Bí Mật Ngôi Nhà Cuối Huyện

Phần IV - Chương 12

1 – Hai trinh sát đến nơi – Cuộc trao đổi

 

Tối hôm đó, trời tối mịt, mưa đã kéo đến từ lúc gần 7g, lúc này khoảng gần đúng nửa đêm, trời vẫn mưa tầm tã. Lại nói hai trinh sát Trọng Dương, Hải Nam nhận nhiệm vụ từ Sở cảnh sát Phúc An, trên chiếc Suzuki Striker 250 đang hướng đến Long Hà. Cơn mưa lớn đã làm chậm hành trình từ Phúc An sang Long Hà của họ đến gần một tiếng rưỡi. Từng cơn gió cuốn các cột nước mưa nhỏ dội xuống đường, di chuyển theo chiều ngược lại của làn xe hướng tới biên giới, cản trở tốc độ của những chiếc môtô. Các cột nước đi cùng sức gió đẩy chao đảo các xe môtô chạy ngược chiều chúng, những giọt nước lớn đập túa vào mặt, tay chân, quần áo của người lái. Nhìn ra xa chỉ thấy những lớp lớp các tấm màn cột nước, còn tầm nhìn để lái xe an toàn trên đường từ cả hai phía đều hạn chế. Mặt đường trơn trượt.

 

Sau cùng, hai người cũng đến tỉnh Long Hà, họ đang đi vào thị trấn huyện Kiên Thành. Trọng Dương cầm lái, còn Hải Nam ngồi thu gọn phía sau im lặng như muốn chịu trận cho qua cơn mưa. Khi vào thị trấn, đường phố về đêm đèn vẫn sáng, xe cộ có phần bớt lại, tuy vậy hai bên phố các nhà hàng khách sạn, nhà trọ, quán ăn, quán karaoke vv vẫn còn hoạt động. 

 

Lúc này, chạy từ từ tìm một khách sạn. Hải Nam khẽ dỡ kính nón bảo hiểm ra anh nói với Trọng Dương đang lái xe:

 

Này anh Dương, thị trấn này sầm uất ra phết! – anh vừa nói, vừa đưa tay che những giọt nước hắt vào mặt.

Ừ, tớ cũng tưởng là khu miền núi hẻo lánh, chứ trung tâm thị trấn của nó cũng đông vui ghê nhỉ! – Trọng Dương trả lời, anh cũng nâng kính nón bảo hiểm lên.

 

Thế là lúc này họ lại nói chuyện lại, sau gần cả hai tiếng ngồi xe dưới trời mưa từ bên tỉnh Thẩm Xuyến sang đây, cả hai cũng nói phần để quên đi cái lạnh, phần vì họ thấy vui hơn vì đã đến nơi, giờ chỉ còn đi tìm khách sạn nữa thôi. 

 

Trọng Dương nói tiếp:

Nói là hẻo lánh chỉ ở gần đồi núi thôi, chứ thị trấn này tập trung toàn dân giàu, dân buôn tứ xứ, cả dân buôn thuốc phiện bên khu vực biên giới với các huyện miền núi Miến Điện, sau thời gian dài gom góp được khối tiền về đây mua đất làm nhà, xây biệt thự an dưỡng, và kinh doanh. Bọn họ luôn có đầu óc kinh doanh, đã giàu rồi vẫn không để đồng tiền nhàn rỗi, tiền của họ được đầu tư tiếp vào cơ sở để tiếp tục nảy nở. Kìa, dãy bên kia có vài ngôi biệt thự xếp cạnh nhau cậu thấy không? – Trọng Dương chỉ tay về bên trái

Hải Nam nhìn theo hướng tay Trọng Dương chỉ, anh trầm trồ khen:

Úi chà, mấy căn biệt thự đẹp ghê, lộng lẫy quá, nhìn cửa hàng rào nó kìa, trông cứ như một phủ tiếp khách cỡ nhỏ.

Đấy chỉ là chỗ họ nghỉ ngơi thôi, còn cơ sở kinh doanh nhà hàng khách sạn, rồi thị cụm giải trí, ăn uống, massage này nọ lại ở chỗ khác có tay còn mở được cả nhà thổ rất sầm uất. Bọn họ có ý tưởng cho con cháu đời đời sau vẫn còn hưởng. – Trọng Dương lại nói

Hải Nam lại ngạc nhiên hỏi:

Con cháu đâu mà đông thế?

Cậu không biết, mấy tay giàu có lúc nào cũng có hai ba vợ lẽ, con rơi con rớt cũng đến năm bảy đứa, nói như cậu, ai cũng một chồng một vợ một đến hai con như chúng ta phấn đấu giàu có để làm gì, ăn làm sao hết. Nhưng bọn họ lại khác, đã giàu rồi lại tham danh, ngoài ra còn tham con đàn cháu đống, cứ như quan lại thời xưa vậy.

Rồi Trọng Dương mải mê giảng giải:

Cứ như chúng ta, nhân viên nhà nước, một gia đình nhỏ một hai đứa nhóc là phấn đấu mệt mỏi để lo bọn chúng ăn học. Dù sao cũng chỉ nghĩ, sau này chúng được ăn học đến nơi đến chốn, mà còn có công ăn việc làm.

Còn bọn họ, đấy cứ theo kiểu thời xưa, họ sẽ tập trung cả họ chỉ làm kinh doanh một nghề, tên gọi thì thời nay có thể khác thời xưa, nhưng mô hình dòng tộc thì giống nhau … - Vừa nói, Dương vừa buông cả tay trái để hòa theo lời giải thích của mình, anh lái xe thong thả.

Hai người mải chuyện một lát, xe đã đi được đoạn đường vào thị trấn. 

Đột nhiên Dương hỏi:

Này cậu nhớ anh Tuấn nói cậu Long hiện ở khách sạn nào không nhỉ?

Ừ nhỉ, tớ cũng quên khuấy mất, đường sá xa quá!

Nam ngồi sau nói:

Khách sạn Hải Vân tại đường Chu Quốc Trấn, hình như anh Tuấn nói nó nằm đầu thị trấn.

Nam vừa nói xong, chiếc xe đã đi qua một đoạn, từ xa thấy bảng đèn nhấp nháy “Khách sạn Hải Vân, 15 Chu Quốc Trấn, Huyện Kiên Thành, Long Hà” tại một ngã tư nhỏ, tấm bảng được bắt dọc tường từ trên cao xuống tại một tòa nhà tám tầng nằm ngay đầu ngã tư, với kiểu thiết kế vậy, ngày hay đêm tấm bảng treo đó đập vào mắt nhìn của người đi đường khi mới vào thị trấn người cần tìm chỗ nghỉ trọ. 

 

Dương nói, tay chỉ lên phía phải:

Kìa, đằng kia chỗ ngã tư, đấy khách sạn Hải Vân cậu Long đang ở đấy!

Thế còn sếp Tuấn dặn ta vào khách sạn nào nghỉ, cậu nhớ rõ không

Nam nói:

Àh, Khách sạn Hoàng Hà, số 78 đường Cao Định.

Ta ghé lại bên đường hỏi đường Cao Định ở đâu đi anh Dương!

Ừ phải đấy!

Họ vừa đi ngang qua ngã tư Chu Quốc Trấn – Lương Thế Học. Họ dừng lại tại một quầy thuốc lá đêm, hỏi đường Cao Định. Rồi họ lại đi theo chỉ dẫn. Họ đi thẳng đến bùng binh Tháp hồ nước, rẽ vào đường Nguyễn Trung Chánh, đi thêm hai ngã tư nữa lại rẽ sang Cao Định tìm đến khách sạn Hoàng Hà.

 

Khách sạn Hoàng Hà là một khách sạn mức nhỏ tại một tòa nhà 5 tầng, từ bên ngoài dáng vẻ trông cũng lịch sự tiện nghi. Dù đêm hôm nhưng biển bên ngoài vẫn sáng, vẫn còn đọc được dòng chữ trên bảng treo ngoài cửa “Khách sạn còn phòng”. Họ gọi cửa. Khoảng ba phút sau, có tiếng lục đục mở cửa. Một thanh niên tiếp đãi mời họ vào trong, anh ta đang chuẩn bị đi ngủ trong phiên trực tối nay, thấy họ anh ta vẫn niềm nở chào đón. Anh tiếp tân hướng dẫn hai trinh sát dắt xe xuống hầm. Cả hai cởi áo mưa nguyên bộ ra, áo quần choàng khít người, nên họ không bị ướt, duy chỉ có vớ dưới chân đã ngấm nước ướt sũng. Hai anh tranh thủ đặt phòng để đi nghỉ sớm. 

 

Sáng hôm sau, khoảng 8g, Trọng Dương và Hải Nam ngủ dậy, vệ sinh xong, gọi bữa sáng mang lên phòng. Dùng xong điểm tâm, hai anh ngồi chơi cà kê dùng cà phê và trà. Trọng Dương hút thuốc lá, anh phì phèo được gần hai ba điếu nãy giờ, còn Hải Nam anh chỉ hút xã giao một điếu rồi thôi. Trời sáng nay mát dịu, không khí êm ắng, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng xe hàng chạy nhanh ngoài tận đường cao tốc vọng về. Từ phòng khách sạn họ đang ở, nghe rõ được tiếng chim quanh đây, tiếng chó sủa gà gáy văng vẳng từ phía một số nhà khu vực đồi phía sau.

 

Trọng Dương nói:

Khiếp! Hôm qua mưa lớn ghê thật! Tớ lái xe mà tê cóng cả tay!

Vâng, đúng là trời mưa miền núi, cứ như bão. – Nam đáp lại

Nam hỏi:

Hôm qua anh ngủ được không?

Ôi, đánh một giấc ngon. Thì chẳng dầm mưa cả hai tiếng đồng hồ, đến đây nửa đêm sao chẳng ngon. – Dương nói

Còn chú thì sao?

Cũng tốt – Nam nhún vai nói

Nam nói tiếp:

Khiếp thật mưa to quá, ướt hết giày dép, lạnh chân ghê.

Ah, anh Dương. Hai đôi tất ướt hôm qua vứt ra, em tranh thủ giũ nước rồi treo chỗ đầu cửa sổ đấy, cả giày em cũng để gần cửa sổ cho hong gió.

Ôi, mất công, để mai đem đi giặt ủi, em làm gì cho mất công. – Dương nói

Rồi Dương hỏi tiếp:

Cần nhất là giày thôi, thế giày khô chưa?

À, hong gió thêm chút nữa chắc là khô thôi. – Nam nói.

Không khí an lành, cảm hứng cho buổi cà phê sáng nay khơi mào cho câu chuyện, Hải Nam hỏi Trọng Dương:

 

Này anh Dương, vùng Kiên Thành này dẫn qua biên giới, là đến khu vực tự trị của miền núi Bắc Miến Điện. Vùng này nó tách Miến Điện từ hồi nào nhỉ?

Dương vừa hớp ngụm cà phê, anh đưa điếu thuốc hít thêm một hơi, rồi nói:

Àh thế mà cậu không rõ cái này?

Không, em cũng chả rõ lắm, em xa nhà đi học nội trú từ năm trung học, đến khi vào trường an ninh, chỉ chúi múi sách vở luyện tập vài năm cũng để ý chuyện xung quanh, xa nhà lâu vậy tình cảm trống vắng, nên cũng yêu sớm, ngày đó lại có một hai mối tình vắt vai, thế là em cũng chẳng còn đầu óc nào mà nghe chuyện thời sự. – Hải Nam cười, giải thích

Thế hả

Dương nói:

Tớ về Sở trước cậu sáu năm, nhưng tớ không để mình tụt hậu thông tin như cậu. Tình cảm thì cũng có nhưng ai cấm mình nghe chuyện khác.

Àh, cái thành phố New Hope City chứ gì, tiếng Miến Điện là gì tớ cũng không nhớ, chỉ nhớ tên tiếng Anh của nó, mà tên gọi bằng tiếng bản xứ người dân tộc, dân chúng ở đấy họ cũng bỏ rồi vì khó đọc khó nhớ quá. Nói nó tách khỏi Miến Điện không chính xác. Nôm na nó là khu vực tự trị thuộc vùng phía Bắc Miến Điện. Ờ cũng vài dịp được đi công tác nhưng phải sang Thẩm Xuyến, qua cửa khẩu Tây An sang Miến Điện, rồi có dịp đến thăm cái vùng đấy nó cũng như khu vực miền núi ở đây thôi, nhưng phải nói nó rộng lớn hơn và được thiên nhiên ưu đãi hơn.

À mà từ Kiên Thành này cũng qua đấy được, nhưng bên đây địa hình hiểm trở, nhiều núi rồi rừng ngăn cách biên giới, nên chỉ có cửa khẩu nhỏ Bản Kéo, nhưng nó chạy mãi lên phía Nam, cách thị trấn này cũng cả gần hai trăm cây. Cửa khẩu này đường sá khó đi lại nên ít người đi lại, người ta chỉ lập một chốt biên giới nhỏ để phòng an ninh và chặn bắt bọn buôn lậu thôi. 

Vâng, cửa khẩu Bản Kéo em cũng có nghe – Hải Nam nói

Dương nói tiếp:

Cậu nghĩ xem, khu vực sau biên giới đi xa ra có đồi núi cao, hay cái là ở đấy trên núi đồi, dưới lại là rừng rậm, khe suối và sông lạch chảy ngang. Và đi qua khỏi khu vực ấy là đồng bằng nhưng kiểu trung du, ở đó có thị trấn miền trung du. Cách đây hàng trăm năm toàn người dân tộc ở, nhưng sau đó do khu vực này quá lợi thế để trồng cây thuốc phiện nên, dân buôn đổ xô đến đầu tư cho mấy làng dân tộc trồng thuốc phiện thế là từ từ nó đông vui lên thôi…- Dừng một lát Dương nói tiếp - Ở đâu có tiền đổ vào ở đó sẽ phát triển. Mà ở đấy nhiều nơi có cả vàng, trên núi trồng thuốc phiện, dưới sông ngòi hình thành các bãi khai thác vàng.

Àh thế hả, vậy chỉ cách có dãy núi mà khu vực bên kia Miến Điện hơn bên này nhiều! Chà, đúng là vùng Long Hà này không được thiên nhiên không ưu đãi như bên kia. – Nam nói

Khổ thế, nếu đây cũng như bên kia toàn cái tỉnh Long Hà này không như bây giờ. Đây cũng gọi là miền trung du nhưng chỉ có núi đồi, rừng thì thưa, không trồng cái gì được mà cũng chả có tài nguyên quái gì hết.

Rồi Dương hồi tưởng lại theo kinh nghiệm của anh nói tiếp:

Nói thế chứ vàng người ta cũng khai thác, vớt đãi chừng hai chục năm là hết, sau khi vét sạch vàng từ lòng đất, nhiều dân chúng đã hưởng lợi từ vàng tại đây, tập trung đầu tư tiền của xây dựng lại nơi này, khu vực giàu có lên, phát triển lên thành phố miền trung du, còn thuốc phiện vẫn trồng quanh năm từ bao đời. Cái hay là ở đấy, chính quyền người ta cũng lờ đi việc trồng thuốc phiện, cũng từ lý do lợi nhuận, vì hàng năm cái New Hope City này cũng đóng góp rất nhiều vào ngân sách, dần dà khu vực này tập trung rất đông dân cư từ một số vùng của Miến Điện và dân buôn trong khu vực, kể cả có bọn tây đến đấy sống.

Thế hả, vậy sao ở đấy có gì hay mà thu hút đông dân bốn phương lại đấy thế - Hải Nam thắc mắc.

Trọng Dương nheo mắt, ngẫm nghĩ, một lát anh nói theo kinh nghiệm của mình:

Đơn giản, vì nó là khu vực giàu có, kinh doanh trao đổi thuốc phiện, ngoài ra, còn tập trung buôn hàng lậu, đưa trực tiếp vào đấy chỉ trừ phí vận tải thôi không đánh thuế, nên hàng rất rẻ so với một số nước khác trong khu vực. 

Có thế thôi à? – Hải Nam cảm thấy vẫn chưa lý thú.

Có tiền rồi, người ta sẽ nghĩ ra những luật lệ khác

Dương nói tiếp như thấy thách thức:

Muốn đi buôn thì có hàng để buôn, muốn ăn thì có cái ăn ngon, ở đấy nhiều món đặc sản quái lạ lắm nhưng phải nói là ngon thật, đánh nhau thanh toán muốn mua súng cũng có nơi bán, muốn gái, ở đấy đúng là một thành phố của nhà thổ, nói chung cái gì ở đấy cũng có, duy chỉ về công nghiệp nó không phát triển lắm.

Nó còn hay ở chỗ này, tức là nó gần giống với cái vùng Texas ngày trước ở Mỹ đấy, dân chúng mâu thuẫn muốn xử nhau, cứ tự nhiên chém giết bắn nhau, có chết người cũng chẳng có ma cảnh sát hay chính quyền nào đến giải quyết, sống theo kiểu ngoài vòng pháp luật, trị theo luật giang hồ.

Hải Nam trố mắt hỏi:

Thế ở đấy không có chính quyền àh, anh Dương?

Dương nhăn mặt nói:

Có chứ, không thì sao người ta gọi là thành phố tự trị được!

Ở đấy cũng có lực lượng cảnh sát riêng, nhưng họ chỉ quan tâm làm sao để duy trì cái thành phố để nó hái thêm tiền thôi, họ không quan tâm đến các mâu thuẫn và thanh trừng giữa các băng đảng. Chuyện đó cũng dễ hiểu, vì đông dân buôn đổ xô đến rất phức tạp, dân giàu có, dân buôn, xã hội đen, tội phạm, nhưng bọn họ tự giải quyết với nhau theo luật giang hồ, tuy là hơi ghê nhưng thật ra nó cũng có quy luật hết.

Nam lại hỏi:

Thế quy luật đó là gì?

Đó là tiền, chia khu vực ảnh hưởng để làm ăn và danh dự trong giới giang hồ. – Dương đáp

Thấy Hải Nam chưa thể hiểu ý nghĩa này, Trọng Dương lại nói:

Đúng là ở đấy an ninh náo loạn thật, tuy chuyện chém giết, án mạng xảy ra hằng ngày, nhưng các thế lực băng nhóm luôn luôn cư xử đối đãi với nhau ở mức trung hòa, dù sao họ cũng muốn nhắm đến làm ăn hơn là tranh giành ảnh hưởng. Có thể, vì khu vực này chỉ mạnh về thuốc phiện và buôn hàng chứ nó không có vị trí thuận lợi hay ảnh hưởng chính trị gì hết, nên các cuộc ẩu đã chém giết nhiều khi chỉ ở mâu thuẫn cá nhân, không đáng kể để biến thành bạo loạn hay nội chiến.

Cậu tưởng tượng xem, người ta có thể mua quyền sống bằng tiền một cách hợp pháp và công khai cho dù cậu chỉ mới đến đấy ở chưa đầy một tuần. Tiền này người ta sẽ đóng cho chính quyền thành phố, người ta quan niệm, tiền chính là sức mạnh và quy luật để cai trị mọi thứ, ổn định lại trật tự, kể cả quyền lưu trú mà không cần xem xét đến lý lịch thành phần gốc gác, rồi chủng tộc hay cậu từ nước nào đến.

Còn không có tiền thì sao hả anh? – Nam hỏi

Thì sống bất hợp pháp, chui lủi ở đấy, cảnh sát nó bắt được là phải dúi cho họ ít tiền thế là xong, không may gặp bữa có đợt tổng kiểm tra thì bị tóm đưa vào trại tị nạn, nhốt một thời gian thì trục xuất.

Hải Nam ngạc nhiên kêu lên:

Thế cái chuyện mua quyền sống hợp pháp có đắt không hả anh?

Trọng Dương nhẩm tính rồi trả lời:

Tớ không nhớ cụ thể giá bao nhiêu nhưng nó tương đương với hai hoặc ba năm sống tại đó, có thể trả bằng vàng hay Dola. Tức ví dụ cậu sống ở một địa phương ổn định được ba năm thì xin cấp quyền lưu trú, nhưng đây người ta cho đi tắt, tức có thể rút gọn ba năm đấy quy ra tiền, nếu cậu có đủ tiền, chỉ một tuần sau khi sống, nếu có ý định sống lâu dài ở đó, bỏ tiền mua quyền lưu trú và đương nhiên sau đó cậu là cư dân hợp pháp tại đó.

Mà ở đấy dùng hai thứ tiếng, người dân tộc với nhau họ nói tiếng thổ ngữ, còn ra đường ai nấy đều biết tiếng Anh để nói chuyện.

Ô hay thế, vậy mà em ít nghe nói đến cái khu vực này. Nó ở ngay nước ta, sau tỉnh Long Hà này mà em không biết. – Hải Nam lại thốt lên.

Trọng Dương vội nói:

Làm sao mà cậu biết, vì thành phố này nó chỉ mới hình thành và mở cửa cho du nhập tự do độ khoảng sáu năm trở lại đây thôi. Thời gian này trùng với lúc cậu đang ngồi ở trường học. Mà ở đấy họ cũng phong tỏa thông tin ra bên ngoài, chỉ ai từng đến đó thì biết.

Ồ vậy à – Nam nói

Chợt Trọng Dương cũng cười ồ lên:

Vậy à! Vậy à! Chú em mày cứ như ếch ngồi ở giếng. Thời gian đấy chắc cậu mải chúi mũi tâm sự với mấy cô bồ, rồi còng lưng chở xe máy đưa nàng đi chơi phải không? Cứ thế còn thiết tha gì mà nghe ngóng học hỏi bên ngoài.

Hải Nam cũng cười theo:

Có lẽ vậy, tại em sớm ham hố quá, em cũng cố gắng chỉnh đốn lại.

Con trai mà anh, mấy anh nào lại nói không khi có dịp quen mấy em, nhất là ở cái tuổi mới lớn còn đang tò mò về tình cảm.

Trọng Dương cũng khéo léo qua quít vấn đề:

Thế có cô nào tiến đến hôn nhân chưa? Hay là rơi rụng hết rồi?

Hải Nam vội gãi đầu, tỏ vẻ lúng túng lẫn tiếc nuối, anh nói:

Thời đi học, em cũng cua được hai cô khá xinh, nhưng sau khi ra trường em vào làm tại Sở thì tiêu tan hết. Đứa đầu từ trung học đến năm nhất thì chia tay do không hợp, đến đứa thứ hai sau khi ra trường, nó ra trường đi làm ở công ty liên doanh nào đấy, em thấy cô ta cũng thay đổi quá, mình còn trẻ nhiều khi chưa kiếm đủ tiền để cô nàng diện quần áo nước hoa, mà nó làm nghề gì sao cứ suốt tuần hội họp khách khứa. Thế là chia tay, vì tài chính không cho phép. Hì, hì, hì. Kể ra bây giờ em cũng tiếc, nhưng bám vào giật gấu vá vai lắm, em tự ái nên cũng quên luôn.

Trọng Dương nghe thấy thế cũng cười nói: 

Há há há, cũng chung số phận thôi, tình đầu bao giờ chả bại nhiều hơn được, mà lại còn thân tàn ma dại, cậu không nghe nói chơi không học bán rẻ tương lai sao?

Nếu cứ vừa yêu giỏi mà vừa giỏi phấn đấu trơn tru thì còn gì để nói

Khổ nỗi, người ta chỉ làm tốt một thứ mỗi giai đoạn thôi.

Tôi thấy cứ yêu vào thì cũng phải hy sinh một vài thứ, đấy cậu xem chỉ riêng trong ngành cảnh sát chúng ta, thường xuyên vắng nhà để đi công tác, điều tra, có lấy được vợ đẹp để ở nhà một mình cũng chẳng thể an tâm; chưa muốn nói đến những ngành nghề khác.

Hải Nam nghe xong, anh cũng im lặng ngẫm nghĩ một lát. Thấy vậy, Trọng Dương lại nói tiếp:

Cậu thấy, mọi thứ nó cứ thay đổi xoành xoạch, thứ ta đã làm tốt rồi, đã chinh phục được rồi, thời gian sau nó lại khác, người ta luôn thấy thiếu thứ gì đó.

Thời đi học, ta làm vừa lòng các cô bằng lời nói, thậm chí là tình cảm, sau này các cô lại cần vừa lòng về vật chất. Trẻ tuổi mới chập chững vào nghề lấy đâu tiền nhiều, có phải anh nào cũng khá giả đâu?

Đến khi, giả dụ nhé, cậu đã giàu có lên, các cô ngày đó cậu không thể lấy làm vợ được nữa, mà đã là vợ người khác. Đến lúc cậu ra sức làm ăn, kiếm được chút tiền, muốn lấy một cô trẻ hơn, khổ nỗi lại lấy phải những cô gái đặt tiền bạc trên cả tình cảm!

Vâng, vâng, đúng là phức tạp. – Hải Nam đáp lại

Nhưng Nam lại nói:

- Nhưng cũng có khi ta gặp cô vừa ý ở cái tuổi ta còn trẻ chứ?

Trọng Dương nhăn nhó trả lời:

- Ai chả biết, nhưng khó lắm, cái thời ngây ngô ấy gì cũng khó.

- À, mà hình như, bà xã anh cũng bằng tuổi anh phải không?

Trọng Dương làm mặt lạnh lùng trả lời:

- Ờ thì tôi cũng quen vợ từ hồi học trường cảnh sát, vừa học xong thì cưới ngay, giờ chị đang làm ở đội cảnh sát kinh tế cũng gần Sở.

Tức thì, Hải Nam ôm bụng cười lớn mà nói:

Ah, ah khà khà khà … vậy là anh cũng giỏi thật, vừa nói em mải yêu sớm mà không biết gì, thế mà anh lại yêu và dứt điểm ngay khi vừa học xong. Hay thật, hay thật!

Nhưng nói là nói thế, chứ tớ có lăng nhăng như cậu đâu, tớ và bà xã, cả bốn năm học không hề có tình cảm gì, ít nói chuyện, tình cờ năm cuối đi thực tập, thế là phát hiện thấy cũng hay hay, nên cưới luôn, không mất thời gian như cậu.

Ô thế hả? Thế anh Dương có bí quyết gì hay sao lại chinh phục nhanh thế, anh phải truyền lại để đàn em học hỏi chứ!

Trọng Dương ngồi nhìn ra xa, rồi nói:

Chả có bí quyết gì hết, hình như duyên phận đến thì nắm lấy thôi.

Thôi, anh đừng vờ khiêm tốn nữa … - Nam lại nói.

Trọng Dương lại làm mặt nghiêm túc nhắc lại:

Không, thật đấy, anh chả có chiêu gì hay hết. Lúc đấy cũng vì hoàn cảnh thì lấy, không nghĩ xa vời. Mình và bà xã cùng học ngành cảnh sát, nên nghĩ sẽ thông cảm cho nhau được, làm cảnh sát điều tra thường phải xa nhà, thế là tớ lấy thôi.

Còn cậu muốn học hỏi hả? Phải tìm đến cậu Long, đấy mới đúng thầy, mà cậu ta đào hoa thật, nhiều đứa thích nó, mà nó vẫn chưa ưng đứa nào …

 

Cả hai ngồi im lặng một lúc, dùng xong cà phê. Họ cũng muốn dừng buổi nói chuyện ngoài đề này. Hai người thong thả lái sang chuyện công việc.

 

Hải Nam lại hỏi Trọng Dương:

Anh Dương, thế bao giờ chúng ta mới bắt đầu hỗ trợ anh Long?

Thong thả một hai ngày sau, anh Tuấn muốn vậy, vì giờ Long còn đang tìm hiểu, chúng ta chưa nên đi theo cậu ta gây hỏng chuyện. Còn một hai ngày nữa để nghỉ ngơi ở đây, cứ xả hơi đi. Lát nữa ta ra phố xem có gì không? – Dương nói.

Vâng!

Rồi hai người như kết thúc buổi cà phê sáng tại phòng. Hải Nam cầm mấy cái tách thu dọn lại rồi gọi bồi phòng lên dọn dẹp. Trọng Dương cũng đi sửa soạn một số vật dụng. Họ đã nghỉ được một đêm tại thị trấn này.