à con một trong gia đình, tôi thật khó hình dung anh chị em ruột trong một nhà thường cảm thấy gì lúc gặp nhau sau khi ai nấy đều đã lớn và có cuộc sống riêng. Trong trường hợp Kumiko, bất cứ khi nào ai đó nhắc tới Wataya Noboru thì nàng lại có một vẻ mặt kì lạ, như thể nàng vừa tình cờ cho một món gì đó có mùi vị khó chịu vào mồm. Nhưng chính xác là vẻ mặt đó ẩn chứa cái gì, tôi chịu không biết được. Về phần mình, tôi chẳng có mảy may thiện cảm với anh ta. Kumiko cũng biết và thấy điều đó hoàn toàn tự nhiên. Bản thân nàng cũng chẳng ưa gì ông anh. Giá như không phải hai anh em ruột thì thật khó hình dung ra cảnh hai người nói chuyện với nhau. Thế nhưng quả thực họ là anh em ruột, điều đó càng khiến mọi chuyện thêm rắc rối.
Sau khi tôi cãi nhau om sòm với ông bố và cắt đứt quan hệ với gia đình, hầu như không có dịp nào gặp lại Wataya Noboru. Cuộc cãi nhau đó quả thực là kịch liệt. Trong đời tôi không có mấy khi cãi nhau với ai - tôi vốn không thuộc loại người hay tranh cãi -, nhưng khi đã lâm vào thế chẳng đặng đừng thì tôi cãi tới cùng, không ngừng được. Nhưng sau mỗi lần như vậy, khi đã trút sạch những gì dồn nén trong lòng, cơn giận dữ của tôi đều biến đây mất một cách kỳ lạ. Không còn căm ghét, chẳng còn phẫn uất, chỉ còn thấy hết sức nhẹ nhõm rằng tôi sẽ không bao giờ phải gặp lại ông ta nữa; rằng tôi đã trút được gánh nặng phải mang đã quá lâu này. Thậm chí tôi còn thấy thông cảm với cuộc đời lắm gian truân vất vả của ông ta, dù cuộc đời đó với tôi có vẻ ngu ngốc và đáng tởm đến đâu đi nữa. Tôi bảo Kumiko tôi sẽ không bao giờ gặp lại cha mẹ nàng nữa nhưng riêng nàng thì khi nào muốn về thăm họ cũng được, chỉ có điều không có tôi. Nhưng Kumiko cũng chẳng thiết tha gì chuyện về thăm cha mẹ.
Hồi đó Wataya Noboru đang sống cùng cha mẹ, song khi cuộc cãi vã bùng lên giữa cha anh ta và tôi, anh ta chỉ rút lui, chẳng nói với ai một lời nào. Điều đó tôi không lạ. Anh ta chẳng mảy may quan tâm đến tôi. Anh ta tránh hết sức để không gặp mặt tôi trừ những lúc thực sự cần thiết. Vì vậy, mỗi khi đã không còn đến thăm cha mẹ Kumiko, tôi cũng chẳng còn lý do gì để gặp lại Wataya Noboru. Bản thân Kumiko cũng chẳng còn lý do đặc biệt gì để gặp anh ta. Anh ta bận, nàng cũng bận, nhưng cái chính là hai người chưa bao giờ thân thiết với nhau.
Tuy vậy thỉnh thoảng Kumiko cũng gọi điện đến văn phòng khoa của anh ta, đôi khi anh ta cũng gọi điện cho nàng ở công ty (nhưng không bao giờ gọi về nhà chúng tôi). Nàng thường thông báo lại với tôi về những cuộc trò chuyện đó, nhưng không đi vào chi tiết. Tôi không bao giờ hỏi, nàng cũng không bao giờ tự kể rõ hơn nếu không cần thiết.
Tôi không cần biết Kumiko và Wataya Noboru nói với nhau những gì. Bảo vậy không có nghĩa là tôi khó chịu khi biết hai người có nói chuyện với nhau. Đơn giản là tôi không hiểu hai con người khác nhau đến thế thì có gì để nói chuyện với nhau? Hay chỉ vì họ là hai anh em nên mới có chuyện để nói?
Nhà Wataya không chỉ có hai đứa con là Kumiko và Noboru. Giữa hai anh em còn có một người con gái nữa, lớn hơn Kumiko hai tuổi. Tuy nhiên, hồi Kumiko mới ba tuổi cha mẹ đã gửi nàng từ Tokyo về tỉnh Niigata xa xôi cho ông bà nội nuôi nấng một thời gian. Về sau cha mẹ bảo nàng rằng họ làm vậy bởi hồi nhỏ nàng ốm đau quặt quẹo luôn, thành thử không khí trong lành ở thôn quê chắc sẽ có ích cho nàng, nhưng nàng chẳng bao giờ tin hẳn lời họ nói. Theo nàng nhớ thì nàng chưa bao giờ đau yếu cả. Nàng chưa hề ốm nặng bao giờ, người thân ở Niigata hình như cũng không ai phải lo lắng lắm về sức khỏe của nàng. "Em tin chắc đó chẳng qua là cái cớ thôi", có lần Kumiko bảo tôi vậy.
Nỗi ngờ vực của nàng được củng cố bởi một chuyện nàng nghe được từ một người bà con. Hóa ra mẹ và bà nội của Kumiko từng có một mối bất hòa kéo dài, và quyết định đưa Kumiko về Niigata là kết quả một sự thỏa thuận giữa hai người. Bằng cách giao con cho bà nội nuôi một thời gian, cha mẹ Kumiko đã làm bà nguôi giận, còn đến lượt mình, nhờ được nuôi dạy cháu một thời gian nên bà nội củng cố được quan hệ với con trai (tức cha của Kumiko). Nói cách khác, Kumiko đã là một kiểu con tin.
- Ngoài ra, - Kumiko kể với tôi. - ba mẹ em đã có hai đứa con rồi, thành thử cho đi đứa thứ ba cũng chẳng mất mát gì ghê gớm. Dĩ nhiên là không phải ba mẹ có ý bỏ em luôn; hình như ba mẹ chỉ nghĩ rằng bởi em còn quá nhỏ nên đi xa khỏi nhà như thế cũng chẳng hề gì. Có lẽ ba mẹ đã không biết nghĩ cho thấu đáo về chuyện đó. Chẳng qua đó là giải pháp dễ dàng nhất cho tất cả mọi người. Anh có tin được không? Em không biết tại sao ba mẹ chẳng hiểu rằng chuyện đó có tác động như thế nào đến một đứa bé.
Nàng được bà nội nuôi nấng ở Niigata từ năm ba tuổi đến năm sáu tuổi. Những năm tháng đó trong đời nàng gọi là u buồn hay phi tự nhiên thì cũng không đúng. Bà nội cưng nàng như cưng trứng mỏng, Kumiko cũng thích chơi với mấy anh em họ bằng tuổi mình hơn là chơi với anh chị ruột vốn lớn hơn nàng nhiều. Cuối cùng, khi Kumiko đến tuổi đi học, ba mẹ đón nàng về Tokyo. Ba mẹ bắt đầu đâm lo rằng đứa con gái đã xa họ qua lâu nên khăng khăng đòi đưa về trước khi quá muộn. Nhưng theo nghĩa nào đó thì đã quá muộn. Suốt mấy tuần sau khi quyết định cho nàng về lại Tokyo, bà nội ngày càng rơi vào trạng thái kích động. Bà thôi ăn và ngủ rất ít. Bà khi khóc khi cười, lúc lại hoàn toàn câm lặng. Mới phút trước bà vừa siết chặt Kumiko vào lòng đến tức thở, phút sau bà đã lấy thước kẻ phát vào tay Kumiko mạnh đến nỗi hằn đỏ cả lên. Phút trước bà bảo bà không muốn cháu đi, rằng bà thà chết còn hơn mất cháu, phút sau bà lại bảo bà không muốn thấy mặt cháu nữa, rằng bà muốn tống cháu đi cho khuất mắt. Bằng những lời lẽ không thể nào thậm tệ hơn, bà rủa xả mẹ Kumiko, bảo rằng mẹ nàng là một mụ đàn bà khốn nạn. Thậm chí bà còn đâm kéo vào cổ tay định tự sát. Kumiko không hiểu nổi điều gì đang diễn ra quanh mình nữa. Mọi chuyện vượt ngoài khả năng lĩnh hội của nàng.
Thế là nàng quyết định khép mình trước ngoại giới. Nàng nhắm mắt lại. Nàng khép tai lại. Nàng đóng chặt tâm trí mình. Nàng không nghĩ gì nữa, không hy vọng gì nữa. Mấy tháng sau đó là một khoảng trống hoàn toàn trong ký ức nàng. Nàng tuyệt chẳng nhớ bất cứ điều gì xảy ra trong thời gian đó. Khi hồi tỉnh, nàng thấy mình đang ở trong một ngôi nhà mới. Đó là ngôi nhà lẽ ra nàng đã sống từ xưa đến nay. Ba mẹ nàng sống ở đây, anh nàng cũng thế, chị nàng cũng thế. Nhưng đó không phải nhà của nàng. Nó chỉ là một môi trường sống mới mà thôi.
Kumiko trở thành một đứa trẻ lầm lì, khó tính trong môi trường mới đó. Không ai là người cô bé có thể tin, không ai là người cô bé có thể tin vậy vô điều kiện. Ngay cả trong vòng tay cha mẹ, cô cũng không bao giờ hoàn toàn thoải mái. Cô không biết mùi cơ thể họ; cái mùi lạ lẫm đó khiến cô bứt rứt khó chịu. Thậm chí có đôi khi cô còn căm ghét nó. Người duy nhất trong nhà mà Kumiko dần dần cởi mở hơn, dù một cách khó khăn, là chị gái. Cha mẹ đã hết hy vọng có thể gần gũi được cô bé; anh trai gần như không biết đến sự tồn tại của cô. Nhưng chị gái thì thấu hiểu sự bấn loạn và nỗi cô đơn ẩn sau thái độ bướng bỉnh đó. Chị ở suốt ngày bên Kumiko, ngủ cùng buồng với cô, nói chuyện với cô, đọc sách cho cô nghe, đưa cô đi học, giúp cô làm bài tập. Những khi Kumiko rúc vào một góc giường mà khóc hàng giờ, chị gái luôn có mặt, ngồi một bên, ôm chặt cô vào lòng. Chị làm tất cả những gì có thể để tìm đường đến với cõi lòng sâu kín của Kumiko. Giá như chị không chết vì trúng độc thức ăn chỉ một năm sau Kumiko từ Niigata trở về thì mọi chuyện hẳn đã khác đi rất nhiều.
- Nếu chị còn sống thì mọi chuyện trong gia đình hẳn đã tốt hơn rồi, Kumiko nói. - Mới mười một tuổi chị ấy đã là trụ cột về tinh thần cho cả gia đình. Giá như chị không chết thì mọi người khác trong nhà hẳn đã ít khác người hơn. Ít nhất thì em cũng không phải là một trường hợp hết thuốc chữa như thế này. Anh có hiểu ý em không? Em thấy mình thật có lỗi sau chuyện đó. Tại sao em không chết thay cho chị? Tại sao em đây, một đứa chẳng ai cần tới, chẳng đem lại niềm vui cho ai, tại sao em không chết đi? Ba mẹ và anh trai hiểu rõ cảm xúc của em, nhưng họ không hé một lời để an ủi em. Mà đâu chỉ có thế. Họ không từ bất cứ cơ hội nào để nói về người chị quá cố của em: nào chị ấy xinh, nào chị ấy thông minh, nào ai cũng thích chị ấy, nào chị ấy chu đáo quan tâm đến mọi người, nào chị ấy chơi piano giỏi! Thế rồi họ bắt em phải học chơi piano! Sau khi chị mất thì cũng phải có ai sử dụng cây đàn piano to đùng kia chứ! Nhưng em chẳng thích chơi piano tí nào! Em biết mình sẽ chẳng bao giờ chơi hay như chị ấy, em cũng không cần có thêm một cách để chứng tỏ em kém cỏi thế nào so với chị ấy. Em không thể thế chỗ cho bất cứ ai, nói gì đến cho chị ấy. Nhưng chẳng ai nghe em. Không ai thèm nghe em cả! Mãi đến giờ, hễ nhìn thấy piano là em ghét cay ghét đắng. Thấy ai đó chơi piano là em không chịu nổi.
Tôi vô cùng phẫn nộ với gia đình Kumiko khi nghe nàng kể. Phẫn nộ vì những gì họ đã làm với nàng. Vì những gì họ đã không làm được cho nàng. Ấy là hồi chúng tôi chưa cưới. Hai chúng tôi chỉ mới quen nhau được hai tháng. Đó là một sáng Chủ nhật yên tĩnh, chúng tôi đang nằm trên giường. Nàng kể một hồi lâu về thời thơ ấu, như thể gỡ dần một sợi chỉ rối, thỉnh thoảng lại ngừng để đánh giá tầm quan trọng của từng sự kiện nàng vừa thổ lộ. Đó là lần đầu tiên nàng kể nhiều đến vậy về mình. Trước buổi sáng hôm đó tôi hầu như chẳng biết gì về gia đình hay thời thơ ấu của nàng. Tôi biết tính nàng trầm lặng, rằng nàng thích vẽ, rằng nàng có mái tóc dài thật đẹp, rằng nàng có hai cái bớt trên bả vai phải. Và rằng tôi là người đàn ông đầu tiên trong đời nàng.
Nàng vừa kể vừa khóc thút thít. Tôi hiểu tại sao nàng cần phải khóc. Tôi ôm nàng trong vòng tay, vuốt tóc nàng.
- Nếu chị ấy còn sống, em tin chắc anh sẽ yêu chị ấy, - Kumiko nói. - Hồi xưa ai cũng yêu chị ấy. Vừa thấy lần đầu là đã yêu ngay.
- Có thể, - tôi nói. - Nhưng anh lại phải lòng em. Chuyện ấy đơn giản lắm mà. Chỉ có anh và em thôi. Chị của em chẳng có liên quan gì ở đây hết.
Kumiko nằm đó một hồi mà ngẫm nghĩ. 7 giờ rưỡi sáng Chủ nhật: khi mọi âm thanh đều êm dịu và nhẹ bỗng. Tôi nghe tiếng bồ câu vỗ cánh bay ngang qua mái căn hộ của tôi, ai đó gọi chó ở xa xa. Kumiko nhìn không rời mắt vào một điểm duy nhất trên trần nhà.
- Này, nói em nghe, anh có thích mèo không?
- Có chứ, anh mê mèo lắm, - tôi nói. - Hồi nhỏ lúc nào anh cũng có một con mèo. Anh chơi với nó suốt, ngủ cũng ôm mèo.
- Hay quá! Từ nhỏ em đã thích có mèo đến chết được. Nhưng người ta không cho em nuôi. Mẹ em ghét mèo. Cả đời chưa bao giờ em thử cố sao cho có được cái mình muốn cả. Chưa một lần nào cả. Anh có tin được không? Anh không thể hiểu sống như vậy là thế nào đâu. Khi anh đã quen với cuộc sống đó rồi - không bao giờ có được cái mình muốn - thì anh sẽ không còn biết mình muốn gì nữa.
Tôi nắm tay nàng.
- Có thể từ trước đến giờ với em là vậy. Nhưng em không còn là trẻ con nữa. Em có quyền chọn cho mình một cuộc sống riêng. Em có thể bắt đầu lại. Nếu muốn có mèo, em chỉ việc chọn một cuộc sống mà trong đó em có một con mèo. Đơn giản thôi mà. Đó là quyền của em... đúng không?
Mắt nàng nhìn chăm chắm vào tôi.
- Ừ... đúng vậy.
Vài tháng sau, Kumiko và tôi bàn chuyện cưới nhau.
Chẳng bao lâu sau khi cưới Kumiko, tôi nghe được những lời như vậy từ chính ông ta. Con người ta sinh ra vốn không bình đẳng, ông ta nói. Lý tưởng bình đẳng này nọ nghe thì phải đạo, song chỉ là những thứ vớ vẩn người ta dạy ở trường. Nhật Bản có một thể chế chính trị dân chủ, nhưng đồng thời cũng là một xã hội phân chia giai cấp theo một thứ luật rừng khốc liệt, cá lớn nuốt cá bé, thành thử nếu không trở thành một kẻ trong tầng lớp tinh hoa thì sống ở cái xứ này chẳng để làm gì. Anh sẽ bị nghiền nát thành cám. Anh phải giành giật từng nấc thang một để leo lên, leo lên mãi. Cái tham vọng này hoàn toàn lành mạnh. Nếu người ta đánh mất tham vọng đó, nước Nhật sẽ tiêu vong. Tôi không đưa ra ý kiến gì đáp lại quan điểm của bố vợ. Mà ông ta cũng chả cần nghe ý kiến của tôi. Đơn giản là ông ta tuôn ra niềm tin của mình, cái niềm tin ông cho tin là ngàn đời cũng không đổi.
Mẹ của Kumiko là con gái một quan chức cao cấp. Bà lớn lên ở Yamanote, khu thượng lưu của Tokyo, chưa bao giờ thiếu thốn thứ gì, cũng chẳng có một ý kiến hay tính cách nào để đối chọi lại ông chồng. Theo như tôi thấy, bà ta không có ý kiến về bất cứ sự kiện hay sự vật gì nếu nó không bày ra ngay trước mặt bà ta (nói cho ngay, bà ta bị cận thị cực nặng). Còn nhỡ có lúc nào đó buộc phải phát biểu ý kiến về một cái gì đó nằm ngoài tầm nhìn của mình, bà ta lại vay mượn ý kiến chồng. Giá như bà ta chỉ có vậy thì cũng chẳng làm phiền ai, song, cũng như hầu hết các phụ nữ tương tự, bà ta mắc chứng hợm hĩnh không thể nào chịu nổi. Những kẻ như vậy không có thang giá trị nào cho riêng mình mà chỉ có thể tìm được chỗ đứng trong thiên hạ bằng cách vay mượn các chuẩn mực hoặc quan điểm của người khác. Nguyên lý duy nhất chi phối tâm trí họ là "Mình trông thế nào trong mắt thiên hạ?". Thế nên bà Wataya trở thành một phụ nữ hẹp hòi, bộp chộp, chẳng quan tâm đến gì khác ngoài địa vị của chồng mình trong chính phủ và thành tích học hành của đứa con trai. Mọi thứ khác không có ý nghĩa gì với bà ta hết.
Thế là ông cha bà mẹ ra sức nhồi nhét cái triết lý đáng ngờ và thế giới quan méo mó của họ vào đầu cậu bé Wataya Noburu. Họ nhồi sọ nó, cho nó học những gia sư tốt nhất mà họ mua được bằng tiền. Mỗi khi nó đạt thứ hạng cao, họ lại thưởng bằng cách mua cho nó bất cứ thứ gì nó muốn. Thời thơ ấu của nó đầy ứ xa hoa vật chất, nhưng khi đến giai đoạn có những rung động và cảm xúc đầu đời, cậu bé chẳng lấy đâu ra thì giờ cho bạn gái, chẳng có dịp nào đi chơi với lũ bạn trai. Cậu phải trút toàn bộ sức lực vào việc duy trì vị trí số một. Wataya Noburu có thích cuộc sống đó chăng, tôi không biết. Kumiko cũng không. Wataya Noburu không phải loại người hay thổ lộ cảm xúc với người khác: không thổ lộ với em gái, không bộc bạch với cha mẹ, không cởi mở với bất kỳ ai. Vả chăng, anh ta chẳng có lựa chọn nào khác. Tôi thấy hình như có những phương thức suy nghĩ giản đơn và một chiều đến nỗi ta không thể nào cưỡng lại được. Dù thế nào, Wataya Noburu cũng đã tốt nghiệp trường tư dành cho giới thượng lưu, thi đỗ vào khoa kinh tế Đại học Tokyo và tốt nghiệp ngôi trường danh giá này với thứ hạng danh giá nhất.
Người cha muốn rằng tốt nghiệp đại học xong anh ta vào làm việc trong chính phủ hay một tập đoàn hàng đầu nào đó, nhưng Wataya lại quyết định theo con đường học thuật và trở thành học giả. Anh ta không phải thằng ngốc. Anh ta biết, môi trường thích hợp với mình không phải là cái thế giới nơi anh ta phải giải quyết các vấn đề thực tiễn cùng với những người khác, mà là cái thế giới đòi hỏi sử dụng tri thức một cách có kỷ luật và hệ thống, cái thế giới đề cao kỹ năng cá nhân của người trí thức. Anh ta theo học năm thứ hai sau đại học ở Yale rồi trở lại theo chương trình nghiên cứu sinh ở Tokyo. Vâng lời cha mẹ, anh ta lấy vợ, đám cưới do hai nhà sắp đặt, nhưng cuộc hôn nhân kéo dài không quá hai năm. Sau khi ly dị, anh ta lại về sống với cha mẹ. Cho tới khi tôi gặp anh ta lần đầu, Wataya Noburu đã là một tay dở dở ương ương, một thằng cha không thể nào ưa nổi.
Sau khi tôi cưới Kumiko được hai năm, Wataya Noburu xuất bản một cuốn sách to, dày. Đó là một công trình nghiên cứu kinh tế đầy rẫy thuật ngữ chuyên môn; tôi đã cố đọc, nhưng đã không thể hiểu tí gì những điều anh ta nói. Không hiểu nổi lấy một trang. Tôi chẳng biết là do nội dung quá khó với tôi hay do tác giả viết tồi. Thế nhưng dân trong ngành thì khen lấy khen để. Một tay điểm sách tuyên bố đây là "một loại công trình kinh tế hoàn toàn mới được viết từ một quan điểm hoàn toàn mới", nhưng đọc hết bài điểm sách tôi cũng chỉ hiểu được mỗi một câu đó thôi. Chẳng bao lâu giới truyền thông bắt đầu giới thiệu anh ta là "người hùng của thời đại mới". Hàng đống sách ra đời để diễn giải cuốn sách của anh ta. Hai thành ngữ anh ta chế ra, "kinh tế tính dục" và "kinh tế bài tiết" trở thành câu đầu lưỡi của thiên hạ. Báo và tạp chí đăng trên trang nhất những bài viết về anh ta như một trong các trí thức của thời đại mới. Tôi không tin rằng chính tác giả mấy bài báo đó thật sự hiểu Wataya Noburu nói gì trong cuốn sách của anh ta. Thậm chí tôi ngờ rằng họ chưa hề giở cuốn sách đó ra lần nào nữa kia. Nhưng điều đó chẳng làm họ bận tâm chút nào hết. Wataya Noburu còn trẻ, độc thân, và đủ thông minh để viết một cuốn sách không ai hiểu.
Nó làm anh ta nổi tiếng. Các tạp chí đua nhau mời anh ta viết bài. Anh ta xuất hiện trên truyền hình để bình luận về các vấn đề chính trị và kinh tế. Chẳng mấy chốc anh ta trở thành thành viên thường trực của các chương trình thảo luận bàn tròn về chính trị. Những ai từng biết Wataya Noburu (trong đó có Kumiko và tôi) không thể nào hình dung anh ta lại thích hợp với trò phô phang trước người khác đến vậy. Ai cũng đinh ninh anh ta là loại người thuần túy sách vở, chả quan tâm đến bất cứ gì ngoài lĩnh vực chuyên môn. Nhưng hóa ra, bước vào thế giới truyền thông, anh ta nhập vai mới thật dễ dàng, còn tỏ ra khoái trá là khác. Anh ta không hề nao núng khi bị ống kính quay phim chĩa vào mình. Thậm chí trước ống kính anh ta trông còn thoải mái ung dung hơn cả trong thế giới thực. Chúng tôi vô cùng sửng sốt quan sát sự biến hình đột ngột của anh ta. Gã Wataya Noburu chúng tôi thấy trên truyền hình vận những bộ com lê đắt tiền, cà vạt chọn kỹ không chê vào đâu được, đeo kính gọng đồi mồi. Anh ta để kiểu tóc mới nhất. Rõ ràng anh ta được chăm sóc bởi một tay làm đầu chuyên nghiệp. Tôi chưa thấy anh ta khoe bộ cánh chảnh chọe đến thế bao giờ. Mà thậm chí nếu bộ cánh đó là do hãng truyền hình bắt anh ta mặc thì anh ta cũng đã khoác lên người một cách hết sức tự nhiên, như thể suốt đời anh ta vẫn luôn ăn mặc thế. Con người này là ai vậy? Tôi đã tự hỏi khi lần đầu tiên gặp anh ta. Wataya Noburu đích thực ở đâu?
Trước ống kính anh ta đóng vai Người Ít Nói. Mỗi khi ai hỏi ý kiến, anh ta trả lời đơn giản, rõ ràng, chính xác và súc tích. Khi cuộc tranh luận nóng lên và những người khác vận hết gân cổ mà gào, anh ta vẫn bình thản. Khi bị tấn công bằng những câu hỏi gai góc, anh ta điềm tĩnh, mặc đối phương muốn nói gì thì nói, sau đó chỉ cần buông một câu duy nhất là đập tan mọi lý lẽ của y. Anh ta học được cái nghệ thuật giữ cho giọng nói vẫn đều đều, nụ cười vẫn trên môi mà tung ra ngón đòn chí mạng. Trên màn ảnh truyền hình, anh ta có vẻ thông minh và đáng tin cậy hơn nhiều so với Wataya Noburu trong thực tế. Tôi không biết làm sao anh ta đạt được như vậy. Anh ta không điển trai, nhưng cao ráo, mảnh dẻ, phong thái đường hoàng, rõ con nhà dòng dõi. Bằng phương tiện truyền hình, Wataya Noburu đã tìm được đúng chỗ cho mình. Truyền thông đại chúng dang rộng tay chào đón anh ta, và anh ta cũng chào đón nó nồng nhiệt như thế.
Thế nhưng tôi không thể nào chịu nổi cái bộ dạng anh ta, dù trên báo hay trên truyền hình. Anh ta là người có tài, có năng lực, tôi không phủ nhận. Tôi nhận thấy quá rõ là khác. Anh ta biết cách quật nốc ao đối thủ một cách chóng vánh và hiệu quả chỉ bằng một vài lời. Anh ta có cái bản năng của loài thú là đánh hơi chiều gió. Nhưng nếu để ý kỹ những gì anh ta nói hay viết, ta sẽ thấy lời lẽ anh ta thiếu sự nhất quán. Chúng không hề phản ánh một thế giới quan duy nhất dựa trên một niềm tin sâu sắc. Thế giới của anh ta là một thế giới mà anh ta dựng nên bằng cách lắp ghép vài ba hệ tư tưởng một chiều. Nếu cần, anh ta có thể xào xáo lại cái kết cấu đó để tạo ra một hệ quan điểm mới trong nháy mắt. Đó là những trò biến dị và tổ hợp tư duy rất tài tình, thậm chí phải nói là đầy nghệ thuật. Nhưng với tôi, tất cả những cái đó chỉ là một trò chơi, không hơn không kém. Nếu trong các quan điểm của anh ra có cái gì đó gọi là nhất quán, ấy là cái sự trước sau như một chẳng có gì nhất quán, và nếu anh ta có một thế giới quan thì thế giới quan đó có thể gọi là "tôi chẳng có thế giới quan nào sất". Nhưng chính những sự thiếu vắng đó lại là hành trang trí tuệ của anh ta. Sự nhất quán và một thế giới quan vững chắc chỉ là những thứ thừa thãi không cần thiết trong những cuộc giao đấu trí tuệ diễn ra trong một thời lượng ngắn ngủi trên truyền hình, thành thử không có những cái đó hóa ra lại là ưu thế lớn của anh ta.
Anh ta chẳng có gì để bảo vệ, nghĩa là anh ta có thể hoàn toàn chú tâm vào những "hành vi giao chiến" thuần tuý. Anh ta chỉ cần tấn công, chỉ cần hạ nốc ao đối thủ. Wataya Noburu là một con tắc kè trí thức, đổi màu tuỳ theo màu của đối thủ, biết điều chỉnh các lập luận logic của mình tùy từng trường hợp sao cho đạt hiệu quả tối đa, và làm các lập luận đó vững chắc hơn bằng tài hùng biện. Tôi không biết làm cách nào anh ta học được những kỹ năng đó, nhưng rõ ràng anh ta có biệt tài thu hút cảm tình của đám đông khán giả. Anh ta biết cần dùng loại lập luận nào có khả năng tác động mạnh nhất đến số đông. Mà các lập luận đó cũng chẳng cần phải có logic, chúng chỉ cần có vẻ như thế, điều quan trọng là chúng đánh vào tâm tư tình cảm người xem.
Một thế mạnh khác của anh ta là phô thuật ngữ chuyên môn. Dĩ nhiên chẳng ai biết mấy thuật ngữ ấy có ý nghĩa gì, nhưng anh ta có khả năng đưa chúng ra với cái vẻ như nếu bạn không hiểu thì tại bạn thôi. Anh ta lại còn luôn trích dẫn số liệu thống kê. Những số liệu ấy nằm sẵn trong đầu anh ta, chúng khiến cho lý lẽ anh ta càng có sức thuyết phục, nhưng nếu về sau nghĩ lại, ta sẽ nhận ra rằng chẳng ai đặt nghi vấn về nguồn hoặc tính tin cậy của các số liệu đó cả.
Những thủ thuật tinh khôn của anh ta thường khiến tôi điên tiết, nhưng tôi chưa bao giờ giải thích được với người khác cụ thể cái gì làm tôi bực bội. Tôi chưa khi nào dựng được một lý lẽ đủ sức quật lại anh ta. Chẳng khác gì đấu quyền Anh với một bóng ma: những quả đấm của ta chỉ vụt vào khoảng không. Tôi bị sốc khi thấy ngay những vị thức giả tinh tường nhất cũng bị cuốn vào cuộc chơi của anh ta. Điều đó khiến tôi khó chịu một cách kỳ lạ.
Thế là Wataya Noburu dần dần được coi như một trong những nhân vật trí thức sáng láng nhất thời đại. Dường như chẳng còn ai để ý đến sự nhất quán này nọ nữa. Cái duy nhất mà họ quan tâm khi bật tivi lên là cuộc giao tranh giữa các võ sĩ giác đấu trên đấu trường tri thức, máu họ đổ ra càng đỏ càng hay. Và nếu như cùng một người đó hôm thứ Hai nói một điều còn đến thứ Năm lại nói một điều hoàn toàn ngược lại thì cũng chẳng sao.
- Em e rằng anh không thể trông mong anh ấy giúp đâu, - Kumiko nói, chẳng hiểu sao có vẻ ngập ngừng thấy rõ. - Nói sao cho anh hiểu đây... Anh ấy không phải loại người đó.
- Trước sau gì anh cũng phải gặp anh ấy kia mà, - tôi nói.
- Ừ thì thế.
- Cứ thử gặp xem sao. Ở đời việc gì chả vậy, có thử mới biết được.
- Thôi được. Mình cứ thử xem.
Qua điện thoại Wataya Noburu chẳng tỏ ra nhiệt tình cho lắm về việc gặp tôi. Nhưng nếu cậu khẩn khoản xin gặp thì tôi có thể dành cho cậu nửa giờ, anh ta nói. Chúng tôi quyết định gặp nhau ở một quán cà phê gần ga Ochanomizu. Hồi đó anh ta chỉ mới là trợ giảng ở đại học, hãy còn chưa viết cuốn sách và hóa ra đỏm dáng như mãi sau này. Mấy chiếc túi áo khoác của anh ta bục tung, chắc vì thói quen thọc hai nắm tay vào đó quá lâu. Tóc anh ta lẽ ra phải tỉa bớt từ hai tuần trước. Chiếc sơ mi thể thao màu tương mù tạc của anh ta hoàn toàn không đi với chiếc áo khoác hàng hải bằng vải tuýt xanh xám. Anh ta có cái dáng điển hình của những tay trợ giảng ở trường đại học mà với họ tiền là một thứ gì rất ư xa lạ. Mắt anh ta có cái vẻ ngái ngủ của những người vừa mới chui từ thư viện ra sau khi miệt mài nghiên cứu cả ngày giữa hàng đống sách, song nếu nhìn kỹ sẽ còn thấy một ánh lạnh lùng, sắc như dao trong cặp mắt đó.
Tự giới thiệu xong, tôi nói tôi đang dự định cưới Kumiko trong thời gian tới. Tôi cố giải bày mọi chuyện hết sức chân thành. Tôi bảo tôi đang làm việc cho một hãng luật, nhưng tôi biết công việc đó không phù hợp với mình. Tôi vẫn đang tìm kiếm chính mình. Người như tôi mà tính chuyện lấy vợ thì nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi nói tôi yêu Kumiko, và tôi tin mình có thể làm nàng được hạnh phúc. Hai chúng tôi có thể mang lại sức mạnh và niềm an ủi cho nhau.
Lời của tôi xem ra chẳng có tác dụng gì với Wataya Noburu. Anh ta ngồi khoanh tay, lẳng lặng nghe. Thậm chí sau khi tôi đã nói xong, anh ta vẫn ngồi im như phỗng thêm một hồi lâu, như đang mải nghĩ chuyện khác.
Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy lúng túng với sự hiện diện của anh ta, nhưng tôi cho rằng đó là do tình huống tế nhị. Hẳn ai cũng sẽ lúng túng khi phải nói với một kẻ hoàn toàn xa lạ: "Tôi muốn cưới em gái anh làm vợ". Nhưng khi ngồi đối diện anh ta, cái cảm giác lúng túng đó từ từ dâng lên thành một nỗi khó chịu trong tôi. Cảm giác đó giống như có một khối vật chất lạ đang lên men chua loét trong dạ dày mình. Chẳng phải vì lời lẽ hay cử chỉ anh ta có gì đó xúc phạm tôi. Vấn đề là bộ mặt: chính cái bộ mặt của Wataya Noburu. Tôi có linh cảm rằng bộ mặt đó được che giấu dưới một lớp gì đó hoàn toàn khác. Có gì đó không ổn. Đó không phải bộ mặt thật của anh ta. Tôi không sao rũ bỏ được cảm giác đó.
Tôi muốn đứng dậy đi khỏi ngay, càng xa càng tốt. Tôi đã định làm vậy thật, nhưng đâm lao thì phải theo lao, mình đã trót khơi mào câu chuyện thì phải ngồi cho rốt. Thế là tôi vẫn ngồi, vừa nhấp tách cà phê đã nguội vừa chờ anh ta nói cái gì đó.
Khi cất lời, dường như anh ta cố tình điều chỉnh giọng mình nhỏ lại nhằm tiết kiệm năng lượng.
- Thật tình mà nói, tôi không hiểu mà cũng chả quan tâm tới những chuyện cậu vừa nói với tôi. Những gì tôi quan tâm thuộc về một cấp độ hoàn toàn khác, những thứ mà tôi tin chắc cậu không hiểu mà cũng chẳng quan tâm tới. Để nói càng ngắn gọn càng tốt, nếu cậu yêu Kumiko và cô ấy muốn lấy cậu thì tôi không có quyền cũng chẳng có lý do gì để ngăn cản. Vì vậy tôi sẽ không ngăn cản. Tôi chẳng buồn nghĩ tới việc đó nữa là. Nhưng mặt khác, cậu cũng đừng trông mong gì hơn ở tôi. Và quan trọng nhất là, đừng mong tôi phí thêm thời gian vào việc này nữa.
Anh ta xem đồng hồ rồi đứng dậy. Lời tuyên bố của anh ta thật ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Không thừa, không thiếu. Tôi hiểu rành mạch cả điều anh ta muốn nói lẫn những gì anh ta nghĩ về tôi.
Chúng tôi chia tay nhau như thế.
Sau khi Kumiko và tôi lấy nhau, Wataya Noburu trở thành anh vợ tôi, thành thử có nhiều lúc tình huống buộc tôi và anh ta phải trao đổi vài lời tuy không hẳn là trò chuyện. Như anh ta có lần nói, hai chúng tôi chẳng có gì chung, nên dù chúng tôi nói gì thì nói những khi giáp mặt nhau, những lời đó không bao giờ phát triển thành một cuộc trò chuyện được. Chả khác gì hai người nói hai thứ tiếng khác nhau vậy. Giả sử Đạt lai lạt Ma đang nằm hấp hối trên giường trong khi nghệ sĩ nhạc jazz Eric Dolphy ra sức giải thích cho ngài về tầm quan trọng của việc chọn đúng loại dầu máy ô tô phù hợp với những thay đổi của âm sắc kèn clarinet bass, cuộc đối thoại đó có khi còn hữu ích và hiệu quả hơn những trao đổi dăm câu ba chữ giữa tôi và Wataya Noburu.
Tôi hiếm khi mang những tình cảm tiêu cực kéo dài do gặp phải người này hay người nọ. Dĩ nhiên, ai đó có thể làm tôi cáu tiết hoặc khó chịu, nhưng chuyện đó chóng qua. Tôi có thể phân biệt bản thân mình với những người khác như là những sinh thể thuộc hai cảnh giới hoàn toàn khác nhau. Cái khả năng đó có thể gọi là một thứ tài năng (nói thế hoàn toàn không phải là khoác lác; làm được vậy không dễ chút nào, phải có tài, có năng lực đặc biệt mới được). Mỗi khi ai đó gây tác động đến thần kinh tôi, việc đầu tiên tôi làm là chuyển đối tượng của những cảm xúc khó chịu của tôi sang một bình diện khác, một bình diện hoàn toàn không có liên hệ gì với tôi. Thế rồi tôi tự nhủ: Được thôi, mình đang thấy khó chịu, nhưng mình đã chuyễn cái gốc của những cảm xúc khó chịu đó vào một vùng khác, cách đây rất xa, khi nào rảnh rỗi mình hẵng kiểm tra, phân tích nó sau. Nói cách khác, tôi phong bế cảm xúc của mình. Về sau, khi quay lại để xem xét, thỉnh thoảng tôi cũng thấy cảm xúc của mình vẫn còn trong tình trạng tiêu cực, cơn tức tối hay nỗi khó chịu vẫn còn, nhưng trường hợp đó rất hiếm. Thường thì sau một thời gian, cái độc tố trong những cảm xúc tiêu cực sẽ bị trung hòa và trở nên vô hại, thành thử dù sớm hay muộn tôi cũng sẽ quên chúng đi.
Từ trước đến giờ tôi vẫn có khả năng giữ cho thế giới nội tại của mình ở trạng thái ít nhiều ổn định và bình an, tránh hầu hết những phiền toái không cần thiết bằng cách kích hoạt cái hệ thống kiểm soát cảm xúc này. Duy trì được hiệu quả cao của cái hệ thống đó suốt ngần ấy năm qua là một niềm tự hào của tôi.
Thế nhưng, khi gặp Wataya Noburu, cái hệ thống của tôi từ chối hoạt động. Tôi không tài nào đẩy bật được Wataya Noburu vào một cõi khác không có liên hệ gì đến tôi. Ngược lại thì có - Wataya Noburu làm được điều đó với tôi. Chuyện đó khiến tôi cáu tiết. Dĩ nhiên, cha của Kumiko là kẻ khó chịu và ngạo mạn. Song, xét cho cùng, ông ta chỉ là điển hình cho loại người có tầm nhìn thiển cận, khư khư bám lấy những xác tín hẹp hòi. Người như vậy thì tôi quên được. Nhưng Wataya Noburu thì không. Anh ta biết rõ mình là ai, và cũng biết rất rõ tôi là cái hạng gì. Nếu thích, anh ta có thể nghiền nát tôi thành cám dưới gót giày. Lý do duy nhất anh ta không làm vậy là anh ta hoàn toàn chẳng mảy may bận tâm tới tôi. Thậm chí cái thằng tôi không đáng cho anh ta bỏ thời gian công sức để nghiền nát ra nữa kìa. Chính vì vậy mà tôi căm tức anh ta. Anh ta là một con người đê tiện, một tên ích kỷ rỗng tuếch ở bên trong. Thế nhưng anh ta lại là kẻ tài năng gấp bội so với tôi.
Sau lần gặp đầu tiên đó, trong mồm tôi có một cái vị khó chịu mãi không chịu hết. Cứ như ai đó đã tọng vào mồm tôi một dúm bọ thối hoẵng vậy. Có nhổ ra cũng vô ích: cái mùi đó vẫn nồng nặc trong mồm. Ngày này qua ngày khác, tôi không sao tống khứ Wataya Noburu ra khỏi đầu được. Tôi cố nghĩ đến cái gì khác, nhưng vô ích. Tôi đi xem phim, nghe hoà nhạc. Thậm chí tôi đi chơi bóng chày với đồng nghiệp ở công ty. Tôi uống rượu, tôi đọc những cuốn sách đã muốn đọc từ lâu nếu có thời gian. Nhưng Wataya Noburu vần lù lù đó, khoang tay, nhìn tôi với cặp mắt nham hiểm, dường như hút lấy tôi tựa một cái đầm lầy không đáy. Điều đó khiến thần kinh tôi sôi sục, như làm rung rinh mặt đất dưới chân tôi.
Khi gặp Kumiko sau đó, nàng hỏi tôi có ấn tượng thế nào về ông anh trai. Tôi không thể thành thật trả lời nàng được. Tôi muốn hỏi về chiếc mặt nạ hắn ta mang, về "cái gì đó" bị vặn xoắn một cách phi tự nhiên ẩn dưới cái mặt nạ đó. Tôi muốn kể với nàng tất cả những gì tôi nghĩ về anh trai nàng. Nhưng tôi chẳng nói gì. Tôi cảm thấy mình sẽ không bao giờ có thể truyền đạt những điều đó với nàng, rằng nếu tôi không thể diễn đạt ý mình một cách rõ ràng thì tốt hơn là đừng để lộ gì cả.
- Anh ấy đúng là khác người thật, - tôi nói. Tôi muốn bổ sung gì đó, nhưng không tìm ra lời. Nàng cũng không gặng hỏi thêm, chỉ im lặng gật đầu.
Cảm giác của tôi về Wataya Noburu từ đó đến nay vẫn không thay đổi. Anh ta vẫn tiếp tục khiến thần kinh tôi phừng phừng như trước; nó như một cơn sốt nhẹ chẳng bao giờ chịu buông tha tôi. Nhà tôi chưa bao giờ có tivi, nhưng không hiểu vì sự ngẫu nhiên kỳ quái thế nào mà dù ở bất cứ đâu, mỗi khi tôi nhìn tivi là lại thấy Wataya Noburu đang chễm chệ trên đó mà phát ngôn với khán giả. Hễ tôi ngồi đợi trong phòng khám bác sĩ, cầm tờ tạp chí lên mà lật bâng quơ thì y như rằng có bức ảnh Wataya Noburu ở đó, cùng với một bài anh ta viết. Tôi cảm thấy như thể trong từng ngóc ngách của cả thế giới này đều có Wataya Noburu chực sẵn đợi tôi.
Đành vậy. Phải chấp nhận thực tế. Tôi căm ghét cái gã này.