Bóng Hình Của Gió

Chương 13

ĐẦU NĂM ĐÓ, Tomás và Fermín quyết định kết hợp trí tuệ riêng của bọn họ vào một dự án mà, họ dự đoán, sẽ giúp cả hai chúng tôi thoát khỏi bị gọi đi nghĩa vụ. Fermín, như thường lệ, không chia sẻ lòng hăng hái của ngài Aguilar đối với trải nghiệm nhà binh.

“Lợi ích duy nhất của nghĩa vụ quân sự là nó làm bộc lộ ra số lượng những kẻ thoái hóa trong dâ chúng,” anh ta nhận định. “Và điều đó có thể khám phá ra chỉ trong vài tuần đầu tiên; chẳng cần thiết tới tận hai năm

i nghĩa vụ làm gì. Quân đội, Hôn nhân, Nhà thờ và Nhà băng: Bốn tay Kỵ sĩ Khải Huyền. Phải rồi, cứ cười đi.”

Những khuynh hướng tự do-vô chính phủ của Fermín Romero de Torres đã bị lung lay vào một chiều tháng Mười khi mà, bởi sự trớ trêu của định mệnh, chúng tôi được một người bạn cũ viếng thăm. Hôm đó cha tôi đến tận Argentona, để trả giá một bộ sưu tập sách, tới tận tối khuya ông mới về. Tôi phải nhận nhiệm vụ đứng quầy còn Fermín khăng khăng đòi trèo thanh như diễn viên xiếc trên dây nhằm dọn dẹp đống sách ở tầng trên cùng, cách trần nhà có vài xăng ti mét. Ngay trước giờ đóng cửa tiệm sách, khi mặt trời vừa kịp lặn, khuôn mặt của Bernarda xuất hiện trước cửa kính trưng bày. Chị vận bộ đồ dành riêng cho ngày thứ Năm - là ngày chị được nghỉ - và vẫy tay với tôi. Thấy chị tôi mừng quá, liền ra hiệu cho chị vào trong.

“Ôi trời ơi, cậu lớn quá rồi!” chị đứng ở cửa tiệm thốt lên. “Tôi hầu như không nhận ra cậu nữa... sao thế này, giờ cậu là một người đàn ông hẳn hoi rồi!”

Bernarda ôm chầm lấy tôi, rỉ vài giọt nước mắt rồi xoa nắn đầu, vai và mặt tôi, như thể để chắc chắn rằng tôi không bị vỡ mất bộ phận nào trong thời gian chị vắng mặt.

“Thiếu cậu căn nhà trống trải quá, cậu Daniel,” chị nói, mắt cụp xuống.

“Tôi cũng nhớ chị lắm, Bernarda. Lại đây, hôn tôi một cái nào.”

Bernarda bẽn lẽn hôn lên má tôi, còn tôi chụt hai cái hôn rõ to lên hai bên má chị. Bernarda cười. Trong mắt chị tôi nhìn ra được rằng chị đang chờ lời hỏi han về Clara, nhưng tôi quyết định không làm thế.

“Hôm nay trông chị xinh quá, rất thanh lịch nữa. Sao chị lại quyết định quá bộ qua thăm chúng tôi thế này?”

“Thực sự thì tôi đã rất muốn qua thăm từ lâu rồi, nhưng cậu biết mọi chuyện thế nào đấy, chúng tôi bận bù đầu, và Señor Barceló học rộng biết nhiều là vậy nhưng cứ nhũng nhẵng khó tính như đứa trẻ ấy. Cậu phải cố mà vượt qua và làm quen với mọi điều. Nhưng điều mang tôi đến đây là, ừm, mai là sinh nhật cháu gái tôi, cái đứa từ San Adrián ấy, và tôi muốn tặng con bé một món quà. Tôi nghĩ mình có thể mua cho nó một cuốn sách hay, có nhiều chữ và một ít tranh, nhưng tôi ngốc quá mà lại chẳng hiểu gì...”

Tôi còn chưa kịp trả lời, cả một bộ bìa cứng tuyển tập đầy đủ các tác phẩm của Blasco Ibáñez đã từ trên cao bổ nhào xuống, và cả cửa tiệm rung lên với một tiếng ầm như đạn bắn. Bernarda và tôi ngơ ngác ngước nhìn lên. Fermín đang trườn mình xuống cầu thang, như một nghệ sĩ đu dây, một nụ cười bí hiểm nhoẻn lên trên mặt anh ta, hai mắt ngập tràn khát khao cuồng nhiệt.

“Bernarda, đây là...”

“Fermín Romero de Torres, cố vấn thư tịch cho tiệm sách nhà Sempere, xin sẵn sàng phục vụ, thưa bà,” Fermín tuyên bố, với lấy tay Bernarda và hôn một cách trịnh trọng.

“Anh hình như hiểu lầm, tôi chẳng phải bà nào cả...”

“Vậy thưa nữ hầu tước, ít nhất cũng như vậy,” Fermín chen lời. “Tôi phải biết chứ. Tôi đã từng sánh đôi với những kiều nữ tuyệt nhất trên khu Avenida Pearson. Hãy ban cho tôi vinh dự được hộ tống cô tới giá sách dành riêng cho trẻ em và thanh thiếu niên, nơi mà tôi chú ý rằng, thật may mắn sao, có sẵn một bộ hợp tuyển hạng nhất của văn hào Emilio Salgari và thiên anh hùng ca về chàng hải tặc Sandokan của ông ấy.”

“Ôi, thưa anh, tôi chịu không biết đâu, tôi không rõ về cuộc sống của những người thánh thiện. Bố của con bé từng là một người cực tả, anh biết đấy...”

“Xin đừng lo lắng, ở đây tôi thấy không gì khác hơn cuốn Hòn đảo bí ẩn của Jules Verne, một tuyệt phẩm đậm chất phiêu lưu và nội dung đầy tính giáo dục nữa, chứa rất nhiều thông tin khoa học.”

“Nếu anh cho là như vậy...”

Lẳng lặng theo sau hai người, tôi để ý thấy Fermín đang mê mẩn Bernarda nhường nào và Bernarda tỏ ra choáng ngợp nhường nào trước sự ân cần đổ ập xuống chị từ phía người đàn ông nhỏ thó có vẻ ngoài lếch thếch với cái lưỡi dẻo quẹo của một tay rao hàng. Anh chàng ngấu nghiến Bernarda bằng ánh mắt với vẻ thèm t như thể chị chẳng khác gì một miếng sô cô la.

“Thế cậu thì sao, cậu Daniel? Cậu thấy thế nào?”

“Fermín Romero de Torres là chàng biết tuốt ở đây. Chị cứ tin anh ấy đi.”

“Ừm, vậy tôi sẽ lấy cuốn sách về hòn đảo, cậu làm ơn bọc nó lại giúp tôi nhé. Tôi phải trả cậu bao nhiêu?”

“Ồ, chị không phải trả gì đâu,” tôi nói.

“Không, không thế được, tôi không chịu đâu.”

“Nếu cô nương cho phép, xin để tôi, Fermín Romero de Torres đây, trả hộ. Cô nương sẽ khiến tôi trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất Barcelona này.”

Bernarda nhìn cả hai chúng tôi. Chị không thốt ra nổi lời nào.

“Nghe này, tôi sẽ trả tiền cho thứ tôi mua, và đây là quà tặng dành cho cháu gái tôi...”

“Thôi được, vậy liệu cô nương có thể cho phép tôi, thay vì trả tiền sách, mời cô đi uống trà chiều được không,” Fermín mau chóng chen lời, tay vuốt cho tóc xẹp xuống.

“Nhận lời đi, Bernarda,” tôi khuyến khích. “Chị sẽ thích cho mà xem. Coi nào, trong khi tôi bọc cuốn sách này lại, Fermín sẽ đi lấy áo khoác.”

Fermín quày quả vào phòng trong để chải tóc, vẩy chút nước hoa và khoát lên người chiếc áo vét. Tôi lén chuyền tay cho anh chàng vài đồng duro từ ngăn kéo để tiền.

“Tôi đưa nàng ấy đi đâu đây?” anh ta thì thầm, bồn chồn như một đứa trẻ.

“Nếu là tôi, tôi sẽ đưa chị ấy đến quán Quatre Gats,” tôi nói. “Tôi biết chắc rằng đó là một nơi may mắn cho những gì lãng mạn.”

Tôi đưa Bernarda bọc sách và nháy mắt với chị

“Tôi phải trả bao nhiêu đây, thưa cậu Daniel?”

“Tôi không chắc nữa. Để tôi báo chị sau. Cuốn sách không đề giá, tôi sẽ hỏi cha tôi sau,” tôi nói dối.

Tôi dõi theo bóng họ tay trong tay rời tiệm rồi biến mất xuôi chiều con phố Santa Ana, thầm hy vọng rằng có ai đó đang trực trên thiên đường, dù chỉ một lần thôi, ban cho hai người họ may mắn thành đôi. Tôi treo tấm bảng hết giờ mở cửa trên cửa kính trưng bày. Tôi chỉ vừa vào phòng trong một chút để soát lại sổ đặt hàng của cha tôi thì chợt nghe tiếng chuông cửa leng keng. Tôi đồ rằng hẳn là Fermín quên mất thứ gì đó, hoặc có thể cha tôi vừa về từ chuyến công vụ trong ngày.

“Chào?”

Vài giây trôi qua, không có tiếng đáp lại. Tôi tiếp tục xem lướt qua sổ đặt hàng.

Tôi nghe có tiếng chân chầm chậm bước trong tiệm.

“Fermín à? Hay là cha đấy?”

Không có tiếng trả lời. Tôi nghĩ mình nghe thấy một tiếng cười nghèn nghẹn, bèn đóng cuốn sổ đặt hàng lại. Có lẽ là vị khách nào đó đã lờ đi tấm bảng hết giờ mở cửa. Tôi vừa định bước ra phục vụ vị khách đó dù có là ai, thì chợt nghe tiếng vài cuốn sách rơi từ trên giá xuống. Tôi nuốt ực một cái. Chộp lấy một con dao rọc thư, tôi chầm chậm tiến về phía cửa phòng trong. Tôi chẳng dám lên tiếng tới lần thứ hai. Liền sau đó tôi nghe tiếng chân vang lên lần nữa, bước đi xa dần. Tiếng chuông cửa vang lên, và tôi cảm nhận được chút khí lạnh ngoài phố tràn vào. Tôi he hé nhìn ra đằng trước tiệm. Chẳng một ai ở đó. Tôi chạy vội về phía cửa trước và chốt đến hai lần khóa, sau đó hít một hơi thật sâu, thấy mình lố bịch và hèn nhát làm sao. Đang định quay trở lại phòng trong, chợt tôi chú ý thấy trên quầy thu tiền có một mẩu giấy. Tới gần hơn, tôi nhận ra đó là một bức hình, một tấm ảnh cũ loại được in trên bìa các tông dày. Bốn góc bức hình đều bị cháy xém, và hình ảnh mờ khói dường như dính đầy vết đầu ngón tay lấm chì than. Tôi xem kỹ bức hình dưới ánh đèn bàn. Trên tấm hình là một đôi trai gái trẻ đang cười vào máy ảnh. Người con trai không lớn hơn mười bảy mười tám là mấy, với mái tóc sáng màu và các đường nét thanh tú, quý phái trên gương mặt. Người con gái trông hơi trẻ hơn chút ít, nhiều lắm cũng chỉ một hai năm. Cô có làn da trắng xanh và khuôn mặt góc cạnh bao trọn trong mái tóc ngắn màu đen. Trông cô như đang say sưa trong hạnh phúc. Người con trai vòng cánh tay quanh eo cô gái, cô dường như đang thì thầm điều gì có ý chòng ghẹo vào tai anh chàng. Hình ảnh ấy truyền đến cảm giác ấm cúng và thắp lên một nụ cười trên gương mặt tôi, như thể tôi vừa nhận ra bạn bè cũ nơi hai người xa lạ đó. Đằng sau họ tôi nhìn ra được khung cửa kính trang hoàng lộng lẫy, bày một đống mũ thời trang kiểu cũ. Tôi tập trung nhìn vào đôi nam nữ. Từ quần áo của học tôi đoán chừng tấm ảnh phải được ít nhất hai lăm hay ba mươi năm tuổi. Hình ảnh ấy tràn đầy ánh sáng và hy vọng, ngập tràn những hứa hẹn vốn chỉ tồn tại trong ánh mắt người trẻ tuổi. Lửa đã thiêu hủy gần như toàn bộ khung cảnh xung quanh bức hình, nhưng nhìn kỹ vẫn có thể thấy một khuôn mặt nghiêm nghị đằng sau quầy tính tiền kiểu cũ, gợi lên đường nét khuôn mặt lờ mờ đằng sau dòng chữ khắc trên cửa kính.

CON TRAI NHÀ ANTONIO FORTUNY

Thành lập năm 1888

Vào cái đêm tôi trở lại Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên, Isaac đã bảo tôi rằng Carax lấy họ theo họ mẹ, chứ không phải họ bố, vốn là Fortuny. Cha của Carax có một tiệm mũ trên Đại lộ San Antonio. Tôi nhìn lại tấm hình đôi trẻ lần nữa và biết chắc chàng trai đó chính là Julián Carax, anh chàng đang tươi cười với tôi từ quá khứ, không tài nào thấy được ngọn lửa đang dần bén tới xung quanh mình.

THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG BÓNG ĐEN

1954