BÓNG MA GIỮA TRƯA

Chương 19

Trong bữa ăn trưa, hầu như chúng tôi chẳng nói với nhau lời nào. Sự im lặng cũng như ánh nắng gay gắt ban trưa xâm nhập vào bên trong ngôi biệt thự, trời cao và biển cả lùa vào qua các cửa sổ làm loá mắt chúng tôi và làm chúng tôi cảm thấy xa cách nhau. Màu xanh như một chất có thật có vẻ giống như đáy sâu của nước và chúng tôi ngồi dưới đáy biển, ngăn cách bởi cái chất lỏng sáng ngời, chập chờn ấy và không nói với nhau được. Hơn nữa tôi quyết định không đề cập với Emilia đến cuộc nói chuyện của chúng tôi trước thời hạn chiều nay, như tôi đã đề nghị. Có thể co trường hợp hai người ngồi đối diện nhau với một vấn đề quan trọng cần tranh cãi, họ không nghĩ đến chuyện gì khác ngoài vấn đề ấy. Chắc chắn đó không phải là trường hợp của chúng tôi. Tôi không nghĩ gì về cái hôn của Battista hay về mối quan hệ của chúng tôi. Và tôi tin chắc Emilia cũng vậy, nàng không nghĩ đến cái gì hết. Tất cả chỉ là tình trạng chờ đợi, sự mê muội, sự lãnh đạm đã làm tôi thiếp đi sáng nay trên bãi biển.

Ăn xong, Emilia đứng dậy, nói rằng nàng đi nghỉ và rời khỏi phòng ăn. Còn lại một mình, tôi ngồi im một lát, phóng tầm mắt qua cửa sổ, phía xa ra đường chân trời sáng ngời, nơi màu xanh của biển hoà lẫn với màu xanh thẫm của da trời, một chiếc tàu bé tí màu đen di chuyển trên đường chân trời, trông như một con ruồi bò trên một sợi dây căng thẳng, và tôi dõi mắt nhìn theo, nghĩ đến tất cả những gì đang xảy ra trên tàu vào giờ ấy – thủy thủ đang đánh bóng những đồ vật bằng đồng thau hoặc đang cọ rửa boong tàu, người đầu bếp rửa chén bát trong bếp, các sĩ quan có lẽ đang nấn ná ở phòng ăn, và trong phòng máy, những người thợ đốt xoay trần đang xúc than cho vào lò. Ấy là một chiếc tàu bé nhỏ, và khi tôi nhìn nó, ấy chỉ là một chiếc tàu màu đen, nhưng đến gần bên, a là một vật to lớn chứa những con người và số mệnh của họ. Và ngược lại tôi nghĩ đến những con người ở ngoài xa kia, chắc họ từ tàu nhìn lên bờ đảo Capri, cái nhìn của họn có lẽ sẽ tình cờ dừng lại ở một chấm trắng cô quạnh trên bờ và họ sẽ không mảy may ngờ rằng chấm trắng ấy là ngôi biệt thự này, và tôi đang ở trong đó, cùng  với tôi, có Emilia, và hai chúng tôi không yêu nhau, và Emilia khinh bỉ tôi  và tôi không biết làm sao chiếm lại lòng yêu mến và tình yêu của nàng.

Tôi biết tôi đang mơ màng muốn thiếp đi thì chợt với một cơn bộc phát của nghị lực, tôi quyết định thi hành bước đầu tiên trong chương trình của tôi, đến gặp Rheingold báo cho hắn biết tôi đã "suy nghĩ kỹ lại" xong, và kết quả là tôi không cộng tác với hắn để viết kịch bản nữa. Quyết định đó có giá trị như một xô nước lạnh tạt vào người tôi. Hoàn toàn tỉnh táo, tôi nhảy bật dậy và đi ra khỏi nhà.

Sau nửa giờ rảo bước trên con đường nhỏ chạy quanh đảo, tôi tiến vào phòng tiền sảnh của khách sạn. Tôi báo tên và đến ngồi xuống một chiếc ghế bành. Tôi cảm thấy hoàn toàn sáng suốt, cho dù hơi có vẻ thảng thốt và xao xuyến. Nhưng xét theo sự thanh thản – hầu như là niềm vui – càng lúc càng lớn mạnh trong tôi khi nghĩ đến điều tôi sắp làm. Tôi biết tôi đã đi đúng đường. Vài phút sau, Rheingold bước vào và tiến gần bên tôi, vẻ mặt vừa cau có vừa ngạc nhiên, có lẽ hắn lấy làm lạ về việc tôi đến tìm hắn vào lúc quá sớm như thế này, đồng thời, có lẽ hắn nghĩ tôi sẽ mang đến cho hắn một thông báo chẳng thú vị gì. Theo phép lịch sự, tôi hỏi hắn "Có lẽ ông đang ngủ, phải không, Rheingold? Tôi e rằng đã làlm ông mất giấc ngủ"

"Không, không" hắn trấn an tôi "Tôi đâu có ngủ, tôi không bao giờ ngủ trưa, nhưng vào đây một tí, Molteni".

Tôi theo hắn đến bên quầy rượu, giờ này đang vắng hoe. Rheingold, như để trì hoãn cuộc tranh luận mà hắn nghĩ sắp nổ ra, hỏi tôi có uống chút gì không – cà phê hoặc rượu. Cách mời của hắn có vẻ nhạt nhẽo, gắng gượng như lão hà tiện bất đắc dĩ buộc phải hào phóng với khách mời. Nhưng tôi biết lý do không phải như thế, hắn chỉ muốn tôi đừng đến thôi. Tuy nhiên tôi vẫn từ chối, và sau vài câu xã giao, tôi đi ngay vào vấn đề chính. Tôi nói "Có lẽ ông ngạc nhiên về việc tôi quay lại gặp ông quá sớm. Tôi còn cả ngày để suy nghĩ. Nhưng chẳng cần nhọc công đợi đến ngày mai làm gì. Tôi đã suy nghĩ đến nơi, đến chốn, và tôi đến báo cho ông biết kết quả những suy nghĩ của tôi".

"Vậy kết quả đó như thế nào?"

"Tôi không thể cộng tác trong kịch bản này. Tôi từ chôi công việc này".

Rheingold không tỏ ra ngạc nhiên, có vẻ như hắn chờ đợi lời tuyên bố này của tôi. Nhưng hắn vẫn bị khích động. Hắn nói ngay, giọng đã hơi khác "Molteni, ông và tôi, chúng ta cần phải nói chuyện cho cặn kẽ".

"Tôi thấy dường như tôi đã nói cực kỳ cặn kẽ. Tôi không làm kịch bản Odyssey"

"Nhưng tại sao kia chứ? Ông nói cho tôi rõ nào?"

"Tại vì tôi không đồng ý với lối diễn giải của ông về chủ đề".

"Như vậy" hắn vặc lại ngay, nhanh nhẩu và bất ngờ "Ông đồng ý với Battista!"

tôi không hiểu vì sao bỗng dưng tôi phát cáu le6n vì lời cáo buộc bất ngờ ấy. Tôi không hề nghĩ rằng bất đồng với Rheingold có nghĩa là đồng ý với Battista. Tôi giận dữ nói "Battista thì dính dáng thế quái nào vào cái chuyện này? Mà tôi cũng chẳng đồng ý với Battista. Nhưng nói một cách trung thực, Rheingold ạ, nếu phải lựa chọn giữa hai người, tôi sẽ luôn thích chọn Battista hơn. Xin thứ lỗi, Rheingold, về phần tôi, tôi nghĩ hoặc chúng ta làm Odissey theo như của Homer, hoặc chúng ta không làm gì cả".

"Một vũ hội hoá trang, màu mè, sặc sỡ, với toàn là đàn bà khoả thân, King kong, những màn múa bụng, những nịt vú, những con quái vật bằng giấy bìa và lũ người mẫu!"

"Tôi không nói như thế, tôi nói Odyssey của Homer!"

"Nhưng Odissey của Homer là như tôi đã diễn giải cho ông" Rheingold chồm tới và kêu lên, giọng tin tưởng chắc chắn "Như của tôi đó, Molteni!"

do một thôi thúc thầm kín và bí ẩn, bỗng dưng tôi cảm thấy ước muốn làm cho Rheingold đau đớn, nụ cười giả dối của hắn, sự cứng rắn độc đoán, sự trì trệ theo khoa phân tâm học, tôi cảm thấy chịu hết nổi bao nhiêu là những thứ đó. Tôi nói một cách thịnh nộ "Không. Homer không phải như ông hiểu, Rheingold ạ. Và bởi vì ông buộc tôi nói, tôi cần phải thêm rằng Odyssey của Homer làm tôi say mê, trong khi Homer của ông làm tôi ghê tởm".

"Molteni" lần này Rheingold tỏ ra thật sự cáu giận.

"Vâng, tôi thấy nó đáng tởm" tôi tiếp tục noi càng lúc càng cảm thấy sôi sục lên "Cái ý của ông muốn làm giảm giá trị của người anh hùng của Homer, chỉ vì chúng ta không thể dựng lại hình ảnh của vị anh hùng đó theo như Homer đã sáng tạo, cái lối bêu xấu có hệ thống đó làm tôi ghê tởm, và sẽ không dự phần vào đó, với bất cứ giá nào!"

"Molteni…đừng vội nóng, Molteni!"

"Ông đã đọc Ulysses của James Joyce chưa?" tôi ngắt lời `hắn một cách giận dữ "Ông có biết James Joyce là ai không?"

"Tôi đã đọc tất cả những gì có liên quan đến Odyssey" Rheingold đáp, giọng có vẻ bị thương tổn nặng "Nhưng ông…"

"Tốt" tôi tiếp tục một cách say mê "Joyce cũng diễn giải Ulysses theo cách hiện đại…và ông ta còn đi xa hơn ông nữa kia, ông bạn Rheingold, trong công việc hiện đại hóa, tức là trong công việc bêu xấu, báng bổ…Ông ta đã biến Ulysses thành một kẻ bị vợ cắm sừng, một tên thủ dâm, một kẻ vô công rồi nghề, một mẫu người phất phơ, bất lực, còn Penelope thành một gái đĩ già hết thời. Aeolus biến thành một tay biên tập nhật báo, chuyến đi xuống hoả ngục trở thành đám tang của một tay chơi đồng tính. Circe trở thành gái làng chơi ở nhà thổ và chuyến trở về Ithaca trở thành một chuyến chơi đêm về, lúc canh khuya, ngang qua những đường phố của Dublin, thỉnh thoảng, dừng lại tè vào một xó xỉnh tối tăm. Nhưng ít ta, Joyce có cái nhận thức đúng đắn là không mang vào trong tác phẩm của mình cả Địa Trung Hải, cả biển, trời, vầng thái dương, và những vùng đất hoang sơ chưa khai phá thời thượng cổ. Ông ta đặt toàn bộ câu chuyện trong khung cảnh những đường phố lầy lội của một thành phố phương Bắc, trong những quán rượu và nhà chứa, phòng ngủ và phòng vệ sinh. Không ánh sáng, không biển, không trời…Mọi thứ đều hiện đại, hay nói cách khác, giảm giá, hạ thấp, thu hẹp lại ngang tầm chúng ta. Nhưng ông, ông thiếu cái sắc sảo của Joyce…Vì thế, tôi nhắc lại, giữa ông và Battista, tôi vẫn thích Battista hơn, bất chấp những thứ bằng giấy bồi của ông ta. Ông muốn biết tại sao tôi không thích làm kịch bản này…ông biết rồi đấy!"

Tôi dựa người ra ghế, người ướt đẫm mồ hôi. Rheingold nhìn tôi với vẻ nghiêm nghị, trang trọng và đôi lông mày cau rúm lại. Hắn nói "Rõ ràng là ông đồng ý với Battista!"

"Không. Tôi không đồng ý với Battista. Tôi bất đồng với ông ta"

"Trái lại" Rheingold chợt cao giọng nói "Ông không đồng ý với tôi và ông đồng ý với Battista".

Tôi tái mặt, xanh xám như xác chết. "Ông muốn nói cái gì?" tôi hỏi, giọng đã mất bình tĩnh.

Rheingold chồm tới trước và rít lên (đó là từ ngữ chính xác duy nhất để miêu tả hắn vào lúc đó) như một con rắn khi bị đe doạ tấn công. "Thì chính tôi đã nói rồi đấy. Battista đã đến ăn trưa với tôi và ông ta đã không che giấu tôi những ý tưởng của ông ta cũng như việc các ông đã bàn bạc, nhất trí với nhau. Ông không bất đồng với tôi, ông chỉ đồng ý với Battista, về bất kỳ điều gì Battista muốn, đối với ông, nghệ thuật không thành vấn đề, tất cả những gì ông muốn là được người ta trả tiền thôi. Sự thật là như thế đấy, Molteni ạ…Ông chỉ muốn có tiền với bất cứ giá nào".

"Rheingold!" tôi kêu to lên một cách đột  ngột.

"Ồ, vâng, vâng, tôi hiểu, thưa Ông thân mến" Rheingold vẫn chưa muốn buông tha tôi "và để nói thẳng vào mặt ông một lần nữa, với bất cứ giá nào!"

Chúng tôi đã chồm sát vào mặt nhau, nín thở, tôi, mặt trắng bệch như tờ giấy, còn hắn, đỏ bừng. "Rheingold!" tôi lại kêu lên, vẫn với cái giọng cao vút như ban nãy, nhưng tôi biết trong tiếng kêu thất thanh của tôi, tôi không diễn đạt một nỗi bất bình vì bị miệt thị, mà một nỗi đau thầm kín, tiếng kêu "Rheingold!" chất chứa một lời van xin,hơn là một cơn thịnh nộ của một kẻ bị xúc phạm không còn muốn dùng lời lẽ nữa, nhưng chuẩn bị thượng cẳng tay, hạ cẳng chân một cách hung bạo. Do vậy tôi biết tôi sắp đấm vào mặt hắn. Nhưng không kịp nữa rồi – Rheingold – lạ lùng thay, tôi vẫn nghĩ hắn là kẻ trì độn – đã nhận ra nỗi đau đớn qua giọng nói của tôi, và bỗng nhiên, dừng lại và tự kiềm chế được. Hắn thối lui một bước và nói nhỏ, giọng nhẫn nhịn "Hãy tha thức cho tôi, Molteni, tôi chỉ buột miệng nói thế thôi".

Tôi phác một cử chỉ bối rối  như muốn nói "Tôi tha thứ cho ông" và đồng thời cảm thấy đôi mắt mình đẫm nước mắt. Sau một phút lúng túng, Rheingold nói tiếp "Thôi được, coi như ta thoả thuận xong. Ông sẽ không tham gia vào kịch bản. Ông đã báo cho Battista biết chưa?"

"Chưa"

"Ông có ý định báo cho ông ấy biết không?"

"Ông vui lòng nói hộ với ông ấy, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ còn gặp lại Battista" Tôi im lặng một lát, rồi nói tiếp "Ông cũng bảo với ông ấy tìm một người viết kịch bản khác. Chúng ta hãy dứt khóat về việc đó, Rheingold ạ".

"Sao?" Rheingold kinh ngạc hỏi lại.

"Tôi sẽ không  viết một kịch bản Odyssey nào, cho dù theo ý ông, hay theo ý Battista….với ông, hay với bất cứ đạo diễn nào khác. Ông hiểu chứ, Rheingold?"

Hắn hiểu và tôi bắt gặp một ánh mắt thông cảm sáng lên trong mắt hắn. Dù vậy hắn vẫn hỏi một cách thận trọng "Nói tóm lại, ý ông là không muốn làm kịch bản của tôi, hay là ông sẽ không làm kịch bản này, dù theo bất kỳ quan điểm nào?"

Sau một lát suy nghĩ, tôi nói "Tôi đã nói với ông,tôi không muốn làm kịch bản của ông. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng nếu tôi giải thích sự từ chối của tôi theo cách đó, tôi sẽ làm hại ông trước mặt Battista. Vậy chúng ta sẽ thoả thuận như thế này, đối với ông, tôi không muốn làm kịch bản theo lối diễn giải của ông, đối với Battista, hãy xem như là tôi không muốn làm kịch bản cho dù chủ đề được hiểu theo bất kỳ lối nào. Hãy nói với Battista là tôi không thích kịch bản ấy, tôi mệt, thần kinh của tôi đã mỏi mòn…như vậy được chứ?"

Rheingold như trút được gánh nặng khi nghe tôi gợi ý như thế. Tuy vậy hắn vẫn gặng lại "Liệu Battista có tin không?"

"Ông ta sẽ tin. Ông đừng lo…ông sẽ thấy Battista tin ngay thôi".

Chúng tôi lại im lặng. Cả hai chúng tôi đều bối rối. Dư hưởng cuộc cãi nhau vẫn còn lơ lửng trên không và cả hai chúng tôi vẫn chưa thể nào khoả lấp được. Sau cùng Rheingold nói "Tôi rất tiếc là ông không chịu cộng tác trong công trình này, Molteni. Có lẽ rồi ra chúng ta sẽ đồng ý với nhau được".

"Tôi không nghĩ thế"

"Xét cho cùng sự tương phản cũng không to lớn lắm đâu".

Cảm thấy hoàn toàn đủ bình tĩnh trở lại, tôi nói một cách cương quyết "Không, to tát lắm, Rheingold. Có thể là ông có lý khi nhìn Odyssey theo cách ấy, nhưng tôi tin chắc rằng, ngay cả bây giờ, chúng ta vẫn có thể dựng lại Odyssey theo đúng như Homer đã viết ra".

"Đó là khát vọng của ông,Molteni. Ông khao khát một thế giới như thế giới của Homer…Ông mong muốn nó sẽ như thế, nhưng  bất hạnh thay, nó không được như ông mong muốn".

Tôi đấu dịu "Thôi cứ để mặc thế, tôi, tôi khao khát một thế giới như thế, còn ông, trái lại thì không".

"Ồ, tôi cũng thích lắm chứ, Molteni…Ai mà lại không khao khát như thế? Nhưng khi chúng ta làm phim, khát vọng thôi chưa đủ".

Chúng tôi lại im lặng. Tôi nhìn Rheingold và biết rằng cho dù hắn có hiểu những lý do của tôi, hắn vẫn chưa bị thuyết phục. Bỗng nhiên tôi bảo hắn "Chắc hẳn ông đã biết đoạn thơ nói về Ulysses của Dante chứ, Rheingold?"

"Vâng" hắn trả lời, hơi ngạc nhiên về câu hỏi của tôi "Tôi biết nhưng tôi không nhớ chính xác".

"Tôi đọc đoạn thơ ấy ông nghe nhé, tôi thuộc nó nằm lòng"

"Ồ xin vui lòng đọc đi"

Tôi không biết rõ vì sao tôi muốn đọc đoạn thơ của Dante ấy – có lẽ,sau này tôi mới nghiệm ra, đó là cách tiện nhất để lập lại với Rheingold vài điều mà tôi không làm phật ý hắn lần nữa. Trong lúc gã đạo diễn ngả người ra sau trong chiếc ghế bành, và khuôn mặt hắn lộ vẻ hoà hoãn, tùng phục, tôi nói thêm "Trong đọan thơ này Dante cho Ulysses kể về cái chết của mình cùng các bạn đồng hành".

"Vâng, tôi biết, Molteni. Tôi biết, ông cứ đọc đi".

Tôi tập trung tư tưởng lại một lát, mắt nhìn xuống sàn nhà và bắt đầu đọc "Ngọn lửa lớn, như chiếc sừng, bắt đầu lay động, rì rầm, như quằn quại chống lại cơn gió" Tôi tiếp tục đọc một cách tự nhiên, cố gắng không ngân nga diễn cảm, Rheingold, sau khi nhìn tôi một lát, cau đôi mày lại bên dưới chiếc riềm mũ kết bằng vải, quay lại, đưa mắt nhìn ra biển và ngồi yên không nhúc nhích. Tôi tiếp tục đọc, chậm rãi mạch lạc. Nhưng đến câu "Hỡi các anh em! Tôi nói, 'các anh em đã vượt qua hàng trăm ngàn nguy hiểm để đến được miền Tây, giờ đây, trong lúc thần trí các anh em còn tỉnh táo trong giây lát ngắn ngủi còn lại này, các anh em đừng từ chối dạo chơi cho biết cái thế giới không người nằm sau Mặt Trời này", tôi cảm thấy giọng đọc của tôi bỗng dưng run run vì một cảm xúc bất chợt. Trong mấy dòng ngắn ngủi đó, tôi tìm thấy được, không chỉ hình ảnh của Ulysses theo như tôi hình dung, mà cả hình ảnh của tôi và cuộc đời tôi, một cuộc sống bất như ý. Tôi hiểu rằng mối xúc động ấy xuất phát từ vẻ trong sáng và nét đẹp của hình ảnh Ulysses so với tình trạng vô vọng của tôi hiện nay. Tuy nhiên, dần dần, tôi đã tự trấn tĩnh được, giọng tôi hết run, và tôi tiếp tuc, không vấp váp, đọc cho đến những câu cuối cùng "Ba lần, chiếc thuyền quay tròn với làn nước ngập tràn, tung toé, đến lần thứ tư, phần lái thuyền nhô cao lên, mũi thuyền cắm xuống cho đến khi mặt biển khép lại bên trên chúng tôi". Vừa dứt câu, tôi đứng bật dậy. Rheingold cũng đứng lên theo.

"Molteni, cho phép tôi" hắn nói ngay, một cách vội vã "cho phép tôi hỏi ông một câu…Tại sao ông đọc cho tôi nghe đoạn thơ ấy của Dante? Vì mục đích gì? Đoạn thơ ấy hay lắm, tất nhiên, nhưng vì sao?"

"Rheingold, đấy là hình ảnh Ulysses như tôi muốn dựng nên, tôi hình dung Ulysses như thế đấy. Trước khi cáo từ, tôi muốn xác định với ông điều đó…tôi nghĩ tôi có thể làm điều đó một cách hay ho hơn bằng cách mượn đoạn thơ của Dante hơn là dùng lời nói của chính tôi".

"Hay hơn, tất nhiên…nhưng Dante là Dante, một con người thời Trung cổ, còn ông, ông là con người hiện đại".

Lần này tôi không trả lời, nhưng chìa tay ra. Hắn hiểu và nói thêm "Cũng vậy thôi, Molteni ạ. Tôi rất tiếc là ông đã không cộng tác. Tôi vừa cảm thấy thân quen với ông".

"Có lẽ một lần nào khác" tôi đáp 'tôi cũng thích làm việc với ông, Rheingold".

"Nhưng tại sao? Vâng, tại sao, Molteni…"

"Định Mệnh" tôi mỉm cười trả lời, lắc mạnh tay hắn. Và tôi bước đi. Rheinglold vẫn đứng bên quầy rượu, hai tay dang ra như để lập lại "Tại sao?"

Tôi vội vã rời khách sạn.