Và vì thế, hôm đó, khi nàng hét lên "Tôi khinh ông!" tôi tin ngay vào câu nói đó, câu nói mà ở miệng một phụ nữ nào khác có thể không có chút ý nghĩa nào. Ở miệng nàng thốt ra, nó có đúng cái ý nghĩa của từng từ một: nàng thật sự khinh bỉ tôi, và vậy là hết. Ngay cả nếu tôi chưa biết gì về tính cách của Emilia, chỉ nghe giọng nói của nàng, tôi đủ thấy không còn gì để nghi ngờ nữa, đó chính là cái giọng nói của từ nguyên trinh, xuất phát trực tiếp từ chính ngay sự việc: tôi khinh ông. Ba từ đó, tôi nhận xét một cách cay đắng, có nguyên cái tính xác thực của một cụm từ khác, rất khác biệt, mà nàng đã thốt lên với tôi, vào cái hôm mà lần đầu tiên, nàng bộc lộ tình yêu của nàng dành cho tôi "Em yêu anh biết bao!"
Tôi tin chắc vào sự thành thật của Emilia cũng như sự thật trong ba từ đó, đến mức, còn lại một mình trong phòng làm việc, tôi đi đi lại lại mà không thể nghĩ đến một điều gì, đôi tay tôi run lẩy bẩy, đôi mắt thất thần, không biết phải làm gì. Những từ trong câu nói của Emilia như ba mũi gai nhọn từng phút đâm sâu vào tri giác tôi, gây cho tôi nỗi đau buốt càng lúc càng mãnh liệt hơn, nhưng ngoài nỗi đau đó mà tôi cảm nhận một cách rõ rệt, tôi không còn hiểu được điều gì nữa. Điều làm tôi đau nhất là gbt được ngoài việc không được yêu, tôi còn bị khinh bỉ, và hơn thế nữa. tôi lại không khám phá được bất kỳ lý do nào, cho dù nhẹ nhàng nhất cho sự khinh bỉ đó. Tôi cảm thấy bất công nhưng đồng thời, cũng sợ rằng trong thực tế, không hẳn đã có bất công nào, rằng sự khinh thị đó hẳn phải có một cơ sở khách quan mà tôi không biết, trong khi với người khác, điều đó rất hiển nhiên. Tôi thường tự đánh giá mình khá cao, pha lẫn một chút trắc ẩn về chính mình, tự xem là một kẻ không may mắn lắm, kẻ mà Định Mệnh, thay vì mỉm cười với đã ngoảnh mặt đi. Nhưng có gì đi nữa, nhất định tôi vẫn không phải là kẻ đáng khinh. Giờ đây, câu nói của Emilia đã hoàn toàn đảo lộn ý niệm đó, làm tôi lần đầu tiên đâm ra nghi ngờ ngay chính tôi. Có lẽ, tôi không biết tôi rõ lắm, hoặc đã tự phán xét mình không sát với thực tế, hoặc, tôi đã tự đề cao mình quá chăng.
Sau cùng, tôi vào phòng tắm, đút đầu vào dưới vòi nước, tia nước lạnh làm tôi cảm thấy dễ chịu. Trước đó, óc tôi như nóng đỏ lên, những lời của Emilia như đã châm lửa vào đó, như thể trong đó có một chất dẫn hỏa mà tôi chưa hề biết. Tôi chải tóc, rửa mặt, thắt lại cà vạt, và trở lại phòng khách. Nhưng vừa nhác trông thấy mâm thức ăn dọn sẵn trên bàn, tôi bỗng cảm thấy trào dâng trong tôi một cảm giác muốn đập đổ: không thể nào chúng tôi còn ngồi ăn với nhau như mọi ngày trong chính căn phòng này còn âm vang dư hương những lời của Emilia làm tôi đau đớn đến thế. Vào lúc đó, Emilia mở cửa và nhìn vào, nét mặt của nàng bây giờ đã trở lại thanh thản, bình tĩnh. Không nhìn nàng, tôi nói "Tôi không muốn ăn tối ở nhà…hãy bảo chị giúp việc rằng tối nay ta đi chơi, xong rồi, cô mặc áo quần ngay đi…chúng ta đi ăn bên ngoài…"
Emilia trả lời, có phần hơi ngạc nhiên "Ô kìa, thức ăn đã dọn sẵn rồi mà…lại phải đổ đi hết thôi".
Một cơn giận dữ bùng lên trong tôi, tôi la lớn "Đủ rồi, muốn đổ cái gì thì đổ, cứ đi mặc quần áo đi!" Tôi vẫn không nhìn nàng, chỉ nghe nàng lẩm bẩm "Hay nhỉ!" Đoạn nàng đóng cửa lại.
Vài phút sau, chúng tôi ra khỏi nhà. Trong con phố chật hẹp, hai bên sừng sững là những toà nhà hiện đại giống toà nhà chúng tôi đang ở, với những mặt tiền có bao lơn vây bọc và những hàng hiên, giữa những chiếc xe đắt tiền, to lớn kềnh càng, chiếc xe nhỏ bé, thường dụng, nằm chờ chúng tôi. Chiếc xe này, cũng như căn hộ, là tài sản mới tậu của tôi, nhờ tiền những kịch bản tương lai, theo kiểu trả góp dài hạn. Tôi mới chỉ mua chiếc xe được chừng vài tháng, và tôi vẫn còn cảm thấy cái cảm giác kiêu hãnh trẻ con về cái tài sản ấy. Nhưng buổi tối hôm ấy, khi chúng tôi cùng sánh vai bước đến chiếc xe mà không nhìn nhau, im lặng, không chạm vào nhau, tôi không thể tránh khỏi cái ý nghĩ "Chiếc xe này, cũng như căn hộ, là sự hy sinh những tham vọng của ta…và những hy sinh ấy nay trở thành vô nghĩa". Và quả thật, vào đúng lúc đó, tôi cảm thấy sự tương phản rõ nét giữa con phố sang trọng, ở đó, mọi thứ đều mới mẻ và đắt giá, căn hộ từ trên tầng ba nhìn xuống chúng tôi và chiếc xe nằm chờ cách vài bước chân, và mối bất hạnh của riêng tôi đã làm tất cả những ưu đãi đó dành cho tôi nay trở nên vô dụng chán chường.
Tôi ngồi vào xe, chờ cho đến khi Emilia vào chỗ và vươn tay qua đóng cửa lại. Trước đây, kèm theo động tác này, tôi thường vuốt nhẹ đầu gối nàng hoặc quay người lại một chút, hôn phớt lên má nàng. Lần này, tôi tránh không chạm vào người nàng. Tôi đóng mạnh cửa và trong một lúc, chúng tôi ngồi yên, không nói năng gì. Đoạn Emilia hỏi "Mình đi đâu đây?" Tôi suy nghĩ vài giâu và đáp bừa "Đi đến đường Via Appia".
"Mặc kệ…chúng ta cứ đến đó".
Nàng im lặng và tôi lái nhanh đến đường Appia. Rời khu phố của chúng tôi, tôi vượt qua trung tâm thành phố, đi ngang qua đường Chiến thắng và Viện Khảo cổ. Chúng tôi đi qua trước những bức cổ thành rêu phong, những khu vườn, những thửa đất trồng rau, những biệt thự ẩn mình sau những lùm cây suốt theo đoạn đầu của đường Appia. Rồi chúng tôi đến cổng vào Khu Hầm mộ dưới ánh sáng vàng vọt của hai ngọn đèn mờ. Emilia nói đúng, đến Appia vào những ngày đầu của năm như thế này là quá sớm. Trong tiệm ăn với cái tên đầy phong vị khảo cổ, khi chúng tôi bước vào gian phòng lớn, giả bày biện theo lối nông thôn, trang trí bằng các lọ cổ và cột gãy, chúng tôi chỉ thấy toàn là bàn trống với vô số các người hầu bàn. Chúng tôi là những thực khách duy nhất, và tôi không thể tránh khỏi ý nghĩ rằng, trong gian phòng trống trơn, lạnh lẽo, vây quanh bởi quá nhiều những người phục vụ quá sốt sắng đến phiền toái như thế này, chúng tôi chắc không có hy vọng gì giải quyết được vấn đề về mối quan hệ giữa chúng tôi, trái lại là đằng khác. Tôi nhớ ra rằng cách đây hai năm trước đây, vào lúc yêu nhau đậm đà nhất, chúng tôi thường xuyên ăn tối ở chính nhà hàng này và tôi hiểu tại sao trong vô số những nhà hàng, tôi đã chọn nơi đây, một nơi mà vào mùa này trong năm, vừa ảm đạm vừa quạnh hiu.
Người bồi bàn, tay cầm thực đơn, đứng một bên, phía bên kia là người phục vụ rượu, người cúi gập xuống, tay cầm bảng kê các loại rượu. Tôi bắt đầu gọi các món ăn, đưa ra vài gợi ý với Emilia, hơi cúi đầu về phía nàng, như một người chồng chăm chút, lịch thiệp. Nàng vẫn nhìn xuống và trả lời gióng một "Vâng, không, cũng được". Tôi cũng gọi một chai vang, loại chọn lọc nhất, mặc dù Emilia phản đối, nói rằng nàng không muốn uống gì cả. "Để anh uống", tôi nói. Tay bồi rượu mỉm cười với tôi một cách thông cảm, và rồi cùng với người kia bỏ đi.
Tôi không muốn miêu tả cặn kẽ bữa ăn tối ấy của chúng tôi mà chỉ muốn kể lại tâm trạng của tôi, một tâm trạng rất mới mẻ với tôi tối hôm ấy, nhưng từ sau đó, đã trở nên bình thường trong quan hệ giữa hai chúng tôi. Mối quan hệ đó cho thấy rằng sở dĩ chúng ta có thể sống được mà không cần cố gắng quá nhiều ấy, hoàn toàn là nhờ vào tính tự động điều khiển phần lớn các động tác của ta một cách vô ý thức. Để bước một bước nhỏ, ta phải vận động tới cơ man nào là cơ bắp, vậy mà, nhờ ở tính tự động máy móc ấy, chúng ta không biết gì về điều đó cả. Quan hệ của chúng ta với người khác cũng diễn ra như vậy. Trong thời gian tôi còn tin tưởng Emilia yêu tôi, một dạng tính tự động đó đã chi phối mọi quan hệ của chúng tôi. Ánh sáng của ý thức chỉ rọi sáng phần nào, còn ngoài ra, tất cả đều chìm trong bóng tối của những tập quán quen thuộc. Bây giờ, ảo tưởng tình yêu đã tan biến, tôi phát hiện thấy mình ý thức rõ mọi hành vi nhỏ nhặt của mình. Tôi mời nàng uống chút gì đó, tôi đưa lọ muối cho nàng, tôi nhìn nàng, tôi thôi nhìn nàng, mỗi hành vi đều đi kèm với một ý thức đau đớn, tuyệt vọng, buồn thảm, giận dữ. Tôi tự cảm thấy hoàn toàn bị cùm lại, hoàn toàn tê cóng, hoàn toàn bại liệt. Với từng hành vi, tôi đều bắt gặp mình tự hỏi: Ta làm vậy là đúng? Ta làm như vậy là sai? Tôi đã mất hết lòng tự tin. Với những kẻ xa lạ khác, may ra còn có hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể gây dựng lại niềm tin đó. Nhưng với Emilia, tất cả chỉ còn là một kinh nghiệm của quá khứ, một điều gì đó đã chết hẳn, tôi không còn một chút hy vọng nào nữa.
Và như thế, giữa hai chúng tôi là một im lặng nặng nề, chỉ thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi một vài câu nói vô thưởng vô phạt "Em uống thêm chút rượu vang nhé? Anh dùng thêm bánh mì không?" Tôi muốn nói đôi câu về sự im lặng này, vì sau này, nó còn kéo dài mãi giữa hai chúng tôi. Đó là một sự im lặng không chịu đựng nổi vì nó hoàn toàn tiêu cực, nó ém lại bao nhiêu điều mà tôi muốn nói ra mà nói không được. Nói rằng đó là một sự im lặng thù địch thì cũng không đúng. Thật ra, không còn sự thù địch nào giữa hai chúng tôi, hoặc ít ra, về phần tôi. Tôi ý thức rất rõ về việc tôi cần nói và về việc tôi có nhiều điều cần nói, nhưng đồng thời, tôi cũng ý thức rằng rằng tôi không thể nói nên lời được và tôi cũng không biết nên chọn thái độ nào khi nói. Với sự xác định như thế trong trí, tôi im lặng, không phải với cảm giác thoải mái thanh thản của kẻ cảm thấy không cần nói, nhưng với sự bắt buộc của kẻ muốn nổ tung ra với những điều muốn nói, mà đành im lặng. Lại còn một điều rắc rối khác, tôi cảm thấy sự im lặng này, cho dù khó chịu đựng nổi, dẫu sao vẫn thuận lợi cho tôi hơn. Nếu tôi phá tan sự im lặng này, có thể tôi sẽ gây ra cãi nhau, điều đó càng khó chịu hơn so với sự im lặng này.
Nhưng tôi chưa quen im lặng như thế này. Chúng tôi tiếp tục ăn, không nói năng gì. Lúc ăn tráng miệng, không nénó được, tôi buột miệng hỏi "Sao em im lặng thế?"
Nàng trả lời ngay "Bởi vì tôi cảm giác có gì để nói"
Nàng không có vẻ buồn hoặc thù nghịch và câu trả lời của nàng nghe rất thành thật. Tôi tiếp tục nói, giọng đạo mạo "Mới ban nãy đây thôi, em đã nói những điều mà sau đó em phải biện minh đến cả mấy tiếng đồng hồ".
Vẫn với cái giọng thành thật ấy, nàng nói "Anh hãy quên những điều ấy đi. Cố nghĩ rằng tôi chưa bao giờ nói ra những điều ấy"
Khấp khởi hy vọng, tôi hỏi "Tại sao anh lại quên nhỉ? Anh chỉ quên được nếu anh biết chắc những điều ấy là không đúng sự thật…nếu đó chỉ là những lời em buột miệng nói ra trong lúc nóng giận mà thôi".
Lần này nàng không nói gì và tôi lại hy vọng. Có lẽ đúng như thế thật, trước sự thô bạo của tôi, nàng đã phản ứng lại bằng cách nói rằng nàng khinh tôi. Một cách thận trọng, tôi gặng thêm "Giờ đây, em hãy thú nhận đi, những lời khủng khiếp đó mà em đã nói với anh, tất cả những lời đó là không đúng…và em đã nói bởi vì lúc đó, em nghĩ rằng em ghét anh và em muốn làm anh đau lòng".
Nàng nhìn tôi và vẫn im lặng. Tôi nghĩ bắt gặp – hay tôi có nhầm chăng – một ngấn lệ long lnah trong đôi mắt to và đen sẫm của nàng. Như được khích lệ, tôi vươn tay nắm lấy tay nàng đang đặt trên mặt khăn bàn, miệng nói "Emilia, những câu đó là sai cả, đúng không nào?"
Nhưng nàng đã rụt mạnh tay lại, và không phải chỉ cánh tay mà cả toàn thân nàng, dường như thế. "Những điều đó đều là đúng sự thật".
Tôi choáng váng với vẻ thành thật hoàn toàn trong câu nói của nàng. Có vẻ như là vào lúc ấy, nàng biết rằng một câu nói dối của nàng ít ra cũng dàn xếp được mọi chuyện đâu vào đấy trong một khoảng thời gian nào đó, cho dẫu là bề ngoài thôi. Và rõ ràng là trong một giây lát ngắn ngủi, nàng đã bị cám dỗ bởi giải pháp ấy. Sau đó, nghĩ lại, nàng đã gạt phăng ý định. Tôi lại nhận thêm một vết đâm đau đớn, và gục đầu xuống, tôi khẽ rít lên qua kẽ răng "Nhưng cô có hiểu rằng có những điều không thể đem ra nói được mà không lý giải, dẫn chứng..bất kỳ với ai, hoặc ít ra, với chồng cô?"
Nàng không nói gì mà chỉ chằm chằm nhìn tôi với vẻ sợ hãi, vì quả thật mặt tôi đang méo xệch đi vì giận dữ. Cuối cùng nàng đáp "Anh hỏi và tôi chỉ trả lời anh đấy thôi"
"Nhưng cô phải giải thích chứ?"
"Ý anh muốn nói sao?"
"Cô phải giải thích tại sao …tại sao cô khinh tôi?"
"Tôi sẽ không bao giờ nói với anh điều đó…ngay cả khi tôi sắp chết"
Vẻ quả quyết trong câu nói của nàng làm tôi sửng sốt. Nhưng sự ngạc nhiên của tôi không kéo dài lâu. Một cơn giận dữ ập đến làm tôi không còn kịp suy nghĩ "Hãy nói cho tôi biết" tôi lại nắm lấy tay nàng, nhưng lần này không theo cách vuốt ve như ban nãy "nói đi…tại sao cô khinh tôi?" tôi gặn cho ra.
"Tôi đã nói rằng tôi sẽ không bao giờ nói điều đó với anh"
"Nói đi, nếu không, tôi sẽ làm cho cô đau đấy!" không tự kềm chế được, tôi vặn mạnh các ngón tay nàng. Nàng nhìn tôi một lát với vẻ ngạc nhiên, và rồi méo xệch mồm vì đau và ngay sau đó, sự khinh bỉ mà cho đến nay, tôi mới chỉ nghe nàng nói ra miệng, lộ hẳn trên nét mặt nàng "Dừng tay lại!" nàng nói một cách cộc lốc "bây giờ anh lại muốn làm cho tôi đau, bao giờ cũng thế1…" tôi chú ý tới cụm từ "bao giờ cũng thế", qua đó, có vẻ như nàng muốn ám chỉ đến những điều khắc nghiệt mà tôi đã muốn bắt nàng phải chịu đựng, và tôi muốn nghẹt thở " "Dừng tay lại! Anh không xấu hổ à? Những người phục vụ đang nhìn kìa!"
"Vậy thì hãy nói đi, tại sao cô khinh tôi?"
"Đừng có mà điên như thế, hãy để cho tôi yên nào"
"Hãy nói tại sao cô khing tôi?"
"Ối!" nàng xoắn mạnh và dằng tay ra làm rơi một chiếc ly xuống nền nhà. Tiếng thuỷ tinh vỡ kêu loảng xoảng. Emilia đứng bật dậy và bước ra cửa, miệng nói to "Tôi sẽ chờ anh ngoài xe..anh trả tiền đi".
Nàng bước ra ngoài, để tôi ngồi im như phỗng đá, nhục nhã, không hẳn hoàn toàn vì xấu hổ (quả thật, như Emilia đã nói, những tay hầu bàn rảnh rỗi kia đã nhìn chúng tôi suốt cuộc cãi nhau và không bỏ sót một câu nói hay một cử chỉ nhỏ nhặt nào của chúng tôi) mà còn vì sự kỳ quặc trong thái độ của nàng đối với tôi. Trước đây, chưa bao giờ nàng nói với tôi bằng cái giọng đó, chưa bao giờ nàng sỉ nhục tôi như vậy. Cụm từ "bao giờ cũng thế" tiếp tục âm vang trong tôi như một câu đố mới mẻ và khó chịu, cần giải đáp, giữa bao câu khác. Bằng cách nào và vào khi nào tôi đã bắt nàng phải chịu những điều khổ ải ấy để nay nàng đem ra oán trách tôi như thế? Sau cùng, tôi gọi người hầu bàn, trả tiền và bước ra ngoài theo nàng.
Bên ngoài nhà hàng, thời tiết suốt ngày nay u ám và hay thay đổi giờ đã chuyển thành cơn mưa phùn. Xa hơn nữa, trong bóng tối của khoảng vườn trống, tôi nhận ra được dáng Emilia đứng bên cạnh chiếc xe, tôi đã khoá cửa xe và nàng đã kiên nhẫn đứng đợi dưới mưa. Tôi nói, giọng run run "Anh xin lỗi, anh quên là đã khoá cửa xe". Và nghe nàng bình thản trả lời "Không sao…trời mưa không lớn lắm". Một lần nữa, trước câu nói đầy vẻ khoan dung tha thứ như thế, niềm hy vọng hoà giải lại bùng lên điên cuồng trong tim tôi, làm sao lòng chứa đầy khinh bỉ khi miệng lại thốt ra những câu êm đềm, ngọt ngào như thế? Tôi mở cửa, ngồi vào xe và nàng lên ngồi cạnh tôi. Tôi nổ máy và nói với nàng, giọng bỗng dưng trở nên vui vẻ "Nào, Emilia, chúng mình đi đâu đây?"
Nàng nhìn thẳng trước mặt, trả lời mà không quay sang nhìn tôi "Không biết..đi đâu tuỳ anh".
Không chờ đợi gì nữa, tôi phóng vút xe đi. Như tôi vừa nói, tôi đang ở trong một tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm và đầy phấn khích. Có vẻ như là bằng cách lật ngược vấn đề, biến tất cả thành một trò đùa, thay sự nghiêm trang bằng sự thoải mái, thay đam mê bằng tính phù phiếm, vâng, bằng cách đó, biết đâu tôi có thể giải quyết vấn đề về mối quan hệ với Emilia. Tôi không biết điều gì đã chi phối tôi lúc đó, có lẽ nỗi tuyệt vọng, hệt như một loại rượu vang cực mạnh, đã bốc lên đầu tôi. Tôi nói giọng vui thú, nhẹ nhõm như đùa "Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân..để xem vận mệnh đưa ta đến đâu".
Tôi cảm thấy cực kỳ vụng về khi thốt ra câu này, thật chẳng khác gì thằng què đòi biểu diễn khiêu vũ. Nhưng Emilia không nói gì cả và tôi để mình cuốn hút vào tâm trạng vui vẻ ấy, tôi những tưởng tâm trạng ấy sẽ là một giòng chảy lai láng vô tận, thật ra, chẳng bao lâu sau, đó chỉ còn là một giải nước yếu ớt, ri rỉ. Tôi đang lái xe chạy dọc theo xa lộ Appia, và xuyên qua màn mưa lóng lánh phản chiếu ánh đèn xe,tôi nhìn thấy thấp thoáng hình ảnh những cây bách, những đền đài đổ nát, những pho tượng cẩm thạch trắng và những vỉa hè lát đá theo lối người La Mã xưa, với những phiến đá lát không đều đặn. Tôi chạy thẳng một mạcy như vậy. Đoạn, với giọng hưng phấn giả tạo, tôi bảo nàng "Nào, một lần thôi, chúng ta thử quên mình là ai đi, và tưởng tượng chúng mình là hai sinh viên trẻ đang đi tìm một cái xỏ xỉnh yên tĩnh để tự do yêu nhau, tránh xa những con mắt tò mò nhòm ngó".
Emilia vẫn không nói gì, và được khích lệ bởi sự im lặng ấy, tôi chạy xe thêm một chặng đường dài nữa và đột ngột thắng xe lại. Lúc này, trời đang mưa nặng hạt, những cái gạt nước quét qua, quét lại trên mặt kính mà vẫn không xua hết được những giòng nước tuôn tràn xuống. Tôi nhắc lại, giọng yếu ớt "Chúng mình là hai sinh viên trẻ, anh là Mario, em là Maria…bây giờ chúng mình đã tìm được một nơi vắng vẻ, tuy hơi ướt át một tí. Nhưng bên trong chiếc xe này, ấm cúng đấy chứ? Nào, hôn anh đi nào". Với vẻ dứt khoát của kẻ say, tôi vừa nói vừa quàng tay ôm vai Emilia và cố gắng hôn nàng.
Tôi không biết là tôi trông đợi cái gì nữa, những gì xảy ra trong nhà hàng đáng lẽ đã nhắc tôi hiểu ra tôi sẽ được cái gì. Thoạt tiên, Emilia cố gắng tránh tôi ra một cách im lặng và dịu dàng, đoạn khi tôi làm tới, ôm lấy cằm nàng, cố xoay mặt nàng về phía tôi, nàng xô mạnh tôi ra "Anh có điên không? Hay là anh say?" nàng nói.
"Không, anh không say" tôi thì thào "hôn anh đi!"
"Tôi không thể tưởng tượng được," nàng trả lời một cách giận dữ và đẩy mạnh tôi ra. Một lát sau, nàng nói tiếp "Anh cứ tự hỏi vì sao tôi bảo là tôi khinh anh…khi anh xử sự như thế này…sau những gì xảy ra giữa chúng ta".
"Nhưng anh yêu em"
"Tôi không yêu anh"
Tôi tự cảm thấy lố bịch, một cách khốn khổ giống như kẻ hiểu ra rằng mình đang ở vào một tình trạng dở khóc dở cười, vừa hài hước vừa tuyệt vọng. Nhưng tôi chưa chịu thua "Nhưng em phải hôn anh, nếu em không hôn anh vì yêu anh, anh sẽ có cách buộc em phải làm chuyện đó". Tôi rít khẽ lên, cố ý cho nàng hiểu sự thô bạo và ưu thế giống đực của mình. Và tôi chồm lên ôm nàng.
Emilia không nói một tiếng, nàng mở cửa xe và tôi rơi hẫng trên chiếc ghế trống. Nàng đã nhảy ra khỏi xe, lao xuống đường, bất chấp cơn mưa đang rơi như trút.
Tôi khựng lại một lát vì kinh ngạc trước chiếc ghế trống. Rồi tôi tự nhủ "Ta là một thằng ngốc" và tôi lao ra khỏi xe.
Trời mưa rất lớn, khi tôi đặt chân xuống đất, bùn ngập lên đến mắt cá chân. Kinh hoảng, tôi hét lên "Emilia, trở lại đây đi, đừng sợ, anh không đụng đến em nữa đâu".
Từ một nơi nào đó không thấy rõ được trong bóng tối, không xa lắm, nàng đáp lại "Hoặc là anh không làm như vậy nữa, hoặc là tôi đi bộ về Rome"
Tôi nói, giọng run run "Nào, trở lại đi, anh hứa với em bất cứ điều gì em muốn"
Trời vẫn mưa nặng hạt, nước nhỏ ròng ròng xuống cổ áo khoác và cổ áo sơ mi làm ướt đẫm chiếc gáy của tôi một cách khó chịu, nước cũng tràn ngập ngụa trên trán và hai bên thái dương của tôi. Ánh đèn xe chỉ chiếu sáng được một đoạn đường ngă"nó cùng một mảng tường La Mã cổ điêu tàn và một cấy bách cao, đen kịt mà bóng tối đã che khuất hết từng khúc. Tôi cố giương mắt nhìn nhưng không thể tìm ra Emilia. Thất vọng, tôi lại gọi "Emilia! Emilia…" và giọng tôi như vỡ ra vì nước mắt.
Sau cùng, từ trong bóng tối nàng bước ra trong quầng sáng của đèn xe và nói "Anh có hứa là không động đậy gì vào người tôi nữa được không?"
"Anh hứa"
Nàng bước đến, vừa leo lên xe vừa nói "Anh đùa kỉêu gì thế? Tôi ướt sũng cả người đây này…nước mưa chảy đầy cả vào đầu. Ngày mai lại phải đi làm tóc lại thôi".
Tôi cũng leo lên xe, không nói lời nào, và chúng tôi phóng vụt đi ngay. Nàng hắt hơi từng chặp, rất lớn, một cách đầy oán trách, như để tôi hiểu là tôi đã làm nàng cảm lạnh. Nhưng tôi không quan tâm đến điều đó, tôi lái xe như trong cơn mơ. Một giấc mơ đáng sợ, trong đó, tôi thật sự tên là Ricardo, có vợ tên là Emilia, tôi yêu nàng và nàng không yêu tôi, thật ra, nàng khinh tôi.