Xe chạy vào thôn Quyết Tiến. Trời khô hanh. Nắng nỏ hoe hoe khiến cho bầu không khí loãng tuệch làm ông Kim mệt rã rời. Nhìn thấy lũy tre hiện ra trước mặt, ông Kim bảo Hành:
- Cậu thấy chỗ nào quay xe được thì đỗ lại, ta đi bộ vào làng. Từ đây vào nhà ông Mai lươn chẳng còn bao xa, chỉ vài trăm mét nữa thôi. Xe xóc khiến dạ dày tớ sắp bục đến nơi rồi.
- Trước mặt có cái ngã ba, em sẽ đỗ xe ở đó.
Trẻ con trong làng thấy có xe ô tô chạy vào làng mình, từ các ngõ ngách chúng chạy ùa ra đuổi theo xe. Đến ngã ba xe chạy chậm và từ từ dừng lại bên vệ đường.
Đô hỏi Hành:
- Ngã ba bé thế này lát nữa về có quay được xe không?
- Chẳng nhỏ lắm đâu. Chỉ cần hai đỏ là quay được.
Ba người xuống xe. Lũ trẻ vây quanh chăm chú nhìn hết ông Kim quay qua nhìn Hành và Đô. Một đứa chừng chín, mười tuổi như phát hiện ra điều gì đó liền nói với mấy đứa bạn của nó:
- Ông này làm to lắm chúng mày ạ. Có một anh bồi mang súng đi theo canh gác và một anh hầu xách điếu.
Nghe lũ trẻ bảo Đô là anh bồi còn Hành là người hầu, cả ba người không nhịn được cười. Ông Kim vờ ra oai xách tai một đứa trong bọn:
- Đúng là dân Anamít Kẻ Đúm. Ai bảo chúng mày người đi theo cán bộ là người hầu và bồi?
- Ông cháu bảo cán bộ to đi đâu đều có người hầu đi theo.
- Ông cháu là ai?
Thằng bé nhanh nhảu trả lời:
- Ông cháu là ông Bào Hắc Toàn Phong.
Ông Kim buông tai thằng bé ra:
- Tên ông cháu oai nhỉ. Có phải ông cháu có nước da đen như nhọ nồi và có con mắt bên phải bị lác không?
- Ông cũng biết ông cháu à?
- Cháu về bảo với ông cháu là có ông Kim Tống Giang lát nữa đến chơi là ông cháu biết ông ngay.
- Ngày trước các anh thường dùng tên các nhân vật trong Thủy Hử để làm mật danh à? – Đô hỏi.
- Gọi đùa nhau cho vui chứ mật danh, đường danh gì. Dạo tớ làm bí thư huyện ủy, cơ quan huyện ở trong vùng núi Linh Sơn. Các ông ấy ví vùng ấy giống như Lương Sơn Bạc, còn tớ thì giống Tống Giang. Các anh hùng khắp nơi về đấy tụ nghĩa. Ông Bào dạo ấy phụ trách tài chính của huyện có nước da đen như cột nhà cháy nên mọi người đặt cho biệt hiệu là Hắc Toàn Phong Lê Bào. Một cậu khác tên là là Ngô, phụ trách bếp ăn của cơ quan huyện, người to béo nhưng thấp một mẩu. Cậu này ăn khoẻ làm cũng khoẻ. Một khúc gỗ hai người khiêng nhưng cậu ta một mình cho lên vai mặt không biến sắc. Nghe anh em truyền lại hình như một lần chỉ với một đoạn cây vầu trong tay mà cậu ta đuổi một con gấu chạy bán sống bán chết. Bởi thế mọi người đặt cho cậu ta cái biệt danh là Ngô Võ Tòng. Còn một cậu nữa tên là Chiến, ăn một lúc hết nửa nồi sắn nên anh em đặt tên cho cậu ta là Chiến Lỗ Trí Thâm. Cơ quan huyện gần ba chục người nhưng sống như anh em trong một gia đình vui lắm.
Lũ trẻ vẫn đứng bâu quanh cái xe sờ mó hết cái này đến cái khác. Ông Kim, Đô và Hành đi sâu vào trong làng. Đi được một đoạn, Hành hỏi:
- Sáng nay anh kể Hạ Đình có ba làng là Kẻ Đúm, Kẻ Chanh, còn Kẻ gì bị toét mắt cả làng ấy nhỉ?
- Kẻ Doi.
- Anh đọc lại câu ca dao sáng nay cho em nghe lại kẻo em quên rồi.
- Đẹp nhất con gái Kẻ Chanh. Đanh đá Kẻ Đúm, ba vành Kẻ Doi. Theo chỗ tớ biết thì xưa kia có tên Kẻ Chanh là vì đất thôn này trồng chanh có vị thơm đặc biệt. Còn Kẻ Đúm là thôn hát đúm, hát ghẹo hay nhất vùng. Vào các ngày lễ hội, ngày Tết, dân quanh vùng đều tụ tập về đây để nghe con trai con gái Kẻ Đúm hát đúm, hát ghẹo. Riêng Kẻ Doi thì mỗi người giải thích một cách. Người thì bảo địa thế thôn này nằm ở doi đất của tổng Hạ Đình nên mới có tên là Kẻ Doi. Người thì nói Doi là gọi chệch từ Dơi mà ra. Nghe nói trước đây Kẻ Doi trồng cây ăn quả nhiều nên cứ đến mùa quả chín rất nhiều dơi tụ tập về đây ăn. Nghe cái tên Kẻ Chanh, Kẻ Đúm, Kẻ Doi thấy rất dân dã, mang đặc tính của thôn quê Việt Nam. Chẳng biết người ta nghĩ thế nào bỗng nhiên đổi thành Quyết Tiến, Hồng Kỳ, Tiến Bộ nghe như hô khẩu hiệu.
Ba người đi lòng vòng qua các ngõ làng rồi đến trước cổng một ngôi nhà ngói thấp lè tè. Đàn chó từ trong nhà lao ra sủa inh ỏi. Một người đàn ông cỡ tuổi ông Kim nghe tiếng chó sủa chạy ra. Đó là ông Mai lươn, bố của Đăm.
Ông Mai mừng rỡ:
- Nghe cháu Đăm về bảo bác sẽ vào nhà tôi. Nhà làm cơm đợi từ lâu mà chẳng thấy tăm hơi. Tưởng nói xã giao rồi lên xe đi về tỉnh rồi.
- Ông có thấy tôi lỡ hẹn với ai bao giờ chưa?
- Biết vậy. Dễ đến hơn nửa năm nay bác mới về Quyết Tiến đấy nhỉ?
- Về mấy lần nói sau. Có thuốc lào cho hút một điếu đã. Nhịn đến mấy tiếng đồng hồ, thèm quá.
Ông Mai lấy thuốc và điếu đưa cho ông Kim:
- Dân nghiện mà đi làm việc không cầm diêm thuốc đi theo. Dạo này xem ra bác đã bắt đầu lẩm cẩm rồi đấy nhỉ.
- Vẫn nhớ cầm đấy chứ. Nhưng vừa rồi cho mấy tay thợ cày ngoài đồng, quên véo lại mấy điếu nên chẳng có cái để hút.
Ông Kim rít một hơi thuốc lào, tỏ ra sảng khoái:
- Ông mua thuốc đâu mà đượm khói thế?
- Mua ở chợ Chanh. Dân ở đâu đưa về bán vụng bán trộm. Nó tinh lắm, nhìn mặt đúng dân nghiện mới thậm thò thậm thụt bán cho mình. Nếu gặp phải bọn trật tự thì chúng nó tịch thu không còn một sợi.
Đô ngạc nhiên:
- Thuốc lào mà cũng tịch thu kia à?
- Họ bảo thuốc nộp cho nhà máy, không ai được bán lậu. Khổ lắm! Chẳng có gì là không tịch thu. Từ cân lạc, cân đậu cho đến cân gạo nếp. Chỉ có mớ tép riu và rau dưa, cà đỗ là được bày bán ngang nhiên thôi. Chẳng hiểu sao người ta bày ra lắm trò nhiễu nhương như vậy để làm gì. Thôi, gác mọi chuyện lại. Bác Kim đã đỡ thèm chưa? Dọn cơm ra ăn nhé.
- Chết chửa. Giờ này mà cả nhà chưa ăn cơm kia à?
- Ăn cả rồi, chỉ còn mình tôi là ngồi chờ bác và hai chú vào uống rượu thôi.
- Thế thì ông đi ăn đi kẻo đói. Chúng tôi ăn rồi.
- Bác đừng có nói bỡn. Cái Đăm gặp bác từ sáng sớm ngoài đồng, giờ vào đây ăn ở đâu. Hay chê cơm của nông dân nên quay về thị trấn ăn quà xong mới xuống đây?
- Anh em chúng tôi ăn thật rồi mà, Chúng tôi nắm cơm đi theo.
- Thế này thì không ổn rồi. Ngày xưa bác tin dân, dựa vào dân để hoạt động. Bây giờ mới làm đến chức bí thư tỉnh ủy mà đã chê cơm của dân rồi.
Ông Kim cười:
- Tôi từ chối cơm thịt gà dân chiêu đãi, đem cơm nắm đi theo để ăn khỏi phải quấy rầy dân, như vậy là phúc cho dân chứ sao lại không ổn.
- Nói đùa cho vui thế thôi chứ bác sống thế nào dân cả tỉnh đều biết. Khi cháu Đăm bảo bác và hai chú trưa nay ghé nhà tôi chơi, biết bác rất thích món lươn om chuối xanh nên tôi bảo cháu đạp xe lên chợ Chanh tìm mua cho được lươn về để chiêu đãi bác. Bây giờ dù ăn rồi hay chưa thì bác với hai chú phải ngồi uống với tôi ly rượu để khỏi phụ cái công của bố con tôi. Bác đau dạ dày không uống được rượu thì nhờ hai chú đây uống hộ.
Ông Kim vui vẻ:
- Có món lươn om chuối xanh thì tôi chẳng từ chối bữa cơm của ông.
- Thế mới gọi là tác phong quần chúng chứ – Ông Mai gọi xuống bếp – Đăm ơi, dọn cơm lên mời bác và hai chú đi con.
Tiếng Đăm vâng dạ rồi khệ nệ bưng mâm cơm từ dưới bếp đi lên. Ông Kim bảo Đăm:
- Sáng nay cháu trách bác là cháu biết bác mà bác chẳng biết cháu. Lần nào bác đến nhà, cháu cũng rúc ở dưới bếp làm sao mà bác biết được cháu.
- Tính cháu hay cả thẹn lắm bác ạ.
- Chẳng cả thẹn đâu. Sáng nay nó làm cho thầy trò tôi một phen bẽ mặt đấy.
Đăm kêu lên:
- Kìa bác!
Ông Mai tỏ vẻ lo lắng:
- Sao vậy bác. Nó dám hỗn hào với bác và hai chú à?
- Không. Chú Đô thấy các cháu cấy túm tụm trên một đám ruộng con con liền cao hứng hát trêu: Hỡi cô cấy ở ruộng sâu. Mặt thời cúi xuống chổng phao câu lên trời. Chú Đô vừa hát hết câu thì cháu liền đứng lên đáp ngay: Anh đi thì cứ việc đi. Em chẳng chổng thế lấy gì anh ăn. Ông thấy con gái ông có giỏi không?
Ông Mai kêu lên:
- Hỗn! Hỗn quá đi mất!
- Trêu cháu thì cháu đáp trả chứ cháu có biết chúng tôi là ai đâu mà ông bảo hỗn với không hỗn. Nghe cháu đáp xong, tôi biết ngay là con gái Kẻ Đúm.
Ông Mai rót rượu ra mấy cái chén:
- Ở vùng này con trai con gái gặp nhau là trêu nhau bằng những câu đối đáp. Có lẽ sáng nay cháu tưởng con trai làng trêu cháu nên cháu mới đối đáp vậy chứ biết bác thì bố bảo. Trông xấu xí thế nhưng cháu hát đối đáp giỏi nhất xã đấy bác ạ. Hội năm nào cháu cũng được giấy khen về văn nghệ.
- Ông khiêm tốn không đúng chỗ. Con gái ông xinh thế mà bảo là xấu xí.
Ông Mai cười:
- Thì các cụ ta xưa nay vẫn bảo chê con xấu xí cho dễ nuôi. Nào mời bác. Bác không uống rượu được thì cứ tự nhiên ăn cái món bác thích. Còn ba anh em tôi uống đây.
Hành từ chối:
- Cháu đang lái xe nên cũng xin phép bác.
Ông Mai đưa ly rượu cho Hành:
- Ối dào. Có tí rượu xe đi càng nhanh. Không lái được ở đây ngủ lại sáng mai về. Tôi đang có chuyện cần nói với ông bí thư tỉnh ủy đây. Chú uống đi, có gì tôi chịu.
- Chuyện gì cần nói thế?
- Cứ ăn cho ngon rồi nói chuyện sau. Ngày bà cụ tôi còn sống mỗi lần có món lươn om chuối là nhắc đến bác. Không biết bác có biết không chứ hai cụ tôi thương bác có khi còn hơn tôi.
- Làm gì mà tôi không biết. Này, rượu đâu mà ông uống đấy, nấu hay là mua?
Ông Mai cười gượng gạo:
- Chẳng giấu gì bác, em nấu đấy.
- Đảng viên mà đi nấu rượu lậu thì còn nói được ai.
- Có bán chác gì đâu mà bảo tôi nấu rượu lậu. Nấu vụng để uống thôi. Mà có nhiều nhặn gì đâu. Một tháng tôi chỉ nấu một nồi chưa đầy hai cân gạo, cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy đến lương thực. Nhà tôi mỗi ngày ăn hết hai bơ gạo, loại bơ tám lạng không kể độn khoai sắn. Tính ra mỗi tháng ăn gần năm mươi cân gạo, tôi nấu hai cân có phải chỉ bằng nhà tôi ăn gắng không. Nói thật với bác chẳng nghiện ngập gì nhưng đến bữa cơm không có tí hơi rượu trong họng là nhai miếng cơm cứ nhạt thếch.
- Ông lúc nào cũng giỏi biện bạch. Khi nãy ông bảo có chuyện gì cần nói với tôi?
- Thì bác ăn cho ngon miệng cái đã. Cái món chuối om lươn này đáng ra phải nấu với chuối tiêu, có một tí vị chát mới ngon. Nhưng biết bác đau dạ dày nên tôi bảo cháu cắt chuối tây nấu cho bác nên nó có giảm ngon đi phần nào.
- Dạo này ông không đi đánh lươn nữa hay sao mà phải lên chợ Chanh để mua lươn?
Ông Mai dùng thìa xúc một thìa chuối om cho lên bát ông Kim:
- Bỏ sao được. Tôi nghiện đi thả ống lươn giống như bác nghiện thuốc lào. Tuần nào cũng đi thả ống vài ba lần. Không nghe thấy tiếng lươn bò lạo xạo trong vại là thấy vắng vắng thế nào ấy. Vừa rồi thấy bác lâu lâu chưa về Quyết Tiến nghĩ thế nào bác cũng về nên tôi trống trong vại mấy con lươn vàng như nghệ chờ bác về chiêu đãi bác. Hôm qua nghe tin bà ngoại cháu mệt, chẳng có quà gì qua thăm nên bắt mấy con lươn dành cho bác đem qua biếu bà cháu. Định chiều nay đi thả ống kẻo nhỡ bác về. Ai hay bác lại về vào lúc hết lươn.
- Chết chửa, tôi vô ý quá. Bà nhà đi đâu mà không thấy?
- Qua bên ngoại cháu từ chiều hôm qua.
- Bà cụ ốm đau thế nào?
- Bệnh già ấy mà.
Bữa cơm ăn xong, mọi người ngồi quây quần quanh bàn uống nước. Ông Kim rít một hơi thuốc lào rồi hỏi:
- Bây giờ ông nói cho biết chuyện gì ông định nói với tôi nào?
Ông Mai lấy cái điếu cày từ trong tay ông Kim, nói thủng thẳng:
- Vừa rồi có ba ông đánh một cái xe ô tô rõ đẹp về đây. Ấy là tôi nghe kể lại chứ chẳng biết ô-tô nó tròn hay nó méo. Nghe đâu ba ông này là cán bộ trên Trung ương phái về tỉnh ta để giúp tỉnh chỉ đạo phong trào Hợp tác xã, bác có biết họ không?
- Có. Ba đồng chí ấy ở Ban nông nghiệp Trung ương về tỉnh ta đã mấy tháng nay rồi. Thỉnh thoảng họ cũng có trao đổi với tôi về tình hình của các Hợp tác xã. Có chuyện gì không?
- Cũng chẳng có chuyện gì lớn. Dân người ta chỉ bàn tán về tác phong cưỡi ngựa xem hoa của ba vị cán bộ trên Trung ương thôi.
- Các lần sinh hoạt chi bộ các ông có bàn về sản xuất không?
- Chi bộ nông thôn không bàn về sản xuất thì bàn việc gì. Nhưng bàn thì cứ việc bàn. Bàn rồi để đó chứ có ai thực hiện cái bàn của chi bộ đâu.
- Trước khi thăm ông, tôi có đi ra đồng để xem việc làm ăn thế nào. Chán lắm.
- Bác chán một thì dân chán mười.
- Tự mình làm mình chịu chứ ai làm mà chán.
- Bác nói thế thì oan cho dân quá. Xưa nay dân Hạ Đình nổi tiếng làm ăn giỏi. Cái đói năm Ất Dậu thiên hạ ối người đi ăn xin nhưng dân Hạ Đình ngày vẫn đỏ lửa hai lần. Mấy năm đầu vào Hợp tác thóc lúa vẫn đầy bồ. Thế rồi chẳng biết cải tiến cải lui thế nào mà làm ăn ngày một lụn bại. Dân cũng chẳng còn thiết tha gì với việc ruộng vườn. Chỉ biết chúi đầu chăm mấy thước ruộng phần trăm của mình, còn việc của Hợp tác thì được chăng hay chớ. Ấy thế mà vất vả quá bận con mọn. Sáng tinh mơ ra làm đất phần trăm của mình. Nghe kẻng Hợp tác đánh là ba chân bốn cẳng chạy về tập trung cho kịp để khỏi bị phạt công điểm. Tối nhọ mặt người lại từ đất phần trăm của mình vội vội vàng vàng chạy về nấu cơm ăn cho kịp đi họp nghe bình điểm. Tình hình này chẳng biết Hợp tác xã sẽ đi đến đâu nữa.
Hợp tác xã sẽ đi đến đâu? Câu hỏi đó như một tảng đá vừa rơi xuống đè lên người ông Kim. Ông lặng lẽ cầm lấy cái điếu cày cho thuốc vào rít một hơi rồi ngửa mặt lên trời nhả khói.