Phong trào nhận nuôi lợn khoán bùng lên khiến Ban quản trị Gia Đạo lo sốt vó về việc tìm lợn giống để cung cấp cho hộ xã viên. Tìm đủ các nguồn nhưng cũng chỉ cung cấp đủ cho một phần ba số hộ đăng ký. Cuối cùng đành phải chạy lên cầu cứu huyện. Buổi sáng sớm Chi đang lau chùi bàn ghế chuẩn bị cho một ngày làm việc thì Tế lù lù đạp xe vào. Chi lo lắng không biết có chuyện gì mà Tế lại lên sớm như vậy. Chưa để Tế kịp chào hỏi, Chi đã hỏi trước:
- Có chuyện gì không mà lên sớm vậy?
Nhìn thấy thái độ lo lắng của Chi, Tế đùa:
- Vâng. Chuyện hết sức nghiêm trọng nên chúng tôi chạy lên cầu cứu bí thư huyện ủy.
Nghe Tế nói vậy, Chi càng hốt:
- Có chuyện gì sao không nói nhanh lên mà cứ ề à như vậy?
Tế nhịn cười nói thủng thẳng:
- Ấy là chuyện thế này. Ở Hợp tác xã chúng tôi số người đăng ký nhận nuôi khoán lợn đã lên đến trên một trăm ba mươi hộ. Một tình huống chưa tính đến là lợn giống. Các hộ đã nhận tiền mua giống rồi nhưng nhiều hộ loay hoay không biết mua giống ở đâu.
- Hiện còn thiếu bao nhiêu con lợn giống nữa?
- Khoảng trên dưới năm chục con.
Chi kêu lên:
- Sao thiếu nhiều thế?
- Chúng tôi không ngờ bà con đăng ký nhận khoán nhiều như vậy. Hợp tác cũng cố gắng lùng khắp nơi mua cho bà con nhưng vét khắp vùng cũng chỉ cung cấp được một nửa.
Chi ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:
- Hiện nay trong huyện ta có trại lợn giống ở Bồng Lạng. Nhưng đó là trại lợn giống của Ty Nông nghiệp tỉnh chứ không phải của huyện.
Chi vừa nói đến đó đã thấy chiếc xe chở ông Kim từ từ chạy vào sân. Chi nói như reo:
- Khấn Phật, Phật hiện. Sao mà thiêng thế không biết.
Hai người đứng lên chạy ra đón ông Kim. Ông Kim tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy Tế. Ông hỏi:
- Ông Tế có việc gì mà mò lên đây sớm thế?
- Không có gì đâu ạ - Tế nói - Chỉ có một việc cỏn con thế này thôi. Hợp tác chủ trương khoán lợn cho hộ, bà con rất hào hứng nhận khoán. Nhưng vấn đề là thiếu đến nửa số lợn giống đăng ký mà không biết tìm mua ở đâu. Hợp tác nhận giúp nhưng không ra nên mới lên cầu cứu bí thư huyện ủy. Bí thư huyện ủy bảo việc này chỉ có bí thư tỉnh ủy mới giải quyết nổi.
Ông Kim cười thật sảng khoái:
- Các cậu bàn tính với nhau khi nào mà giỏi thế. Chắc đang bí nên khi thấy tớ có mặt liền đổ cái bí ấy lên đầu tớ có phải không?
Chi nói:
- Đấy là do Ban quản trị Gia Đạo chứ không phải em đâu. Vừa rồi em cũng nói với anh Tế là Hợp tác xã Gia Đạo muốn em làm bí thư huyện ủy kiêm lái lợn đấy ạ.
Ông Kim rít xong điếu thuốc lào, nhấp một ngụm nước rồi nói thủng thẳng:
- Tớ nói đùa cho vui chứ chuyện không nhỏ đâu. Bà con đang hào hứng nhận khoán mà để bà con thất vọng sẽ làm mất lòng tin. Vì vậy phải tìm mua bằng được giống cho bà con.
Chi nghe ông Kim nói vậy nên nói luôn:
- Em cũng nghĩ như thế nhưng cử người đi gom từng con thì chẳng biết đến khi nào mua đủ cho bà con. Hiện nay trên địa bàn huyện Tam Bình có trại lợn của Ty Nông nghiệp ở Bồng Lạng chuyên cấp lợn giống cho các trại lợn của quốc doanh, không biết đến hỏi mua cho Hợp tác xã nông nghiệp có được không?
Ông Kim biết Chi muốn mình can thiệp với trại giống Bồng Lạng nhưng còn vòng vo nên ông sổ toẹt:
- Cứ nói thẳng ra là nhờ tớ nói hộ với Ty Nông nghiệp cho xong chuyện. Vòng vo làm gì cho mất thì giờ.
Chi cười nói luôn ý định của mình:
- Được thế càng hay. Nhưng chúng em chỉ cần anh viết cho mấy chữ, chúng em cầm thẳng đến trại lợn giống Bồng Lạng để liên hệ, anh khỏi mất công nói với Ty Nông nghiệp.
- Tớ không làm ăn kiểu cắt ngang như vậy được đâu. Trại lợn giống là do Ty Nông nghiệp quản lí chứ không phải tỉnh ủy quản lí. Lát nữa tớ sẽ gọi điện về cho tay Tấn, trưởng Ty hỏi xem sao. Nếu vì một lí do nào đó chính đáng mà nó bảo không được thì tớ cũng không thể bắt ép nó bán lợn giống cho các cậu được. Ông Tế định mua bao nhiêu con lợn giống?
Tế đáp luôn:
- Càng nhiều càng tốt ạ. Hiện tại Gia Đạo có hơn một trăm ba mươi hộ đăng ký nhận khoán. Nếu một nửa số người đăng ký mua được thì càng tốt.
- Có nghĩa các cậu muốn trại giống bán cho các cậu khoảng bảy chục con?
- Không dám ước đến thế đâu ạ.
- Có ước cũng chẳng được. Tớ sẽ nói chúng nó cố gắng bán cho các cậu bốn mươi con.
Tế reo lên:
- Được thế cũng quá may cho chúng em rồi. Sáng nay thấy em dắt xe đạp đi lên huyện, u em chạy ra đón ngõ. Không ngờ vía của u em lại may mắn đến thế.
Ông Kim đùa:
- Nếu không mua được thì sao? Lại về cằn nhằn rồi đuổi mẹ ra khỏi nhà đi ăn xin như ngày nào chứ gì?
- Không có chuyện đó đâu ạ. U em bây giờ là lãnh đạo gia đình. Vừa rồi xung phong nhận khoán hai đầu lợn đấy bác ạ. Nhà em đã chạy về bên ngoại mua được ba con giống. Nhà nuôi hai con, còn một con để cho cô Hoang.
Ông Kim hỏi Tế:
- Ban quản trị Gia Đạo đã trao đổi với nhau về bản dự thảo chưa?
Tế đáp:
- Đã ạ. Không những trao đổi mà còn triển khai thực hiện một số biện pháp khoán như gợi ý của bản dự thảo.
- Các cậu cầm đèn chạy trước ôtô mà không sợ bị xe cán à?
Tế cười đáp:
- Chúng em thực hiện câu nói của bí thư là việc gì làm lợi cho dân, cho tập thể thì chẳng có tội. Vì thế chúng em chẳng sợ.
- Các cậu đừng có chơi cái trò trăm dâu đổ đầu tằm. Trước khi cấp trên trị tớ, tớ sẽ trị các cậu trước đã.
Nói xong ông Kim đi đến chiếc điện thoại đặt ở góc phòng gọi điện cho Tấn, trưởng Ty nông nghiệp tỉnh. Chi và Tế căng hết tai mình ra nghe cuộc đối thoại giữa ông Kim và Tấn.
- …Thế thì nhất cậu rồi. Trả lời sớm nhé. Cứ gọi trực tiếp cho bí thư huyện ủy Tam Bình…
Ông Kim cười rất to rồi bỏ điện thoại xuống quay về chỗ ngồi của mình.
Chi hỏi:
- Anh lại tán gì với ông Tấn đấy?
Ông Kim cười khà khà:
- Hắn bảo tớ mê bí thư huyện ủy Tam Bình nên mới tích cực giúp đỡ như vậy. Tớ bảo bí thư Tam Bình xinh đẹp thế dại gì mà không mê.
- Anh chỉ được cái nói linh tinh là không ai bằng.
- Được khen thích quá còn giả vờ trách với móc. Ông Tế đi lên đây bằng gì đấy?
Tế đáp:
- Em đi xe đạp ạ.
- Ông đi kiếm dây, ra bảo với cậu Hành buộc xe đạp vào sau đít xe ôtô rồi cùng ngồi xe về Gia Đạo với chúng tớ. Còn cô nàng xinh đẹp kia còn vướng víu gì thì giải quyết nhanh để đi.
Chi lườm:
- Dạo này anh ăn nói có vẻ mạnh mồm nhỉ.
- Niềm vui làm người ta trẻ ra và thích nói đùa đồng chí bí thư huyện ủy ạ.
Chi lấy cái túi xách đi ra xe cùng ông Kim.