Bí mật tư duy triệu phú

Tư Duy Triệu Phú Số 1

Người giàu tin: “Tôi tạo ra cuộc đời tôi”. Người nghèo tin: “Cuộc sống toàn những điều bất ngờ xảy đến với tôi”.

Nếu muốn tạo ra thịnh vượng, điều quan trọng là bạn phải tin rằng bạn là người cầm lái của cuộc đời mình, đặc biệt là cuộc sống tài chính của bạn. Nếu bạn không tin điều đó, nghĩa là bạn vốn dĩ tin rằng bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít cuộc sống của mình, và do vậy bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít khả năng thành công tài chính của bạn. Đó không phải là một thái độ để giàu có.

Bạn có bao giờ để ý rằng thông thường chỉ những người nghèo mới làm tiêu tan cả gia tài vào trò chơi xổ số không? Họ thành tâm tin rằng sự giàu có sẽ đến với họ nhờ ai đó sẽ đọc tên họ lên sau một cuộc rút thăm. Họ bỏ cả buổi tối thứ bảy để dán mắt vào ti-vi, hồi hộp theo dõi buổi xổ số để xem tuần này vận may có “rơi” trúng mình hay không.

Chắc chắn ai cũng muốn trúng số, và những người giàu thỉnh thoảng cũng vẫn chơi cho vui. Nhưng thứ nhất, họ không bao giờ chấp nhận bỏ ra một nửa thu nhập của

mình để mua vé số, và thứ hai, việc trúng số không phải là chiến lược làm giàu chủ yếu của họ.

Bạn phải tin rằng bạn là người tạo ra thành công của mình, rằng bạn là người tạo ra sự khốn quẫn của bạn, và rằng bạn là người tạo nên những khó khăn xung quanh tiền bạc và thành công của bạn. Dù bạn có ý thức hay không thì vẫn chỉ là bạn đã làm nên tất cả những điều đó.

Thay vì chịu trách nhiệm trước những gì diễn ra trong cuộc sống của mình, người nghèo thường chọn cách chơi trò đóng vai nạn nhân. Suy nghĩ chủ đạo của một nạn nhân thường là lời than thở “khốn khổ thân tôi”. Vậy là cầu được ước thấy, theo quy luật Sức mạnh của Ý định, đó là tất cả những gì nạn nhân nhận: Họ nhận được sự “khốn khổ”. Hãy để ý rằng tôi nói họ chơi trò đóng vai nạn nhân, tôi không nói họ là nạn nhân. Tôi không tin ai đó là nạn nhân. Tôi tin rằng người ta tự nguyện đóng vai nạn nhân bởi vì họ nghĩ điều đó đem lại cho họ lợi ích gì đó. Chúng ta sẽ thảo luận điều đó chi tiết hơn ngay sau đây.

Làm sao bạn biết khi nào thì người ta đóng vai nạn nhân? Thường thì họ sẽ để lại ba dấu hiệu nhận biết.

Bây giờ, trước khi chúng ta nói về những dấu hiệu đó, tôi muốn bạn nhận ra rằng tôi hiểu không có cách cư xử nào ở đây liên quan với bất kỳ ai đọc cuốn sách này. Nhưng có thể, chỉ là có thể thôi, bạn biết một ai đó có thể có liên quan. Và có lẽ bạn biết người đó một cách tường tận! Dù sao, tôi cũng đề nghị bạn hết sức để ý đến phần này.

Dấu hiệu Nạn nhân số 1: Đổ lỗi

Khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình không thành công về mặt tài chính, hầu hết nạn nhân đều là chuyên gia trong “trò chơi đổ lỗi.” Điều chủ yếu của trò chơi này là tìm xem có bao nhiêu người và hoàn cảnh mà bạn có thể kết tội, nhưng không bao giờ nhìn lại chính mình. Sự việc này tựa như một cơn mưa và “trút nước” lên bất cứ người nào chẳng may lại có mặt tại đấy. Thông thường, những ai gần gũi với các nạn nhân sẽ dễ trở thành mục tiêu của họ.

Những nạn nhân thường đổ lỗi cho nền kinh tế, họ đổ lỗi cho chính phủ, đổ lỗi cho thị trường chứng khoán, đổ lỗi cho những người môi giới, đổ lỗi cho chủ, cho người làm thuê của họ, cho quản lý, cho trưởng phòng, cho người đứng trên hay dưới mạng lưới của họ, cho dịch vụ khách hàng, cho phòng vận chuyển, cho đối tác, cho bạn đời, họ đổ lỗi cả Chúa, và tất nhiên họ luôn luôn đổ lỗi cho cha mẹ mình. Bao giờ cũng là ai đó khác hay cái gì đó khác có lỗi. Thế nhưng, vấn đề lại không nằm ở bất cứ sự việc, hiện tượng hoàn cảnh hay con người nào khác, mà là ở chính họ.

Dấu hiệu Nạn nhân số 2: Bao biện

Nếu những nạn nhân không đổ lỗi thì bạn sẽ thấy họ là người hay bao biện hoặc lý giải tình huống của mình bằng những lời như: “Với tôi, tiền không phải là thực sự quan trọng”. Tôi chỉ muốn hỏi bạn câu này: Nếu bạn nói rằng chồng bạn hay vợ bạn, bạn trai hay bạn gái của bạn, đối táccủa bạn hay bạn bè bạn không quan trọng với bạn, liệu bất cứ ai trong những người đó sẽ ở được bên bạn lâu dài không? Tôi không tin là có, và với tiền bạc cũng như vậy!

Tại các hội nghị chuyên đề trực tiếp của tôi, một số người tham dự thường đến gặp tôi và nói: “Anh biết không, Harv, tiền bạc thực sự không quan trọng đến thế”. Tôi nhìn thẳng vào mắt họ và nói: “Bạn vừa bị khánh kiệt! Đúng không?”. Họ thường nhìn xuống chân mình và yếu ớt trả lời những câu gì đó như “Vâng, hiện thì tôi đang có một số thử thách tài chính, nhưng…”. Tôi ngắt lời: “Không, không phải chỉ hiện nay, mà luôn luôn như thế; bạn luôn luôn túng quẫn hoặc gần như thế, đúng không nào?”. Đến đó thì họ thường gật đầu đồng ý và buồn bã trở về chỗ ngồi, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi, vì cuối cùng họ đã nhận ra hệ quả tệ hại mà niềm tin ấy gây ra cho cuộc sống của họ.

Tất nhiên là họ bị phá sản. Liệu bạn có mua một chiếc xe nếu nó không thực sự quan trọng đối với bạn? Tất nhiên là không. Liệu bạn có mua một đồ vật quý giá nếu bạn khẳng định là nó không quan trọng với bạn? Tất nhiên không. Cũng như thế, nếu bạn nghĩ tiền bạc là không quan trọng thì đơn giản là bạn sẽ không có đồng nào cả.

Bạn có thể làm lóe mắt bạn bè mình bằng hiểu biết này. Hãy hình dung bạn đang nói chuyện với một người bạn và người đó bảo: “Tiền bạc không quan trọng”. Bạn hãy đặt tay lên trán và nhìn thẳng lên như là bạn đang

nhận thông điệp từ thiên đàng, và tuyên bố: “Anh đang túng quẫn!”. Điều đó sẽ làm người bạn của bạn bị sốc và kinh ngạc hỏi lại: “Làm sao anh biết?”. Bạn sẽ xòe bàn tay mình ra và trả lời: “Anh muốn biết thêm nữa à? Vui lòng trả năm mươi đô-la đi!”.

Để tôi nói toạc ra nhé: Bất kỳ ai nói tiền bạc không quan trọng đều không có xu nào! Người giàu luôn hiểu được tầm quan trọng của tiền bạc và vị trí của nó trong xã hội. Mặt khác, người nghèo lý giải cho sự bất lực trong tài chính của mình bằng những phép so sánh khập khiễng. Họ sẽ nói: “Tiền bạc không quan trọng bằng tình yêu”. Nào, sự so sánh này có mù mờ không? Cái gì quan trọng hơn, tay bạn hay chân bạn? Có lẽ cả hai đều quan trọng.

Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh với bạn một lần nữa rằng tiền bạc là thứ cực kỳ quan trọng trong những lĩnh vực mà nó phát huy tác dụng, và ngược lại, nó sẽ chẳng đóng vai trò gì trong những lĩnh vực nó không có tác dụng. Mặc dù tình yêu có thể làm cho thế giới này rung chuyển, nhưng chắc chắn tình yêu không thể nào trả tiền để xây dựng nhà cửa, bệnh viện, nhà thờ, trường học hay nhà ở. Và tình yêu cũng không nuôi sống con người.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 10:

Tiền bạc là thứ cực kỳ quan trọng trong những lĩnh vực mà nó phát huy tác dụng, và ngược lại nó sẽ chẳng đóng vai trò gì trong những lĩnh vực nó không có tác dụng.

Bạn chưa tin tôi ư? Vậy bạn hãy thanh toán các hóa đơn của bạn bằng tình yêu xem nào. Hoặc bạn hãy tới ngân hàng và gửi một ít tình yêu vào đấy rồi xem điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn nhân viên thu ngân sẽ nhìn bạn như thể bạn vừa trốn khỏi bệnh viện tâm thần, và anh ta sẽ kêu toáng lên: “Bảo vệ đâu? Lại đây ngay!”.

Không người giàu nào cho rằng tiền không quan trọng. Và nếu tôi vẫn không thuyết phục được bạn và bạn vẫn tin rằng “tiền không là gì cả” thì tôi chỉ còn bốn từ dành cho bạn: bạn đã phá sản, và bạn sẽ luôn luôn túng quẫn cho đến khi bạn xóa bỏ được bộ hồ sơ tai hại này trong đầu bạn.

Dấu hiệu Nạn nhân số 3: Oán trách

Oán trách là một điều hết sức tồi tệ đối với sức khỏe hay sự sung túc của bạn, thậm chí là điều tồi tệ nhất! Tại sao vậy?

Tôi có lòng tin lớn lao vào quy luật vũ trụ, rằng: “Bạn tập trung vào điều gì, điều đó sẽ phát triển”. Khi bạn oán trách, bạn đang chú tâm vào cái gì, vào những cái tốt cho cuộc sống của bạn hay vào những rắc rối cho bạn? Thường là bạn tập trung vào những phiền toái trong cuộc sống của bạn, và thế là bạn chỉ nhận được ngày càng nhiều những phiền toái.

Các giảng viên trong lĩnh vực phát triển con người thường nói về Luật hấp dẫn. Luật này phát biểu rằng “những thứ giống nhau thì hấp dẫn nhau”, nghĩa là khi bạn ca thán, bạn thực ra đang hấp dẫn những phiền toái đến với mình.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 11:

Khi bạn than thở, oán trách thì bạn đang trở thành một thỏi nam châm sống hút về mình những rắc rối và phiền toái.

Bạn đã bao giờ nhận ra rằng những người hay than vãn, kể lể thường có một cuộc sống khó khăn? Dường như mọi thứ rắc rối ở trên đời này đều xảy đến với họ. Họ nói: “Làm sao tôi không phàn nàn được cơ chứ? Bạn xem cuộc sống của tôi tồi tệ đến mức nào”. Bây giờ khi bạn biết rõ hơn, bạn có thể giải thích cho họ: “Không, đó chính là vì anh luôn ca thán rằng cuộc đời anh toàn cái dở, tệ. Hãy thôi ngay đi… và đừng đứng gần tôi!”.

Điều này đưa chúng ta tới một điểm đáng lưu ý khác. Đó là bạn nhớ đừng ở gần một người hay than vãn. Nếu nhất thiết phải ở bên cạnh họ, bạn hãy nhớ đề cao cảnh giác, nếu không, thể nào những chuyện tào lao của họ cũng sẽ cuốn bạn vào!

Tôi luôn giữ khoảng cách càng xa càng tốt với những người hay oán thán, bởi vì những năng lượng tiêu cực rất dễ lây lan. Tuy nhiên, nhiều người lại thích đi lại và lắng nghe những kẻ oán thán. Tại sao? Rất đơn giản: họ đợi đến lượt mình! “Anh nghĩ thế là tệ ư? Hãy nghe chuyện gì đã xảy đến với tôi!”.

Đây là một bài tập về nhà mà tôi cam kết sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn. Trong bảy ngày tiếp theo, tôi thách bạn đừng oán thán bất cứ điều gì, không phải là nói ra, mà trong đầu bạn cũng không được nghĩ tới điều đó. Nhưng bạn phải làm như thế trong đủ bảy ngày. Tại sao? Bởi vì trong mấy ngày đầu bạn có thể vẫn còn một số oán thán như cặn phân bám cứng vào trong bạn từ trước. Rất tiếc, phân không di chuyển với tốc độ ánh sáng, bạn biết đấy, nó di chuyển với tốc độ của phân, nên cần có thời gian để đào thải nó.

Tôi đã đưa lời thách đố này cho hàng nghìn người và tôi thật sự vui mừng khi rất nhiều người trong số họ đã nói với tôi rằng bài tập nhỏ này đã làm thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Tôi đảm bảo bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của bạn trở nên thật kỳ diệu khi bạn ngừng tập trung vào – và nhờ thế ngừng thu hút – những thứ tồi tệ. Nếu bạn từng là người hay ca thán, từ nay hãy tạm quên việc hấp dẫn sự thành công đi, chỉ giữ sao cho được “trung hòa” cũng đã là sự khởi đầu tuyệt vời rồi.

Việc đổ lỗi, biện minh và oán trách chỉ có tác dụng như liều thuốc an thần, nghĩa là chúng chỉ làm dịu bớt căng thẳng do thất bại gây nên, chứ không hề giảm nhẹ chính thất bại đó. Bạn hãy suy nghĩ điều đó. Nếu một người không thất bại dưới bất kỳ hình thức nào, liệu người đó có cần đổ lỗi, biện minh, oán thán? Câu trả lời tuyệt nhiên là không.

Từ nay, nếu bạn nghe thấy mình đổ lỗi, biện minh hay oán trách, hãy dừng lại ngay và lập tức thôi hẳn. Hãy tự nhắc nhở mình rằng bạn đang tạo ra cuộc sống của bạn và trong từng phút, từng khắc một của thời gian, bạn sẽ thu hút hoặc là thành công hoặc là sự tệ hại đến cho mình. Vì thế, việc rất quan trọng là bạn phải chọn ý nghĩ và chọn từ ngữ của mình một cách thật cẩn trọng, tỉnh táo!

Bây giờ bạn đã sẵn sàng lắng nghe một trong những bí mật quan trọng nhất thế giới. Bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy đọc kỹ: Không hề có một nạn nhân nào thực sự giàu có! Bạn có hiểu không? Tôi sẽ nói lần nữa: Không hề có một nạn nhân nào thực sự giàu có. Nếu không thế, liệu có ai sẽ lắng nghe họ đây? “Trời ơi, có một vết xước trên du thuyền của tôi!”. Nghe thế thì hầu như bất cứ ai cũng sẽ trả lời “Ai mà quan tâm cơ chứ?”.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 12:

Không hề có một nạn nhân nào thực sự giàu có!

Trong khi đó, là một nạn nhân thì nhất định sẽ được đền bù. Người ta nhận được những gì khi tự đóng vai nạn nhân? Câu trả lời là sự quan tâm. Sự quan tâm quan trọng đến thế sao? Bạn hãy tin là thế. Dưới hình thức này hay hình thức khác, sự quan tâm chính là điều mà phần đông người ta sống vì nó. Và lý do mà người ta sống để được

quan tâm là vì họ đã mắc phải một nhầm lẫn nghiêm trọng. Đó cũng chính là sự nhầm lẫn mà hầu hết chúng ta đều mắc phải: Chúng ta đã lẫn lộn sự quan tâm với tình yêu.

Tin tôi đi, gần như không thể có thành công và hạnh phúc thật sự khi bạn luôn khao khát sự quan tâm. Bởi vì, nếu sự quan tâm là cái mà bạn muốn thì bạn đang sống trong sự thương hại của người khác.

Bạn sẽ có kết cục như một kẻ luôn cố làm hài lòng người khác để van xin sự tán đồng. Việc luôn tìm kiếm sự quan tâm cũng là một vấn đề bởi vì người ta có thể làm những điều ngu xuẩn để có được nó. Vì vậy, nhất thiết phải tách biệt sự quan tâm với tình yêu, vì nhiều lý do.

Trước hết, bạn sẽ thành công hơn; thứ hai, bạn sẽ hạnh phúc hơn; và thứ ba, bạn có thể tìm thấy tình yêu thực sự trong đời mình. Trong phần lớn trường hợp, khi người ta lẫn lộn giữa tình yêu và sự quan tâm, người ta không hề yêu nhau theo đúng ý nghĩa cao cả của từ này. Họ yêu nhau phần lớn là vì sự ích kỷ của bản thân họ, như là “Tôi yêu điều em làm cho tôi”. Vì thế, quan hệ đó thực sự chỉ vì cá nhân, không phải vì người khác, hay ít nhất là vì cả hai người.

Khi tách biệt sự quan tâm ra khỏi tình yêu, bạn sẽ tự do để có thể yêu một người vì chính con người họ, chứ không phải vì những điều mà họ đã làm cho bạn.

Bây giờ, như tôi đã nói, không hề có nạn nhân nào thực sự giàu có. Vậy nếu để là một nạn nhân, những người tìmkiếm sự quan tâm hãy tin chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ giàu có được.

Đã đến lúc phải quyết định. Bạn có thể là một nạn nhân hoặc bạn có thể giàu có, nhưng bạn không thể là cả hai. Hãy nghe rõ đây! Tôi muốn nhấn mạnh là mỗi khi bạn đổ lỗi, bao biện hay oán trách, thì bạn đang cắt vào cuống họng tài chính của mình. Có lẽ sẽ dễ chịu hơn nếu dùng các hình tượng dễ thương, nhẹ nhàng hơn, nhưng quên điều đó đi. Lúc này, tôi không quan tâm đến sự dễ thương hay nhẹ nhàng. Tôi quan tâm đến việc giúp cho bạn hiểu chính xác bạn thực sự sẽ làm gì với bản thân bạn! Sau đó, khi bạn trở nên giàu có, chúng ta có thể lại nhẹ nhàng, tế nhị với nhau, được không?

Đã đến lúc bạn lấy lại sức mạnh và kiến thức của mình để tạo ra mọi thứ trong đời bạn và cả mọi thứ không có trong đó nữa. Hãy ý thức rõ rằng bạn tạo ra sự thịnh vượng hay sự túng quẫn của bạn, và cả mọi mức độ ở giữa hai thái cực trên.

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói…

“Tôi tạo ra mức độ thành công tài chính của mình.”

Rồi bạn đặt tay lên trán và nói…

“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Mỗi lần bạn bắt gặp mình đang đổ lỗi, biện minh hay ca thán, hãy chĩa ngón tay trỏ lên cổ như một động tác nhắc nhở bản thân rằng bạn đang cắt cổ họng tài chính của mình. Dù hành động này có thể hơi thô thiển nhưng không có gì thô bạo hơn những gì bạn đã làm với bản thân bằng việc đổ lỗi, biện minh hay ca thán. Điều quan trọng là nó sẽ có tác dụng giảm bớt dần rồi cuối cùng là triệt tiêu hẳn những thói quen có thể hủy hoại bạn này.

2. Hãy “tự chất vấn mình”. Cuối mỗi ngày, hãy viết ra một điều bạn đã làm tốt và một điều chưa tốt. Rồi viết câu trả lời cho câu hỏi sau: “Tôi đã tạo ra các tình huống đó như thế nào?”. Nếu có người khác cùng tham gia, hãy hỏi bản thân: “Đâu là vai trò của tôi trong việc tạo ra các tình huống đó?”. Bài tập này sẽ giúp bạn đo lường được cuộc sống của bạn và giúp bạn nhận ra được những chiến lược có hiệu quả hay không có hiệu quả.