Bóng Hình Của Gió

Chương 42

TRÊN ĐƯỜNG VỀ CỬA HÀNG, TÔI ĐI QUA CON PHỐ cạnh Capitol Cinema, ở đó hai họa sĩ đang đứng trên giàn giáo chán nản nhìn bức tranh cổ động mới vẽ của họ bị nhòe nhoẹt dưới cơn mưa. Từ xa, tôi nhận ra hình ảnh kiên cường của tên lính canh đang làm nhiệm vụ ngay đối diện cửa hàng. Khi đi qua cửa hàng của Đồng Federico Flaviá, tôi nhận thấy bác sửa đồng hồ đang đứng trước cửa nhìn trời mưa rơi. Vết sẹo từ khi ở Trụ sở Cảnh sát vẫn còn trên mặt. Bác mặc một bộ đồ len màu xám vừa in và cầm điếu thuốc lá mà bác chưa thèm châm lửa. Tôi vẫy tay chào, và bác mỉm cười đáp lại.

“Điều gì khiến cậu căm thù ô thế, Daniel?

“Còn điều gì có thể đẹp đẽ hơn mưa, Don Federico?”

“Viêm phổi. Vào nhà đi, ta sửa đồng hồ cho cháu rồi đây.”

Tôi nhìn bác, không hiểu. Mắt Don Federico dán vào tôi, và nụ cười của bác chưa biến mất. Tôi gật đầu và theo bác vào cửa hàng kỳ diệu ấy. Ngay khi chúng tôi vào trong, bác đưa cho tôi chiếc túi giấy nhỏ màu nâu.

“Cháu nên về ngay. Tên bù nhìn đang canh cửa hàng không rời mắt khỏi chúng ta đâu.”

Tôi nhìn vào trong túi. Có một cuốn sách nhỏ, bọc da. Một cuốn sách kinh. Quyển kinh Fermín cầm trong tay khi lần cuối cùng tôi gặp anh ta. Don Federico đẩy tôi ra ngoài đường với một cái gật đầu nghiêm nghị bảo tôi phải kím tiếng. Khi tôi ra ngoài, bác lấy lại vẻ vui vẻ và c

ao giọng.

“Mà này, đừng có bẻ kim khi vặn cót, không nó lại hỏng đấy, nhớ chưa?”

“Đừng lo, Don Federico, cảm ơn bác.”

Tôi bước đi, bụng cứ thon thót theo từng bước chân. Tôi đi thẳng đến tay cảnh sát mặc thường phục đang gác cửa hàng. Khi qua trước mặt hắn, tôi chào hắn bằng chính bàn tay đang cầm chiếc túi Don Federico đã đưa. Tay cảnh sát nhìn nó với vẻ quan tâm mơ hồ. Tôi vào cửa hàng. Cha tôi vẫn đứng sau quầy, như thể ông không hề động đậy kể từ khi tôi ra khỏi quán. Ông nhìn tôi nghi hoặc.

“Daniel này, điều bố đã nói...”

“Bố đừng lo. Bố nói đúng.”

“Con đang run đấy.”

Tôi gật đầu và thấy ông chạy đi tìm ấm nước nóng. Tôi tranh thủ lúc ấy để chui vào nhà vệ sinh cạnh phòng sau và kiểm tra cuốn sách. Bức thư của Fermín rơi ra, bay lật phật như con bướm. Tôi tóm lấy nó trong không khí. Bức thư được viết trên loại giấy cuốn thuốc lá, chữ nhỏ li ti, tôi phải đưa lên gần đèn mới đọc được.

***>

Daniel thân mến,

Đừng tin những gì báo chí nói về vụ giết Nuria Monfort. Nhưng thường khi, nó chẳng gì hơn những chuyện bịa đặt. Tôi an toàn và khỏe mạnh, đang trốn ở một nơi đáng tin cậy. Đừng cố tìm tôi hay gửi tin cho tôi. Hãy hủy bức thư này ngay sau khi đọc xong. Không phải nuốt vào bụng, chỉ cần đốt hoặc xé vụn nó đi. Tôi sẽ dùng trí khôn của mình để liên lạc với cậu - và nhờ sự giúp đỡ của những trung gian thân thiện nữa. Tôi cầu xin cậu chuyển nội dung thông điệp này, bằng mật mã và với sự thận trọng, cho người tôi yêu thương. Đừng làm gì hết.

Bạn của cậu, người thứ ba.

FRdT

***

Tôi đang bắt đầu đọc lại bức thư thì có người gõ cửa nhà vệ sinh.

“Tôi vào được không?” giọng lạ hỏi.

Tim tôi đứng lại. Không biết phải làm gì khác, tôi vo tờ giấy quấn thuốc lại cho vào mồm. Tôi giật dây xả nước, và khi nước đang xối xả trong đường ống và bình chứa, tôi nuốt cuộn giấy. Nó có mùi sáp và kẹo Sugus. Mở cửa ra, tôi đụng phải nụ cười bò sát của tên cớm đóng chốt trước cửa hiệu sách.

“Xin lỗi. Tôi không biết có chịu được trời mưa cả ngày không, nhưng dường như có gì đó khẩn cấp đang hình thành dưới đây, và khi tự nhiên kêu gọi...”

“Tất nhiên,” tôi nói, tránh đường cho hắn. “Anh cứ tự nhiên.”

“Cảm ơn nhiều.”

Tay cảnh sát, kẻ mà dưới bóng đèn trần làm tôi nghĩ đến một con chồn nhỏ, nhìn tôi từ đầu đến chân. Đôi mắt chuột của hắn dừng lại trên cuốn Kinh Thánh tôi cầm trong tay.

“Nếu không có gì đó đọc thì tôi không ị được,” tôi giải thích.

“Tôi cũng thế. Vậy mà người ta dân Tây Ban Nha không đọc sách. Tôi mượn được không?”

“Trên nắp bồn xả có cuốn mới nhất đoạt Giải Phê bình đấy,” tôi nói cướp lời. “Nó rất có tác dụng.”

Tôi bình tĩnh đi ra ngoài và đến chỗ cha tôi, ông đang rót cho tôi một tách cà phê.

“Hắn ta làm gì ở đây?” tôi hỏi.

“Hắn lấy mộ mẹ hắn ra thề rằng hắn sắp bĩnh ra quần. Bố còn làm gì được đây?”

“Để cho hắn ở ngoài mà bĩnh ra cho ấm.”

Cha tôi nhíu mày.

“Nếu bố không phiền, con muốn lên nhà.”

“Tất nhiên bố không phiền. Và nhớ mặc đồ khô nhé. Con như sắp chết ấy.”

Căn hộ lạnh ngắt và yên tĩnh. Tôi vào phòng mình và nhòm ra cửa sổ. Tên lính gác vẫn ở đó, cạnh cửa nhà thờ Santa Ana. Tôi cởi bộ đồ ướt rồi mặc một bộ pyjama cùng với áo ngủ của cha tôi. Tôi nằm xuống giường, không thèm bật đèn và để mình chìm vào bóng đêm cùng tiếng mưa gõ lên khung cửa. Tôi nhắm mắt, cố gợi lên hình ảnh Bea, đụng chạm của nàng và mùi vị của nàng. Đêm hôm trước tôi chẳng hề chợp mắt, nên tôi nhanh chóng mệt ngoài. Trong giấc mơ, hình ảnh thần Chết mặc áo trùm đầu bay khắp Barcelona, một dáng hình ma quái lượn lờ trên những gác chuông và mái nhà, kéo theo những sợ thừng đen buộc hàng trăm chiếc quan tài nhỏ màu trắng. Những chiếc quan tài bỏ lại sau chúng những dải hoa màu đen, trên những cánh hoa là tên Nuria Monfort được viết bằng máu.

Tôi thức dậy khi trời mờ xám xịt. Cửa sổ vẫn mờ hơi nước. Tôi mặc đồ ấm và đi đôi ủng cao, rồi bước ra hành lang dò giẫm đi dọc căn nhà. Tôi luồn qua cửa rồi bước xuống đường. Sạp báo trên phố Ramblas đã sáng đèn ở xa xa. Tôi đi thẳng đến quầy ở đầu phố Tallers mua số báo đầu tiên trong ngày, nó vẫn còn mùi mực ấm. Tôi giở vội các trang cho đến mục cáo phó. Tên Nuria Monfort được in dưới một dấu thập, và tôi không thể đành lòng nhìn vào. Tôi bước đi với tờ báo gấp trong tay, tìm kiếm bóng đen. Tang lễ được tổ chức buổi chiều, tại nghĩa trang Montjuïc. Sau khi đi quanh khu phố, tôi quay về. Cha tôi vẫn đang ngủ, tôi về phòng mình. Tôi ngồi tước bàn và lấy chiếc bút Meinsterstück trong hộp ra, đoạn lấy một tờ giấy trắng và hy vọng ngòi bút sẽ dẫn dắt tôi. Trong tay tôi, cây bút không có gì muốn nói. Tôi vô vọng cố gắng nặn ra những lời muốn nhắn gửi cho Nuria Monfort, nhưng tôi không thể viết hay cảm thấy điều gì ngoại trừ nỗi kinh hoàng về sự thiếu vắng chị, biết rằng chị đã mất, bị lôi đi xa. Tôi biết một ngày nào đó chị sẽ quay về với tôi, nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa, rằng tôi sẽ luôn sống lại ký ức về chị khi chạm vào một người lạ, trong những hình ảnh không còn thuộc về tôi nữa.