Biên Hùng Liệt Sử

Sông

Riêng về địa lý (geography) sông Đồng Nai, sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Huế, năm 1865 ghi:

Sông Phước Long:

Phía Tây Nam huyện Phước Chính(Công Thanh, Đức Tu) 4 dặm. Sông này là sông lớn trong phủ Phước Long (BiênHòa) nên đặt tên ấy. Có tên nữa gọi là sông Hòa Quí (Hòa Quới) tục danh sông Lộc Dã (Đồng Nai) phát nguyên từ sóc Tân Phụ (Cao nguyên Lang Biao) chảy đến 70 dặm, hợp với sông La Nha (Là Ngà) chảy quanh hướng Tây tới thành Qui Sơn (Thanh Sơn), Thất Thạch Than (Thác bảy đá Trị An) và giữa rừng sình lầy Bến Nôm dài 35 dặm. Lại chảy đi 35 dặm nữa, đến ngã ba Tiểu giang (sông Bé) rồi chuyển hướng Đông, đi 23 dặm vào huyện Phước Chính (Công Thanh-Đức Tu) làm sông Đông Giang (Rạch Đông) chảy quật lại Đông Nam, có nhánh sông Vịnh Cẫm (Bến Vịnh Bà Cẫm), đà Lạch Vừng, đà Tân Định, đà SaThạch (Võ Sa) hiệp dòng thành sông Đại Giang (Đồng nai). Sông này nước ngon ngọt, trong sạch, là con sông danh tiếng thứ nhứt ở Nam Kỳ.

Sông Đại Giang:

(Bình Hòa-Phước Thành)- Còn chảy làm sông Trúc Giang (sông Con, sông Cái, Cù lao Bình Chánh) hiệp lại làm sông Bảng Giang (Tổng Bảng) dài suốt 47 dặm. Rừng Cát Tiên với cái tên đẹp và truyền thuyết bãi cát tắm của tiên, rộng 35,000 mẫu, nằm ở cực bắc tỉnh Biên Hoà thuộc quận Tân Phú, tiếp giáp hai tỉnh Sông Bé và Lâm Đồng. Rừng Cát Tiên có 632 loại thực vật thuộc 304 chi trong số 121 họ cuả ngành thực vật. Trong số đó, có 6 họ có từ 20 loại trở lên như: họ đậu (48 loại), thầu dầu (44 loại), phong lan (59 loại)...Riêng họ cây thuốc có tới 194 loại! Cát Tiên lại có nhiều gỗ quý và hiếm như: cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương... Hiện nay, trải bao nhiêu cuộc chiến tranh và sự phá hoại của con người, nơi đây vẫn còn nhiều đại thụ cao 60 - 70 m và gốc cây phải 20 người ôm. Dưới tàn lá cao vời vợi và rộng lớn là hàng trăm loại dương xỉ có từ thời thượng cổ. Với nhiều loại địa hình địa vật và sinh cảnh khác nhau nên rừng Cát Tiên quy tụ khá nhiều loại động vật mang tính chất điển hình cho cả miền Nam, gồm: 62 loài thú, 37 loài bò sát, 11 loài lưỡng thú. Những loài như trâu, gấu, voi thường đi từng đàn, có loại lên đến cả trăm con. Ở khu rừng này còn nhiều động vật hiếm và quý mà không dể quốc gia nào cũng có được, như: tê giác, hươu sao, bò bàn teng, hổ, rùa mai vàng...Từ lâu, sự giàu có của giới động vật rừng Cát Tiên gắn liền với bao cái tên như: suối Chồn, bàu Sấu, bàu Minh, hốc Kên Kên...

Giàu có nhất trong giới động vật ở rừng Cát Tiên vẫn là chim, với hơn 250 loài, chiếm 2/3 số loài chim cuả cả miền đông Nam bộ, trong đó còn thấy những loài rất hiếm: công, trĩ, kên kên, gà dây, sa mỏ đỏ, đại bàng, hồng hoàng, cao các...

Cát Tiên từ lâu đã trở thành một "bảo tàng thiên nhiên". (theo Quang Huy)

Sông La Nha (Là Ngà):

- Đông Bắc huyện Phước Bình (Long Khánh) 58 dặm, phát nguyên từ núi Chiêm ở tỉnh Bình Thuận chảy vào Nam, ngang buông Thượng Man Sách tiếp đến khe Dạ Lao ở núi Chứa Chan, huyện Long Khánh. Chảy quanh 16 dặm tới xã Âu Ca, Vĩnh An, rồi chảy vào sông Phước Long (Đồng Nai) làm ba nhánh.

Đông Giang (Rạch Đông):

- phía Đông huyện Phước Bình (Quận Công Thanh) 18 dặm, là thượng lưu sông Phước Long. Bờ phía Đông có tuần sở Định Khai (Định Quán). - đây, ngược dòng lên phía Bắc, đến nguyên đầu, 32 dặm rưỡi, có thác Trị An nguy hiểm, ghe đi không thông. Từ ấy trở lên, là đất Man Phận (Sóc Thượng).

Tiểu Giang (Sông Bé):

- Tây Bắc huyện Phước Bình (tỉnh Phước Long) 2 dặm, nguyên đầu từ hai man sách (buông ấp Thượng) Vỏ Tam, Vỏ Diên, chảy xuống hướng Đông, quanh theo thôn Loan Vũ và bến thô Chánh Mỹ (Tổng Chánh Mỹ hạ), rồi quay về phía đông, chuyển qua phía Bắc, chảy quanh quẹo 214 dặm, đến trạm Sa Tân (Thiện Tân) làm cửa sông Tiểu Giang (Sông Bé) hiệp lưu cùng sông Phước Long (Đồng Nai).

Như chúng ta đã thấy tất cả nền văn minh thế giới được phát xuất từ các dòng sông danh tiếng, như nền văn minh Euphrate, nền văn minh sông Nile ở Ai Cập, sông Amazone ở Nam Mỹ, sông Gange ở Ấn độ...Mọc lên bên bờ sông là những đô thị sầm uất. Ngày xưa đường bộ chưa thuận tiện cho việc lưu thông, nên việc chuyên chở, buôn bán đều lệ thuộc đường thủy. Theo Hứa Hoành, Nông Nại Đại Phố (Cù Lao Phố) trở nên một trong bốn thương cảng phồn thịnh nhất thời đó.

Nước ngọt và hiền của sông Đồng Nai còn được cung cấp cho Saì Gòn qua nhà máy nước Hóa An, ngoài nhà máy nước Biên Hoà cung cấp cho địa phương.

Tàu dầu vào đến sông Đồng Nai chuyển dầu vào Hãng Dầu gần nhà tôi.

Riêng dòng sông còn cung cấp cho tôi những kỷ niệm ấu thơ khó quên, những mùa nước nhảy đi vớt củi bằng sào khỏi phải lên rừng do mưa từ rừng sâu cuốn trôi củi mục xuống dưới dòng cùng với những trái cây lạ của rừng thiêng; những buổi cắm câu dầm hứng thú thêm nhiều món ăn lạ cho bữa ăn, và những buổi lội ngang sông qua Cù Lao Phố hái trái cây với các bạn tuổi thơ, hoặc chèo xuồng giáp vòng cù lao để khám phá quê nội. Mỗi tấc đất, mỗi khúc sông, là bóng dáng tuổi trẻ thấp thoáng, hiện hình cho tôi chất liệu viết về sau.

Mỗi địa danh nhắc nhở một kỷ niệm, một vọng âm của ký ức, mang dấu vết của một thời hạnh phúc trong một gia đình lễ giáo, ông nội thì lập chùa, đẽo tượng Phật, ăn chay trường.

Cùng với sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Đồng Nai chảy vào cảng Sài Gòn tạo nên một thương cảng (inland port) nổi tiếng vùng Đông Nam Á. (xem bản đồ đính kèm 1 và 2)

Dòng sông còn cung cấp các loại thủy sản đủ các loài thủy tộc, cát thô và cát nhuyễn cộng với gạch, đá, gỗ, đất sét để làm gạch ngói, lu hũ đủ loại rất cần cho kỷ nghệ xây dựng đô thành Sàigòn Chợ Lớn. Địa hình rất thay đổi và hùng vĩ, không bằng phẳng (monotone) như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì nằm ở cuối dãy Trường Sơn, nên Biên Hoà có sơn mạch nên địa thế dàn trải nhiều núi đồi, gò nỏng.