ngạc nhiên, choáng váng.

- Vàng! Vàng! - Gămbađu nhắc lại, mặt tái xanh vì cảm động - Các bạn để cho tôi mang đi. Nó là của tôi.

Hai tay anh ta nhấc chiếc hộp nhưng không đủ sức, anh để nó rơi xuống, những thỏi vàng bật ra. Những người "Bạn đồng hành" đếm được mười bảy thỏi và cái túi nhỏ đã mục nát rơi ra năm chục đồng tiền vàng, tiền Na-pô-lê-ông.

- Giúp tôi với! - Gămbađu khẩn nài - Của cải này là của tôi; tôi muốn được đem về nhà tôi.

Tông-đuy cố gắng nói cho anh ta hiểu rằng dù của cải này đã trở về với anh nhưng sự tìm ra được cũng phải báo cho cảnh sát biết.

Trong khi các bạn lượm những thỏi vàng và tiền vàng bỏ lại vào hộp thì Ti-đu đưa mi-cơ-rô của máy bộ đàm lên môi:

- Alô? Ma-đi

- Alô! Ti-đu!

- Một phát hiện "tuyệt vời" như Tông-đuy đã nói. Kho báu đã được tìm thấy trong chiếc hộp bằng sắt không rỉ. Nhờ có Ka-phi đấy. Mười bảy thỏi và một số tiền vàng...

- Ở đâu?

- Trong rừng, ở bên kia hồ. Tên kẻ trộm đã đi vòng quanh để giấu của cải trong bụi. Hắn sợ không dám mang về phòng hắn ở quán trọ.

- Về đây nhanh lên! Một mình tớ, tớ không thể làm gì được nếu hắn chạy trốn trong đêm khuya.

- Bọn mình sẽ đến ngay.

Nhưng khi sắp quay lại, Ti-đu lúng túng tự hỏi: Hẳn là Ma-đi không thể bắt được tên trộm nhưng tại sao hắn lại rời quán trọ trong đêm khuya khi hắn đã tin rằng hắn đã cất dấu của cải vào nơi chắc chắn nhất? Hiện nay không có gì phải vội. Vấn đề là tên khách trọ mới đến hôm qua không thể đi trước sáu giờ như nó đã báo trước.

- Vậy thì tốt nhất là chúng mình nán lại tại chỗ mà chờ hắn - Bít-xtếck nói.

Tông-đuy vừa vắt kiệt chiếc mũ nồi sũng nước vừa nghĩ:

- Dù sao thì Ma-đi đã nhầm, lẫn lộn cái bóng này với bóng khác. Tốt nhất là chúng ta chia thành hai nhóm.

- Đồng ý! - Ti-đu nói - Ba cậu Bít-xtếck, Tông-đuy và La Ghiơ chốt gần bụi rậm vài ba bước im lặng chờ, không được gây ra tiếng động. Các cậu cầm lấy máy bộ đàm của tớ, còn tớ sẽ dùng máy của Ma-đi khi tớ và Nha-phơ-rông đã về đến làng. Anh cũng vậy, anh Gămbađu ạ, anh ở lại mà trông nom của thừa kế của anh!

- Còn Ka-phi thì sao? - Bít-xtếck hỏi - Cậu cũng đem nó đi à? Nó có ích cho bọn tớ hơn cậu đấy nếu như tên đó trở lại tìm của.

- Sao? Những ba người, à mà bốn cơ đấy thế mà không kiềm chế được hắn hay sao?

- Kẻ tội phạm là một người thì không sao, nhưng lỡ ra cả hai vị địa chất đó thì làm thế nào?

- Thôi đồng ý. Tớ để Ka-phi lại cho các cậu nhưng nếu tớ cần đến thì tớ sẽ gọi nó đến bằng chiếc còi cực kêu đấy.

Nói xong Ti-đu và Nha-phơ-rông về làng. Mặc dù đang đêm tối bọn họ cũng dễ dàng nhận ra túp lều mà không khó khăn gì, nơi một mình Ma-đi tiếp tục canh gác một cách cẩn thận.

- Không có ai rời quán ăn cả - Ma-đi thông báo - Các cậu đã tìm được kho báu thì chúng ta phải báo ngay cho cảnh sát chứ?

- Sao? Chúng ta gọi điện thoại ở đâu, ở Mô-bơ-rắc lúc ba giờ sáng này ư?

- Đơn giản thôi. Chúng ta đánh thức bà Coóc-bu, chủ quán trọ dậy. Bà ấy sẽ gọi đến Xanh-phơlua giúp chúng ta.

Ti-đu suy nghĩ:

- Như vậy không khôn ngoan đâu. Tất cả quán hàng sẽ thức dậy. Tên kẻ trộm hiểu ra ngay là người ta đang truy lùng hắn.

- Thế cậu nghĩ về chúng mình như thế nào. Chúng mình nhất định không cho hắn đi.

- Nhưng hắn sẽ chối bay đi chứ. Hắn đã dấu vàng ở bên ngoài quán trọ và người ta không tìm thấy gì có liên quan đến chuyện đó ở trong phòng của hắn cả. Hắn yên trí cái hộp đó đã dấu nơi chắc chắn; hắn sẽ đến lấy vào một lúc khác, nhưng chắc không phải đêm nay.

- Cậu nói có lý đấy Ti-đu ạ.

Ma-đi suy nghĩ rồi bỗng nhiên quyết định:

- Mình lấy xe máy đi ngay bây giờ lên Xanh-phơlua đây. Chỉ trong vòng một giờ là cảnh sát sẽ đến thôi.

- Đừng Ma-đi! Cậu không đi được - Nha-phơ-rông khuyên can.

- Trái lại, chính mình phải đi. Mình biết đường. Mình biết cách phải trình bày như thế nào... mà mình cũng không sợ đêm hôm dâu.

Ma-đi chạy bộ về nhà trọ Ca-bơ-rét. Sau vài phút Ti-đu và Nha-phơ-rông đã thấy bóng Ma-đi và ánh đèn pha phóng xuống đường. Để tránh mọi tiếng động, cô không nổ máy mà chỉ dùng chân đạp. Khi đã cách xa quán ăn, cô mới khởi động máy, phóng nhanh trên con đường đi Xanh-phơlua.

- Bây giờ chúng mình chỉ còn lại hai mà Ka-phi lại không có đây, xoay xở ra sao đây - Nha-phơ-rông nói.

- Đừng lo! Chỉ chưa đầy ba phút đồng hồ thì con chó của tớ sẽ có mặt tại đây, cậu biết rồi đấy, nó chạy nhanh như tên bắn!

Thời gian cứ thế trôi đi nhanh chóng; Ti-đu chốc chốc lại xem đồng hồ:

- Đã bốn giời mười phút rồi!

Cậu cầm máy bộ đàm của Ma-đi giao lại:

- Alô?... Tông-đuy đây!

- Alô, mình nghe đây.

- Có gì mới ở rừng không?

- Chẳng có gì cả. Ka-phi không đánh hơi, không báo hiệu thêm một động tĩnh gì nữa.

- Gămbađu đang làm gì?

- Ông ấy đang trông nom của cải của ông ấy. Thế còn ở quán ăn trên đó ra sao?

- Cũng chẳng có gì thêm. Ma-đi vừa phóng đi Xanh-phơlua báo cảnh sát. Thôi, tớ cúp máy đây.

- Ôkê!

Sự chờ đợi lâu bao giờ cũng sốt ruột. Cơn giông đêm rồi dã làm cho thời tiết dịu lại. Càng về gần sáng không khí lại cành se lạnh. Nha-phơ-rông và Ti-đu run rẩy trong áo mưa ướt sũng.

Lần này thì cả hai cậu thật sự lo lắng. Ma-đi ra đi đã được bốn mươi lăm phút. Ở tận hướng đông sau rừng cây thưa đã le lói ánh sáng lờ mờ của bầu trời gần sáng.

Ngồi sát bên nhau trong lều, mỗi người lặng lẽ suy nghĩ theo ý riêng của mình. Đối với Nha-phơ-rông thì tên kẻ trộm là một trong hai nhà địa chất... mà cũng có thể là hai... hay biết đâu lại là người khách mới đến và sẽ ra đi lúc sáu giờ như Ma-đi ngờ ngợ. Ti-đu thì băn khoăn cho rằng Ma-đi có thể nhầm. Mặc dù cậu chưa tìm ra hiện tượng nhưng cậu cũng có nghĩ đến Sác-chi-ê, con người "sầu muộn" tuy người này đang bị bệnh cúm thì có thể không ra khỏi giường. Riêng người hoạ sĩ theo cậu thì không gì đáng ngờ.

Năm giờ ba mươi phút!... Chỉ còn một lát nữa, người khách trọ thắt chiếc nơ hình bướm sẽ ra đi mà cảnh sát thì chưa thấy đến.

- Chúng ta phải làm gì đây? Nha-phơ-rông sốt ruột - Nếu cảnh sát không đến?

- Chẳng làm gì được. Chúng ta không thể bắt vì không có chứng cứ. Bắt nhầm, người ta kiện và như vậy sẽ phải trả giá ... rất đắt.

Năm giờ bốn mươi!... Rồi sáu giờ! Bỗng nhiên có ánh sáng bật lên trên lầu một. Nha-phơ-rông nhẹ nhàng lẻn ra khỏi lều. Vượt qua đường rồi đứng trên hè đối diện, nhìn lên cửa sổ. Cậu trở lại ngay với Ti-đu và nói:

- Hắn đang cạo râu. Lát nữa hắn đi, dù sao thì chúng ta không thể để hắn di! Này, Ti-đu! Cậu quyết định đi chứ nếu cảnh sánh không đến.

Ti-đu suy nghĩ rồi lấy máy bộ đàm ra.

- Alô? Tông-đuy?

- Alô. Nghe đây!

- Người đàn ông thắt nơ con bướm sẽ ra đi trong vài ba phút nữa mà cảnh sát thì chưa đến. Tớ gọi Ka-phi lại đây. Đừng giữ nó lại nghe!

- Okê! Tớ thả nó ngay đây.