Bóng Hình Của Gió

Mở Đầu

Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên

 

TÔI VẪN CÒN NHỚ CÁI NGÀY CHA DẪN TÔI tới Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên lần đầu tiên. Đó là vào đầu hè năm 1945, chúng tôi rảo bước qua những con phố của một Barcelona bị giam hãm dưới những khoảng trời xám tro khi bình minh trút xuống Đại lộ Rambla de Santa Mónica một dòng sáng cuồn cuộn sắc đồng đỏ.

 

“Daniel, con không kể với bất kỳ ai những gì sắp thấy ngày hôm nay,” cha tôi cảnh cáo. “Kể cả cậu bạn Tomás của con. Không một ai hết.”

 

“Kể cả mẹ ư?”

 

Cha tôi thở dài, lẩn vào sau nụ cười buồn cứ đằng đẵng bám theo ông suốt đời như một cái bóng.

 

“Đương nhiên là với mẹ thì được,” ông trả lời, lòng nặng trĩu. “Chúng ta không giữ bí mật gì với mẹ cả. Con có thể kể cho mẹ mọi chuyện.”

 

Không lâu sau cuộc nội chiến, một đợt dịch tả bùng phát đã đem mẹ tôi đi mất. Chúng tôi an táng bà trên đồi Montjuïc vào ngày sinh nhật lần thứ tư của tôi. Điều duy nhất tôi nhớ được là hôm ấy trời mưa cả ngày lẫn đêm, và khi tôi hỏi cha liệu phải chăng Thượng đế cũng đang khóc thương, ông đã không thể cất tiếng trả lời. Sáu năm sau đó sự vắng bóng của mẹ vận còn đọng lại trong bầu không khí bao trùm quanh cha con tôi, một sự câm lặng đến chói tai mà tôi mãi không học được cách khắc chế bằng lời nói. Hai cha con tôi sống trong một căn hộ tầm tầm trên khu phố Santa Ana, cách quảng trường nhà thờ một quãng ngắn. Căn hộ của chúng tôi nằm ngay trên tiệm sách, một cửa tiệm tạp nham nhưng đầy sức quyến rũ, nơi đặc biệt chỉ chuyên mua sách hiếm và sách cũ – một di sản ông tôi để lại, mà cha hy vọng một ngày kia tôi sẽ kế thừa. Lớn lên giữa bao cuốn sách, tôi kết thân với những người người bạn vô hình trong các trang giấy dường như đúc từ bụi mà thành và mùi của họ đến tận bây giờ hai tay tôi vẫn còn mang đậm. Lúc còn nhỏ tôi học được cách chìm vào giấc ngủ giữa khi đang nói chuyện với mẹ trong bóng tốicăn phòng ngủ của tôi, thao thao với bà về những sự kiện trong ngày, chuyến phiêu lưu của tôi ở trường, những điều tôi được thầy cô chỉ dạy. Tôi không nghe được giọng nói hay cảm nhận được những vuốt ve của bà, nhưng sự rạng ngời và hơi ấm của bà ngập tràn mọi ngóc ngách trong ngôi nhà, và với sự ngây thơ của những đứa trẻ vẫn còn đếm ssược số tuổi của mình trên mười đầu ngón tay, tôi tin rằng nếu tôi nhắm mắt lại và thủ thỉ với mẹ thì mẹ có thể nghe thấy giọng tôi dù bà có đang ở nơi đâu đi nữa. Có đôi lần khi đang ngồi trong phòng ăn , cha nghe thấy tôi đang lầm rầm, ông thầm khóc trong im lặng.

 

Vào buổi sáng tháng Sáu hôm đó, trời vừa hừng sáng tôi đã bật dậy hét toáng lên. Tim tôi đấp thình thịch trong lồng ngực như thể chính linh hồn tôi đang muốn xé toang lối ra và

 

bỏ chạy khỏi thang gác. Cha vội vã xộc vào phòng và bao bọc tôi trong vòng tay ông, gắng sức trấn an tôi.

 

“Con không thể nhớ nổi. Con không nhớ được khuôn mặt của mẹ,” tôi thều thào, không ra hơi.

 

Cha siết chặt tay tôi.

 

“Đừng lo, Daniel. Cha sẽ nhớ cả hai chúng ta.”

 

Chúng tôi nhìn nhau trong căn phòng chạng vạng sáng, gắng sức thốt lên những từ ngữ vốn không hề tồn tại. Lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng cha đang già đi. Ông đứng dậy vén rèm để cho ánh ban mai nhợt nhạt tràn vào.

 

“Đi nào, Daniel, mặc quần áo vào. Cha muốn cho con xem một thứ,” ông nói.

 

“Có những thứ chỉ nhìn thấy được trong bóng tối,” cha tôi nói, thoáng lên một nụ cười bí ẩn dường như vay mượn đâu đó từ những cuốn tiểu thuyết lãng mạn của Alexandre Dumas cũ nát của ông.

 

Lính tuần tra ban đêm vẫn đang loanh quanh trên các con phố mù sương khi chúng tôi bước ra cửa chính. Hàng đèn đường dọc khu RamBlas phác nên một đại lộ trong làn sương sớm khi thành phố bát đầu thức tỉnh, giống như một bức tranh màu nước chầm chậm trở thành thực tại. Sau khi tới được phố Nhà Hát Cổng Vòm[1], chúng tôi tiếp tục đi dọc theo dãy mái vòm của con phố dẫn về phía quận Raval, cùng tiến vào một vòm mù sương xám. Tôi theo bước cha dấn sâu vào lòng con hẻm hẹp, giống một vết sẹo hơn là một con phố, cho tới khi hình bóng của khu Ramblas dần tan mất phía sau hai chúng tôi. Ánh ban mai bị những ban công và mái đua gạn xuống thành những dải sáng xiên yếu ớt hòa tan vào bầu không trước khi chạm được tới mặt đất. Cuối cùng cha tôi dừng lại trước một cách cổng lớn bằng gỗ chạm, úa đen vì ẩm mốc và thời gian. Trước mắt chúng tôi lù lù hiện ra một công trình mà trong mắt tôi trông như xác chết của một toà lâu đài, nơi chốn của những tiếng vọng và bóng đen.

 

[1. Nguyên gốc: Arco del Teatro.]

 

“Daniel, con không được kể với bất kỳ ai những gì sắp thấy ngày hôm nay. Kể cả cậu bạn Tomás của con. Không một ai hết.”

 

Một người đàn ông nhỏ thó với khuôn mặt diều hâu đóng khung trong mái tóc xám dày ra mở cửa cho chúng tôi. Đôi mắt ông xoáy vào tôi một ánh nhìn sâu thẳm đầy cảnh giác như của loài chim ưng.

 

“Chào buổi sáng, Isaac. Đây là con trai tôi, Daniel,” cha tôi thông báo. “Nó sắp mười một tuổi rồi, về sau cửa hiệu sẽ là của nó. Giờ là lúc nó nên biết tới nơi này.”

 

Người đàn ông tên Isaac gật đầu và mời chúng tôi vào. Một cảnh u minh nhuốm sắc xanh làm mờ đi các đường quanh lượn sóng của một cầu thang đá cẩm thạch và dãy tranh tường đầy các nhân vật là những thiên thần và các sinh vật trong truyền thuyết. Chúng tôi theo chủ nhà đi qua dãy hành lang nguy nga dẫn tới một đại sảnh lớn hình tròn, cả một vương cung thành đường bóng tối hình xoắn ốc cuộn lên, bị những tia nắng từ mái vòm bên trên xuyên thủng. Những lối đi giữa các giá cao lên kín sách từ chân đến đỉnh làm nên cả một mê cung như một tổ ong kết hợp từ vô số đường hầm, nấc thang, bậc thềm và cầu nối – cho thấy trước về một thư viện khổng lồ có cấu trúc hình học tưởng như không thể tồn tại trên đời. Tôi ngước lên nhìn cha, sững người kinh ngạc. Ông cười và nháy mắt với tôi.

 

"Chào mừng con đến với Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên, Daniel.”

 

Tôi nhìn ra được chừng hơn chục người rải rác khắp các lối đi và thềm thư viện. Một vài trong số họ quay ra chào tôi từ xa, tôi nhận ra khuôn mặt các đồng nghiệp của cha tôi, họ là những người bạn cùng phường buôn sách cũ. Qua góc nhìn của đứa trẻ mới mười tuổi là tôi, họ trông như thể một hội kín các nhà giả kim đang nghiên cứu trong lén lút. Cha quỳ xuống cạnh tôi, đăm đăm nhìn vào mắt tôi mà nói bằng giọng thì thầm vốn chỉ dành để thốt ra các bí mật và lời thề.

 

“Đây là một nơi chốn của bí mật, Daniel, một thánh đường. Mỗi câu chuyện, mỗi tập sách con thấy ở đây đều chứa đựng một tâm hồn. Tâm hồn của người đã viết nên cuốn sách, của những người đã đọc, sống và mơ ước cùng nó. Mỗi lần một cuốn sách qua tay một người đọc khác, mỗi lần người nào đó lướt mắt qua từng trang sách là một lần linh hồn của cuốn sách ấy trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn. Thư viện này đã rất lâu đời khi ông con dẫn cha tới đây lần đầu, nhiều năm về trước. Có lẽ nó cũng nhiều tuổi như thành phố này vậy. Không ai biết rõ thư viện này có từ khi nào, hay ai đã lập ra nó. Dù vậy, cha sẽ truyền lại hết cho con những điều đã được ông con chỉ dạy. Khi một thư viện biến mất, hay một hiệu sách phải đóng cửa, khi một cuốn sách bị ký thác cho sự lãng quên, những người biết rõ nơi này như chúng ta, những người bảo hộ cho cuốn sách, phải đảm bảo rằng cuốn sách ấy được đem tới đây. Ở nơi này, những cuốn sách không còn được ai nhớ tới, những cuốn sách bị quên lãng theo thời gian, đều sẽ tồn tại mãi mãi, im lìm chờ một ngày kia tới được tay một người đọc mới. Ở cửa tiệm chúng ta mua đi bán lại những cuốn sách, nhưng thực tế chúng không hề có chủ. Mỗi cuốn sách con thấy ở đây đều từng là người bạn thân thiết nhất của ai đó. Giờ chúng chỉ còn mỗi chúng ta thôi, Daniel ạ. Liệu con có thể giữ kín một bí mật nhường này chăng?”

 

Ánh nhìn của tôi lạc lối trong sự kỳ vĩ và trò ảo thuật ánh sáng của thư viện. Tôi gật đầu, và cha khẽ mỉm cười.

 

“Con có biết điều tuyệt vời nhất trong chuyện này không?” ông hỏi.

 

Tôi lắc đầu.

 

“Theo truyền thống, khi ai đó tới đây lần đầu tiên, anh ta phải chọn một cuốn sách, bất kể cuốn gì, và nhận bảo trợ cho nó, đảm bảo rằng cuốn sách ấy sẽ không bao giờ biến mất, rằng nó sẽ mãi tồn tại. Đó là một lời thề vô cùng quan trọng. Nó sẽ theo con suốt cuộc đời,” cha tôi giải thích. “Hôm nay đến lượt con đấy.”

 

Trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, tôi thơ thẩn trong lòng chốn mê cung quanh co ấy, hít thở trong mùi giấy cũ và bụi bặm. Tôi lướt tay qua hàng hàng gáy sách trên giá, trầm ngâm suy nghĩ xem mình sẽ chọn cuốn gì. Trong số những dòng nhan đề bị phai mờ theo thời gian, tôi nhìn ra các từ thuộc những thứ ngôn ngữ quen thuộc và những từ khác tôi không thể nhận biết. Tôi lang thang khắp những dãy dài lèn kín hàng trăm, hàng nghìn tập sách. Sau một hồi tôi chợt ngộ ra rằng giữa những trang bìa của mỗi cuốn sách kia đều tồn tại một vũ trụ không bờ bến đang chờ được khám phá, trong khi ấy, bên kia những bức tường này, tại thế giới bên ngoài, người ta để mặc cho cuộc sống trôi qua với những buổi chiều chìm đắm trong bóng đá và các xê ri kịch truyền thanh sướt mướt, hài lòng với chuyện chả quan tâm gì hơn những vấn đề của riêng mình. Có lẽ là chính cái ý nghĩ ấy, hoặc cũng có thể chỉ do ngẫu nhiên, hay do số phận  –  người họ hàng hoa mỹ hơn của sự ngẫu nhiên, song chỉ biết rằng đúng vào thời khắc ấy tôi thấy mình đã chọn được cuốn sách cần phải bảo trợ, hay có khi chính cuốn sách ấy mới bảo trợ cho tôi. Nó nổi bật một cách khiêm tốn trên góc một giá sách, bọc bìa da có màu rượu vang. Những con chữ nhan đề bằng vàng long lanh trong những giọt nắng từ mái vòm phía trên rỉ xuống. Tôi lại gần, vừa nhẹ nhàng mân mê dòng chữ bằng đầu ngón tay vừa thầm thì đọc lên:

 

BÓNG HÌNH CỦA GIÓ

Julián Carax

Tôi chưa bao giờ biết đến nhan đề hay tác giả này, nhưng tôi không để tâm tới điều đó. Ý đã quyết rồi. Cẩn trọng hết mức, tôi nhấc cuốn sách xuống giở lướt qua các trang giấy, mặc chúng khẽ kêu lật phật. Được giải thoát khỏi nơi giam cầm trên giá sách, Bóng hình của gió toả ra một đám mây bụi vàng óng. Hài lòng với lựa chọn của mình, tôi kẹp cuốn sách vào nách rồi lần ngược lại các bước chân mình trong thư viện để quay trở ra, với một nụ cười trên môi. Có lẽ bầu không khí mê ảo nơi đây đã mạnh hơn tôi, song dù sao tôi cũng chắc chắn rằng Bóng hình của gió đã nằm đây bao năm chỉ để đợi chính tôi, thậm chí có khi còn từ trước cả khi tôi ra đời.

 

CHIỀU HÔM ĐÓ, ở căn hộ trên phố Santa Ana, tôi nhốt mình trong phòng để nghiền ngẫm những dòng đầu sách. Trước khi kịp nhận ra, tôi đã mê đắm nó tự lúc nào. Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện về một người đàn ông trên hành trình tìm lại cha ruột của mình, người mà anh chưa từng được biết đến cho tới khi mẹ anh tiết lộ về sự tồn tại của ông lúc bà đang hấp hối trên giường bệnh. Câu chuyện về hành trình tìm cha ấy trở thành một cuộc phiêu lưu siêu tưởng mà trong đó nhân vật chính phải đấu tranh để giành lại thời thanh xuân đã mất, và trong đó bóng ma của một tình yêu bị nguyền rủa dần dần hiện ra ám ảnh anh cho tới tận hơi thở cuối cùng. Khi bí ẩn được hé lộ, câu chuyện gợi tôi nhớ đến một trong những con búp bê Nga, loại có thể chứa vô số bản sao mỗi lúc một nhỏ dần của chính nó ở trong mình nó. Từng bước từng bước câu chuyện cứ tách ra thành hàng ngàn câu chuyện, như thể cuốn tiểu thuyết đó bước vào một khu trưng bày gương kính, khiến nhân dạng của nó phân mảnh rồi tan hoà vào vô cùng tận những ảnh ảo phản xạ. Từng phút từng giờ lướt qua cứ nhanh như trong mơ. Khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu nửa đêm, tôi hầu như chẳng nghe thấy. Dưới ánh sáng ấm áp từ chiếc đèn bàn hắt xuống, tôi bị ném vào một thế giới xa lạ đầy những hình ảnh và xúc cảm, với những nhân vật mà với tôi cũng thật như bầu không khí tôi đang hít thở. Trang này nối tiếp trang kia, tôi mặc cho bản thân bị ma thuật của cuốn sách và thế giới bên trong nó bỏ bùa hoàn toàn, cho tới khi hơi thở của bình minh chạm tay vào cửa sổ phòng và đôi mắt mỏi mệt của tôi lướt qua trang cuối cùng. Tôi nằm trong ánh mờ nhập nhoạng sắc xanh với cuốn sách trên ngực, lắng nghe tiếng lầm rầm của thành phố còn say ngủ. Mắt tôi dần trĩu nặng, nhưng tôi cố cưỡng lại cơn buồn ngủ. Tôi còn chưa muốn ma thuật của câu chuyện tan biến đi, cũng chưa muốn nói lời chia tay với những nhân vật trong đó.

MỘT LẦN NỌ, trong cửa hàng sách của cha, tôi nghe một khách hàng quen nói rằng hiếm có gì để lại dấu ấn trong lòng người đọc sâu đậm như cuốn sách đầu tiên tìm được đường vào trái tim người đó. Những hình ảnh đầu tiên ấy, tiếng vọng của những từ ngữ mà ta tưởng mình đã bỏ quên lại phía sau tự khi nào, chúng vẫn đồng hành cùng ta trong suốt cuộc đời, chúng khắc tạc một lâu đài trong ký ức ta, nơi mà sớm hay muộn – bất kể ta có đọc bao nhiêu cuốn sách, khám phá ra bao nhiêu thế giới, thậm chí học được cách lãng quên bao nhiêu điều  –  chúng ta vẫn sẽ quay trở lại. Với tôi, những trang sách nhiệm mầu đó sẽ luôn là những trang sách tôi khám phá ra trong hành lang nơi Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên