Bao cầm bản dự thảo của Đình đưa cho đọc lướt qua sau đó ngẩng đầu lên hỏi:
- Bản dự thảo này không thông qua Ban thường vụ à?
Đình đáp:
- Hiện tại chỉ gửi cho các ủy viên thường vụ, các bí thư huyện ủy, bí thư đảng ủy xã và một số Chủ nhiệm Hợp tác xã nghiên cứu và góp ý để hoàn chỉnh rồi mới thông qua. Nhưng tôi không chờ họp để góp ý kiến mà hôm qua tôi đã trực tiếp gặp ông Kim để nói lên quan điểm của mình về bản dự thảo rồi.
- Ông Kim nói sao?
- Ông Kim tỏ ra tức giận vì tôi dám phê phán thẳng những sai trái về quan điểm của bản dự thảo này. Ông ấy bảo dù có bị đưa lên giàn thiêu thì ông ấy vẫn khẳng định việc làm của mình là đúng.
Bao kêu lên:
- Đúng là ngông cuồng.
Đình đập tay xuống bàn reo lên:
- Hay. Anh dùng hai tiếng ngông cuồng để chỉ tính cách của ông Kim không sai chút nào. Một con người cực đoan đến độ ngông cuồng.
Bao hỏi:
- Anh đánh giá thế nào về bản dự thảo này?
Đình làm bộ ngẫm nghĩ giây lát mới nói:
- Theo tôi với bản dự thảo này vô tình ông Kim và ông Côn đang tiến dần đến chỗ xóa bỏ con đường tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa, mở đường cho nông dân quay lại con đường làm ăn cá thể. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hậu quả tai hại không lường hết được. Tôi đề nghị sau khi nghiên cứu kỹ, anh trao đổi lại với các đồng chí trong tổ phái viên và báo cáo về Ban bí thư để Ban bí thư nắm được và có biện pháp ngăn chặn.
Bao gật đầu:
- Để tôi đọc kỹ và trao đổi với anh Ẩn, anh Sắc xem sao đã. Nếu thật sự nghiêm trọng như anh nói, chúng tôi sẽ báo cáo để Ban bí thư nắm được. Theo anh thì các ủy viên thường vụ tỉnh ủy có đồng tình với bản dự thảo này không?
Không cần suy nghĩ, Đình đáp luôn:
- Tôi nghĩ có đến năm mươi phần trăm không đồng tình nhưng chẳng ai dám nói ra.
Bao ngạc nhiên:
- Sao không dám nói. Sợ ông Kim à?
- Sợ thì không nhưng cả nể thì chắc chắn là có. Công bằng mà nói, ông Kim rất nhiệt tình với công việc của cách mạng, đặc biệt là những việc liên quan đến nông dân. Có lẽ do ông xuất thân từ tầng lớp bần cố nông nên vẫn còn mang nặng bản chất giai cấp của mình. Biểu hiện rõ nhất là tính gia trưởng và tùy tiện.
Bao phản đối:
- Nếu nói do xuất thân từ thành phần bần cố nông mà có tác phong tùy tiện, gia trưởng cũng không hẳn là đúng, bởi trong số các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta cũng có rất nhiều đồng chí xuất thân từ tầng lớp bần cố nông. Nhưng họ là những người lãnh đạo mẫu mực cả tài lẫn đức.
- Nhưng những đồng chí đó đã dũng cảm từ bỏ bản chất của giai cấp mình và nhanh chóng tiếp thu tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân. Bản thân tôi cũng làm một cuộc lột xác đầy đau đớn để thoát khỏi cái đuôi bần cố nông của mình để trở thành một con người như hôm nay. Còn ông Kim thì hầu như vẫn giữ nguyên bản chất của mình từ ăn mặc, nói năng, cách ngồi hút thuốc lào cho đến suy nghĩ và hành động của mình. Bản dự thảo này mang dấu ấn rõ nét về tác phong tùy tiện của ông ấy. Nghĩ đâu làm đó chứ không chịu dùng lập luận để kiểm chứng việc mình đang làm sai đúng ở chỗ nào.
Bao cầm bản dự thảo đọc lướt qua lần nữa rồi đặt xuống bàn hỏi Đình:
- Có khi anh cho tôi mượn bản dự thảo này để tôi nghiên cứu và làm việc trước với tổ phái viên cái đã. Sau này có thế nào ta tính sau. Anh thấy có được không?
Đình thở phào:
- Anh cứ cầm lấy để làm việc. Những gì viết trong ấy tôi đã ghi vào óc của mình rồi.
Bao khen:
- Anh có một bộ óc tuyệt vời nhỉ.
Đình nói giọng tự phụ:
- Đó là yêu cầu của một anh làm công tác tuyên huấn. Anh cần có một trí nhớ chỉ cần nghe tin tức trên đài phát thanh, anh có thể kể lại tin tức ấy cho một người khác nghe đầy đủ nội dung của bản tin. Không phải khoe khoang với anh chứ tôi có thể tổng hợp tình hình thời sự trong tháng đã nghe qua đài phát thanh và các báo đã đọc mà không cần có sổ ghi chép để ở trước mặt.
Bao cười:
- Thế thì tuyệt vời đấy. Tỉnh ủy bố trí anh làm trưởng ban tuyên huấn là chính xác.
Đình thổ lộ:
- Thế mà năm ngoái ông Kim định đẩy tôi đi làm chuyên gia cho Lào đấy.
Bao ngạc nhiên:
- Thế à? Chắc muốn loại trừ một người thường xuyên chống đối ông ta có phải không?
- Nếu không vì ý đồ ấy của ông Kim thì tôi sẵn sàng đi chứ chẳng khi nào từ chối. Cũng phải đấu tranh tư tưởng mãi đấy. Mình là một thường vụ tỉnh ủy mà từ chối nhiệm vụ thì chẳng ra làm sao. Có thể có dư luận xấu về mình. Nhưng mình đi vì ý đồ xấu của người khác thì hóa ra mình là kẻ nhu nhược. Con người ta thắng được mình đôi khi không dễ.
- Lần đầu tiên tôi nghe anh kể chuyện này đấy.
- Có hay ho gì đâu mà kể. Cũng có người nghĩ rằng tôi hay chống đối lại ông Kim là vì tôi ganh tị. Bề dày tham gia cách mạng của ông ấy như thế làm sao tôi ganh tị nổi. Nhưng tôi lại là người được đào tạo bài bản về lí luận chủ nghĩa Mác Lê-nin. Con ruồi bay qua tôi biết nó là con ruồi mang quan điểm tiến bộ hay phản động. Vì vậy tôi dị ứng rất nhanh với những việc làm sai trái với quan điểm đường lối của Đảng.
Bao đồng tình:
- Tôi cũng giống anh ở điểm đó. Với tôi, vi phạm đạo đức trong sinh hoạt có thể tha thứ được vì nó chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân. Nhưng sai phạm trong quan điểm lập trường sẽ làm hại đến Đảng, đến nhân dân. Có người thấy tôi giữ nguyên tắc cho rằng tôi bảo thủ, giáo điều. Nếu sợ mang tiếng bảo thủ, giáo điều mà không dám đấu tranh với những việc làm đi ngược lại với quan điểm đường lối của Đảng thì tự mình tước mất danh hiệu đảng viên của mình chứ chẳng cần ai khai trừ mình cả.
Đình hỏi thăm dò:
- Anh có định báo cáo việc này với Ban bí thư không?
- Để tôi trao đổi với anh Ẩn và anh Sắc xem sao rồi mới quyết định có nên báo cáo hay không.
Đình ngập ngừng giây lát rồi hỏi Bao:
- Anh có nhận thấy anh Ẩn và anh Sắc đang dao động trước việc làm của một số Hợp tác xã trong tỉnh của tôi không?
Bao đáp:
- Có lẽ hai anh ấy thận trọng thì đúng hơn.
- Không phải thận trọng đâu mà đang phân vân. Tôi nhận xét vậy anh đừng nói lại với anh Ẩn và anh Sắc nhé.
- Tính tôi không hay đôi co mách lẻo.
Đình chưng hửng, biết mình nói ra câu vừa rồi là dại.