Nhiều người thường lẫn lộn giữa "cảm giác" với "cảm xúc". Các cảm giác trên thực tế chỉ là một phần khởi nguồn của cảm xúc.
Các cảm giác là những cảm nhận tức thời, xuất hiện khi cơ thể bị những nguyên nhân về lý tính và hóa tính từ môi trường bên ngoài tác động vào, còn cảm xúc sẽ bao gồm các cảm giác các và cả những cảm nhận được tạo nên từ phản ứng của chủ quan của chúng ta sau khi tiếp nhận hoặc bị tác động bởi các cảm giác.
Như vậy, cảm giác chỉ là những cảm nhận của chúng ta qua các giác quan trước mọi tác động từ môi trường bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, các tác động về lực và từ trường. Chúng ta có các cảm giác nóng - lạnh, sần sùi - nhẵn mịn, ngọt - đắng, thơm tho - hôi thối, chói chang - tối tăm, ầm ĩ - du dương,.
Cảm giác chỉ là 1 góc của cảm xúc. Một mặt, cảm xúc bao gồm phần cảm giác và các phản ứng của não bộ khi có sự tác động của cảm giác đó. Ở khía cạnh khác, cảm xúc còn bao gồm những trạng thái khác của não bộ không do sự tác động từ bên ngoài - tức không có cảm giác - mà do sự kích hoạt của trí tưởng tượng bên trong. Có thể ví dụ như các cảm xúc yêu, ghét, vui vẻ, lo lắng, đau khổ,...
Mặc dù luôn bị cảm xúc tác động và dẫn dắt, nhưng hầu như chúng ta chưa quan tâm để hiểu về cảm xúc.
Giống như những đứa trẻ lên hai tuổi, không biết phải làm gì khác ngoài việc khóc to lên khi chúng bị đói, bị đau, bị nóng quá hoặc lạnh quá, chúng ta thường không biết phải làm gì để đối đầu với sự căng thẳng, sự lo lắng, sự đau khổ,. Cách chúng ta phản ứng lại các vấn đề thường hết sức đơn giản và theo bản năng. Làm gì để giải tỏa nỗi buồn, giải tỏa sự sợ hãi, sự giận dữ,.? Phải làm gì để tạo ra được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hài lòng?
Ðể tồn tại, mọi người đang dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc theo lời khuyên của người khác nhằm giải tỏa các cảm xúc của mình. Trong rất nhiều trường hợp, thay vì giải toả các cảm xúc xấu của mình thì chúng ta lại tạo ra thêm những rắc rối, những vấn đề mới lớn hơn.
Hãy cùng xem ví dụ sau:
Khi Madona bị bạn trai xúc phạm và bị phản bội. Cô phải chịu đựng một cách đau đớn và mất khả năng kiểm soát các cảm xúc của mình. Madona phản ứng theo bản năng và tìm cách trả thù lại. Cô đau khổ và giận dữ với những ý nghĩ tồi tệ về sự việc. Càng suy nghĩ, sự đau khổ và cơn giận của Madona càng tăng và lên đến đỉnh điểm. Cô khóc lóc vò đầu bứt tóc và la lối với tất cả mọi người. Trong đầu Madona lúc đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất là tìm mọi cách để tên bạn trai đó phải trả giá, phải đau khổ, hối hận vì những hành động của hắn. Hàng loạt những thủ đoạn trả thù tàn nhẫn được vạch ra trong đầu cô.
Dù Madona có thực hiện thành công các hành động trả thù hay không thì các hành vi đó cũng có tác động rất tiêu cực đối với bản thân cô và những người xung quanh. Các phản ứng để trả đũa hay cố gắng chịu đựng đều tạo ra sự tổn thương về tinh thần cho Madona.
Liệu có cách nào khác tốt hơn không?
Thay vì chịu đựng và phản ứng một cách tiêu cực, Madona có thể dùng một cơ chế kiểm soát là biến đổi các cảm xúc xấu tiêu cực thành những hành vi tích cực như: gặp trực tiếp đối tượng? bày tỏ thái độ tội nghiệp cho sự tệ hại của họ? thông cảm với những hành động xấu của họ? chia sẻ nỗi đau đớn của mình, sự chịu đựng của mình?.
Vì không ý thức được các nhu cầu tinh thần của mình, con người thường không tự đáp ứng được các nhu cầu về cảm xúc tốt và thường xuyên rơi vào tình trạng đói cảm xúc. Trong đa số trường hợp, các cá nhân sẽ hành động theo kinh nghiệm, hoặc theo sự suy diễn của bản thân để tìm kiếm các cảm xúc tốt và giải tỏa cảm xúc xấu.
Tương tự như một người mù chữ nghèo khó, luôn chật vật xoay sở trong cuộc sống đói khổ, tình trạng "mù mờ về cảm xúc" khiến đa số mọi người không tạo được sự giàu có về cảm xúc tốt và luôn rơi vào những tình huống tự mình làm khổ mình. Thay vì phải góp ý, chúng ta lại chê bai, thay vì cần chia vui, chúng ta lại tức tối, ghen tỵ.
Theo bản năng của mình, con người luôn vô tình tạo ra nhiều vấn đề nhức đầu, những trục trặc, những đổ vỡ, thất bại trong các mối quan hệ. Kết cục là chúng ta tự gây ra cho mình một cuộc sống ít hạnh phúc mà nhiều khổ đau.
Ðây cũng chính là nguyên nhân tạo ra các vấn đề của anh chàng H.Song, của N.Huy và V.Thanh và cũng là nguyên nhân tạo ra tiền bạc cho những người như K.Thu.
Ở những trường hợp tệ hơn, tình trạng không hiểu biết và không kiểm soát được cảm xúc của bản thân dễ dẫn tới các hành động cực đoan như lừa đảo, bạo lực hoặc các hành vi tệ hại khác.
Câu hỏi tiếp tục được đặt ra là:
Chúng ta đã biết được gì về cảm xúc?
Dưới góc độ khoa học, cảm xúc là kết quả của những luồng thần kinh tác động lên các phần khác nhau của não bộ. Một số nhà nghiên cứu về hệ thần kinh (nervous system) đã tiến hành thí nghiệm dùng các xung điện tác động vào não qua các điện cực và tạo ra được những trạng thái cảm xúc khác nhau như cười, buồn rầu, căng thẳng,...
Xét về bản chất, Ðịnh nghĩa về cảm xúc có thể phát biểu như sau:
--------------------------------------------------------------
Về bản chất - Cảm xúc chính là một trạng thái hoá học của não bộ.
--------------------------------------------------------------
Chuyện gì xảy ra khi anh chàng Kolia và một cô nàng Vera 16 tuổi lần đầu tiên trong đời hôn nhau?
Sự chạm nhẹ giữa hai làn môi khi hôn, trên thực tế chỉ là một tác động cơ học thuần túy, nhưng đây chính là mồi lửa cho sự bùng nổ về cảm xúc. Do cơ chế tự kích thích, cơ thể sẽ tạo ra một luồng thần kinh rất mạnh, được dẫn truyền theo các mạch thần kinh và tác động mạnh vào não bộ, tạo ra một cảm giác như bị sốc điện, có lẽ cũng không khác cảm giác bị sét đánh là bao.
Dưới tác động của luồng thần kinh này, một số loại hoóc-môn và một lượng rất lớn nội tiết tố endorphin sẽ được tạo ra và phóng thích vào não, tác động lên hệ thần kinh cảm nhận để làm cho cá nhân có cảm giác sung sướng vượt bậc.
Theo quan niệm của y học phương đông, trong cơ thể con người luôn có những luồng chân khí lưu thông. Khí sẽ tạo nên thần, tức thần thái, sắc mặt, thể hiện trạng thái tâm lý của con người.
Dưới góc độ khoa học, các luồng chân khí này chính là những luồng thần kinh liên tục luân chuyển trong cơ thể, còn các huyệt đạo là những nút giao lộ của các đường dây thần kinh.
Các cảm xúc là nguyên nhân tác động trực tiếp của cơ chế dẫn truyền thần kinh, là trạng thái khi các luồng thần kinh tác động lên não bộ mà hệ quả tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động của hệ thống hô hấp, hệ thống tuần hoàn và đến các cơ quan khác của cơ thể.
Cảm xúc là yếu tố tạo nên các trạng thái tâm lý của con người.