BÓNG MA GIỮA TRƯA

Chương 5

Buổi tối hôm ấy mang lại cho tôi dự tưởng một giai đoạn mới đầy khó khăn đang bắt đầu với tôi. Nhưng thật lạ, tôi không cho rằng thái độ của Emilia đã đưa đến những hậu quả ấy. Rõ ràng là nàng đã tỏ ra lạnh lùng, lãnh đạm và hoàn toàn đúng là chẳng thà tôi tữ chối còn hơn chấp nhận mối tình như thế. Nhưng tôi yêu nàng và tình yêu có khả năng kỳ diệu mang lại cho ta không những ảo tưởng mà còn cả sự chóng quên. Ngay ngày hôm sau, cái sự việc xảy ra đêm hôm trước ấy, mà sau này tôi mới nhận ra là mang rất nhiều ý nghĩa, chẳng hiểu vì sao, đối với tôi, không còn gì là quan trọng hoặc nặng trĩu hằn học nữa, trái lại, trở nên tầm thường ngang mức độ một bất đồng ý kiến nhỏ nhoi mà thôi. Sự thật là người ta dễ dàng quên những gì mà người ta không muốn nhớ, và hơn nữa, tôi nghĩ rằng Emilia cũng có góp phần vào sự chóng khuây của tôi, bởi vì sau đó ít ngày, tuy Emilia vẫn khăng khăng đòi ngủ riêng, nàng không còn từ chối để tôi yêu nàng nữa. Đúng ra, vào lần đó, nàng lại tỏ ra lạnh lùng, thụ động, điều trước đây đã làm tôi nổi khùng lên, nhưng như đã từng xảy ra nhiều lần, cái mà tôi cho rằng không thể chịu đựng được vào đêm trước, chỉ vài ngày sau, đối với tôi, lại trở nên không những có thể chịu đựng được mà còn làm tôi hài lòng nữa. Thật tình tôi đang sống trong cõi đảo điên mà không hay biết, nơi mà sự lạnh nhạt của ngày hôm trước hôm sau đã được xem là tình yêu nồng đượm, nhờ những lý lẽ dối trá và tâm trạng ngóng trông những ảo tưởng. Vào đêm hôm trước, tôi đã cho rằng Emilia cư xử như một ả đĩ, nhưng chỉ chưa đầy một tuần sau, tôi đã bằng lòng yêu nàng và để nàng yêu lại đúng bằng cách đó. Và kể từ đó, tận trong sâu thẳm của cõi lòng, có lẽ do vì sợ rằng sẽ không còn ham muốn tôi nữa, tôi đâm ra cảm thấy hàm ơn nàng về thái độ lạnh nhạt, nóng nảy và thụ động của nàng, cứ như thể đó là thái độ bình thường trong chuyện chăn gối của chúng tôi.

Nhưng nếu tôi vẫn tiếp tục tự đánh lừa mình là Emilia vẫn còn yêu tôi như trước đây, hay đúng hơn, nếu tôi không muốn tự vấn về tình yêu ấy, vẫn có một điều để lộ cho thấy tâm trạng của tôi đối với những thay đổi đã xảy ra giữa hai chúng tôi. Cho đến nay, tôi đã từ bỏ những tham vọng kịch trường và chỉ chí thú chăm lo công việc điện ảnh với mục đích duy nhất là thoả mãn ao ước của Emilia có được một ngôi nhà riêng. Bao lâu tôi còn tin được rằng Emilia yêu tôi, công việc viết kịch bản đối với tôi không phải là quá nặng nhọc, nhưng sau sự việc tối hôm ấy,tôi cảm thấy một cảm giác chán nản, bứt rứt, kinh tởm đã len vào. Thật ra, như tôi đã nói ở trên, tôi đã chấp nhận công việc này, hoặc bất kỳ công việc nào khác, kể cả những công việc không phù hợp nhất và làm tôi càng phải xa rời những sở thích của riêng tôi, đơn giản chỉ vì tôi quá yêu Emilia. Bây giờ tôi sắp đánh mất tình yêu ấy, công việc đã mất hết ý nghĩa biện minh của nó, mà theo tôi, chỉ còn là nô dịch, vô lý.

Tôi muốn nói đôi điều về công việc viết kịch bản để các bạn có thể hiểu rõ hơn những cảm xúc của tôi dạo ấy. Như mọi người đều biết, nhà văn viết kịch bản là người – thường là với sự cộng tác với một nhà văn khác hay với đạo diễn – viết ra kịch bản, tức là chất liệu sau đó sẽ được dựng thành phim. Trong kịch bản ấy, phù hợp với diễn biến của cốt chuyện, những cử chỉ, lời nói của diễn viên cùng những thao tác khác nhau của máy quay phim, tất cả đều được chỉ dẫn tỉ mỉ, theo từng phần một. Kịch bản, do đó, vừa là nội dung kịch trường, vừa là kỹ thuật điện ảnh, công tác thực hiện và đạo diễn, tóm lại, là tất cả. Bây giờ đây, mặc dù phần việc của nhà văn viết kịch bản là quan trọng nhất, và chỉ xếp sau công việc của đạo diễn, song, vì một lý do cố hữu trong cách phát triển cho đến nay của nghệ thuật điện ảnh, công việc ấy vẫn chỉ là công việc phụ và tối tăm, bạc bẽo. Nếu quả thật nghệ thuật được đánh giá trên quan điểm của sự  biểu hiện trực tiếp của nghệ sĩ – và, thật ra, còn có cách đánh giá nào khác hơn – nhà văn viết kịch bản là một nghệ sĩ đã đóng góp hết công sức của mình cho cuốn phim mà lại không bao giờ có được điều an ủi là biết được mình đã tự thể hiện như thế nào. Và vì vậy, với tất cả công việc đầy tính sáng tạo của mình, hắn  chả có thể làm gì hơn đóng vai một kẻ cung cấp những gợi ý và phát hiện ra những ý tưởng về kỹ thuật, tâm lý và văn chương. Công việc của đạo diễn chỉ là sử dụng những nguyên vật liệu ấy theo tài năng của riêng mình để tự thể hiện lấy. Nhà văn viết kịch bản, nói tóm lại, là kẻ luôn luôn đứng ở hậu trường và cống hiến phần tươi đẹp nhất của mình cho thành công của kẻ khác, là kẻ, dù đã tạo ra hai phần ba giá trị tài sản của cuốn phim, sẽ không bao giờ thấy tên mình được in kèm với tên đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất trên các áp phích quảng cáo. Quả có thể là hắn rất thành công trong vai trò cấp dưới này và được trả lương rất hậu, nhưng hắn không bao giờ có thể thốt lên "Chính tôi là người đã làm ra cuốn phim này…tôi tự thể hiện trong cuốn phim này…cuốn phim này là tôi". Câu đó chỉ dành cho đạo diễn, kẻ thật sự là người duy nhất ký tên lên cuốn phim. Nhà văn viết kịch bản, trái lại, phải tự bằng lòng làm việc vì đồng tiền nhận được, dù muốn dù không, đồng tiền đã trở thành cứu cánh đích thực và duy nhất của công việc hắn làm. Như vậy, tất cả những gì còn lại cho người viết kịch bản là hưởng thụ cuộc sống, nếu hắn có thể làm như thế, bằng đồng tiền, kết quả của công việc khổ sai của hắn; hắn chuyển từ kịch bản này sang kịch bản khác, từ một hài kịch sang một bi kịch, từ một phim phiêu lưu snag một phim tình cảm, không gián đoạn, không ngưng nghỉ, tương tự như một bà vú chăm sóc hết đứa bé này sang đứa bé khác và không bao giờ có đủ thì giờ để kịp yêu thương lấy một đứa; cuối cùng kết quả của bao công lao của bà đều hoàn toàn do bà mẹ hưởng, bà mẹ là người duy nhất có quyền gọi đứa bé là con mình.

Ngoài những bất lợi có thể xem là cơ bản và cố hữu như trên, nhà văn kịch bản còn gặp nhiều bất lợi khác, tuy có thể không giống nhau mà thay đổi theo phẩm chất hay thể loại phim và theo người cộng tác, không kém phần phiền tóai. Không giống như đạo diễn được hưởng khá nhiều độc lập và tự do trong quan hệ với nhà sản xuất, người viết kịch bản chỉ có thể hoặc chấp nhận hoặc từ chối công việc người ta đề nghị với hắn, nhưng một khi đã chấp nhận, hắn không có quyền lựa chọn người cộng tác, người ta chọn hắn, hắn, hắn không có quyền chọn ai. Và vì thế, do để thuận lợi cho công việc, do những cái thích hoặc không thích, hay do tính khí bất thường của đạo diễn, hay do những run rủi của số phận, người viết kịch bản phải làm việc với bất kỳ ai, với những kẻ kém hơn hắn nhiều về văn hoá hay giáo dục, những kẻ mà tư cách hoặc tính nết có thể làm cho hắn phát khùng lên được. Phải nói là làm việc chung cho một kịch bản không giống như làm việc chung trong một cơ quan, trong một nhà máy, nơi mỗi người có phần việc riêng của mình để làm một cách độc lập với người bên cạnh, và những quan hệ riêng tư được tiết giảm đến mức thấp nhất hay có thể triệt tiêu luôn. Cùng làm việc cho một kịch bản có nghĩa là sống với nhau từ sáng đến khuya, là đem kết hợp, hoà nhập trí thông minh, cảm xúc và tinh thần của mình với những người cộng tác kia, tóm lại, là tạo nên, trong suốt hai hay ba tháng kéo dài của công việc, một mối tình thân giả tạo với mục đích duy nhất chỉ là để làm ra cuốn phim, và qua đó, kiếm được tiền. Hơn thế nữa, mối tình thân này lại thuộc loại cực kỳ tệ hại, nghĩa là nó làm ta phải mệt nhoài, cáu bẳn và chán ngấy đến mức tồi tệ nhất, vì mối quan hệ này không được xây dựng trên công việc làm trong yên lặng, như trường hợp các nhà khoa học cùng khảo sát chung một thí nghiệm chẳng hạn, mà trên lời nói. Thường thường, đạo diễn tập hợp các cộng sự viên lại từ sáng sớm, vì thời gian chuẩn bị cho một kịch bản luôn cập rập, và từ sáng sớm cho đến nửa khuya, các tay viết kịch bản không làm việc gì khác ngoài việc nói, nói luôn miệng, cho dù vẫn không xao nhãng công việc, do tính ba hoa hay cũng do bị mệt, lang bang qua đủ mọi đề tài. Người này kể những câu chuyện tục tĩu, người kia huênh hoang về những tư tưởng chính trị của mình, người nọ phân tích tâm lý một nhân vật quen thuộc nào đó, người khác nói về các diễn viên nam và nữ, người khác nữa trút hết những chuyện riêng tư của mình, trong lúc đó, căn phòng làm việc của họ ngập ngụa khói thuôc lá, các tách cà phê chất thành chồngcao, ngổn ngang giữa các trang bản thảo. Về phần các nhà văn, buổi sáng họ đến đây bảnh bao, chải chuốt, tóc rẽ mượt, đến tối lại, họ xốc xếch, ướt đẫm mồ hôi và sơ mi xắn tay trông họ còn thảm hại hơn, như vừa qua một trận cố gắng cưỡng dâm một người đàn bà mắc chứng lãnh cảm. Và quả thật, cái lối rập khuôn máy móc để tạo ra một kịch bản chỉ là một hình thức cưỡng dâm trí thông minh, vì nó bắt nguồn từ một chủ tâm và vụ lợi hơn là từ một cảm xúc lôi cuốn hay thiện cảm. Tất nhiên, cuốn phim vẫn có thể có chất lượng cao, đạo diễn và các cộng sự viên đã gắn bó với nhau từ trước bằng sự nể nang, tình bằng hữu và công việc tiến triển trong những điều kiện lý tưởng, như trong mọi sinh hoạt khác vốn thường khó chịu của con người, nhưng những phối hợp thuận lợi như vậy thường rất hiếm, hiếm như những cuốn phim hay. Chính sau khi tôi ký hợp đồng kịch bản phim thứ hai – lần này không phải với Battista mà với một nhà sản xuất khác – lòng can đảm và quyết tâm bỗng mất đi nơi tôi, và với mối kinh tởm, khó chịu càng lúc càng tăng, tôi bắt đầu bực bội với những thiệt thòi tôi vừa kể trên. Mỗi ngày qua, từ lúc tôi thức dậy, là một hoang mạc khô cằn, không một ốc đảo dành cho giây phút trầm tư hay nhàn rỗi, liên tục bị thiêu đốt dưới ánh nắng tàn nhẫn của nguồn cảm hứng cưỡng bách của điện ảnh. Ngay khi tôi bước vào nhà lão đạo diễn và hắn đưa tôi vào văn phòng với những câu chào đón, đại loại như "Sao? Đêm qua bạn đã nghĩ gì về chuyện đó? Bạn có tìm được giải pháp nào không?" Tôi đã cảm thấy buồn chán và muốn phản ứng lại. Đoạn, trong quá trình làm việc, mọi điều lại trở nên tồi tệ với những nóng nảy, bực bội và chán nản, những màn tán nhảm dài lê thê giữa đạo diễn và các nhà văn cốt để nhẹ bớt những tranh cãi triền miên, như tôi đã nhắc đến ở trên, sự thiếu thông cảm, sự trì độn hay những bất đồng vụn vặt với các cộng sự viên của tôi trong quá trình viết kịch bản và ngay cả những lời khen tặng đạo diễn dành cho từng sáng kiến hay quyết định nào đó của tôi, những lời khen tặng mà tôi nghe rất là cay đắng, vì, như tôi đã nói, tôi cảm thấy tôi đang cho đi tất cả những gì hay ho nhất của tôi để đánh đổi lấy điều không liên quan gì đến tôi và tôi cũng chẳng màng hào hứng tham dự vào. Điều thiệt thòi này đối với tôi vào lúc đó thật ra lại là điều khó chịu đựng nhất. Cứ mỗi lần cái gã đạo diễn ấy, với cái giọng dung tục, như thường nghe thấy nơi nhiều người thuộc hạng như hắn, nhảy dựng lên và la lớn "Hoan hô! Anh bạn thật tuyệt vời!" là tôi lại không tránh được cái ý tưởng khinh khỉnh "Lẽ ra, ta nên để dành cái này cho một vở bi kịch hoặc hài kịch của riêng ta". Vậy mà, một cách mâu thuẫn kỳ quặc và cay đắng, mặc dù vẫn lấy làm kinh tởm, tôi vẫn chưa bao giờ thiếu sót trong bổn phận của tôi. Kịch bản phim khá giống như những cỗ xe tứ mã ngày xưa, mà trong bầy ngựa, có vài chú nào đó, khoẻ hơn, hăng hơn, thật sự kéo xe chạy, trong khi những chú kia chỉ giả vờ kéo, hoặc đúng hơn, để cho đồng loại lôi đi. Tôi, bất chấp mọi nỗi chán chường, luôn là chú ngựa kéo xe hăng hái ấy, hai gã kia, lão đạo diễn và thấy anhà văn đồng nghiệp kia, mỗi khi phải đương đầu với một khó khăn, đều luôn chờ đợi tôi giải quyết, điều mà tôi sớm nhận ra ngay. Và mặc dù trong thâm tâm, tôi nguyền rủa sự tận tuỵ và sốt sắng của mình, tôi vẫn không do dự và, với một cảm hứng bất chợt, luôn đưa ra được một đáp án cần thiết Tôi không làm việc đó vì bị thôi thúc bởi tinh thần ganh đua mà đơn giản do lòng ngay thẳng của tôi, vốn mạnh mẽ hơn bất kỳ một ý muốn nào khác ngược lại, tôi được trả tiền, vậy, tôi phải làm việc. Nhưng cứ mỗi lần như vậy, tôi lại cảm thấy xấu hổ cho chính mình, và có cái cảm giác vừa hám lợi vừa tiếc rẻ, cứ như thể là vì một dúm  tiền, tôi đã làm hỏng đi một cái gì đó vô giá mà lẽ ra, tôi đã có thể dùng vào những việc khác nghìn lần tốt đẹp hơn.

Như tôi đã nói, phải đến hai tháng sau khi ký bản hợp đồng đầu tiên với Battista, tôi mới nhận ra những thiệt thòi ấy. Thoạt tiên, tôi không hiểu vì lẽ gì tôi đã không nhận ra cái điều hiển nhiên ấy ngay từ đầu mà phải mất bao nhiêu thời gian mới sáng mắt ra. Và khi vẫn còn đai dẳng trong tôi cái cảm giác ghê tởm đối với những công việc mà trước đây tôi vẫn thường ao ước, tôi không thể dần dà quy kết cho nó có liên quan đến mối liên hệ giữa Emilia và tôi. Sau hết, tôi hiểu ra rằng công việc làm tôi chán chường bởi vì Emilia không còn yêu tôi nữa, hoặc chí ít, làm ra vẻ không còn yêu tôi nữa. Tôi đã đương đầu với công việc một cách can đảm và tin tưởng cho tới khi mà tôi còn có thể tin chắc vào tình yêu của Emilia. Bây giờ, khi tôi không còn vững tin vào tình yêu ấy, lòng can đảm và lòng tin đã bỏ rơi tôi và công việc đối với tôi chẳng còn gì hơn là nô dịch, phí phạm tài năng và làm mất thời gian.