kasaka Nhục đậu khấu kể chuyện những con hổ, báo, sói và gấu bị một toán lính bắn chết một buổi trưa oi bức kinh người vào tháng Tám năm 1945. Bà kể lại một cách lớp lang và rõ ràng chính xác như một bộ phim tài liệu chiếu trên màn hình trắng. Không có bất cứ chi tiết nào mơ hồ trong chuyện của bà, dù trên thực tế bản thân bà không chứng kiến sự kiện. Khi chuyện đó xảy ra, bà đang đứng trên boong một con tàu vận tải chở những người Nhật định cư tại Mãn Châu tị nạn về Nhật Bản. Những gì bà thực sự chứng kiến chỉ là một chiếc tàu ngầm Mỹ nổi lên mặt biển.
Cũng như mọi người, bà cùng những đứa trẻ khác đã chui ra khỏi hầm tàu nóng hầm hập như cái nồi hơi để lên boong, tựa vào lan can mà tận hưởng làn gió nhẹ thổi qua mặt biển bình yên phẳng lặng, thì đột nhiên chiếc tàu ngầm nổi lên mặt biển như thể hiện ra từ một giấc mơ. Thoạt tiên là một chiếc ăng-ten, trụ ra đa và tiềm vọng kính trồi lên. Kế đó đài chỉ huy xuất hiện, rạch ngang mặt biển tạo thành một vệt dài. Cuối cùng là toàn bộ thân tàu bằng thép lừng lững hiện ra, phơi thân hình trần trụi tao nhã dưới ánh nắng hè. Mặc dù hình dáng của vật trước mắt bà không thể là gì khác ngoài một chiếc tàu ngầm, song nó trông như một thứ dấu hiệu mang tính biểu tượng, hay là một ẩn dụ không hiểu nổi.
Chiếc tàu ngầm chạy song song với con tàu trong chốc lát như đang rình mồi. Chẳng mấy chốc một cánh cửa nắp mở ra, một người trong thủy thủ đoàn leo lên boong, sau đó một người khác, rồi một người nữa, động tác chậm chạp gần như uể oải. Từ boong đài chỉ huy, các sĩ quan dùng những chiếc ống nhòm to dùng để quan sát từng chi tiết của chiếc tàu vận tải, những thấu kính ống nhòm chốc chốc lại lóe lên dưới ánh nắng. Chiếc tàu lèn chặt những dân thường đang trở về Nhật Bản, cảng đến là Sasebo. Phần lớn là phụ nữ và trẻ em, gia quyến của các sĩ quan Nhật trong chính phủ bù nhìn Mãn Châu quốc và các nhân viên cao cấp thuộc công ty đường sắt Nam Mãn Châu của người Nhật, đang quay về tổ quốc để tránh những loạn lạc ắt sẽ theo sau sự thất trận nhãn tiền của người Nhật trong chiến tranh. Những con người đó - ít nhất là cho tới lúc này - thà bị tàu ngầm Mỹ tấn công trên biển còn hơn chịu số phận khủng khiếp chờ đợi họ ở Trung Hoa đại lục.
Toàn bộ hỏa lực của chiếc tàu ngầm chỉ là một khẩu đại bác trên boong và một khẩu súng máy, nhưng thế đã là quá đủ để đánh chìm chiếc tàu hàng xập xệ hoen gỉ được cải tạo thành chiếc tàu vận tải này. Chiếc tàu ngầm chỉ mang một lượng thủy lôi hạn chế, số đó được để dành đến khi chạm trán những đoàn hộ tống có vũ trang, giả dụ như còn có tàu hộ tống có vũ trang nào ở Nhật. Ấy là luật bất di bất dịch.
Nhục đậu khấu bíu tay vào lan can boong tàu, quan sát cái nòng súng đen ngòm kia hướng về phía cô. Chỉ mới giây phút trước còn chìm trong nước, thế mà bây giờ nó đã khô ran dưới cái nắng mùa hè. Cô chưa bao giờ nhìn thấy khẩu súng nào to đến thế. Hồi ở Tân Kinh cô vẫn thường thấy những khẩu súng trường của quân đội Nhật, nhưng mấy khẩu súng ấy không thể nào sánh nổi với khẩu súng khổng lồ trên boong chiếc tàu ngầm kia. Chiếc tàu ngầm chiếu đèn hiệu vào chiếc tàu hàng: Đứng lại. Sắp sửa tấn công. Lập tức đưa hành khách xuống xuồng cứu nạn. (Dĩ nhiên, hồi đó Nhục đậu khấu không thể hiểu được ý nghĩa các tín hiệu bằng đèn đó, nhưng khi hồi tưởng lại bà có thể hiểu hết sức rõ ràng). Trên boong chiếc tàu vận tải - vốn chỉ được cải tiến một cách quấy quá để chuyển từ một chiếc tàu hàng cũ ngay trong lúc loạn lạc chiến tranh - không hề có đủ xuồng cứu nạn. Trên thực tế, chỉ có vẻn vẹn hai chiếc xuồng nhỏ cho hơn năm trăm con người gồm cả hành khách và thủy thủ. Hầu như chẳng có chiếc áo phao hay phao cứu nạn nào ở trên tàu.
Nắm chặt lan can tàu, nín thở, Nhục đậu khấu nhìn trân trối như bị thôi miên vào chiếc tàu ngầm hình dáng thuôn đẹp kia. Nó sáng choang như vừa mới đúc xong, không có lấy một tý gỉ sét. Cô nhìn thấy những con số vạch bằng sơn trắng trên đài chỉ huy. Cô nhìn thấy ăng-ten ra-đa quay phía trên đài chỉ huy. Cô nhìn thấy viên sĩ quan có mái tóc màu cát đeo kính râm. Chiếc tàu ngầm này đã từ đáy biển trồi lên để giết hết chúng ta, cô nghĩ, nhưng chuyện đó chẳng có gì lạ, lúc nào nó cũng có thể xảy ra. Nó chẳng liên quan gì đến chiến tranh hết, nó có thể xảy ra với bất cứ người nào ở bất cứ đâu. Ai cũng nghĩ rằng chuyện đó xảy ra là vì chiến tranh. Nhưng đâu phải vậy. Chiến tranh chỉ là một trong những gì có thể xảy ra thôi.
Đối mặt chiếc tàu ngầm và khẩu đại bác to đùng của nó. Nhục đậu khấu không thấy sợ. Mẹ cô đang hét to câu gì đó với cô, song cô chẳng hiểu gì. Đoạn cô cảm thấy ai đó túm cổ tay cô giật mạnh. Nhưng tay cô vẫn siết chặt lan can tàu. Những giọng kêu la gầm rú quanh cô bắt đầu xa dần, như thể ai đó đang vặn nhỏ âm lượng đài phát thanh. Sao mình buồn ngủ thế, cô nghĩ. Sao mình buồn ngủ quá vậy? Cô nhắm mắt lại, thế là ý thức cô lập tức chuội đi, bỏ boong tàu lại tít đằng sau.
Những người lính chẳng nói năng gì. Khuôn mặt cháy nắng của họ không còn một chút máu, trông họ như hình vẽ trên những chiếc bình cổ. Chỉ ít ngày nữa thôi - cùng lắm là một tuần nữa - bộ phận chủ lực của Tập đoàn Viễn Đông quân đội Xô-Viết sẽ đến Tân Kinh này. Chẳng cách nào ngăn nổi bước tiến của họ. Ngay từ đầu cuộc chiến, những đội quân tinh nhuệ và khí tài thiết bị từng có lúc thừa mứa của đạo quân Quan Đông đã được đổ hết vào mặt trận phía Nam ngày càng mở rộng, đến giờ thì phần lớn cả quân lính lẫn trang bị vũ khí đều đã chìm xuống đáy biển hay đang mục rữa trong rừng sâu. Xe tăng không còn nữa. Đại bác chống tăng không còn nữa. Xe chở quân lính gần như hỏng hết chẳng còn gì, phụ tùng thay thế lại không có. Tổng động viên thì vẫn tập hợp được khá đông quân, nhưng thậm chí cả súng trường cổ lỗ sĩ cũng không đủ cho mỗi người một khẩu hoặc không đủ đạn để nạp cho tất cả các súng. Thế là đạo quân Quan Đông, "bức tường thành phía Đông" nay chỉ còn là một con hổ giấy. Các đơn vị cơ giới Xô-Viết từng đè bẹp quân đội Đức nay đang hoàn tất việc chuyển quân bằng xe lửa đến mặt trận Viễn Đông, quân trang thừa thãi, sĩ khí ngất trời. Mãn Châu quốc sụp đổ là điều không tránh khỏi.
Ai cũng biết đó là sự thật, mà biết hơn ai hết là Bộ Tham Mưu đạo quân Quan Đông. Vì thế họ triệt thoái bộ phận chủ lực về hậu phương, trên thực tế là bỏ mặc các đồn nhỏ dọc biên giới và những người thường dân người Nhật làm nghề nông. Những người nông dân không vũ khí này bị quân đội đối phương giết sạch bởi họ tiến quân quá nhanh nên không có thì giờ bắt tù binh. Nhiều phụ nữ chọn - hoặc buộc phải chọn - con đường tự sát còn hơn bị hãm hiếp. Các đồn biên giới tự giam mình vào các boong-ke bằng bê tông được mệnh danh là "pháo đài vĩnh viễn" và kháng cự kịch liệt, nhưng vì không được yểm trợ từ hậu phương, thảy họ đều bị hỏa lực áp đảo của quân đội Xô-Viết tiêu diệt. Các vị chóp bu trong bộ tham mưu và các sĩ quan cao cấp khác đã thu xếp để chính mình được "thuyên chuyển" đến bộ tham mưu mới ở Thông Hoa 1 gần biên giới Triều Tiên, còn Hoàng đế bù nhìn Henry Phổ Nghi và gia đình đã vứt hết gia sản mà tháo chạy khỏi thủ đô trên một chiếc chuyên xa. Hầu hết binh lính người Trung Hoa trong đạo quân Quan Đông được giao nhiệm vụ bảo vệ thủ đô đều đào ngũ ngay khi hay tin quân đội Xô-Viết đang xâm lấn, hoặc nếu không thì họ nổi loạn và bắn chết các sĩ quan chỉ huy người Nhật. Họ không có ý định hi sinh tính mạng mình cho nước Nhật trong cuộc chiến chống lại quân đội Xô-Viết có ưu thế vượt trội.
Do hậu quả những diễn tiến có tương quan đó, thủ đô của Mãn Châu quốc, cái "thành phố mới đặc biệt Tân Kinh" mà nước Nhật Bản hiện đại đã dựng nên trên một vùng đất hoang vu, đã đặt cược uy tín của mình vào đó, nay bị bỏ lửng trong một tình thế chân không chính trị kỳ lạ. Để tránh hỗn loạn và đổ máu không cần thiết, các quan chức cao cấp người Trung Hoa thuộc Mãn Châu quốc cho rằng cần tuyên bố Tân Kinh là thành phố phi quân sự và đầu hàng không kháng cự, nhưng đạo quân Quan Đông cự tuyệt đề nghị đó.
Những người lính được phân công đến vườn thú đã phó mặc mình cho số phận. Họ cho rằng chỉ dăm hôm nữa thôi họ sẽ chết khi giao chiến với quân đội Xô Viết (mặc dù, trên thực tế, sau khị bị giải giáp, họ sẽ bị đưa đi lao động ở các mỏ than ở Siberia, và ba người trong số họ sẽ chết tại đó). Họ chỉ còn biết cầu trời cho cái chết của mình sẽ không quá đau đớn. Chẳng ai muốn bị nghiền nát nhừ dưới xích xe tăng, bị nướng chín dưới chiến hào vì súng phóng hỏa hay quằn quại chết từ từ vì một viên đạn trong dạ dày. Thà bị bắn vào đầu hay ngay tim còn hơn. Nhưng trước hết họ phải giết lũ thú kia.
Giám đốc vườn thú xác nhận rằng quả thật ông đã được chỉ thị "loại bỏ" những con thú hung dữ trong trường hợp khẩn cấp và làm việc đó bằng thuốc độc, nhưng ông bảo lô hàng thuốc độc mãi đến giờ vẫn chưa nhận được. Nghe vậy, viên trung úy rất bối rối. Y vốn là nhân viên kế toán, được bổ nhận chân phát lương trong Bộ tham mưu, xưa nay chưa lần nào phải chỉ huy một nhóm người, thế mà bây giờ bị lôi ra khỏi bàn giấy để làm cái nhiệm vụ khẩn cấp này. Y phải lục mãi trong ngăn kéo để tìm khẩu súng lục đã nhiều năm không hề đụng tới, thậm chí chẳng biết có còn bắn được hay không nữa.
- Cái tệ quan liêu thì bao giờ cũng vậy, trung úy à, - giám đốc vườn thú nói, ông ta vốn lớn hơn viên trung úy vài tuổi, nhìn y với ít nhiều thương hại. - Những gì ta cần thì chẳng bao giờ có cả.
Để hỏi han thêm tình hình, giám đốc vườn thú cho gọi bác sĩ thú y trưởng vào, ông này bảo viên trung úy rằng vườn thú chỉ có một lượng thuốc độc rất nhỏ, không đủ để giết một con ngựa. Viên bác sĩ thú y là một người cao lớn, điển trai trạc gần bốn mươi tuổi, có một vết bầm màu xanh đen bên má phải, kích thước và hình dáng giống như một bàn tay bé sơ sinh. Viên trung úy cho rằng vết bầm kia là bẩm sinh.
Từ chỗ văn phòng giám đốc vườn thú, viên trung úy gọi điện thoại về Bộ Tham mưu để xin thêm chỉ thị, nhưng bộ Tham mưu đạo quân Quan Đông đang trong tình trạng hoảng loạn cùng cực ngay từ khi quân đội Xô Viết vượt qua biên giới vài ngày trước, hầu hết các sĩ quan cao cấp đều đã biến mất. Vài ba viên sĩ quan còn sót lại đều bận túi bụi, kẻ đang đốt hàng chồng tài liệu quan trọng ngoài sân, người thì dẫn quân ra ven thành phố để đào công sự chống tăng. Viên đại tá đã ra lệnh cho trung úy chẳng hiểu biến đi đâu mất. Thành thử viên trung úy chịu không biết đào đâu ra chỗ thuốc độc họ cần. Ai ở đạo quân Quan Đông chịu trách nhiệm về vụ thuốc độc bây giờ đây? Người ta chuyển cuộc gọi của viên trung úy hết từ văn phòng này đến văn phòng khác, cho tới khi một đại tá quân y cầm máy quát om sòm với viên trung úy: "Đồ ngu như bò! Cả cái nước này toi mẹ tới nơi rồi mà còn đi hỏi tôi về cái vườn thú chó dái nào đó là sao? Thằng đếch nào nó quan tâm chứ hả?".
Mà đúng, ai người ta quan tâm, viên trung úy nghĩ. Mình thì chắc chắn là không rồi. Với vẻ hết hy vọng, y gác máy và quyết định thôi không cố đòi thuốc độc nữa. Giờ thì y có hai lựa chọn. Y có thể quên vụ giết thú đi, chẳng giết con nào cả, cứ thế dẫn lính về, hoặc họ có thể dùng đạn để thi hành nhiệm vụ. Đằng nào thì cũng vi phạm mệnh lệnh được giao, nhưng rốt cuộc y quyết định dùng súng để bắn. Nếu làm cách đó, sau này y có thể sẽ bị giáng một cấp vì tội phí phạm đạn dược, song ít nhất thì mục đích "loại bỏ" những con vật nguy hiểm cũng được thực hiện. Còn nếu chọn giải pháp không giết lũ thú, có thể y sẽ phải ra tòa án binh vì tội bất tuân thượng lệnh. Dĩ nhiên, vào lúc chiến tranh sắp kết thúc thế này thì chưa chắc có tòa án binh nữa không, nhưng nói gì thì nói, lệnh là lệnh. Chừng nào quân đội vẫn còn tồn tại thì quân lệnh vẫn phải được thi hành.
Giá như có thể, mình cũng chẳng muốn giết con nào cả, viên trung úy tự nhủ, hoàn toàn thành thực. Song vườn thú đang cạn dần thức ăn cho bọn thú, nên hầu hết bọn chúng (nhất là những con to xác) đang bị đói trầm trọng. Mọi chuyện chỉ có ngày càng tệ hơn thôi - hay ít nhất là sẽ không thể khá lên được. Bắn quách chúng đi có khi là cách nhẹ nhàng nhất cho bản thân bọn thú, một cái chết nhanh chóng, sạch sẽ. Mà nữa, nếu lũ thú đói kia xổng chuồng lao vào thành phố giữa lúc giao tranh ác liệt hoặc đang nửa chừng cuộc không kích thì thảm họa là điều không tránh khỏi.
Giám đốc vườn thú đưa cho viên trung uý bản danh sách cần "loại bỏ khẩn cấp" mà ông đã lập ra theo chỉ thị, cùng với một tấm bản đồ vườn thú. Viên bác sĩ thú y có vết bầm trên má cùng hai công nhân người Trung Hoa được giao nhiệm vụ đi cùng đội hành quyết. Viên trung uý liếc bản danh sách và nhẹ cả người khi thấy nó ngắn hơn y tưởng. Tuy nhiên, trong số các con vật bị ghi là cần loại bỏ có hai con voi Ấn Độ. Voi à? Viên trung uý cau mày nghĩ. Làm thế quái nào bọn tôi giết voi được kia chứ?
Cứ theo tấm bản đồ thì con vật đầu tiên cần loại bỏ là hổ. Thôi thì dù sao voi cũng được để sau cùng. Tấm biển trên chuồng hổ cho biết cặp hổ này đã bị bắt ở Mãn Châu, trong vùng núi Đại Khingan. Viên trung uý phân công bốn người bắn một con hổ, và bảo đám lính nhắm vào tim, tuy nhiên tim nằm ở đâu trên mình hổ thì chính y cũng chẳng biết. Nhưng không sao, ít nhất thì trong bốn viên ắt có một viên trúng đích. Khi tám người cùng gạt đòn bẩy những khẩu Model 38s và nặp băng đạn vào ổ đạn, tiếng lách cách khô khốc đầy điềm gở làm thay đổi hẳn toàn bộ bầu không khí nơi này. Nghe tiếng động, hai con hổ đứng dậy. Để phòng xa viên trung uý rút khẩu súng lục tự động của y ra, tháo chốt an toàn. Để tự trấn an, y hắng giọng. Có gì đâu, y cố tự nhủ. Ai mà chẳng có lúc phải làm những việc thế này.
Đám lính quỳ xuống, nhắm cẩn thận rồi theo lệnh viên trung uý bóp cò. Lực giật lại làm vai họ rung bần bật, và trong một khoảnh khắc tâm trí họ trở nên trống hoác, như là bị thổi phăng mất. Tiếng gầm của ngần ấy phát bắn cùng một lúc vang vọng qua vườn thú không người, dội từ nhà này sang nhà khác, tường này sang tường khác, cắt qua những vạt rừng, rạch qua những mặt nước, đâm thấu vào tim bất cứ ai nghe thấy nó, như tiếng sấm ở xa. Lũ thú nín thở. Ngay cả ve sầu cũng thôi kêu. Mãi lâu sau khi tiếng vọng của những phát súng đã lắng đi ở đằng xa, vẫn không có một âm thanh nào. Như thể vừa bị một người khổng lồ vô hình quật cho một phát chí tử bằng một cây gậy khổng lồ, hai con hổ dựng đứng lên một khoảnh khắc trong không khí, sau đó đổ ụp xuống sàn chuồng, quằn quại hấp hối, mồm hộc máu. Đám lính đã không thể hạ thủ được lũ hổ chỉ bằng một phát súng. Bừng tỉnh khỏi cơn mê, họ lại kéo đòn bẩy, vứt vỏ đạn vừa bắn đi, rồi lại ngắm đích.
Sàn chuồng bằng bê tông nồng nặc mùi khắm lặm của nước tiểu loài mèo lớn trộn lẫn với mùi máu âm ấm. Máu vẫn đang ộc ra từ những lỗ thủng toang hoác trên thân thể lũ hổ, làm thành một cái hồ đen sịt dinh dính quanh chân gã. Đột nhiên, khẩu súng trường trong tay gã nghe nặng trịch, lạnh ngắt. Gã muốn quẳng súng đi, gập người xuống, nôn kỳ hết tất cả những gì có trong dạ dày gã ra sàn chuồng. Giá làm vậy được thì nhẹ người biết bao! Nhưng không thể nôn được - tay chỉ huy sẽ dần gã dập mặt mất. (Dĩ nhiên, người lính này hoàn toàn không biết rằng mười bảy tháng sau gã sẽ chết khi một tay lính gác Liên Xô ở một khu mỏ gần Irkutsk dùng xẻng đập toác sọ gã). Gã lấy lưng cổ tay lau mồ hôi trên trán. Chiếc mũ trận gã đội đè nặng xuống gã. Một con ve sầu, rồi một con nữa lại bắt đầu kêu, như thể mới hồi sinh. Chẳng mấy chốc hoà vào tiếng ve sầu còn có tiếng kêu của một con chim - một tiếng kêu khác hẳn, nghe như tiếng vặn một sợi dây cót: Quick... quick... Năm lên mười hai tuổi tay lính trẻ đã từ một làng vùng núi Hokkaido cùng gia đình vượt biển đến Trung Hoa, cả nhà cùng canh tác một mảnh đất ở làng biên giới Bắc An cho tới năm ngoái thì gã bị động viên vào quân đội. Mặc dù gã biết rõ tất cả các loài chim ở Mãn Châu, nhưng con chim có tiếng kêu đặc biệt này thì gã chưa hề gặp. Có lẽ đó là một loài chim nhập từ một vùng xa, nó đang kêu trong lồng ở một khu vực khác của vườn thú. Thế nhưng tiếng kêu hình như phát ra từ những cành cây cao ở đâu đó gần đây. Gã ngoái đầu nhìn về phía tiếng kêu nhưng chẳng thấy gì. Một cây du sừng sững có tán lá rậm dày hắt cái bóng sắc nét, mát rượi xuống mặt đất bên dưới.
Gã nhìn về phía viên trung uý như để xin chỉ thị. Viên trung uý gật đầu, lệnh cho gã ra khỏi chuồng, đoạn lại trải bản đồ ra. Với bọn hổ thế là xong. Giờ đến lượt báo. Sau đó có thể là chó sói. Ta còn phải xử lý lũ gấu nữa. Voi thì để thanh toán xong những con khác sẽ tính sau, y nghĩ. Rồi y mới nhận ra trời nóng như thiêu. "Nghỉ chút đi", y nói với thuộc hạ. "Uống chút nước". Họ lấy bi đông ra uống. Rồi họ lại quảy súng lên vai, đứng thành đội hình, đi về phía chuồng báo. Trên một cây cao, con chim lạ có tiếng kêu khẩn thiết vẫn tiếp tục vặn dây cót. Ngực và lưng áo lính ngắn tay của đám đàn ông đen nhẹp mồ hôi. Đội quân súng ống tận răng này diễu đến đâu, tiếng lách cách của đủ thứ vận dụng kim loại làm bật lên đến đó những tiếng vang rỗng hoác khắp trong vườn thú không người. Lũ khỉ bấu chặt lấy chấn song chuồng rít lên những tiếng xé tai, cuống cuồng cảnh báo sự chẳng lành với tất cả những con vật khác trong vườn thú, đến lượt mình những loài khác hoà vào dàn đồng ca theo cách của riêng chúng. Lũ sói nghếch mõm lên trời hú từng tràng dài, bọn chim góp lời bằng cách đập cánh như điên, vài con vật lớn ở đâu đó vật mình rầm rầm vào vách chuồng như buông lời đe doạ. Một cụm mây hình thù như nắm đấm chẳng biết từ đâu xuất hiện che khuất mặt trời trong chốc lát. Vào buổi chiều tháng Tám đó, người, vật, tất cả đều nghĩ đến cái chết. Hôm nay những người này sẽ giết lũ thú, ngày mai quân đội Liên Xô sẽ giết những người này. Có lẽ.
- Một con chim vặn dây cót? - đang ăn, tôi ngẩng đầu lên hỏi.
- Một con chim vặn dây cót? - Nhục đậu khấu nói, lặp lại đúng từng từ tôi vừa nói, đoạn cong môi lên một thoáng. - Tôi không hiểu cậu đang nói gì. Cậu đang nói về cái gì thế?
- Có phải bà vừa nói gì đó về một con chim vặn dây cót không?
Bà ta chầm chậm lắc đầu.
- Hừm. Giờ thì tôi không nhớ được. Hình như tôi chẳng nói về chim chóc gì cả.
Tôi đành chịu thua. Bà luôn luôn kể chuyện mình như vậy. Tôi cũng chưa hỏi bà về vết bầm nữa.
- Vậy là bà sinh ra ở Mãn Châu? - tôi hỏi.
Bà lại lắc đầu.
- Tôi sinh ở Yokohama. Cha mẹ tôi mang tôi sang Mãn Châu năm tôi mới ba tuổi. Cha tôi vốn dạy ở một trường thú y, nhưng khi chính quyền thành phố Tân Kinh muốn tìm một người từ Nhật sang làm bác sĩ thú y trưởng cho vườn thú mới mà họ sắp xây dựng, cha tôi đã tình nguyện đi. Mẹ tôi không muốn rời bỏ cuộc sống vốn đã yên hàn ở Nhật để đến một xứ khỉ ho cò gáy, nhưng cha tôi vẫn khăng khăng. Có lẽ ông muốn tự thử mình ở một nơi lớn lao hơn, rộng mở hơn là Nhật Bản. Hồi ấy tôi còn bé nên đi đâu cũng được, nhưng quả thật sống trong vườn thú tôi rất thích. Sống trong vườn thú thật tuyệt. Thân thể cha tôi lúc nào cũng có mùi thú vật. Tất cả những mùi khác nhau của nhiều loài vật trộn lẫn với nhau thành một mùi, và cái mùi ấy mỗi ngày mỗi khác đi một chút, như khi ta thay đổi các thành phần trong công thức một thứ nước hoa vậy. Mỗi khi cha về nhà, tôi hay trèo lên lòng cha, bắt cha ngồi im để tôi hít ngửi khắp mình cha.
Nhưng rồi chiến tranh ngày càng chuyển biến theo hướng xấu, tình hình trở nên nguy hiểm, thế nên cha tôi quyết định để mẹ tôi và tôi trở về Nhật trước khi quá muộn. Mẹ con tôi đi cùng với nhiều người khác, đáp xe lửa từ Tân Kinh đến Triều Tiên, ở đó có một chiếc tàu đặc biệt đón chúng tôi. Cha tôi thì ở lại Tân Kinh. Lần cuối cùng khi tôi nhìn thấy cha, ông đang đứng trên sân ga vẫy mẹ con tôi. Tôi thò đầu ra cửa sổ nhìn ông cứ nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi biến mất trong đám đông trên sân ga. Không ai biết chuyện gì xảy ra với ông sau đó. Tôi nghĩ chắc ông đã bị người Liên Xô bắt làm tù binh rồi đưa đến Siberia buộc lao động cưỡng bức và chết ở đó, như nhiều người khác. Hẳn là ông đã vùi xác nơi mảnh đất cô đơn lạnh lẽo nào đó, thậm chí chẳng có lấy một cái gì để đánh dấu nấm mồ ông.
Đến giờ tôi vẫn nhớ như in vườn thú Tân Kinh, nhớ rõ từng chi tiết. Tôi có thể hồi tưởng tất cả trong tâm trí - từng lối đi, từng con vật. Gia đình tôi sống ở tư dinh của bác sĩ thú y trưởng, trong khuôn viên vườn thú. Công nhân vườn thú ai cũng biết tôi, họ cho tôi muốn đi đâu cũng được, kể cả khi vườn thú đóng cửa vào các ngày lễ.
Nhục đậu khấu nhắm mắt, hồi tưởng lại quang cảnh đó trong tâm trí. Tôi không nói gì, đợi bà kể tiếp chuyện.
- Thế nhưng tôi không chắc liệu cái vườn thú như tôi hồi tưởng lại có thật sự như thế không. Nói sao nhỉ? Đôi khi tôi cảm thấy nó sống động quá mức, không biết nói thế cậu có hiểu chăng... Mà khi đã chớm nghĩ như vậy thì càng nghĩ, tôi càng không dám chắc bao nhiêu phần trong cái sống động kia là thực còn bao nhiêu phần là do trí tưởng tượng của tôi tạo ra. Tôi thấy như mình đang lạc vào mê cung vậy. Đã bao giờ cậu gặp chuyện như vậy chưa?
Tôi thì chưa.
- Bà có biết vườn thú đó vẫn còn ở Tân Kinh không? - tôi hỏi.
- Tôi không biết nữa, - Nhục đậu khấu nói, tay chạm vào đuôi hoa tai. - Tôi nghe nói sau chiến tranh nơi đó đã bị đóng cửa, nhưng không biết đến giờ có còn đóng cửa không.
Để tránh làm phật ý bà, tôi luôn luôn sửa soạn hết sức chu đáo mỗi lần đi gặp bà, sao cho quần áo tôi chỉnh tề, sạch sẽ đâu ra đó. Tôi luôn mặc áo sơ-mi sạch bong vừa lấy ở hiệu giặt là về rồi chọn chiếc cà vạt nào hợp nhất. Giày tôi luôn bóng loáng, tịnh không một hạt bụi. Mỗi lần gặp nhau, việc đầu tiên bà ta làm là kiểm tra tôi từ đầu đến chân, bằng cặp mắt của anh đầu bếp chọn rau. Nếu có gì làm bà không hài lòng, bà sẽ đưa tôi đến thẳng một cửa hàng đặng mua cho tôi ngay thứ cần phải có. Nếu có thể, bà ta bắt tôi thay đồ mới ngay lập tức, ngay tại chỗ. Gì chứ về chuyện quần áo thì bà luôn luôn đòi hỏi sự hoàn hảo.
Kết quả là tủ quần áo của tôi bắt đầu đầy lên. Một cách từ từ nhưng chắc chắn, những bộ com lê mới, áo khoác mới và sơ-mi mới dần dần chiếm lĩnh cái lãnh thổ trước kia vốn thuộc về những bộ váy áo của Kumiko. Chẳng mấy chốc tủ quần áo bắt đầu chật, thế là tôi gấp hết đồ của Kumiko lại cho vào hộp có băng phiến rồi cất vào chỗ khác. Nếu Kumiko có trở về, tôi biết nàng sẽ tự hỏi chẳng biết chuyện quái gì đã xảy ra trong thời gian nàng vắng mặt.
Tôi phải mất một thời gian dài để giải thích với Nhục đậu khấu về Kumiko - rằng tôi phải cứu nàng và đưa nàng về. Bà ta chống cùi chỏ lên bàn, tựa cằm lên lòng bàn tay mà nhìn tôi một lát.
- Vậy thì cậu sẽ cứu Kumiko từ đâu về chứ? Cái nơi đó có tên gọi hay gì đó kiểu như vậy không?
Tôi tìm lời lẽ trong không khí. Nhưng lời lẽ làm gì có trong không khí. Chúng cũng chẳng chôn dưới đất. - Ở đâu đó xa lắm, - tôi nói.
Nhục đậu khấu mỉm cười.
- Nghe như chuyện Cây sáo thần vậy. Của Mozart, cậu biết không? Chuyện là người ta phải cứu một nàng công chúa bị giam trong một toà lâu đài ở một nơi rất xa, cứu bằng một cây sáo thần và những cái chuông thần. Tôi thích vở Opera đó lắm. Tôi đã xem không biết bao nhiêu lần. Thậm chí tôi thuộc nằm lòng lời vở hát nữa "Tôi là kẻ bắt chim, ở xứ này từ già đến trẻ ai cũng biết tôi..." Cậu đã xem chưa?
Tôi lắc đầu. Tôi chưa bao giờ xem vở ấy.
- Trong vở ấy, chàng hoàng tử và kẻ bắt chim, Pagageno, được ba đứa trẻ cưỡi mây dẫn đến toà lâu đài. Nhưng thực ra đó là cuộc chiến tranh giữa vương quốc của ngày và vương quốc của đêm. Vương quốc của đêm cố gắng bắt lại nàng công chúa từ tay vương quốc của ngày. Đến nửa chừng vở, các nhân vật chính không còn biết đâu là chính đâu là tà, ai bị bắt ai không nữa. Đương nhiên là đến cuối vở hoàng tử tái hợp với công chúa, Pagageno có được Pagagena, còn những kẻ ác bị đày xuống địa ngục, - Nhục đậu khấu miết ngón tay dọc vành cốc. - Nhưng lúc này thì cậu không có kẻ bắt chim cũng chẳng có sáo thần hay gương thần.
- Nhưng tôi có cái giếng, - tôi đáp.
Rốt cuộc họ đã không giết lũ voi. Khi đối mặt với voi, họ nhận ra một điều hiển nhiên rằng chúng quá lớn. Bên những con thú đó, súng trường của những người lính trông như những món đồ chơi ngớ ngẩn. Viên trung uý ngẫm nghĩ một chút rồi quyết định để yên lũ voi. Nghe vậy, đám lính thở phào nhẹ nhõm. Nghe thì như lạ - tuy rằng thật ra cũng chẳng lạ lắm - đám lính thảy đều chung một ý nghĩ: giết người trên chiến trường còn dễ hơn nhiều so với giết thú trong chuồng, mặc dù trên chiến trường thì có thể chính mình bị giết.
Những con thú đó, giờ chỉ còn là những cái xác, được đám công nhân người Trung Hoa lôi ra khỏi chuồng, chất lên xe rồi kéo đến một nhà kho để trống. Ở đó những con thú, đủ hình đủ dạng, to có nhỏ có, nằm la liệt trên sàn. Sau khi đã thực thi chiến dịch từ đầu đến cuối, viên trung uý quay về văn phòng của giám đốc vườn thú bảo ông này ký vào những giấy tờ cần thiết. Sau đó đám lính xếp hàng, đều bước theo đội hình mà đi khỏi, những tiếng lách cách kim khí khua vang giống như khi họ đến. Đám công nhân Trung Hoa dùng vòi nước rửa sạch những đám máu đen kịt trên sàn các chuồng, đoạn dùng bàn chải cạo sạch những mẩu thịt thú dính đây đó trên tường. Khi xong việc, các công nhân hỏi viên bác sĩ thú y có vết bầm trên má phải xem ông ta định xử lý mấy cái xác bằng cách nào. Viên bác sĩ lúng túng không biết trả lời sao. Thường thì khi có thú chết, ông ta gọi một chuyên viên đến để xử lý. Nhưng hiện giờ khi thủ đô đang chuẩn bị bước vào trận huyết chiến, khi ai cũng chỉ nghĩ đến việc cao chạy xa bay khỏi cái đô thành sắp tận số này thì làm sao có thể nhấc điện thoại lên bảo ai đó chạy đến xử lý một cái xác thú chết được. Tuy nhiên đang là giữa hè, mấy cái xác sẽ rất chóng phân huỷ. Ngay lúc này đây những đàn ruồi đen đã bâu lại kín nghịt. Cách hay nhất là đem chôn, nhưng đó là một việc quá lớn thậm chí dù vườn thú có đủ thiết bị hạng nặng, còn với nhân lực hạn chế như lúc này thì không thể nào đào một cái hố đủ lớn đặng chôn hết mấy cái xác.
Các công nhân Trung Hoa bảo viên bác sĩ thú y: Bác sĩ này, nếu ông cho chúng tôi đem hết mấy cái xác đi thì chúng tôi sẽ thanh lý cho ông. Chúng tôi có nhiều bạn bè giúp, với lại chúng tôi biết rõ phải làm ở đâu. Chúng tôi sẽ mang ra ngoài thành phố và xử lý sạch sẽ, không để lại dấu vết nào. Sẽ êm xuôi hết, ông không phải lo. Nhưng bù lại, chúng tôi muốn lấy lông và thịt. Nhất là thịt gấu, món đó ai cũng thích. Vài bộ phận của gấu và hổ làm thuốc rất tốt, bán được cao giá lắm. Giờ mới nói thì quá muộn rồi, nhưng giá như lính các ông chỉ nhắm vào đầu chúng thì hay hơn bao nhiêu. Được vậy lông sẽ bán được khối tiền. Mấy tay lính này dở quá! Giá như các ông giao cho chúng tôi ngay từ đầu thì chúng tôi đã chẳng làm vụng đến thế. Viên bác sĩ đồng ý đổi chác. Anh ta không có lựa chọn nào khác. Nói gì thì nói, đây là đất nước của họ.
Chẳng mấy chốc mười người Trung Hoa xuất hiện mang theo mấy chiếc xe kéo. Họ lôi đống xác thú ra khỏi nhà kho, chất lên xe, buộc chặt rồi lấy chiếu rơm đậy lên. Suốt thời gian làm những việc đó họ gần như chẳng nói với nhau một lời. Khuôn mặt họ vô cảm. Khi đã chất đầy các xe, họ kéo đi đâu đó. Những chiếc xe kêu ken két dưới sức nặng của đống xác thú. Cuộc thảm sát - mà theo lời các công nhân là thảm sát vụng về - các con vật trong vườn thú vào một chiều tháng Tám oi bức đã kết thúc như vậy. Chỉ còn lại dăm cái chuồng sạch sẽ - và trống không. - Vẫn còn trong trạng thái kích động, bầy khỉ tiếp tục hét gọi nhau bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu. Những con lửng bồn chồn chạy tới chạy lui trong cái chuồng hẹp. Lũ chim đập cánh một cách tuyệt vọng làm lông bay tung toé. Ve sầu tiếp tục kêu inh ỏi.
Viên bác sĩ rút một gói thuốc ẩm mồ hôi trong túi áo ngực ra, cho một điếu lên miệng rồi quẹt diêm. Khi quẹt diêm anh mới nhận ra tay mình đang run, run đến nỗi phải quẹt tới ba que diêm anh mới châm được thuốc. Chẳng phải vì anh đang bị chấn động cảm xúc hay gì gì. Một số thú lớn đã bị "loại bỏ" trong chốc lát ngay trước mắt anh, thế nhưng, vì một lý do không thể giải thích nào đó, anh không hề thấy bị sốc, thấy buồn rầu hay giận dữ. Thật ra anh chẳng cảm thấy gì hết. Anh chỉ thấy hoang mang khủng khiếp.
Anh ngồi đó một lúc, ngắm khói cuộn lên từ điếu thuốc mình đang hút, cố gắng suy xét lại cảm xúc của mình. Anh ngắm đôi tay đang đặt trên lòng mình, rồi lại nhìn lên những đám mây trên trời. Thế giới trước mắt anh vẫn là cái thế giới như lâu nay. Anh chẳng thấy có gì thay đổi ở đó. Thế nhưng đó ắt phải là một thế giới khác hẳn so với cái thế giới anh đã quen thuộc từ trước đến giờ. Nói gì thì nói, cái thế giới anh đang sống lúc này là một thế giới mà ở đó gấu, hổ, báo và sói vừa mới bị "loại bỏ". Những con thú đó sáng nay vẫn còn hiện hữu, nhưng lúc này, 4 giờ chiều, chúng không hiện hữu nữa. Chúng đã bị đám lính kia thảm sát, thậm chí xác chúng cũng đã biến mất.
Hẳn phải có một sự tách biệt lớn lao mang tính quyết định phân chia hai thế giới khác nhau đó. Cái thế giới trước mắt anh vẫn là cái thế giới của xưa nay. Điều khiến viên bác sĩ thú y hoang mang nhất là sự vô cảm ở trong chính mình.
Anh nhận ra mình đã kiệt sức. Thử nghĩ mà xem, đêm hôm trước hầu như anh không chợp mắt tí nào. Giá như lúc này anh tìm được bóng cây râm mát nào đó, nằm dài ra ngủ dù chỉ trong chốc lát thôi - thôi không nghĩ gì nữa, đắm mình vào bóng tối câm lặng của vô thức - thì tuyệt biết mấy! Anh liếc đồng hồ. Anh còn phải tìm thức ăn cho lũ thú còn sống sót. Anh phải chữa cho con khỉ đầu chó đang bị sốt cao. Có hàng ngàn việc khác anh còn phải làm. Nhưng lúc này hơn bất cứ việc gì khác, anh phải ngủ. Việc gì khác hãy tính sau.
Viên bác sĩ thú y đi vào khoảnh rừng gần đó, duỗi dài trên một bãi cỏ ở chỗ kín đáo không ai thấy. Lá cỏ mát rượi thật dễ chịu. Mùi cỏ là mùi anh luôn nhớ một cách trìu mến từ khi còn bé. Vài con cào cào Mãn Châu to gộ nhảy tanh tách qua mặt anh, đập cánh nghe rõ mồn một, đầy sinh lực. Anh nằm đó châm thêm điếu thuốc nữa và hài lòng nhận thấy tay mình không còn run đến là khổ như ban nãy. Vừa hít khói sâu vào phổi, anh vừa hình dung ở nơi nào đó những người Trung Hoa đang lột da tất tật những con thú vừa bị giết kia rồi xẻ thịt. Anh vẫn thường thấy người Trung Hoa làm việc đó, về chuyện này thì họ còn khuya mới gọi là vụng về. Chỉ trong phút chốc toàn bộ con vật đã biến thành lông, da, thịt, nột tạng và xương, như thể mấy thành phần đó vốn dĩ tách biệt khỏi nhau và chỉ tình cờ được gá vào nhau trong chốc lát. Chắc hẳn mình chưa kịp thiếp đi thì những tảng thịt đó đã nằm ngoài chợ rồi. Đó là thực tại cho mi đó: nhanh chóng và hiệu quả. Anh ngắt một búi cỏ, nghịch nghịch trong tay một hồi cái mềm mại của cỏ. Đoạn anh dụi thuốc rồi thở một hơi dài, phà hết khói còn trong phổi ra. Khi anh nhắm mắt lại, tiếng cào cào vỗ cánh nghe to hơn nhiều trong bóng tối. Viên bác sĩ thú y có ảo giác như những con cào cào lớn tướng cỡ bằng con ếch đại kia đang nhảy thon thót tứ phía quanh mình.
Có khi thế giới này là một cánh cửa xoay, viên bác sĩ chợt nghĩ trong khi ý thức anh dần mờ đi. Ta lọt vào ngăn nào của cửa xoay là hoàn toàn tùy ở chỗ chân ta bước vào đâu. Ở ngăn này có hổ, ở ngăn kia không có hổ. Có khi chỉ đơn giản như vậy thôi. Và cũng chẳng có tính liên tục thuận lý nào từ ngăn này sang ngăn nọ. Và chính vì không có tính liên tục thuận lý nào nên lựa chọn ngăn này hay ngăn nọ chẳng có ý nghĩa gì lắm. Có lẽ vì vậy mà anh không cảm nhận được chỗ tách biệt giữa thế giới này với thế giới kia? Nhưng ý nghĩ của anh chỉ đi xa được đến thế. Anh không thể nào nghĩ sâu hơn vậy nữa. Cơn mệt mỏi trong anh nặng trịch và nghẹt thở như một cái chăn sũng nước. Anh không còn nghĩ gì nữa, chỉ nằm đó, hít thở mùi thơm của cỏ, lắng nghe tiếng cào cào vỗ cánh, và cảm thấy qua làn da mình cái lớp màng dày đặc của bóng tối đang trùm phủ lên anh.
Và cuối cùng tâm trí anh bị hút vào giấc ngủ sâu hút của buổi chiều.
Khi thời gian ân hạn mười phút đã hết, những chuyển động kỳ lạ bắt đầu diễn ra trên boong tàu ngầm. Những viên sĩ quan đứng dàn hàng trên boong đài chỉ huy vội vã trao đổi với nhau, thế rồi một viên sĩ quan trèo xuống boong chính, chạy hùng hục giữa đám thủy thủ mà quát lớn những mệnh lệnh nào đó. Anh ta đi đến đâu là những làn sóng chuyển động lan ra đến đấy giữa đám thủy thủ ở từng vị trí chiến đấu. Một thủy thủ lắc đầu quầy quậy rồi nắm chặt tay đấm thùm thụp lên nòng súng. Một người khác tháo mũ trận nhìn lên trời. Hành vi của đám thủy thủ có thể là biểu hiện của giận dữ, mà cũng có thể là vui mừng, thất vọng hoặc phấn khích. Hành khách trên tàu vận tải chịu không hiểu nổi cái gì đang diễn ra hay chuyện này sẽ dẫn đến đâu. Giống như khán giả đang xem một vở kịch câm mà họ không được biết trước nội dung (nhưng lại hàm chứa một thông điệp rất quan trọng), họ nín thở, dán mắt vào từng cử động của các thủy thủ, những mong nắm bắt được chút ý nghĩa nào chăng. Cuối cùng, làn sóng nhiễu loạn vừa lan ra giữa đám thủy thủ kia cũng lắng xuống, và theo mệnh lệnh từ đài chỉ huy người ta bắt đầu nhanh chóng lấy đạn ra khỏi khẩu đại bác. Các thủy thủ quay bộ truyền động, dời nòng súng khỏi chiếc tàu vận tải cho đến khi nòng súng lại chĩa thẳng lên trời như trước rồi nút cái mõm đen ngòm đáng sợ của họng súng lại. Những quả đạn lại được cho xuống dưới boong tàu, đoạn các thủy thủ chạy về phía các cửa nắp. Ngược với vẻ uể oải lúc đầu, mọi cử động của họ lúc này đều nhanh chóng và hữu hiệu. Không tán gẫu, không một động tác thừa.
Động cơ tàu ngầm khởi động với một tiếng gầm dứt khoát, và hầu như cùng một lúc còi hiệu hú lên: "Tất cả mọi người xuống dưới boong!". Chiếc tàu ngầm bắt đầu chuyển động về phía trước, loáng sau đã hụp xuống, làm cuộn lên một đám bọt trắng xóa, như thể nó chỉ đủ kiên nhẫn đợi đến khi thủy thủ đã xuống dưới hết và cài chặt cửa nắp lại. Một lớp màng nước biển nuốt gọn boong tàu dài, mảnh từ đầu đến đuôi, khẩu đại bác chìm xuống dưới mặt nước, đài chỉ huy trượt xuống, cắt ngang qua làn nước xanh thẫm, cuối cùng là cái ăng-ten và tiềm vọng kính cũng biến mất như muốn xóa sạch mọi dấu vết chứng tỏ chúng từng có mặt ở đó. Những gợn sóng lan trên mặt đại dương trong chốc lát nhưng chẳng bao lâu đã lắng đi, chỉ còn lại mặt biển phẳng lặng buổi chiều.
Ngay cả khi chiếc tàu ngầm đã lặn sâu xuống nước, cũng chớp nhoáng đến lạ lùng như khi xuất hiện, hành khách vẫn đứng nguyên trên boong tàu như hóa đá, nhìn mãi xuống mặt biển. Thậm chí không ai hắng giọng. Viên thuyền trưởng trấn tĩnh lại, ra lệnh cho hoa tiêu, hoa tiêu truyền lệnh cho phòng máy, cuối cùng, sau một tràng rú rít dài, động cơ cổ lỗ sĩ bắt đầu khởi động như con chó đang ngủ bị chủ đá cho một phát.
Thủy thủ đoàn trên tàu vận tải nín thở, đợi bị tấn công bằng thủy lôi. Có khi người Mỹ họ chỉ thay đổi phương sách thôi, họ quyết định rằng đánh đắm tàu bằng thủy lôi thì nhanh và dễ hơn nhiều so với nã đạn bằng đại bác, tốn thì giờ. Tàu chạy theo hình chữ chi, thuyền trưởng cùng hoa tiêu cầm ống nhòm căng mắt nhìn khắp mặt biển, tìm cái vệt sóng trắng chết người của thủy lôi. Nhưng chẳng có thủy lôi nào. Hai mươi phút sau khi tàu ngầm đã biến mất vào lòng biển, mọi người rốt cuộc mới bắt đầu thở phào nhẹ nhõm thấy mình đã thoát khỏi lời nguyền chết chóc vừa mới treo trên đầu. Đầu tiên họ thấy thật khó tin, nhưng dần dà họ thấy đó là sự thật: họ đã sống sót sau khi cận kề cái chết. Ngay thuyền trưởng cũng không hiểu tại sao người Mỹ lại thôi không tấn công. Điều gì khiến họ đổi ý vậy? (Chỉ sau này người ta mới rõ rằng, chỉ ít giây trước khi cuộc tấn công bắt đầu, tàu ngầm đã nhận được chỉ thị từ ban tham mưu rằng nên tránh đụng độ với đối phương trừ phi bị tấn công trước. Chính phủ Nhật đã gửi điện cho lực lượng Đồng minh rằng họ sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của Tuyên bố Potsdam và đầu hàng vô điều kiện). Giờ mới thoát được nỗi căng thẳng không thể nào chịu nổi, một số hành khách đứng trên boong quỵ xuống ngay tại chỗ mà rên rĩ, song hầu hết không khóc nổi cũng không cười nổi. Suốt mấy giờ - ở một số người thì suốt mấy ngày - họ cứ ở trong một trạng thái hoàn toàn lơ đãng, cái mũi nhọn của cơn ác mộng dài, khủng khiếp cứ thọc mãi không thương tiếc vào phổi họ, tim họ, xương sườn họ, não họ, tử cung họ.
Suốt thời gian đó cô bé Akasaka Nhục đậu khấu ngủ ngon lành trong tay mẹ. Cô ngủ một mạch hai mươi tiếng đồng hồ, như bị ai đó đánh bất tỉnh. Mẹ cô thét gọi cô, vả vào má cô, nhưng vô ích. Cô như đã chìm xuống đáy biển. Khoảng cách giữa hai nhịp thở của cô cứ dài ra, dài ra mãi, nhịp tim cô chậm dần. Hơi thở cô hầu như không nghe thấy được. Nhưng khi tàu đến Sasebo thì cô đột nhiên thức dậy, như có sức mạnh lớn lao nào đó đã lôi tuột cô trở về thế giới này. Thế nên Nhục đậu khấu không tận mắt chứng kiến việc tàu ngầm Mỹ chuẩn bị tấn công rồi lại thôi và biến mất. Cô chỉ nghe mẹ kể lại, mãi rất lâu về sau.
Chiếc tàu hàng ì ạch lê vào cảng Sasebo vào khoảng 10 giờ hơn một chút sáng ngày 16 tháng Tám, một ngày sau vụ tấn công hụt. Trên cảng bao trùm một sự im ắng kỳ lạ, không ai ra đón con tàu. Thậm chí ở trận địa phòng không gần cửa cảng cũng không có một bóng người. Ánh nắng hè câm lặng đốt thiêu mặt đất. Cả thế giới như lâm vào một cơn tê liệt sâu thẳm, vài người trên tàu cảm thấy như mình đã chẳng may lạc vào vương quốc của người chết. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, họ chỉ còn biết lặng nhìn đất nước của tổ tiên. Vào trưa ngày 15 tháng Tám, đài phát thanh loan báo tuyên bố của Thiên hoàng rằng chiến tranh đã kết thúc. Sáu ngày trước đó, thành phố Nagasaki lân cận đã bị thiêu cháy bằng một quả bom nguyên tử. Cái đế quốc ma Mãn Châu quốc đang biến vào quá khứ. Và, vô ý bị lọt vào nhầm ngăn của cánh cửa xoay, viên bác sĩ thú y có vết bầm trên má sẽ cùng chia sẻ số phận với Mãn Châu quốc.
--------------------------------
Tiếng Anh: Tonhua - ND. |