Bóng dáng xưa

Chương 13

Docsach24.com
ây giờ, Xương đã sống lại dưới mái gia đình, nhưng sự thương tiếc lần này càng khiến cho lòng nàng tê tái. Nàng biết làm không thể nào lại còn được như xưa nữa. Ngôi nhà bây giờ chỉ còn chứa những bóng ma. Xương phải làm lụng suốt ngày thay mẹ. Nàng dậy sớm như gà. Nàng giặt giũ, nấu nướng vừa sửa sang vườn tược. U Ái đã già đi thêm một chút nữa, không giúp đỡ được nàng bao nhiêu. Nhiều hôm, cơm nước xong thì người Xương tưởng chừng gãy rời ra được. Thế nhưng công việc cũng khiến nàng nguôi quên được nhiều điều. Buổi chiều, khi trời sẫm lại, Xương thường một mình ngồi trên gian gác xép của nàng mà chờ tối. Và khi tiếng giun dế đã đua nhau rỉ ran ở mọi xó vườn, xó hè nhà, thì nàng thắp đèn lên. Ông Thông bà Thông, từ ngày Thuần mất, không mấy khi thức khuya nên trong nhà chỉ còn có một bóng Xương. Hôm thì thiếu nữ xem sách, hôm thì nàng viết truyện. Từ buổi đưa Thuần về nơi thiên cổ, lòng Xương lại giá lạnh thêm một chút nữa vì đời. Nàng muốn nhờ cảnh ngộ mình lúc đó để sáng tạo nên một cuốn sách sâu xa, thành thực. Một cuốn sách viết bằng chính những rung động của lòng nàng, như Tâm thường nói. Xương viết hàng giờ trên gian gác vắng, quản bút hình như có phép nhiệm mầu của những kẻ vô hình đưa đẩy giúp. Những kỷ niệm ngày xưa lần lượt hiện ra nhảy múa quanh nàng...

Xương viết rất dễ dàng chứ không khó nhọc như xưa nữa. Nàng đi trong những thế giới thần tiên của dĩ vãng tưởng còn gần ngay đó, nhưng mà đã bị cái chết, sự vắng mặt, sự oán hận, sự biệt lá ngăn cách hẳn rồi... Sợi dây thiêng liêng buộc tất cả mọi người trong gia đình vào với nhau, đã đứt. Chuỗi ngọc đã sổ dây, mỗi viên lăn đến một chỗ mà số mệnh định đâu từ trước. Thịnh đã có một mái nhà ở chốn xa, và nàng đương hưởng cái hạnh phúc ích kỷ bình tĩnh của những người sung sướng. Việc gì cũng không quan trọng cho nàng lấy này bằng chồng nàng với con nàng. Dĩ vãng đối với nàng nay chẳng đáng để tâm bằng hiện tại với tương lai... Ái thì vẫn đi chơi xa với bà cô giàu có. Thiếu nữ không về được để chôn Thuần. Những giọt nước mắt của người ở xa thấm ở trong thư cũng không làm gì được cho Xương cả. Thuần đã đi ra khỏi cổng nhà để ngủ giấc muôn năm ngoài đồng nội, bên cạnh một cây hồng run rẩy. Còn Hòa thì vẫn không có một lá thư để thăm hỏi đến Xương...

Như là nhờ một phép lạ, Xương hội họp mọi người lại dưới ánh đèn. Mỗi đêm, nàng tìm lại với những kẻ thân yêu ngày trước. Những cái bóng người xưa đều chạy đến với nàng, và xúm quanh nàng, với những tiếng nói cười, với những áo quần ngày cũ. Họ vẫn nói những câu nói cũ, họ vẫn giữ được dáng điệu ngày xưa. Và đó là chính họ đọc cho Xương viết bằng một ngọn bút nhanh chóng, không bao giờ mệt mỏi... “Phải viết những cái gì thoát ra ở chính tấm lòng mình”.

Câu nói của Tâm vẫn vang lên bên tai thiếu nữ, mỗi lần nàng cầm bút. Bây giờ thì chính thực nàng đã sống trong những hàng chữ nàng viết ra, nàng và tất cả những kẻ xưa kia đã làm thành cuộc đời nàng, với những ngày vui với những ngày buồn... Một đôi khi Xương đọc lại những trang mình đã viết vào buổi sáng. Nhìn đám giấy đen những mực, những chỗ gạch, xóa, nàng nghĩ đến những cơn mê đắm say sưa trong lúc viết. Và nàng do dự, nàng tự hỏi mình có quyền mang tất cả một thuở thiếu thời ra gạn lọc lấy những cái gì sáng sủa ngọt ngào của nó, mà làm thành một câu chuyện giải trí mua vui cho kẻ khác được chăng? Nhưng Xương lại nghĩ rằng chỉ có thế mới lột được hết chỗ tài nghệ đáng kể nhất của mình thôi. Và nàng biết rằng trừ Thuần ra, thì tất cả mọi người không ai hiểu cái giá trị của một kho tàng quý báu như thế nữa. Nàng không chiếm đoạt của ai một cái gì. Những cái mà nàng lượm lặt từng mẩu vụn, từng lá từng tý ở cuộc đời chung của những người thân, nếu không có nàng, thì đã chết hết, chết phí đi trong một xó lãng quên, trong lãnh đạm...

Cuốn truyện cứ như vậy mà thêm trang, mà dài thêm ra mãi, trên gian gác thân mật của Xương, nhưng không một ai biết cả. Khi đã chấm dấu hết trên trang giấy cuối cùng, Xương mới đem cả tập ra bờ sông Châu để ngồi hóng mát mà đọc lại. Buổi chiều gần tắt nắng. Thuyền bè vẫn qua lại trên sông như cũ. Xương ngồi đúng ở một chỗ mà ngày xưa Hòa và bốn chị em nàng vẫn cùng ngồi xem nước chảy với thầy giáo Phúc. Gió chiều hơi lạnh, thổi rạp những cỏ cao mọc ở ven sông. Những nóc nhà trong tỉnh còn một chút màu vàng ốm yếu sắp tàn trên mái. Mấy cô thiếu nữ đi học về đuổi nhau trên đường đá. Một đám muỗi bay vòng quanh trước mặt Xương kêu vo vo như mừng trời sắp tối. Phía bên kia bờ sông Châu có người đốt cỏ khô và rác. Ngọn khói bốc lên cao, bị gió tản ra, mờ nhạt dần đi. Mùi khói, trong buổi chiều cuối thu có cái hương vị chát của những cành cây đầy nhựa cháy. Lúc Xương đọc xong tập giấy của mình thì trời vừa chập choạng. Áo nàng đã ẩm vì hơi sương. Nàng trở về nhà thì u Ái đã thắp đèn trong gian giữa. Đó là hiệu gọi của gia đình. Xương nhớ lại những ngày còn đi học mải chơi cùng chúng bạn, lúc trở về đã thấy lên đèn thì trong lòng lo lắng. Nàng đẩy cửa vội bước vào nhà.

Sáng hôm sau, Xương gửi tập truyện của nàng đi Hà Nội. Nàng há vọng rằng Tâm làm báo chắc hẳn phải quen nhiều nhà in có thể in cho nàng cuốn truyện đầu tiên ấy. Nàng gửi đi như vậy tất cả của cải của đời nàng, và nàng cũng không hiểu số phận nó sẽ ra sao, tùy ở sự phê bình sau này của Tâm, người bạn chân thành nhất của nàng trên Hà Nội. Nàng tin rằng Tâm sẽ giúp nàng sửa đổi một đôi chút về những chỗ vụng về không thể tránh được trong lúc nàng ham viết mà không để ý. Tâm có thể in được cuốn truyện cho nàng hay không? Xương cũng không bận lòng lắm về sự đó. Nàng viết ra chỉ cốt để cởi bỏ hết được tâm sự của mình, được cái gánh dĩ vãng đè nặng trong lòng mình từ ngày hiểu biết cuộc đời. Lòng nàng đã nhẹ nhõm. Không có gì ám ảnh đuổi theo nàng nữa. Từ nay, có lẽ không bao giờ Xương lại viết văn. Ngay hôm đó, Xương trở lại với công việc nội trợ của mình một cách yên lòng hơn trước. Nàng lại vá may giặt giũ, chăm nom cha mẹ, cơm nước và giúp đỡ u già Ái.