Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Chương 8

Docsach24.com

ôi sinh ngày 29 tháng Năm, - Kano Creta bắt đầu kể, - và vào tối sinh nhật năm hai mươi tuổi, tôi quyết định tính sổ cuộc đời mình.

Tôi đặt một tách cà phê trước mặt cô. Cô cho kem vào rồi khuấy một cách uể oải. Không cho đường. Tôi thì uống cà phê đen, như mọi khi. Đồng hồ trên kệ sách tiếp tục gõ khô khốc lên bức tường thời gian.

Kano Creta nhìn chằm chằm vào tôi rồi nói:

- Không biết liệu tôi có nên kể từ đầu không - tôi sinh ra ở đâu, về gia đình tôi...

- Cô muốn kể gì cũng được, tuỳ cô thôi. Cô thấy kể thế nào tiện nhất thì cứ kể.

- Tôi là con thứ ba trong gia đình, - cô nói. - Chị Malta và tôi còn có một người anh trai. Cha tôi là chủ một bệnh viện ở tỉnh Kanawaga. Nhà tôi chẳng có gì gọi là những "vấn đề gia đình" mà chỉ là một gia đình bình thường như bao gia đình khác. Cha mẹ tôi rất nghiêm khắc, tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của lao động. Cha mẹ khá là khắt khe với ba anh em tôi, nhưng cũng cho chúng tôi có được đôi chút tự lập trong những chuyện nhỏ nhặt. Anh em tôi chẳng thiếu thốn thứ gì, song cha mẹ cho rằng không nên cho con cái có thừa tiền tiêu vào những thứ xa xỉ. Nói chung, từ bé cha mẹ đã dạy tôi sống thanh đạm.

Chị Malta lớn hơn tôi năm tuổi. Ở chị ngay từ bé đã có cái gì đó khác người. Chị ấy có khả năng tiên đoán nhiều chuyện. Chị biết ở phòng bao nhiêu đấy có bệnh nhân nào vừa chết, hoặc nếu ai đó đánh rơi ví thì chị biết chính xác tìm ở đâu sẽ thấy, vân vân. Đầu tiên ai cũng thích thú, cho rằng đó là một năng khiếu có ích, nhưng chẳng mấy chốc cha mẹ tôi lại đâm lo. Ba mẹ ra lệnh cho chị không được nói về "những việc không có cơ sở thực tế rõ ràng" khi có mặt người ngoài. Cha tôi lo là lo cho cái ghế giám đốc bệnh viện của mình, ông không muốn người ta nghe nói chuyện con gái ông có những khả năng siêu nhiên. Từ đó trở đi chị Malta tự khóa mồm mình. Chị không những thôi nói về "những việc không có cơ sở thực tế rõ ràng" mà còn hiếm khi dự phần vào những cuộc trò chuyện bình thường nhất.

Tuy nhiên, chị lại cởi mở tấm lòng với tôi. Hai chị em tôi rất thân nhau. Chị ấy thường dặn trước: "Đừng nói với ai là chị đã báo trước với em nhé", rồi chị sẽ khẽ khàng nói đại loại như là "Sẽ có một đám cháy dưới phố" hoặc "Sức khỏe của bà dì sống ở Setagaya sẽ còn tệ hơn nữa". Chị hễ đã nói là đúng. Hồi đó tôi còn nhỏ nên chỉ thích thú vô cùng. Tôi không thấy có gì đáng sợ hay kỳ quái cả. Thậm chí đến giờ tôi vẫn nhớ, tôi hay lẵng nhẵng bám theo chị từng bước, đòi chị nói cho nghe những lời "sấm truyền" của chị.

Chị càng lớn thì những năng lực đặc biệt kia càng mạnh, nhưng chị chẳng biết dùng chúng vào việc gì hay nuôi dưỡng chúng ra sao, điều đó khiến chị hết sức khổ sở. Chị không biết xin lời khuyên nhủ của ai, không biết nhờ ai chỉ dẫn xem chị làm gì. Điều đó khiến chị trở thành một cô bé rất cô độc. Chị phải tự mình giải quyết mọi việc. Chị phải tự mình tìm lời giải cho mọi vấn đề. Trong gia đình, chị không hạnh phúc. Chẳng có lấy một lần nào chị tìm được bình an trong tâm hồn. Chị phải đè nén năng lực của mình, ỉm chúng đi. Chẳng khác gì trồng một cái cây to lớn, mạnh mẽ trong một chiếc chậu con. Nó không tự nhiên. Không đúng chỗ. Chị chỉ biết mỗi một điều: cần phải thoát khỏi chỗ này, càng sớm càng tốt. Chị tin rằng ở nơi nào đó vẫn có một thế giới thích hợp với chị, nơi chị có thể sống đúng cuộc đời mình. Thế nhưng chị phải nhẫn nhịn đợi đến khi tốt nghiệp trung học.

Chị quyết định không vào đại học mà đi nước ngoài sau khi rời trường. Song, dĩ nhiên, cha mẹ tôi là những người bình thường, sống một đời giản dị, nên họ không dễ gì cho chị làm vậy. Thế là chị tôi ra sức làm việc, tích cóp một số tiền đủ cần rồi trốn khỏi nhà. Nơi đầu tiên chị đến là Hawaii. Chị sống ở đảo Kauai trong hai năm. Chị ấy đọc được ở đâu đó rằng bờ biển phía Bắc của Kauai có một nơi mang những nguồn nước thần diệu. Ngay từ khi đó chị ấy đã nuôi một mối quan tâm to lớn đối với nước. Chị ấy tin rằng sự tồn tại của con người phụ thuộc rất nhiều vào các thành tố của nước. Chính vì vậy chị đến sống ở Kauai. Lúc ấy có một cộng đồng híp-pi cư ngụ trong nội địa hòn đảo. Chị ấy sống như một thành viên trong cộng đồng đó. Nước ở đó có tác động to lớn đến khả năng ngoại cảm của chị. Nhờ uống nước ấy, chị đạt được sự hài hòa hơn giữ năng lực tâm linh với thể xác vật chất. Chị viết thư kể cho tôi điều đó tuyệt diệu đến nhường nào; thư của chị làm tôi thật hạnh phúc. Nhưng chẳng bao lâu sau vùng đất đó không còn làm chị thỏa mãn nữa. Quả thật đó là một xứ sở tươi đẹp, bình yên, con người ở đó xa lạ với vật dục mà chỉ tìm kiếm bình an nội tâm. Thế nhưng, họ phụ thuộc quá nhiều vào tính dục và ma túy. Chị tôi không cần những thứ đó. Sau khi sống hai năm ở Kauai, chị bỏ đi.

Từ đó chị sang Canada, đi đây đó vòng quanh miền Bắc nước Mỹ, rồi tiếp tục đến châu Âu. Đi đến đâu chị đều thử mẫu nước đến đó, ở một vài nơi chị cũng tìm thấy những thứ nước tuyệt diệu, nhưng không ở đâu có thứ nước hoàn hảo cả. Thế là chị lại đi, đi mãi. Mỗi khi hết tiền chị lại hành nghề chiêm tinh, giúp người ta tìm vật đánh rơi hay người thân đi lạc. Người ta trả tiền cho chị, dù chị không muốn lấy tiền. Chị cho rằng những năng lực trời cho thì không nên đáng đổi bằng lợi lộc vật chất. Tuy nhiên, vào lúc ấy đó là kế sinh nhai duy nhất của chị. Chị đi đến đâu người ta cũng nghe tiếng chị. Chị kiến tiền không khó. Thậm chí chị còn giúp cảnh sát điều tra một vụ án ở Anh. Một cô bé bị mất tích, chị tìm ra nơi cái xác bị giấu. Chị còn tìm thấy găng tay của kẻ sát nhân cách đó không xa. Hắn bị bắt và nhận tội. Báo nào cũng đưa tin chuyện ấy. Lúc nào tôi sẽ cho ông xem mấy bài báo tôi cắt giữ lại. Thế là chị tôi cứ lang thang khắp châu Âu như thế, cho tới khi dừng chân ở Malta. Đã gần năm năm từ khi chị rời Nhật Bản, nơi này hóa ra lại là đích cuối cho cuộc truy tìm nước của chị. Chắc là chính chị ấy có kể cho ông chuyện này?

Tôi gật đầu.

- Suốt những năm tháng bôn ba khắp thế giới Malta vẫn thường xuyên gửi thư cho tôi. Dĩ nhiên, có những lúc hoàn cảnh khiến chị không thể viết thư, song hầu như tuần nào tôi cũng nhận được một bức thư dài của chị trong đó chị kể chị đang ở đâu, làm gì. Chị em tôi vẫn rất thân thiết với nhau. Dù xa xôi cách trở bao nhiêu, chị em tôi vẫn có thể chia sẻ cảm xúc với nhau qua những lá thư của chị. Mà thư mới tuyệt làm sao chứ! Giá như đọc được, ông sẽ thấy chị ấy là người tuyệt vời đến thế nào. Qua thư, tôi có thể gặp gỡ hàng bao nhiêu thế giới khác, hàng bao nhiêu con người thú vị. Thư của chị khích lệ tôi biết chừng nào! Chúng giúp tôi trưởng thành. Vì vậy, tôi sẽ luôn luôn biết ơn sâu sắc đối với chị tôi. Tôi không hề phủ nhận những gì chị đã làm cho tôi. Nhưng nói gì thì nói, thư cũng chỉ là thư. Khi tôi bước vào tuổi mới lớn, những năm tháng đủ những vấn đề phức tạp, khi tôi cần chị hơn bao giờ hết, chị lại luôn luôn ở nơi nào đó xa lắc xa lơ. Tôi không thể nào vươn tay ra để bắt gặp bàn tay chị ở bên tôi. Ở nhà, tôi hết sức cô đơn. Một mình một cõi. Những năm vị thành niên của tôi đầy rẫy những đau đớn - tôi sẽ kể với ông sau. Tôi không biết nhờ ai khuyên nhủ, bảo ban. Theo nghĩa đó tôi cũng cô đơn như chị Malta ngày trước. Giá như chị ở gần tôi khi đó thì hẳn đời tôi đã khác bây giờ. Chị hẳn sẽ khuyên bảo tôi, khích lệ, cứu giúp tôi. Nhưng giờ đây nhắc lại chuyện đó để làm gì? Cũng như Malta đã phải tìm con đường riêng cho mình, tôi phải tìm đường cho riêng tôi. Thế là năm tròn hai mươi tuổi, tôi quyết định tự sát.

Kano Creta cầm tách, uống chỗ cà phê còn lại:

- Cà phê ngon quá, - cô nói.

- Cám ơn, - tôi đáp, cố tỏ vẻ càng tự nhiên càng tốt. - Tôi mời cô ăn gì nhé? Tôi có luộc mấy quả trứng.

Cô ngần ngừ một chút rồi nói cô muốn ăn một quả. Tôi mang trứng và muối từ trong bếp ra rồi rót thêm cà phê cho cô. Không chút vội vã, Kano Creta và tôi bắt đầu bóc vỏ trứng rồi vừa ăn vừa uống cà phê. Nửa chừng thì chuông điện thoại reo, nhưng tôi không trả lời. Sau khi reo được mười lăm, mười sáu lần gì đó, chuông ngừng. Suốt thời gian đó, Kano Creta có vẻ như không hề nghe thấy chuông điện thoại.

Ăn quả trứng xong, Kano Creta rút từ trong chiếc xắc sơn mài màu trắng ra một chiếc khăn tay nhỏ để lau miệng. Rồi cô kéo thẳng diềm váy.

- Khi đã quyết định tự sát, tôi muốn để lại thư tuyệt mệnh. Tôi ngồi nơi bàn suốt một tiếng đồng hồ, cố viết ra cho được lý do khiến mình muốn chết. Tôi muốn nói rõ rằng không một ai có lỗi, rằng mọi lý do đều nằm ở bên trong tôi. Tôi không muốn gia đình cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm vì một lỗi lầm không phải của họ.

Nhưng tôi không viết hết được bức thư. Tôi cố viết lại, viết lại nữa, song mỗi thư mới lại càng tệ hơn thư trước. Khi đọc lại cái mình vừa viết, tôi thấy nó nghe thật xuẩn ngốc, thậm chí khôi hài nữa. Tôi càng cố làm cho nghiêm chỉnh, nó càng trở nên lố bịch. Cuối cùng tôi quyết định chẳng viết gì hết.

Tôi cảm thấy thật ra chuyện rất đơn giản. Tôi thất vọng với cuộc đời mình. Tôi không chịu nổi nữa hàng bao nhiêu kiểu đau mà cuộc đời liên tục bắt tôi phải chịu. Tôi đã phải chịu đau suốt hai mươi năm. Đời tôi chẳng khác gì hơn là một nguồn đau đớn không dứt. Nhưng tôi đã gắng chịu đựng. Tôi hoàn toàn tin tưởng mình đã nỗ lực đến cùng để chịu đựng cái đau. Tôi có thể tự hào tuyên bố không có gì mạnh hơn những nỗ lực của tôi. Tôi sẽ không đầu hàng mà chiến đấu đến cùng. Nhưng đúng ngày tròn hai mươi tuổi, tôi đi đến một kết luận giản dị: sống như thế không đáng. Cuộc sống không đáng cho ta phải mất nhiều sức lực đến vậy.

Cô ngừng nói, ngồi vuốt vuốt một hồi mấy góc chiếc khăn tay để trên đùi. Khi cô nhìn xuống, hai hàng mi dài đổ những cái bóng mềm mại lên khuôn mặt.

Tôi hắng giọng. Tôi cảm thấy mình phải nói gì đó, nhưng không biết nói gì, nên tôi lặng thinh. Đằng xa, tôi nghe tiếng kêu của con chim vặn dây cót.

- Cái đau là nguyên nhân khiến tôi quyết định tự sát, - Kano Creta nói. - "Đau" ở đây không phải theo nghĩa bóng mà là nghĩa đen. Hoàn toàn không phải ẩn dụ, mà là cái đau thể xác, thuần túy về thể xác. Cái đau giản đơn, thường tình, trực tiếp, vật lý, song chính vì vậy càng là cái đau buốt nhói: nào nhức đầu, đau răng, nào đau khi đến kỳ kinh nguyệt, nào đau lưng dưới, nào tê vai, nào sốt, nào đau cơ, nào bỏng, nào tê cóng, náo chuột rút, nào bong gân, nào bầm tím, vân vân. Suốt đời, tôi luôn phải chịu đứng những cái đau thể xác ngày càng thường xuyên, ngày càng dữ dội hơn cái đau của kẻ khác. Răng tôi chẳng hạn. Dường như từ khi tôi ra đời chúng đã mang sẵn gen khuyết tật rồi. Chúng làm tôi đau đớn từ năm này sang năm khác. Dù tôi có đánh răng cẩn thận cách mấy, hay đánh răng bao nhiêu lần một ngày đi nữa, hoặc dù tôi đã tuyệt đối kiêng ăn đồ ngọt, vẫn chẳng ăn thua gì. Răng tôi thảy đều sâu hết, chẳng chừa cái nào. Đã vậy, thuốc gây tê hình như không có tác dụng với tôi. Đến phòng răng luôn luôn là một cơn ác mộng. Đau đớn không lời nào tả nổi. Tôi sợ đến chết được. Rồi lại những kỳ kinh nguyệt khủng khiếp. Nặng nề khôn xiết kể. Mỗi lần như vậy, suốt một tuần tôi đau đến nỗi như có ai đó đang xoáy mũi khoan vào người tôi. Lại nữa đầu tôi cứ ong ong. Ông không thể hình dung nó là thế nào đâu, ông Okada ạ, đau đến làm tôi phải trào nước mắt ra ấy. Tháng nào cũng vậy, có một tuần tôi cứ bị hành hạ suốt bởi cái đau không chịu nổi đó.

Khi đi máy bay, đầu tôi như thể nứt toác ra vì áp suất không khí thay đổi. Bác sĩ nói ấy là do cấu trúc tai của tôi, rằng chuyện đó thường xảy ra nếu tai trong nhạy cảm với thay đổi áp suất. Chuyện đó cũng hay xảy ra mỗi khi tôi lên xuống thang máy. Tôi không thể đi thang máy trong các tòa nhà cao tầng. Đau đến nỗi đầu tôi sắp vỡ toác ra thành nhiều mảnh và máu sẽ phụt ra có vòi. Thế rồi đến bao tử. Mỗi tuần nó lại đau ít nhất một lần, đau quằn quại, đau như xé ruột xé gan, khiến buổi sáng tôi không sao dậy nổi. Bác sĩ không tài nào tìm được nguyên nhân. Một số người cho rằng đó chỉ là bệnh tưởng. Song, cứ cho là bệnh tưởng đi nữa, cái đau vẫn sờ sờ, không dứt. Dù có đau đến mấy, tôi cũng không thể nằm nhà không đi học. Nếu như mỗi khi đau gì đó tôi lại nghỉ học thì hầu như tôi sẽ chẳng bao giờ đi học cả.

Chi cần khẽ đụng vào một cái gì đó là người tôi thâm tím ngay. Mỗi khi tự ngắm mình trong gương ở buồng tắm, tôi chỉ muốn khóc. Khắp người tôi đầy những vết bầm dập đến nỗi trông tôi cứ như một quả táo thối. Tôi không muốn bất cứ ai thấy tôi mặc đồ tắm. Theo như tôi nhớ, chính vì lý do này mà cả đời tôi hầu như chẳng bao giờ đến hồ bơi. Lại còn một chuyện nữa: ấy là kích thước hai bàn chân tôi không bằng nhau, bên to bên nhỏ. Bất cứ khi nào mua giày mới, bên chân to lại đau khủng khiếp, cho tới khi giày nong ra vừa đủ mới thôi.

Vì tất cả những điều đó, tôi hầu như không chơi thể thao. Hồi ở trung học, có lần lũ bạn lôi tôi đi trượt băng. Tôi bị ngã, bị thương ở mạng sườn nặng đến nỗi từ đó trở đi cứ đến mùa đông là lại đau ghê gớm. Như thể ai đâm tôi bằng một cây kim to, dày. Đã bao nhiêu lần, đang ngồi trên ghế, tôi cố đứng lên thì ngã lăn quay ra đất.

Tôi còn bị táo bón nữa. Cứ ba, bốn hôm một lần, hễ vào nhà vệ sinh là phải cắn răng chịu đau. Rồi lại đau bả vai. Cơ căng lên cho tới khi cứng như đá. Đau đến nỗi đứng không đứng được, nhưng nằm cũng không khá hơn. Tôi hình dung nỗi khổ của tôi hẳn cũng giống như một hình phạt ở Trung Hoa mà tôi đọc ở đâu đó. Người ta nhét tội nhân vào một cái hộp suốt mấy năm trời. Những khi vai đau nhất, tôi gần như không thở được.

Tôi còn có thể kể thêm cả một danh sách dài nhiều cái đau khác mà tôi phải chịu trong đời, nhưng sẽ khiến ông chán thôi, ông Okada ạ, nên chi tôi dừng ở đây. Tôi chỉ muốn ông hiểu rằng thân thể tôi thực sự là cuốn sách mẫu cho mọi thứ đau trên đời. Tôi từng phải chịu mọi thứ đau người ra có thể tưởng tượng ra. Tôi đâm ra nghĩ rằng tôi đã bị ai nguyền rủa độc địa, rằng đời thật không công bằng. Lẽ ra tôi có thể cứ tiếp tục cắn răng chịu đựng nếu những người khác trên thế giới này cũng phải chịu đau như thế, nhưng họ thì không. Vì vậy tôi không chịu nổi. Cái đau được phân phối không công bằng. Tôi thử hỏi mọi người rằng đau là gì, nhưng chẳng ai biết cái đau thực sự nó là thế nào cả. Hầu hết thiên hạ trên đời này sống mà chẳng mấy khi biết đến cái đau, ít nhất là không phải biết nó ngày ngày. Khi hiểu ra điều đó (hồi đó tôi mới lên trung học), tôi buồn đến nỗi cứ khóc mãi, không sao nín được. Sao lại là tôi kia chứ? Tại sao chính tôi chứ không ai khác phải chịu một gánh nặng khủng khiếp nhường này? Chính lúc đó, chính ở đó, tôi chợt thấy muốn chết.

Song, đồng thời một ý nghĩ khác nảy đến với tôi. Điều này không thể kéo dài vĩnh viễn. Một sáng nào đó thức dậy, cái đau sẽ biến mất, đột ngột, không sao giải thích được, khi đó cả một cuộc đời mới thật bình an, không mảy may đau đớn sẽ mở ra trước mắt tôi. Tuy nhiên, tôi chẳng mấy tin điều đó sẽ xảy ra thật.

Thế là tôi thổ lộ những ý nghĩ đó với chị tôi. Tôi nói với chị: Em không muốn tiếp tục sống mà phải chịu đau như vậy nữa. Em phải làm gì? Chị suy nghĩ một lát rồi trả lời như thế này: "Nhất định là ở em có cái gì đó không ổn. Nhưng chị không biết là cái gì. Chị cũng không biết em cần phải làm gì nữa. Năng lực của chị chưa đủ để phán đoán về những việc như vậy. Chị chỉ biết một điều là em phải cố sống ít nhất tới hai mươi tuổi. Hãy cố chịu đựng cho tới hai mươi tuổi, chừng đó hãy quyết định. Làm vậy sẽ tốt hơn."

Thế là tôi quyết định tiếp tục sống đến khi hai mươi tuổi. Nhưng thời gian trôi qua, tình hình vẫn không khá lên chút nào. Còn tệ hơn là khác. Cái đau ngày một khốc liệt. Điều đó chỉ cho tôi ngộ ra một điều: "Cơ thể phát triển đến đâu, cái đau cũng lớn lên đến đấy". Tuy nhiên, tôi vẫn chịu đau được tám năm. Tôi vẫn sống suốt thời gian đó, cố gắng nhìn vào phương diện tốt đẹp của cuộc đời. Tôi không ta thán với ai. Tôi gắng sức giữ nụ cười, ngay cả khi đang đau đớn nhất. Tôi tự rèn cho mình một kỷ luật, ấy là luôn giữ vẻ ngoài bình thản ngay cả khi đau đến mức tôi chật vật lắm mới đứng vững. Khóc lóc than vãn chẳng làm bớt đau mà chỉ khiến tôi trông càng khốn khổ hơn. Tôi nỗ lực hết mình, chính vì vậy mà mọi người yêu mến tôi. Họ thấy tôi là một cô bé trầm lặng, dễ mến. Tôi chiếm được lòng tin cậy của người lớn và bạn bè cùng trang lứa. Lẽ ra tôi đã có một cuộc sống thật mỹ mãn, một thời niên thiếu thật đẹp, nếu như không có cái đau. Nhưng cái đau luôn ở đó. Nó theo tôi như bóng với hình. Chỉ cần tôi quên nó đi một phút, lập tức nó sẽ lại tấn công một bộ phận khác của cơ thể tôi.

Ở trường tôi gặp một bạn trai, và vào mùa hè ngay năm đầu trung học tôi đã mất trinh. Ngay cả điều này - mà tôi cũng đoán trước được - chỉ làm cho tôi đau đớn. Một bạn gái có kinh nghiệm trấn an tôi rằng khi đã quen thì sẽ không đau nữa, nhưng điều đó không xảy ra. Bất cứ khi nào ngủ với anh ấy, tôi lại đau đến chảy nước mắt. Một hôm tôi bảo bạn trai tôi rằng tôi không muốn ngủ với anh ấy nữa. Tôi nói với anh ấy: "Em yêu anh, nhưng em không bao giờ muốn phải chịu đau thế này nữa". Anh ấy bảo anh chưa hề nghe ai nói năng vớ vẩn đến vậy. "Em đa cảm quá đấy thôi, - anh ấy nói.- Cứ thư giãn đi, rồi sẽ hết đau ngay ấy mà. Thậm chí còn dễ chịu là khác. Ai cũng vậy, chẳng lẽ em lại không? Cứ cố hết sức xem, sẽ thấy ngay thôi. Đừng có giở trò con nít đi. Em toàn lấy chuyện "đau" này, "đau" nọ để chống chế. Đừng mè nheo nữa, chẳng ích gì đâu".

Khi nghe nói vậy, tất cả những gì tôi đã phải chịu đựng suốt ngần ấy năm thật sự nổ bùng lên trong tôi. "Anh thì biết quái gì về đau với đớn kia chứ? - tôi quát lên với anh ta. - Cái đau của em không phải là đau thường. Em thì em biết đau là thế nào. Em đau không còn thiếu thứ gì. Một khi em đã nói đau thì nghĩa là thật sự đau!" Tôi cố giải thích bằng cách liệt kê ra tất cả các loại đau mà tôi từng phải nếm, nhưng anh ta vẫn chẳng hiểu một tí gì. Thật khó lòng hiểu được đau thực sự là thế nào trừ phi bản thân người ta phải chịu đựng cái đau thực sự. Thế là chúng tôi chia tay nhau.

Chẳng bao lâu sau chuyện đó là ngày sinh nhật tôi. Suốt hai mươi năm trời tôi đã chịu đựng bao đau đớn, luôn đau đáu niềm hy vọng rằng rồi sẽ đến một bước ngoặt, nhưng điều đó không xảy ra. Tôi thất vọng ê chề. Tôi muốn chết sớm hơn. Tôi đã đi đường vòng hóa ra chỉ để kéo dài thêm nỗi đau đớn này.

Nói đến đây Kano Creta ngừng lại thở một hơi dài. Trên bàn trước mặt cô là chiếc đĩa đựng vỏ trứng và tách cà phê đã uống hết. Trên đùi cô là chiếc khăn tay mà cô đã cẩn thận gấp lại gọn gàng. Như sực nhớ đến thời gian, cô đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ trên kệ.

- Xin ông thứ lỗi, - cô nói khẽ bằng giọng khô khan. - Tôi không định nói lâu như vậy. Tôi đã chiếm mất quá nhiều thời gian của ông rồi. Tôi sẽ không dám làm phiền ông thêm nữa. Tôi không biết phải xin lỗi ông thế nào vì đã buộc ông nghe mãi câu chuyện chán ngắt này.

Cô vơ lấy chiếc xắc sơn mài màu trắng rồi đứng dậy khỏi ghế sofa.

Việc này khiến tôi chưng hửng.

- Đợi chút đã, - tôi bối rối thốt lên. Tôi không muốn cô ta ngưng ngang câu chuyện như thế. - Nếu cô áy náy vì chiếm mất thời gian của cô thì xin cố chớ ngại. Tôi rảnh suốt chiều nay. Một khi cô đã kể cho tôi đến thế này rồi thì sao không kể cho rốt? Chuyện của cô còn dài, tôi tin chắc vậy.

- Dĩ nhiên là còn, - cô vừa nói vừa nhìn xuống tôi, cả hai bàn tay nắm chặt quai xắc. - nãy giờ tôi chỉ mới kể xong đoạn mở đầu thôi.

Tôi đề nghị cô chờ một chút rồi xuống bếp. Đứng trước bồn rửa bát, tôi dành chút thời gian để hít thở hai hơi dài. Sau đó tôi lấy hai chiếc cốc trong tủ, cho nước đá vào rồi rót đầy nước cam cất trong tủ lạnh. Tôi đặt hai chiếc cốc lên một cái khay con rồi bưng lên phòng khách. Tôi làm tất cả các động tác trên một cách cố tình chậm rãi, song khi lên đến nơi, tôi thấy cô ta vẫn đứng nguyên trong tư thế cũ. Tuy nhiên, khi tôi đặt hai cốc nước cam trên bàn, dường như cô đã nghĩ lại. Cô lại ngồi lên ghế sofa, đặt chiếc xắc sang một bên.

- Ông thực sự muốn tôi kể chuyện cho đến hết sao? - cô hỏi.

- Dĩ nhiên rồi.

Cô uống hết nửa cốc nước cam rồi kể tiếp.

- Dĩ nhiên là tôi đã tự sát nhưng không thành. Nếu không thì tôi đã chẳng ngồi đây uống nước cam với ông, thưa ông Okada. - Cô nhìn thẳng vào mắt tôi, và tôi khẽ mỉm cười tán thành. - Giá như tôi đã chết đúng theo kế hoạch thì mọi chuyện hẳn đã giải quyết xong rồi. Chết có nghĩa là ý thức không còn nữa, tôi sẽ không bao giờ phải chịu đau đớn nữa. Đó chính là điều tôi muốn. Thế nhưng, thật không may, tôi đã chọn sai cách chết.

Vào 9 giờ tối ngày 29 tháng Năm, tôi đến phòng anh tôi hỏi mượn xe. Đó là một chiếc Toyota MR2 mới toanh, nên anh ấy tỏ vẻ rất khổ sở nếu phải cho tôi mượn. Nhưng tôi chẳng bận tâm đến điều đó. Anh ấy không thể từ chối được, bởi chính tôi đã cho anh ấy mượn tiền mua chiếc xe này. Tôi lấy chìa khóa rồi lái loanh quanh khoảng nửa giờ. Chiếc xe chỉ mới chạy chưa đầy 1.800 cây số. Chỉ cần nhấn ga một chút mà nó vọt như tên bắn. Đó chính là chiếc xe lý tưởng cho mục đích của tôi. Tôi lái đến tận sông Tama ở ngoại ô thành phố, ở đó tôi gặp một bức tường đá mà tôi đã chú ý tìm từ trước. Đó là loại tường bao quanh một biệt thự lớn, nằm ở cuối một ngõ cụt. Tôi lùi lại rõ xa để lấy đà rồi nhất ga hết cỡ. Hẳn tôi đã cho xe đâm sầm vào bức tường với tốc độ 150 cây số một giờ, rối bất tỉnh.

Tuy nhiên, thật không may cho tôi, bức tường lại không rắn như tôi tưởng. Nhà thầu quá hà tiện nên đã không cố định bức tường cho tới nơi tới chốn. Bức tường sụp xuống, nửa trước xe bẹp dúm. Chỉ có thế. Bởi bức tường quá mềm nên hấp thụ hết lực va chạm. Thế chưa hết, trong cơn bấn loạn, tôi đã quên mở đai an toàn.

Thế là tôi thoát khỏi cái chết. Thậm chị tôi hầu như không bị thương. Và, điều lạ nhất là tôi hầu như không thấy đau đớn gì hết. Đó là điều kỳ quái nhất. Người ta đưa tôi vào bệnh viện để băng cái xương duy nhất bị gãy. Cảnh sát đến điều tra, nhưng tôi bảo họ tôi chẳng nhớ gì sất. Tôi bảo chắc là do tôi định nhấn phanh song lại nhằm sang nhấn ga. Và họ tin lời tôi. Tôi chỉ mới hai mươi tuổi, mới lấy bằng lái được sáu tháng. Ngoài ra, trông tôi chẳng giống loại người toan tự tử. Ai đời tự tử mà vẫn thắt đai an toàn chứ?

Khi xuất viện tôi phải đương đầu với vài chuyện rắc rối. Trước hết tôi phải trả hết chỗ nợ còn lại cho chiếc MR2 mà tôi đã biến thành đống kim loại vụn. Thật xui xẻo, khi làm hồ sơ với công ty bảo hiểm lại xảy ra một nhầm lẫn nào đó, thế là người ta không chịu trả tiền bảo hiểm cho chiếc xe.

Để tự sát, đáng lẽ tôi phải thuê một chiếc xe có bảo hiểm, song bây giờ hiểu ra điều đó thì quá muộn rồi. Dĩ nhiên vào lúc đó tôi chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ tới chuyện bảo hiểm này kia. Tôi không hề nghĩ rằng xe của anh trai tôi sẽ không được bảo hiểm hay việc tự sát của tôi sẽ không thành. Tôi đã đâm xe vào một bức tường đá với tốc độ 150 cây số một giờ mà vẫn sống, thật không tin được.

Ít lâu sau tôi nhận được một hóa đơn của hiệp hội quản lý nhà đòi bồi thường cho bức tường đá. Họ đòi 1.364.294 yên. Trả ngay lập tức. bằng tiền mặt. Tôi không còn cách nào khác ngoài mượn của cha tôi. Ông sẵn sàng cho tôi vay, nhưng yêu cầu tôi phải hoàn lại cho ông. Ông là người rất chi li về tiền bạc. Ông bảo rằng tôi phải chịu trách nhiệm về sự cố này, nên ông muốn tôi hoàn tiền lại cho ông đúng hạn, không thiếu một yên. Thật ra lúc đó tiền nong ông cũng chẳng dư dả gì. Ông đang mở rộng bệnh viện, nên bản thân ông cũng đang đau đầu về việc huy động tiền cho dự án.

Tôi lại nghĩ đến chuyện tự sát. Lần này tôi sẽ chọn cách chắc ăn nhất. Tôi sẽ nhảy từ tầng thứ mười lăm tòa nhà hành chính của trường đại học. Lần này thì không thể phạm sai lầm nữa. Tôi thử nhiều lần. Tôi chọn cái cửa sổ thích hợp nhất. Tôi đã sắp sửa nhảy xuống.

Nhưng có cái gì đó níu tôi lại. Có một cái gì đó là lạ, một cái gì đó lấn cấn ở trong tôi. Đúng vào giây cuối cùng, "cái gì đó" ấy gần như đã lôi ngược tôi lại từ trên thành cửa sổ. Tuy nhiên, phải một thời gian khá lâu sau tôi mới hiểu ra "cái gì đó" là gì.

Tôi không còn đau gì nữa.

Tôi hầu như không còn đau gì nữa từ sau sự cố nọ. Xảy ra dồn dập hết chuyện này đến chuyện khác, tôi hầu như không còn tâm trí để nhận ra rằng cái đau đã biến mất khỏi cơ thể tôi. Không còn đau ruột, không còn đau khi hành kinh, không còn nhức đầu, không còn đau dạ dày. Thậm chí khi cái xương sườn gãy cũng hầu như không đau. Tôi không biết tại sao điều đó lại xảy ra được. Nhưng thực tế là: cái đau đã hoàn toàn biến mất.

Tôi quyết định tạm thời hẵng cứ tiếp tục sống. Tôi chợt muốn biết, dù chỉ một chút thôi, rằng thế nào là sống mà không phải đau đớn gì. Rồi nếu muốn chết thì lúc nào mà chẳng được.

Nhưng nếu tiếp tục sống thì tôi phải trả nợ cho cha. Tổng công, tôi nợ đến hơn ba triệu yên. Để trả được nợ, tôi đi làm điếm.

- Làm điếm?!

- Đúng vậy, - Kano Creta nói, như thể điều đó chẳng có gì ghê gớm cả. - Tôi cần phải có tiền trong một thời gian ngắn. Tôi muốn trả nợ càng sớm càng tốt, mà tôi thì chẳng biết cách nào khác để kiếm tiền ngoài cách đó. Tôi quyết định làm việc đó không chút do dự. Vấn đề là tôi đã quyết chí chết, và tôi vẫn đang nuôi ý định chết, không sớm thì muộn. Chẳng qua vì tò mò muốn biết sống mà không phải đau đớn gì là thế nào nên tôi mới tiếp tục sống thôi, nhưng hoàn toàn chỉ là tạm thời. So với chết thì chuyện bán mình kia có sá gì.

- Tôi hiểu ý cô, - tôi nói.

Đá trong cốc nước cam của cô ta đã tan, Kano Creta chậm rãi dùng ống hút khuấy rồi nhấp một ngụm.

- Tôi hỏi cô một câu được không? - tôi hỏi.

- Vâng, xin ông cứ hỏi.

- Cô có hỏi ý kiến chị về việc này không?

- Lúc ấy chị ấy đang tu tập ở đảo Malta. Trong thời gian tu tập, chị ấy không chịu cho tôi biết địa chỉ. Chị ấy không muốn tôi làm chị ấy mất tập trung. Trong suốt ba năm chị ấy sống ở Malta, thực sự là tôi không thể nào viết thư cho chị ấy.

- Tôi hiểu, - tôi nói. - Cô dùng thêm ít cà phê nhé?

- Vâng, - Kano Creta nói.

Tôi xuống bếp đun lại cà phê. Trong khi chời đợi, tôi vừa nhìn đăm đăm vào cánh quạt thông gió vừa hít thở sâu vào mấy cái. Khi cà phê đã nóng, tôi rót vào hai chiếc tách mới, cho vào khay kèm theo một đĩa bánh quy sôcôla rồi bưng lên phòng khách. Chúng tôi ăn uống một hồi.

- Lần cô thử tự sát là khi nào vậy? - tôi hỏi.

- Lúc đó tôi hai mươi tuổi. Đó là sáu năm trước đây vào tháng Năm 1978.

Tháng Năm 1978 là tháng mà Kumiko và tôi kết hôn. Vậy là, đúng vào tháng hai vợ chồng tôi làm đám cưới, Kano Creta đã toan tự sát còn Kano Malta thì đang tu tập ở đảo Malta.

- Tôi đến khu lân cận có nhiều quán bar, lại gần người đàn ông đầu tiên có vẻ đường được một chút mà tôi thấy, ngả giá, rồi đến khách sạn ngủ với ông ta. - Kano Creta nói. - Việc làm tình không còn làm tôi đau đớn về thể xác nữa. Nhưng cũng không có khoái lạc. Chỉ đơn thuần là vận động cơ thể. Tôi cũng chẳng thấy tội lỗi gì ở chuyện làm tình để kiếm tiền. Tôi bị vây bọc trong sự tê liệt về cảm xúc, một sự vô cảm sâu hun hút đến mức nhìn không thấy đáy đâu.

Tôi kiếm được bộn tiền bằng cách đó, chỉ trong một tháng đầu đã được gần một triệu yên. Với tốc độ đó tôi có thể trả hết nợ chỉ trong vòng ba, bốn tháng. Ngày nào cũng vậy, học ở trường xong là tôi về nhà, tối đến lại ra khỏi nhà, rồi về nhà muộn nhất là mười giờ đêm. Tôi bảo cha mẹ rằng tôi làm hầu bàn, chẳng ai nghi ngờ gì cả. Dĩ nhiên, họ sẽ thắc mắc nếu tôi hoàn tiền lại qua nhiều tiền như vậy cùng một lúc, vì vậy tôi quyết định mỗi tháng chỉ hoàn lại ông 10.000 yên, chỗ còn lại gửi ngân hàng.

Nhưng rồi một đêm nọ, khi tôi đang mồi chài khách gần nhà ga, có hai người đàn ông túm lấy tôi từ đằng sau lưng. Đầu tiên tôi ngỡ đó là cảnh sát, nhưng rồi tôi nhận ra chúng là bọn xã hội đen. Chúng lôi tôi vào một hẻm vắng, hăm doạ tôi bằng một món gì đó giống như con dao, rồi đưa tôi về sào huyệt của chúng. Chúng đẩy tôi vào một căn phòng mãi phía sau, lột hết áo quần tôi, trói chặt cổ tay tôi lại rồi thay nhau hãm hiếp tôi trước ống kính máy quay video. Suốt thời gian đó tôi nhắm mắt, cố không nghĩ gì cả. Việc đó với tôi không khó, bởi tôi chẳng cảm thấy gì hết - đau đớn không, khoái lạc cũng không.

Sau đó chúng cho tôi xem cuộn băng và bảo tôi rằng nếu không muốn bất cứ ai nhìn thấy thì tôi phải nhập hội với chúng và làm việc cho chúng. Chúng tịch thu thẻ sinh viên trong ví tôi. Chúng bảo nếu tôi từ chối làm theo ý chúng, chúng sẽ gửi một bản sao cuộn băng cho cha mẹ tôi để tống tiền. Tôi không còn cách nào khác. Tôi bảo chúng rằng tôi sẽ làm như chúng bảo, rằng với tôi chuyện đó chẳng quan trọng gì. Mà thật, lúc đó không có bất cứ cái gì là quan trọng đối với tôi. Chúng nói rõ rằng nếu tôi nhập hội với chúng, thu nhập của tôi sẽ giảm vì chúng sẽ thu bảy mươi phần trăm, song bù lại tôi sẽ không phải mất công tự tìm khách hàng, cũng không còn phải nơm nớp sợ cảnh sát. Chúng sẽ tìm cho tôi những vị khách sộp. Song nếu tôi vẫn tiếp tục tự kiếm khách hàng thì sẽ đến lúc người ta bắt gặp tôi bị bóp cổ đến chết trong một căn phòng khách sạn nào đó.

Từ đó trở đi tôi không phải đứng đường nữa. Tôi chỉ việc mỗi tối đến "văn phòng" của chúng, ở đó chúng sẽ bảo tôi đến khách sạn nào. Chúng gửi đến tôi những khách hàng sộp thật, đúng như chúng hứa. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi được chúng biệt đãi. Có thể là vì tôi trông quá ngây thơ. Tôi có cái vẻ con nhà lành mà các cô gái khác không có. Hẳn là nhiều khách hàng thích loại gái "không có vẻ chuyên nghiệp lắm" này. Các cô khác phải tiếp ba hay bốn khách mỗi ngày, nhưng tôi thì chỉ cần một khách là đủ, nhiều lắm là hai. Các cô khác phải mang theo máy nhắn tin, bất cứ khi nào "văn phòng" gọi là tất tả phải đến khách sạn hạng xoàng nào đó để ngủ với những người đàn ông không rõ nhân thân. Tôi thì lại luôn luôn được hẹn ở một khách sạn hạng sang, thậm chí đôi khi ở một biệt thự. Khách hàng của tôi thường là người lớn tuổi, hiếm khi gặp người trẻ.

"Văn phòng" trả tiền tôi mỗi tuần một lần, không nhiều như lúc tôi còn làm ăn một mình, nhưng cộng thêm tiền boa của khác hàng thì cũng khá. Dĩ nhiên, một số khách hàng có những ý thích kỳ quái, nhưng tôi chẳng nề gì. Yêu cầu của khách càng quái gở thì tiền boa lại càng cao. Tôi bắt đầu có một số khách quen, cũng chính họ thường là những người boa rất rộng tay. Tôi mở mấy tài khoản để giữ tiền. Nhưng tới khi đó tiền không còn làm tôi bận tâm. Chỉ là những dãy số thôi. Tôi sống chỉ vì một điều duy nhất, ấy là kiểm chứng xem có thật tôi đã hoàn toàn mất cảm giác không.

Sáng nào thức dậy tôi cũng nằm đó, nghiệm xem có đúng là cơ thể mình không cảm thấy bất cứ cái gì có thể gọi là đau. Tôi mở mắt, chằm chặp tập trung tư tưởng, thế rồi tôi bắt đầu kiểm tra cảm giác trong cơ thể mình từ đầu xuống chân, từng cơ quan một. Tôi hoàn toàn không đau gì cả. Liệu quả thật là không có gì đau, hay là có đau đấy nhưng tôi không cảm thấy? Tôi chẳng biết. Dù thế nào đi nữa, cái đau đã biến mất. Nhưng không chỉ cái đau: trên thực tế, tôi không còn cảm giác gì nữa. làm viêc đó xong, tôi ra khỏi giường, vào phòng tắm đánh răng. Rồi tôi cởi đồ ngủ và tắm bằng vòi hoa sen nóng. Thân thể tôi nhẹ bỗng một cách đáng sợ. Nó nhẹ tênh, như không khí, như không còn là thân xác tôi nữa. Tôi cảm thấy như linh hồn mình đã nhập vào một cơ thể không phải của tôi. Tôi nhìn thân thể mình trong gương, nhưng giữa tôi với cái thân thể tôi trong gương kia là một khoảng cách xa vời vợi và khủng khiếp.

Cuộc sống không biết thế nào là đau đớn: nó chính là điều tôi từng mơ ước ngần ấy năm ròng, nhưng giờ đây có nó, tôi lại không thấy có chỗ cho mình trong đó. Giữa cuộc sống đó với tôi có một sự cách ngăn rạch ròi, điều đó khiến tôi bối rối vô cùng. Tôi cảm thấy như mình không gắn liền với thế giới - cái thế giới mà tôi từng căm ghét và vẫn đang căm ghét tận đáy lòng, cái thế giới mà tôi nguyền rủa vì sự bất công của nó, song nó là cái thế giới nơi ít nhất tôi còn biết mình là ai. Giờ đây thế giới ấy không còn là thế giới, tôi cũng không còn là tôi nữa.

Tôi bắt đầu khóc rất nhiều. Buổi chiều tôi hay dến công viên - Vườn Hoàng gia Shinjuku hay công viên Yoyogi-, ngồi trên bãi cỏ mà khóc. Tôi thường khóc suốt một, hai tiếng đồng hồ, nức nở rất to. Người qua kẻ lại nhìn tôi, nhưng tôi chẳng màng. Tôi ước gì lần ấy, đêm 29 tháng Năm, giá như tôi chết đi thì tốt biết bao! Nhưng bây giờ thậm chí chết cũng không chết được. Trong nỗi vô cảm này, thậm chí tôi không đủ sức tự giết mình. Tôi không cảm thấy gì hết: đau đớn không, niềm vui không. Mọi cảm giác và cảm xúc đã ra đi. Và tôi thậm chí không còn là tôi nữa.

Kano Creta hít một hơi dài rồi nén lại một lát. Sau đó cô cầm tách cà phê lên, nhìn nó đăm đăm một hồi, khẽ lắc đầu rồi lại đặt tách xuống đĩa.

- Chính trong khoảng thời gian đó tôi gặp Wataya Noburu.

- Wataya Noburu? Hắn là khách của cô sao?

Kano Creta im lặng gật đầu.

- Nhưng mà... - tôi đã toan nói, nhưng dừng lại để lựa lời. - Tôi không hiểu lắm ở chỗ này. Hôm trước chị cô có kể với tôi rằng Wataya Noburu đã hãm hiếp cô. Phải chăng chuyện đó không liên quan gì với những gì cô đang kể với tôi lúc này?

Kano Creta nhặt chiếc khăn tay đang đặt trên đùi mà lau miệng lần nữa. Rồi cô nhìn thẳng vào tôi. Trong mắt cô có cái gì đó khiến tôi bất an.

- Xin lỗi lại làm phiền ông, tôi có thể xin ông thêm một tách cà phê không? - cô hỏi.

- Dĩ nhiên, - tôi nói. Tôi đặt tách của cô lên khay rồi mang xuống bếp. Trong khi đợi cà phê sôi, tôi tựa mình vào giá phơi bát đĩa, hai tay thọc vào túi quần. Khi tôi mang cà phê trở lại phòng khách, Kano Creta không còn trên ghế sofa. Chiếc xắc, chiếc khăn tay, mọi dấu hiệu hữu hình của cô đã biến mất. Tôi ra ngoài phòng đợi, đôi giày cô ta cũng không còn ở đó nữa.

Ái chà chà, tôi nghĩ.

--------------------------------

1

Khoảng gần 11.000 đô la Mỹ - BTN