Bí mật tư duy triệu phú

Tư Duy Triệu Phú Số 9

Người giàu đứng cao hơn những vấn đề của họ. Người nghèo đứng thấp hơn những vấn đề của họ.

Như tôi đã nói ở trên, việc làm giàu không phải cuộc dạo chơi trong công viên mà là một chuyến đi đầy những trở ngại, bước ngoặt, nhiều gian truân với vô số những khúc quanh bất ngờ. Con đường dẫn đến sự giàu sang luôn giăng sẵn nhiều cạm bẫy và những biến cố khó lường. Đó là lý do khiến đa số mọi người không dám bước vào. Họ ngại những điều rắc rối, phức tạp, những vấn đề hóc búa cùng biết bao nhiêu trách nhiệm. Tóm lại, họ không muốn đối mặt với khó khăn.

Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo: Người thành đạt và giàu có luôn đứng cao hơn các vấn đề của họ, trong khi người thất bại và nghèo khó lại đứng thấp hơn các vấn đề của mình.

Người nghèo sẽ tìm mọi cách để né tránh vấn đề. Vừa thoáng nhìn thấy thử thách là họ thoái lui ngay. Oái oăm là, trong khi nỗ lực tìm cách để không gặp vấn đề, họ lại gặp vấn đề lớn nhất bao trùm mọi vấn đề là… họ túng quẫn và khổ sở. Thế là họ sụp đổ hoàn toàn. Bạn ạ, bí quyết thành công không phải là lẩn trốn, chùn bước hay

rúm ró vì sợ hãi trước những vấn đề của bạn. Bí quyết thành công là phải phát triển bản thân để bạn có thể đứng cao hơn bất kỳ vấn đề nào.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 19:

Bí quyết thành công không phải là lẩn tránh, chùn bước hay co rúm vì sợ hãi trước những vấn đề của bạn. Bí quyết thành công là phải phát triển bản thân bạn để bạn có thể đứng cao hơn bất kỳ vấn đề nào.

Theo nấc thang từ 1 đến 10 với 1 là điểm thấp nhất, hãy hình dung bạn đang ở bậc thứ 2 về độ mạnh mẽ của tính cách và thái độ, và đang xem xét vấn đề ở bậc thứ 5. Vấn đề đang ở vị trí cao hay thấp hơn bạn? Nếu nhìn từ bậc thứ 2 thì vấn đề ở bậc thứ 5 dường như là một vấn đề quá lớn.

Giờ hãy hình dung bạn đã phát triển bản thân lên đến bậc thứ 8. Liệu khi đó vấn đề ở bậc thứ 5 sẽ là vấn đề lớn hay nhỏ? Hay thật, vẫn là vấn đề đó thôi, nhưng lúc này có vẻ nó đã là chuyện nhỏ.

Cuối cùng, hãy hình dung bạn đã hết sức cố gắng và trở thành người ở bậc thứ 10. Giờ thì vấn đề ở bậc thứ 5 đó là lớn hay nhỏ? Câu trả lời là đó không phải là vấn đề, thậm chí nó không được bạn xem như một vấn đề, nghĩa là không có năng lượng tiêu cực nào xung quanh nó. Đây chỉ

là tình huống bình thường cần xử lý, như việc đánh răng hay mặc quần áo vậy.

Bạn nên nhớ rằng dù bạn giàu hay nghèo, làm ăn lớn hay làm ăn nhỏ, thì các vấn đề vẫn không tự biến mất. Chừng nào bạn còn thở, bạn sẽ còn gặp cái gọi là vấn đề và trở ngại. Tôi sẽ diễn đạt ngắn gọn và dễ nghe hơn: Kích cỡ của vấn đề không quan trọng, mà quan trọng là tầm vóc của chính bạn!

Điều này có thể khiến bạn tự ái, nhưng nếu bạn mong muốn bước lên bậc cao hơn trên chiếc thang thành công, bạn sẽ phải ý thức về những gì đang thật sự diễn ra trong cuộc sống của mình. Bạn sẵn sàng chưa? Nào, chúng ta bắt đầu nhé!

Nếu bạn có một vấn đề lớn trước mặt, thì rõ ràng bạn đang là một người bé nhỏ! Đừng bị lừa phỉnh bởi các biểu hiện bên ngoài. Thế giới bên ngoài của bạn chỉ là hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong. Nếu bạn muốn tạo ra sự thay đổi lâu dài, hãy thôi chú tâm vào kích thước của vấn đề mà hãy tập trung vào tầm cỡ của chính bạn!

Quy Tắc Thịnh Vượng số 20:

Nếu bạn cho rằng mình đang gặp một vấn đề lớn trong cuộc sống, điều đó chứng tỏ rằng bạn đang là một người nhỏ bé!

Một trong những lời nhắc nhở hơi thiếu tinh tế mà tôi hay nói với học viên của mình là: Bất cứ khi nào cảm thấy như thể đang gặp phải vấn đề lớn, bạn hãy tự chỉ vào mình và nói thật lớn: “Vấn đề nằm ở bản thân tôi!”. Việc này sẽ đánh thức bạn, kéo sự chú ý của bạn về đúng nơi của nó – là chính bạn. Rồi sau đó hãy đi từ bản tính tự tôn cao nhất của bạn (chứ không phải là cái tôi nhu nhược), hít một hơi thật sâu và quyết định ngay rằng bây giờ, trong chính giây phút này, rằng bạn sẽ là người lớn hơn, cao hơn và không cho phép bất cứ vấn đề hay trở ngại nào gạt bạn ra khỏi con đường dẫn đến hạnh phúc và thành công.

Bạn có khả năng giải quyết vấn đề càng lớn thì doanh nghiệp bạn có thể điều hành càng lớn. Trách nhiệm bạn có thể nhận càng lớn thì số nhân viên bạn có thể quản lý càng đông. Lượng khách hàng bạn có thể chăm sóc càng nhiều thì số tiền bạn có thể kiếm được càng dồi dào, và cuối cùng, tài sản bạn có thể sở hữu sẽ càng lớn.

Như bạn đã biết, của cải chỉ có thể tăng tương ứng với mức độ cố gắng của bạn! Vậy mục tiêu ở đây là bạn phải tự phát triển bản thân lên đến mức độ mà bạn có thể vượt qua bất kỳ vấn đề hay trở ngại nào phát sinh trên con đường làm ra của cải, cũng như gìn giữ tài sản bạn làm ra.

Tuy nhiên, gìn giữ tài sản là một chuyện hoàn toàn khác, hay có thể ví như một thế giới khác. Có ai biết thế giới đó ra sao không? Tôi chắc là không. Tôi từng nghĩ làm ra tiền có nghĩa là làm ra tiền, vậy thôi! Có phải vì nhận

thức giản đơn như vậy nên tôi đã để mất số tiền bạc triệu đầu tiên của mình cũng nhanh như khi tôi kiếm được. Giờ thì tôi đã hiểu ra vấn đề. Hồi ấy, “hộp dụng cụ” của tôi chưa đủ rộng lớn và vững chắc để giữ số của cải tôi làm ra. May sao, tôi đã tập luyện được những Quy Tắc Thịnh Vượng của Tư Duy Triệu Phú và có thể tái định hình tư duy của mình! Không những tôi kiếm lại được số tiền ấy, mà nhờ có “kế hoạch tài chính trong tâm thức” mới, tôi đã làm ra hàng triệu hàng triệu đô-la nữa. Và kỳ diệu hơn cả là tôi không chỉ giữ được những đồng tiền mình làm ra, mà còn khiến cho số tiền đó gia tăng liên tục với một tốc độ kinh ngạc!

Hãy tưởng tượng bạn là “chiếc hộp thịnh vượng”. Nếu chiếc hộp của bạn nhỏ trong khi lượng tiền của bạn lại lớn, vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Chiếc hộp của bạn sẽ đầy ứ và số tiền dôi dư sẽ đổ tràn khắp xung quanh. Đơn giản là bạn không thể có lượng tiền lớn hơn dung tích chiếc hộp đó. Vì vậy, bạn phải phát triển thành chiếc hộp lớn hơn để không chỉ giữ được nhiều tiền hơn, mà còn có thể thu hút nhiều tiền bạc hơn. Vũ trụ không chấp nhận các khoảng trống và nếu bạn có một “chiếc hộp thịnh vượng” lớn, vũ trụ sẽ vội lấp đầy khoảng trống đó ngay.

Quay lại một chút về những nguyên do khiến người giàu luôn đứng cao hơn các vấn đề của họ. Người giàu không chú tâm vào vấn đề mà luôn hướng đến mục tiêu. Tâm trí chúng ta thường chỉ tập trung vào một điểm nổi bật trong một thời điểm nhất định. Điều đó có nghĩa là

hoặc bạn rên rỉ về những vấn đề của mình, hoặc bạn tìm cách giải quyết vấn đề đó. Người giàu có và thành đạt là những người có thiên hướng tìm giải pháp: Họ dành thời gian và năng lượng để vạch chiến lược và lên kế hoạch xử trí những thách thức có thể nảy sinh, đồng thời tạo ra các “hệ thống phòng vệ” nhằm đảm bảo rắc rối đó không xảy ra một lần nữa.

Người nghèo khó và thất bại có thiên hướng tập trung vào chính vấn đề. Họ dành gần như toàn bộ thời gian và sinh lực chỉ để làm mỗi một việc là chê bai, trách móc, than phiền, chứ hiếm khi đề ra bất cứ sáng kiến nào nhằm giảm bớt khó khăn, chứ đừng nói đến việc làm sao cho rắc rối không “đến hẹn lại lên”.

Người giàu không lùi bước, cũng không né tránh vấn đề, và đặc biệt không bao giờ than phiền về những rắc rối mà họ gặp phải. Người giàu là những chiến binh can trường trong lĩnh vực tài chính. Trong chương trình đào tạo Enlightened Warrior của chúng tôi, khi định nghĩa về một chiến binh, chúng tôi sử dụng cụm từ “người chinh phục chính mình”.

Điểm mấu chốt ở đây là nếu bạn trở thành một chuyên gia lão luyện trong việc xử lý các vấn đề và vượt qua bất kỳ khó khăn nào, thì điều gì có thể ngăn cản bạn đến với thành công? Câu trả lời là không gì cả! Một khi không gì có thể ngăn cản bạn, bạn sẽ trở thành người không thể ngăn cản được! Và nếu là người không thể ngăn cản được, bạn sẽ có

những lựa chọn nào? Câu trả lời là tất cả mọi lựa chọn. Nếu bạn là người không thể ngăn cản được, bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ đều nằm trong tầm tay bạn, bạn chỉ cần lựa chọn và nó sẽ là của bạn! Thật tự do làm sao!

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói…

“Tôi đứng cao hơn mọi vấn đề!” “Tôi có thể giải quyết mọi vấn đề!” Rồi bạn đặt tay lên trán và nói… “Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng vì một vấn đề “lớn”, hãy chỉ tay lên đầu bạn và nói: “Vấn đề nằm ở bản thân tôi!”. Rồi hít một hơi thật sâu và nói: “Tôi có thể giải quyết vấn đề này. Tôi cao lớn hơn bất cứ vấn đề nào”.

2. Hãy viết ra một vấn đề nan giải trong cuộc sống mà bạn đang phải đối mặt. Rồi viết ra mười hành động cụ thể bạn có thể thực hiện để giải quyết, hoặc ít nhất là cải thiện tình hình. Việc đó sẽ giúp bạn chuyển từ hướng suy-nghĩ-về-vấn-đề sang hướng suy-nghĩ-tìm-giải-pháp- cho-vấn-đề.

Rất có thể bạn sẽ giải quyết được vấn đề. Kể cả khi chưa giải quyết được, bạn cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.