Một mạch tìm tới đây, lộ tuyến truy tung theo những vết tích khi mờ khi tỏ không khi nào mất hút. Điều này chứng tỏ có người cố ý dẫn dụ Giang Lăng Hư truy theo, để cho Mạn Diệu phu nhân có thể theo hướng khác đào tẩu. Chỉ coi chính mình cũng bị lừa đến nơi này, đến lúc mất dấu tích mới tỉnh ngộ ra, có thể thấy người này cơ trí cao minh, khinh thân đề tung thuật càng giỏi. Trong số người thuộc xa đội, ngoài Nhậm Dao ra chỉ có Thanh Thị yêu nữ là có khả năng này.
Đương nhiên không phải là Nhậm Dao, y chỉ có cùng Giang Lăng Hư quyết một trận thư hùng, chứ không vội vã làm con chó nhà có tang chạy trốn vườn hoang. Như vậy có đến bảy tám thành là Thanh Thị yêu nữ, mà ả ta có đủ lực lượng tự bảo hộ trước bất kỳ nguy nan nào.
Ả ở Biên Hoang Tập tránh khỏi đám cao thủ như mây cùng vô số Đê binh triệt để tìm kiếm, tất nhiên là một cao thủ trong nghề ẩn giấu tung tích. Giang Lăng Hư chỉ có một mình, trong rừng cây rậm rạp như thế này mà tìm được ả mới thật là lạ.
“Úy!”.
Yến Phi nhảy dựng lên, kinh hãi nhìn lên tàng cây cao cao phía trước, nơi có thanh âm truyền lại, chỉ thấy ánh dương quang buổi sơ đông lấp lánh chiếu qua đám lá cành rậm rạp, không có gì khác lạ.
Bỗng nhiên một trong những tàng cây phát sinh biến hóa, xuất hiện khuôn mặt ngây thơ diễm lệ của yêu nữ Thanh Thị trong y phục hoa lệ và thân hình gợi cảm vươn cao. Nét mặt tươi như hoa, từ chỗ đứng trên thân cây nhảy xuống, trong tay vẫn nâng một tấm vải hoa lớn vẽ đầy cành lá, màu sắc kỳ quái, hạ xuống bên kia bờ suối, sau đó chuyển
thân, tà áo bay bay như một con chim nhỏ màu sắc đẹp đẽ hướng về phía chàng phô diễn toàn bộ thân hình kiều diễm, đến lúc đối diện chàng tấm đại hoa bố đã biến đi đâu mất. Yến Phi lần đầu trông thấy thứ pháp bửu dùng để ẩn thân trong tàng cây này, lắc đầu cười nói: “Chẳng trách cô dám bán rẻ bọn ta, nguyên lai có cái trò ẩn thân này”.
Nhậm Thanh Thị thu liễm nét mặt vốn lúc nào cũng hoan hỉ, trề cặp môi xinh, tới ngồi lên một tảng đá bên kia bờ dòng suối nhỏ rộng chừng nửa trượng, âu sầu nói: “Đừng có tính lại nợ cũ với người ta có được không? Lần đó coi như ta không đúng đi, bất quá nô gia đã lập tức sau đấy hối hận đến muốn chết, cho nên mới không bồi thêm một đòn, hai cái trứng thối các ngươi chẳng đã nhờ phúc ấm tổ tông mà tránh khỏi đại nạn rồi sao? Ngươi biết nô gia vì sao mà ân hận không?”.
Yến Phi thầm nghĩ yêu nữ ngươi toan bài dụ dỗ muốn mê hoặc lão tử, dù ngươi chân tình hay giả ý thì lão tử tóm lại đều không hứng thú. Nghĩ thì là nghĩ thế, trong đầu bất giác lại hiện lên cảnh tượng hôm nào ả từ dưới thủy trì xuất hiện, toàn bộ đường nét lồi lõm uốn khúc lồ lộ trên thân hình đẹp đẽ. Cũng bất giác hết sức ngạc nhiên, bản thân từ sau chuyện thương tâm ở Tràng An đến giờ, gặp mỹ nữ tâm hồn luôn luôn như nước giếng không hề xao động, vì sao yêu nữ trước mặt lại có thể làm khơi lên những ý niệm quanh quéo? Nghĩ đến đấy, đôi mắt sâu thẳm thần bí và mỹ lệ lại bập bềnh trong tâm trí.
Thanh Thị không ngừng hối thúc: “Mau đáp ứng người ta một vấn đề, ngươi là người tốt mà! Hê! Vừa rồi ngươi cười rất dễ coi, động tác lúc uống nước lại càng tiêu sái”.
Yến Phi khẽ lắc đầu, cố xua đi khỏi đầu những ý nghĩ khổ sở và không vui, nhíu mày nói: “Tiêu Dao giáo các người bị Giang Lăng Hư hạ độc thủ giết hại toàn đội nhân mã, ngươi vẫn còn nhởn nhơ ở đó mà nói mấy chuyện đó sao?”.
Thanh Thị trợn đôi mắt to đẹp nhìn chàng, ngạc nhiên nói: “Ngươi làm sao biết là chính tay Giang lão yêu hạ thủ?”.
Yến Phi thầm nghĩ nếu Giang Lăng Hư là lão yêu, vậy ả phải là tiểu nữ yêu, không hề tức khí nói: “Ta đang có chuyện cần làm, ngươi đã có cách tự bảo mệnh, ta phải lập tức lên đường”.
Khóe miệng Thanh Thị chợt lộ một nét cười giảo hoạt, nói: “Gặp nhau đâu dễ, người ta còn muốn nói chuyện rất quan trọng liên quan trực tiếp tới gã bằng hữu ngốc nghếch của ngươi mà”.
Yến Phi lấy làm lạ: “Ngươi không sợ lệnh huynh sao? Dám bán đứng y sao?”.
Thanh Thị mặt hoa thất sắc, không thể tin được nói: “Ngươi làm sao biết được lắm chuyện thế?”.
Yến Phi thở dài: “Nhân vì khi đó ta chưa rời đi, nghe thấy các ngươi đối thoại, về sau để cho lệnh huynh phát hiện, mọi người còn hùng hổ đánh nhau một trận”.
Thanh Thị càng mở to đôi mỹ mục, thất thanh nói: “Ngươi rốt cuộc có thể toàn thân rút lui?”.
Yến Phi cười nhẹ: “Ta chả phải đang sống khỏe đây sao?”.
Nói xong liền đứng dậy.
Thanh Thị cũng nhảy lên, nói: “Không thể thế được, ngươi được bao nhiêu cân lượng nô gia biết rõ mà”.
“Phanh!”.
Hai người cùng ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy xa xa trên cao phía tây nam bùng lên một quầng sáng màu lục rất đẹp.
Thanh Thị biến sắc nói: “Không hay rồi! Giang lão yêu cuối cùng đã đuổi kịp tiện nhân Mạn Diệu, nô gia phải đi đây! Ài! Còn có nhiều chuyện phải nói với ngươi mà!”.
Yến Phi nghe một câu “tiện nhân” của ả, hiểu rằng trong quan hệ của ả với Mạn Diệu phu nhân có gì đấy không rõ ràng, đang muốn tìm hướng khác ly khai, không biết sao tự đáy lòng có cảm giác không ổn, mà sự thực chàng đối với Thanh Thị không có tí trách nhiệm nào.
Lại trầm ngâm một chút, cuối cùng ngầm thở dài một hơi, đuổi theo hướng Thanh Thị vừa đi khuất. Trong lòng thầm nghĩ lần này nếu lại gặp phải Nhậm Dao thì đúng là mình tự tác nghiệt.
o0o
Phù Kiên ngồi trên một tảng đá, mặc cho tả hữu cởi bỏ chiến giáp thấm máu, rút tên trị thương, hối hận và đau đớn tựa như độc xà gặm nhấm trái tim, khiến y có cảm giác tê tái, nỗi đau khổ toàn thân tựa như cách xa ngàn trùng.
Ngựa phì ra khói, người thở hổn hển.
Toàn lực bôn đào, bọn họ tới được khu rừng thưa phía bắc Nhữ Âm thành, chiến mã chạy liên tục từng con từng con đổ gục, nguyên bổn hơn năm ngàn kỵ binh chỉ còn lại hơn
ngàn, một số theo không kịp, hoặc là trên đường thất tán, một số cố tình bỏ đi, nhân vì không còn coi trọng Phù Kiên nữa.
Vẫn theo bên cạnh ngoài Khất Phục Quốc Nhân, chỉ có đại tướng bổn tộc là Lữ Quang, Quyền Dực, Thạch Việt, Trương Mông, Mao Đáng mấy người. Người nào người nấy hiểu rằng dù trở về đến Biên Hoang Tập, bọn họ vẫn thân tại hiểm cảnh.
Quyết định nam chinh được ấp ủ từ năm trước, do Phù Kiên lần đầu tiên đề xuất trong một buổi nghị triều, trong những người phản đối thì Quyền Dực và Thạch Việt càng cố chết can gián, người y tín nhiệm nhất là Phù Dung cũng kiên trì ý kiến phản đối. Hiện tại Phù Dung đã chết thảm bên bờ Phì Thủy, mối hận đã thành định cục, hiện tại còn lại một mình với Biên Hoang Tập, liệu y có thể ngóc đầu trở dậy hay không?
Vị phu nhân được y sủng ái nhất là Trương phu nhân cố hết sức ngăn cản hắn nam chinh, lời nói vẫn còn văng vẳng bên tai: “Thiếp nghe thiên địa nuôi dưỡng vạn vật, thánh vương trị vì thiên hạ, không khi nào không thuận theo tự nhiên, như vậy mới có thể thành công. Hoàng đế thuần phục ngựa trâu thì phải thuận theo bổn tính của ngựa trâu, Đại Vũ trị thủy phải thuận theo địa thế, Hậu Tắc gieo cấy trồng trọt trăm loài cây phải theo thời vụ, Thang, Vũ diệt Kiệt, Trụ phải thuận lòng dân. Từ đó mà coi, làm bất kỳ chuyện gì đều phải thuận với tự nhiên. Hiện tại đại thần mọi người đều nói không thể phạt Tấn, bệ hạ lại một mình nhất quyết cứ làm, không biết bệ hạ thuận theo cái gì? Dân gian nói: 'Gà gáy về đêm bất lợi xuất sư, chó cùng sủa cung thất hoang vắng, động binh xuất mã, đều thua bại mà không có đường về.' Kể từ thu đông năm nay đến giờ, gà thường thấy gáy về đêm, chó suốt đêm kêu gào thê thảm, chiến mã trong chuồng rất hay kinh hãi, vũ khí trong kho thường tự động phát ra âm thanh, đấy đều là những triệu chứng không tốt cho việc xuất binh”.
Khi đó y chỉ đáp lại một câu: “Chuyện đánh trận hành quân, không phải là việc nữ nhân các khanh nên tham dự!” để ngăn nàng ta nói.
Lúc này mới biết thuốc hay đắng miệng, Trương phu nhân câu nào câu nấy đều là ngôn từ vàng đá, mình còn mặt nào về trông thấy nàng ta?
Nếu có Vương Mãnh khi ấy thì thật là hay, hắn chắc chắn có thể ngăn cản việc nam chinh.
Lại nhớ đến Vương Mãnh trước lúc lâm chung, từng nói với mình: “Nam Tấn ở miền Giang Nam, vua tôi đoàn kết nhất trí, không thể coi thường mà xuất binh. Sau khi thần chết, hy vọng Thiên vương ngàn vạn lần chớ chủ trương công phạt Nam Tấn. Tiên Ti, Tây Khương là cừu địch của chúng ta, cuối cùng sẽ phát sinh phản loạn, Thiên vương cần từng bước tiêu diệt bọn họ”.
Ngày trước khi quyết định nam chinh, y mang di ngôn của Vương Mãnh bỏ ra ngoài trí não, hiện tại lại hối mà không kịp.
Giọng nói của Khất Phục Quốc Nhân vang lên bên tai: “Chúng ta cần phải tiếp tục hành trình, trở về Biên Hoang Tập trong thời gian nhanh chóng nhất, mời Thiên Vương khởi giá”.
Phù Kiên miễn cưỡng nén cơn đau xé thịt, đứng dậy lên ngựa đi.
o0o
Hai kỵ sĩ Bắc Phủ binh lao như tên bắn qua Chu Tước kiều, vó ngựa dồn dập đạp trên đường ngự đạo, một người phi nhanh về phía cổng thành, người kia quẹo vào hẻm Ô Y. Chỉ coi hình dạng phong trần là biết bọn họ vừa từ tiền tuyến phóng về, giữa đường đã nhiều lần thay ngựa, vệ sĩ coi cửa quan biết có việc khẩn yếu, đâu dám cản trở.
Tiếng vó ngựa phá tan không gian trữ tình của sông Tần Hoài và cư dân hai bên đường ngự đạo vừa vào đêm, người qua đường cố nhiên dừng bước nhìn xem, dân trong nhà thì chạy ra cửa để coi thực hư.
Hai kỵ sĩ không kềm nổi niềm phấn khích trong lòng, đồng thanh hô lớn: “Thắng trận rồi! Thắng trận rồi!”.
Tiếng hô của chúng lập tức kéo theo một trận gào thét kích động, những người nghe tiếng đều hoan hỉ chạy như điên cuồng ra đường, vẫn còn chút không thể tin được, tranh nhau hỏi han, tình cảnh thật là vừa hỗn loạn vừa hưng phấn.
Kỵ sĩ phi về hướng cửa thành ngồi trên lưng ngựa ra sức gân cổ hét to: “Chiến dịch Phì Thủy thu được toàn thắng, Phù Kiên chạy trốn rồi!”.
Binh sĩ trông coi cổng thành hò la vang trời, ai nấy đều như thể điên cuồng. Từ một chuyện không thể có cuối cùng biến thành hiện thực, thiên hạ đều mến phục kỳ công vĩ đại mà Tạ An sáng tạo nên.
Lúc này Tạ An đang cùng Chi Độn chơi cờ vây ở Vong Quan hiên, nghe thấy tiếng ồn ào của quần chúng trên đường ngự đạo, nhưng không rõ làm sao, nhíu mày nói: “Đã phát sinh chuyện gì?”.
Chi Độn trong lòng cũng phân vân, nói: “Hay là chiến sự đã có kết quả?”.
Tạ An mỉm cười: “Thì ra đại sư trong lòng khi nào cũng đeo nặng việc này, cho nên mới lập tức nghĩ đến phương diện đó. Nếu chiến sự có kết quả, bọn họ đương nhiên sẽ dùng phi cáp truyền thư chuyển tin nhanh về, trừ phi...”.
Hai người đồng thời trố mắt nhìn nhau.
Chi Độn tiếp tục nói: “Trừ phi là đại thắng toàn diện, Phù Kiên phải chạy về phương bắc, khi đó theo lệ trong quân, tiểu Huyền phải phái người về báo cáo”.
Nói chưa xong, Tống Bi Phong đã đưa gã lính truyền tin chạy xộc vào, phía sau còn thấy cả đám hơn trăm người phủ vệ tỳ bộc, không ai còn tôn kính quy củ sâm nghiêm của Tạ phủ.
Người lính truyền tin chạy tới quỳ xuống bên Tạ An, hưng phấn đến mức nhiệt lệ trào ra, run giọng nói: “Bẩm cáo An công, quân ta sớm hôm nay cùng hai mươi lăm vạn quân Phù Kiên cách sông đối trận, Huyền soái thân suất tinh kỵ, nhờ những bao đá vụn giấu dưới lòng sông, chia ba đường vượt sông tấn công, bắn chết Phù Dung tại trận, quân Tần đại bại, chạy trốn tứ tung, tự giày xéo lên nhau hoặc rơi xuống nước mà chết không thể đếm được. Hiện giờ Huyền soái dẫn kỵ binh đuổi theo Phù Kiên, thẳng tới Biên Hoang Tập”.
Tạ An thần thái ung dung đứng nghe, sắc mặt vẫn tĩnh như mặt nước lặng, toàn thể Vong Quan hiên yên lặng đến mức cây kim rơi xuống vẫn nghe được, chúng thị vệ tỳ bộc chen chúc nhau gần cửa ai nấy đều không dám thở mạnh, chờ đợi phản ứng đầu tiên của người mà trong lòng họ sùng kính nhất.
Tạ An cầm quân cờ đen đặt xuống bàn cờ, nhẹ nhàng nói: “Ván này ta thắng rồi”. Chi Độn không thèm liếc nhìn bàn cờ lấy nửa cái, chỉ dán mắt vào ông.
Sự thực mỗi cặp mắt đều dán mắt vào ông không hề chớp, đại chiến tuy phát sinh ở Phì Thủy, chính Tạ An mới là nhân tố quan trọng trong trướng vận trù, quyết thắng ngoài ngàn dặm.
Tạ An vuốt râu cười, ung dung thoải mái nói: “Bọn trẻ thế là đã phá được giặc rồi!”. Chúng nhân đồng thanh hoan hô, hò hét giải tán, tranh nhau đi báo cho những người trong phủ còn chưa biết tin.
Chi Độn thì yên lặng mỉm cười, liếc nhìn Tạ An đầy thâm ý, như muốn nói tới tận thời khắc này ông vẫn còn thi hành thủ đoạn “trấn để mà tĩnh”.
Sự thực có thể khẳng định trong tâm khảm ông tất vẫn ngầm đau đáu một nỗi niềm, đến giờ mới kêu lên may mắn.
Tống Bi Phong nói: “Thỉnh An công lập tức khởi giá, vào cung chúc mừng Hoàng thượng!”.
Tạ An cười cười đáp trả cặp nhãn thần đầy ám muội của Chi Độn, nói: “Giúp ta khoản đãi vị tiểu ca này, chuẩn bị ngựa!”.
Tống Bi Phong vội đưa người báo hỉ tín đi ra.
Chi Độn đứng lên nói: “Tạ huynh không phải lo cho ta, muốn chơi cờ cứ việc gọi ta, ván cờ vừa xong ta tuyệt không tâm phục”.
Tạ An cười ha hả, sau khi cáo lỗi vội vã đi ra, qua ngưỡng cửa, Chi Độn từ đằng sau kêu: “Tạ huynh coi chừng dưới chân”.
Tạ An ngạc nhiên nhìn xuống, vốn lúc vượt qua ngưỡng cửa, ông đã để chiếc guốc gỗ dưới chân va sứt mất một miếng mà không biết, mà chính Chi Độn trông thấy. Tạ An lắc đầu gượng cười đi luôn.
Chính là “Đông sơn cao ngọa thời khởi lai, dục tế thương sinh ưng vị vãn, đãn dụng Đông sơn Tạ An Thạch, vi quân đàm tiếu tĩnh hồ sa”.
(Tạm dịch: Đông sơn nằm khểnh thời trở lại, muốn cứu dân đen còn chưa muộn, chỉ cần có Tạ An Thạch, làm vua cười nói yên xứ Hồ”).
o0o
Tạ Huyền phóng ngựa lên đồi cao, nhìn ra xa xa vầng trăng sáng treo cao trên bầu trời Nhữ Âm thành, phía sau là Lưu Dụ và hai ngàn tinh kỵ theo sát đến nơi mới kềm ngựa dừng lại.
Cùng là ánh trăng sáng tỏ, nhưng trong con mắt Tạ Huyền, lại có ý nghĩa khác hẳn, nhân vì vầng trăng chiếu xuống mặt đất đối với Phù Kiên vừa thảm bại làm liên tưởng đến những biến hóa rung trời chuyển đất, lại không thể nào hồi phục tình thế trước kia.
Lòng người thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp cách nhìn của người ta đến vầng trăng muôn đời bất biến.
Tám năm sau khi Phù Kiên thống nhất bắc phương, một lần nữa bắc phương lại ngập trong chiến loạn. Lần này tình thế hỗn chiến của các tộc Hồ lại còn ác liệt thê thảm hơn trước thời Phù Tần.
Tạ Huyền nếu trận chiến này thu được thắng lợi, có ý muốn thuận lợi dốc toàn lực thu phục bắc phương, nhưng mà Hoàn Xung mất đi, thay vào đó là Hoàn Huyền, khiến y đối với mong muốn này không nắm vững chút nào.
Thiếu chi viện về binh mã và lương thảo của Kinh Châu, hành động của y sẽ gặp khó khăn, huống chi bên trên còn có triều đình ngáng trở.
Sự thực sau khi Hoàn Huyền được thăng làm Đại tư mã, vì quân quyền Kinh Châu độc lập, so với y hắn càng có điều kiện bắc phạt. trong tình huống này, một ngày Hoàn Huyền không dụng binh đối phó bắc phương, y thật vô phương tiến quân lên phía bắc, bởi vì y cần phải lưu giữ Bắc Phủ, để khống chế Hoàn Huyền. Tình thế đột nhiên phát triển đến bước này, đúng là không sao kịp chuẩn bị, bỏ lỡ cơ hội tốt.
Đối với dã tâm của Hoàn Huyền, y biết rõ hơn ai hết, hắn ta luôn không cam lòng chịu đứng dưới y trong bảng “Cửu Phẩm cao thủ”, từng hai lần ước hẹn giao đấu, danh thì là vì xin học hỏi, kỳ thực dụng tâm ai cũng biết, đều bị bản thân dùng lý do “Đều là trọng thần triều đình” mềm mỏng từ chối.
Có thể thấy khi Mộ Dung Thùy triệt thoái khỏi Vân thành, Hoàn Huyền mang quân đuổi đánh kỳ cùng, một mặt thu hồi vùng Biên Hoang, mặt khác xua quân tiến công Xuyên, Thục, để mở rộng địa bàn, cũng có khả năng danh chính ngôn thuận chiêu mộ thổ hào các nơi, khiến triều đình không còn dám có ý tước đoạt quân quyền của hắn nữa.
Tạ Huyền với uy thế đánh bại Phù Kiên, các lực lượng phản động địa phương tạm thời co đầu rụt cổ, không dám vọng động.
Nhưng một khi cùng Hoàn Huyền ra mặt xung đột quyền lợi, lại thêm vào Tư Mã Đạo Tử mượn gió giương buồm, phá hoại cục diện đoàn kết mà nhị thúc và Hoàn Xung mất bao công sức tạo nên, đại loạn sẽ như sóng thần phá đê tràn đến, tình hình nam phương cũng sẽ chẳng hay hơn bắc phương bao nhiêu.
Tạ Huyền bất giác thở dài, những chuyện trong đầu làm cho niềm vui thắng lợi trở nên u ám hẳn.
Lưu Dụ ở đằng sau nhỏ giọng: “Huyền soái vì đâu mà than thở?”.
Tạ Huyền hít thở một hơi thật dài, rũ bỏ tạp niệm trong lòng, nói: “Chúng ta từ đây phi ngựa hết tốc lực, dù không thể đuổi kịp Phù Kiên trên đường, tính ra cũng có thể vào Biên Hoang Tập trước một bước để cung hầu đại giá Phù Kiên. Đi thôi!”.
Nói xong dẫn đầu phi xuống sườn núi, hai ngàn tinh kỵ binh như một cơn gió lốc cuốn thẳng về Nhữ Âm thành.
Chú thích:
1- Hối cũng không kịp.