Sau một đêm ngủ ngon không bị làm phiền, Diana xuống dùng bữa sáng từ sớm. Lúc cô bước vào phòng ăn sáng thì đã thấy Zeynep Hanim đang ngồi một mình ở bàn gần cửa ra vào.
Diana hít một hơi thật sâu để chuẩn bị cho điều cô sắp làm. Cô sẽ không làm điều này bởi vì cô tin vào những tưởng tượng của Maria, hay bởi cô muốn làm Zeynep Hanim hài lòng. Cô chỉ muốn hiểu rõ hơn sao Maria lại trở thành như thế mà thôi.
“Xin lỗi, cháu hy vọng là không làm phiền bà.” Diana lên tiếng.
“Không đâu cháu gái. Ta cũng đang chuẩn bị đi.”
Diana hít thật sâu một hơi nữa, rồi với điệu bộ quả quyết, cô nói: “Cháu mong bà có thể dạy cháu điều bà đã dạy cho Maria.”
Zeynep Hanim im lặng nhìn Diana. Cứ như thể ánh nhìn đó đang xuyên thấu vào tận sâu trong não Diana để đọc những suy nghĩ và cảm giác của cô vậy, rồi sau đó lại để cô đơn độc một mình.
“Sao cháu không ngồi xuống, Diana?”
“Như thế có nghĩa là bà đồng ý rồi ạ?”
“Đồng ý gì cơ?”
“Bà ấy hành động như thể không hiểu mình vừa nói gì vậy,” Diana nghĩ thầm. “Có lẽ bà ấy muốn trông có vẻ huyền bí hơn nữa.” Diana sẽ phải tự đấu với mình trong trò chơi của chính cô.
“Cháu muốn bà dạy cháu cách nghe những bông hồng nói, như bà đã dạy cho Maria ạ.”
“Sao cháu lại muốn ta làm thế?”
“Vâng, thì chắc nó phải là một điều gì đó thật khác thường mới ảnh hưởng nhiều tới Maria như vậy.”
Vẻ mặt dịu dàng như lúc nào cũng có thể cười của Zeynep Hanim đột nhiên biến mất.
“Vậy cháu nghĩ nó xứng đáng với điều mà ta sẽ yêu cầu được đáp lại sao?”
“Đó là điều gì ạ?”
“Ta muốn cháu tự giết mình.”
Diana không chắc điều này chỉ là đùa thôi hay lại là một câu đố khác. Vậy nên cô không nói gì, chỉ cười. Cô đã mong Zeynep Hanim sẽ cùng cười với mình nhưng bà ấy không hề cười.
“Thế bà đã đòi hỏi Maria điều như vậy sao?”
“Ta không cần làm thế. Maria không có cái tôi nghi ngờ rằng hoa hồng có thể nói hay được người ta nghe thấy. Mà đó là cháu, Diana ạ, cháu có cái tôi như thế không? Cháu có tin rằng mình có thể nghe hoa hồng không hay cháu nghi ngờ điều đó?”
“Dạ, thưa bà! Khi Maria tới đây, nó chỉ là một đứa trẻ. Hồi bằng tuổi nó, cháu tin vào những thứ thậm chí còn khó tin hơn là nói chuyện với những bông hồng.”
“Như là?”
“Như là, như là... Cháu tin rằng cháu có thể bơi vòng quanh thế giới chẳng hạn. Cháu tin là mình có thể bay hay nói chuyện với những thiên thần... Mẹ cháu đã từng kể cho cháu nghe chuyện cha cháu ở cùng Chúa. Vậy nên cháu đã tự hứa với mình là sẽ bay vòng quanh thế giới để tìm ra nơi Chúa và cha đang ở. Nếu cháu không thể tìm thấy cha mình bất cứ đâu trên biển, cháu sẽ dùng đôi cánh lớn nhất để bay đi tìm ông ấy trên trời. Rồi nếu cháu vẫn không thể tìm ra ông ấy, cháu sẽ bảo một thiên thần đưa cháu tới chỗ ông. Tại sao ư? Vì cháu là một đứa trẻ! Bà có biết sự thật về cha cháu không? Ông ấy ở đâu khi cháu mơ mộng làm được tất cả những điều kia?”
Diana ngừng lại, sắp sửa khóc.
“Mà thôi, đừng bận tâm. Nó chẳng còn quan trọng nữa.”
“Rồi chuyện gì xảy ra, Diana?”
“Ý bà là sao?”
“Cháu từ bỏ việc tìm kiếm cha mình hay vẫn tiếp tục mơ về việc sẽ tìm ông ấy? Ai nói với cháu rằng không có cách nào có thể tìm ra ông ấy?”
Diana nghe xong liền đứng dậy.
“Cháu xin lỗi, đây là lỗi của cháu. Đây đúng là sai lầm của cháu. Cháu sẽ không làm phiền bà thêm nữa.”
“Đúng như ta đã nghĩ”, Zeynep Hanim nói. “Diana không sẵn sàng chết, vậy nên cháu sẽ không bao giờ có thể nghe được những bông hồng.”
Quay lưng lại với Zeynep Hanim, Diana đi thẳng ra cửa. Nhưng cô vẫn nghe thấy câu hỏi phía sau mình:
“Cháu nghĩ ai là người hiểu được giá trị của cuộc sống nhất hả Diana?”
Diana dừng chân, chờ đợi mà không quay đầu lại.
“Đó là những người đã từng cận kề cái chết”, Zenep Hanim nói.
Diana quay trở lại bàn:
“Xin bà, hãy nói cho cháu biết bà muốn gì từ cháu?”
“Chỉ một thứ mà thôi. Hãy giết chết cái tôi bên trong con người cháu, cái tôi không tin rằng cháu có thể nghe được hoa hồng. Nếm trải vị của cái chết ấy sẽ giúp cháu có được một cuộc sống mà ở đó, cháu nghe được những bông hoa. Ta chỉ yêu cầu cháu làm điều này vì cháu muốn ta dạy cho cháu nghe những bông hồng mà thôi.”
“Vậy thì, hãy để cháu thành thực với bà. Nếu chuyện này, như người ta gọi là “nghe hoa hồng” là điều mà cháu nghĩ tới và nếu bà đang nói rằng có người có thể nghe chúng bằng tai thì cháu không tin điều đó là có thể đâu. Và dù có bất cứ điều gì đối lập với nó cũng không khơi dậy chút tò mò nào dù là nhỏ nhất trong cháu. Nhưng mà, cho dù là thế mà bà vẫn đồng ý dạy cháu, thì xin bà hãy làm.”
“Nhưng có một vài điều kiện,” Zeynep Hanim nói.
“Điều kiện gì ạ?”
“Rất đơn giản. Cháu sẽ làm y như những gì ta bảo cháu. Cháu có quyền từ bỏ bài học bất cứ lúc nào, nhưng một khi đã tiếp tục học thì cháu sẽ phải làm đúng như lời ta nói. Những bài giảng sẽ được diễn ra vào những thời gian nhất định trong khu vườn sau ngôi nhà. Cháu sẽ không được muộn dù chỉ một giây. Thà không đến còn hơn là đến muộn. Trong vườn thì lời nói của người trồng vườn, lời nói của ta là luật. Tất cả sẽ có bốn bài học. Trong khoảng thời gian được coi là khoảng thời gian thực tập về nghệ thuật nghe hoa hồng đó, cháu sẽ không được phép ra khỏi nhà khách mà không có người đi theo. Ta có thêm một điều kiện nữa là: Một bản lý lịch để trống.”
“Một bản lý lịch để trống sao?”
“Thực tế thì lý lịch của cháu là một cô gái được sinh tại một thời điểm nhất định, tại một nơi nhất định trong một môi trường xã hội nhất định. Nếu cháu được sinh ở Rio de Janeiro vài thế kỷ sau hay được nuôi nấng bởi người Da Đỏ vài thế kỷ trước hay lớn lên trên một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương vào thời nay thì việc trải nghiệm cuộc sống của cháu sẽ hoàn toàn khác. Có lẽ, cũng không chắc lắm là cháu sẽ có nhận thức và hiểu biết hoàn toàn khác nhau về cuộc sống. Có thể sẽ đối lập với những gì cháu đang có.”
“Lý lịch chỉ là tương đối. Nhưng chúng ta nghe hoa hồng với một phần thân thể chúng ta, nó không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm hay môi trường xã hội mà chúng ta sống. Đó là lý do tại sao cháu phải xóa sạch các phần trong lý lịch của mình - về giáo dục, về những kinh nghiệm và đặc biệt là mục người giới thiệu. Nếu những thứ đó có tác dụng gì trong một vườn hồng thì các nhà sinh học sẽ là những người đầu tiên có thể nghe được những bông hồng. Những điều cháu đã học được từ trước tới giờ chỉ là hành trang cho cháu tới đây mà thôi, và nó cũng là hành trang rất nặng nề.”
Đột nhiên, Diana nhìn Zeynep Hanim như thể mình đã nhớ ra điều gì đó.
“Và nước sẽ không mang cháu đi nếu cháu có những hành lý đó, đúng không?”
“Rất đúng. Cháu nghe điều đó ở đâu thế?”
“Cháu đọc từ một trong những lá thư của Maria. Trong giấc mơ của con bé, mẹ cháu đã nói một điều gần giống như thế với nó. Nhưng rồi Maria bảo rằng rất nhiều điều nó thấy trong mơ đã thành hiện thực.”
“Điều đó cũng tự nhiên thôi mà. Giấc mơ là sự phản ánh hiện thực.”
Không muốn nói thêm về những giấc mơ của Maria, Diana liền bảo:
“Chúng ta đang nói về những điều kiện... Giả sử cháu đồng ý thực hiện chúng, cháu sẽ nhận được thứ gì nhỉ?”
“Điều cháu nhận được sẽ là những mong muốn của mình được thực hiện khi ở trong vườn. Không quan trọng việc cháu làm gì trong vườn mà là tại sao cháu làm thế. Nếu ý định học nghe những bông hồng của cháu chỉ đơn giản là để làm cháu khác biệt với người khác thì ta e là cháu sẽ chỉ thu được những điều vô nghĩa mà thôi. Còn nếu ý định của cháu chỉ là lắng nghe những bông hoa, thì cháu sẽ nghe thấy chúng. Hay cũng giống như Maria, nếu cháu vào vườn để nghe tiếng của mẹ cháu qua những bông hồng thì cháu sẽ nghe thấy giọng bà ấy. Nếu, khác với những điều đó, thứ cháu muốn lại là trải nghiệm một điều gì đó mới mẻ để giải trí thì nó cũng sẽ hợp với cái giá cháu phải trả.”
Mọi thứ có vẻ như đùa vậy. Người phụ nữ lớn tuổi này mới cách đây không lâu là một người thật dịu dàng, tự nhiên giờ bỗng dưng biến thành một người hoàn toàn cứng rắn, người không tha thứ cho bất cứ một sai phạm nào, cũng giống như viên tướng chỉ huy trong quân đội đưa ra những mệnh lệnh khắt khe cho lính của mình, như thể bài học mà bà chuẩn bị giảng là một thứ gì nghiêm túc lắm chứ không phải chỉ là nghe hoa, nghe chim, nghe ong... mà thôi.
“Cháu có vài điều băn khoăn,” Diana đáp lời. “Dù người ta có tin hay không thì ý tưởng nghe những bông hồng có vẻ rất lạ thường. Nhưng theo như những điều kiện bà đã kể và phương pháp của bà, thì... Đừng, đừng hiểu sai ý cháu, nhưng thực sự là hơi cứng ngắc và tù túng.”
“Mây, mưa rồi nước, tất cả những thứ này đều lạ thường. Nhưng để thỏa mãn cơn khát thì rốt cục chúng ta cũng phải uống một cốc nước tù túng như thế.”
Diana giữ im lặng một lát trước khi hỏi:
“Bà nói chỉ có bốn bài học thôi phải không ạ?”
“Đúng thế. Chỉ bốn.”
“Vậy thì được ạ.”
Zeynep Hanim đứng dậy:
“Bài học đầu tiên của chúng ta sẽ bắt đầu vào ngày mai lúc 6h:11 sáng. Chủ đề sẽ là Toán học trong việc nghe hoa hồng. Cháu không cần phải mang sách vở gì cả. Không cần sách đại số hay hình học hay bất cứ thứ gì tương tự. Chỉ cần tới bên những chiếc ghế trên lối đi vào vườn đúng giờ, thế là đủ.”
“6h:11 sáng sao?”
“Chính xác.”
Dù Diana chẳng thấy hấp dẫn gì với ý tưởng dậy vào cái giờ sớm như thế, nhưng cô vẫn gật đầu đồng ý.
“Tốt. Giờ thì hãy chỉnh đồng hồ của chúng ta cho khớp nhau,” Zeynep Hanim bảo. “À, tí nữa thì ta quên mất. Nếu cháu có thể nghe được những bông hồng sau khi hoàn thành các bài học thì có một phần thưởng chờ cháu đấy.”
“Bà thật sự thấy cháu có khả năng làm được điều đó sao? Vậy thì chắc bà phải tin cháu nhiều lắm.”
“Khi cháu còn tin vào bản thân mình thì ta còn tin vào cháu.”
“Vậy phần thưởng là gì thế ạ?”
“Một phần thưởng đã trải qua hàng thế kỷ.”
“Vậy nếu cháu không thành công thì sao?” Diana cười ranh mãnh. “Cháu có bị phạt vì đã học kém không?”
“Đó là sự im lặng của những bông hồng” Zeynep Hanim trả lời. “Không được nghe những bông hồng đủ là hình phạt cho những người thất bại trong việc muốn nghe chúng.”