Do thiếu những hiểu biết về cảm xúc nên nhiều người quan niệm là có 2 loại stress - một loại tốt và một loại xấu.
Trên thực tế khái niệm stress là để mô tả một trạng thái cảm xúc xấu của bộ não. Còn trạng thái mà mọi người lầm tưởng là loại stress tốt chính là cảm xúc "hưng phấn" của cá nhân.
Khi cá nhân bị stress, một vấn đề bất thường xảy ra sẽ làm đảo lộn các tiến trình bình thường, đe doạ trực tiếp tới quyền lợi của cá nhân. Não bộ nhận diện được vấn đề, cá nhân bắt đầu suy nghĩ tìm cách giải quyết nhưng không thể, hoặc không có khả năng giải quyết được vấn đề đã phát sinh. Tình trạng bế tắc sẽ tạo nên một cảm xúc xấu cho cá nhân: lo lắng, bực bội, sợ hãi, chán nản,.
Não bộ sẽ xếp cảm xúc xấu này vào một ngăn "hồ sơ cần giải quyết". Tầm quan trọng của vấn đề cần phải giải quyết càng lớn thì sẽ tạo ra cảm xúc xấu với cường độ càng mạnh. Sự lo lắng sẽ kích hoạt não bộ liên tục để cá nhân phải nhớ tới vấn đề, ý thức giải quyết rốt ráo vấn đề tồn đọng, mỗi lần nhớ tới vấn đề sẽ lại tạo ra một cảm xúc xấu mới.
Qui trình lặp đi lặp lại do bế tắc, không có giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề chính là trạng thái mà chúng ta gọi là "stress".
Như vậy, ở trạng thái stress, não bộ bị một tác nhân tạo cảm xúc xấu tác động liên tục. Nhưng do không đủ khả năng, hoặc không tìm được biện pháp để giải quyết vấn đề, não bộ bị rơi vào một vòng lặp cảm xúc xấu, làm mức độ cảm xúc xấu tăng dần lên theo mỗi vòng lặp lại.
Vấn đề =>Suy nghĩ lo lắng =>không giải quyết được =>Suy nghĩ lo lắng =>Nhớ vấn đề =>Suy nghĩ lo lắng =>không giải quyết được =>Suy nghĩ lo lắng =>Nhớ vấn đề =>.
Như vậy có thể thấy rằng trí nhớ và trí tưởng tượng của con người là nguồn gốc tạo ra stress.
Bản chất của stress là mối lo sợ của cá nhân sắp bị mất đi một nguồn tạo các cảm xúc tốt hay sắp phải chịu đựng một nguyên nhân tạo ra các cảm xúc xấu.
Các tình huống bị stress thường gặp là:
+ Vấn đề tạo nên sự thiệt hại trực tiếp cho bản thân cá nhân
+ Vấn đề tạo ra sự thiệt hại cho người hay tổ chức có liên quan trực tiếp với cá nhân
+ Vấn đề do sự trục trặc trong các mối quan hệ của cá nhân với người khác, với tổ chức
+ Vấn đề do cá nhân vi phạm các luật lệ của tổ chức hay của xã hội
Một số giải pháp để giải tỏa stress:
+ Ðối mặt với vấn đề, không tránh né nữa và đưa ra quyết định dù có thể bị thiệt thòi, bị tốn kém để giải quyết dứt điểm vấn đề. Khi chúng ta học cách dám đối mặt trực diện với vấn đề và dám chấp nhận thực tế một cách chủ động nhất, chúng ta sẽ dễ dàng vượt lên nỗi lo âu, nỗi sợ hay sự căng thẳng để có được những hành động tích cực, tạo ra được những niềm vui và sự yên tâm.
+ Tìm cách gạt vấn đề ra khỏi bộ nhớ, xếp vấn đề vào vùng nhớ lưu trữ. Theo tiêu chí sống mà các tôn giáo lớn và các nhà tư tưởng học hay khuyên bảo: "Học hỏi từ quá khứ, sống ở thực tại, hướng tới tương lai" - tức hãy sống với những cảm xúc hiện tại chứ không phải nhức đầu về các sự việc đã xảy ra trong quá khứ.
+ Theo một cách khác, mọi sự việc sẽ trở nên rất khó khăn và căng thẳng khi chúng ta đặt vấn đề trong một tầm nhìn hạn hẹp hay một thời gian ngắn. Khi ta nhìn nhận sự việc trong một phạm vi rộng hơn, đặt nó vào một khoảng thời gian đủ lâu để xem xét thì chúng ta sẽ dễ dàng thấy được có nhiều cách để giải quyết vấn đề hơn, nhiều cơ hội hơn và giảm bớt được sự căng thẳng do chính vấn đề tạo ra.
Trong các trường hợp mà stress xuất phát từ các mối quan hệ giữa con người với con người. Cách tiếp cận trực tiếp với đối tượng, thẳng thắn và chủ động nêu lên vấn đề, nhìn nhận những lỗi lầm, xác định trách nhiệm của cá nhân để cùng tìm ra giải pháp sẽ là một cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất để giải tỏa stress cho cá nhân.
Khi chúng ta bị stress, các cảm xúc xấu sẽ dồn nén ở mức cao, các loại chất độc hại cho não luôn xuất hiện ở mức độ cao. Dưới tác động mạnh của các cảm xúc xấu bị dồn nén, các cơ chế, các quá trình hoạt động và trao đổi chất của cơ thể sẽ bị rối loạn. Những nghiên cứu y học ngày nay đã chứng minh rất rõ ràng về mối liên hệ mật thiết giữa sự rối loạn các quá trình trao đổi chất của cơ thể với bệnh tim mạch, tiểu đường, thần kinh, suy nhược cơ thể, viêm nhiễm, và rất nhiều loại bệnh nguy hiểm khác.
Cũng từ nhận thức này mà chúng ta cần ý thức phải chữa bệnh về tinh thần trước rồi sau đó mới chữa bệnh về thể xác. Hay nói cách khác là phải chữa trị cho "cái đầu" trước đã.