Bốn Thỏa Ước

Chương 5: Thỏa Ước Thứ Tư

CHỈ CÒN MỘT THỎA ƯỚC NỮA THÔI, NHƯNG LÀ cái cho phép ba thỏa ước kia trở thành những thói quen in sâu trong bạn. Thỏa ước thứ tư là về hành động của ba thỏa ước đầu tiên: Luôn làm hết khả năng của mình.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy luôn làm hết khả năng của mình, không hơn không kém. Nhưng nhớ rằng hết khả năng của mình không có nghĩa là lúc nào cũng phải y hệt như nhau. Vạn sự sống động và luôn thay đổi, vì thế cái gọi là hết khả năng của bạn có lúc đạt chất lượng cao, và có lúc lại không được như vậy. Khi bạn thức giấc tươi tỉnh và tràn trề sinh lực vào buổi sáng, khả năng cao nhất của bạn sẽ tốt hơn khi bạn đã mệt mỏi vào buổi tối. Khả năng cao nhất của bạn khác nhau khi bạn mạnh khỏe hay đau yếu, khi tỉnh táo hay khi say mềm. Nó tùy thuộc vào việc bạn đang cảm thấy tuyệt diệu và hạnh phúc, hay giận dữ, xáo trộn hoặc ghen tị.

Ở vào các tâm trạng hàng ngày của bạn, khả năng cao nhất của bạn có thể thay đổi từ khoảnh khắc này qua khoảnh khắc khác, từ giờ này qua giờ khác, từ ngày này qua ngày khác. Nó cũng thay đổi theo thời gian. Khi bạn tạo được thói quen về bốn thỏa ước này, khả năng cao nhất của bạn sẽ trở nên tốt hơn bình thường.

Bất kể chất lượng như thế nào, hãy cứ làm hết khả năng của mình - không gì khác ngoài làm hết khả năng của mình. Nếu bạn cố gắng làm quá khả năng của mình, bạn sẽ mất nhiều công sức hơn cần thiết và nói cho cùng thì khả năng tối đa của bạn cũng không đủ để làm như thế. Khi bạn làm việc quá sức, bạn hủy hoại cơ thể và chống lại chính mình, và bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục đích của mình. Nhưng nếu bạn làm không hết sức mình, bạn sẽ khiến mình thất vọng, tự phán xét, mặc cảm và nuối tiếc.

Chỉ cần làm hết khả năng của mình - ở bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc đời bạn. Dù bạn đau ốm hay mệt mỏi cũng không sao, miễn là bạn luôn luôn làm hết khả năng của mình, thì bạn sẽ không việc gì phải phán xét mình cả. Nếu bạn không phán xét mình, bạn sẽ không có lý do gì để đau khổ vì mặc cảm, để oán trách và trừng phạt bản thân nữa. Bằng cách luôn luôn làm hết khả năng của mình, bạn sẽ phá bỏ được một lời nguyền lớn giáng xuống bạn.

Có một người kia muốn thoát khỏi đau khổ. Ông đi đến một ngôi chùa để tìm gặp Đại sư nhờ giúp đỡ. Ông đến với Đại sư và hỏi: “Bạch thầy, nếu con suy niệm mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ thì con cần bao lâu để vượt qua được?”

Nhà sư nhìn ông ta và nói: “Nếu con suy niệm mỗi ngày bốn giờ, có lẽ con sẽ vượt qua được trong mười năm.”

Nghĩ rằng mình có thể làm tốt hon, người kia nói: “Bạch thầy, thế nếu con suy niệm mỗi ngày tám tiếng thì mất bao lâu con mới siêu thoát được?” Nhà sư nhìn ông và nói: “Nếu con suy niệm mỗi ngày tám tiếng, có lẽ phải đến hai mươi năm mới siêu thoát được.”

Người kia hỏi: “Tại sao con suy niệm nhiều hơn lại mất thời gian lâu hơn vậy?”

Nhà sư trả lời: “Con không sinh ra trên đời để phải hy sinh niềm vui hay cuộc sống của con. Con có mặt ở đây để sống, để hạnh phúc, để yêu. Nếu con có thể làm hết sức mình trong hai tiếng suy niệm, nhưng lại dành đến tám tiếng, con sẽ chỉ càng thêm mỏi mệt, mất tập trung, và con sẽ không còn thưởng thức được cuộc sống nữa. Hãy làm hết sức mình, và có lẽ con sẽ nhận ra rằng con có thể sống, yêu thương và hạnh phúc bất kể con suy niệm bao lâu mỗi ngày.”

***

Làm hết khả năng của mình, bạn sẽ sống cuộc sống của bạn một cách mãnh hệt. Bạn sẽ trở nên hữu ích, bạn sẽ tốt với bản thân mình, vì bạn sẽ dành bản thân cho gia đình, cho cộng đồng, cho mọi thứ. Nhưng đó sẽ là hành động khiến bạn cảm thấy hạnh phúc tột cùng. Khi bạn luôn hết mình, bạn hành động. Làm hết khả nâng của mình là hành động bởi vì bạn yêu điều đó, chứ khống phải vì bạn đang mong chờ một phần thưởng. Hầu hết mọi người đều làm điều ngược lại: Họ chỉ hành động khi họ mong chờ một phần thưởng, và họ không thích thú gì hành động đó. Đó là lý do tại sao họ không làm hết khả năng của mình.

Chẳng hạn, hầu hết mọi người đều đi làm hàng ngày, nhưng chỉ suy nghĩ về lương công nhật và số tiền họ lĩnh được từ việc họ làm. Họ mong ngóng cho chóng đến thứ Sáu hoặc thứ Bảy, ngày họ nhận tiền và được nghỉ. Họ làm việc vì phần thưởng, và do đó họ chống lại công việc. Họ tìm cách tránh né hành động và nó trở nên khó khăn hon, còn họ thì không làm hết khả năng của mình.

Họ làm việc cật lực suốt cả tuần đằng đẵng, họ khổ sở vì làm việc, không phải vì họ thích làm việc, mà vì họ cảm thấy họ phải làm. Họ phải làm việc, vì họ phải trả tiền thuê nhà, vì họ phải nuôi gia đình. Họ gánh tất cả những nhọc nhằn bất mãn ấy, và khi họ nhận được những đồng tiền của họ, họ không hạnh phúc. Họ có hai ngày để nghỉ ngơi, làm điều họ muốn làm, và họ làm gì? Họ tìm cách chạy trốn. Họ uống say mèm, vì họ không ưa chính họ. Họ không thích cuộc sống của họ. Có nhiều cách để chúng ta tự làm tổn thương mình, khi chúng ta không ưa bản thân mình.

Mặt khác, nếu bạn hành động chi vì lợi ích của hành động đó, mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện. Các phần thưởng rồi sẽ đến, nhưng bạn không bị ràng buộc vào phần thưởng. Bạn thậm chí còn nhận được cho mình nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng, khi không mong chờ phần thưởng. Nếu chúng ta yêu thích điều chúng ta làm, nếu chúng ta luôn làm hết khả năng của mình, khi ấy chúng ta sẽ được tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Chúng ta có niềm vui, chúng ta không chán nản, và chúng ta không thất vọng.

Khi làm hết khả năng của mình, bạn không trao cho vị Quan Tòa cơ hội để tìm lỗi hay trách móc bạn. Nếu bạn đã làm hết sức mình và vị Quan Tòa tìm cách phán xét bạn theo Sách Luật của bạn, bạn đã có câu trả lời: “Tôi đã làm hết khả năng của mình.” Chẳng có gì phải nuối tiếc. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn làm hết khả năng của mình. Đó không phải một thỏa ước dễ tuân thủ, nhưng thỏa ước này sẽ thực sự giải phóng bạn.

Khi làm hết khả năng của mình, bạn học cách chấp nhận bản thân mình. Nhưng bạn phải ý thức được điều đó và học từ những sai sót của bạn. Học từ những sai sót của bạn bằng cách thực hành, thẳng thắn nhìn vào kết quả và tiếp tục thực hành. Điều này làm gia tăng ý thức của bạn.

Làm hết khả năng của mình thực sự khiến bạn không cảm thấy mình đang làm việc, vì bạn yêu thích bất cứ việc gì bạn đang làm. Bạn biết bạn đang làm hết khả năng của mình khi bạn thích thú hành động hoặc thực hiện nó theo cách sẽ không gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho bạn. Bạn làm hết khả năng của mình vì bạn muốn làm, chứ không vì bạn phải làm, không phải vì bạn đang tìm cách làm vừa lòng Quan Tòa và không vì bạn đang gắng sức làm hài lòng người khác.

Nếu bạn hành động bởi vì bạn phải làm thì chẳng có cách nào để bạn làm việc hết khả năng của mình cả. Khi ấy tốt hơn là bạn đừng làm nữa. Không, bạn hãy làm hết khả năng của mình bởi vì luôn làm hết khả năng của mình sẽ khiến bạn vô cùng hạnh phúc. Khi bạn làm hết khả năng của mình chỉ vì niềm vui được làm việc ấy, bạn đang hành động vì thích thú được hành động.

Hành động là sống trọn vẹn. Không hành động là phủ nhận sự sống. Không hành động là ngồi trước truyền hình mỗi ngày hàng năm, vì bạn sợ phải sống và sợ phải mạo hiểm thể hiện bản thân mình. Thể hiện bản thân mình là bắt tay hành động. Bạn có thể có nhiều ý tưởng lớn trong đầu, nhưng điều làm nên sự khác biệt là hành động. Không có hành động dựa trên một ý tưởng, sẽ không có biểu hiện, không kết quả và không có phần thưởng.

Câu chuyện về Forrest Gump chính là một ví dụ hay minh chứng cho điều này. Ông không có những ý tưởng lớn, nhưng ông chọn hành động. Ông hạnh phúc vì ông luôn hết mình trong những gì ông làm. Ông được ban thưởng hậu hĩnh trong khi không mong chờ gì phần thưởng cả. Hành động là sống. Đó là mạo hiểm thoát ra và bộc lộ chính giấc mơ ấy của bạn. Điều ấy khác với việc áp đặt giấc mơ của bạn lên người khác, vì mọi người đều có quyền bộc lộ giấc mơ của riêng mình.

Làm hết khả năng của mình là một thói quen vĩ đại. Tôi làm hết khả năng của mình trong tất cả mọi điều tôi làm và cảm nhận. Làm hết khả năng của mình trở thành một nghi thức trong đời tôi, vì tôi đã chọn biến nó thành một nghi thức. Đó là một niềm tin giống như những niềm tin khác mà tôi chọn. Tôi biến mọi thứ thành nghi thức, và tôi luôn làm hết khả năng của mình. Tắm rửa là một nghi thức đối với tôi, và với hành động ấy, tôi nói với cơ thể mình rằng tôi yêu thương nó nhiều lắm. Tôi cảm nhận và thưởng thức làn nước mát lạnh chảy trên thân thể tôi. Tôi làm hết khả năng của mình để đáp ứng trọn vẹn những nhu cầu của cơ thể mình. Tôi làm hết khả năng của mình cho cơ thể tôi, và tôi nhận được những gì cơ thể của tôi dành cho tôi.

Ở Ấn Độ, người ta thực hành một nghi thức gọi là puja. Trong nghi thức này, họ rước những tượng thần tượng trưng cho Thượng đế dưới nhiều hình dạng khác nhau và tắm cho các ngài, cho ăn và bày tỏ tình yêu với các ngài. Họ thậm chí còn niệm chú mantra với các tượng thần ấy. Bản thân tượng thần không quan trọng. Điều quan trọng là cách họ thực hiện nghi thức, cách họ nói: “Thưa Thượng đế, con yêu mến Người.”

Thượng đế là sự sống. Thượng đế là sự sống đang diễn ra. Cách tốt nhất để nói: “Thưa Thượng đế, con yêu mến Người,” là sống đời sống của bạn bằng cách làm việc hết sức mình. Cách tốt nhất để nói câu: “Thưa Thượng đế, con cảm tạ Người.” là bỏ đi quá khứ và sống trong thời khắc hiện tại, ngay tại đây và lúc này. Cho dù cuộc sống tước mắt của bạn bất cứ điều gì, hãy để nó đi. Khi bạn từ bỏ và để cho quá khứ qua đi, bạn tự cho phép mình sống toàn vẹn trong thời khắc hiện tại. Để quá khứ qua đi nghĩa là bạn có thể tận hưởng giấc mơ đang xảy ra chính lúc này.

Nếu bạn sống trong một giấc mơ của quá khứ, bạn không tận hưởng được điều đang xảy ra ngay lúc này, vì bạn sẽ luôn ước muốn nó khác với chính nó. Không có thời gian để nuối tiếc một ai hoặc một điều gì, vì bạn đang sống. Không tận hưởng những gì xảy ra trong hiện tại nghĩa là sống trong quá khứ và chỉ sống một nửa. Cứ như thế bạn sẽ luôn tự than thân trách phận, buồn phiền và đau khổ.

Bạn được sinh ra để có quyền hạnh phúc. Bạn được sinh ra với quyền yêu thương, hưởng thụ và chia sẻ tình yêu của mình. Bạn đang sống, vì thế hãy đón nhận cuộc sống của bạn và tận hưởng nó.

Đừng chống lại cuộc sống đang truyền suốt qua bạn, vì đó là Thượng đế đang truyền suốt qua bạn. Chỉ có hiện hữu của bạn chứng tỏ được sự hiện hữu của Thượng đế. Hiện hữu của bạn chứng tỏ hiện hữu của sự sống và sinh lực.

Chúng ta không cần biết hoặc chứng tỏ một điều gì. Chỉ cần sống, dám mạo hiểm và hưởng thụ cuộc sống của bạn, đó là tất cả những gì bạn phải quan tâm. Hãy nói “không” khi bạn muốn nói “không” và “có” khi chính bạn muốn nói “có”. Bạn có quyền là bạn. Bạn chỉ có thể là bạn khi bạn làm hết khả năng của mình. Khi bạn không làm hết khả năng của mình, bạn đang khước từ quyền là bạn. Đó là một hạt giống mà bạn nên thực sự nuôi dưỡng trong tâm trí. Bạn không cần kiến thức hay những khái niệm triết học vĩ đại. Bạn không cần sự nhìn nhận từ người khác. Bạn bộc lộ phẩm chất thần thánh của chính bạn bằng cách không ngừng sống và bằng cách yêu thương bản thân cũng như những người khác. Đó là một biểu đạt mà Thượng đế muốn nói: “Này, Ta yêu con.”

Ba thỏa ước đầu tiên sẽ chỉ có tác dụng nếu bạn làm hết khả năng của mình. Đừng kỳ vọng bạn luôn có thể vô tội với lời của bạn. Những thói quen thường ngày của bạn rất mạnh mẽ và bén rễ sâu trong tâm trí bạn. Nhưng bạn có thể làm hết sức mình. Đừng kỳ vọng rằng bạn sẽ không bao giờ vơ một điều gì đó vào mình; chỉ cần làm hết khả năng của mình thôi. Đừng kỳ vọng rằng bạn sẽ không bao giờ đưa ra một giả định nữa, nhưng bạn có thể nhất quyết làm hết khả năng của mình.

Bằng cách làm hết khả năng của mình, các thói quen lạm dụng lời, vơ lấy mọi sự vào mình và thói ưa giả định sẽ nhẹ dần đi và bớt tái diễn thường xuyên hơn theo thời gian. Bạn không cần phải xét đoán bản thân, cảm thấy tội lỗi, hay trừng phạt mình nếu bạn không thể giữ trọn những thỏa ước ấy. Nếu bạn làm hết khả năng của mình, bạn sẽ cảm thấy thoải mái về mình cả khi bạn vẫn giả định, vẫn vơ mọi thứ vào mình và vẫn còn chưa vô tội với lời của bạn.

Nếu bạn luôn làm hết khả năng của mình, lặp đi lặp lại, bạn sẽ trớ thành một bậc thầy về sự biến đổi. Việc ôn luyện thực hành làm nên bậc thầy. Bằng việc làm hết khả năng của mình, bạn sẽ trở nên một bậc thầy. Mọi điều bất kỳ phải học, bạn đều đã học được qua việc ôn luyện. Bạn học viết, học lái xe, và cả học đi, đều bằng việc lặp đi lặp lại. Bạn là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ của bạn vì bạn đã thực hành. Hành động là điều làm nên sự khác biệt.

Nếu bạn làm hết khả năng của mình trong tìm kiếm tự do cá nhân, trong tìm kiếm tình yêu bản thân, bạn sẽ khám phá ra rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bạn tìm thấy điều bạn tìm kiếm. Đó không phải là việc mơ mộng viển vông hay ngồi hàng giờ mơ màng suy niệm. Bạn phải đứng dậy và làm một con người. Bạn phải tôn trọng con người là bạn. Hãy tôn trọng thân thể bạn, hãy hưởng thụ thân thể bạn, yêu thân thể bạn, hãy nuôi dưỡng, tắm rửa và chữa lành thân thể bạn. Hãy tập thể thao và làm những gì thân thể bạn cảm thấy tốt. Đây là một puja dành cho cơ thể bạn, và đó là một sự liên thông giữa bạn và Thượng đế.

Bạn có thể không cần phải thờ phượng các tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, Đức Jesus Christ hay Đức Phật. Bạn có thể, nếu bạn muốn. Nếu bạn cảm thấy tốt đẹp, hãy làm điều đó. Thân thể bạn chính là một hiện thân của Thượng đế, và nếu bạn trân trọng thân thể mình, mọi sự sẽ thay đổi đối với bạn. Khi bạn thực hành việc yêu thương mọi phần thân thể bạn, bạn đã gieo những hạt giống tình yêu trong tâm trí bạn, và khi chúng lớn lên, bạn sẽ yêu thương, trân trọng và chú tâm tới thân thể mình vô bờ bến.

Mỗi hành động khi ấy trở nên một nghi lễ trong đó bạn tôn vinh Thượng đế. Sau đó, bước tiếp theo là tôn vinh Thượng đế trong mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc, mọi niềm tin, ngay cả cái “đúng” hoặc “sai”. Mỗi ý nghĩ đều trở thành một sự liên thông với Thượng đế, và bạn sẽ sống với một giấc mơ không có những phán xét, trừng phạt, được giải thoát khỏi nhu cầu đưa chuyện và lạm dụng bản thân.

***

Khi bạn tôn trọng bốn thỏa ước ấy, bạn không cách nào sống trong hỏa ngục nữa. Không cách nào nữa. Nếu bạn vô tội với lời của bạn, nếu bạn không vơ mọi sự vào mình, nếu bạn không giả định, nếu bạn luôn làm hết khả năng của mình, khi ấy bạn sẽ có một đời sống tươi đẹp. Bạn sẽ kiểm soát cuộc sống bạn một trăm phần trăm.

Bốn thỏa ước là một bản tóm lược nghệ thuật làm chủ sự biến đổi, một trong những điều tinh thông của các Toltec. Bạn biến đổi hỏa ngục thành thiên đàng. Giấc mơ hành tinh được biến đổi thành giấc mơ thiên đàng của riêng bạn. Tri thức sẵn có đó, chỉ chờ bạn sử dụng nó. Bốn thỏa ước sẵn có đó; bạn chỉ cần chấp nhận các thỏa ước đó và tôn trọng ý nghĩa và sức mạnh của chúng thôi:

Chỉ cần bạn làm hết khả năng của mình để tôn trọng các thỏa ước ấy. Bạn có thể thực hiện thỏa ước này ngay hôm nay: Tôi chọn tôn trọng bốn thỏa ước. Thật đơn giản và hợp lý, đến ngay một đứa trẻ cũng hiểu được. Nhưng, bạn phải có một ý chí rất mạnh mẽ, một ý chí rất mạnh mẽ để có thể tuân theo những thỏa ước này. Tại sao? Vì bất cứ nơi nào chúng ta tới, chúng ta cũng thấy rằng con đường của ta đều đầy trở ngại. Mọi người tìm cách phá hoại cam kết của ta đối với các thỏa ước mới ấy, và mọi thứ quanh ta được xếp đặt để chúng ta phá vỡ chúng. Vấn đề ở chỗ mọi thỏa ước khác là một phần của giấc mơ của hành tinh. Chúng sống động, vì thế chúng rất mạnh.

Đó là lý do tại sao bạn cần phải là một thợ săn cừ khôi, một chiến binh vĩ đại, có thể bảo vệ bốn thỏa ước ấy bằng mạng sống của bạn. Hạnh phúc của bạn, tự do của bạn, toàn bộ lẽ sống của bạn tùy thuộc vào nó. Mục đích của người chiến binh là vượt lên trên thế giới này, thoát khỏi hỏa ngục này và không bao giờ quay lại. Như những người Toltec dạy chúng ta, phần thưởng là sự vượt lên kinh nghiệm đau khổ của loài người, để trở thành hiện thân của Thượng đế. Đó là phần thưởng.

Chúng ta thực sự cần sử dụng từng chút năng lực chúng ta có để thành công trong việc tuân giữ được bốn thỏa ước này. Tôi không mong chờ tôi có thể thực hiện được nó ngay từ đầu. Tôi đã sa ngã nhiều lần, nhưng tôi đã đứng dậy và tiếp tục bước đi. Và tôi lại ngã, nhưng tôi lại tiếp tục bước đi. Tôi không cảm thấy ân hận gì cả. Chẳng có lý gì để tôi phải cảm thấy ân hận về mình. Tôi nói: “Nếu tôi ngã, tôi đủ mạnh, đủ thông minh, tôi có thể làm được.” Tôi đứng dậy và tiếp tục đi. Tôi đã ngã và tôi đã tiếp tục đi tới. Mỗi lần như thế, điều này trở nên dễ dàng hon. Thế nhưng, khi khởi đầu điều ấy thật vất vả, thật khó khăn.

Vậy nếu bạn ngã, đừng xét đoán. Đừng để vị Quan Tòa mãn nguyện vì biến được bạn thành một nạn nhân. Không, hãy cứng rắn với chính mình. Hãy đứng lên và thực hiện lại thỏa ước một lần nữa. “Không sao, tôi đã vi phạm thỏa ước không phạm tội với lời của mình. Tôi sẽ bắt đầu lại toàn bộ. Tôi sẽ tuân thủ bốn thỏa ước ngay trong hôm nay. Hôm nay, tôi sẽ không phạm tội với lời của mình. Tôi sẽ không vơ mọi sự vào mình, tôi sẽ không giả định, và tôi sẽ làm hết sức mình.”

Nếu bạn phá vỡ một thỏa ước, hãy bắt đầu lại vào ngày mai, và một lần nữa, ngày tiếp sau. Thoạt đầu sẽ rất khó, nhưng mỗi ngày, nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cho đến một ngày kia, bạn sẽ khám phá ra rằng bạn đang kiểm soát đời bạn với bốn thỏa ước ấy. Và bạn sẽ kinh ngạc vì lối sống của bạn đã thay đổi.

Bạn không cần phải là người mộ đạo hay phải đi nhà thờ mỗi ngày. Tình yêu và sự tôn trọng bản thân của bạn đang lớn dần. Bạn có thể làm điều đó. Nếu tôi đã làm được, bạn cũng có thể làm được. Đừng lo lắng về tương lai. Hãy chú ý đến ngày hôm nay và hãy ở lại trong khoảnh khắc hiện tại. Chỉ cần sống mỗi ngày một lần thôi. Hãy luôn làm hết khả năng của mình để tuân giữ các thỏa ước ấy và chẳng mấy chốc việc ấy sẽ trở nên dễ dàng đối với bạn. Ngày hôm nay là khởi đầu của một giấc mơ mới.