Bóng Hình Của Gió

Chương 39

TÔI BƯỚC VÀO CỬA HÀNG TRỄ GẦN BỐN LĂM PHÚT. Khi nhìn thấy tôi, cha tôi nhíu mày phật ý rồi nhìn đồng hồ.

“Con nghĩ bây giờ là mấy giờ rồi? Con biết bố phải đến thăm khách hàng ở San Cugat, thế mà con bỏ lại bố ở đây một mình.”

“Còn Fermín thì sao ạ? Anh ta chưa về sao?”

Cha tôi lắc đầu với sự hối hả dường như chiếm lấy ông mỗi khi tâm trạng không vui. “Mà có thư cho con này. Bố để cạnh ngăn kéo.”

“Bố, con xin lỗi, nhưng...”

Ông vẫy tay xua đi lời giải thích của tôi, khoác vội áo mưa và đội mũ rồi ra khỏi cửa không nói lời tạm biệt. Vì hiểu rõ ông, tôi biết cơn tức giận sẽ tan biến trước khi ông đến nhà ga. Tôi thấy lạ về sự mất tích của Fermín. Kể từ lúc tôi thấy anh ta ăn mặc như thầy tu diễn trò ở Quảng trường San Felipe Neri, đợi Nuria Monfort hối hả chạy ra khỏi nhà và dẫn anh ta đến tâm điểm điều bí ẩn, niềm tin của tôi vào kế hoạch kia đã vụn vỡ tan tành. Tôi tưởng tượng nếu Nuria Monfort xuống phố thì Fermín hẳn s phải theo chị ta đến chỗ dược sĩ hoặc hàng bánh. Kế hoạch mới tuyệt làm sao chứ! Tôi bước đến ngăn kéo để xem bức thư cha tôi vừa nhắc. Phong bì màu trắng và hình chữ nhật, giống như bia mộ, ở chỗ hình thập ác địa có ghi địa chỉ hoàn thư, nó nghiền nát chút tinh thần ít ỏi còn lại của tôi ngày hôm ấy.

Chính quyền quân sự Barcelona

Ban tuyển quân

“Kính Chúa lòng lành,” tôi lẩm bẩm.

Tôi biết nội dung trong bức thư dù không cần phải mở, nhưng thậm chí nếu như có mở ra cũng chỉ là để đắm mình trong đau khổ mà thôi. Bức thư ngắn gọn: với hai dòng chữ, lơ lửng đâu đó giữa một tuyên bố chối tai và một khúc ca trong vở nhạc kịch, đặc trưng cho mọi thư từ quân sự. Tôi được thông báo rằng, trong vòng hai tháng nữa, tôi, Daniel Sempere, sẽ vinh dự và tự hào được hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng nhất và khai sáng nhất dành cho một người đàn ông Iberia: phụng sự Tổ quốc và mang bộ quân phục của cuộc viễn chinh toàn dân tộc để bảo vệ thành lũy linh thiêng của phương Tây. Tôi hy vọng ít nhất Fermín cũng có thể nhìn thấy khía cạnh hài hước của nó và cho chúng tôi cười vui một chút với bài Sự sụp đổ của âm mưu Do Thái-Tam điểm được hát theo kiểu của anh ta. Hai tháng. Tám tuần. Sáu mươi ngày. Tôi luôn có thể chia nhỏ ra thời gian theo giây và có một dãy số dài cả dặm. Tôi có 5.184.000 giây tự do còn lại. Có lẽ Don Federico, người mà theo cha tôi thậm chí có thể làm một chiếc xe Volkswagen, có thể làm cho tôi một chiếc đồng hồ có hãm phanh. Hẳn ai đó có thể giải thích cho tôi làm cách nào để không đánh mất Bea mãi mãi. Khi nghe tiếng chuông cửa, tôi nghĩ Fermín đã quay về sau khi tự thuyết phục rằng nỗ lực làm thám tử của chúng tôi chẳng gì hơn một trò đùa tệ hại.

“Ồ, chẳng phải vị hoàng tử đang canh chừng lâu đài đấy ư - hẳn chàng ta rồi, dù khuôn mặt chàng có dài thườn thượt. Vui lên nào, Cậu Bé U Sầu,” Gustavo Barceló nói. Ông mặc một chiếc áo khoác lông lạc đà và cầm chiếc gậy ngà thường ngày, mà ông không cần đến và ông cứ khua như mũ tế của Hồng y. “Bố cháu có nhà không, Daniel?”

“Cháu rất tiếc, Don Gustavo. Bố cháu ra ngoài gặp khách hàng rồi, cháu nghĩ ông ấy sẽ về lúc...”

“Tuyệt lắm. Vì ta đến không phải để gặp bố cháu, và càng tốt khi ông ấy không phải nghe điều ta phải nói với cháu.

Ông nheo mắt với tôi, tháo đôi găng tay và nhìn quanh cửa hàng.

“Anh bạn Fermín của chúng ta đâu nhỉ? Anh ta có đây không?”

“Mất tích khi làm nhiệm vụ.”

“Trong khi đang trổ tài năng của anh ta vào vụ Carax, chắc vậy?”

“Cả thể xác lẫn linh hồn. Lần cuối khi cháu gặp, anh ta mặc áo thầy tu và đang làm lễ ban phúc urbi et orbi.”

“Ta hiểu rồi... Là lỗi của bác khi hối thúc cháu làm việc này. Ước gì ta đã không mở miệng.”

“Trông bác có vẻ lo lắng. Có chuyện gì thế ạ?”

“Không hẳn. Mà đúng theo cách nào đấy.”

“Ý bác là sao, Don Gustavo?”

Ông bán sách mỉm cười hiền hậu. Cái vẻ kiêu căng thường thấy của ông giờ bỗng biến đâu mất. Thay vào đó, trông ông thật nghiêm nghị và lo lắng.

“Sáng nay bác gặp Don Maniel Gutiérrez Fonseca. Ông ấy năm mươi chín tuổi, sống độc thân, đã làm việc trong nhà tang lễ thành phố Barcelona từ năm 1924. Ba mươi năm phục vụ nơi ngưỡng cửa bóng đêm. Lời của ông ta, không phải bác. Don Manuel là một người mang cốt cách xưa cũ – nhã nhặn, vui vẻ, hay giúp người. Trong mười lăm năm qua, ông ấy sống trên phố Ceniza, ở một căn phòng đi thuê cùng với một tá vẹt đuôi dài biết hát trong tang lễ. Ông ta có vẻ ưu tiên ở Liceo. Ông thích Verdi và Donizetti. Ông ta bảo rằng điều quan trọng trong công việc của ông là tuân thủ nguyên tắc. Những nguyên tắc điều chỉnh mọi thứ, đặc biệt trong những dịp người ta không biết phải làm gì. Cách đây mười lăm năm, Don Manuel mở một bọc vải do cảnh sát mang đến, và trong đó ông thấy người bạn thân nhất lúc còn nhỏ của mình. Phần còn lại của cái xác được mang đến trong một bọc khác. Don Manuel, kìm nén cảm xúc lại, đã làm theo nguyên tắc.”

“Bác có muốn một tách cà phê không, Don Gustavo? Trông bác hơi tái.

“Ừ.”

Tôi đi tìm ấm giữ nhiệt và rót cho ông một tách, bỏ vào tám viên đường. Ông uống sạch.

“Bác thấy đỡ hơn chưa?”

“Khá hơn rồi đấy. À, sự thể là Don Manuel trực ca đúng hôm người ta mang xác Julián Carax đến phòng mổ pháp y, tháng Chín năm 1936. Tất nhiên, Don Manuel không thể nhớ tên, nhưng chỉ cần nhìn qua hồ sơ lưu trữ và một trăm peso quyên góp vào quỹ hưu trí của ông ta là trí nhớ của ông ta linh lợi lên đáng kể. Cháu có nghe không đấy?”

Tôi gật gật đầu, gần như bị bỏ bùa.

“Don Manuel nhớ mọi chi tiết của ngày hôm đó, như ông ta kể, đấy là một trong những lần ít ỏi ông ta bỏ qua quy tắc. Cảnh sát khẳng định rằng cái xác được tìm thấy ở trong một ngõ hẻm trên khu phố Raval, ngay trước lúc trời sáng. Xác được đưa đến nhà đòn vào giữa buổi sáng. Cùng với nó chỉ có một cuốn sách và tấm hộ chiếu, khẳng định đó là Julián Fortuny Carax, sinh năm 1900 ở Barcelona. Hộ chiếu được đóng dấu ở trạm biên giới La Junquera, cho thấy Carax mới quay về nước một tháng. Nguyên nhân cái chết có lẽ là một vết thương do đạn bắn. Don Manuel không phải bác sĩ, nhưng qua nhiều năm ông học được nên nhìn cái gì. Theo ý kiến của ông ta, phát súng, ngay trên tim, được bắn từ tầm gần. Nhờ tấm hộ chiếu, người ta tìm được ông Fortuny, cha của Carax, ông này đến nhà xác ngay đêm hôm ấy để nhận dạng.”

“Cho đến điểm này thì mọi việc đều trùng khớp với lời kể của Nuria Monfort.”

Barceló gật đầu. “Đúng vậy. Điều Nuria Monfort không nói cho cháu là ông ấy – ông bạn Don Manuel của bác ấy – cảm thấy cảnh sát không quan tâm mấy đến vụ việc này, và sau khi nhận ra cuốn sách tìm thấy trong túi áo của thi thể mang tên người đã chết, ông ta đã quyết định hành động theo ý mình và gọi đến nhà xuất bản ngay chiều hôm đó, trong khi người ta đang đợi ông Fortuny, để thông báo cho họ về chuyện xảy ra.”

“Nuria Monfort bảo với cháu là nhân viên nhà xác gọi điện đến nhà xuất bản ba ngày sau, khi cái xác đã được chôn vào khu mộ chung.”

“Theo Don Manuel, ông ta đã gọi vào đúng được chuyển đến nhà đòn. Ông ta bảo đã nói chuyện với một cô gái, cô này bảo rất biết ơn vì ông ta gọi điện. Don Manuel nhớ rằng ông ta có phần sốc bởi thái độ của cô gái trẻ đó. Nói theo lời ông ta: “Như thể cô ta đã biết chuyện rồi.”

"Còn ông Fortuny? Có phải ông ta không chịu nhận con trai không?”

“Đó là điều làm bác ngạc nhiên nhất. Don Manuel nói rằng cuối buổi chiều hôm đó, có một người đàn ông bé nhỏ đến, ông ta run rẩy, được hai cảnh sát hộ tống. Đấy là ông Fortuny. Theo Don Manuel, ấy là điều mà ta không bao giờ có thể quen được, cái lúc những người thân thích nhất của người đã khuất đến nhận diện xác. Ông ta nói đó là một tình huống không mong muốn đối với bất kỳ ai. Tệ hơn hết, ông nói, là khi người chết còn trẻ, và cha mẹ họ hoặc hôn thê hay hôn phu của họ phải đến nhận dạng. Don Manuel còn nhớ rõ ông Fortuny. Ông ta bảo khi Fortuny đến nhà xác, ông ta gần như không đứng nổi, khóc lóc như đứa trẻ, hai cảnh sát phải sốc hai bên đỡ ông ta. Ông ta cứ gào thét: “Người ta đã làm gì con trai tôi? Người ta đã làm gì con trai tôi?”

“Ông ta có thấy cái xác không?”

“Don Manuel kể rằng thiếu điều ông ta đã hỏi cảnh sát xem họ có thể bỏ qua thủ tục này không. Đó là lần duy nhất ông ta hồ nghi những quy tắc. Cái xác ở trong tình trạng rất tệ. Lúc thi thể được đưa đến nhà xác thì nạn nhân đã chết hơn bốn tám tiếng rồi, và không phải từ lúc mờ sớm ngày hôm đó, như cảnh sát thông báo. Manuel sợ rằng khi ông già thấp bé ấy nhìn thấy cái xác ông ta sẽ ngã quỵ mất. Ông Fortuny liên tục nhắc lại rằng không thể như vậy được, con trai Julián của ông ta không thể chết được... Rồi Don Manuel gỡ bỏ khăn liệm ra, và hai cảnh sát hỏi ông Fortuny theo đúng thủ tục rằng đó có phải con trai ông ta, Julián hay không?’

“Rồi sao?”

“Ông Fortuny chết lặng. Ông ta nhìn chằm chằm cái xác chừng một phút. Rồi ông quay gót bỏ đi.”

“Bỏ đi?”

“Vội vã.”

“Thế còn cảnh sát? Họ không ngăn ông ta lại sao? Không phải ông ta đến nhận xác sao?”

Barceló cười tinh quái. ề lý thuyết thôi. Nhưng Don Manuel nhớ rằng còn một người khác trong căn phòng đó, một cảnh sát thứ ba, kẻ này đã lặng lẽ đi vào trong khi hai người kia dìu ông Fortuny. Hắn đứng quan sát mà không hề nói gì, chỉ dựa vào tường, điếu thuốc trên môi. Don Manuel nhớ rõ hắn vì khi ông ta bảo rằng quy định cấm ngặt hút thuốc trong nhà xác, một tên cảnh sát ra hiệu cho ông ta im mồm. Theo lời Don Manuel, ngay khi ông Fortuny bỏ đi, tay cảnh sát thứ ba bước đến chỗ cái xác, liếc nhìn rồi nhổ nước bọt lên mặt cái xác. Rồi hắn giữ tấm hộ chiếu và ra lệnh mang xác đến Montjuïc để chôn trong khu mộ chung vào sáng sớm.”

“Thật vô lý...”

“Don Manuel cũng nghĩ vậy. Đặc biệt là khi chẳng có gì ăn nhập với quy tắc cả. ‘Nhưng chúng ta không biết người này là ai,’ ông ta nói. Hai cảnh sát kia không nói gì. Don Manuel tức giận quát mắng họ. "Hay là các anh biết quá nhiều? Vì rõ là anh ta đã chết hơn một ngày." Don Manuel hiển nhiên đang dẫn chiếu các quy định và ông không phải kẻ khờ khạo. Theo ông ta, khi tay cảnh sát thứ ba nghe thấy lời phản đối của ông ta, hắn bước đến, nhìn thẳng vào mắt ông ta, rồi hỏi ông ta có muốn đi theo người chết luôn không. Don Manuel khiếp đảm. Người đàn ông kia có cặp mắt của một kẻ loạn trí, và Don Manuel không hề nghi ngờ dù chỉ một giây rằng hắn nói thật. Ông ta lẩm bẩm rằng mình chỉ đang cố tuân thủ quy tắc thôi, rằng không ai biết người chết là ai, vì vậy nên chưa thể chôn ngay được. ‘Tao bảo hắn là ai thì hắn phải như vậy,’ tay cảnh sát trả lời. Rồi hắn cầm tờ khai và ký vào, thế là xong vụ việc. Don Manuel nói ông ta sẽ không bao giờ quên cái chữ ký đó, vì trong những năm chiến tranh, và trong một thời gian dài sau đó, ông ta sẽ gặp cái chữ ký ấy trên hàng chục giấy chứng tử đối với những cái xác mà có Chúa mới biết ở đâu ra – những cái xác không ai đến nhận diện...”

“Thanh tra Francisco Javier Fumero...”

“Niềm tự hào và vinh quang của Sở Cảnh sát Trung tâm. Cháu có hiểu nghĩa là thế nào không, Daniel?”

“Rằng chúng ta đã ra đòn như kẻ mù ngay từ đầu.”

Barceló cầm mũ và gậy rồi bước ra cửa, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Không, thế nghĩa là đòn chỉ mới bắt đầu thôi.”