ôi đang làm bữa trưa thì điện thoại reo. Tôi vừa cắt hai lát bánh mì, phết bơ và mù tạc, kẹp mấy lát cà chua và pho mát vào giữa, đặt cả lên thớt và đang sắp sửa dùng dao cắt làm đôi thì chuông điện thoại vang lên.
Tôi để điện thoại reo ba tiếng rồi mới cắt chiếc sandwich làm đôi. Sau đó tôi đặt hai nửa bánh vào đĩa, lau sạch dao, đặt vào ngăn để dao, rồi rót một cốc cà phê vừa mới đun.
Điện thoại vừa reo. Dễ đến mười lăm lần. Tôi chịu thua, đành ra nghe máy. Tôi chẳng thích trả lời, nhưng nhỡ người gọi là Kumiko thì sao.
- Alô, - ở đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ mà tôi chưa hề nghe. Không phải giọng Kumiko, cũng không phải giọng người đàn bà lạ đã gọi tôi hôm nọ khi tôi đang nấu dở món spaghetti. - Chẳng hay có phải tôi đang nói chuyện với ông Toru Okada không ạ? - giọng kia nói, như thể chủ nhân của nó đang đọc thành tiếng một văn bản đã soạn sẵn.
- Đúng rồi, - tôi đáp.
- Ông là chồng của Okada Kumiko phải không ạ?
- Đúng, Okada Kumoko là vợ tôi.
- Và anh trai của bà Okada là Wataya Noburu?
- Lại đúng nữa, - tôi nói, tỏ ra tự chủ đến đáng khâm phục. - Wataya Noburu là anh trai của vợ tôi.
- Thưa ông, tôi tên là Kano.
Tôi đợi cô ta nói tiếp. Việc cô ta bất ngờ nhắc tới anh trai của Kumiko khiến tôi phải cảnh giác. Tôi lấy cái đầu cùn của cây bút chì đặt cạnh điện thoại mà gãi sau cổ. Năm giây hay hơn thế trôi qua, người đàn bà im lặng. Hoàn toàn không có âm thanh gì phát ra từ ống nghe, như thể người đàn bà kia đã lấy khăn tay bịt ống nói để nói chuyện với người bên cạnh.
- Alô, - tôi nói, giờ đã hơi bồn chồn
- Xin ông thứ lỗi, - giọng nói lại bật lên. - Trong trường hợp đó tôi xin phép được gọi lại ông sau.
- Này, đợi đã, - tôi nói. - Đây là...
Ngay khi đó cô ta gác máy. Tôi nhìn cái ống nghe, rồi lại áp vào tai. Chẳng nghi ngờ gì nữa: người đàn bà đã gác máy.
Cảm thấy bất mãn một cách mơ hồ, tôi trở lại bàn bếp uống cà phê, ăn bánh sandwich. Trước khi điện thoại reo tôi đang nghĩ về chuyện gì đó, nhưng giờ thì chịu không nhớ nỗi là chuyện gì. Ban nãy khi cầm dao sắp sửa cắt bánh làm đôi, nhất định là tôi đang nghĩ về một điều gì đó. Một điều rất quan trọng. Một điều mà đã bao lâu nay tôi cố nhớ nhưng hoài công. Nó đã nảy ra trong đầu tôi đúng vào khoảnh khắc tôi sắp cắt bánh làm đôi, nhưng giờ nó đã lại biến mất. Tôi vừa nhai sandwich vừa ra sức khơi lại điều đó, nhưng vô ích. Nó đã quay về vùng âm u trong ký ức tôi, nơi nó vẫn hằng nằm yên cho đến khoảnh khắc đó.
Một lần nữa tôi lại nghe giọng nữ nói "Alô", nhưng lần này là Kumiko.
- Anh sao rồi?, - nàng hỏi. - Ăn trưa chưa?
- Rồi. Em thì ăn gì?
- Chẳng ăn gì cả, - nàng đáp. - Bận túi bụi. Chắc em sẽ mua sandwich sau vậy. Anh ăn gì?
Tôi mô tả cái sandwich của mình.
- Hiểu rồi, - nàng nói, không một chút ghen tị. - À, tiện thể, có chuyện này suýt nữa em quên bảo anh sáng nay. Hôm nay sẽ có một cô Kano nào đó gọi điện cho anh.
- Cô ta gọi rồi, - tôi nói. - Vừa gọi xong. Cô ta chỉ toàn kể tên nhà mình - tên anh, tên em, tên ông anh trai em. Chẳng nói cô ta muốn gì. Thế là thế nào vậy?
- Cô ta gác máy à?
- Bảo là sẽ gọi lại.
- Nghe này! Khi nào cô ta gọi lại, em muốn anh làm tất cả những gì cô ta bảo. Điều này thật sự quan trọng đấy. Em nghĩ là anh sẽ phải đi gặp cô ta.
- Khi nào? Hôm nay à?
- Thì đã sao? Anh đã có kế hoạch làm gì đó à? Anh sắp phải gặp ai sao?
- Không. Chẳng có kế họach nào hết. - Hôm qua không, hôm nay không, ngày mai không; hoàn toàn không có kế hoạch gì. - Nhưng cái nhà cô Kano này là ai? Cô ta muốn gì ở anh chứ? Anh muốn biết đôi điều trước khi cô ta gọi lại. Nhưng nếu đây là chuyện việc làm của anh mà lại dính dáng tới ông anh của em thì quên đi. Anh không muốn dây và anh ta. Em biết mà.
- Không, ở đây chẳng liên quan gì đến việc làm cả, - nàng nói, thoáng chút bực bội. - Là về con mèo.
- Con mèo?
- Xin lỗi, em phải chạy đi đây. Có người đang đợi em. Lẽ ra em không nên gọi điện cho anh vào giờ này. Em đã nói mà: thậm chí chẳng có lúc nào mà ăn nữa. Khi nào rỗi em sẽ gọi lại ngay cho anh.
- Khoan đã nào, anh biết em rất bận, nhưng em phải giải thích một chút chứ, đừng làm anh rối tung lên chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Mèo là thế nào? Cái cô Kano này là...
- Cô ta bảo anh làm gì thì anh cứ làm, nhé? Hiểu không nào? Chuyện này hệ trọng đấy. Anh cứ ở nhà đợi cô ta gọi. Thôi em đi đây.
Nàng gác máy.
- Alô? - tôi nói.
- Alô, - một giọng nữ nói. Đó là người đã gọi lúc sáng. - Ông Okada Toru phải không ạ?
- Vâng, tôi đây, Okada Toru.
- Thưa ông, tên tôi là Kano, - cô ta nói.
- Cô vừa mới gọi đây phải không?
- Vâng. Tôi e rằng mình đã quá ư thất lễ. Nhưng thưa ông Okada, xin ông cho biết liệu chiều nay ông có rãnh không?
- Chắc là rảnh.
- Nếu vậy, tôi biết thế này quả thật là đường đột, nhưng liệu chúng ta có thể gặp nhau không?
- Khi nào? Hôm nay? Ngay bây giờ sao?
- Vâng.
Tôi nhìn đồng hồ. Thực ra thì chẳng cần nhìn - cách đây nửa phút tôi vừa nhìn đồng hồ xong - mà chỉ để cho chắc. Vẫn đang 2 giờ rưỡi.
- Có lâu không?
- Chắc không lâu lắm đâu. Tuy nhiên tôi có thể lầm. Ngay lúc này tôi không thể nói hoàn toàn chính xác được. Xin ông thứ lỗi cho.
Dù là thế nào đi nữa, tôi cũng không có cách nào khác. Kumiko đã bảo tôi phải làm theo lời người đàn bà này, bởi chuyện rất hệ trọng. Một khi nàng đã nói là hệ trọng thì đúng là hệ trọng, và tốt nhất là tôi nên làm theo.
- Tôi hiểu, - tôi đáp. - Ta nên gặp nhau ở đâu?
- Chẳng hay ông có biết khách sạn Pacific bên cạnh ga Shinagawa không?
- Có.
- Có một tiệm cà phê ở tầng một. Tôi sẽ đợi ông ở đó lúc 4 giờ. Thế có tiện cho ông không ạ?
- Được, - tôi nói.
- Tôi ba mươi mốt tuổi, tôi sẽ đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ.
Thật lạ lùng. Có cái gì đó kì quặc trong cách nói năng của người đàn bà này, nó khiến tôi bối rối một lát. Nhưng tôi không thể lý giải có gì khác thường trong lời lẽ của cô ta. Cũng chẳng có luật nào cấm phụ nữ ba mươi mốt tuổi đội nón vinyl màu đỏ cả.
- Tôi hiểu, tôi sẽ nhận ra cô.
- Thưa ông Okada, ông có thể vui lòng cho tôi biết ông có những nét bề ngoài nào nổi bật dễ nhận diện không?
Tôi cố nghĩ xem mình có thể có những "nét bề ngoài nổi bật" nào. Mình có không nhỉ?
- Tôi ba mươi tuổi. Tôi cao 1,72 mét, nặng 63 cân, tóc cắt ngắn, không đeo kính. - Trong khi liệt kê mấy nét trên, tôi nhận ra rằng vị tất đó là những đặc điểm bề ngoài dễ nhận diện. Có thể có tới năm chục người đàn ông như vậy trong quán cà phê ở khách sạn Pacific. Tôi từng tới đó rồi, quán cà phê rộng mênh mông. Phải là nét gì nổi bật hơn thì cô ta mới nhận ra được. Nhưng tôi chẳng nghĩ được gì cả. Nói thế không có nghĩa là tôi chả có nét gì nổi bật. Tôi có một bản Sketchy of Spain của Mils Davis có chữ ký của tác giả. Tôi có nhịp tim rất chậm: bình thường bốn mươi bảy, khi nào lên cơn sốt cũng không quá bảy mươi. Tôi vừa thất nghiệp. Tôi thuộc tên tất thảy các anh em nhà Karamazov. Nhưng chẳng có nét nào trong số đó là nét bên ngoài cả.
- Ông sẽ ăn mặc thế nào? - cô ta hỏi.
- Tôi không biết. Tôi chưa quyết định. Chuyện này đột ngột quá.
- Thế thì xin ông hãy mang cà vạt chấm hạt đỗ, - cô ta nói với vẻ quyết đoán. - Liệu ông có chiếc cà vạt chấm hạt đỗ nào không?
- Chắc là có, - tôi nói. Tôi có một cái cà vạt xanh kiểu lính thuỷ có những hạt đỗ li ti màu kem. Đó là quà sinh nhật của Kumiko tặng tôi vài năm trước.
- Vậy xin ông hãy mang cái cà vạt ấy, - cô ta nói. - cám ơn ông đã đồng ý gặp tôi lúc 4 giờ. - Rồi cô ta gác máy.
Tì tay lên cửa tủ, tôi cố nhớ lại lần cuối cùng mình đeo cái cà vạt là khi nào. Nó là một cái cà vạt khá sành điệu, rất có gu, chỉ có điều mang đi làm thì hơi điệu quá. Nếu tôi mang nó tới cơ quan thì ắt hẳn trong bữa ăn trưa sẽ có người lại gần trầm trồ nào màu sắc tuyệt đẹp, nào hình dáng tinh tế. Mà đấy chính là một kiểu cảnh cáo. Ở công ty tôi làm trước đây, được khen về cà vạt mình đeo thì chẳng hay ho gì. Vì vậy tôi chẳng bao giờ đeo cái cà vạt chấm hạt đỗ đi làm cả. Tôi chỉ đeo nó trong những dịp riêng tư và tương đối trang trọng, chẳng hạn nghe hòa nhạc hoặc ăn tối trong một nhà hàng có hạng, nghĩa là những hôm nào Kumiko bảo "Hôm nay em muốn vợ chồng mình ăn mặc lịch sự" (thật ra những dịp như thế không có nhiều). Cái cà vạt ấy đi với chiếc áo sơ mi màu xanh thẫm của tôi rất hợp, và Kumiko rất thích. Thế nhưng tôi vẫn không nhớ nổi lần cuối mình đeo nó là khi nào.
Tôi kiểm lại lần nữa tất cả mọi thứ trong tủ quần áo rồi chịu thua. Vì lý do nào đó, cái cà vạt chấm hạt đỗ đã không cánh mà bay. Thôi vậy. Đành phải mặc bộ comple xanh thẫm, sơ mi trắng, đeo cà vạt kẻ sọc. Chẳng sao cả. Cô ta có thể không nhận ra tôi, nhưng tôi thì chỉ cần tìm người đàn bà nào trạc ba mươi tuổi đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ.
Vận quần áo đâu đấy xong, tôi ngồi lên ghế sofa nhìn chăm chăm vào tường. Lần cuối tôi vận bộ comple đã lâu lắm rồi. Bình thường ra, mùa này mà mặc bộ comple xanh thẫm này có thể là quá nặng, nhưng hôm ấy trời lất phất mưa, lại còn se lạnh nữa. Đó chính là bộ comple tôi đã mặc vào hôm cuối cùng đi làm (dạo tháng Tư). Chợt tôi nhận ra có cái gì đó ở một trong các túi. Trong túi ngực tôi tìm thấy một cái biên lai đề ngày từ mùa thu trước. Nó là một cái biên lai taxi, loại mà trước kia tôi hay mang về cơ quan làm thủ tục thanh toán lại. Giờ thì muộn quá rồi. Tôi vò mảnh biên lai vứt vào sọt rác.
Từ lúc thôi việc cách đây hai tháng, tôi chưa lần nào mặc lại bộ com lê này. Giờ đây, sau ngần ấy thời gian mới mặc lại, tôi cảm như thân thể mình biến thành một chất liệu khác. Nó nặng trịch, thô cứng, dường như không khớp với đường viền thân thể tôi. Tôi đứng dậy đi tới đi lui trong phòng, đứng lại trước gương, kéo thẳng tay áo và vạt áo để bộ com-lê ôm khít người hơn. Tôi duỗi thẳng hai tay, hít mộ hơi dài rồi gập người xuống ngang thắt lưng đặng kiểm tra xem dáng người tôi có thay đổi không trong hai tháng vừa qua. Tôi lại ngồi xuống sofa, nhưng vẫn thấy bứt rứt bất an như trước.
Mãi đến mùa xuân vừa rồi, ngày nào tôi cũng mặc com-lê đi làm mà không hề cảm thấy nó là cái gì lạ lẫm. Công ty tôi có quy định tương đối khắt khe về chuyện ăn mặc, họ yêu cầu ngay cả những nhân viên hạng tép riu như tôi cũng phải mặc com-lê. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì về điều đó cả.
Tuy nhiên, lúc này đây, mặc bộ com lê mà ngồi trên sofa, tôi có cảm giác mình đang thực hiện một hành vi vô đạo, kiểu như làm sơ yếu lý lịch giả hay cải trang thành phụ nữ. Có cái gì đó rất gần với mặc cảm có tội tràn ngập trong lòng khiến tôi càng lúc càng khó thở.
Tôi bước ra phòng ngoài, lấy đôi giày màu nâu ra khỏi giá, dùng cái bót đi giày để xỏ chân vào. Bề mặt đôi giày phủ một lớp bụi mỏng.
Cô ta mặc áo khoác trắng, áo blouse lụa màu vàng, đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ. Theo phản xạ, tôi đứng dậy đối diện với cô ta. Hiển nhiên có thể gọi cô ta là "đẹp". Ít nhất là đẹp hơn nhiều so với tôi hình dung khi nghe giọng qua điện thoại. Thân hình cân đối, thon thả, trang điểm chừng mực. Cô ta biết cách ăn mặc. Áo khoác và áo blouse cắt may tuyệt khéo. Trên cổ áo khoác lấp lánh một cái ghim bằng vàng hình lông chim. Nhìn bên ngoài có thể cho cô ta là thư ký của một công ty tầm cỡ nào đó. Duy có chiếc mũ đỏ là không hợp tí nào. Chẳng hiểu tại sao, sau khi bỏ công chăm chút ngần ấy cho quần áo cô ta lại đội lên đầu cái mũ bằng vải vinyl màu đỏ không đâu vào đâu kia. Chắc hẳn cô ta làm thế để người ta dễ nhận ta cô trong những tình huống như thế này. Nếu quả vậy thì ý đó thật không tồi. Giữa đám đông người, cô ta nổi bật lên ngay.
Cô ta ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi, tôi thì ngồi xuống ghế của mình.
- Lạ nhỉ, làm sao cô biết là tôi, - tôi nói. - Tôi không tìm ra cái cà vạt chấm hạt đỗ. Tôi biết chắc nó ở đâu đó thôi, nhưng không cách nào tìm ra. Nên tôi đành phải đeo cà vạt kẻ sọc. Tôi cứ nghĩ mình sẽ phải tìm cô, nhưng làm cách nào cô lại nhận ra tôi thế?
- Dĩ nhiên là tôi biết ông, - cô ta vừa nói vừa đặt chiếc xách tay màu trắng lên bàn. Cô ta giở chiếc mũ màu đỏ ra, đậy kín lên chiếc xách tay. Tôi có cảm tưởng cô ta sắp biểu diễn một trò ảo thuật: khi cô ta nhấc mũ lên, chiếc xách tay đã biến mất.
- Nhưng tôi đeo cà vạt khác mà, - tôi độp lại.
- Cà vạt khác nào nhỉ? - Cô ta liếc nhìn cái cà vạt của tôi với vẻ băn khoăn, như thể muốn nói: Cái gã dở người này đang nói chuyện gì ấy nhỉ? Rồi cô ta gật đầu: - Chuyện ấy không quan trọng, xin ông chớ bận tâm.
Đôi mắt cô ta có cái gì đó thật lạ. Chúng thiếu chiều sâu một cách bí hiểm. Đôi mắy ấy đẹp thì đẹp thật, nhưng dường như chúng chẳng nhìn bất cứ cái gì. Chúng phẳng lì, như thể làm bằng thủy tinh. Song, dĩ nhiên đó không phải là cặp mắt thủy tinh. Chúng chuyển động, chớp chớp mi mắt, như mọi cặp mắt bình thường.
Làm sao cô ta nhận ra tôi trong đám đông ngồi chật cứng quán cà phê này? Thật không hiểu nổi. Hầu như ghế nào cũng có người, trong số đó có nhiều người trạc tuổi tôi. Tôi muốn yêu cầu cô ta giải thích, nhưng kìm mình lại. Tránh khơi lên những chuyện ngoài lề thì tốt hơn.
Cô ta vẫy tay một hầu bàn đi ngang qua, gọi một suất Perrier. Anh ta bảo nhà hàng không có Perrier, nhưng có thể thay bằng nước tonic. Cô ta suy nghĩ một chút rồi đồng ý. Trong khi đợi nhà hàng mang nước tonic ra, cô ta im lặng, tôi cũng vậy.
Đến một lúc, cô ta nhấc cái mũ đỏ lên, mở khuy móc cài chiếc xách tay nằm bên dưới, rút từ trong đó ra một hộp da đen bóng nhỏ hơn chiếc băng cát sét đôi chút. Đó là một chiếc hộp con đựng danh thiếp. Cũng như chiếc xách tay, nó được cài bằng khuy móc - lần đầu tiên tôi thấy một hộp đựng danh thiếp cài khuy móc như vậy. Cô ta rút trong hộp ra một tấm danh thiếp trao cho tôi. Tôi bèn đút tay vào túi ngực tìm danh thiếp của mình thì mới nhận ra rằng trong người chẳng có tấm nào.
Danh thiếp của cô ta làm bằng nhựa mỏng, hình như thoảng mùi trầm hương. Khi đưa nó lại gần mũi, mùi hương đó càng rõ rệt. Không nghi ngờ gì nữa: chính là trầm hương. Danh thiếp mang vỏn vẹn một dòng chữ cái màu đen:
Kano Malta
Malta? Tôi lật xem mặt bên kia. Nhưng ở đó chẳng có gì.
Trong khi tôi ngẫm nghĩ về ý nghĩa của tấm danh thiếp, tay hầu bàn đến đặt trước mặt cô ta một chiếc cốc đầy nước đá rồi rót nước tonic đến lưng chừng cốc. Trên vành cốc có găm một mẩu chanh. Rồi một cô hầu bàn đến, tay bưng khay đựng một ấm cà phê màu bạc. Cô ta đặt một chiếc tách trước mặt tôi rồi rót cà phê vào. Sau đó len lén như kẻ đang dúi những que xăm xúi quẩy vào tay người khác, cô ta để hóa đơn lên bàn rồi bỏ đi.
- Ở đấy chẳng có ghi gì đâu, - Kano Malta bảo tôi.
Tôi vẫn đang nhìn chăm chăm nhìn vào mặt sau của tấm danh thiếp.
- Chỉ có tên tôi mà thôi. Không cần ghi địa chỉ hay số điện thoại. Chẳng ai gọi điện cho tôi cả. Tôi luôn luôn tự gọi cho người khác.
- Tôi hiểu, - tôi nói. Câu trả lời vô nghĩa đó treo lơ lửng trong không trung một hồi như hòn đảo bồng bềnh trên bầu trời trong Gulliver du ký.
Giữ cốc bằng cả hai tay, cô ta uống một ngụm nước qua ống hút. Khuôn mặt thoáng cau lại, cô ta đẩy cốc sang bên, như thể không quan tâm gì đến nó nữa.
- Malta không phải là tên thật của tôi, - Kano Malta nói. - Kano là họ thật, nhưng Malta là biệt danh nghề nghiệp. Theo tên hòn đảo Malta. Ông Okada đã bao giờ đến Malta chưa?
Tôi bảo là chưa. Tôi chưa bao giờ đến Malta, cũng chưa có kế hoạch đến Malta trong tương lai gần. Thậm chí tôi chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ đó. Tất cả những gì tôi biết về Malta là bản nhạc jazz kinh khiếp của Herb Albert có tựa đề Cát Malta.
Tôi gật đầu, nhấp một ngụm cà phê.
- Vâng, nước ở Malta mùi vị thật khó chịu, nhưng một nguồn nước ở đó lại có tác dụng kì diệu lên cấu trúc thân thể của chúng ta. Đó là một thứ nước đặc biệt, thậm chí phải nói là huyền bí, chỉ một nơi duy nhất trên đảo mới có mà thôi. Dòng suối đó ở sâu trong núi, phải trèo mấy tiếng đồng hồ từ một ngôi làng dưới chân núi mới lên tới được. Nước ấy không thể vận chuyển đi nơi khác. Nếu mang đi nơi khác, nó sẽ mất hiệu lực ngay. Cách duy nhất để uống nước ấy là phải tự mình đến tận nơi. Người ta thường nhắc đến thứ nước này trong các văn bản từ thời Thập tự chinh. Người ta gọi nó là nước thần. Allen Ginsberg từng đến uống nước đó. Keith Richard cũng vậy. Tôi đã sống ở đó suốt ba năm trong ngôi làng nhỏ dưới chân núi. Tôi trồng rau và học nghề đan. Ngày nào tôi cũng leo lên dòng suối để uống thứ nước đặc biệt ấy. Từ năm 1976 đến năm 1979. Có lần, suốt một tuần, tôi chỉ uống nước đó mà không ăn một tí gì. Suốt một tuần không được cho cái gì khác vào miệng ngoại trừ thứ nước đó. Đó là một sự huấn luyện mà ai cũng phải làm. Theo tôi có thể gọi đó là một kiểu tu hành. Ta làm thế là để thân ta thanh khiết. Đối với tôi, cảm giác đó thật kỳ diệu. Vì vậy khi trở về Nhật, tôi chọn Malta làm biệt danh nghề nghiệp của mình.
- Xin lỗi, cho tôi hỏi nghề của cô là gì?
Cô ta lắc đầu.
- Nói đúng ra đấy không phải là nghề. Tôi làm không lấy tiền. Tôi là chuyên gia tư vấn. Tôi trò chuyện với mọi người về các thành tố của cơ thể. Tôi cũng nghiên cứu về loại nước có tác dụng tốt đối với các thành tố của cơ thể. Kiếm tiền không phải là chuyện khó đối với tôi. Tôi có tất cả các phương tiện mình cần. Cha tôi là bác sỹ, ông có mua cổ phiếu và bất động sản cho thuê nhắm chu cấp cho tôi và em gái tôi. Tôi có một kế toán lo sổ sách thu chi. Thu nhập hàng năm của tôi khá bộn. Tôi cũng viết vài cuốn sách kiếm được ít tiền. Còn việc tư vấn về các thành tố của cơ thể, tôi làm không vì lợi nhuận. Chính vì vậy, danh thiếp của tôi không có địa chỉ lẫn số điện thoại. Tôi luôn chủ động gọi cho người khác.
Tôi gật đầu, nhưng đó chỉ là cử động thuần tuý vật lý của cái đầu: tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì những điều cô ta nói. Tôi có thể hiểu những từ cô ta nói, nhưng ý nghĩa chung của chúng thì không sao nắm bắt được.
Các thành tố của cơ thể?
Allen Ginsberg?
Càng lúc tôi càng bứt rứt khó chịu. Tôi không phải loại người có trực giác thiên phú, nhưng càng ngồi lâu với người đàn bà này, tôi càng như ngửi thấy mùi những điều phiền toái.
- Xin lỗi cô, - tôi nói, - không biết cô có thể giải thích mọi chuyện từ đầu, từng bước một được chăng? Vừa rồi tôi có nói chuyện với vợ tôi, cô ấy bảo tôi gặp cô để bàn chuyện con mèo đi lạc. Thành thật mà nói, tôi không hiểu nãy giờ cô nói những điều kia với tôi để làm gì. Có liên quan gì đến con mèo không?
- Có chứ. Nhưng trước khi đề cập tới việc đó, có một điều tôi muốn báo cho ông biết, thưa ông Okada.
Cô ta mở khóa xách tay, lấy ra một cái phong bì trắng. Trong phong bì có một bức ảnh, cô đưa cho tôi. "Em gái tôi", cô nói. Đó là một bức ảnh màu chụp hai phụ nữ. Một người là Kano Malta, trong một bức ảnh cô cũng đội mũ, một chiếc mũ đan màu vàng. Một lần nữa cái mũ rõ ràng không hợp với quần áo cô ta mặc. Cô em gái mặc bộ đồ màu lam nhạt, đội một chiếc mũ cùng tông, loại mũ thịnh hành vào thập niên 1960. Tôi nhớ đâu như tông màu này được gọi là tông "màu kem quả". Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: hai chị em đều thích đội mũ. Kiểu tóc của cô em chính là kiểu của Jacqueline Kenedy hồi còn là phu nhân tổng thống, keo xịt tóc bóng nhẫy. Cô ta trang điểm hơi quá tay, tuy nhiên vẫn có thể gọi là đẹp. Cô ta trạc hai mươi lăm tuổi. Tôi đưa trả bức ảnh cho Kano Malta, cô cất ảnh vào phong bì, đút phong bì vào xách, cài khóa móc lại.
- Em gái tôi nhỏ hơn tôi năm tuổi. Nó bị Wataya Noburu phá trinh. Cưỡng hiếp tàn bạo.
Ôi chao! Tôi muốn đứng phắt dậy mà bỏ đi, không nói không rằng, ngay lập tức. Nhưng không thể làm thế được. Tôi rút khăn mùi soa khỏi túi áo com-lê, lau miệng rồi lại đút vào. Rồi tôi hắng giọng.
- Thật kinh khủng, - tôi thốt lên. - Tôi không hề biết chuyện đó. Nếu em gái cô đã bị cưỡng hiếp, tôi xin có lời thông cảm chân thành. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng anh vợ tôi và tôi không có liên quan gì với nhau. Cho nên, nếu vì chuyện đó mà cô muốn...
- Không phải thế, ông Okada ạ, - cô ta tuyên bố với vẻ quả quyết. - Tôi hoàn toàn không bắt ông chịu trách nhiệm đâu. Nếu có một người phải chịu trách nhiệm cho chuyện đã xảy ra thì kẻ đó trước hết phải là tôi. Bởi tôi đã thiếu quan tâm. Bởi tôi đã không bảo vệ được nó mặc dù lẽ ra tôi phải bảo vệ. Thật không may, có một số sự kiện đã khiến tôi không làm được việc đó. Trên đời vẫn có những chuyện như thế, ông Okada ạ. Ông biết đó, chúng ta sống trong một thế giới đầy bạo lực và hỗn loạn. Và trong thế giới này, có những nơi còn bạo lực hơn, còn hỗn loạn hơn thế. Ông Okada có hiểu ý tôi không? Điều gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Em gái tôi sẽ hồi phục khỏi sự tổn thương này, khỏi vết nhơ này. Nó phải hồi phục được. Tạ ơn trời, cũng không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng. Như tôi đã nói với em tôi, lẽ ra còn có thể xảy ra những chuyện còn tồi tệ hơn thế nhiều. Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là các thành tố của cơ thể nó.
- Thành tố của cơ thể, - tôi lặp lại. Cái "thành tố của cơ thể" này hẳn là cái chủ đề trước sau như một của cô ta.
- Tôi không thể giải thích chi tiết cho ông rõ những tình huống này có liên quan với nhau ra sao. Chuyện rất dài và phức tạp, và mặc dù khi nói thế này tôi không có ý coi nhẹ ông, nhưng quả thật là ở giai đoạn này ông sẽ không có khả năng hiểu thấu ý nghĩa đích thực của câu chuyện đó. Dĩ nhiên, ông hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì về chuyện đã xảy ra. Tôi chỉ muốn ông biết rằng các thành tố của cơ thể em gái tôi đã bị ông Wataya làm ô uế, dù chỉ tạm thời. Ông và cô ấy sẽ có liên hệ với nhau bằng cách này hay cách khác trong tương lai. Như tôi đã nói, cô ấy là trợ lý của tôi. Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ tốt nhất là cho ông biết chuyện gì đã xảy ra giữa cô ấy với ông Wataya. Và tôi muốn ông biết rằng những chuyện như thế có thể xảy ra trên đời này.
Một thoáng im lặng. Kano Malta nhìn tôi như muốn nói: Hãy nghĩ kỹ về những gì tôi vừa nói với ông. Và tôi suy nghĩ. Về việc Wataya Noburu đã cưỡng hiếp em gái của Kano Malta. Về mối liên hệ giữa việc đó với các thành tố của cơ thể. Và về mối liên hệ giữa những điều đó với việc con mèo của chúng tôi biến mất.
- Có phải là cô muốn nói, - tôi rụt rè lên tiếng, - rằng cô và em gái cô đều không có ý định làm đơn tố cáo công khai về việc đó... hoặc báo cảnh sát?
- Không, dĩ nhiên chúng tôi không làm thế, - Kano Malta nói, vẻ vô cảm. - Nói đúng ra chúng tôi không buộc ai chịu trách nhiệm về chuyện đó. Chúng tôi chỉ muốn hiểu tận ngọn ngành những nguyên nhân nào khiến một chuyện như vậy xảy ra. Chừng nào chúng tôi chưa giải quyết được vấn đề đó thì có thể sẽ còn xảy ra những điều đáng sợ hơn thế nữa.
Tôi nhẹ người phần nào khi nghe nói vậy. Tôi hoàn toàn không chút động lòng nếu Wataya Noburu bị buộc tội cưỡng dâm và phải đi tù. Hắn ta mà đến nước ấy thì cũng đáng lắm. Nhưng anh trai của Kumiko là kẻ có tiếng tăm. Hắn ta mà bị bắt và phải ra tòa thì chắc chắn báo chí sẽ làm rùm beng lên, và đó sẽ là một cú sốc ghê gớm đối với Kumiko. Tôi không muốn điều đó xảy ra, dù chỉ để tâm trí mình được thanh thản.
- Ông cứ yên tâm, hôm nay tôi xin được gặp ông chỉ là về chuyện con mèo đi lạc thôi, - Kano Malta nói. - Ông Wataya đề nghị tôi cho lời khuyên về việc này. Phu nhân ông, bà Okada, đã nhờ anh trai là ông Wataya tư vấn về việc con mèo đi lạc, và đến lượt mình ông ta lại nhờ tôi tư vấn.
Ra là vậy! Giờ thì tôi đã hiểu. Kano Malta là loại người có thính giác thấu thị hay gì đó tương tự, và những người kia đã nhờ cô ta tìm tung tích con mèo. Gia đình Wataya xưa nay vẫn ưa mấy cái đoán hậu vận, "phong thủy" và những thứ tương tự thế. Vậy cũng chẳng sao: ai muốn tin việc gì cứ tin. Nhưng việc gì hắn phải đi hiếp em gái người cố vấn tinh thần của mình? Dấy lên những chuyện phiền toái không đâu như vậy để làm gì?
- Đó là lĩnh vực chuyên môn của cô phải không? Giúp người ta tìm những vật thất lạc? - tôi hỏi.
Cô ta nhìn tôi chằm chằm bằng cặp mắt không có chiều sâu kia, cặp mắt như đang nhìn vào cửa sổ một căn nhà không người ở. Xét theo biểu hiện của chúng thì cô ta đã không hiểu nghĩa câu hỏi của tôi.
Không trả lời, cô ta nói:
- Ông Okada đang sống ở một nơi rất lạ lùng phải không?
- Tôi ấy à? Lạ lùng theo nghĩa nào?
Thay vì đáp lại, cô ta đẩy chiếc cốc nước tonic nãy giờ hầu như không động tới ra xa thêm chừng mười xăng-ti-mét nữa.
- Ông biết đấy, mèo là loài vật hết sức nhạy cảm.
Im lặng lại trùm lên giữa hai chúng tôi.
- Vậy là chỗ chúng tôi ở rất lạ lùng, và mèo là loài vật nhạy cảm, - tôi nói. - Cứ cho là thế. Nhưng hai vợ chồng với con mèo sống ở đó bao lâu nay. Sao bỗng dưng nó lại quyết định bỏ chúng tôi mà đi? Sao nó không bỏ đi từ trước?
- Điều đó tôi không nói với ông được. Có lẽ vì dòng chảy đã thay đổi. Có lẽ một cái gì đó đã ngăn dòng chảy.
- Dòng chảy...
- Tôi không biết con mèo của vợ chồng ông còn sống hay đã chết, nhưng có một điều chắc chắn: nó không quanh quẩn ở gần nhà ông bà nữa. Ông bà sẽ không bao giờ tìm thấy nó trong khu hàng xóm kia đâu.
Tôi nâng cốc lên nhấp một ngụm cà phê giờ đã hơi nguội. Ngoài cửa sổ, trời đang mưa lâm thâm. Bầu trời trĩu mây đen. Một đoàn người và ô buồn thảm trèo lên trèo xuống chân cầu ở đằng xa.
- Ông cho tôi xem tay nào, - cô ta nói.
Tôi đặt bàn tay phải lên bàn, lòng bàn tay ngửa ra, nghĩ rằng cô ta định xem chỉ tay tôi. Nhưng không, cô ta chìa tay ra, úp lòng bàn tay mình lên lòng bàn tay tôi. Rồi cô ta nhắm mắt lại, không nói không rằng trong tư thế đó, như thể đang lặng lẽ trách móc một người tình không chung thuỷ. Cô hầu bàn đến rót đầy tách của chúng tôi, vờ như không nhận thấy Kano Malta và tôi đang làm gì. Khách ở các bàn bên nhìn trộm chúng tôi. Tôi chỉ cầu mong đừng có người quen nào đang ngồi trong quán lúc này.
- Tôi muốn ông hình dung trong đầu một vật mà ông nhìn thấy trước khi đến đây.
- Chỉ một thôi sao?
- Chỉ một thôi.
Tôi nghĩ tới chiếc váy mino in hoa mà tôi đã thấy trong hộp đựng quần áo của Kumiko. Tôi không hiểu sao chính cái ấy chứ không phải gì khác nảy ra trong đầu tôi lúc đó.
Chúng tôi úp lòng bàn tay vào nhau như thế thêm năm phút nữa - năm phút dường như quá dài đối với tôi, không chỉ vì tôi bị người ta nhìn ngó mà còn bởi sự đụng chạm của lòng bàn tay Kano Malta có cái gì đó khiến tôi ngay ngáy, bất an. Bàn tay cô ta bé nhỏ, không nóng cũng chẳng lạnh. Không phải cái đụng chạm thân ái của bàn tay người yêu, cũng không phải cái đụng chạm nghề nghiệp của bàn tay bác sỹ. Bàn tay cũng có tác động đến tôi như cặp mắt của cô ta, nó biến tôi thành căn nhà không có người ở. Tôi cảm thấy mình trống rỗng: không bàn ghế, không rèm, không khảm. Chỉ là một cái vỏ chứa rỗng không. Cuối cùng Kano Malta rút tay lại, hít thở sâu mấy hơi liền. Rồi cô gật gật đầu.
- Thưa ông Okada, tôi tin rằng đời ông đang bước vào giai đoạn trong đó nhiều sự kiện sẽ xảy ra. Việc con mèo của vợ chồng ông biến mất chỉ là sự khởi đầu mà thôi.
- Nhiều sự kiện... Tốt hay xấu?
Cô ta nghiêng đầu suy nghĩ.
- Cả tốt lẫn xấu. Xấu song ban đầu ngỡ như tốt, và tốt song ban đầu tưởng là xấu.
- Nói vậy thì trừu tượng quá, - tôi nói. - Cô có thể nói cụ thể hơn không?
- Vâng, hẳn những gì tôi đang nói nghe có vẻ chung chung. Nhưng ông Okada ạ, khi nói về yếu tính của sự vật, thường ta chỉ có thể nói một cách chung chung như thế. Những gì cụ thể thì dễ khiến ta chú ý, nhưng đa phần chúng chỉ là những hiện tượng tầm thường, vặt vãnh. Ta càng thử nhìn sự vật từ một khoảng cách thì chúng càng có tính chung chung, khái quát hơn.
Tôi lặng lẽ gật đầu, tuy hoàn toàn không hiểu cô ta đang nói cái gì.
- Tôi có được phép gọi điện cho ông lần nữa không? - cô ta hỏi.
- Dĩ nhiên, - tôi nói, mặc dù thực ra tôi không muốn bất kỳ ai gọi cho tôi cả. "Dĩ nhiên" có lẽ là câu trả lời duy nhất tôi có thể thốt ra lúc này.
Kano Malta giật chiếc mũ đỏ trên bàn, túm lấy chiếc xách tay nãy giờ giấu dưới mũ rồi đứng dậy. Không biết phải phản ứng thế nào, tôi cứ ngồi nguyên tại chỗ.
- Tôi có thể cho ông biết một thông tin nho nhỏ, - đội mũ xong, Kano malta nhìn xuống tôi mà nói. - Ông sẽ tìm thấy chiếc cà vạt chấm hạt đỗ, nhưng không phải trong nhà ông.