Biên Hùng Liệt Sử

Hà Trung Yên

Hà Trung Yên  

Nhớ tới Biên Hoà bởi Thái Thụy Vy

Đầu năm Nhâm Ngọ, tôi lại nhận được cuốn Biên khảo thứ hai củaThái Thụy Vy mang tên Biên Hùng Liệt Sử. Đây là tác phẩm thứ bảy sau năm tập thơ giấy tím mực tím.

Tôi vẫn mong những người Việt tha hương cố nhớ và viết ra về quê hương thân quí của mình cho mọi người biết và chia sẻ tâm tư, có thể làm cho tình hoài hương mát dịu đi phần nào chăng?

Trong cuốn sách tương đối mỏng nầy, những trang đề cập tới tỉnh Biên Hoà chưa tới sáu chục trang giấy cỡ nhỏ song chứa đựng khá nhiều thông tin. Sách có mười Phụ lục của ông Huỳnh Sanh, nhà văn Duy Lam, Bs Trần Nguơn Phiêu, Ông Vũ Công Lý, Ông Trần Đình, Ông Trần Văn Linh, Ông Trần Nhật Thăng, nhà văn Xuân Vũ, nhà thơ Hồ Công Tâm, và nhà văn Hứa Hoành. Cuối cùng là một số hình ảnh các nhân vật có liên hệ đến tác giả trong mọi giới kể cả cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chụp chung với anh tại Washington D.C.

Tôi là một quân nhân ở trong các đơn vị tác chiến nhiều hơn là ở văn phòng và trung tâm huấn luyện. Đối với tôi địa thế Biên Hoà rất quen thuộc nhưng chỉ biết trên thực địa mà không biết nhiều về lịch sư của một tỉnh quan trọng nằm phía bắc Sài Gòn. Nay được đọc tác phẩm của anh mới biết thêm nhiều về xứ bưởi miền Nam.

Phải đọc từ trang 12 đến 18 mới thấy những nét độc đáo về địa lý phong thủy(feng shui) của Biên Hoà theo cái nhìn của cổ nhân. Hình như thời kỳ mở nước trên đường Nam tiến, các vua nhà Nguyễn đã chọn đây là nơi định cư sớm nhất vì đất tốt, dễ dàng giao thông và phòng thủ. Hai bên bờ sông Đồng Nai quả thật có nhiều vườn ruộng màu mỡ, cây trái đủ loại xum xuê. Tác giả Đò Dọc, Rừng Mắm mà tình yêu quê hương hẳn không kém Thái Thụy Vy nên đã đổi tên Đồng Nai thành Bình Nguyên Lộc để làm bút danh.

Về những nhân vật cận đại sinh trưởng tại Biên Hoà gồm có khá nhiều người nổi tiếng như giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Thẩm phán Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Trần Văn Linh, Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu, ông Châu Kim Nhân, đại tướng Đỗ Cao Trí và các nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, Hoài Khanh, Tô Thùy Yên...Có hai người theo Cộng Sản là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và Huỳnh Văn Nghệ, một giới chức cao cấp quân sự.

Tôi còn nhớ lại trường hợp đặc biệt của Martine Bokassa gây xôn xao dư luận một thời. Chuyện Thủ tướng Tân Gia Ba Lý Quang Diệu hồi nhỏ được một người Trung Hoa mang từ Biên Hoà sang đảo sư tử nuôi. Ông ta có trở về thăm Việt Nam sau khi về hưu.

Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là anh Đỗ Khoa Luật tức Thái Thụy Vy cũng là một nhân vật chính trị hay đúng hơn là có tham gia hoạt động chính trị bề sâu của một đảng theo chú là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Chủ tịch Liên Minh Dân Chủ trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa và ở nước ngoài.

Sự thực lịch sử cho chúng ta rõ vùng Nam phần là lãnh thổ Thủy Chân Lạp trong thế kỷ 17 mà Biên Hoà có tên cũ là xứ Nông Nại Đại Phố. Bước chân Nam tiến của tiền nhân đã đi qua và kiểm soát suốt từ Quảng Bình tới tận hạ lưu sông Cửu Long trở nên lãnh thổ hình chử S hiện nay.

Ngày xưa, dù chúng ta phải triều cống Trung Hoa hằng năm và nhận sắc phong nhưng với hai nước nhỏ hơn là Cam Bốt vá Lào triều đình nhà Nguyễn có ảnh hưởng quyết định đối với nhà vua của hai xứ đó...Quân đội của ta đã từng đồn trú trong lãnh thổ của họ với danh nghĩa bảo vệ họ khỏi bị quân Xiêm La tức Thái Lan ngày nay xâm chiếm.

Sự nghiệp Nam tiến là sự nghiệp thuận chiều tiến triển theo hướng Bắc Nam của con người trong cuối thời kỳ nông nghiệp thô sơ bắt đầu sang thời kỳ kỹ nghệ hơi nước và than đá tương đối ngắn.

Anh Thái Thụy Vy ghi lại những nét đại cương về lịch sử kinh tế và con người của Phiên Trấn và Trấn Biên thuộc Gia Định thành thủa trước, qua giai đoạn Biên Hoà nay là thời kỳ Đồng Nai, có biết bao dâu bể đoạn trường.

Nhớ lại mấy chục năm trước, khóa học chúng tôi trèo lên núi Châu Thới để học bài địa hình, vượt sông Đồng Nai bằng thuyền máy, thưởng thức bưởi ngon Biên Hoà đã nghe tiếng từ ngoài Hà Nội, có lúc đóng quân cạnh Dưỡng Trí Viện, đi xem chiếu bóng tại rạp Biên Hùng, ăn các món cá tuyệt hảo, đi những chuyến tàu Sài Gòn - Biên Hoà và cho tới nay một vài hình dáng các cô gái Biên Hoà vẫn lởn vởn trong tâm trí.

Theo quảng cáo ở trang cuối, anh Thái Thụy Vy sẽ cho ra mắt một số tác phẩm khác trong đó có một tuyển tập truyện ngắn, một chuyện dài dã sử và tiểu thuyết Gió Đồng Nội, Gió Đại Dương.

Chúng ta cũng biết thi sĩ Thái Thụy Vy còn có nghề chụp ảnh nên anh đã thực hiện một CD gồm 2,000 tấm ảnh nghệ thuật.

Nhưng đối với tôi, Thái Thụy Vy là một Chàng Thơ đã có bản sắc. Thơ anh phóng khoáng nhưng đậm đặc nhân bản. Lại có mùi vị thiền tông trong nhiều bài. Màu tím của người nghệ sĩ tài hoa ấy không phải là màu tím hoa sim dã ngoại mà là mầu tím hoa lan phảng phất tính trầm mặc, kiêu kỳ của loài hoa vương giả.

Tôi đọc thơ anh rất chậm. Đọc xong một bài lại gấp để đấy rồi khi thấy lòng thật yên tỉnh mới đem ra đọc lại. Tôi thật ngạc nhiên tính cách trầm tư sâu sắc từ nhận xét về một loài thực vật hay từ những lá hoa gửi kín đáo những thông điệp dịu dàng đầy xúc động.

Tôi ghi lại câu lục bát cuối trong bài Vườn Cây Quê Nội của anh như là một thoáng cảm nhận và đó cũng là tâm sự của chúng ta:

Nhớ ôi! Ôi nhớ làm sao

Muốn về quê nội đêm nào cũng mơ.

Phải, tâm hồn chúng ta lúc nào cũng vương vấn, nhớ thương nơi sinh thành vì đó là kỷ niệm tuyệt vời và là cả máu xương của thân nhân và của bao liệt sĩ, anh hùng nữa.

 

HÀ TRUNG YÊN