Bóng dáng xưa

Chương 10

Docsach24.com
uổi chiều hôm đó, Xương đương nhờ Tâm đọc hộ mấy trang tiểu thuyết của mình vừa viết để dò xem ý kiến của Tâm, thì con ở chạy vào báo rằng Xương có khách. Thiếu nữ sửng sốt, vì nàng chẳng quen ai ở Hà Thành. Nàng đoán thầm rằng có lẽ có người ở tỉnh nhà lên nhắn nàng việc gì quan trọng. Đầu gối run run, nàng đi xuống gác, ngực nàng đập mạnh. Nhưng chẳng phải ai xa lạ.

Đó là cô Cả và em nàng: Ái. Xương mừng rỡ có thể òa lên khóc được. Đã lâu ngày nàng chưa gặp một kẻ thân tình nào. Hai chị em ôm lấy nhau một lúc. Rồi Xương đẩy Ái ra mà ngắm. Ái quả đã thành một cô thiếu nữ rất xinh tươi. Ái ăn mặc sang trọng chẳng kém gì các thiếu nữ con nhà giàu mới nhớn lên ở Hà thành. Xương thấy nổi lên trong lòng một niềm kiêu hãnh và vui sướng thực êm đềm. Trong thời kỳ Thuần đau ốm, Ái thường phải đi sang ngủ ở nhà cô Cả.

Bà Thông không muốn có đông người ở trong nhà lúc đó. Ái thường phải thay Xương để đọc truyện, và trông nom nhà cửa cho cô. Đến khi Xương lên ở Hà Nội thì Ái đã thành một cô cháu “chính thức” của bà cô khó tính. Vốn xưa nay mềm mỏng, Ái chẳng bao lâu đã rất hợp với cô. Nàng quen ngay với cái đời sống của một nhà giàu trưởng giả. Ái ở hàng tháng với cô, và được cô coi như là con gái quý. Bà Cả cho thế là đã báo thù được mấy cô cháu cứng đầu cứng cổ xưa kia. Thịnh đã bằng lòng theo một anh giáo học nghèo, Thuần thì ốm yếu quanh năm, Xương đã bỏ nhà lên ở trên Hà Nội, vậy thì Ái sẽ hưởng tất cả mọi điều sung sướng đáng thèm. Cô Cả vẫn biết Xương là một thiếu nữ thông minh thực đấy, nhưng bà thấy Ái dễ bảo và đáng yêu hơn. Bởi thế bà cho Ái theo bà đi chơi Huế và Sài Gòn một chuyến. Như phần nhiều các người giàu có tuổi, bà cũng muốn đi đây đi đó một lần để giối già. Hai cô cháu chỉ đến thăm Xương được một buổi thôi. Chuyến tàu tốc hành tối nay sẽ đưa hai người vào Huế. Ái vui vẻ thuật tất cả những điều đó cho Xương biết, trong khi cô đương nói chuyện với bà Phán Hàng Đào ở ngoài hàng. Xương nghe xong, người cứ tái dần đi. Nàng thấy mọi vật đều quay tròn ở quanh mình. Tiếng Ái nghe giòn như tiếng nói của những người con gái ít tuổi đang sung sướng. Ái khoe với Xương những đồ trang sức mà cô vừa mới sắm cho để đi chơi xa.

Xương thấy trong mình lạnh ngắt. Thôi! Thế là hết cả! Cuộc đi chơi xa này cũng không đến phần nàng. Vậy mà xưa kia, bà Cả đã bao lần hứa với nàng, những lúc nàng đọc xong một cuốn truyện làm bà cô cảm động. Đã bao nhiêu lần, Xương du lịch trong tưởng tượng. Thiếu nữ cho là cả nhà chỉ có mình là hiểu được cái đẹp của sông núi, của cảnh sắc nơi xa lạ. Nàng thường tả trong truyện của mình những buổi hoàng hôn, những buổi sáng trăng trên những con sông, những phong cảnh chưa bao giờ đi tới. Một ngày kia, nàng sẽ đi cùng cô Cả. Nàng sẽ đi thăm cung điện và lăng tẩm Huế. Nàng sẽ bước trên những sàn gạch mà các vị đế vương đời trước đã bước lên. Nàng sẽ được thấy Sài Gòn, cái thành phố đẹp như hòn ngọc mà mọi người ca tụng. Nàng sẽ đi Cao Miên, hay Đà Lạt, là các chốn người ta ca tụng bằng những lời văn diễm lệ trong sách vở. Nàng sẽ đi... Nhưng, thôi thực hết! Bây giờ đó là Ái thay nàng. Ái, một cô em không bao giờ ham đọc sách như nàng, không hiểu được tâm hồn của sự vật như nàng. Xương cố nén lòng để cho qua cái cơn đau đớn ấy. Nàng hỏi thăm em về tin tức ở nhà, về Thuần, về đứa con đầu lòng của Thịnh. Sau cùng nàng hỏi tới Hòa. Ái kêu lên sửng sốt:

- Thế chị không biết rằng Hòa hiện cũng ở Sài Gòn với cụ án? Hòa đi chơi với cụ đã gần một tháng nay.

Vì hình như Hòa độ này có vẻ buồn bã làm sao ấy. Câu nói của Ái chẳng khác một cái dùi nhọn đâm vào tim người chị. Xương bàng hoàng, rời rã cả tay chân. Hòa cũng đi Nam với ông? Thế thì Hòa tệ thực. Ai ai cũng có phần hạnh phúc của mình. Duy chỉ có Xương là chịu thiệt. Ngày xưa đã có lần Xương và Hòa cùng bàn tán với nhau về “cuộc du lịch lớn lao” kia. Hai người cùng tưởng tượng với nhau những non nước thực là kỳ ảo. Đến bây giờ người bạn của nàng đã quên nàng, đã không thèm viết cho nàng một cái thư, từ ở chốn vui kia.

Một mình Xương ở giữa Hà Nội. Nàng như một con vật thả hoang, không được nếm một chút vuốt ve âu yếm. Trời tối. Bà Cả cơm nước xong đã giục Ái sửa soạn để ra ga Hàng Cỏ. Xương bùi ngùi tủi phận và nghĩ thầm rằng có lẽ cô mình và em gái mình ghé thăm mình, là chỉ vì bà Thông khẩn khoản mà thôi. Nàng thấy mình đã cách biệt với mọi người. Và trừ tấm lòng tốt của mẹ ra, thì không còn gì nữa. Ra đến sân ga, Xương thấy không còn gì để nói với những người đương nóng lòng đợi giờ xe lửa chạy mang mình đi đến những xứ lạ nhiệm màu. Nàng nhìn em và cố nuốt những giọt lệ vào cổ họng. Nhưng cái nhìn của nàng tuyệt vọng nhường kia, Ái làm gì mà chả thấy. Ái bỗng nhớ ra rằng trước kia, đã bao lần Xương khoe với các chị em rằng bà cô sẽ cho mình đi để hầu cô. Ái hiểu rằng vô tình mình đã cướp phần của chị. Thiếu nữ vội cầm lấy tay chị mà nắm chặt:

- Ồ Xương! Đáng lẽ ra thì chị đi mới phải. Chị vẫn ước ao... Hay là để em nói với cô...

Xương bịt mồm em lại. Vừa lúc đó, tiếng còi xe đã rúc lên, Xương đẩy em lên bực cửa:

- Không. Đó là phần thưởng của em. Bởi vì em biết cách hầu cô. Em đi cho vui vẻ... Và nếu vào trong Nam, em có...

Nàng định nói: “Nếu em có gặp anh Hòa...” Nhưng không nói được tên Hòa. Nàng tiếp:

- Nếu em có được xem nhiều cảnh đẹp, thì em viết thư cho chị... Thế cũng như là chị đã đi.

*

Ở ga về, Xương toan đi nằm ngay, để được khóc một mình trên chiếc gối quen thuộc của mình. Nhưng xe kéo vừa đỗ, nàng đã thấy Tâm đứng trong sân, dưới giàn nho leo như có ý đợi nàng. Quả nhiên Tâm chạy lại phía nàng và nói:

- Tôi chờ mãi. Tôi đã đọc xong cái truyện ngắn mà cô đã vui lòng cho xem. Nhưng tôi phải thành thực mà nói. Bởi vì đó là bổn phận một người bạn. Cho dẫu có phạm...

Xương thấy chán nản lạ thường. Trong lúc này, nàng còn thiết tha gì nữa? Nàng phải cố quên đi, quên hết, Ái, Hòa, cuộc đi chơi... để trở về với cái đời nhạt nhẽo mọi ngày. Thấy Tâm lúng túng không nói hết câu, Xương cũng không còn lòng nào mà khuyến khích chàng nói nốt. Tâm ngừng một chút, rồi lại tiếp:

- Tại sao cô lại đi viết thứ truyện như vậy để làm gì? Cô nên để công ấy cho những kẻ vô tài, những kẻ tâm hồn khô khan, trống rỗng. Tôi biết cô có thể có nhiều ý tưởng cao hơn thế. Ừ, tại sao lại cứ phải những chuyện tình không lý thú, những chuyện hoang đường, rùng rợn, chuyện diễm ảo, bi kỳ? Không phải là tiếng vang của cuộc đời. Tại sao cứ phải tả những thiếu nữ ngây thơ giả dối, những anh hùng với những cử chỉ lố lăng, những kẻ gian ác cử chỉ bạo tàn? Không, lòng người có muôn ngàn trạng thái, có bao nhiêu tình cảm đẹp...

Tâm nói một hơi, nhưng bỗng chàng ngừng bặt. Xương đã dựa mình vào cạnh tường hoa mà khóc. Cạnh nàng là một khóm hoa dạ hợp, tay nàng nắm lấy một cành, nên lá rung lên. Tâm hoảng sợ, chạy đến gần nàng:

- Tôi xin lỗi Xương. Tôi không ngờ... Tôi nói thực... Tôi chỉ muốn...

Xương ngửng đầu lên. Trời tối, Tâm không thấy những hạt lệ long lanh dưới mắt nàng. Xương nói:

- Không! Không phải là lỗi tại anh... Nhưng tại sao tất cả mọi sự không may lại hùa nhau đến cùng một lúc thế này?

Nàng nói như là nói với một mình mình. Tâm không hiểu được ra sao cả, nhưng chàng biết là Xương có điều gì đau xót lắm, nên chàng chỉ đứng im.

- Ừ thì được đi hay không cũng không cần... nhưng còn Hòa? Cớ sao Hòa lại nỡ lòng như vậy được? Hòa đi qua cửa nhà này mà cũng không vào. Hòa đi xa mà cũng không thèm cho biết...

Xương càng nói, nước mắt lại càng chan chứa:

- Nhưng chẳng qua cũng là lỗi ở tôi... Bao giờ tôi cũng lỗi... Chính tôi đã làm cho Hòa lánh xa tôi. Đó là hình phạt của trời. Nhưng cô Cả đã hứa với tôi sao lại quên lời được? Và bây giờ thì đến anh lại trách tôi viết những truyện chẳng ra gì.

Tâm cảm động muốn kiếm lời an ủi nhưng chàng chưa biết nói gì thì Xương lại tiếp:

- Không, tôi biết lắm. Tôi biết là những truyện của tôi viết ra chẳng giá trị gì. Nhưng khi mà tôi viết những truyện hợp với tờ báo trả tiền tôi như vậy, thì tôi có thể giúp được nhiều người... Tâm vội nói luôn:

- Tôi cũng hiểu lắm. Nhưng cô không có quyền viết văn như vậy, trong khi mình...

- Sao lại không?

- Không. Là bởi vì cô đã phí cái tài thực của mình ẩn kín trong tâm hồn mà chưa tìm ra được. Và rồi cô sẽ làm hỏng nó đi. Cái nghề tiểu thuyết, đã bị bao nhiêu người làm hổ tiếng rồi. Cô không có quyền, thực vậy. Cô sẽ viết những cái gì chỉ ở lòng mình mà thôi. Người làm văn phải khỏe, phải biết chống lại những cái lợi nhỏ nhen, mới hòng tiến đến chỗ tinh vi của nghệ thuật được.

Tâm chỉ lên giàn nho và nói tiếp:

- Đây này, trên đầu chúng ta, chung quanh chúng ta có bao nhiêu là điều đáng nói. Cô hãy viết cho tôi một cái truyện về cái cây nho này chẳng hạn. Cây nho giờ không có lá, và có vẻ cằn cỗi như một ông già. Nhưng không, nhựa sống tràn đầy trong lòng cây, và biết đâu nó cũng có một linh hồn như chúng ta đây? Bao giờ đến mùa hè, nó sẽ tươi tốt hiến cho đời lá xanh và quả thắm. Cái hại là người đời không biết đợi chờ lúc sang hè.

Xương chưa từng thấy Tâm nói hăng hái, say sưa như vậy bao giờ cả. Xương nghĩ đến những trang nhật ký mình đã viết trong những giờ mỏi mệt và chán nản, trong những giờ xa mái ấm gia đình và các người thân. Những dòng chữ viết rất nhanh, những dòng chữ của một cõi lòng cởi bỏ trong hiu quạnh. Có lẽ Tâm sẽ thích đọc những trang thành thực như vậy chăng? Xương tự nhủ: Nhưng lúc này chưa phải là lúc nên cho Tâm rõ. Trong cái vườn của dĩ vãng, chỉ có những kẻ thân yêu của mình mới có quyền bước chân vào. Vả lại, trong cuốn nhật ký của Xương, nàng đã nhắc đến Hòa nhiều quá. Dưới bút nàng, cái tên người bạn thuở xưa trở lại luôn luôn. Nàng không muốn cho người ngoài đọc đến.