Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Chương 13

Docsach24.com

ôi bị đánh thức bởi tiếng lách cách kim khí khi người ta mở khóa an toàn súng. Không một người lính tác chiến nào có thể bỏ qua cái âm thanh đó dù đang ngủ say đi nữa. Nó là một âm thanh... nói sao nhỉ, một âm thanh đặc biệt, lạnh lẽo và nặng nề như bản thân cái chết. Hầu như theo bản năng, tôi thò tay tìm khẩu Browning để cạnh gối, thì ngay khi đó một chiếc giày đạp vào thái dương tôi làm tôi tối tăm mặt mũi mất một lát. Cố kìm nhịp thở lại, tôi hé mở mắt thì thấy gã đàn ông chắc hẳn vừa đá tôi. Hắn đang quỳ xuống nhặt khẩu Browning của tôi lên. Tôi chầm chậm nhấc đầu lên thì kìa, đầu ruồi của hai khẩu súng trường đang chĩa ngay vào mặt tôi. Đằng sau mũi súng là hai tên lính Mông Cổ.

Vừa ban nãy tôi ngủ trong lều, nhưng lúc này lều đã biến mất, trên đầu là bầu trời chi chít sao. Một tên lính Mông Cổ khác đang chĩa súng máy vào đầu Yamamoto nằm cạnh tôi. Y nằm im như để giữ sức vì biết kháng cự là vô ích. Toàn bộ đám lính Mông Cổ mặc áo khoác dài và đội mũ sắt chiến đấu. Hai người cầm đèn pin cỡ lớn rọi vào Yamamoto và tôi. Thoạt tiên tôi không hiểu nổi chuyện gì vừa xảy ra, hẳn vì tôi ngủ quá sâu và bị cú sốc quá lớn. Nhưng nhìn đám lính Mông Cổ và bộ mặt của Yamamoto thì rốt cuộc tôi hiểu: không nghi ngờ gì nữa, lều của chúng tôi đã bị phát hiện trước khi chúng tôi kịp băng qua sông.

Sau đó tôi chợt tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với Honda và Hamano. Tôi ngoái đầu thật chậm rãi để quan sát xung quanh. Nhưng ngoài ra không thấy ai nữa. Hoặc quân Mông Cổ đã giết họ rồi, hoặc họ đã trốn thoát được.

Đây hẳn là đám lính tuần mà chúng tôi đã thấy lúc trước ở chỗ vượt sông. Họ quân số ít, trang bị súng máy hạng nhẹ và súng trường. Chỉ huy bọn họ là một tay hạ sĩ quan dáng gân guốc, người duy nhất mang giày nhà binh đúng nghĩa là giày. Đó chính là kẻ đã đá tôi. Hắn cúi xuống nhặt chiếc vali da mà Yamamoto đặt bên cạnh đầu. Hắn mở vali ra dòm vào bên trong, rồi lật úp xuống mà lắc lắc. Vài điếu thuốc lá rơi xuống đất, ngoài ra chẳng còn gì nữa. Tôi không thể tin được. Chính mắt tôi đã thấy Yamamoto đút tài liệu vào trong vali. Hắn đã lấy tài liệu từ trong túi yên ngựa, cho vào trong vali rồi để vali bên cạnh gối. Yamamoto cố giữ vẻ bình thản, nhưng tôi vẫn thấy y đổi sắc mặt trong một khoảnh khắc. Song dù tài liệu biến mất vì lý do nào đi nữa thì Yamamoto cũng chỉ mong có thế. Như y đã nói với tôi, ưu tiên số một của chúng tôi là phải đảm bảo rằng tài liệu đó không bao giờ được rơi vào tay kẻ thù.

Đám lính trút hết đồ đạc của chúng tôi xuống đất rồi kiểm tra kỹ lưỡng từng cái một nhưng chẳng tìm thấy gì quan trọng. Sau đó họ lột hết quần áo của chúng tôi mà lục lọi các túi. Họ lấy lưỡi lê chọc thủng quần áo và balô nhưng không ai thấy tài liệu gì. Họ thu hết thuốc lá, bút, ví, sổ tay, đồng hồ của chúng tôi mà nhét vào túi. Rồi họ lần lượt đi thử giày của chúng tôi, ai vừa chân là lấy. Đám lính cãi nhau càng lúc càng găng về chuyện ai được cái gì, nhưng viên hạ sĩ quan tỏ ra thờ ơ. Tôi đồ rằng tước sạch đồ dùng cá nhân của tù binh và lính địch chết là việc bình thường ở Mông Cổ. Viên hạ sĩ quan chỉ lấy đồng hồ của Yamamoto, những thứ khác thì mặc cho đám lính dành nhau. Những trang bị còn lại của chúng tôi - súng lục, đạn dược, đồng hồ, la bàn, ống nhòm - thì họ cho vào một cái bao lớn, hẳn là để gửi về tổng hành dinh ở Ulan Bator.

Sau đó họ trói hai chúng tôi - trần truồng - bằng thứ dây thừng mỏng, chắc. Khi lại gần, đám lính Mông Cổ có mùi như một cái chuồng gia súc đã lâu không được cọ rửa. Quân phục của họ bẩn thỉu, bê bết bùn đất, bụi bặm và vết bẩn thức ăn đến nỗi không thể nào biết màu nguyên thủy là gì. Giày của họ thủng lỗ chỗ như chỉ chực bục ra khỏi chân. Chẳng lạ là họ thèm giày của chúng tôi. Khuôn mặt họ hầu như dã man, đầu bù tóc rối, răng đen đúa. Họ giống đám cướp đường chuyên cưỡi ngựa hay phường lục lâm thảo khấu hơn là lính tráng, song những vũ khí do Liên Xô sản xuất và quân hàm hình ngôi sao cho thấy họ là một đơn vị quân chính quy của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Theo tôi, tính kỷ luật và tinh thần chiến đấu của đám lính này dĩ nhiên là không cao lắm. Người Mông Cổ vốn là những chiến binh gan lì, chịu đựng giỏi, nhưng họ không thích hợp lắm với chiến tranh hiện đại.

Đêm lạnh thấu xương. Nhìn những đám mây trắng từ hơi thở của đám lính Mông Cổ đều đều hiện ra rồi tan biến vào bóng tối, tôi ngỡ như vì một sai lầm kỳ lạ nào đó mà tôi đã bị ném vào cơn ác mộng của một kẻ nào khác. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra đây là có thực. Đây quả thực là một cơn ác mộng, nhưng chỉ về sau tôi mới hiểu ra, đây chỉ là phần đầu của một cơn ác mộng khủng khiếp.

Chỉ một lát sau, một trong các tên lính Mông Cổ từ trong bóng tối nhô ra, kéo lê đằng sau một vật gì nặng. Miệng cười toe toét, hắn ném phịch cái vật đó xuống đất bên cạnh chúng tôi. Đó là xác của Hamano. Hai bàn chân cái xác phơi trần ra, ai đó đã lột giày của viên trung sĩ rồi. Đám lính liền xoay ra lột quần áo anh ta mà lục lọi hết các túi. Những bàn tay thò ra giật lấy đồng hồ, ví và thuốc lá của Hamano. Họ chia nhau chỗ thuốc lá rồi vừa hút vừa kiểm tra các ví. Chỉ có ít giấy bạc Mãn Châu quốc và bức ảnh một phụ nữ. Có lẽ là mẹ của Hamano. Viên hạ sĩ quan nói gì đó rồi quơ lấy số tiền. Bức ảnh bị ném xuống đất.

Một trong các tay lính Mông Cổ hẳn đã rón rén đến sau lưng Hamano rồi cắt họng anh ta trong lúc anh đang đứng gác. Họ đã làm với chúng tôi chính cái việc mà chúng tôi định làm với họ. Máu đỏ tươi vẫn đang túa ra từ vết thương há hoác của cái xác, nhưng so với một vết thương lớn như vậy thì máu không nhiều lắm, hẳn là từ nãy đến giờ hầu hết máu đã chảy ra ngoài. Một trong các tên lính rút một con dao ra khỏi vỏ giắt nơi thắt lưng, mũi dao cong dài khoảng mười lăm phân. Hắn khua dao ngay trước mặt tôi. Con dao hình thù kỳ quặc như vậy tôi chưa thấy bao giờ. Hình như nó được làm ra nhằm mục đích đặc biệt nào đó. Tên lính cầm con dao làm động tác cắt cổ họng rồi huýt sáo qua kẽ răng. Vài tên lính khác cười rộ. Có vẻ đây không phải trang bị chung của quân đội mà là vật sở hữu riêng của tên lính. Mỗi tên lính đều có một lưỡi lê giắt ngang hông, duy chỉ tên này giắt con dao cong và có lẽ hắn đã dùng chính con dao này để cắt họng Hamano. Sau khi xoay xoay lưỡi dao mấy vòng một cách thiện nghệ, hắn đút dao vào vỏ.

Không nói một lời, chỉ cử động cặp mắt, Yamamoto liếc về phía tôi. Cái liếc chỉ kéo dài một khoảnh khắc, nhưng tôi hiểu ngay y mốn nói gì: Anh có nghĩ là hạ sĩ Honda đã thoát được không? Dù hết sức bối rối và sợ hãi, tôi cũng đã nghĩ như vậy: hạ sĩ Honda đâu? Nếu Honda đã thoát được trong cuộc tấn công chớp nhoáng này của toán quân Mông Cổ thì có thể vẫn còn chút cơ hội cho chúng tôi, dù là mong manh. Nhưng một mình Honda liệu có thể làm gì được? Nghĩ vậy là lại thấy nản lòng, nhưng dẫu sao một tí cơ hội thì vẫn hơn hoàn toàn không có cơ hội nào.

Chúng tôi bị trói nằm đó trên cát cho đến sáng. Hai tên lính được cắt đặt để canh chừng chúng tôi, một tên mang súng máy, tên kia ôm súng trường. Đám còn lại ngồi cách một quãng, hút thuốc, cười nói, ra chiều hả hê vì đã bắt được chúng tôi. Yamamoto và tôi không ai nói một lời. Dù đang giữa tháng Năm, nhiệt độ lúc về sáng ở vùng này tút xuống dưới mức đóng băng. Tôi cứ sợ chúng tôi nằm đó trần truồng thì sẽ chết cóng mất. Nhưng cái lạnh chẳng là gì so với nỗi khiếp sợ ở trong tôi. Số phận chúng tôi rồi sẽ ra sao? Đám người này chỉ là một đơn vị tuần tiễu, hẳn là họ không có quyền quyết định sẽ làm gì với chúng tôi. Họ sẽ phải đợi lệnh. Nghĩa là có lẽ chúng tôi sẽ không bị giết ngay lập tức. Tuy nhiên, sau đó thì thế nào? Chịu không biết được. Yamamoto là gián điệp thì đã quá rõ, còn tôi bị bắt cùng với y nên hiển nhiên sẽ bị coi là tòng phạm. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ không dễ dàng thoát khỏi vụ này đâu.

Mặt trời vừa mọc ít lâu thì từ xa trên bầu trời có một âm thanh như tiếng vù vù của động cơ trực thăng. Cuối cùng, thân máy bay màu bạc hiện ra trong tầm nhìn của tôi. Đó là một chiếc máy bay do thám của Liên Xô, trên thân có huy hiệu của Ngoại Mông. Chiếc máy bay lượn trên đầu chúng tôi mấy vòng. Đám lính vẫy tay, chiếc máy bay chao cánh để đáp lại. Sau đó nó đỗ xuống một khoảng đất trống gần đó làm bụi bay lên mù mịt. Ở đây đất cứng lại không có nhà cửa gì nên có thể cất hạ cánh tương đối dễ dàng không cần đường băng. Nếu tôi không lầm, họ đã nhiều lần dùng chính địa điểm này làm bãi đáp máy bay. Một người trong đám lính lên ngựa phi nước kiệu về phía chiếc máy bay, theo sau là hai con ngựa thắng yên sẵn.

Khi quay lại, hai con ngựa đó mang trên lưng hai người hẳn là sĩ quan cao cấp. Một là người Nga, kẻ kia là người Mông Cổ. Tôi đồ rằng đám lính tuần đã liên lạc bằng radio với tổng hành dinh về việc bắt được chúng tôi, và hai viên sĩ quan này đã từ Ulan Bator bay đến để hỏi cung chúng tôi. Nhất định họ là sĩ quan tình báo. Tôi nghe nói chính GPU 1 đứng đằng sau vụ bắt bớ quy mô lớn và thanh trừng các phần tử chống chính phủ hồi năm ngoái.

Cả hai viên sĩ quan mặc đồng phục mới tinh tươm. Râu ria nhẵn nhụi. Tay người Nga mặc áo khoác dày có thắt lưng. Đôi ủng của y bóng lộn không có một hạt bụi. Y gầy gò, không cao lắm so với người Nga, trạc từ ba mươi đến ba mươi lăm tuổi. Trán rộng, mũi hẹp, nước da hồng tai tái, mang kính gọng kim loại. Nhìn chung, đây là một khuôn mặt không gây ấn tượng gì đặc biệt. Đứng cạnh y, viên sĩ quan người Mông Cổ lùn tịt, đậm chắc, đen đúa trông cứ như con gấu con.

Gã Mông Cổ gọi viên hạ sĩ quan ra một bên, ba người bàn bạc một hồi. Tôi đoán rằng các viên sĩ quan đang yêu cầu báo cáo chi tiết. Viên hạ sĩ quan đưa cho những người kia cái túi to những vật đã tịch thu của chúng tôi. Gã người Nga xem xét từng món một rất cẩn thận rồi lại cho tất cả vào túi. Y nói gì đó với gã Mông Cổ, gã này lại nói điều gì đó với viên hạ sĩ quan. Rồi gã người Nga lấy trong túi áo ngực ra một gói thuốc lá, mở ra mời hai người kia. Cả ba vừa hút thuốc vừa tiếp tục trò chuyện. Trong khi nói, mấy lần tay người Nga đấm nắm tay phải vào lòng bàn tay trái. Y có vẻ giận dữ. Viên sĩ quan Mông Cổ khoanh tay, vẻ mặt u ám, viên hạ sĩ quan thì thỉnh thoảng lại lắc đầu.

Cuối cùng, viên sĩ quan Nga thong thả đi lại chỗ chúng tôi đang nằm trên mặt đất.

- Có muốn hút thuốc không? - y hỏi bằng tiếng Nga. Như tôi đã nói, thời sinh viên tôi từng học tiếng Nga và có thể nghe hiểu khá tốt, nhưng để tránh rắc rối tôi giả vờ không hiểu gì.

- Cám ơn, không cần, - Yamamoto nói bằng tiếng Nga. Y cừ thật.

- Tốt lắm, - viên sĩ quan Xô Viết nói, - Nếu ta nói chuyện bằng tiếng Nga thì đỡ mất thời gian hơn.

Y tháo găng tay đút vào túi áo khoác. Một chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng ánh lên trên bàn tay trái y.

- Chắc chúng mày biết rõ, chúng tao đang tìm một thứ. Tìm đỏ mắt ra. Và chúng tao biết cái thứ đó nằm trong tay chúng mày. Đừng hỏi vì sao chúng tao biết; chúng tao biết, có thế thôi. Nhưng hiện giờ nó không ở chỗ chúng mày. Nghĩa là, nếu suy luận lôgic, chúng mày hẳn đã giấu nó ở đâu đó trước khi bị bắt. Chúng mày chưa kịp chuyển nó sang bên kia, - y chỉ về phía sông Khalkha. - Chưa một ai trong chúng mày vượt được sông. Vậy là bức thư phải còn nằm ở bên này, giấu ở đâu đó. Tao nói nãy giờ chúng mày có hiểu không?

Yamamoto gật đầu.

- Tôi hiểu, - y nói. - Nhưng chúng tôi chẳng biết thư từ nào hết.

- Tốt lắm, - tay người Nga nói, nét mặt vô cảm. - Trong trường hợp đó tao có một câu hỏi nhỏ cho chúng mày. Lũ chúng mày làm gì ở đây? Chúng mày biết đây là lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ kia mà. Chúng mày đột nhập vào lãnh thổ của người khác là nhằm mục đích gì? Mày trình bày lý do tao nghe xem.

- Chúng tôi vẽ bản đồ, - Yamamoto giải thích. - Tôi là thường dân làm việc cho một công ty bản đồ, còn anh này và người vừa bị đám lính kia giết tháp tùng để bảo vệ tôi. Chúng tôi cũng biết bên kia sông là lãnh thổ của các ông. Chúng tôi lấy làm tiếc đã vượt qua biên giới, nhưng thật sự chúng tôi không nghĩ mình đang xâm phạm lãnh thổ. Chúng tôi chỉ muốn quan sát địa hình từ điểm cao bên này bờ sông thôi.

Viên sĩ quan bĩu môi lên thành nụ cười, như thể điều y vừa nghe hoàn toàn không đáng cười.

- Chúng tôi rất tiếc? - y dài giọng. - Ừ, dĩ nhiên. Chúng mày chỉ muốn quan sát địa hình từ chỗ cao. Ừ, dĩ nhiên. Từ trên cao thì bao giờ tầm nhìn cũng tốt hơn. Nghe hợp lý lắm.

Y không nói gì một hồi, chỉ nhìn chăm chăm lên những đám mây trên trời. Đoạn y lại chuyển cái nhìn sang Yamamoto, chầm chậm lắc đầu và thở dài.

- Giá như tao có thể tin lời mày nhỉ! Được vậy thì tốt quá, tốt cho cả chúng tao lẫn chúng mày! Giá như tao có thể vỗ vai mày mà nói: "Phải, phải, tôi hiểu, giờ thì anh băng qua sông mà về đi, lần sau thì phải cẩn thận nhé". Tao muốn làm vậy lắm, thực đấy. Nhưng đáng tiếc là tao không thể. Bởi tao biết chúng mày là ai. Và tao biết chúng mày làm gì ở đây. Chúng tao cũng có bạn bè ở Ulan Bator vậy.

Y rút găng tay ra khỏi túi, gấp lại, rồi lại cho vào túi.

- Nói thật, hành hạ hay giết chúng mày thì cá nhân tao chẳng lợi lộc gì. Nếu chúng mày đưa thư cho tao, tao cũng sẽ chẳng có gì dính dáng tới chúng mày nữa. Chúng mày sẽ được thả ra khỏi đây ngay lập tức theo lệnh tao. Chúng mày có thể vượt sông mà về. Tao hứa với chúng mày như vậy, lời hứa danh dự đấy. Còn sau đó chuyện gì xảy ra là việc nội bộ của chúng tao. Chẳng liên quan gì tới chúng mày.

Ánh mặt trời ở phía Đông rốt cuộc cũng bắt đầu sưởi ấm làn da tôi. Không có gió, vài đám mây trắng lửng lơ trên bầu trời.

Im lặng kéo dài. Không ai nói một lời. Viên sĩ quan người Nga, viên sĩ quan Mông Cổ, đám lính tuần, Yamamoto: tất cả im lặng. Dường như ngay từ lúc bị bắt Yamamoto đã sẵn sàng chết; gương mặt y hoàn toàn không biểu lộ cảm xúc gì.

- Nếu không thì chúng mày... cả hai... gần như chắc chắn... sẽ chết ở đây, - viên sĩ quan người Nga chậm rãi nói tiếp, từng tiếng một, như đang nói với trẻ con. - Và đó sẽ là một cái chết khủng khiếp. Bọn kia... - Đến đây viên sĩ quan người Nga liếc về phía đoàn lính Mông Cổ. Gã to lớn cầm súng máy nhìn tôi cười nhăn nhở phô hàm răng vàng khè. - Chúng thích giết người, bằng những cách đòi hỏi phải hết sức công phu và giàu tưởng tượng. Phải nói chúng là bậc thầy trong lĩnh vực này. Ngay từ thời Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ đã thích bày ra những cách giết người đặc biệt tàn bạo. Gì chứ chuyện đó thì người Nga chúng tao thấm thía lắm. Chúng tao được học chuyện đó từ khi học phổ thông, môn sử ấy mà. Người ta dạy cho chúng tao biết người Mông Cổ đã làm gì khi xâm lăng nước Nga. Họ đã giết hàng triệu người. Chẳng vì cớ gì hết. Họ bắt hàng trăm quý tộc Nga ở Kiev rồi giết tất cả cùng một lúc. Chúng mày có biết bằng cách nào không? Họ cưa những tấm ván thật to, thật nặng, cho đám người Nga nằm dưới các tấm ván đó, rồi thì họ bày tiệc bên trên các tấm ván đó. Những người Nga chết chẹt dưới cái sức nặng kia. Người bình thường ai mà nghĩ ra được trò như vậy, phải không nào? Mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu là công sức chuẩn bị! Có ai trên đời này đi cất công làm chuyện đó chứ? Thế mà họ làm đấy. Sao lại làm? Bởi đấy là một thứ trò vui của họ mà. Đến cả bây giờ họ vẫn làm những việc như thế. Tao có lần tận mắt thấy họ làm thế. Tao cứ nghĩ đời mình đã chứng kiến lắm chuyện khủng khiếp rồi, nhưng tối hôm đó, chúng mày hình dung được không, tao ăn mất ngon. Tao nói chúng mày có hiểu không? Tao nói có nhanh quá không?

Yamamoto lắc đầu.

- Tốt lắm, - tay người Nga nói. Y ngừng nói, hắng giọng. - Dĩ nhiên, đây sẽ là lần thứ hai. Có lẽ đến bữa tối thì tao sẽ lại ăn ngon. Tuy nhiên, tao vẫn muốn không phải giết người nếu không cần thiết.

Hai tay chắp sau lưng, y nhìn trời một hồi. Đoạn y rút găng tay ra và liếc về phía máy bay.

- Thời tiết thật đẹp, - y nói. - Mùa xuân. Vẫn còn se lạnh, nhưng vậy là tốt. Nóng hơn một chút là sẽ có muỗi. Muỗi thì kinh khủng. Phải, mùa xuân tốt hơn mùa hè nhiều.

Y lại rút gói thuốc ra, cho một điếu lên miệng, quẹt diêm châm lửa. Chầm chậm, y hít khói vào phổi rồi phà ra.

- Tao hỏi lần nữa: có phải chúng mày vẫn khăng khăng mình không biết về lá thư không?

Yamamoto chỉ nói một tiếng: "Phải".

- Tốt, - tay người Nga nói. - Tốt lắm. - Đoạn y nói gì đó bằng tiếng Mông Cổ với viên sĩ quan Mông Cổ. Người này gật đầu rồi quát lệnh gì đó với đám lính. Họ liền mang đến mấy súc gỗ thô, lấy lưỡi lê vạt nhọn thành bốn cây cọc. Họ dùng bước chân đo khoảng cách rồi cắm bốn cây cọc xuống đất, lèn đá cho chắc, sao cho bốn cây cọc làm thành bốn góc của một hình vuông. Toàn bộ công việc chuẩn bị này mất khoảng hai mươi phút là xong, nhưng tôi không biết để làm gì.

Viên sĩ quan người Nga nói:

- Với bọn họ, giết người là một cách ngon lành cũng như ăn một bữa ngon vậy. Chuẩn bị càng lâu, khoái cảm càng tăng. Chứ đơn giản là giết thì dễ quá: đòm một phát là xong. Nhưng ở đây thì không đâu, - tới đây y đưa đầu ngón tay thong thả xoa cái cằm nhẵn thín, - thú vị lắm.

Đám lính cởi trói Yamamoto rồi dẫn y đến chỗ cắm cọc. Ở đó chúng buộc tay chân Yamamoto vào bốn cây cọc. Y nằm ngửa, giạng chân tay ra bốn phía, trên cơ thể trần trụi của y có mấy vết thương còn mới.

- Mày biết đó, - người Mông Cổ chuyên chăn cừu, - viên sĩ quan Nga nói. - Dân chăn cừu có nhiều cách để tận dụng lũ cừu: ăn thịt, xén lông, lột da. Với họ, cừu là con vật lý tưởng. Suốt ngày họ ở bên lũ cừu, cả đời họ sống với cừu. Họ biết lột da chúng cực kỳ khéo léo. Da cừu họ dùng làm lều và quần áo. Mày đã bao giờ thấy họ lột da cừu chưa?

- Cứ giết quách tôi đi cho xong, - Yamamoto nói.

Tay người Nga chạm hai bàn tay vào nhau, vừa chầm chậm xát tay vừa gật đầu với Yamamoto.

- Đừng lo. Nhất định là chúng tao sẽ giết chúng mày. Bảo đảm với mày thế. Sẽ mất chút thời gian đấy, nhưng mày sẽ chết. Chuyện ấy thì mày khỏi lo. Chúng ta vội gì nào. Ở đây toàn là thảo nguyên vô tận, nhìn mỏi mắt cũng có thấy gì đâu. Chỉ có thời gian. Thời gian thì ta có khối. Tao còn nhiều chuyện muốn nói với mày mà. Giờ ta nói về quy trình lột da nhé: mỗi nhóm Mông Cổ đều có ít nhất một chuyên gia, một bậc thầy am hiểu tường tận từng li từng tí về việc lột da, một người có kỹ năng lột da tột cùng điêu luyện. Tài nghệ lột da của anh ta là cả một nghệ thuật. Chỉ nháy mắt là anh ta lột da xong rồi, cực nhanh, cực khéo, đến nỗi thậm chí ta cứ tưởng cái sinh vật đang bị lột da sống kia không biết mình đang bị lột da nữa kìa. Nhưng dĩ nhiên, - y lại rút gói thuốc là trong ngực áo ra, chuyển sang tay trái rồi búng búng bằng mấy ngón tay phải, - bị lột da thế kia thì làm sao không nhận ra được. Kẻ bị lột da sống sẽ phải đau đớn khủng khiếp. Đau không tưởng tượng được. Nhưng đau thế kia mà vẫn chưa chết. Rốt cuộc thì cũng chết vì chảy hết máu, nhưng tới khi đó thì còn lâu, lâu lắm.

Y búng ngón tay. Viên sĩ quan Mông Cổ bước lên. Y rút trong túi áo khoác ra một con dao có vỏ bọc, hình thù giống như con dao mà tên lính kia đã cầm làm động tác cắt cổ. Y rút dao ra khỏi vỏ rồi giơ cao lên. Trong ánh nắng buổi sáng, lưỡi dao lóe lên ánh trắng đùng đục.

- Gã này là một trong các chuyên gia tao vừa kể, - viên sĩ quan Nga nói. - Nhìn con dao xem. Nhìn kỹ vào. Dao này đặc biệt lắm, chuyên dùng để lột da, được chế tác tuyệt hảo! Lưỡi mỏng tang mà sắc như dao cạo. Kỹ thuật của các chuyện gia này thì cao vô cùng. Họ dã lột da thú vật từ hàng ngàn năm nay rồi, còn phải nói. Họ lột da người cũng như mày lột vỏ quả lê vậy. Thật đẹp, thật khéo, không có lấy một vết xước! Mà này, tao nói có nhanh quá không?

Yamamoto không nói gì.

- Họ lột từng mảng nhỏ một, - viên sĩ quan Nga nói. - Phải làm chậm thì lột mới sạch, không bị trầy xước. Nếu giữa chừng chúng mày muốn nói gì thì cho tao biết. Chừng đó mày sẽ không chết. Người của tao ở đây làm chuyện này mấy lần rồi, chưa ma nào chịu đến cùng được đâu, tuôn ra hết. Cứ nhớ kỹ thế. Dừng lại càng sớm thì càng tốt cho cả hai ta.

Tay cầm dao, viên sĩ quan Mông Cổ trông như con gấu nhìn Yamamoto mà nhe răng cười. Tận bây giờ tôi vẫn nhớ cái nụ cười đó. Nằm mơ cũng thấy. Chưa bao giờ tôi quên được cái cười đó. Cười xong, hắn bắt tay vào việc ngay. Đám lính giữ chặt hai bàn tay và đầu gối Yamamoto trong khi hắn bắt đầu hết sức cẩn thận lột da Yamamoto. Đúng là giống gọt vỏ quả lê thật. Tôi không nhìn nổi. Tôi nhắm mắt lại. Tôi vừa nhắm mắt lại thì một tên lính quật báng súng vào tôi. Hắn quật mãi kỳ đến khi tôi mở mắt mới thôi. Nhưng nhắm mắt hay mở mắt thì cũng thế: đằng nào tôi cũng nghe giọng của Yamamoto. Ban đầu y cố chịu đau không kêu. Nhưng chẳng mấy chốc y bắt đầu gào thét. Tôi chưa bao giờ nghe cái tiếng gào thét đó, nó như không thuộc về thế giới này. Gã kia rạch một đường xẻ đôi vai phải của Yamamoto rồi bắt đầu lột da cánh tay phải từ trên xuống dưới, một cách từ từ, cẩn trọng, gần như là âu yếm. Đúng như gã người Nga nói, kỹ năng của y là cả một nghệ thuật. Nếu không có tiếng gào thét thì ta có thể tưởng tượng như hoàn toàn không đau gì cả. Nhưng tiếng gào thét kia cho ta biết, đi kèm theo công trình nghệ thuật ấy là một cái đau khủng khiếp.

Chẳng mấy chốc toàn bộ da cánh tay phải của Yamamoto đã bị lột ra thành một miếng mỏng duy nhất. Gã lột da đưa miếng da cho người đứng cạnh, gã này đỡ lấy bằng mấy đầu ngón tay, căng rộng chìa ra cho những người khác xem. Máu vẫn đang nhỏ giọt từ miếng da xuống. Đoạn viên sĩ quan quay qua tay trái của Yamamoto, lặp lại quy trình. Sau đó y lột da hai chân, cắt dương vật và tinh hoàn, rồi cắt tai. Kế đó hắn lột da đầu, mặt và mọi chỗ khác. Yamamoto bất tỉnh, hồi tỉnh, rồi lại bất tỉnh. Mỗi khi y ngất đi, tiếng gào thét ngưng, khi y tỉnh thì tiếng gào thét lại tiếp tục. Nhưng giọng y yếu dần, cuối cùng tắt hẳn. Suốt thời gian đó, viên sĩ quan Nga lấy gót giày vẽ vẽ những hình vô nghĩa trên cát. Đám lính Mông Cổ im lặng quan sát cảnh lột da. Mặt bọn họ vô cảm, không kinh tởm, không hào hứng, không khiếp hãi. Họ quan sát Yamamoto bị lột từng mảng da với vẻ mặt như khi ta đang tản bộ thì dừng lại ngắm một công trình xây dựng vậy.

Suốt thời gian đó tôi toàn nôn mửa. Nôn thốc nôn tháo. Ngay cả khi tưởng chừng không còn gì để nôn ra nũa, tôi vẫn cứ nôn mãi. Cuối cùng, viên sĩ quan Mông Cổ giống con gấu giơ lên cao tấm da thân của Yamamoto mà hắn vừa lột tuyệt khéo. Thậm chí hai núm vú còn y nguyên. Cho đến giờ tôi vẫn không nhìn thấy một cái gì ghê rợn đến vậy. Ai đó nhận miếng da từ tay hắn rồi trải ra cho khô như ta phơi ga trải giường. Còn lại trên mặt đất kia là cái xác của Yamamoto, một đống thịt máu me đỏ lòm, không còn một tí da nào. Khủng khiếp nhất là khuôn mặt. Từ trong vũng thịt đỏ thon thót thòi ra hai nhãn cầu to tướng trắng ớn. Miệng há hoác phô hết răng như đang thét lên. Ở chỗ vốn là cái mũi nay là hai cái lỗ nhỏ. Mặt đất chung quanh là cả một biển máu.

Viên sĩ quan Nga nhổ xuống đất rồi nhìn tôi. Rồi hắn rút cái khăn mùi soa ra khỏi túi mà lau mồm.

- Thằng này thật sự không biết gì phải không? - hắn vừa nói vừa đút mùi xoa vào túi. Giọng hắn bây giờ nghe khô khan hơn lúc nãy. - Nếu biết thì nó đã nói rồi. Cũng tội. Dù gì thì nó cũng là một tay chuyên nghiệp. Đằng nào nó cũng sẽ chết đau đớn thôi, không sớm thì muộn. Chả làm sao được. Mà nếu nó đã không biết gì thì làm sao mày lại biết cái gì.

Hắn cho một điếu thuốc lên miệng rồi quẹt diêm.

- Nghĩa là chúng tao không cần mày nữa. Tra tấn mày để moi thông tin thì bằng thừa. Để cho sống làm tù binh cũng vô ích. Chúng tao muốn dứt điểm vụ này một cách tuyệt đối bí mật. Nếu đưa mày về Ulan Bator, chúng tao có thể sẽ gặp rắc rối. Dĩ nhiên, cách tốt nhất là cho một viên đạn vào đầu mày ngay bây giờ, ngay tại đây, rồi chôn hoặc thiêu xác mày và ném tro xuống sông Khalkha. Giải quyết vậy là đơn giản nhất. Mày đồng ý không? - Chắc mày không hiểu tiếng Nga thật. Nói với mày chỉ tổ phí thời gian. Thôi được rồi. Coi như tao nói cho tao vậy. Nghe đây nhé. Tao có tin vui cho mày đây. Tao đã quyết định không giết mày. Coi như đấy là tao bày tỏ chút ân hận vì đã giết thằng bạn mày một cách vô ích. Sáng nay, chúng tao giết vừa rồi. Mỗi ngày một mạng là đủ. Cho nên tao sẽ không giết mày. Thay vào đó tao sẽ cho mày một cơ hội sống. Nếu gặp may có khi mày sẽ sống không chừng. Dĩ nhiên cơ hội không nhiều đâu. Phải nói là hầu như không có. Nhưng cơ hội vẫn là cơ hội. Ít nhất cũng còn tốt hơn nhiều so với bị lột da sống. Đồng ý chứ?

Hắn giơ tay lên gọi tay sĩ quan Mông Cổ. Gã này vừa hết sức cẩn thận rửa dao bằng nước trong biđông và liếc cho sắc bằng đá mài. Đám lính đã trải các tấm da của Yamamoto ra rồi đứng bên cạnh mà thảo luận gì đó. Hình như họ đang trao đổi ý kiến về những điểm tinh tế của kỹ thuật lột da. Gã sĩ quan Mông Cổ đút dao vào vỏ rồi cho vào túi áo khoác, sau đó mới lại gần chúng tôi. Hắn nhìn vào mặt tôi một thoáng rồi quay sang viên sĩ quan Nga. Người này nói với hắn mấy câu bằng tiếng Mông Cổ, hắn gật đầu, vẻ vô cảm. Một tên lính mang lại hai con ngựa cho họ.

- Chúng tao sẽ quay về Ulan Bator ngay bây gời, - viên sĩ quan Nga bảo tôi. - Tao ghét phải về tay không, nhưng đành chịu, làm thế nào được. Có lúc được thì cũng có lúc mất. Tao hy vọng tới bữa tối thì sẽ ăn ngon miệng, nhưng cũng chưa chắc.

Họ leo lên ngựa đi. Máy bay cất cánh, trở thành một tấm bạc trên bầu trời phía Tây rồi biến mất hẳn, để lại một mình tôi với đám lính Mông Cổ và bầy ngựa.

Đám lính đặt tôi lên một con ngựa, trói chặt tôi vào yên. Sau đó tất cả dàn thành đội hình đi về phía Bắc. Gã lính đi ngay phía trước tôi hát mãi một giai điệu đều đều bằng giọng khẽ gần như không ai nghe được. Ngoài ra, không còn âm thanh nào khác ngoài tiếng móng ngựa khô khốc gõ lên mặt cát. Tôi không biết họ dẫn tôi đi đâu hay sẽ làm gì tôi. Tôi chỉ biết mỗi một điều: với họ tôi là một sinh vật thừa, hoàn toàn vô giá trị. Những lời của viên sĩ quan Nga cứ vang vang trong đầu tôi. Hắn đã nói sẽ không giết tôi. Hắn sẽ không giết tôi, nhưng cơ hội cho tôi sống thì hầu như không có. Thế nghĩa là thế nào? Mơ hồ quá, tôi không thể nào hiểu cụ thể được. Có lẽ chúng sẽ dùng tôi trong một kiểu trò chơi ghê rợn nào đó. Chúng sẽ không dễ dàng thả tôi ra đâu, chúng còn phải vui thú với trò chơi kinh khủng của chúng trước đã.

Nhưng ít ra thì chúng đã không giết tôi. Ít nhất chúng đã không lột da sống tôi như đã làm với Yamamoto. Cũng có thể cuối cùng tôi vẫn sẽ không thoát chết, nhưng ít nhất là không chết như thế. Tạm thời tôi vẫn còn sống; tôi vẫn còn hít thở. Và nếu những gì viên sĩ quan Nga nói là đúng thì tôi sẽ không bị giết ngay. Thời gian giữa tôi bây giờ và cái chết càng nhiều, tôi càng có nhiều cơ hội sống. Cơ hội đó có thể vô cùng nhỏ nhoi, nhưng tôi chỉ còn cách bám lấy nó.

Thế rồi, hoàn toàn đột ngột, lời của hạ sĩ Honda lại lóe lên trong đầu tôi: lời tiên báo kỳ lạ của anh ta rằng tôi sẽ không chết ở đại lục. Dẫu tôi đang ngồi đây, bị trói chặt vào yên ngựa, tấm lưng trần của tôi bị mặt trời sa mạc thiêu đốt, tôi vẫn ôn đi ôn lại từng chữ anh ta nói. Tôi miên man nhớ lại vẻ mặt anh ta, ngữ điệu của anh ta, âm thanh từng chữ của anh ta. Và tôi quyết định phải tin lời anh ta, tin tự đáy lòng tôi. Không, không. Tôi sẽ không nằm xuống mà chết ở một nơi như thế này! Tôi sẽ sống mà thoát khỏi nơi này?! Tôi sẽ còn sống để đặt chân lên mảnh đất quê hương lần nữa!

Chúng tôi đi về phía Bắc trong khoảng hai tiếng đồng hồ hay hơn, cuối cùng dừng lại gần một cái gò bằng đá do các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng xây nên. Các gò đá này, gọi là oboo, vừa là thần hộ mệnh cho khách lữ hành vừa là một dấu hiệu chỉ đường quý báu trong sa mạc. Ở đây đám lính xuống ngựa và cởi trói cho tôi. Hai người xốc hai bên nách dẫn tôi ra một quãng ngắn. Ra là tôi sẽ bị giết ở chỗ này đây. Có một cái giếng đào xuống đất. Bao quanh miệng giếng là một bức tường đá cao khoảng một mét. Họ buộc tôi quỳ bên giếng, túm cổ tôi từ đằng sau bắt tôi nhìn xuống giếng. Tôi không thấy gì trong bóng tối dày đặc. Viên hạ sĩ quan đi ủng tìm đâu ra một hòn đá to cỡ nắm tay, thả xuống giếng. Lát sau hòn đá chạm mặt cát vang lên một tiếng khô khốc. Vậy là chắc giếng này cạn. Đã có thời nó là giếng nước trong sa mạc, nhưng hẳn đã bị cạn khô từ lâu vì mạch nước ngầm dưới đất dịch chuyển. Xét theo khoảng thời gian mà hòn đá phải rơi để xuống tận đáy thì giếng khá sâu.

Viên hạ sĩ quan nhìn tôi nhe răng cười. Rồi hắn rút một khẩu súng lục tự động to tướng ra khỏi bao da nơi thắt lưng. Hắn mở chốt an toàn rồi nạp một viên đạn vào buồng đạn kêu đánh cách một tiếng lớn. Đoạn hắn chĩa nòng súng vào đầu tôi.

Hắn giữ nguyên vậy một hồi lâu nhưng không bóp cò. Đoạn hắn từ từ hạ súng xuống và giơ tay trái chỉ về phía cái giếng. Liếm đôi môi khô nẻ, tôi nhìn trân trân vào khẩu súng trong tay hắn. Điều hắn muốn bảo tôi là thế này: tôi có quyền lựa chọn một trong hai số phận. Hoặc tôi để hắn bắn tôi chết ngay bây giờ - chết là hết. Hoặc tôi có thể nhảy xuống giếng. Vì giếng rất sâu nên nếu không gặp may khi tiếp đất, tôi có thể sẽ chết. Bằng không, tôi sẽ chết từ từ dưới đáy cái lỗ đen ngòm này. Rốt cuộc tôi cũng hiểu ra đây chính là cái cơ hội mà viên sĩ quan Nga đã nói. Viên hạ sĩ quan chỉ vào chiếc đồng hồ tước của Yamamoto đếm đến ba, tôi bước lên thành giếng rồi nhảy xuống. Tôi không có cách nào khác. Tôi đã mong có thể bám theo thành giếng mà tụt xuống, nhưng hắn không cho tôi có thì giờ làm việc đó. Hai bàn tay tôi trượt khỏi thành giếng, tôi lao thẳng xuống.

Dường như phải rất lâu tôi mới chạm tới đáy. Thực ra thì chắc hẳn không quá mấy giậy, nhưng trong khoảng thời gian rơi xuống đó tôi đã kịp nhớ lại rất nhiều thứ. Tôi nghĩ về thị trấn quê nhà sao mà xa quá đỗi. Tôi nghĩ về người con gái tôi đã ngủ cùng chỉ một lần duy nhất trước khi xuống tàu ra đi. Tôi nghĩ về bố mẹ tôi. Tôi nhớ mình đã cám ơn trời đã cho tôi một đứa em gái chứ không phải em trai: nhờ vậy thì dù tôi chết bố mẹ tôi vẫn còn có nó và không phải lo rằng đến lượt nó phải đi lính. Tôi nhớ những chiếc bánh bột gạo gói trong lá sồi. Thế rồi tôi đâm sầm xuống mặt đất khô cứng và bất tỉnh một lát. Dường như toàn bộ không khí bên trong tôi đã phụt cả ra ngoài qua lớp vỏ thân thể tôi. Tôi đã rơi phịt xuống đáy giếng như cái bao cát.

Hẳn tôi đã ngất đi chỉ một thoáng vì cú ngã. Khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy có dòng nước nào đó đang rưới lên mình. Ban đầu tôi ngỡ là mưa, nhưng tôi nhầm. Đó là nước tiểu. Đám lính Mông Cổ đang đái lên tôi trong khi tôi nằm dưới đáy giếng. Tôi nhìn lên thấy bóng dáng lờ mờ của họ xa mãi trên kia, từng người một đến bên miệng giếng tròn để đái. Quang cảnh đó có gì đó phi thực một cách khủng khiếp, như một cơn ảo giác vì ma túy vậy. Nhưng đó là thực tại. Quả thực tôi đang ở dưới đáy giếng, và người ta đang đái lên tôi bằng nước đái thật. Sau khi cả bọn đã đái xong, một người rọi đèn pin lên tôi. Tôi nghe họ cười rộ. Rồi họ biến mất khỏi mép giếng. Sau đó, mọi sự chìm vào im lặng thăm thẳm.

Tôi nghĩ tốt nhất là nằm sấp một lát, chờ xem họ có quay lại không. Nhưng hai mươi phút trôi qua, rồi ba mươi phút (tôi chỉ đoán vậy vì không có đồng hồ), họ vẫn không quay lại. Dường như họ đã đi, bỏ tôi ở đây. Tôi đã bị bỏ lại ở dưới đáy một cái giếng giữa sa mạc. Khi đã chắc là đám lính không quay lại nữa, tôi quyết định kiểm tra xem mình có bị thương không. Làm việc đó trong bóng tối thật không dễ. Tôi không nhìn thấy chính cơ thể mình. Tôi không thể dùng mắt để xác định xem cơ thể mình có ổn không. Tôi chỉ có thể dùng tay sờ, nhưng không dám chắc những cảm nhận của mình trong bóng tối là chính xác. Tôi cảm thấy mình đang bị dối gạt, bị đánh lừa. Đó là một cảm giác thật kỳ lạ.

Tuy vậy, từng tí một, và bằng cách hết sức chú ý tới từng chi tiết, tôi bắt đầu nhận thức được hoàn cảnh của mình. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là tôi đã hết sức gặp may. Đáy giếng tương đối mềm, toàn cát. Nếu không thì khi rơi xuống từ trên cao đến thế chắc tôi đã gãy hết xương. Tôi hít một hơi dài, sâu rồi cố cử động. Trước hết tôi thử cử động các ngón tay. Ngón tay động đậy được, dù yếu ớt. Sau đó tôi thử ngồi dậy, nhưng không được. Cơ thể tôi như đã mất hết cảm giác. Ý thức vẫn còn, nhưng có cái gì đó không ổn trong sự liên lạc giữ ý thức với cơ thể. Tâm trí tôi quyết định làm cái gì đó, nhưng không truyền tải được ý nghĩ đó đến hoạt động các cơ. Tôi đành chịu thua, chỉ nằm im một lát trong bóng tối.

Tôi đã nằm như thế trong bao lâu, tôi không biết. Nhưng rồi, dần dần, cảm giác bắt đầu trở lại. Và cùng với sự phục hồi là - cũng tự nhiên thôi - cái đau xuất hiện. Đau ghê gớm. Chắc tôi gãy chân mất rồi. Và tôi hẳn đã bị trật khớp, có khi còn gãy không chừng.

Tôi nằm đó ráng chịu đau. Không biết tự lúc nào nước mắt tuôn ràn rụa xuống hai má tôi - khóc vì đau, nhưng còn hơn cả đau là khóc vì tuyệt vọng. Chắc ông sẽ không bao giờ hiểu nổi cảm giác ấy đâu - nỗi cô đơn tột cùng, nỗi tuyệt vọng cùng cực khi bị bỏ mặc trong một cái giếng sâu giữa sa mạc ở bên rìa thế giới, người đau như dần trong bóng tối như mực. Thậm chí tôi hối tiếc phải chi tên hạ sĩ quan Mông Cổ bắn quách tôi cho rồi thì có hay hơn không. Nếu tôi bị giết bằng cách đó thì chí ít bọn họ cũng biết về cái chết của tôi. Chứ nếu tôi chết ở đây, đó sẽ là một cái chết thực sự cô độc, một cái chết chẳng ai buồn quan tâm, một cái chết câm lặng.

Thi thoảng tôi nghe tiếng gió. Mỗi khi lùa qua mặt đất, gió lại gây ra một âm thanh kỳ lạ nơi miệng giếng, âm thanh như một người đàn bà than khóc ở một thế giới xa xôi nào. Thế giới đó và thế giới này nối với nhau bằng một đường thông hẹp qua đó giọng của người đàn bà vọng đến tôi, dù chỉ từng chặp cách quãng không đều. Tôi đã bị bỏ mặc một mình trong im lặng sâu thẳm và trong bóng tối còn thăm thẳm hơn thế.

Cố nén đau, tôi vươn tay sờ nền đất quanh mình. Đáy giếng phẳng, không rộng lắm, đường kính khoảng từ mét rưỡi tới mét bảy. Trong khi sờ soạng mặt đất, tay tôi bỗng chạm phải một vật cứng, sắc. Tôi sợ hãi rụt tay về, nhưng rồi lại chầm chậm, cẩn thận chìa tay về phía vật đó. Các ngón tay tôi lại tiếp xúc với cái vật sắc đó. Ban đầu tôi nghĩ đó là một cành cây, nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra mình đang chạm phải xương. Không phải xương người mà là xương của một con vật nhỏ. Xương vung vãi tứ tung, có thể vài lâu ngày, cũng có thể vì cú ngã của tôi. Chẳng còn gì khác dưới đáy giếng nữa, chỉ toàn cát, mịn và khô.

Kế đó tôi miết lòng bàn tay lên vách giếng. Dường như vách được làm bằng những viên đá mỏng, nhẵn. Bề mặt sa mạc vào ban này nóng như thiêu, nhưng cái nóng đó không xuyên thấu nổi đến thế giới dưới lòng đất này. Các viên đá lạnh toát như băng. Tôi lại sờ soạn lên vách giếng để kiểm tra khoảng hở giữa các viên đá. Nếu đủ chỗ tì chân thì tôi sẽ có thể leo lên được. Nhưng khoảng hở giữa các viên đá quá hẹp không thể tì chân được, đã vậy cái thân tôi bầm dập thế này thì leo lên là chuyện hầu như không tưởng.

Cố hết sức bình sinh, tôi lếch về phía vách giếng, gượng dậy ngồi tựa vào vách. Mỗi cử động lại khiến chân và vai tôi đau thon thót như bị châm hàng trăm mũi kim dày. Sau đó thì từng hơi thở đều khiến tôi có cảm giác toàn thân tôi sắp rời ra từng mạnh. Tôi sờ vai thì thấy nó nóng hầm hập, sưng tấy lên.

*

Bao nhiêu thời gian trôi qua như vậy, tôi không biết. Nhưng rồi, đến một lúc, xảy ra một điều mà tôi không thể tưởng tượng nổi. Ánh nắng mặt trời rọi xuống qua miệng giếng như một thứ mặc khải. Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy rõ mọi vật quanh mình. Giếng ngập trong ánh sáng rực rỡ. Cả một dòng thác ánh sáng. Cái chói chang đó hầu như làm tôi nghẹt thở. Bóng tối và cái lạnh bị quét sạch trong một khoảnh khắc, ánh mặt trời ấm áp, dịu dàng bao bọc tầm thân trần trụi của tôi. Ngay cả cái đau của tôi dường như cũng được ban phúc trong ánh sáng của mặt trời, cái ánh sáng giờ đây đang rọi chiếu lên mớ xương trắng của con vật nhỏ bên cạnh tôi. Nắm xương đó vốn lẽ ra đã là điềm gở cho cái chết mười mươi của tôi, nhưng trong ánh nắng mặt trời dường như nó lại là một người bạn thân thiết đồng cam cộng khổ. Tôi thấy rõ những tảng đá xây vách giếng bao quanh tôi. Chừng nào còn ở trong ánh sáng, tôi có thể quên hết nỗi sợ, cái đau, cơn tuyệt vọng. Sững sờ, tôi ngồi ngây ra trong ánh sáng chói lòa. Thế rồi ánh sáng biến mất cũng đột ngột như khi nó đến. Bóng tối dày đặc lại trùm lên mọi vật. Khoảnh khắc vừa rồi hết sức ngắn ngủi. Nếu nói theo đồng hồ, nó kéo dài khoảng mười giây, cùng lắm là mười lăm giây. Rõ ràng là do góc độ nên ánh sáng mặt trời chỉ có thể rọi thẳng vào đáy giếng trong ngần ấy thời gian, chỉ một lần duy nhất mỗi ngày. Dòng ánh sáng đã ra đi trước khi tôi kịp hiểu ra ý nghĩa của nó.

Sau khi ánh sáng đã tàn, tôi lại chìm trong bóng tối còn dày đặc hơn trước. Tôi gần như không cử động được. Tôi không có nước, không có thức ăn, không một mảnh vải che thân. Buổi chiều dài dằng dặc trôi qua, rồi đêm đến, nhiệt độ tụt xuống thấp nhất. Tôi gần như không ngủ được. Cơ thể tôi thèm được ngủ, nhưng cái lạnh chọc vào da tôi như hàng ngàn cái gai nhỏ xíu. Tôi cảm thấy như phần cốt tủy của sinh mệnh tôi đang cứng lại, đang chết dần. Trên đầu, tôi thấy những vì sao lạnh giá trên bầu trời. Sao nhiều đến hãi hùng. Tôi ngắm nhìn chúng, quan sát chúng di động chầm chậm. Chuyển động của chúng giúp tôi yên lòng rằng thời gian vẫn đang trôi. Tôi ngủ một chút, sực tỉnh vì lạnh và đau, ngủ thêm chút nữa rồi lại sực tỉnh vì đau.

Cuối cùng trời cũng sáng. Từ miệng giếng tròn, những điểm sáng li ti sắc nhọn của ánh sao dần dần nhạt đi. Thế nhưng, ngay cả khi bình minh đã rạng, các vì sao vẫn không biến mất hoàn toàn. Dù đã mờ nhạt đến hầu như không thấy được, chúng vẫn còn đó. Để cho đỡ khát, tôi liếm những giọt sương buổi sáng đọng trên vách giếng. Dĩ nhiên là chẳng được bao nhiêu, nhưng với tôi chỗ nước đó ngon như một hồng phúc trời cho. Tôi chợt nhớ ra rằng đã suốt một ngày tôi không ăn, không uống. Thế nhưng tôi không thấy đói chút nào.

Tôi cứ ở đó, ngồi yên, dưới đáy lỗ. Tôi không làm gì khác được. Thậm chí tôi không thể suy nghĩ, cảm giác cô đơn và tuyệt vọng của tôi quá to lớn. Tôi ngồi đó chẳng làm gì, chẳng nghĩ gì. Tuy nhiên, một cách vô thức, tôi chờ tia sáng đó, cái dòng ánh sáng chói lòa tuôn thẳng xuống đáy giếng chỉ trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi mỗi ngày. Ắt hẳn đó là một hiện tượng xảy ra lúc rất gần giữa trưa, khi mặt trời nằm ở thiên đỉnh và ánh sáng của nó chiếu vuông góc xuống mặt đất. Tôi đợi ánh sáng đó, ngoài ra tôi không chờ đợi gì nữa. Tôi chẳng còn có thể đợi cái gì khác nữa.

Dường như rất nhiều thời gian đã trôi qua. Đến một lúc, tôi thiếp đi mà không hay. Ngay lúc tôi cảm thấy sự hiện diện của cái gì đó và sực tỉnh thì ánh sáng đã ở đó rồi. Tôi nhận ra mình lại đang ngập trong ánh sáng chan hòa đó. Một cách vô thức, tôi dang rộng hai tay, ngửa lòng bàn tay ra đón nhận mặt trời. Lần này ánh sáng mạnh hơn nhiều so với lần đầu. Nó cũng ở lại với tôi lâu hơn lần trước nhiều. Ít nhất là tôi cảm thấy như vậy. Trong ánh sáng đó, lệ trào khỏi mắt tôi. Tôi cảm thấy như toàn bộ chất lỏng trong cơ thể tôi có thể biến thành nước mắt rồi trào ra khỏi mắt tôi, rằng chính cơ thể cũng có thể tan đi mất. Nếu như điều đó xảy ra trong niềm phúc lạc tột cùng của ánh sáng kỳ vĩ đó thì ngay cái chết cũng không còn đáng sợ nữa. Thực sự tôi cảm thấy muốn chết. Tôi có một cảm giác kỳ diệu về nhất thể, một cảm thức vô cùng lớn lao về sự hợp nhất. Phải, nó đấy: ý nghĩa đích thực của cuộc nhân sinh nằm trong cái ánh sáng chỉ kéo dài mấy giây kia, và tôi cảm thấy thật sự mình cần phải chết ngay lúc đó, ngay ở đó.

Nhưng dĩ nhiên, chưa có chuyện gì kịp xảy ra thì ánh sáng đã biến mất. Tôi vẫn đang ngồi dưới đáy cái giếng khốn khổ kia. Bóng tối và cái lạnh lại siết chặt lấy tôi như thể tuyên bố rằng ánh sáng kia chưa bao giờ tồn tại cả. Tôi cứ ngồi co ro đó mãi một hồi lâu, mặt mũi đầm đìa nước mắt. Như bị một sức mạnh to lớn nào đó giã cho tơi bời, tôi không thể làm gì, không thể nghĩ về bất cứ cái gì, thậm chí không còn cảm thấy sự tồn tại của thân thể mình nữa. Tôi như một bộ xương khô, cái vỏ rỗng bị một con côn trùng bỏ lại. Nhưng rồi, trong tâm trí tôi, như một căn phòng trống, lại hiện về lời tiên tri của hạ sĩ Honda: rằng tôi sẽ không chết ở Trung Hoa đại lục. Giờ đây, khi ánh sáng đó đã đến và đã đi qua, tôi thấy mình có thể tin lời của anh ta. Giờ đây tôi có thể tin lời của anh ta bởi vì, ở nơi mà đáng lẽ ra tôi đã chết, vào thời điểm mà đáng lẽ ra tôi đã chết, tôi đã không thể chết. Không phải tôi không chết, mà là tôi không thể chết. Ông Okada có hiểu tôi đang nói gì không? Bao nhiêu ân huệ mà tôi đã được trời ban cho tôi lúc đó, tôi đã mất cả rồi.

*

Kể đến đây, Trung úy Mamiya nhìn đồng hồ.

- Và như ông thấy đó, tôi đang ngồi đây. - Ông lắc đầu như cố xua đi những sợi tơ vô hình của ký ức. - Đúng như ông Honda đã nói, tôi không chết ở Trung Hoa đại lục. Và trong số bốn người chúng tôi khi đó, tôi là người sống lâu nhất.

Tôi im lặng gật đầu.

- Xin ông thứ lỗi cho, chuyện tôi kể dài quá. Phải nghe một lão già vô dụng lảm nhảm liên tục bất tận về những ngày xa xưa thế này hẳn là ông thấy chán lắm. - Trung úy Mamiya đổi thế ngồi trên ghế sofa. - Trời ạ, nếu tôi nán lại thêm nữa thì sẽ nhỡ tàu mất.

Tôi vội tìm cách giữ ông lại.

- Xin ông đừng ngưng câu chuyện như thế, - tôi nói. - Sau đó thì thế nào? Tôi muốn nghe nốt phần còn lại.

Ông nhìn tôi một lát.

- Thế này vậy. Thật sự là tôi muộn tàu mất rồi, hay ông đi bộ với tôi đến trạm xe buýt nhé? Trong khi đi tôi có thể kể vắn tắt cho ông.

Tôi ra khỏi nhà, cùng ông đi bộ đến trạm xe buýt.

- Đến sáng ngày thứ ba, tôi được hạ sĩ Honda cứu thoát. Ông ấy đã cảm thấy rằng đêm hôm đó đám lính Mông Cổ sẽ tấn công chúng tôi, nên đã lẻn ra khỏi lều và nấp kỹ suốt thời gian đó. Ông ấy đã lấy bản tài liệu trong túi của Yamamoto mà mang theo mình. Ông ấy làm vậy bởi vì ưu tiên số một của chúng tôi là phải làm sao cho tài liệu đó không rơi vào tay thù, dù có phải hy sinh đến đâu. Hẳn ông đang tự hỏi, nếu hạ sĩ Honda đã đoán được quân Mông Cổ sẽ đến thì tại sao ông ấy bỏ chạy một mình mà không đánh thức mọi người để tất cả cùng thoát. Vấn đề đơn giản là chúng tôi không hề có hy vọng thắng trong hoàn cảnh đó. Quân Mông Cổ biết chúng tôi đang ở đâu. Bọn họ quân số đông hơn, súng ống nhiều hơn. Và họ, tìm ra chúng tôi, bắn chết chúng tôi và lấy tài liệu đi là việc dễ như bỡn. Tình huống đã vậy thì hạ sĩ Honda không có cách nào hơn là trốn thoát một mình. Trên chiến trường, hành vi của ông ta có thể là một trường hợp đào ngũ rõ ràng, nhưng với một nhóm đặc nhiệm như chúng tôi thì điều quan trọng nhất là khả năng tùy cơ ứng biến.

Ông ấy đã chứng kiến mọi việc. Ông ấy đã quan sát chúng lột da Yamamoto. Ông ấy đã thấy đám lính Mông Cổ điệu tôi đi. Nhưng ông ấy không còn ngựa nên không thể đi theo ngay lúc đó được. Ông ấy chỉ còn cách cuốc bộ. Ông ấy đào chỗ thức ăn thừa mà chúng tôi đã chôn trong sa mạc lên rồi chôn dấu bản tài liệu cũng ở đó. Sau đó ông ấy đi tìm tôi. Tuy nhiên, để tìm ra được tôi dưới cái giếng kia, ông ấy phải mất nhiều công sức lắm. Thậm chí ông ấy không biết đám lính dẫn tôi về hướng nào kia mà.

- Làm sao ông ấy phát hiện ra cái giếng? - tôi hỏi.

- Tôi không biết, - Trung úy Mamiya nói. - Ông ấy không nói gì nhiều về chuyện đó. Chắc chỉ có thể nói là ông ấy biết, vậy thôi. Khi tìm thấy tôi, ông ấy xé quần áo thành từng mảnh làm thành một sợi dây dài. Đến khi đó tôi hầu như đã bất tỉnh, khiến ông ấy lại càng vất vả hơn mới kéo được tôi lên. Thế rồi ông ấy tìm đâu được con ngựa, liền đặt tôi lên lưng nó. Ông ấy đưa tôi qua các đụn cát, vượt sông về chốt tiền tiêu của quân đội Mãn Châu quốc. Ở đó người ta chữa các vết thương cho tôi rồi cho tôi lên một chiếc xe tải do bộ tham mưu cử đến. Tôi được đưa tới bệnh viện Hailar.

- Còn cái tài liệu, bức thư hay cái gì gì đó thì sao?

- Chắc hẳn nó vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất, gần sông Khalkha. Đối với hạ sĩ Honda và tôi, quay trở lại suốt quãng đường đó để đào nó lên là một việc thậm vô lý, mà chúng tôi cũng chẳng tìm được lý do nào để phải nhọc công làm vậy. Chúng tôi đi đến kết luận rằng truớc hết một vật như vậy lẽ ra không bao giờ nên tồn tại. Chúng tôi quyết định sẽ thống nhất lời khai khi bị quân đội tiến hành điều tra. Cả hai chúng tôi sẽ khăng khăng rằng chưa bao giờ nghe nói đến tài liệu tài liếc gì hết. Nếu không, người ta sẽ buộc tội chúng tôi đã không đem tài liệu đó từ sa mạc về. Người ta bắt chúng tôi ở hai phòng riêng biệt được canh phòng cẩn mật viện cớ để chữa trị, rồi ngày nào cũng thẩm vấn chúng tôi. Các sĩ quan cao cấp ngày nào cũng đến, buộc chúng tôi kể đi kể lại mãi chuyện đã xảy ra. Họ hỏi những câu rất tỉ mỉ và rất thông minh. Nhưng dường như họ tin chúng tôi. Tôi kể cho họ đến từng chi tiết nhỏ những gì tôi đã trải qua, nhưng cẩn thận lược bỏ bất cứ điều gì tôi biết về bản tài liệu. Họ ghi lại tất cả, sau đó thì cảnh cáo tôi rằng đây là chuyện tối mật không được phép ghi vào hồ sơ chính thức của quân đội, và tôi không bao giờ được kể cho bất cứ ai, bằng không tôi sẽ bị nghiêm trị. Hai tuần sau tôi được đưa về vị trí ban đầu, còn hạ sĩ Honda chắc cũng được quay về đơn vị cũ.

- Có điều này tôi vẫn chưa rõ, - tôi nói. - Sao họ lại phải cất công đưa ông Honda từ đơn vị của ông ấy sang nhóm đặc nhiệm này?

- Ông ấy chẳng bao giờ nói nhiều với tôi về chuyện đó. Có lẽ người ta cấm ông ấy kể, và tôi ngờ rằng ông ấy cũng nghĩ tôi không biết thì hơn. Tuy nhiên, xét theo những lần nói chuyện với ông ấy, tôi có thể đoán rằng có một mối quan hệ cá nhân nào đó giữa ông ấy với người tên Yamamoto, mối quan hệ đó có liên quan tới năng lực đặc biệt của ông ấy. Tôi thường nghe nói quân đội có một đơn vị riêng chuyên nghiên cứu các hiện tượng huyền bí như vậy. Nghe bảo người ta tập hợp những người có khả năng tâm linh hay ngoại cảm đó từ mọi miền đất nước lại rồi tiến hành thí nghiệm trên họ. Tôi ngờ rằng ông Honda đã gặp Yamamoto trong hoàn cảnh đó. Dù thế nào đi nữa, nếu không có những năng lực đó thì ông Honda hẳn đã không bao giờ tìm được tôi ở dưới giếng và đưa tôi đến đúng vị trí tiền đồn của quân đội Mãn Châu quốc. Bản đồ không, la bàn cũng không, thế mà ông ấy biết chính xác hướng đi không một chút phân vân. Cứ suy theo lối thường thì không thể có chuyện đó được. Tôi là chuyên gia vẽ bản đồ thật đấy, tôi khá rành địa dư vùng đó, nhưng tôi chẳng bao giờ làm được như ông ấy. Có lẽ chính vì năng lực đó mà Yamamoto mới phải tìm đến ông Honda.

Chúng tôi đã tới trạm xe buýt và dừng lại đợi xe.

- Dĩ nhiên, có những điều không rõ đến bây giờ vẫn hoàn toàn không rõ, - Trung úy Mamiya nói. - Có những chuyện đến giờ tôi vẫn không hiểu. Tôi vẫn tự hỏi gã sĩ quan Mông Cổ đi một mình mà chúng tôi đã gặp trong sa mạc là ai. Tôi lại tự hỏi nếu chúng tôi mang bản tài liệu đó về bộ tham mưu thì sự thể sẽ ra sao. Tại sao Yamamoto không để chúng tôi lại trên hữu ngạn sông Khalkha rồi vượt sông một mình? Nếu làm vậy hắn sẽ có thể đi lại tự do hơn nhiều chứ. Có lẽ hắn có ý định dùng chúng tôi làm mồi nhử quân Mông Cổ để hắn có thể thoát một mình. Chuyện ấy có thể lắm. Có lẽ Honda nhận ra điều đó ngay từ đầu nên ông ấy chỉ đứng nhìn khi người Mông Cổ giết Yamamoto.

Dù thế nào đi nữa, mãi rất lâu sau đó tôi với hạ sĩ Honda mới có cơ hội gặp lại nhau. Ngay từ khi đến Hailar chúng tôi đã bị cách ly, người ta cấm chúng tôi nói chuyện với nhau, gặp nhau cũng không được. Thậm chí tôi muốn gặp để cám ơn một lần cuối, người ta cũng không cho. Ông ấy bị thương trong trận Nomonhan và được đưa về nước, còn tôi ở lại Mãn Châu đến hết chiến tranh, sau đó thì bị đưa đi Siberia. Mãi mấy năm sau khi được thả khỏi trại tù ở Siberia và hồi hương, tôi mới tìm lại được ông ấy. Sau đó chúng tôi gặp nhau vài lần nữa, còn lại thì viết thư. Nhưng hình như ông ấy tránh nói về những gì đã xảy ra với chúng tôi bên bờ sông Khalkha, chính tôi cũng chẳng hào hứng nhắc lại chuyện đó lắm. Với cả hai chúng tôi, những gì đã trải qua đó thật lớn lao quá sức, chúng tôi cùng chia sẻ nó bằng cách không nói gì về nó hết. Ông hiểu tôi chứ?

Chuyện hóa ra rất dài như vậy đó, song điều tôi muốn truyền đạt cho ông là, tôi cảm thấy cuộc sống thật của mình đã chấm dứt dưới cái giếng sâu trong sa mạc Ngoại Mông kia. Tôi cảm thấy như thể, trong cái ánh sáng cường liệt mỗi ngày chỉ rọi vào đáy giếng trong mười đến mười lăm giây đó, tôi đã đốt cháy cốt lõi của sinh mệnh mình cho đến khi chẳng còn lại gì nữa. Với tôi cái ánh sáng kia huyền bí đến như vậy đó! Tôi không giải thích được rõ lắm, nhưng nếu cố nói một cách thật trung thực và giản dị, thì từ đó trở đi, dù tôi có gặp chuyện gì, dù tôi có trải nghiệm gì đi nữa, tôi cũng không còn cảm xúc nào trong đáy lòng tôi. Ngay cả khi đối diện với những đơn vị xe tăng Xô Viết khổng lồ kia, ngay cả khi mất bàn tay trái, ngay cả những trại tù Siberia chẳng khác gì địa ngục, trong tôi chỉ có sự vô cảm. Nói thì nghe lạ, nhưng tất cả những chuyện đó chẳng quan trọng chút nào hết. Một cái gì đó bên trong tôi đã chết rồi. Khi ấy tôi nghĩ, lẽ ra tôi nên chết trong ánh sáng đó thì hơn, cứ tan biến đi trong ánh sáng đó thì hơn. Đấy mới là giờ chết của tôi. Song, như ông Honda tiên đoán, tôi đã không chết ở đó. Hay có lẽ phải nói rằng tôi đã không thể chết ở đó.

Tôi trở về Nhật khi đã mất một bàn tay và mất đứt mười hai năm quý báu. Khi tôi về tới Hiroshima thì cha mẹ và em gái tôi đã chết từ lâu. Người ta điều động cô em gái nhỏ của tôi vào làm việc ở một nhà máy, khi bom nguyên tử rơi thì cô ấy đang ở đó. Cha tôi lúc đó đang trên đường tới thăm cô ấy nên cũng mất mạng. Cú sốc khiến mẹ tôi nằm liệt giường, rốt cuộc bà cũng từ trần năm 1947. Như tôi đã kể với ông, cô gái mà xưa kia tôi bí mật cầu hôn đã lấy người khác và có hai đứa con. Ở nghĩa trang, tôi tìm thấy mộ của chính mình. Tôi chẳng còn gì hết. Tôi cảm thấy thực sự trống rỗng, biết rằng mình lẽ ra không nên trở về đây. Từ đó đến nay tôi sống như thế nào, thật khó mà nhớ được. Tôi trở thành thầy giáo dạy môn xã hội, dạy sử địa ở trường trung học, nhưng tôi không sống theo đúng nghĩa của từ này. Tôi chỉ đơn thuần thực hiện những nhiệm vụ đời thường người ta giao cho, hết cái này đến cái khác. Tôi không có ai thực sự là bạn, không hề có mối quan hệ bình thường như giữa con người đối với các học sinh mà mình phụ trách. Tôi không hề yêu bất cứ ai. Tôi không còn biết yêu một người khác là như thế nào nữa. Hễ nhắm mắt lại là tôi thấy Yamamoto đang bị lột da sống. Tôi nằm mơ thấy cảnh đó hàng bao nhiêu lần. Mơ đi mơ lại. Tôi thấy người ta lột da sống anh ta, biến anh ta thành một đống thịt. Tôi nghe rõ tiếng thét xé ruột xé gan của anh ta. Tôi cũng thường mơ thấy mình mục ruỗng dần dần, khi vẫn còn sống, ở dười đáy giếng. Đôi khi tôi cảm thấy dường như đó mới là những gì đã xảy ra trong thực tại, còn cuộc sống của tôi hiện giờ chỉ là giấc mơ mà thôi.

Lúc ông Honda bảo tôi trên bờ sông Khalkha rằng tôi sẽ không chết ở Trung Hoa đại lục, tôi đã mừng khôn xiết. Vấn đề không phải là tin hay không tin - đơn giản là khi đó tôi cần bám víu vào một cái gì đó, gì cũng được. Hẳn ông Honda biết vậy nên nói thế chỉ là để an ủi tôi. Nhưng hóa ra chẳng có gì đáng để tôi vui. Trở về Nhật rồi, tôi sống như một cái vỏ rỗng. Sống như cái vỏ rỗng thì không phải là sống, dù kéo dài bao nhiêu năm đi nữa. Con tim và xác thịt của một cái vỏ rỗng chẳng sinh ra gì khác hơn là cuộc sống của một cái vỏ rỗng. Đó mới là điều tôi hy vọng làm ông hiểu, thưa ông Okada.

- Vậy có phải là sau khi về Nhật ông không hề lấy vợ? - tôi đánh bạo hỏi.

- Dĩ nhiên là không, - Trung úy Mamiya đáp. - Tôi không vợ, không cha mẹ, không anh chị em. Tôi hoàn toàn cô độc.

Lưỡng lự một hồi, tôi hỏi:

- Ông có lấy làm tiếc đã nghe lời tiên báo của ông Honda không?

Lần này đến lượt Trung úy Mamiya lưỡng lự. Im lặng một chút, ông nhìn thẳng vào mặt tôi.

- Có thể, - ông nói. - Cũng có thể rằng lẽ ra ông ấy không nên nói những lời đó. Có thể rằng lẽ ra tôi đừng bao giờ nghe những lời đó. Như ông Honda đã nói khi ấy, vận mệnh con người thì chỉ có thể về sau nhìn lại chứ không thể nhìn trước được. Tuy nhiên, nay thì tôi nghĩ: đằng nào cũng vậy thôi. Giờ đây tôi chỉ đang thi hành nghĩa vụ của mình, ấy là tiếp tục sống.

Xe buýt đến, Trung úy Mamiya cúi chào tôi thật thấp. Rồi ông xin lỗi đã lấy mất của tôi nhiều thời gian quý báu.

- Thôi tôi đi đây, - ông nói. - Xin cảm ơn ông về mọi chuyện. Tôi rất vui vì đã trao được cho ông gói quà của ông Honda. Thế nghĩa là rốt cuộc việc của tôi đã làm xong, tôi có thể yên tâm trở về nhà rồi.

Bằng cả bàn tay phải lẫn bàn tay giả, ông khéo léo rút mấy đồng lẻ thả vào hộp thu tiền vé.

Tôi đứng nhìn cho tới khi chiếc xe buýt khuất dạng sau góc phố. Khi xe đi rồi, tôi thấy một cảm giác trống rỗng kỳ lạ trong lòng, cảm giác vô vọng như đứa trẻ bị bỏ rơi một mình ở một nơi xa lạ.

Về nhà, tôi ngồi trên sofa trong phòng khách mở gói quà đựng kỷ vật của ông Honda. Tôi phải toát mồ hôi mới mở được hết lớp giấy gói này đến lớp giấy gói khác đến khi lộ ra một hộp các tông vuông vức. Đó là một hộp whisky Cutty Sark dùng làm quà tặng, nhưng sao nhẹ bỗng, như không hề đựng chai rượu nào. Tôi mở ra thì thấy bên trong chẳng có gì hết. Hộp trống trơn. Tất cả những gì ông Honda để lại cho tôi là một cái hộp rỗng.

--------------------------------

1

GPU: cơ quan mật vụ Liên Xô trong thời kỳ 1922-1923, viết tắt từ tiếng Nga Gosudarstvennoe politich eskoe upravlenie, tạm dịch Vụ Chính trị Quốc gia, tiền thân của Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) và Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) sau này - ND.