Trước khi đi vào bàn luận cụ thể cách ghi nhớ nội dung bài giảng, tôi muốn nhấn mạnh ba điều quan trọng giúp bạn tiết kiệm thời gian, mồ hôi và nước mắt.
Điều thứ nhất: Có vô số chủ đề hay ho mà bạn muốn bàn luận như: kinh doanh có sức thuyết phục, thực tế thú vị, những giai thoại vui,… Xu hướng tự nhiên là bạn sẽ đề cập tất cả những vấn đề này. Cho dù bạn đang thuyết trình về loại sản phẩm tốt nhất công ty, hay đang giảng giải cho sinh viên về những dãy núi lửa kỳ diệu ở Hawaii thì người nghe cũng không hề thích thú khi phải nghe mọi điều về nó. Họ chỉ muốn nghe những vấn đề có liên quan đến nó mà thôi. Đây chính là lý do vì sao họ được gọi là thính giả mục tiêu A.
Điều thứ hai: Các bài thuyết trình, thông báo hay phát biểu trong kinh doanh chỉ nên nói ngắn gọn trong vài phút, không nên quá 15 phút.
Chỉ sau 8 phút thì người nghe sẽ ngừng suy nghĩ về bài giảng của bạn và bắt đầu mơ tưởng đến cảm giác sảng khoái với một tách cà phê.
Các buổi học và các bài giảng chỉ nên diễn ra trong vòng 45 phút. Mọi khả năng tập trung và tiếp thu bài giảng của sinh viên chỉ là con số không sau 45 phút đó. Bạn sẽ nhận ra rằng, dù bạn có cố gắng khiến họ hứng thú bằng những động tác nhào lộn đẹp mắt thì họ cũng chẳng thấy thích thú gì đâu.
Do đó, hãy suy nghĩ và lập kế hoạch trước. Vấn đề chính mà bạn muốn truyền đạt là gì? Đưa ra 3-4 ý chính giúp bạn đạt được mục đích của bài thuyết trinh/bài giảng và tạo ấn tượng mà bạn muốn.
Điều thứ ba: Trước khi viết ra và sắp xếp các thông tin muốn truyền đạt, bạn cần biết rằng người nghe sẽ chỉ nhớ những điều sau:
-Những gì bạn nói khi bắt đầu bài giảng (phần mở đầu).
-Những gì bạn nói khi kết thúc bài giảng (phần kết luận).
-Cách bạn thuyết trình vấn đề.
Như tôi đã nói, bạn nên giới thiệu vấn đề chính mà bạn muốn thuyết trình và những điểm mạnh của nó.
Kết thúc bài thuyết trình, bạn nhắc lại những điều đã nói trong phần giới thiệu (dùng y nguyên các từ ngữ đó!). Trong phần thân bài, bạn nên nói đến những vấn đề còn lại.
Trong hầu hết các trường hợp thì điểm thứ ba mới có mấu chốt quyết định. Vấn đề nằm ở cái cách mà bạn thuyết trình chứ không phải nội dung của nó. Chúng ta thường nhanh chóng quên đi những gì mình vừa được nghe kể nhưng lại nhớ rất rõ người đứng trước mặt chúng ta. Chúng ta sẽ nhớ họ cho dù bài thuyết trình của họ có ấn tượng hay không.
Hãy cố gắng nhớ lại cái cách mà bạn cảm nhận và phản ứng khi bạn tình cờ gặp một doanh nhân nổi tiếng, một giảng viên ấn tượng hay một giáo viên khiến bạn kinh ngạc. Không còn nghi ngờ gì, bạn sẽ nhớ ngay ra họ khi gặp.
Họ đã để lại ấn tượng không thể quên về một tính cách nổi trội. Chỉ cần nhìn thấy họ là bạn biết rằng bạn đang đứng trước một con người có quyền lực mạnh mẽ. Họ mang đến một thông điệp về sự tin cậy và lòng tự trọng lớn lao. Nói chung, sự hiện diện của họ vô cùng ấn tượng. Họ có một bộ dạng không thể quên được, nó đã in sâu vào trong tâm trí bạn.
Điều mà tôi luôn ngạc nhiên là các chuyên gia, các giảng viên am hiểu và đầy kinh nghiệm, hay những người bán hàng có những sản phẩm tuyệt vời lại không thể che giấu được tính nhút nhát của mình. Những người này thường nói rất nhỏ và hiếm khi nhìn người nghe. Đơn giản là họ không ý thức được sự thể hiện không tốt cũng như thông điệp mà họ truyền đạt! Trong những trường hợp như vậy, nếu bạn nhận thấy bối rối khi đứng trước người nghe thì hãy sử dụng phương pháp giúp bạn thư giãn và lấy lại tự tin trước khi thuyết trình.
Cuối chương này, tôi sẽ chỉ cho bạn một phương pháp đặc biệt, phương pháp “hành động diễn tả thiện ý chủ chốt trong trí óc” này sẽ nhắc nhở bạn thực hiện các “hành động diễn tả thiện ý” đặc biệt trong khi giảng bài. Những hành động thiện ý bao gồm lên cao giọng ở những trường hợp cụ thể, mỉm cười, im lặng vài giây, kể một câu chuyện vui,…
Cách ghi nhớ mọi thứ mà bạn muốn nói…
Trước hết tôi khuyên bạn đừng bao giờ, chắc chắn là đừng bao giờ, cố gắng học thuộc lòng bài diễn thuyết của bạn. Nếu bạn làm vậy thì có hai khả năng sẽ xảy ra: bạn có thể quên mất một từ và kết quả là tất cả. Một vấn đề khác nữa bạn có thể gặp phải, đó là bạn sợ rằng mình sẽ quên mất một từ nhất định nào đó, điều này có thể dẫn đến tình trạng “thoáng mất trí nhớ”. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới trí nhớ tổng thể của bạn.
Cách tốt nhất giúp bạn ghi nhớ một bài giảng, bài phát biểu, bài học, bài thuyết trình trong kinh doanh hay bất kỳ bài diễn thuyết nào là sử dụng những từ ngữ then chốt. Nói cụ thể hơn là bạn nên áp dụng phương pháp sử dụng các hình ảnh then chốt.
Chúng ta đã học cách ghi nhớ các tài liệu bằng cách sử dụng những hình ảnh then chốt như một chiếc móc treo hay một sự liên kết. Chúng ta có thể tận dụng những hình ảnh này để ghi nhớ một ý tưởng, quan điểm, cụm từ hay điểm nào đó mà chúng ta muốn nói tới. Thậm chí chúng ta cũng có thể dùng cách này để ghi nhớ một câu quan trọng, cần chính xác từng từ. Khi sử dụng những hình ảnh then chốt này, chúng ta sẽ không thể quên bất kỳ điều cụ thể nào vì chúng ta không phải cố gắng nhớ chúng!
Chúng ta được thoải mái nói những gì ta muốn mà không phải chịu áp lực hay chịu trách nhiệm khi nói một từ cụ thể nào đó!
Phương pháp này cũng tương tự như phương pháp RomanRoom. Bạn đã học được cách biến các từ ngữ, ý tưởng thành một hình ảnh cụ thể, dễ nhớ và dễ minh họa. Chúng ta treo các từ này trên những chiếc móc treo khác nhau của các tập tin trong đầu. Và các phòng trong nhà chúng ta chính là các tập tin này.
Bây giờ chúng ta sẽ nâng cấp phương pháp RomanRoom và học một phương pháp phức tạp hơn. Nhưng trước tiên, chúng ta cùng quay lại thời La Mã cổ đại. Bạn hãy chuẩn bị một bài thuyết trình ngắn, cụ thể hơn là một bài thuyết trình bán hàng của một doanh nhân người La Mã dựa theo các nguyên tắc chúng ta đã học.
Eillious Maximous Gaitous là đại diện bán hàng cho Microuos Softous. Microuos Softous sản xuất một sản phẩm mới và tinh vi để phục vụ cho các đấu trường. Sản phẩm chính của công ty là cánh cửa biểu diễn lớn kiểm soát số lượng các đấu sĩ và sư tử vào đấu trường (Cánh cửa này sẽ tự động đóng lại khi một trong số họ cố gắng trốn thoát). Tên của nó là “Cửa MCXLLLV”. Mục đích chính của nó là thay thế các cổng bằng gỗ to lớn và nặng nề vẫn được sử dụng ở các đấu trường từ trước đến thời điểm đó.
Billious Gaitous chuẩn bị tham gia một cuộc bỏ thầu do Hội đồng Bảo trợ Văn hóa và Giải trí thành phố Rome thông báo. Sáu công ty sẽ chào hàng dịch vụ của mình cho cuộc bỏ thầu này. Rủi ro đối với kết quả cuộc bỏ thầu này là rất cao.
Bước chuẩn bị đầu tiên của Billious trong đợt bán hàng này là xây dựng một thông điệp mà ông khao khát thực hiện. Billious chọn cấp độ bán hàng cao nhất và biến chúng thành những hình ảnh then chốt đơn lẻ.
Thông điệp đó là: “Sự kết thúc của cổng gỗ - tương lai thuộc về cánh của MCXLLLV”.
Hình ảnh then chốt là: Một chiếc cổng gỗ.
Điểm bán hàng thứ I: Cửa MCXLLLV mở theo chiều ngang. Điều này tạo ra một lối vào vũ đài ấn tượng và hiệu quả. Tất cả các đấu trường hiện tại đều sử dụng những cổng gỗ nặng, mở theo chiều dọc. Cánh cửa sành điệu mở theo chiều ngang là mới mẻ và ấn tượng (nó bao gồm một rèm cửa màu đỏ được kéo lên trên).
Hình ảnh then chốt: Chiếc rèm cửa màu đỏ.
Điểm bán hàng thứ II: Việc mở cánh cổng trở nên đơn giản.
Không cần phải có mười nô lệ lực lưỡng để mở cánh cổng nữa. Chỉ cần hai người đàn ông là có thể dễ dàng mở cánh cửa MCXLLLV. Do đó có thể tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhân sự.
Hình ảnh then chốt: Mười nô lệ khỏe mạnh.
Điểm mạnh thứ III: Cừa MCXLLLV rẻ hơn các cánh cổng gỗ! Giá của nó là 1.900 RD (tiền đô-la La Mã). Phần tiền được chiết khấu xuống còn 1.500 RD sẽ được tặng cho Hội đồng Bảo trợ Văn hóa và Giải trí của thành phố Rome. Với mức giá này, gói hàng bao gồm một cửa lớn hình vuông, kích thước 26x32 foot vuông, một rèm cửa bằng xa-tanh màu đỏ, các phụ kiện khác và một phần thưởng đặc bniệt là một con sư tử nặng hai tấn, cáu kỉnh và rất nhạy cảm!
Hình ảnh then chốt: hai đồng tiền lớn (giá trên quầy và giá chiết khấu).
Billious vừa hoàn thành việc viết ra kế hoạch chính cũng như những điểm mạnh trong bán hàng của anh. Billous thoải mái tiếp tục với những điều mà anh ta chau chuốt thật kỹ lưỡng trong vài phút còn lại:
Anh ta muốn miêu tả tiểu sử sơ lược của công ty Microuos Softous. Tiểu sử sơ lược này bao gồm cơ cấu tổ chức, doanh thu bán hàng, vốn,… Hình ảnh then chốt: logo của công ty.
Dòng sản phẩm của công ty:
Hình ảnh then chốt: Một dây màu đen với sáu đốm màu trắcng (thể hiện cho sáu sản phẩm).
Danh sách khách hàng: gồm có Đại hý trường La Mã Caligula, Trung tâm Đại hội Verona, Napoli YMCA và Trung tâm Thương mại Venice.
Hình ảnh then chốt: bốn khách hàng.
Chúng ta cùng điểm lại các hình ảnh then chốt một lần nữa: các cánh cổng gỗ (Sự kết thúc của cổng gỗ - tương lai thuộc về cánh cửa MCXLLLV), rèm cửa màu đỏ (mở theo chiều ngang, trái lại việc ở theo chiều dọc thông thường), mười nô lệ khỏe mạnh (không cần đến họ nữa), hai đồng tiền (giá trên quầy và giá chiết khấu), logo của công ty (tiểu sử sơ lược của công ty Microus Softous), một dây màu đen với sáu đốm trắng (dòng sản phẩm của công ty) và bốn khách hàng (khách hàng của công ty).
Chúng ta có hai lựa chọn cho bước tiếp theo. Một là mở một tập tin trong đầu, một phòng đã định trước, và treo những hình ảnh then chốt này lên các móc treo cố định/ đồ dùng.
Lựa chọn thứ hai dựa trên phương pháp tiến bộ hơn.
Phương pháp Lecture Hall
Có một thứ còn tốt hơn trí tưởng tượng của chúng ta đó là thực tế.
Phương pháp Lecture Hall thực ra là phương pháp Roman Room nhưng thay vì việc liên kết các hình ảnh/từ ngữ then chốt với một phòng trong trí tưởng tượng của chúng ta, chúng ta có thể treo các hình ảnh này vào một phòng ở ngay trước mắt chúng ta – nơi chúng ta sẽ thuyết trình.
Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp bạn biết trước bạn sẽ giảng bài ở đâu. Đó có thể là một phòng học mà bạn đã giảng dạy trước đó, phòng họp của công ty hay cũng có thể là thính phòng mà bạn đã từng ngồi,…
Chẳng hạn, nếu bạn biết bạn sẽ thuyết trình trong phòng họp của công ty thì hãy đi vào đó và nhìn xung quanh. Tìm kiếm các đồ vật mà bạn có thể treo lên đó các hình ảnh trong bài thuyết trình của mình. Đứng vào vị trí mà bạn sẽ đứng trong khi thuyết trình và nhìn lướt qua căn phòng theo chiều kim đồng hồ hay ngược lại.
Khi bạn đứng ở vị trí đó, hãy lấy danh sách những hình ảnh then chốt và “treo” những ý tưởng này lên các đồ vật trong phòng.
Hãy đưa người bạn của chúng ta, Billious Gaitous, vượt thời gian để đến với phòng họp hiện đại của công ty. Anh ta có thể nhìn thấy gì xung quanh mình? Cửa ra vào, lọ hoa, màn hình ti vi, các bức tranh, giá sách, bảng vẽ…
Anh ta có thể kết nối chủ đề chính trong bài thuyết trình của anh ta với cửa ra vào mà anh ta nhìn thấy ngay trước mặt – cổng gỗ (rất đơn giản, phải không?). Cạnh cửa là một lọ hoa lớn. Anh ta hình dung là sẽ phủ lên lọ hoa đó một chiếc rèm cửa màu đỏ. Hình ảnh này sẽ nhắc nhở anh ta nhớ đến cấp độ bán hàng đầu tiên. Anh ta tiếp tục tưởng tuọng anh ta có thể nâng cái tủ lên rồi đặt bên cạnh lọ hoa với sự giúp đỡ của mười nô lệ khỏe mạnh cố gắng giữ cho chiếc tủ không bị đổ. Anh ta lại gắn hai đồng tiền khổng lồ với hai cạnh của màn hình ti vi. Những đồng tiền này trông giống như cái tai tròn của chú chuột Mickey… Sử dụng phương pháp này, bạn có thể tiếp tục treo mọi hình ảnh then chốt lên các đồ vật trong phòng mà bạn nhìn thấy ngay trước mặt!
Trong khi thuyết trình, bạn chỉ việc nhìn quanh phòng. Tôi đảm bảo rằng khi bạn nhìn vào một đồ vật nào đó trong phòng, chắc chắn hình ảnh then chốt kia sẽ hiện lên trong tâm trí bạn.
Chúng ta phải làm gì nếu bài thuyết trình bị thay đổi ở phút cuối, nó sẽ diễn ra ở một phòng khác?
Không có vấn đề gì bởi vì chúng ta đã biết đến phương pháp truyền thống Roman Room cơ mà.
Một ngày trước buổi thuyết trình
Trong tâm trí của Billous Gaitous, các hình ảnh then chốt cho bài thuyết trình đã được gắn với các đồ vật trong phòng họp (hay bất kỳ phòng nào khác mà anh ta đã chọn). Anh ta nhìn lướt qua phòng để đảm bảo rằng các hình ảnh then chốt đó đã được kết nối với các đồ vật này một cách rõ nét và sống động.
Anh ta nhìn thấy chiếc tủ nhưng hình ảnh then chốt lại không hiện ra trong tâm trí. Anh ta bắt đầu kiểm tra lý do lý giải hiện tượng này và tăng cường sự liên kết liên tưởng. Rồi anh ta quyết định rằng hình ảnh những người nô lệ đang khiêng chiếc tủ một cách bị động cần phải thay đổi. Vì vậy, họ sẽ nâng lên hạ xuống cái tủ trong không trung. Anh ta có thể nhìn thấy mồ hôi trên cánh tay họ và sự nỗ lực lớn mà họ dồn vào trò vui này. Bây giờ, sự liên kết liên tưởng đã trở nên chặt chẽ và hiệu quả.
Anh ta ôn lại bài thuyết trình một lần nữa.
Lần này, trong khi “dạo chơi” phòng họp trong tưởng tượng, anh ta nói thật to với chính mình.
Rồi anh ta lại làm lại một lần nữa nhưng lần này anh ta tính thời gian trình bày cho mỗi chủ đề và tổng thời gian của tất cả các chủ đề cần thuyết trình. Anh ta cứ thế nói một cách tự nhiên và trôi chảy trước một thính giả tưởng tượng. Anh ta có thể sử dụng những từ ngữ của chính mình mà không bị lúng túng với những từ ngữ cứng nhắc đã được định rõ.
Buổi sáng ngày thuyết trình
Billious luyện tập lại lần cuối cùng.
Một phút trước khi thuyết trình, anh ta đi vào phòng họp, cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Các thành viên của Hội đồng Bảo trợ Văn hóa và Giải trí thành phố Rome nhìn chằm chằm vào anh ta. Bỗng nhiên anh ta nhìn thấy Hoàng đế Caligula, nỗi lo lắng lớn nhất của mình, đang ngồi ở cuối bàn. Còn ngạc nhiên hơn khi Billious nhìn thấy con ngựa của Caligula đang ở ngay bên cạnh ông ta. Anh ta nhìn Caligula và tự nhủ: “Tại sao mình lại phải chuẩn bị tất cả vì điều này chứ? Vị hoàng đế còn mang theo con ngựa của ông ta tới nghe bài thuyết trình của mình… Còn điều gì tồi tệ hơn thế nữa?” Anh ta cảm thấy sẵn sàng và quyết tâm “hạ gục họ” bằng bài thuyết trình bán hàng của mình.
Bắt chước
Billious Gaitous bắt đầu cuộc dạo chơi phòng họp trong tưởng tượng. Anh ta nhìn vào cánh cửa phòng và lập tức nhớ đến cổng gỗ, hình ảnh then chốt đầu tiên của anh ta.
Với sự tự tin và dáng vẻ đầy quyền uy, anh ta bắt đầu thuyết trình:
“Thưa Hoàng đế đáng kính, hỡi toàn thể công nhân thành phố Rome yêu quý, tôi rất hân hạnh được thông báo với các bạn rằng, cổng gỗ sẽ bị loại bỏ - tương lai sẽ thuộc về những chiếc cửa MCXLLLV”.
Anh ta tạm dừng và nhìn về phía người nghe – những người đang rất ấn tượng với bài thuyết trình của anh. Rồi anh ta nhìn về phía lọ hoa bên cạnh cửa ra vào. Thật ngạc nhiên vì có ai đó đã kéo tấm rèm màu đỏ mà trước đó còn được phủ lên lọ hoa. Anh ta nhấn mạnh vào kết quả quan trọng và mới mẻ sẽ xảy ra vì các đấu sĩ và sư tử sẽ tiến vào đấu trường sau khi tấm màn màu đỏ này được kéo sang ngang. Điều này còn khiến người nghe ấn tượng hơn nữa.
Anh ta chuyển sang chủ đề được kết nối với chiếc tủ. Lúc này anh ta nhìn thấy những người nô lệ đang nâng chiếc tủ lên không trung. Anh ta còn khiến người nghe ngạc nhiên hơn nữa khi nói: “Mười nô lệ khỏe mạnh được thuê với giá cao giờ đây đã không còn cần thiết nữa”. Các thành viên trong hội đồng thật sự bị sốc.
Anh ta nhìn thấy hai cái tai trên màn hình ti vi. Đây chính là hai đồng tiền lớn. Billious tiếp tục:
“Tất cả những thứ này chỉ có giá 1.900 RD. Tuy nhiên, vì Microuos Softous coi bạn là một khách hàng quan trọng, nên chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn một gói hàng đặc biệt, chỉ với giá 1.500 RD, bao gồm:
Một cửa hình vuông kích thước 26x32 foot vuông, một rèm cửa xa-tanh màu đỏ, và các phụ kiện khác, bảo hành mười năm cùng với một phần quà khuyến mại đặc biệt là một con sư tử châu Phi nặng hai tấn. Con sư tử này rất ghét các đấu sĩ, và sau khi bị bỏ đói nó trở nên hung hăng và dữ tợn.” Anh ta lại ngừng lại.
Các thành viên hội đồng bị thu hút trước sự ngạc nhiên này. Họ tràn ngập niềm thích thú. Con ngựa của Caligula thì bất tỉnh khi nghe xong câu chuyện về con sư tử. Gatious tiếp tục con đường đến với vinh quang. Khi kết thúc bài phát biểu, anh nhận được một tràng pháo tay và sự tán thưởng lớn. Caligula sắp đặt gói hàng gồm hai mươi cửa MCXLLLV để phục vụ cho các đấu trường tại trung tâm thành Rome. Nhiệm vụ đã hoàn thành.
Điệu bộ khi thuyết trình
Không có sự khác biệt lớn giữa một diễn viên rạp hát và một người thuyết trình. Họ đều biểu diễn trước khán giả. Họ phải làm sao cho khán giả hiểu được họ là ai và nhân vật của họ thế nào. Và họ làm điều này thông qua diễn xuất. Họ cần nhớ được thời điểm chính xác phải lên giọng, mỉm cười, dừng lại, di chuyển và bắt chéo tay. Diễn viên sử dụng các hành vi cường điệu; đặc biệt là giọng nói, cử động của tay, điệu cười hoang dã và trái tim mềm yếu. Người thuyết trình cũng là một diễn viên. Nếu họ không làm được như vậy thì thật tẻ nhạt.
Nhưng trái ngược với các diễn viên rạp hát, người thuyết trình phải cố gắng không diễn xuất quá phóng đại. Khi bài thuyết trình dường như quá ấn tượng, nó sẽ bị coi là giả tạo, còn người thuyết trình sẽ bị coi là không thật và không đáng tin cậy.
Mark Twain nói rằng ông phải dành ít nhất ba tiếng để chuẩn bị cho một bài giảng trong vòng 10 phút. Mọi sự thay đổi trong giọng nói, cử chỉ, di chuyển đều được ông chuẩn bị kỹ càng.
Như chúng ta vừa nói, không cần phải có một kế hoạch tỉ mỉ vì không cần phải nhớ từng từ ngữ cụ thể hay điệu bộ, cử chỉ nào đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta không phải là những diễn viên có năng khiếu bẩm sinh thì chúng ta cần dùng đến sự giúp đỡ của các móc treo.
Lấy ví dụ là bạn muốn cất cao giọng để ngụy trang cho một lý lẽ “yếu” khác thường. Bạn hãy chỉ ra những trường hợp mà bạn nghĩ cần thiết phải tạm ngừng ít phút sau một câu nói đầy ý nghĩa (loại cần phải “tiêu hóa”). Nghĩ đến khi bạn muốn gật đầu đồng ý, hãy kể một câu chuyện cười hay kết luận cho một ý kiến nào đó bằng một câu hỏi có mục đích.
Để ghi nhớ các điệu bộ cơ thể như vậy, bạn có thể thêm vào phần các hình ảnh then chốt của mình “những điệu bộ then chốt”.
Chẳng hạn Billious muốn ghi nhớ việc kết luận mức độ giảm chi phí đối với người nô lệ bằng một câu hỏi thì anh ta có thể hỏi: “Chỉ cần hai người là có thể làm cho những cánh cửa này hoạt động, thật ngạc nhiên phải không các bạn?”
Để ghi nhớ điều này, anh ta có thể tạo thêm một chìa khóa, một hình ảnh. Anh ta cũng có thể hình dung ra một câu hỏi lớn có mục đích và liên kết nó với đồ vật mà anh ta đã kết nối với những người nô lệ. Anh ta tưởng tượng rằng có những câu hỏi có mục đích màu đen được khắc ở mặt trên cùng của tủ (tủ làm bằng gỗ gụ màu đen). Các câu hỏi này thật sự không thích hợp trên một đồ vật cổ kính như vậy. Rồi trong khi thuyết trình, khi gặp hình ảnh này, anh ta sẽ nhìn thấy các nô lệ đang nâng chiếc tủ. Và từ đó, anh ta sẽ nhìn thấy các câu hỏi được khắc trên tủ. Điều này nhắc nhở anh phải nhấn mạnh điểm đáng lưu ý này.
Bạn có thể tạo ra những hình ảnh then chốt đa dạng. Đó là những hình ảnh miêu tả các điệu bộ cụ thể như:
Loa phóng thanh: nhắc bạn cần lên giọng.
Bóng đèn: nhắc bạn phải biểu hiện ra mặt rằng: “Đây là một ý tưởng tuyệt vời.”
Biểu hiện STOP khổng lồ: nhắc bạn dừng lại vài giây…
Biểu tượng mặt cười màu vàng: nhắc bạn mỉm cười hay kể một câu chuyện vui liên quan đến chủ đề đang nói.
Bạn có thể dễ dàng thêm những điệu bộ then chốt vào các hình ảnh then chốt. Khi bạn chuẩn bị một bài thuyết trình, hãy viết ra một tờ giấy tất cả những hình ảnh và điệu bộ then chốt mà bạn muốn.
Có lẽ bạn đang do dự về khả năng ghi nhớ một số lượng lớn các từ ngữ then chốt, bạn sợ rằng bộ não của bạn không thể “quản lý” hết chúng. Đừng lo lắng! khi kết thúc bài thuyết trình, bạn sẽ ngạc nhiên vì bạn có thể nhớ tất cả sự liên kết này một cách dễ dàng. Không chỉ vậy, não bạn còn có khả năng “tiếp thu” nhiều hình hình ảnh then chốt hơn nữa!