Bên Rặng Tuyết Sơn

Chương 2

Cơn mưa đầu mùa vừa trút xuống Kadambini, dân làng đã ùa chạy ra đồng, hò reo sung sướng. Nhìn dòng nước tuôn chảy trên những thửa ruộng, họ mừng rỡ bảo nhau, như thế là không có hạn hán rồi, mưa to thế kia thì chỉ một lúc thôi, ruộng sẽ ngập nước, và rồi lúa sẽ mọc. Cũng như những làng mạc sống bằng nghề nông, hạn hán là mối đe dọa rất lớn, nên hàng năm trước mùa lúa, người dân thường mang phẩm vật đến dâng cúng thần linh ở các đền miếu quanh làng. Cách làng Kadambini không xa có một đền thờ thần Kali[3] nằm giữa một khu nghĩa địa lớn, cây cối um tùm, rậm rạp. Không biết tại sao mà ngôi đền này bị bỏ hoang từ lâu, nhưng có nhiều câu chuyện ma quỷ thêu dệt quanh nó khiến ít ai dám đến gần. Ngay cả những người có tiếng là can đảm nhất cũng chỉ dám đi ngang vào lúc trời còn sáng, chứ chẳng ai dám đến đó khi mặt trời đã lặn.

Đầu mùa, dân làng mang lễ vật đến các đền thờ quanh vùng để cầu xin các vị thần che chở. Khi đến đền thờ thần Kali, họ thấy một thiếu nữ đang ngồi yên lặng trong góc tối, tóc dài xõa xuống vai, nước da bánh mật, mặc y phục dòng tu Mật tông của Ấn giáo. Cô im lặng, ngồi yên trong tư thế liên hoa, hai mắt nhắm nghiền. Việc một đạo sĩ đến một ngôi đền bỏ hoang để tu hành không phải điều lạ, nhưng vì đây là một thiếu nữ, lại đến ngôi đền Kali đáng sợ nên ai nấy đều xôn xao. Lúc đầu, dân làng e cô không phải người mà là một loài yêu quái trá hình, nhưng suốt mấy hôm liền, họ vẫn thấy cô ngồi đó, yên lặng tĩnh tu, nên một người đã rón rén đặt trước mặt cô dĩa trái cây tươi để cúng đường. Vài hôm sau, khi trở lại, họ thấy dĩa trái cây vẫn còn nguyên. Dường như nữ đạo sĩ kia mải mê thiền định, quên cả ăn uống. Nhiều người tò mò kéo đến xem. Mặc cho đám đông tụ họp bàn tán, cô vẫn ngồi yên, đắm mình trong không gian thiền định. Những người đến xem trở về làng đồn rằng cô là một đạo sĩ pháp thuật cao cường, có thể trừ tà ma, nên mới dám đến tu hành tại một nơi đáng sợ như vậy. Kẻ khác lại thêu dệt rằng, cô là một đạo sĩ từng nhập thất trên đỉnh Tuyết Sơn cả trăm năm, vì đã đắc đạo, nên dung nhan trẻ mãi không già. Thôi thì đủ kiểu. Họ còn thêu dệt thành các câu chuyện ly kỳ, thần bí, truyền đi từ làng này qua làng khác. Một thời gian sau, dân làng đã thấy ruộng nương trúng mùa liên tiếp, số rau trái thu được gia tăng gấp bội. Lạ lùng hơn nữa, những dân làng từ trước vẫn đau yếu bỗng khỏe mạnh, hồi phục một cách bất ngờ. Trẻ con trong làng cũng không hay ốm vặt như những trẻ con làng khác. Dân làng cảm thấy họ đang được hưởng một ân phước lớn lao, và sau cùng, họ kết luận rằng chắc hẳn nguyên do liên quan đến sự xuất hiện của vị đạo sĩ kia. Các lời đồn đãi lại rộ lên và mọi người tin rằng cô phải là một bậc nữ thánh với những quyền năng rất cao. Từ đó, họ gọi cô là Deviji (Thần nữ).

Việc có một Deviji xuất hiện trong đền Kali đã kéo rất nhiều người mộ đạo tìm đến. Người mang hoa quả, kẻ mang tiền bạc cúng đường. Bất chấp các lễ vật chất đầy chung quanh, thiếu nữ vẫn ngồi yên, bất động. Một số dân làng thấy vậy bèn sử dụng số tiền tín đồ dâng cúng để sửa sang lại cho ngôi đền thêm đẹp đẽ. Cuối năm đó, ngôi đền đã được tu bổ rất khang trang. Các hàng cột được sơn son thếp vàng. Các pho tượng được lau chùi và sơn phết cẩn thận. Các khí cụ hành lễ được tu bổ trông như mới. Ngay cả cây cối quanh đền cũng được cắt tỉa, vun xới cẩn thận. Vì tín đồ kéo đến khá đông, một số dân làng đã tự phong cho mình các vị trí chức trách trong đền: kẻ lo nấu nướng dọn dẹp; người lo tiếp đãi khách thập phương... Chẳng còn ai bàn tán về các câu chuyện ghê gớm của khu nghĩa địa hoang vu đó nữa. Họ chỉ nói đến ngôi đền Kali đẹp đẽ với số khách hành hương mỗi ngày một đông, còn những giai thoại về kẻ ốm được lành, người mù được sáng cứ truyền tụng khắp nơi. Chẳng ai biết các lời đồn đãi này có căn cứ hay không, nhưng chúng càng ngày càng được lan truyền rộng rãi và số khách hành hương kéo đến đã lên đến hàng ngàn người. Từ cửa chính vào đền, các vị chức sắc yêu cầu mọi người xếp hàng theo thứ tự để chiêm bái Deviji. Cứ thế, hết người này đến người khác, lần lượt bước đến cung kính quỳ lạy, dâng cúng các phẩm vật trước mặt nữ đạo sĩ. Các vị chức sắc đón nhận phẩm vật dâng cúng một cách hoan hỉ. Họ cẩn thận ghi tên tuổi người dâng cúng vào các cuốn sổ để Deviji duyệt xét và ban phước lành. Tuy nhiên suốt mấy tháng qua, cô vẫn ngồi yên lặng, không để tâm đến cảnh tượng ồn ào náo nhiệt diễn ra quanh mình.

Hôm ấy, trong số người hành hương có một đạo sĩ dáng vẻ thong dong ở đâu đi đến. Anh còn trẻ, độ ba mươi, y phục rách nát. Anh kiên nhẫn đứng chờ trong đám đông, đợi đến lượt vào chiêm bái, nhưng khi anh vừa bước qua cửa, mọi người đều giật mình vì Deviji đang ngồi yên bỗng ngẩng mặt lên. Suốt mấy tháng nay, chưa ai thấy Deviji có dấu hiệu khác thường ngoài việc cứ đắm mình thiền định, nhưng lần này cô lại ngước lên, mở mắt nhìn vị đạo sĩ kia. Một nụ cười thoảng qua trên khuôn mặt nghiêm nghị của cô. Vị đạo sĩ trẻ có vẻ ngạc nhiên, nhưng anh vẫn đứng yên. Theo lệ thường, ai nấy đều phải quỳ xuống làm lễ ra mắt và dâng cúng phẩm vật, nhưng anh lại không làm thế. Một vị chức sắc thấy rõ anh chẳng mang lễ vật, nên yêu cầu anh quỳ xuống. Anh vẫn đứng yên một lúc rồi lặng lẽ rời khỏi ngôi đền.

Ngày hôm sau, anh lại có mặt trong số người hành hương chiêm bái Deviji. Các vị chức sắc đã nhận ngay ra anh là đạo sĩ hôm trước nên vội mời anh đi thẳng vào đền. Một lần nữa, Deviji lại ngẩng mặt nhìn anh, mỉm cười hỏi:

- Anh tên là gì?

- Satyakam.

- Còn cô?

- Bhairavi. Anh từ đâu đến vậy?

- Tuyết Sơn.

Sau khi rời Tuyết Sơn xuống núi, Satyakam đã lang thang khắp xứ Ấn. Thân hình anh rắn chắc hơn trước nhưng đen sạm vì nắng gió. Khuôn mặt đầy vết nhăn, râu ria tua tủa. Tuy nhiên, cặp mắt vẫn tinh anh như thuở nào.

Satyakam lẳng lặng quan sát ngôi đền Kali với những cột gỗ sơn son thếp vàng và các pho tượng bày trên những bệ thờ trang nghiêm. Từ khi xuống núi, anh đã thăm viếng nhiều ngôi đền đẹp đẽ như thế này. Anh đã gặp nhiều đạo sĩ tu hành trong những ngôi đền lộng lẫy nguy nga, nhưng thất vọng vì chẳng ai có thể giúp đỡ hay chỉ bảo anh thêm điều gì. Tôn giáo, đối với họ, chỉ là một hình thức sinh nhai, một nghề nghiệp xây dựng trên lòng sùng tín của tín đồ. Anh đã cố gắng tìm gặp các đạo sĩ nổi tiếng, nhưng đa số người anh gặp chỉ là những kẻ chuyên trích dẫn kinh điển hay thuyết giảng về một đề tài trừu tượng nào đó, chứ không hề có kinh nghiệm tâm linh. Phải chăng cô gái đang ngồi trước mặt anh đây cũng là một loại như vậy?

Bhairavi mỉm cười rồi nói một cách nhẹ nhàng:

- Không, em không như những người anh đã gặp. Satyakam bối rối. Hồ như Bhairavi có thể đọc được tư tưởng của anh, trong khi lẽ ra anh phải là người đọc rõ tư tưởng của cô. Từ khi xuống núi, anh đã tiếp xúc với nhiều người, nhưng chẳng ai có thể đọc được tư tưởng của anh, còn anh lại có thể theo dõi tư tưởng của họ như đọc một cuốn sách. Anh đã đọc được các tư tưởng kiêu ngạo, tự cao tự đại của một số đạo sĩ nổi tiếng, mặc dù bên ngoài, họ vẫn tỏ ra khiêm tốn. Anh cũng ghi nhận được các tư tưởng tham lam của những người lãnh đạo tinh thần lúc nào cũng chỉ lo bòn rút của cải, vật chất của tín đồ. Tuy nhiên với Bhairavi, anh không ghi nhận được gì. Khả năng đọc rõ tư tưởng người khác của anh dường như bị cô vô hiệu hóa. Chẳng lẽ cô có thể đạt đến trình độ uyên thâm đến thế sao? Từ trước đến nay, anh chỉ thấy có một người, đó là sư phụ của anh - vị đạo sư già trên đỉnh Tuyết Sơn - đạt đến trình độ đó mà thôi. Nhiều lúc, anh đã để tâm theo dõi tư tưởng của sư phụ nhưng không ghi nhận được một tư tưởng gì phát xuất từ ông cả. Anh tự hỏi liệu con người có thể sống mà tuyệt nhiên không có một tư tưởng nảy sinh không? Như đọc được suy nghĩ của Satyakam, Bhairavi mỉm cười thích thú đáp:

- Có chứ, nếu họ hoàn toàn làm chủ được thân, khẩu và ý.

Satyakam lại thấy bối rối. Anh biết công phu chủ trị tư tưởng của mình chưa được như thế. Dù khổ công tập luyện, nhưng anh vẫn chưa làm chủ được ý thức, nên nhiều lúc tư tưởng anh chạy lung tung như con ngựa bất kham. Một người có khả năng đọc được tư tưởng của người khác sẽ dễ dàng ghi nhận ngay sự xáo trộn này. Anh nhìn cô gái trước mặt với vẻ thán phục, không phải vì cô có thể đọc được tư tưởng của anh mà vì anh không thể đọc được tư tưởng của cô. Phải chăng cô đã hoàn toàn làm chủ được tư tưởng của mình, không để nó dấy lên cho người khác ghi nhận? Không lẽ một cô gái còn trẻ như thế mà đã đạt đến trình độ cao siêu như vậy sao? Dĩ nhiên, anh biết tuổi tác không có ý nghĩa gì so với những người đã khổ công tu luyện nhiều đời, nhiều kiếp và có thể gìn giữ công phu qua các kiếp sống. Anh cố gắng tập trung tư tưởng để ghi nhận những rung động phát ra từ người đối diện nhưng bất thành. Hai người ngồi yên như đắm mình trong trạng thái thiền định, nhưng thật ra họ đang vận dụng công lực để theo dõi tư tưởng của nhau. Một lúc sau, Satyakam toát mồ hôi trán, trong khi Bhairavi vẫn thản nhiên. Cuối cùng, Satyakam đứng dậy cung kính chắp tay chào Bhairavi rồi bước ra khỏi ngôi đền Kali, cô cũng chắp tay đáp lễ. Cuộc thăm dò tư tưởng chấm dứt và Satyakam đã nhận thua. Anh vừa đi vừa nghĩ về những người có thể đọc rõ tư tưởng người khác và nhớ lại một câu chuyện xảy ra cách đó không lâu.

Lần đó, anh đi ngang đền thờ Brahma tại Calcutta. Đây là một ngôi đền đang xây dở, gạch ngói còn ngổn ngang khắp nơi, nhưng đã có rất đông tín đồ tụ họp để nghe một giáo sĩ thuyết giảng. Ông này hùng hồn lên tiếng kêu gọi mọi người cố gắng đóng góp vào công cuộc xây cất đền thờ và hứa sẽ chuyển lời cầu xin của họ đến Thượng đế để họ có được một đời sống tốt đẹp ở kiếp sau. Nhìn vị giáo sĩ hăng say diễn thuyết, Satyakam đọc rõ được tư tưởng tham lam trong lòng ông ta. Thật ra, ông ta không hề có ý muốn hoàn tất việc xây ngôi đền, vì có như vậy, ông mới có lý do kêu gọi lòng hảo tâm của tín đồ. Những người ngoan đạo không bao giờ để nơi thờ phụng Thượng đế của họ xây cất dang dở như thế. Họ sẽ dốc hết hầu bao đóng góp và giáo sĩ sẽ có một món tiền lớn bỏ túi. Ông chủ trương sẽ kéo dài thời hạn xây cất để trục lợi cho đến khi không thể kéo dài thêm nữa. Nhìn những tín đồ đang dốc túi đưa tiền cho giáo sĩ để đổi lấy những lời hứa hẹn hão huyền, Satyakam cảm thấy bất bình. Bất chợt, anh thấy một ông lão râu tóc trắng xóa, chống gậy bước đến:

- Này anh bạn trẻ, tại sao anh lại khó chịu với những người mộ đạo chân thành kia?

- Tôi chỉ thương hại cho những người mù quáng nghe theo lời kêu gọi dối trá của tên giáo sĩ tham lam kia...

Ông lão mỉm cười xua tay:

- Nhưng anh không thấy rằng họ đang tiến gần Thượng đế hay sao?

Satyakam ngạc nhiên:

- Làm sao như thế được? Thượng đế nào nghe những lời cầu xin giữa những ồn ào náo nhiệt đó?

- Thế anh đã biết gì về Thượng đế?

Satyakam không đáp. Anh nghĩ mình chẳng cần phải trình bày quan điểm riêng với một người không quen biết, nhưng ông lão đã bật cười:

- Này anh bạn, liệu anh đã đến gần Thượng đế hơn những kẻ cầu nguyện luôn miệng kia không? Anh đừng tưởng công phu tu tập hàng trăm kiếp của anh đã hơn được đức tin của những người mộ đạo chân thành đó. Có thể họ vô tư không biết âm mưu của hắn, nhưng điều đó đâu liên quan đến lòng thành và đức tin của họ. Anh nên biết niềm tin mãnh liệt là nguồn năng lượng rất lớn giúp họ đến gần Thượng đế. Này anh bạn trẻ, những người này không hề biết thiền định sâu xa, không hề biết phân tích chân lý tuyệt đối hay suy ngẫm về những triết lý trừu tượng. Con đường của họ là đức tin, và đó là năng lượng mạnh nhất. Hãy nhìn họ không hề ngập ngừng khi cầu nguyện. Hãy nhìn sự chân thành và tha thiết của họ, rồi anh sẽ nhận ra rằng họ đã tiến rất xa. Thâm tâm họ không hề bất an. Đầu óc họ không hề bị các vọng tưởng chi phối. Liệu anh có hơn được họ chăng?

Satyakam giật mình. Đây là lần đầu anh gặp một người có thể hiểu rõ tâm trạng dằn vặt của anh.

Ông lão mỉm cười nói tiếp:

- Khi một người muốn biết mọi sự thì trước hết họ cần phải mở rộng lòng để quan sát và học hỏi chứ không phải để phê phán hay chỉ trích. Làm sao có thể biết thêm khi lòng còn đầy tự mãn?

Lời nói của ông lão làm Satyakam sực tỉnh. Anh vội vã cúi đầu cung kính chắp tay:

- Xin cám ơn ngài đã chỉ dạy cho. Ông lão lắc đầu ngắt lời:

- Này anh bạn, anh muốn học hỏi thêm thì hãy đến Kadambini, một làng nhỏ cách đây khoảng mười ngày đường, tìm đến một hang động nằm giữa khu nghĩa địa, anh sẽ gặp người có thể chỉ dẫn cho anh về những pháp tu mà anh đang cần.

Satyakam mừng rỡ định lên tiếng hỏi thêm, nhưng ông lão đã lắc đầu bỏ đi lẫn vào đám đông đang cầu nguyện ồn ào kia.

Khi Satyakam đến Kadambini, trời đã sụp tối. Theo lời ông lão, anh tìm đến cái hang nằm giữa khu nghĩa địa. Ở đó, có một đạo sĩ mình trần, quấn một cái khố nhỏ, đang ngồi xếp bằng trên một đống xương người. Vừa nghe tiếng chân đến gần, đạo sĩ đã quắc mắt lên nhìn Satyakam, hai con ngươi long lên dữ tợn:

- Này kẻ không sợ chết kia, ngươi muốn gì?

Giọng nói chát chúa của đạo sĩ vang lên trong đêm khuya thanh vắng khiến ai nghe cũng phải lạnh người, nhưng Satyakam thản nhiên:

- Tôi muốn được học hỏi thêm với ngài.

Đạo sĩ trợn mắt, ánh mắt như tóe lửa, khắp người tỏa ra một thứ ánh sáng lạ lùng hệt lân tinh:

- Ai đã nói cho ngươi biết về chốn này?

Satyakam từ tốn kể lại chuyện ông lão tóc bạc anh gặp tại Calcutta. Satyakam dứt lời, đạo sĩ nhếch miệng cười nhạt:

- Ngươi biết ông lão đó là ai không?

Satyakam định trả lời không biết, nhưng ngay giây phút đó, dường như chợt có điều gì lóe lên. Anh đã hiểu. Anh buột miệng:

- Tôi... tôi nghĩ đó chính là... sư phụ tôi. Đạo sĩ dịu nét mặt, vẻ hung hãn biến mất:

- Khá lắm! Nếu ngươi biết được như thế thì khá lắm đấy! Phải rồi, ông già đó chính là sư phụ của ngươi và cũng chính là sư phụ của ta.

Satyakam giật mình kêu lớn:

- Như thế... như thế... phải chăng... Đạo sĩ gật đầu:

- Phải rồi. Ta chính là đại sư huynh của ngươi đó. Ta tên là Kapalak. Từ trước đến nay, tuy chúng ta cùng học một sư phụ nhưng không đi cùng đường.

- Tại sao lại thế? Kapalak thản nhiên:

- Tại sao lại không? Ai bảo đường đến chân lý chỉ có một? Có hàng trăm hàng ngàn con đường cùng đưa đến một mục đích. Sư phụ biết rất nhiều con đường, và tùy theo căn cơ của học trò, mà ông chỉ dạy mỗi người một con đường thích hợp.

Satyakam vội vã cung kính chắp tay vái chào Kapalak:

- Như thế... như thế anh có biết sư phụ của chúng ta là ai chăng?

Kapalak lắc đầu:

- Đó là một bí mật. Ông không bao giờ nói về mình nên ta cũng không biết nhiều hơn ngươi đâu. Tuy nhiên, điều đó đâu quan trọng. Trong thế giới không ngừng dịch chuyển này thì tên tuổi, đanh sắc, địa vị có nghĩa lý gì kia chứ?

- Nhưng... nhưng không lẽ...

- Ngươi đừng thắc mắc về lai lịch của sư phụ. Nếu ngài đã gửi ngươi đến đây học với ta thì ngươi hãy sẵn sàng đi. Phía sau ngọn đồi này có một dòng sông nhỏ, phụ lưu của sông Hằng linh thiêng. Ngươi hãy ra đó tắm rửa sạch sẽ rồi chúng ta bắt đầu tu học.

Satyakam chắp tay cám ơn nhưng trước khi quay đi, anh thắc mắc:

- Này sư huynh, tại sao lúc mới gặp nhau, cặp mắt của anh rất dữ tợn và khắp mình tỏa ra một thứ ánh sáng lạ lùng như lân tinh vậy?

Kapalak cười lớn:

- Đó chỉ là xảo thuật dọa nạt những kẻ tò mò đến quấy nhiễu việc thanh tu của ta mà thôi. Tuy nhiên, ta không thấy ngươi có phản ứng, điều này chứng tỏ định lực của ngươi cũng thuộc loại khá đấy.

Sau khi chờ đợi Satyakam tắm rửa nghỉ ngơi một lúc, Kapalak bắt đầu:

- Điều ta chỉ dạy cho ngươi cũng là điều mà sư phụ đã dạy cho ta cách đây khá lâu, do đó, ta không phải là sư phụ của ngươi mà chỉ là một khí cụ trung gian của sư phụ mà thôi. Ta biết ngươi là một hành giả Yoga thượng thừa nên mới dạy cho ngươi pháp môn bí truyền này.

Trước hết, ngươi cần biết trong pháp môn này, đức tin là yếu tố quan trọng nhất. Đức tin càng cao, kết quả càng tốt đẹp. Đức tin là căn bản của lòng can đảm, là điều cần thiết của kẻ đi trên đường này. Đây không phải là lối truyền dạy thông thường qua các kỹ thuật sách vở hồi chương, mà là thử thách để những kẻ đi trên đường này có thể nghiệm ra chân lý. Thứ nhất, ngươi phải có khả năng tập trung cao độ, vì nếu không có samàdhi (định lực) kiên định thì không thể đi trọn con đường nguy hiểm này. Ta biết ngươi đã từng học thiền trong nhiều năm và đã có định lực khá, nhưng ngươi cũng cần phải có một đức tin vững vàng, không thể lay chuyển.

Chúng ta sẽ bắt đầu với pháp môn Nada Yoga (Yoga về âm thanh). Ngươi hãy xếp bằng, nhắm mắt tập trung tư tưởng vào những âm thanh mà ta chỉ dẫn. Ta biết sư phụ đã dạy ngươi về nghệ thuật lắng nghe để theo dõi sự chuyển biến của tư tưởng, nhưng trong pháp môn Nada Yoga, ngươi cần tập trung vào một âm thanh cho đến khi nó nhỏ dần, nhỏ dần và tan biến trong không gian. Điều quan trọng nhất là ngươi phải làm sao bắt cho được âm thanh cuối cùng trước khi nó tan biến. Ta muốn ngươi theo dõi bảy loại âm thanh căn bản: âm thanh của con dế, âm thanh của cái trống, âm thanh của mây, âm thanh của ốc biển, âm thanh của sáo trúc và âm thanh của chiếc khánh bạc.

Ngươi hãy bắt đầu với tiếng dế kêu. Con dế có thể phát ra hai loại âm thanh, ngắn và dài, và ngươi phải biết phân biệt thật rõ hai loại âm thanh này. Ngươi hãy tập trung tư tưởng để theo dõi nó cho đến khi nắm bắt được âm thanh nhỏ nhất, là âm thanh cuối cùng trước khi tan biến trong không gian. Trong lúc theo dõi âm thanh, ngươi sẽ phải định tâm vì âm thanh này được phát ra từ bên ngoài, ở một nơi chốn xa xăm nào đó, nhưng nếu ngươi để cho tư tưởng náo loạn, âm thanh ấy sẽ biến mất ngay. Do đó, ngươi phải chú tâm theo dõi từ khi nó phát ra cho đến khi nó tan biến, không được xao lãng. Nếu chú tâm theo dõi, ngươi sẽ thấy nó không phải là một mà là một chuỗi âm thanh, âm này nối tiếp âm kia, như một hòn đá ném xuống hồ nước - nó sẽ tạo ra những vòng tròn lớn nhỏ lan rộng khắp mặt hồ. Cũng như thế, ngươi phải quán sát âm thanh ngắn dài của con dế và theo dõi nó trong tâm thức của ngươi. Nada hay âm thanh, thật ra chính là tinh hoa của vũ trụ vì nó tỏa lan khắp không gian như sóng biển.

Âm thanh có ba trạng thái là âm động, âm ba và vô thanh. Nếu chú ý lắng nghe, con người có thể nghe được âm động (âm rất nhỏ). Tuy nhiên, ít ai nghe được âm ba (sóng âm), và gần như không ai có thể bắt được thanh âm của vô thanh (âm thanh tuyệt đối). Đó chính là thử thách lớn cho ngươi, vì ngươi cần biết rằng bắt đầu từ cái tuyệt đối hay trạng thái vô thanh này mà các năng lượng chuyển hóa thành các âm ba rung động không ngừng trong không gian, từ đó dần khuếch đại lên thành các âm thanh khác nhau. Vũ trụ không hề trống rỗng, mà là sự rung động không ngừng của các sóng âm, và chính các sóng âm hay năng lượng sẽ chuyển biến và biểu hiện thành các hiện tượng vật chất như các hiện tượng trong thiên nhiên. Ngươi hãy nhắm mắt lại, tập trung tư tưởng vào âm thanh, rồi theo dõi nó đi ngược không gian, trở về với âm thanh nguyên thủy tuyệt đối kia. Ngươi phải hết sức chú tâm không được gián đoạn, theo dõi từng trạng thái biến chuyển của sóng âm, từ những âm rất nhỏ đến âm ba rung động, và đạt đến âm thanh tuyệt đối kia. Chúng ta hãy bắt đầu và ta muốn xem ngươi có thể nghe được tiếng dế hay không!

Satyakam vội điều tâm tập trung tư tưởng để lắng nghe. Mặc dù khả năng nghe của anh đã tiến bộ nhờ công phu tu tập trên đỉnh Tuyết Sơn, nhưng anh chẳng nghe được tiếng động nào khác thường. Kapalak cười lớn, tiếp lời:

- Ngươi thấy chưa, khi mong cầu nghe được một thứ gì thì ngươi sẽ không thể nghe được, vì chính mong muốn đó đã phá tan công phu lắng nghe của ngươi rồi. Hãy tĩnh tâm, không ước muốn hay mong cầu mà cứ để tự nhiên, vì lúc nào âm thanh này cũng âm vang trong vũ trụ. Ngươi cứ nghe một cách tự nhiên, rồi sẽ hiểu...

Satyakam liền điều chỉnh hơi thở, làm theo lời chỉ dẫn của Kapalak, và lạ lùng thay, anh bắt ngay được một rung động sâu xa từ đâu đó phát ra. Đó chính là tiếng kêu của một con dế, âm thanh ngắn dài rõ rệt. Gương mặt anh dần trở nên thư thái. Anh mỉm cười tập trung tư tưởng vào âm thanh đó. Âm thanh nhỏ dần, nhỏ dần và cuối cùng chỉ còn là những rung động vi tế vọng giữa không gian...

Kapalak im lặng nhìn Satyakam một lúc rồi đứng dậy bước ra khỏi hang.

Đã mấy tháng trôi qua, Satyakam chuyên tâm thực hành Nada Yoga dưới sự chỉ dẫn của Kapalak. Mỗi sáng, anh đều ra sông Hằng tắm rửa và thực hành các nghi thức thường nhật như trên Tuyết Sơn, sau đó ăn nhẹ, thường là vài thứ trái cây mà Kapalak mang đến cho. Nhờ khổ công tu tập cả ngày lẫn đêm, nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã theo dõi được tất cả những âm thanh căn bản từ lúc chúng khởi phát cho đến khi tan hòa vào không gian.

Một hôm, trong lúc tu tập, anh bỗng nghe thấy một âm thanh kỳ lạ ở đâu vang đến. Thanh âm đó không giống như các âm thanh căn bản kia, nó biến chuyển lúc to lúc nhỏ, lúc nhặt lúc khoan. Anh chợt ý thức được sự hiện diện của một năng lượng lạ lùng gần đó. Đây cũng là lúc Bhairavi đến tu trong ngôi đền Kali.

- Này Kapalak, hôm nay em nghe được một âm thanh lạ, không giống như những âm thanh mà anh diễn tả - một âm thanh nghe như tiếng chuông ngân...

- Ta biết. Đó là một rung động thanh cao của một hành giả Yoga đang ở gần đây.

- Một hành giả Yoga như chúng ta?

- Phải, một hành giả Yoga thượng thừa hiện trú ngụ tại ngôi đền Kali cách đây không xa.

- Anh biết đó là ai không?

Kapalak chăm chú nhìn Satyakam rồi thong thả đáp:

- Đó là một thiếu nữ... Thôi, ngươi hãy tập trung tư tưởng vào Nada Yoga đi.

Vài hôm sau, Satyakam lại đến hỏi Kapalak:

- Em nghe văng vẳng một âm thanh rất kỳ lạ, nghe như tiếng đàn, và nó xuất phát từ hành giả Yoga đó.

Kapalak lạnh lùng:

- Lỗ tai của ngươi khá lắm rồi đó, nhưng ngươi đến đây để theo dõi những âm thanh mà ta muốn ngươi nắm bắt, chứ không đón chờ những âm thanh khác. Nếu ngươi không thể tập trung thì làm sao ta có thể giúp ngươi tiếp tục các công phu mà ngươi muốn học?

Vài hôm sau, Satyakam lại đến gặp Kapalak và nói:

- Sư huynh, âm thanh này rất mạnh và có một sức cuốn hút kỳ lạ, chắc hẳn định lực của người đó phải cao cường lắm. Em muốn gặp người đó.

Kapalak tỏ vẻ khó chịu:

- Nếu muốn, ngươi cứ việc đi.

Sau khi Satyakam trở về, Kapalak hỏi:

- Ngươi đã thỏa trí tò mò rồi chứ?

Satyakam thuật lại câu chuyện. Anh khâm phục cô gái còn trẻ mà đã đạt đến trình độ thiền định thâm sâu như vậy. Kapalak yên lặng trong lúc Satyakam kể chuyện. Sau cùng, ông lên tiếng:

- Thôi đủ rồi, hôm nay ngươi ngủ sớm đi, không phải tu tập nữa. Ta chắc ngươi muốn trở lại gặp cô gái đó vào ngày mai.

- Đúng thế. Em có ý định hỏi thêm người đó đôi điều về công phu thiền định. Thật ít ai có thể ngồi thiền lâu như vậy, trừ... sư phụ.

Kapalak nở nụ cười bí ẩn, rồi nói giọng dửng dưng:

- Vậy sao? Nếu vậy thì ngươi đến mà học với cô ấy.

Hôm sau, Satyakam đi đến đền Kali. Khi trở về, anh vui vẻ nói ngay:

- Tên cô gái đó là Bhairavi, và cô ấy có khả năng đọc được tư tưởng của người khác.

- Thế sao?

- Quả là một hành giả Yoga thượng thừa. Cô ấy có thể theo dõi tư tưởng của em như mở một cuốn sách, nhưng em không thể đọc được tư tưởng của cô ấy. Công phu chủ trị tư tưởng của cô ấy quả tuyệt vời.

Kapalak nhếch môi cười nhạt:

- Chắc không thua sư phụ là bao chứ gì?

- Đúng thế. Em đã tập trung tư tưởng nhưng không ghi nhận được. Thật ít ai có định lực cao như vậy... trừ sư phụ.

Kapalak rót một tách nước trà, từ tốn nhấp một ngụm. Ông kín đáo quan sát vẻ hoan hỉ của Satyakam khi anh hăng say nói về thiếu nữ kia. Ông biết rõ việc tu tập Nada Yoga của Satyakam với ông đã đến hồi kết rồi. Satyakam vươn vai ngáp dài, lơ đãng nhìn đống lửa bập bùng trước mặt. Trong tâm anh đang nảy ra nhiều ý nghĩ kỳ lạ.

Từ đó, Satyakam đến thăm Bhairavi thường xuyên và việc này đã gây sự chú ý của các tín đồ và cả những người trông coi ngôi đền. Người ta bắt đầu bàn tán. Có người cho rằng việc hai đạo sĩ nam nữ gặp nhau như thế là sai quấy, mặc dù giáo lý Ấn giáo không hề ngăn cấm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, ngay cả những người đa nghi nhất cũng không tìm thấy điều gì trái với lẽ thường. Bhairavi vẫn đắm mình trong trạng thái thiền định, còn Satyakam ngồi gần đó tọa thiền. Họ rất ít nói, chỉ dành thời giờ tu tập. Điều kỳ lạ là từ khi Satyakam đến đây, rau trái trong vùng được mùa liên tiếp, nhiều hơn những năm trước đó nữa. Từ xưa, phong tục xứ Ấn cho rằng chỉ cần có một đạo sĩ đức hạnh đến tu tập trong làng là đã đủ ban ân phước cho cả làng rồi. Nay, làng Kadambini lại có đến hai đạo sĩ thì hiển nhiên mọi việc phải tốt đẹp gấp đôi.

Sau mùa gặt, dân làng thường tổ chức lễ hội mừng được mùa rất lớn. Năm đó, lễ mừng được cử hành long trọng hơn bao giờ hết với các kiệu hoa và các đám rước cờ quạt lộng lẫy. Satyakam và Bhairavi được mời ngồi lên một chiếc kiệu hoa rước đi khắp vùng để ban phước cho dân làng. Thông thường, sau lễ được mùa là mùa cưới. Các đôi nam nữ thường làm lễ đính ước vào ngày hội được mùa và tổ chức đám cưới vào tháng sau. Đối với nhà nông, đây là thời gian vui nhất trong năm vì lúa đã gặt xong mà chưa đến mùa gieo mạ, nên họ có thời gian nhàn rỗi, thường tổ chức hội hè vui chơi thỏa thích. Một lần nữa, Satyakam và Bhairavi được mời ngồi lên hai chiếc ngai kết hoa lộng lẫy tượng trưng cho ngôi vị của thần Shiva và Durga - hai vị nam nữ thần tượng trưng cho đời sống lứa đôi.

Satyakam đã quen Bhairavi được gần một năm. Càng ngày, anh càng dành nhiều thời gian ở đền Kali hơn là tu học với Kapalak. Một sáng nọ, Kapalak vừa bước ra khỏi hang đã thấy Satyakam đang đứng đợi trước cửa.

- Thưa... sư huynh... Em có việc muốn nói...

Nhìn khuôn mặt đầy nét lo âu của Satyakam, Kapalak cảm thấy thương hại. Ông biết rõ những việc đang xảy ra nhưng vẫn ra vẻ thản nhiên:

- Thế nào? Việc tu tập của ngươi với Bhairavi có tiến triển gì không?

Satyakam ngập ngừng:

- Thưa... thưa... cũng được. Kapalak mỉm cười:

- Tốt lắm! Mỗi người nên tự chọn cho mình một con đường thích hợp và chuyên tâm vào đó để tu hành. Nếu ngươi thích tu thiền thì Bhairavi có thể giúp ngươi rất nhiều. Cô ấy là một hành giả Yoga thượng thừa.

Satyakam ngập ngừng:

- Nhưng... nhưng điều em muốn nói không phải như vậy. Kapalak biết trước điều Satyakam muốn nói nhưng vẫn hỏi:

- Tại sao vậy? Phải chăng ngươi đã chán thiền định và muốn quay về tu tập Nada Yoga hay sao?

- Thưa, không. Em đang khổ tâm về một việc... Kapalak lạnh lùng:

- Việc gì nữa đây? Ngươi không thoải mái với con đường đã chọn hay sao? Phải chăng Bhairavi không phải là người mà ngươi muốn tìm?

Satyakam lúng túng một lúc rồi lắp bắp trả lời:

- Không... Không phải vậy. Bhairavi là người tốt... có thể giúp em nhiều, nhưng em không biết phải đối xử với Bhairavi như thế nào... Em là một thanh niên và Bhairavi là một thiếu nữ... Ôi, sao khó nói quá...

Kapalak ngắt lời:

- Phải chăng ngươi có cảm tình với Bhairavi? Satyakam cúi gằm mặt không đáp. Anh biết rõ tình cảm của mình dành cho Bhairavi mỗi ngày một sâu đậm nhưng không biết phải làm gì. Tâm trạng của anh lúc đó đầy hoang mang, bối rối, không khác tâm trạng lúc từ giã vị đạo sư già trên đỉnh Tuyết Sơn là mấy. Kapalak im lặng nhìn Satyakam một lúc rồi thong thả nói:

- Này Satyakam, ngươi đã được gửi đến đây với mục đích rõ rệt. Việc ngươi thụ giáo Nada Yoga với ta chỉ là một cái cớ thôi. Dĩ nhiên, điều ngươi học hỏi được cũng không phải vô ích, nhưng lý do chính của ngươi đến đây là để hiểu biết sự liên hệ giữa người nam và người nữ, không phải những điều như người đời thường nghĩ, mà là một trạng thái siêu việt với những ẩn nghĩa cao thâm. Như ngươi biết, ta là một hành giả Yoga Mật tông (Tantra), nghĩa là con đường sử dụng tất cả các phương tiện thiện xảo, vượt qua mọi đối đãi nhị nguyên như sắc-không, tả-hữu, âm-dương, nam-nữ, thiện-ác, chân-giả để đạt đến mục đích tối hậu của đường đạo.

Satyakam ngập ngừng:

- Em biết đó là con đường của anh, nhưng chúng ta không đi cùng một con đường, vì em đã chọn con đường tinh thần, nghĩa là phải cắt đứt mọi tình cảm.

Kapalak nghiêm nghị lắc đầu:

- Nói như thế là ngươi chưa hiểu rồi. Ai bảo ngươi người đi theo con đường tinh thần phải đè nén mọi tình cảm? Con người là sinh vật hữu tình, nghĩa là có tình cảm, chứ đâu phải trơ như gỗ đá. Phương pháp nào chủ trương con người phải trở thành một thứ vô cảm vô tri? Phải chăng đi theo con đường tinh thần thì con người sẽ không còn là người nữa hay sao? Ngươi đã học hỏi với sư phụ bao năm mà dám hàm hồ như vậy à? Thảo nào tu mãi mà ngươi chẳng tiến bộ chút nào. Tâm ngươi đầy những bất an, vọng động chỉ vì quá chú trọng đến việc đè nén cảm xúc mà không hiểu rằng tâm và thân đâu phải là hai thực thể tách biệt. Thân đã động thì làm sao tâm có thể an?

Satyakam bàng hoàng. Lời nói của Kapalak như một tiếng sét khiến anh choáng váng, không biết phải nói gì. Kapalak thong thả tiếp:

- Tình cảm là năng lượng rất mạnh, không thể đè nén được. Ngươi càng cố gắng đè nén bao nhiêu, nó càng trỗi dậy mạnh mẽ bấy nhiêu, để rồi tâm ngươi càng ngày càng phiền não thêm chứ có ích chi.

Satyakam lắp bắp:

- Như vậy... như vậy em phải làm sao? Kapalak giải thích:

- Ngươi phải hiểu rõ vai trò của các năng lượng này thì mới chuyển hóa được chúng. Hiện nay, ngươi đang bối rối về việc tình cảm nam nữ nên ta muốn đề cập đến vấn đề này trước.

Theo giáo lý mật truyền, người nam có bốn yếu tố dương và ba yếu tố âm trong cơ thể, còn người nữ có bốn yếu tố âm và ba yếu tố dương. Sự chênh lệch âm dương này tạo ra sự khác biệt nam nữ. Sự khác biệt này chính là yếu tố bí mật của sự sáng tạo, do đó, theo luật tự nhiên, người nam thường bị thu hút bởi người nữ và người nữ cũng đi tìm người nam với mục đích để bổ túc sự bất toàn, hầu đạt đến trạng thái tròn vẹn hay sự hợp nhất. Khi thấu hiểu, ngươi sẽ không thấy nguyên lý nam nữ là vấn đề nữa, mà chỉ là một sự việc hết sức tự nhiên. Do đó, người đi trên đường đạo, dù lựa chọn pháp môn nào, vẫn có sự thiếu sót cho đến khi họ thực sự hiểu được định luật âm dương này. Quan hệ nam nữ một cách đúng đắn không phải sự liên hệ xác thịt qua các cảm xúc, mà là sự bổ túc các yếu tố bất toàn của cả hai, hầu đạt đến trạng thái tận thiện.

Satyakam rụt rè:

- Nhưng... phải chăng sự thu hút là một cám dỗ... Kapalak ngắt lời:

- Không phải thế! Cám dỗ chỉ là một biểu hiện khác của sự sợ hãi mà thôi. Khi ngươi thực sự ngộ ra tính chất thiêng liêng ẩn tàng trong mọi vật, ngươi sẽ không nhìn quan hệ nam nữ theo cách thông thường, mà là một sự chuyển hóa có ý nghĩa cao cả hơn thế nhiều. Mối quan hệ khi ấy không còn mang nghĩa quan hệ nam nữ đơn thuần, mà là sự bổ túc giữa các nguyên lý âm và dương.

Satyakam ngập ngừng hỏi:

- Biết thế mà tại sao anh không lập gia đình? Kapalak ngồi thẳng người lên, dõng dạc:

- Khi một người đã tường minh về các nguyên lý âm dương, đã vượt qua các ảo vọng của vô minh để chiến thắng bản ngã, sẽ biết rằng con người có thể tìm được sự hoàn mãn nơi mình - không phải qua lý thuyết mà là trải nghiệm bằng công phu tu tập. Khi đó, họ không cần tìm kiếm một điều viển vông, xa vời ở bên ngoài mà biết rằng sự hoàn hảo, tận thiện vốn sẵn có ở bên trong. Thay vì phải trải nghiệm sự hợp nhất qua một khí cụ trung gian thì họ sử dụng các năng lượng nội tại để chuyển hóa các nguyên lý âm dương bên trong để đạt đến sự hoàn hảo nơi mình. Khi đã hiểu biết sâu xa về thế giới nội tại, ngoại giới chẳng qua chỉ là sự phản chiếu của nó mà thôi. Khi đã biết rõ cái thật và cái không thật, thì mọi danh từ như cám dỗ, thu hút, hấp dẫn... đều trở nên vô nghĩa. Do vậy, sự hiện hữu hay không của người khác phái không còn cần thiết nữa.

Satyakam im lặng một lúc như để suy ngẫm, rồi lên tiếng:

- Nhưng... nhưng nếu họ có thể vượt qua mọi vướng mắc nhờ đã tự biết mình, hiểu rõ chân bản thể của mình mà không cần đến sự trung gian của ai khác thì tại sao em không đi theo con đường đó được?

Kapalak mỉm cười:

- Chúng ta có những nghiệp quả khác nhau nên đường đi của chúng ta không thể giống nhau. Hãy đi theo con đường của mình, đừng nên bắt chước người khác. Có thể trong một tiền kiếp, ta cũng có những duyên nghiệp, ràng buộc giống như ngươi hiện nay vậy, nhưng vì ta đã học trọn vẹn bài học đó rồi nên nay không cần phải học lại.

Nói đoạn, Kapalak chăm chú nhìn Satyakam, rồi nhấn mạnh từng chữ:

- Này Satyakam, có vay thì có trả. Gieo nhân thì gặt quả. Còn mong muốn ước ao thì còn ràng buộc. Đó là quy luật tự nhiên. Ngươi đã có những ràng buộc từ trước nên bây giờ phải lo tháo gỡ. Nhưng, điều quan trọng là ngươi phải tháo gỡ một cách khôn khéo để đừng gây thêm ràng buộc. Nếu không, ngươi chẳng thể thoát ra khỏi áp lực của nghiệp đâu. Trải qua bao kiếp luân hồi, các mối liên hệ chằng chịt rất khó tháo gỡ; do đó ngươi phải ý thức rõ về sự liên hệ và hậu quả của các hành động ngươi làm. Ngươi phải ý thức về tư tưởng, hành động, lời nói của mình và hiểu rõ sức mạnh của nghiệp lực. Ngươi rất may mắn vì Bhairavi và ngươi đều là những hành giả Yoga thượng thừa, có thể đủ sức vượt qua các ràng buộc và thử thách này. Này Satyakam, ngươi cần hiểu rằng tâm trạng bất an, dằn vặt đã khuấy phá nội tâm của người, đã khiến ngươi phải bỏ việc tu học với sư phụ để xuống núi. Đó không phải là cám dỗ, sự sa ngã, sự thoái bộ của tâm linh, mà chỉ là những lôi kéo của nghiệp lực đó thôi. Đến một lúc, ngươi sẽ thấy rõ tất cả đều là những bài học, những kinh nghiệm cần học hỏi để có thể thấu rõ bí mật của vũ trụ. Việc hiểu được bí mật này sẽ giải phóng ngươi ra khỏi vòng kềm tỏa của nghiệp lực và đưa ngươi đến sự hợp nhất với chân ngã.

Satyakam cảm động, cúi rạp mình cảm ơn Kapalak, nhưng Kapalak đã đứng dậy quay mình bước vào hang đá. Satyakam ngơ ngác không hiểu tại sao, vội đứng dậy toan bước theo. Kapalak quay lại nói nhỏ:

- Cuối tuần này là đêm ba mươi. Ngươi hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi một pháp tu bí mật như một món quà nhỏ tặng ngươi.

Satyakam vội quỳ mọp xuống đất, chắp hai tay cung kính:

- Cảm ơn sư huynh! Cảm ơn sư huynh.

Đêm ba mươi, trời tối đen như mực. Satyakam đứng chờ Kapalak bên bờ sông Hằng. Gió lồng lộng thổi. Từ hôm nói chuyện với Kapalak, anh cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng. Anh ý thức được các ràng buộc của nghiệp và sẵn sàng chấp nhận những gì phải đến.

Có tiếng chân bước nhẹ. Là Kapalak. Ông nói khẽ:

- Ta sẽ chỉ dẫn ngươi phương pháp không sợ hãi của Mật tông. Chỉ một lúc nữa sẽ có một xác chết trôi qua đây. Ngươi hãy lội ra sông vớt cái xác đó mang lên bờ.

- Nhưng... sao anh biết trước sẽ có cái xác trôi sông? Kapalak lắc đầu:

- Bây giờ không phải là lúc ngươi chất vấn ta, mà hãy tuyệt đối làm đúng lời ta dặn.

Satyakam thấy bồn chồn về thử thách kỳ lạ này. Anh đứng yên nhìn mặt nước đen ngòm trước mặt, tự nhiên có cảm giác rờn rợn. Chợt Kapalak chỉ ra dòng nước, nói:

- Nó đến kìa.

Satyakam vốn can đảm, ít khi sợ hãi điều gì, nên khi Kapalak nói là muốn dạy cho anh phương pháp không sợ hãi, anh không coi trọng nó cho lắm. Tuy nhiên, việc lội ra dòng nước đen ngòm để vớt một cái xác trôi sông vẫn khiến anh ngần ngại. Kapalak phải giục đến lần thứ hai, anh mới phóng mình xuống sông. Nước không sâu lắm, chỉ ngang ngực, nhưng vì chân dẫm xuống bùn, không đi nhanh được, nên phải mất một lúc anh mới đến bên xác chết. Anh quơ tay về phía trước ôm lấy cái xác đang nổi lềnh bềnh. Chưa lúc nào anh cảm thấy hồi hộp đến vậy. Lồng ngực căng tức. Hơi thở hổn hển. Vừa khó chịu, vừa buồn nôn. Sau khi kéo cái xác lên bờ, anh đứng thở dốc. Tuy không mệt lắm nhưng đầu óc anh căng thẳng hơn bao giờ hết.

Kapalak ra lệnh cho Satyakam kéo cái xác vào một hốc đá gần đó. Trong hốc đá đã để sẵn một ngọn đèn đầu nhỏ, một bát cơm và một bình nước. Satyakam vừa làm vừa thở dốc, trong khi Kapalak vẫn thản nhiên như không.

- Này Satyakam, bây giờ ta sẽ làm cho cái xác này sống dậy. Ngươi phải cố gắng giữ bình tĩnh, làm chủ tâm mình và tuyệt đối không được sợ hãi. Ngươi hãy ngồi xếp bằng trên cái xác và niệm câu thần chú mà ta sẽ truyền cho ngươi. Khi nào cái xác mở miệng ra, ngươi hãy đổ ít cơm và nước vào miệng nó. Tiếp đó, nó sẽ cố gắng nói chuyện với ngươi. Ngươi có thể trả lời nó hay hỏi nó bất cứ điều gì ngươi muốn, nhưng việc quan trọng nhất là phải giữ tâm thật bình thản, không sợ hãi. Ngươi phải nhớ rõ sức mạnh điều khiển tất cả mọi sự việc này đều có sẵn trong ngươi và nó sẽ giúp ngươi vượt qua thử thách. Nếu ngươi không đủ đức tin, có thể ngươi sẽ gặp nhiều nguy hiểm đấy. Như ta đã nói, đức tin là một yếu tố quan trọng. Nếu ngươi thất bại, đừng trách ta, mà hãy tự trách ngươi chưa đủ công lực để đi vào con đường tối mật này.

Satyakam lập tức điều tâm. Anh biết đây là một thử thách lớn nên chăm chú theo dõi lời chỉ dạy của Kapalak. Ông đi vòng quanh xác chết, tay bắt ấn quyết, miệng lầm rầm những câu thần chú. Trông ông thản nhiên như người đang đi vãn cảnh. Satyakam biết đây không phải giấc mơ, mà là một trải nghiệm thực. Sau khi đi quanh xác chết bảy vòng, Kapalak thong thả đến bên cạnh Satyakam nói nhỏ vào tai anh câu thần chú ba lần. Câu thần chú quả có công dụng kỳ diệu, vì anh cảm thấy toàn thân chấn động như vừa bị sét đánh trúng. Anh chắp tay, bắt đầu niệm câu chú. Lạ thay, chỉ thoáng giây, cả cơ thể anh đã rung lên như bị một dòng điện truyền vào. Kapalak mỉm cười đưa ngón tay điểm giữa trán Satyakam rồi bước đi. Thân hình ông từ từ chìm lẫn vào bóng đêm.

Satyakam ngồi yên, chú tâm vào câu thần chú. Khoảng tàn một nén hương, anh cảm thấy cái xác bắt đầu chuyển động dưới thân mình. Lúc đầu, anh cố gắng điều tâm để không để ý đến nó, nhưng càng lúc nó càng lắc lư mạnh hơn. Hồ như nó muốn hất anh xuống đất. Bất chợt, có tiếng hú ghê rợn từ đâu đó vang lên khiến Satyakam giật nảy mình, mở choàng mắt ra. Trước mặt anh là đám ma quỷ ghê rợn, con nào con nấy đang nhe nanh múa vuốt như muốn ăn tươi nuốt sống anh. Satyakam cố gắng tập trung tư tưởng, nhưng hơi thở anh đã trở nên dồn dập, mồ hôi khắp mình túa ra như tắm. Cái xác vẫn tiếp tục cựa quậy và lũ ma quỷ vây quanh anh càng lúc càng đông. Chúng vừa gào thét, vừa sờ soạng thân thể anh. Chưa bao giờ anh cảm thấy lúng túng như vậy. Satyakam cố gắng điều hòa hơi thở và tập trung tư tưởng vào câu thần chú. Có lẽ nhờ oai lực của câu chú mà khắp mình anh tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ lạ khiến lũ ma quỷ không làm hại anh được. Đây là lần đầu tiên trong đời Satyakam cảm thấy không biết phải đối phó như thế nào. Liệu câu thân chú có đủ hiệu lực giúp anh chống lại lũ ma quái kia chăng? Đó là chưa kể cái xác nằm bên dưới càng lúc càng cựa mạnh hơn. Satyakam cố gắng giữ cho tâm bình thản, nhưng lòng anh đã ít nhiều nao núng.

Đúng vào lúc anh cảm thấy không còn tự chủ được nữa thì có tiếng Kapalak ở đâu vọng đến: “Hãy nhớ rằng tất cả hiện tượng đang xảy đến đều do sức mạnh của tâm mà ra. Nếu ngươi không kiềm chế được tâm mình, thì ngươi sẽ là nạn nhân của chính ngươi đấy”. Satyakam bừng tỉnh. Anh vội vã điều tâm, bất chấp những tiếng hú ghê rợn chung quanh. Hơi thở anh đều hơn. Một lúc sau, tiếng động nhỏ dần, rồi từ từ biến mất. Satyakam yên lặng chú tâm vào câu thần chú. Một lúc sau, anh cảm thấy cái xác bên dưới bắt đầu ú ớ. Anh liền làm theo lời dặn của Kapalak, đổ ít cơm và nước vào miệng xác chết. Cái xác từ từ nhúc nhích, miệng nó mấp máy như muốn nói gì. Satyakam lên tiếng hỏi:

- Ngươi là ai?

Xác chết thều thào:

- Hãy... thả... tôi... ra...

- Nhưng ngươi là ai?

- Hãy tha... tôi...

Satyakam hơi ngạc nhiên, anh tập trung tư tưởng vào câu thần chú. Tâm anh dần trở nên tĩnh lặng, và rồi bất chợt, anh ý thức được những hình ảnh ma quái ban nãy cũng như cái xác nằm bên dưới chỉ là những sản phẩm của tâm thức, những khí cụ mà một người đã làm chủ được nội tâm như anh có thể sử dụng khi cần. Khi tâm thức được tập trung cao độ dưới công năng của những mật chú màu nhiệm, nó sẽ tạo ra sức mạnh có thể điều khiển được mọi vật. Tuy nhiên, ngay lúc đó trong tâm Satyakam bỗng nhiên nảy sinh lòng thương vô hạn khiến anh phải bật lên câu hỏi:

- Hãy cho ta biết ngươi là ai. Cái xác thều thào:

- Là một ảo ảnh.

Satyakam gật đầu như đã hiểu. Anh yên lặng, không muốn hỏi thêm câu nào nữa vì đã có câu trả lời. Anh tập trung tư tưởng vào câu chú, bởi anh đã biết rằng sức mạnh mà anh hiện đang sở hữu có thể sử dụng tùy ý vào bất cứ mục đích nào; nhưng đồng thời, anh cũng ý thức rằng vạn vật trong vũ trụ đều bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên bất đi bất dịch. Anh hiểu rõ lời khuyên của Kapalak về sự ràng buộc của nghiệp lực nên không muốn tạo thêm sự ràng buộc nữa. Tự nhiên tâm anh trở nên tĩnh tại, thoải mái hơn lúc nào hết. Anh mỉm cười...

Khi Satyakam mở mắt ra, vầng đông đã hé rạng cuối chân trời. Kapalak đang đứng trước mặt anh, nét mặt rạng rỡ:

- Khá lắm! Khá lắm! Bây giờ chúng ta hãy đem cái xác này thả xuống sông.

Cả hai mang cái xác xuống dòng sông, nhưng lần này họ làm một cách cẩn thận, ý thức. Họ đứng yên trên bờ sông, nhìn cái xác từ từ trôi đi như vừa mất đi một cái gì thân yêu nhất. Kapalak thân mật vỗ vai Satyakam:

- Hãy tắm rửa sạch sẽ rồi đến động đá của ta.

Sau khi tắm rửa, Satyakam bước đến động đá của Kapalak. Ông vẫn ngồi yên trên đống xương như khi anh gặp ông lần đầu. Song lần này, anh thấy khác hẳn, không còn hoang mang như trước. Tựa hồ anh vừa được hoàn toàn chuyển hóa. Satyakam bước khoan thai đến trước mặt Kapalak. Anh không còn muốn hỏi Kapalak điều chi nữa, bởi với anh, Kapalak ngày xưa oai nghiêm đường nào nay cũng chỉ là một con người bình thường mà thôi. Anh chợt nhớ đến vị đạo sĩ già trên đỉnh Tuyết Sơn. Chưa bao giờ anh thấy mình gần gũi sư phụ như vậy. Hình ảnh vị đạo sĩ hàng ngày thực hành các nghi thức thường nhật một cách chuyên cần bỗng dưng xâm chiếm đầu óc, khiến anh cảm thấy ngây ngất. Kapalak mỉm cười:

- Này Satyakam, ngươi đã vượt qua được một thử thách lớn. Không những thế, ngươi đã trở thành một hành giả Mật tông thượng thừa.

Satyakam ngạc nhiên:

- Em đã làm gì?

- Ngươi đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Hiển nhiên, đó là một bước tiến đáng kể, nhưng điều đáng nói là ngươi đã giúp xác chết đó được giải thoát. Phần lớn các hành giả Mật tông, khi ý thức được quyền năng của mình, sẽ sử dụng nó như một công cụ. Cái xác đó sẽ trở thành công cụ cho họ sử dụng để đạt được mục đích riêng. Nó có thể đem lại tài sản, tiền bạc, danh vọng, báo ân, trả oán, hại người này, cứu người kia... Quyền năng này vô cùng mạnh mẽ và ít ai có thể làm ngơ trước sức cám dỗ của nó. Một hành giả Mật tông có thể sử dụng quyền năng này vào các mục đích tà muội, đi sâu vào hắc đạo, và rồi, sẽ phải gánh chịu hậu quả ghê gớm của nó. Ngay như ngươi muốn làm việc thiện và sử dụng quyền năng này vào mục đích chữa bệnh, cứu người, ngươi cũng khó lòng tránh được cám dỗ của nó. Khi sử dụng quyền năng là đã bị nó cám dỗ rồi. Dĩ nhiên lúc đầu, họ nghĩ mình làm việc tốt, chữa bệnh cứu người, thu tập tín đồ, khuyến khích họ làm việc lành, nhưng dần dần, họ dễ lạm dụng quyền năng ấy. Khi một người làm việc gì khác thường là bắt đầu vun bồi bản ngã của mình, mà bản ngã thì xảo quyệt vô cùng, nó sẽ thúc đẩy người đó làm những điều mà họ không bao giờ ngờ đến, để rồi chỉ cần sai một ly là đi một dặm. Đó là sự nguy hiểm của pháp tu Mật tông.

Kapalak đưa mắt nhìn Satyakam rồi thong thả:

- Này Satyakam, ngươi đã sở hữu quyền năng ấy, nhưng trong tâm không hề mong muốn điều đó. Đã thế, ngươi lại phát lòng thương khi nghe cái xác đó xin được thả ra. Chính cái tâm từ bi của ngươi đã chuyển hóa quyền năng mạnh mẽ mà ngươi sở hữu thành tình thương chân thành, vị tha. Mặc dù không ý thức về việc làm của mình, nhưng sức mạnh của tình thương đã giải phóng người chết, đem thần thức của họ về cõi trời thanh cao, và đồng thời cũng rửa sạch những ô uế tích lũy trong nghiệp của ngươi. Hôm nay, ngươi không chỉ đã vượt ra khỏi vòng kềm tỏa của các quyền năng hay bản ngã, mà còn phát triển một tình thương rộng lớn.

Satyakam thắc mắc:

- Nhưng em đã giải phóng người chết đó như thế nào vậy?

Kapalak mỉm cười, vừa khơi đống lửa đang cháy bập bùng trước mặt vừa thong thả nói:

- Câu thần chú ta truyền cho ngươi là một thần chú tối linh, tự nó chứa đựng cả một pháp môn vi diệu. Mỗi lần đọc lên, những rung động nó phát ra sẽ chiêu cảm được những sức mạnh rất lớn trong thiên nhiên. Khi cái xác đó xin ngươi hãy thả nó ra, trong tâm ngươi nảy sinh một tình thương muốn giúp đỡ nó. Hiển nhiên, với một cái tâm trong sạch, không mong cầu điều gì cho mình mà chỉ thiết tha muốn giúp người khác, sự chiêu cảm sẽ trở nên mãnh liệt, ứng đáp lời yêu cầu của cái xác. Nếu ngươi chỉ là kẻ thực hành Mật tông một cách máy móc, nghĩa là chỉ nhất nhất tuân theo những lời chỉ dạy, sẽ không bao giờ có thể làm được những việc phi thường như vậy. Sức mạnh mầu nhiệm kia chỉ xảy ra khi nó được phóng ra bởi cái tâm trong sạch, không ô nhiễm; một cái tâm không tham lam, ích kỷ. Nói một cách khác, chỉ những người đã vượt ra khỏi sự chi phối của bản ngã mới có thể sử dụng được quyền năng này.

Satyakam ngờ vực:

- Không lẽ một câu thần chú lại có năng lực mạnh mẽ đến như vậy sao?

Kapalak gật đầu:

- Một pháp môn vi diệu chứa đựng muôn vàn ý nghĩa, có thể cô đọng thành những bài thần chú dài hay trong những câu chú tối linh (Seed Mantra). Chỉ một vài âm thanh mà chứa đựng tất cả sự màu nhiệm của vũ trụ.

Satyakam chắp tay cảm ơn Kapalak:

- Cảm ơn sư huynh đã giúp đỡ, chỉ dẫn. Kapalak lắc đầu:

- Ngươi hãy cám ơn sư phụ. Ta chỉ là kẻ thừa lệnh sư phụ để hướng dẫn ngươi. Sư phụ biết nghiệp của ngươi còn nặng, không thể chuyển hóa dễ dàng qua việc tu tập trên Tuyết Sơn nên mới gửi ngươi đến đây học với ta. Như ta đã nói từ trước, có nhiều con đường dẫn đến chân lý, nhưng thật ra, mỗi con đường chỉ là những giai đoạn của một tiến trình mà thôi. Hiện nay, ngươi còn một vài thử thách nữa vì vẫn còn những ràng buộc từ trước mà ngươi phải gỡ bỏ. Ta tin rằng ngươi có thể làm được.

- Phải chăng anh muốn nói đến Bhairavi?

- Đúng thế. Bây giờ là lúc ngươi hãy đến tu tập trong đền Kali.

Khi Satyakam bước vào đền Kali, Bhairavi cũng vừa xả thiền. Cô mỉm cười khi nhìn thấy Satyakam:

- Hôm nay, trông anh khác trước.

Satyakam thuật lại những chuyện mình vừa trải qua. Bhairavi gật đầu:

- Sư mẫu của em cũng nói như thế.

- Sư mẫu của em là ai vậy?

- Mataji. Bà sống tại làng Vindhyachan, gần Benares. Em tu học với bà nhiều năm rồi, nhưng vẫn gặp khó khăn trong lúc thiền tập.

- Em mà cũng gặp khó khăn ư? Bhairavi mỉm cười gật đầu:

- Đúng vậy. Em dễ chìm trong trạng thái mê hoặc xuất thần. Em có thể ngồi thiền rất lâu, ngày này qua ngày khác, nhưng chưa hoàn toàn tự chủ được. Sư mẫu của em nói rằng đó là do kiếp trước em thực hành các phép tu khổ hạnh nên tâm bị khô héo, nên thay vì hoàn toàn tự chủ thì nó bị tê liệt.

Satyakam giật mình:

- Có phải... có phải vì vậy mà ta chẳng thể đọc nổi tư tưởng của em không?

Bhairavi mỉm cười xác nhận:

- Chính là vậy đó. Công phu của em chưa đạt đến mức độ như anh nghĩ đâu. Vì bị tê liệt nên nó không phát ra tư tưởng, thế nên dù cho anh có thể đọc được tư tưởng của người khác, anh cũng sẽ không ghi nhận được tư tưởng của em. Đây là hậu quả của việc thực hành một pháp tu khổ hạnh, để cho đầu óc tê liệt ở kiếp trước, nên kiếp này em phải hóa giải. Ngoài ra, em còn những ràng buộc khác nữa...

Satyakam vội ngắt lời:

- Ràng buộc nào nữa? Bhairavi mỉm cười e lệ:

- Ràng buộc với anh.

- Phải chăng em đã biết ngay khi chúng ta gặp nhau lần đầu?

- Không hẳn thế. Nhưng sau đó em đã ý thức được liên hệ này.

Bhairavi tiếp tục:

- Sư mẫu nói rằng đã đến lúc em phải tự tìm hướng đi và chỉ em đến ngôi đền Kali này. Thật ra, không bao giờ em muốn rời xa bà. Em sống trọn vẹn trong tình thương vô bờ của bà, nhưng bà bảo không ai có thể tiến bộ nếu chỉ tu tập trong khuôn viên đạo viện. Bà chủ trương một hành giả Yoga, sau một thời gian tu tập, cần có thêm những kinh nghiệm sống và có trải qua những kinh nghiệm này mới tiến bộ lên được. Bà nói cuộc đời là một trường học, nơi người ta học hỏi, trải nghiệm để tự biết mình. Sau một thời gian tu tập trong các tu viện, nhiều người nghĩ rằng họ đã biết rõ về bản thân, nhưng thật ra, họ chỉ là nạn nhân của bản ngã. Học lý thuyết mà thiếu thực hành là sự học thiển cận, do đó, một người đi trên đường đạo cần trải nghiệm, va chạm với thực tế, khổ đau. Nguyên nhân của đau khổ không phải tại hoàn cảnh, cũng không phải tại ai khác, mà chính là do nơi mình. Vì thiếu hiểu biết nên họ mới suy nghĩ và hành động như thế, để rồi phải nhận lãnh hậu quả từ việc làm ấy. Đó là luật nhân quả, chứ đâu có gì lạ. Bất cứ ai đi trên đường đạo cũng tỏ tường các định luật bất đi bất dịch trong vũ trụ như luân hồi, nhân quả, nhưng tại sao biết mà vẫn phạm? Phải chăng cái biết đó chỉ là cái biết thiển cận, biết trên sách vở mà thôi? Đó là lý do bà bảo em đến đây tu học với anh.

- Bà là người thế nào?

- Bà là một biển tình thương rộng lớn. Bà dạy đạo qua những câu nói tràn đầy tình thương. Có người nói bà là tượng trưng của thần Durga hay yếu tố của tình thương. Điều đáng tiếc là được học hỏi với người như thế mà sao tim em vẫn khô cằn, tâm tư em vẫn bất động, không cảm xúc. Em hy vọng anh sẽ giúp em tìm được cách thức phát triển tình thương này.

Satyakam chăm chú nhìn Bhairavi. Bỗng trong lòng anh nảy sinh một cảm giác yêu thương vô hạn. Anh gật đầu cương quyết:

- Được rồi, ta sẽ giúp em.

Hôm sau, Satyakam trở lại tìm gặp Kapalak hỏi:

- Nhờ quen Bhairavi, em hiểu được phần nào điều anh nói về sự liên hệ giữa người nam và người nữ để bổ túc các yếu tố bất toàn trên phương diện tinh thần hay tâm lý, nhưng em vẫn còn thắc mắc về sự phối hợp trên phương diện vật chất hay sinh lý. Xin anh giải thích cho.

Kapalak ôn tồn:

- Ngươi chớ nên phân biệt tâm và thân như hai phần khác biệt có thể tách rời nhau, mà cần hiểu rằng tâm và thân là một. Định luật âm dương không phải là điều có thể lý luận hay giải thích bằng lời, mà là trải nghiệm tu tập quý báu, một phương tiện thiện xảo có thể giúp hành giả đạt đến sự hợp nhất. Theo Mật tông, trải nghiệm này không thể giải thích theo các quan niệm thông thường của luân lý, xã hội hoặc đạo đức, do đó pháp tu này được cất giữ rất kỹ, không truyền ra ngoài vì dễ bị hiểu lầm hoặc lạm dụng. Sẽ không thể hiểu được nó bằng lý thuyết, mà phải trải nghiệm nó bằng thực hành. Một người chưa kiểm soát được tâm hay thân, chưa làm chủ được tình cảm không thể quán triệt được nguyên lý này nên đã có những giải thích sai lầm hoặc ngộ nhận đáng tiếc. Ngươi nên biết rằng đây là một nguyên lý về năng lượng và nhờ hiểu rõ về nó mà hành giả có thể kiểm soát, định hướng luồng hỏa hầu Kundalini - căn bản của pháp môn Kundalini Yoga. Sự thúc động luồng hỏa hầu này là một yếu tố quan trọng vì nó là dòng năng lượng chuyển hóa hết sức mạnh mẽ. Đối với người bình thường, nó nằm yên, không hoạt động và đây là điều may mắn vì một kẻ chưa hội đủ các đức tính cao thượng, chưa làm chủ được thân tâm, chưa được sự truyền dạy của một vị sư phụ có kinh nghiệm thì thà để yên như vậy còn hơn. Một khi khai mở hỏa hầu mà không đủ sức đối phó, hậu quả sẽ khó lường. Họ sẽ mắc bệnh điên loạn, các đốt xương đau đớn, khắp mình nóng ran như bị thiêu đốt rồi chết (tẩu hỏa nhập ma). Một số hành giả luyện hỏa hầu nhưng thiếu sự chỉ dạy của một sư phụ có kinh nghiệm, không đủ công lực để điều khiển luồng năng lượng này cũng gặp phải hậu quả rất khốc liệt. Thay vì hướng nó đi vào các kinh mạch cần thiết, họ để nó chạy loạn xạ khắp nơi; thay vì hướng lên trên, nó lại chạy ngược xuống dưới, khiến họ trở nên điên cuồng, phát triển các thú tính, có hành động đồi bại, xấu xa, thấp hèn. Do đó, ngươi phải biết rằng đây là một phương pháp rất nguy hiểm cho những kẻ chưa đủ công lực, chưa trau đồi được phẩm hạnh đến mức thượng thừa.

Kapalak nói tiếp:

- Ngươi cần biết rằng hỏa hầu Kundalini là nguồn khí lực sáng tạo. Khi biểu hiện ở mức độ thấp, nó là dục tính, có khuynh hướng quay ra bên ngoài (Pravitri), vì đi sai đường nên nó chỉ mang lại những đau khổ, lầm lạc cho đến khi người ta học được những gì cần phải học. Khi biểu hiện ở mức độ thượng thừa, thay vì hướng ra ngoài, nó hướng vào bên trong (Nivritri) và trở thành năng lượng chuyển hóa hết sức quan trọng.

- Xin sư huynh giải thích rõ hơn.

- Muốn hiểu rõ Kundalini Yoga, cần phải biết về luật tiến hóa của mọi vật trong sự tuần hoàn của vũ trụ. Ngươi đã biết trong trời đất, tất cả đều thay đổi biến chuyển không ngừng. Để tiến hóa, con người cần có một động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ hoạt động mà ta gọi là lòng đam mê. Đây là một yếu tố cần thiết vì thiếu yếu tố này, con người sẽ sống thụ động như cây cỏ, gỗ đá, chẳng có cảm giác và không thể tiến bộ. Nhờ đam mê mà con người hoạt động, thay đổi - đó chính là yếu tố dương, có tính cách hao tán và hướng ngoại. Để ngươi hiểu rõ hơn, ta lấy một ví dụ cụ thể, chẳng hạn người mẹ dạy con tập đi. Bà mẹ không hề dạy đứa bé về các bắp thịt ở chân hoạt động ra sao, vì đứa nhỏ sẽ chẳng hiểu gì cả. Thay vì giải thích, một bà mẹ khôn ngoan sẽ đưa một món đồ chơi ra trước mặt con và nói: “Con đến lấy đồ chơi này!”. Đứa bé vì thích món đồ chơi sẽ cố gắng đứng dậy lấy đồ chơi và vô tình chập chững đi rồi sau dần dần biết đi.

Cũng như thế, Thượng đế đã đặt biết bao “đồ chơi” chung quanh con người để thúc đẩy chúng ta hoạt động và tiến bộ. Có thể ngài đã nói: “Này các con, các con hãy đến lấy những món đồ chơi này đi. Đây là tiền bạc, tài sản, danh vọng, địa vị, tình yêu...”. Cũng như một đứa bé ham đồ chơi, con người hăng hái đi tìm những “đồ chơi” hấp dẫn đó. Ngươi cần biết, lúc đầu đam mê là điều cần thiết để thúc đẩy hoạt động vì mục đích của cuộc đời là bước đi bằng nỗ lực của chính mình chứ không phải ngồi chờ đợi những gì xảy đến. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết nên đa số con người đã lầm lạc, hoang tưởng phương tiện là cứu cánh, nghĩ rằng các món “đồ chơi” đó là mục đích của cuộc đời và mải tìm kiếm, nắm bắt. Dĩ nhiên họ sẽ thất vọng vì cái họ muốn luôn ở ngoài tầm tay. Hễ đạt được cái này thì lòng ham muốn lại thúc giục họ đi tìm kiếm thêm cái khác nữa và cứ thế, họ tìm mãi mà chẳng bao giờ toại nguyện. Dần dần họ sẽ học được bài học về sự đau khổ, thất vọng; vì sự đau khổ là một kinh nghiệm quan trọng giúp họ ý thức rõ mục đích của cuộc đời.

Kapalak im lặng nhìn Satyakam rồi nhấn mạnh:

- Đa số nhân loại vì thiếu hiểu biết nên đã hao tổn năng lực để theo đuổi các điều kiện vật chất. Điều đáng tiếc là một số tu sĩ lẽ ra phải hiểu biết hơn lại sa vào những vết xe đó. Họ dồn tất cả năng lực để chạy đuổi theo các hình tướng bên ngoài như nghi thức, phẩm trật, chức tước hay xây dựng các đền thờ lộng lẫy, coi đó là mục đích chính của tiến trình tu tập. Tệ hơn nữa, họ còn trích dẫn từng câu từng chữ trong kinh văn, tìm trong đó có bao nhiêu dấu chấm, dấu phẩy rồi giải thích chân lý theo con số những dấu chấm, dấu phẩy đó. Hậu quả là chân lý đã biến thành một thứ tôn giáo suy kiệt, thoái hóa, đầy mê tín dị đoan.

Satyakam thắc mắc:

- Như vậy con đường Nivritri (hướng nội) là như thế nào?

Kapalak giải thích:

- Đó là con đường trở về. Con đường này thuộc yếu tố âm, là sự chuyển hóa. Như ta đã nói, nguyên lý của yếu tố dương là động, là hướng ngoại, là hao tán nên cần phải có yếu tố âm để bổ túc. Nguyên lý của âm là tĩnh, là hướng nội, là tập trung và trên con đường này hành giả chuyển hóa năng lượng đam mê ngoại giới vào các mục đích thánh thiện, cao thượng của nội giới. Thay vì đi tìm sự cao xa huy hoàng ở bên ngoài thì họ tìm cách làm sao cho nội tâm được sung mãn, dồi dào.

Này Satyakam, trên con đường Pravitri (hướng ngoại), mọi hoạt động thường có tính cách lo âu, trói buộc, sợ hãi vì nó xây dựng trên sự suy luận của lý trí, vốn chịu ảnh hưởng ngoại cảnh. Trên con đường hướng nội (Nivritri) mọi hoạt động sẽ có tính cách thoải mái, an nhiên tự tại vì nó xuất phát từ một nội tâm phong phú. Trên con đường hướng ngoại, tư tưởng hay sản phẩm của tâm thức biến đổi, hao tán không ngừng, nhưng trên con đường hướng nội, tư tưởng này được tập trung, chuyển hóa và thăng hoa. Khi đạt đến trạng thái quân bình thì nguyên lý âm dương không còn là hai nữa mà sẽ hòa làm một. Khi đó, dương cũng là âm mà âm cũng là dương. Cả hai hợp nhất trong một trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối. Đó chính là sự giải thoát khi tiểu ngã hòa nhập vào đại ngã. Đó chính là mật nghĩa của Kundalini Yoga (con đường Hỏa xà).

Kapalak im lặng nhìn Satyakam một lúc rồi nói tiếp, giọng nghiêm trang:

- Này Satyakam, ta sẽ dạy ngươi phương pháp khai mở luồng hỏa hầu này, nhưng trước hết, ta muốn ngươi hiểu rõ Kundalini Yoga không phải là một phương pháp mà ai cũng có thể theo đuổi được. Một kẻ có cơ thể bệnh hoạn hay một tâm hồn bạc nhược không thể thực tập phương pháp này, vì yếu tố căn bản của nó là một cơ thể tráng kiện và một tinh thần can đảm. Một kẻ thiếu đức tin hay nghi ngờ cũng khó mà đi xa được, vì nó đòi hỏi sự cương quyết, dũng mãnh. Một kẻ lười biếng, dễ nản chí không bao giờ có thể theo đuổi pháp môn tối thượng này, vì nó đòi hỏi công phu chuyên cần. Một kẻ nông nổi chỉ mong đạt kết quả cũng không thể đi trọn con đường, vì nó đòi hỏi nhiều năm công phu luyện tập. Một kẻ chưa làm chủ được tình cảm cũng không thể thực hành, vì nó dễ làm cho người ta lầm lạc, bị dục vọng sai khiến và đi vào con đường tà đạo. Do đó, một vị sư phụ Mật tông luôn chọn học trò hết sức cẩn thận trước khi truyền dạy pháp môn này. Ta biết ngươi đã có đủ những đức tính cần thiết nên mới quyết định truyền cho ngươi pháp môn tối thượng Kundalini Yoga. Trong việc tu tập, ngươi sẽ không thực hành một mình mà cần một người khác giúp đỡ. Ta biết Bhairavi là một hành giả Yoga thượng thừa đã có những liên hệ với ngươi từ trước, nên ta tin rằng cô ấy sẽ giúp đỡ được ngươi. Để tránh hiểu lầm, ngươi và Bhairavi nên làm lễ thành hôn và ta tin rằng cả hai sẽ có những tiến bộ đáng kể. Ngươi hãy cố gắng luyện tập, đừng phụ lòng ta và sư phụ.

Satyakam cảm động quỳ mọp xuống:

- Xin cảm ơn sư huynh. Xin cảm ơn sư phụ.

Cuối mùa Xuân năm đó, Satyakam và Bhairavi chính thức làm lễ thành hôn dưới sự chứng giám của Kapalak. Đối với dân chúng làng Kadambini, đây là một ngày trọng đại. Hàng ngàn người tụ tập trong ngôi đền Kali để làm lễ ăn mừng. Tín đồ khắp nơi kéo về dâng cúng các phẩm vật rất long trọng. Nhiều người quá vui mừng, đã khóc òa lên vì tin rằng thần Shiva và Durga đã tái thế, ban phát ân phước cho làng. Sau các nghi thức long trọng, Satyakam và Bhairavi quỳ trước tượng thần Kali làm lễ. Kapalak thực hành các nghi thức ban phép lành cần thiết rồi nói với Satyakam:

- Hãy ghi nhớ lời ta chỉ dạy và chuyên cần thực hành. Ngươi nên nhớ đây chỉ là một chặng trên con đường đi tìm chân lý. Hãy học hỏi những điều cần phải học, nhưng chớ quên mục đích tối hậu của ngươi trên đường đạo. Bài học hiện nay của ngươi là biết chấp nhận tất cả, không từ bỏ một điều gì và tập mở rộng cõi lòng để giúp đỡ tất cả mọi người. Ta lên đường đây.

- Sư huynh đi đâu?

- Chỗ này đã trở nên ồn ào, không còn thanh vắng như xưa nữa, nên ta cần tìm một nơi an tĩnh hơn để tu tập. Ta đã làm tròn nhiệm vụ sư phụ giao phó, bây giờ ngươi sẽ phải tự đi nốt quãng đường còn lại.

Satyakam lưu luyến:

- Liệu chúng em còn gặp lại sư huynh không?

- Chúng ta có cùng một mục đích mặc dù con đường không giống nhau, nhưng ta tin rằng cuối cùng chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Mặc cho Bhairavi cố giữ, Kapalak vẫn thản nhiên bước khỏi đền Kali.

 


[3] Kali: Nữ thần bóng tối trong tín ngưỡng Hindu.