Bên Dòng Sông Trẹm

Chương 4

Docsach24.com
êm không trăng mới chín giờ mà trời đã tối đen như mực. Những chòm sao li ti nhấp nháy không đủ soi rõ vật gì dưới trần gian. Hoàn toàn im vắng. Ngoài đồng trống, vài ngọn đèn nhỏ thấp thoáng leo lét như ngọn đèn ma. Lâu lắm mới có một tiếng cú kêu rợn người.

Mỹ Lan ngồi vá áo bên ngọn đèn tù mù. Gương mặt xinh đẹp của nàng hồng lên vì ánh đèn. Vài sợi tóc mỏng rũ xuống trán. Mỹ Lan chăm chỉ làm việc. Thỉnh thoảng nàng ngẩng mặt nhìn ra ngoài cửa. Nàng đã quen với sự vắng vẻ, nhưng không hiểu sao đêm nay nàng thấy sờ sợ. Trong nhà chỉ có một mình nàng. Cha nàng gác ở xưởng dệt. Anh nàng mắc đi chở lúa ở kinh Xã Thoàn sáng mai mới về. Còn con chó Tô Tô chạy đâu mất từ đầu hôm.

Bỗng dưng lòng Mỹ Lan sao xuyến lạ thường. Một tiếng động mạnh ngoài cửa ngõ. Một bóng đen đang với tay vào trong mở chốt cửa. Mỹ Lan rời khỏi ghế, đứng phắt dậy.

Nàng bước nhanh ra ngưỡng cửa cái và hỏi to:

- Ai đấy?

Bóng đen cất tiếng cười quen thuộc, Mỹ Lan nhận ra dễ dàng giọng cười ồ ồ của Năm Hương. Nàng đặt tay lên ngực thở phào nhẹ nhõm. Nàng đã tiêu tan nỗi lo sợ kẻ bất lương lợi dụng đêm tối vào nhà làm chuyện ám muội. Nhưng nàng không khỏi ngạc nhiên về chuyện Năm Hương đến nhà nàng vào giờ khắc này.

Thân hình vạm vỡ của Năm Hương hiện ra rõ ràng trong ánh đèn. Gã cúi đầu chào Mỹ Lan và tươi cười:

- Cô Mỹ Lan giờ này vẫn chưa ngủ à?

Vốn đã không ưa Năm Hương từ lâu, nhưng Mỹ Lan buộc lòng phải lịch thiệp đáp:

- Cảm ơn ông, tôi còn thức để vá áo cho ba tôi. Ông đến đây có chuyện gì dạy bảo. Ba tôi gác ở xưởng dệt. Anh Sinh tôi đi chở lúa chưa về. Mời ông ngồi ghế.

Năm Hương cười xoà:

- Cảm ơn cô! Khách khứa gì mà ngồi ghế. Tôi dư biết ông Năm gác ở xưởng dệt và chú Sinh đi chở lúa..., vì thế tôi mới đến đây vào giờ này để có chút chuyện quan trọng nói với cô.

Giọng nói của Năm Hương có chen lẫn cái gì là lạ làm Mỹ Lan khẽ rùng mình. Nàng ngập ngừng hỏi:

- Tôi không hiểu được ý định của ông?

Bây giờ Năm Hương mới lột bỏ gương mặt đứng đắn giả dối, gã trơ trẽn nói:

- Mỹ Lan à, cô cho phép tôi gọi cô bằng em chứ? Thiết nghĩ gọi bằng cô khách sáo lắm.

Nhận thấy sự thay đổi của Năm Hương, Mỹ Lan nghiêm sắc mặt:

- Tôi chẳng dám cho phép ông điều đó, ông muốn gọi tôi bằng gì cũng được, tùy ý ông.

Năm Hương xoa hai bàn tay vào nhau:

- Thế thì gọi Mỹ Lan bằng em vậy, như thế có vẻ thân mật. À, mà tôi yêu cầu cô đừng gọi tôi bằng ông, vì gọi như thế tôi thấy nó làm sao ấy.

Mỹ Lan cau đôi mày vòng cung:

- Tôi đâu dám thế, ông dạy quá lời!

Năm Hương tiến tới một bước, Mỹ Lan lùi một bước. Cả hai gờm gờm nhau, Mỹ Lan thấy rõ tánh sàm sỡ của tên quản lý.

Vẻ đẹp lờ mờ của Mỹ Lan làm Năm Hương say ngất như vừa uống mấy cốc rượu mạnh.

Không dằn được, Năm Hương giương cặp mắt ốc nhồi nhìn thẳng vào mặt Mỹ Lan:

- Mỹ Lan! Em có biết rằng tôi đã yêu em từ lâu? Em biết rõ chứ?

Mỹ Lan giật nẩy mình trước câu tỏ tình của tên quản lý. Nàng lạnh lùng:

- Ông nghĩ sao về tôi mà lại nói như thế?

Năm Hương đáp như muốn hét lên:

- Tôi nghĩ tôi yêu em tha thiết và em cũng yêu...

Mỹ Lan bình tĩnh cười nhạt:

- Ông lầm rồi, tôi chẳng bao giờ yêu ông. Người đàn ông tôi yêu là người được tất cả lòng thương mến của mọi người.

Năm Hương nhếch mép:

- Còn tôi! Mọi người đều ghét tôi à?

Gặp dịp để cho Năm Hương một bài học đích đáng, Mỹ Lan cau giọng nói:

- Ông là một người mất tất cả, anh em thợ đều oán ghét và thù hằn. Ông thẳng tay bóc lột mồ hôi và nước mắt của lao động. Ông là một hạng người đáng cho thiên hạn ghê tởm, một con chiên ghẻ còn sót lại của những chế độ xã hội mục nát cũ; một con chiên trung thành, nịnh bợ. Cái tàn ác, cái nham hiểm, cái quỷ quyệt của ông rồi đây sẽ bị người ta chà đạp lên. Bộ óc thối tha của ông rồi đây sẽ bị người ta chà rửa thẳng tay. Ông nên nhớ những cái bất công không bao giờ tồn tại được, chỉ có lẽ phải và công bằng mới sống mãi với thời gian và làm cho người ta mến phục. Và ông nên nhớ luôn rằng dân quê ngày nay không khi nào khuất phục trước bạo lực; trí óc họ đã già đi qua chín năm khói lửa. Ông là người của thành thị, ông không hiểu nổi tâm trạng của dân quê. Có lẽ ông cứ cho rằng dân quê là những kẻ dễ uốn nắn, cũng như một thuở xa xưa nào. Quan niệm như thế ông lầm lẫn to lắm. Ông hãy chịu khó đếm những bước tiến của dân quê.

Bị Mỹ Lan chửi vào mặt, Năm Hương sượng sùng:

- Thôi, em đừng dạy tôi! Đêm nay tôi đến đây chẳng phải để lý luận với em. Chúng ta hãy giải quyết vấn đề tình ái cho dứt khoát.

Mỹ Lan cười kinh bỉ:

- Tôi đã giải quyết với ông từ lúc đầu rồi kia mà. Tôi chịu khó lặp lại một lần nữa: Tôi chẳng hề yêu ông vì yêu ông là một cái nhục lớn.

Năm Hương tức giận cành hông nhưng cố dằn lòng buôn tiếng cười khô khan:

- Em là một đứa gái quê ngu dại! Em còn hy vọng ở Triệu Vĩ à? Hà hà! Em thử nhìn thân phận của em xem... Một đứa gái quê của miền rừng U Minh đầy ruồi muỗi mòng và đỉa vắt! Ái tình đâu phải dễ dàng như em tưởng. Đầu óc của Triệu Vĩ đâu phải là đầu óc của dân quê. Em đừng vội tự phụ, em chưa hiểu nổi tâm tính của trai thành thị. Triệu Vĩ nó có yêu em bao giờ đâu. Nó thấy em có chút nhan sắc mặn mà dễ coi nên nó giả vờ yêu em để thỏa mãn cái gì của nó đấy thôi. Tội nghiệp cho em, đặt hết hy vọng vào những lời hứa hẹn bâng quơ của nó. Hẳn em đang chờ đợi một ngày về của nó? À! À... Bà kỹ sư Triệu Vĩ chẳng phải là cô gái quê Mỹ Lan đâu.

Gã mai mỉa:

- Sau chiến tranh, em đã trưởng thành, thế mà em vẫn còn dễ tin ở lòng người quá, nhất là lòng của những gã trai trẻ thành thị. Em nghĩ thế nào về những lời tôi vừa nói?

Năm Hương đứng khoanh hai tay trước ngực ngạo nghễ nhìn Mỹ Lan.

Những lời nói của Năm Hương là những kim nhọn đâm thủng tim Mỹ Lan. Vừa tức giận vừa tủi nhục, nàng đứng chết lặng. Năm Hương nói có lý! Nàng đã quá tin lòng người và mơ tưởng cao xa quá. Năm Hương đã nói đúng sự thật, một sự thật mà nàng vừa mới nhận thấy sau khi hay tin Triệu Vĩ cưới con gái của một bác sĩ...

Biết lời nói của mình có hiệu quả, Năm Hương lạnh lùng tấn công tiếp:

- Em đã ghê tởm con trai ở thành thị chưa? Họ đểu giả như thế đấy. Họ chuyên môn lợi dụng sự nhẹ dạ của con gái. Em đã sáng mắt chưa?

Năm Hương dịu giọng:

- Tuổi trẻ là tuổi dễ lầm lỗi! Không ai gắt gao với tuổi trẻ.

Gã trở lại vấn đề cũ:

- Mỹ Lan, anh yêu em tha thiết!... Em hãy quên đi câu chuyện đau buồn vừa qua. Chúng ta hai con người chân thật, yêu nhau. Ngày mai chúng ta sẽ làm lễ cưới. Chỉ có anh mới là người hiểu được em. Chúng ta hãy cùng bắt tay nhau xây dựng hạnh phúc cho cuộc đời.

Năm Hương tiến tới một bước nữa, lòng thầm hy vọng. Như vừa tỉnh một cơn mê, Mỹ Lan bước giật lùi và nghiêm nghị:

- Ông đừng nhiều lời! Tôi ghê tởm ông còn hơn ghê tởm Triệu Vĩ, vì dù sao tôi cũng yêu Triệu Vĩ. Tôi lặp lại lần cuối cùng: Tôi không yêu ông. Ông đừng cố gắng vô ích! Ông hãy về nhà, để yên tôi làm việc. Tôi không cần sự khuyên bảo của ông. Tôi hiểu những chuyện đã làm và sắp làm.

Trước thái độ cương quyết của Mỹ Lan, Năm Hương biết không thể lay chuyển lòng dạ nàng được, gã quắc mắt hỏi gằn:

- Em nhất định không yêu anh?

Mỹ Lan đáp ngắn ngủi:

- Không!

Năm Hương buông tiếng cười ghê rợn. Trong phút chốc gương mặt trở nên hung dữ lạ thường. Mái tóc hắn bờm sờm như muốn dựng ngược lên, lỗ mũi to tướng thở phì phào một cách mệt nhọc, đôi mắt trợn trừng trừng dục vọng.

Mỹ Lan kinh sợ lùi nhanh thêm mấy bước. Chạm phải chiếc ghế, nàng mất thăng bằng chới với muốn ngã ngửa ra sau.

Hùng hổ như một con cọp thấy mồi, Năm Hương nhào tới quơ tay chụp lấy hai vai Mỹ Lan. Nàng hoảng hốt la to:

- Buông tôi! Buông ra! Tôi la làng bây giờ!l... Đồ khốn nạn!

Năm Hương chẳng còn biết phải trái gì nữa, gã nghiến răng:

- Hừ khốn nạn!... Để xem ai là kẻ khốn nạn cho biết! Thằng chó Triệu Vĩ chiếm em bằng tình cảm. Còn anh, anh chiếm em bằng võ lực. Đằng nào cũng đi tới một mục đích duy nhất.

Mỹ Lan giãy giụa dữ dội tìm cách thoát khỏi đôi cánh tay cứng rắn của con quỷ dâm đãng.

Đang lúc hai người giằng co nhau, thì con Tô Tô nhảy xổ vào.

Như kẻ sắp chết đuối vớ được chiếc phao, Mỹ Lan mừng rỡ:

- Tô Tô! Mau đến cứu chị!... Tô Tô...

Con chó khôn ngoan gừ lên một tiếng như căm tức. Nó xông tới táp mạnh vào đùi Năm Hương. Tên quản lý hét lên một tiếng đau đớn, buông rơi Mỹ Lan để quay sang chống cự với con chó.

Vuột khỏi tay Năm Hương, Mỹ Lan quơ chiếc khăn bàn đội lên đầu và cắm cổ chạy thẳng ra đồng như một người bị đuổi bắt. Con Tô Tô vội bỏ Năm Hương phóng mình chạy theo chủ.

Như một kẻ mất hồn, Mỹ Lan chạy bất kể phương hướng. Nàng chạy được một đổi thì bị dòng sông Trẹm chặn đường. Nàng lại chạy dọc theo bờ sông, ngược về phía rừng U Minh. Con Tô Tô vẫn lẽo đẽo theo sát nàng.

Gió thổi ù ù hai bên tai Mỹ Lan. Gió lạnh từ rừng U Minh huyền bí thổi vọng về rét căm căm. Nhưng Mỹ Lan chẳng cảm thấy lạnh lẽo chút nào hết. Nàng chỉ muốn chạy trốn tất cả mọi người.

Đầu óc đen tối quay cuồng, Mỹ Lan cắm cổ chạy băng ngang nhiều cánh đồng khô cỏ cháy, nhiều vũng bùn nước lầy lội, nhiều đám ô rô gai góc. Hai ống quần rách tươm, đôi chân trắng trẻo trầy trụa nhiều nơi rướm máu, nhưng Mỹ Lan không thấy đau đớn. Cái đau đớn của thể xác đối với nàng không còn nghĩa lý gì nữa, trong lúc cái đau đớn tâm hồn đang hoành hành.

Quá mệt nhọc, Mỹ Lan không còn chạy nổi. Nàng lê từ bước một lên một gò đất cao. Rồi kiệt sức, nàng ngã gục trước một chòi tranh nằm cheo leo trên một gò vắng vẻ, xa hẳn xóm giềng. Gió lạnh rít dài chung quanh ngôi nhà làm kẻ can đảm đến đâu cũng phải rùng mình.

Thấy chủ nằm dài trên mặt đất không cử động, con Tô Tô vừa lấy hai chân trước cào vào mặt chủ vừa rống cổ sủa vang lên. Tiếng sủa khô khan của Tô Tô đã đánh thức chủ nhà. Cánh cửa cái dệt bằng tre dan hé mở. Ngọn đèn dầu phộng phập chập chờn trước gió gần như muốn tắt phụp. Một mái tóc đầu bạc phơ nhô ra. Con Tô Tô ve vẩy đuôi lia lịa và sủa găng hơn trước.

Bà lão già nua chậm chạp bước ra ngoài. Đôi mắt lem nhem bỗng sáng rực lên. Bà lão cuống quýt:

- Thượng đế ơi! Ai lại nằm chết ở đây!

Bà đưa sát ngọn đèn gần mặt Mỹ Lan và buột miệng kinh hãi:

- Con bé Mỹ Lan!

Bà đưa bàn tay nhăn nheo đặt lên ngực Mỹ Lan và chép miệng:

- Chưa chết!

Bà đặt ngọn đèn xuống đất và hì hục lôi Mỹ Lan vào nhà. Sau một hồi nhọc mệt, bà đem được Mỹ Lan để nằm trên giường tre cũ rích. Gương mặt nàng tái nhợt nhạt, hai mắt nàng nhắm nghiền, hơi thở yếu đuối.

Bà lão lấy nước lạnh vả lên mặt Mỹ Lan và lấy dầu gió cho nàng ngửi. Bà thấp thỏm chờ đợi.

Hồi lâu Mỹ Lan khẽ cựa mình. Nàng ú ớ những gì trong mồm không nghe rõ. Bà lão mừng rỡ lay mạnh vai nàng và kêu gọi:

- Mỹ Lan!... Mỹ Lan!...

Mỹ Lan từ từ mở mắt. Nàng dáo dác nhìn chung quanh. Đột nhiên nàng ngồi nhổm dậy:

- Tôi đang ở đâu vậy?

Bà lão hiền từ nói:

- Cháu đang ở trong nhà bác chứ đâu! Cháu chưa nhận ra bác à? Bác vẫn thường đến nhà cháu chơi luôn!

Mỹ Lan nhìn kỹ gương mặt già nua nhân đức của bà lão và buột miệng:

- Bác Bảy đấy phải không? Cháu nhận ra rồi!

Gương mặt nàng tối sầm lại tỏ vẻ đâm chiêu nghĩ ngợi. Nàng nhớ rõ mồn một gương mặt ngời dục vọng của Năm Hương, tên quản gia định hãm hiếp nàng, nhờ con Tô Tô giải cứu nàng thoát khỏi tay gã và cắm đầu chạy bất kể sống chết.

Con Tô Tô gầm gừ nho nhỏ ra dáng vui mừng. Mỹ Lan vuốt đầu con vật trung thành:

- Cảm ơn mầy nhé, Tô Tô!

Bà lang Bảy ôn tồn nói:

- Ban nãy cháu làm bác hết hồn. Nghe tiếng chó sủa, bác cầm đèn ra mở cửa. Bác giật nẩy mình khi thấy một đống sù sụ trước mặt. Nhìn kỹ, bác mới nhận ra cháu. Cháu làm sao ra đến nông nổi này?

Mỹ Lan buồn rầu thuật cho bà lão nghe câu chuyện tình bi thảm của nàng và sự mưu toan hãm hiếp của Năm Hương.

Nghe xong, bà lang Bảy thở dài:

- Ái tình luôn luôn làm cho người ta đau khổ! Những mái đầu xanh luôn luôn lầm lẫn. Triệu Vĩ là một người rất tốt, bác không ngờ nó lại đểu giả như thế. Còn thằng Năm Hương thì khỏi nói, vì nó là một thằng tàn nhẫn. May mà cháu vuột khỏi tay nó.

Bà cao giọng:

- Bây giờ cháu định liệu ra sao?

Mỹ Lan đáp không nghĩ ngợi:

- Cháu nhứt quyết không trở về nhà nữa. Cháu lánh mặt tất cả mọi người. Cháu muốn cho người ta tin tưởng là cháu đã chết.

Bà lang Bảy ngậm ngùi:

- Cha cháu và anh cháu sẽ buồn biết mấy! Tội nghiệp! Bác không biết khuyên cháu ra sao bây giờ!

Mỹ Lan gục mặt:

- Cha và anh cháu sẽ buồn lắm nhưng tình thế này không cho phép cháu trở về nhà. Cháu đã chán nản lắm rồi, đời cháu không còn một chút tình thương. Nếu không có đứa bé trong bụng cháu đã hủy mình. Từ đây trở đi cháu sống chỉ vì con...

Nàng gằn giọng:

- Chỉ vì con thôi!

Bà lang Bảy đặt tay lên vai Mỹ Lan:

- Cháu nói đúng. Triệu Vĩ đã bỏ bổn phận làm cha, bổn phận của cháu càng thêm to tát. Cháu sẽ vừa làm một người cha, vừa làm một người mẹ. Sự tồn sinh của đứa bé, hạnh phúc của đứa bé đều do ở cháu định đoạt, cháu nên nhớ đứa bé không có tội tình gì hết!

Mỹ Lan đau đớn:

- Phải, đứa bé không có tội tình gì hết, chỉ có cha mẹ chúng nó...

Nàng nức nở không tiếp được câu nói dang dở.

Thông hiểu sự đau buồn của chủ, con Tô Tô im lặng nằm phệt dưới chân Mỹ Lan.

Với giọng hiền từ của người mẹ, bà lang Bảy an ủi Mỹ Lan:

- Thôi, cháu cũng đừng nên buồn rầu mà hao mòn sức khỏe. Trong lúc này sức khỏe là quý nhất. Cháu phải để dành sức khỏe để nuôi nấng đứa bé sắp chào đời. Con người không cãi được với định mệnh.

Mỹ Lan quắc đôi mắt sáng:

- Hừ! Định mệnh! Luôn luôn là định mệnh! Nhưng cháu tin chắc là không có định mệnh... mọi chuyện đều do ở lòng người!

Không cãi lý với Mỹ Lan làm gì, bà lang Bảy nói tiếp:

- Hiện thời, nếu cháu không còn sống cho cháu nữa, thì ít ra cháu cũng phải sống vì đứa con vô tội. Nó sẽ là tất cả nguồn an ủi của đời cháu. Nó sẽ là người nung chí phấn đấu của đời cháu, nhờ nó mà cháu sẽ quên lãng cái dĩ vãng đau buồn. Đời người, ai chẳng qua một lần đau khổ. Có đau khổ người ta mới thấy rõ đời là một chiến trường. Vì con người luôn luôn là một tên lính cảm tử. Phải phấn đấu, luôn luôn phải phấn đấu cháu ạ! Không nên tuyệt vọng, không nên chán nản. Phải can đảm giẫm lên những chướng ngại vật giằng mắc trên đường cản lối ta đi. Rồi cháu sẽ thấy lẽ sống chính đáng của con người. Bác tin rằng chín năm khói lửa đã đào tạo cháu nên một người đúng nghĩa của nó.

Giọng bà trở nên cứng rắn:

- Một người đã sống qua chín năm trường kỳ kháng chiến, đã chứng kiến những giờ phút thăng trầm của đất nước... Chẳng có ai có quyền ngả lòng vì một chuyện nhỏ nhặt.

Bà hạ thấp giọng:

- Gia đình, Tổ quốc có phải cao cả hơn không hả cháu?

Cố đè nén nỗi cảm xúc, Mỹ Lan gật đầu đáp nhỏ:

- Phải, chín năm trường chiến tranh đã dạy cho ta như thế!

Bà lang Bảy tỏ vẻ hài lòng:

- Cháu xứng đáng là một người con gái của Thới Bình thôn.

Bên ngọn đèn dầu tù mù, một mái đầu bạc và một mái đầu xanh say sưa trong câu chuyện; bóng họ in trên vách lá và run lên từng chập theo từng luồng gió lạnh ở bên ngoài thổi luồn qua kẽ liếp.

Im lặng hồi lâu. Lũ côn trùng vẫn rên dài thảm thiết như những oan hồn tử đòi mạng. Gió quật phần phật vào ngôi nhà lá trơ vơ.

Bà lang Bảy thân mật bảo Mỹ Lan:

- Hiện thời bác ở một mình trong ngôi nhà này nhiều lúc cũng thấy cô đơn lắm. Cháu hãy ở đây với bác cho vui cửa vui nhà. Ngày ngày bác xuống chợ xem mạch hốt thuốc cho người trong làng và mua lương thực. Cháu ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa và lo việc bếp núc. Con chó Tô Tô làm bạn với cháu.

Mỹ Lan cảm động nắm bàn tay nhăn nheo của bà lão.

- Cháu cảm ơn bác vô cùng. Biết bao giờ cháu mới trả được công ơn sâu rộng này...

Bà lang Bảy chặn ngang:

- Đây chẳng phải là một cái ơn... cháu đừng nói thế. Người của Thới Bình không khi nào khách sáo.

Bà trỏ chiếc phản nhỏ đặt ở góc nhà và nói tiếp:

- Cháu dọn dẹp chỗ đó mà ngủ! Bác còn dư mùng mền để trong tủ đứng. Con Tô Tô ngủ dưới chân giường nếu nó không muốn nằm ổ rơm ở sau nhà bếp.

Mỹ Lan thở phào nhẹ nhõm. Thân phận nàng thế là cũng xong. Nàng ở đây cho đến ngày khai hoa nở nhụy và không chừng sẽ ở đây suốt đời.

Nàng bước xuống đất, dặn dò bà lang Bảy:

- Bác đừng cho ai biết là cháu ở đây! Cháu muốn họ tưởng lầm cháu đã chết, để tránh mọi chuyện phiền phức không hay.

Bà lang Bảy ưng thuận:

- Cháu khỏi lo điều đó, bác sẽ giữ kín. Ừ mà... có nên cho cha và anh cháu biết không?

- Không! Nếu cha và anh cháu hay thì người ta cũng hay được.

Bà lang Bảy chép miệng:

- Từ nay trở đi bác đã có người làm bạn. Thôi cháu đi ngủ sớm, kẻo mệt.

Mỹ Lan uể oải đứng dậy. Nàng đặt tay lên bụng và thầm bảo:

“Con ơi, mẹ sống chết chỉ vì con...”.

*

Triệu Vĩ cất va-li vào phòng xong xuôi, đoạn chạy bổ vào phòng riêng của bà Triệu Phú. Bà này đang nằm trên giường xem sách. Triệu Vĩ trở về bất thình lình làm bà giật mình, ngồi nhỏm dậy:

- Con mới về! Sao không cho mẹ hay trước? Công việc đã xong xuôi hết chứ?

Triệu Vĩ vui vẻ đáp lời mẹ:

- Công việc tuy chưa xong nhưng kể cũng như xong rồi. Thời gian ở Sài Gòn định trước có một tháng, đằng này con phải ở hơn ba tháng. Con thấy tù túng quá và rất nhớ Thới Bình. Thành thử con phải xách va-li về đây chẳng báo tin cho mẹ hay.

Bà Triệu Phú lặng lẽ không nói gì.

Nóng lòng gặp Mỹ Lan, Triệu Vĩ vội xin phép mẹ cáo lui. Chàng hấp tấp đến nhà Mỹ Lan. Nhưng tới trước cửa hàng dệt chàng chạm mặt với Năm Hương. Tên quản gia không giấu vẻ ngạc nhiên, lật đật cúi đầu chào Triệu Vĩ và hỏi nhanh:

- Cậu Hai mới về. Hình như là cậu Hai về đột ngột?

Triệu Vĩ vui vẻ:

- Cảm ơn chú! Tôi vừa mới về tới, tôi chẳng đánh dây thép về cho mẹ tôi hay vì tôi về bất thình lình.

Đã biết Triệu Vĩ đi đâu rồi nhưng Năm Hương giả vờ hỏi:

- Cậu định đi đâu đấy?

Triệu Vĩ đáp ngay:

- Tôi đến nhà ông Năm gác dan, tôi có chuyện riêng cần nói với ông ấy, ông Năm không có trong xưởng dệt chứ?

Năm Hương lắc đầu:

- Ông ấy nghĩ làm mấy hôm nay...

Triệu Vĩ ngắt ngang:

- Nghỉ việc? Tại sao thế?

Năm Hương gãi tai đáp:

- Ông Năm bị bệnh vì thương nhớ con gái.

Như bị điện giật. Triệu Vĩ hốt hoảng:

- Cô Mỹ Lan?

Năm Hương gật đầu:

- Cậu mới về nên chưa hay được cái tin buồn của gia đình ông Năm. Hai ngày rồi cô Mỹ Lan bỏ nhà đi đâu mất. Người ta tìm tòi khắp nơi nhưng vẫn không thấy bóng hình cô ta. Ông Năm quá thương nhớ con gái nên sanh bệnh.

Triệu Vĩ tái mặt:

- Mỹ Lan bỏ nhà đi mất?

Năm Hương giả vờ buồn rầu:

- Cô ấy bỏ nhà giữa đêm khuya. Đêm đó ông Năm gác ở xưởng dệt, còn chú Sinh đi chở lúa ở kinh Xã Thoàn. Cô Mỹ Lan ở nhà một mình. Sáng ngày ông Năm về nhà không thấy con gái đâu. Ban ngày ổng ngỡ Mỹ Lan đi chợ nhưng trọn ngày hôm đó và luôn hôm sau nữa vẫn chẳng thấy Mỹ Lan về. Trai trong làng đã tủa khắp nơi tìm kiếm nhưng... đều vô ích.

Mặt Triệu Vĩ cắt không còn chút máu, chàng đứng chết lặng hồi lâu, Mỹ Lan đột nhiên bỏ nhà đi mất. Vì nguyên do nào? Tại sao?

Nhận thấy rõ sự lo nghĩ của Triệu Vĩ, Năm Hưong đánh một đòn nặng cốt ý làm cho Triệu Vĩ nghĩ lầm Mỹ Lan:

- Theo lời đồn đãi của nhiều người biết chuyện thì cô Mỹ Lan đã bỏ nhà để trốn theo một chàng tình nhân ở làng bên cạnh. Hai người đã kéo ra tỉnh để lập tổ uyên ương. Hình như cô Mỹ Lan dan díu với anh chàng đó chừng ba tháng nay.

Năm Hương tặc lưỡi tiếc rẻ:

- Cô Mỹ Lan là người đức hạnh nhưng không hiểu tại sao lại hư hỏng đột ngột như thế!

Những lời nói của Năm Hương là những mũi tên đâm vào tim Triệu Vĩ. Chàng sa vào bẫy của Năm Hương dễ dàng. Hèn gì ba tháng nay chàng chẳng nhận được một bức thư trả lời nào của Mỹ Lan. Người ta bận vui với duyên mới, ai thèm nghĩ đến chàng.

Sự lo sợ chuyển sang căm tức, Triệu Vĩ nghiến răng nguyền rủa:

- Khốn nạn thật!

Năm Hương đắc thắng:

- Tội nghiệp! Ông Năm nhớ đứa con hư mới mấy ngày nay hình vóc hao mòn!

Triệu Vĩ bắt tay từ giã Năm Hương:

- Tôi đến nhà thăm ông ta một lát xem sao!

Chàng cắm đầu rảo bước đến nhà Mỹ Lan. Đầu óc chàng quay cuồng nhiều ý nghĩ. Mỹ Lan bỏ rơi chàng để đi theo một người đàn ông khác. Nàng bôi xóa những lời nguyền vàng đá cũ để làm lại những lời nguyền mới. Nàng thản nhiên giẫm lên lòng chàng một cách không tiếc thương. Bao nhiêu hy vọng của tương lai sụp đổ trong khoảnh khắc. Chuyến này chàng định trở về để cưới Mỹ Lan làm vợ, nhưng còn đâu nữa, hình bóng người con gái cũ, Mỹ Lan mang theo đứa con của chàng cũng như nàng đã mang luôn đi tất cả hạnh phúc của đời chàng. Còn gì nữa mà tin tưởng. Một mối tình dù êm đẹp đến đâu khi tan vỡ cũng chỉ còn lại những mảnh lòng bể nát. Đàn bà bao giờ cũng vẫn là đàn bà.

Lần này là lần đầu tiên trong đời Triệu Vĩ bị sa chân vào cái đau khổ do ái tình gây nên. Chàng nhận thấy rõ đời có nhiều thứ đau khổ, nhưng thứ đau khổ của ái tình là nặng nề hơn hết. Trước kia chàng cho kể khổ vì tình phụ là những kẻ hèn nhát, nhưng bây giờ, tự mình có đau khổ mới thấu hiểu được sự đau khổ của kẻ khác.

Triệu Vĩ đua xốt thở dài. Chàng không ngờ ngày trở về Thới Bình lại là ngày đau khổ, ngày tan vỡ.

- Mỹ Lan ơi! Dòng sông Trẹm còn đỏ, rừng U Minh còn xanh nhưng tại soa lòng em quá chóng phôi phai?...

Đến nhà Mỹ Lan, Triệu Vĩ gặp anh trai nàng đang vá lưới trước hàng ba. Sinh niềm nở chào đón Triệu Vĩ.

- Cậu Hai mới về?

- Tôi vừa về tới, nghe tin bác nhà bệnh, tôi vội đến thăm bác.

Sinh sa sầm nét mặt:

- Cảm ơn cậu. Ba tôi mới đau độ mấy ngày nay. Hiện thời ba tôi đang ngủ trong buồng. Ba tôi rất thương con Mỹ Lan. Hẳn cậu Hai biết chuyện con Mỹ Lan?

Triệu Vĩ giữ vẻ thản nhiên:

- Năm Hương vừa nói cho tôi biết! Có lẽ cô ấy ra tỉnh?

Đoán được câu nói ngụ ý của Triệu Vĩ. Sinh hỏi nhanh:

- Năm Hương nói với cậu thể nào?

Triệu Vĩ lắc đầu:

- Xin lỗi anh cho phép tôi không trả lời câu hỏi của anh.

Sinh cười khẩy:

- Có lẽ cậu sợ tôi xấu hổ? Năm Hương đã nói với cậu là Mỹ Lan bỏ nhà để theo trai ra tỉnh?

Triệu Vĩ điềm dạm:

- Nếu tôi đoán không lầm thì chỉ có anh là người biết rõ câu chuyện tình thầm lén giữa tôi và Mỹ Lan. Anh hẳn biết tôi yêu Mỹ Lan tha thiết và bằng tất cả chân tình của tôi. Nhưng...

Triệu Vĩ nín ngang, Sinh cười nhạt:

- Tôi biết cậu khinh bỉ Mỹ Lan nhiều lắm và cậu nghi ngờ nó, nhưng cậu có biết ba tháng trời vắng bóng cậu ở Thới Bình thôn chiều nào Mỹ Lan cũng ra bờ sông Trẹm và tối nào cũng khóc không ráo nước mắt? Cậu đâu có hiểu lòng nó. Trước hôm nó đi biệt tích, tôi thấy nó bỏ ăn bỏ ngủ và hai mí mắt sưng híp lên vì đã khóc quá nhiều. Cậu có biết nó đang đau khổ vì cậu bao nhiêu lần không? Chính cậu là người giết hại cả đời nó. Không hiểu sao tôi thấy chẳng còn kính trọng cậu như trước nữa!

Trước những lời nói lạ lùng của Sinh, Triệu Vĩ chẳng hiểu gì. Chàng ngạc nhiên gặng hỏi:

- Anh nói gì lạ thế? Tôi là người làm cho Mỹ Lan đau khổ? Tôi?...

Tưởng Triệu Vĩ đóng kịch, Sinh càng uất ức:

- Cậu còn phải hỏi, có lẽ cậu hiểu cậu nhiều hơn tôi! Nếu không yêu Mỹ Lan thì thôi sao cậu lại lợi dụng lòng thành thật của nó?

Triệu Vĩ càng sửng sốt nhiều thêm trước giọng nói gay gắt của Sinh.

- Tôi mà không yêu Mỹ Lan? Tôi lợi dụng lòng thành thật của Mỹ Lan? Anh nói gì lạ thế? Anh có biết tôi đã bỏ dở công việc ở Sài Gòn về đây vì thương nhớ Mỹ Lan?

Sinh hét lớn giận dữ:

- Cậu nói dối! Cậu giết cả cuộc đời trong trắng của em gái tôi!

Triệu Vĩ muốn điên đầu, nắm vai Sinh lắc mạnh:

- Tôi van anh! Tôi không hiểu gì hết. Anh hãy nói rõ ràng cho tôi biết!

Trước vẻ ngây ngô và chân thật của Triệu Vĩ, Sinh dịu giọng:

- Tại sao hơn ba tháng trời ở Sài Gòn cậu không gởi một bức thư nào về cho Mỹ Lan?

Triệu Vĩ trợn tròn đôi mắt:

- Tôi không gửi thư về cho Mỹ Lan? Anh điên mất rồi! Tuần nào tôi cũng có gởi về một bức, nhưng Mỹ Lan chẳng hề trả lời. Tôi quá nóng lòng nên mới về đây để xem tự sự ra sao.

Lần này tên Sinh trợn trừng:

- Mỹ Lan đâu có nhận được thư, có biết địa chỉ của cậu đâu mà trả lời!

Triệu Vĩ đấm ngực tức bực:

- Tại sao kỳ quái thế! Chẳng lẽ tất cả những bức thư của tôi đều lạc mất?

Sinh lắc đầu:

- Tôi cũng muốn điên thật rồi! Suốt ba tháng trời không nhận được một lá thư nào của cậu, con Mỹ Lan đau khổ vô cùng, nhưng nó còn nuôi chút đỉnh tin tưởng. Đến chừng biết cậu sắp kết hôn với con gái của một bác sĩ ở Bạc Liêu, nó hoàn toàn tuyệt vọng.

Triệu Vĩ tái mặt hỏi nhanh:

- Ai loan tin tôi lấy con gái một bác sĩ ở Bạc Liêu?

Sinh đáp buông thõng:

- Năm Hương! Tất cả làng đều biết tin đó!

Toàn thân run bần bật, Triệu Vĩ bím môi:

- Năm Hương!... Thằng khốn nạn!...

Trong phút chốc Triệu Vĩ đã hiểu hết đầu đuôi câu chuyện, chàng đinh ninh chính Năm Hương là kẻ chủ mưu vụ này để trả thù hôm chàng làm nhục gã ở trại cưa. Chính Năm Hương thủ tiêu những bức thư của chàng gởi cho Mỹ Lan và loan tin thất thiệt để Mỹ Lan hiểu lầm chàng.

Triệu Vĩ nắm tay Sinh, run run nói:

- Anh Sinh, thằng khốn nạn Năm Hương đã nhúng tay phá hoại cuộc tình duyên của tôi và Mỹ Lan. Tôi lấy danh dự thề với anh là tôi chẳng hề phụ rẫy Mỹ Lan. Chuyến này tôi trở về định hỏi Mỹ Lan làm vợ. Ban nãy Năm Hương cho tôi biết Mỹ Lan đã đi lấy chồng. Thâm mưu của nó thật là độc địa. Tôi không ngờ nó lại đốn mạt đến thế.

Sinh ra dáng nghĩ ngợi, giây lâu chàng hỏi:

- Cậu có chuyện thù oán với Năm Hương?

Cố nén giận, Triệu Vĩ thuật cho Sinh nghe câu chuyện chàng định binh vực bọn thợ cưa và răn dạy Năm Hương.

Sinh đã tin lời nói của Triệu Vĩ, chàng gục gậc đầu:

- Chính Năm Hương chớ chẳng còn ai vào nữa. Là một thằng hèn hạ từ nào đến giờ, nó xem đó là một cái nhục lớn của nó. Nó đã thành công trong sự trả thù. Nhưng ngoài vấn đề nó thù oán cậu ra, tôi nghi ngờ Năm Hương còn có một cái gì ám muội nữa mà chúng ta chưa tìm ra. Cậu chờ tôi một lát!

Sinh nhanh nhẹn chạy vào trong. Một lát chàng trở ra trao cho Triệu Vĩ một chiếc khăn bàn và hỏi:

- Cậu có biết chiếc khăn này của ai không?

Nhận ra chiếc khăn đội đầu thường ngày của người yêu, Triệu Vĩ đau đơn đáp:

- Khăn của Mỹ Lan!

Sinh gật đầu và chậm rãi nói tiếp:

- Tôi nghi ngờ vụ biệt tích của Mỹ Lan cũng có Năm Hương dính líu tới. Cái đêm hôm mà Mỹ Lan mất dạng luôn, Mỹ Lan ở nhà một mình. Ba tôi gác ở xưởng dệt, tôi đi chở lúa ở kinh Xã Thoàn.

Hiểu ý Sinh, Triệu Vĩ chặn ngang:

- Còn con Tô Tô? Nó luôn luôn ở bên cạnh Mỹ Lan.

- Nó thì giờ phút nào cũng ở bên cạnh Mỹ Lan.

Sinh nghiêm trọng nói:

- Khi chở lúa về tôi mới hay tin Mỹ Lan đã bỏ nhà đi mất. Mặc dù người ta đã tìm kiếm khắp nơi mà không gặp nó, tôi cũng sục sạo tìm kiếm. Và tôi nhặt được chiếc khăn này nằm lăn lóc trên bãi cỏ cạnh bờ sông Trẹm, ở một khoảng vắng vẻ có ít người thường đặt chân đến. Tôi nghi ngờ Mỹ Lan đã tự trầm mình dưới dòng sông Trẹm vì một khi đã đau khổ và tuyệt vọng cực độ người ta có thể đi tìm cái chết. Con chó Tô Tô cũng biệt tích luôn một lượt với Mỹ Lan. Có lẽ nhớ chủ nó mới buồn bã không trở về nhà nữa.

Lắng tai nghe Sinh nói, Triệu Vĩ cảm thấy tâm hồn đau xót vô cùng. Sinh đoán có lý. Thường thường những người nhảy xuống nước tự vẫn đều để lại trên bờ những di tích nhỏ nhặt, chẳng hạn như chiếc khăn tay, đôi guốc... Có thể con nước xuôi đã mang xác Mỹ Lan ra sông Ông Đốc. Người làng không nghĩ tới chuyện đó nên chẳng để ý tìm kiếm.

Càng đau đớn, Triệu Vĩ càng căm giận Năm Hương, chàng nghiến răng:

- Tôi nhứt định làm cho ra vụ này?... Nếu thật đúng như lời anh đoán, tôi sẽ trả thù cho Mỹ Lan! Anh cho tôi xin chiếc khăn này!

Triệu Vĩ vội từ giã Sinh. Chàng đi thẳng một mạch về nhà. Về đến nơi, chàng vào phòng riêng của Năm Hương vì giờ này tất cả nhân công trong xưởng đều đã nghỉ việc.

Năm Hương đang lúi húi tháo giầy. Nghe tiếng động Năm Hương ngẩng đầu lên, trông thấy gương mặt khác thường của Triệu Vĩ, Năm Hương lo ngại đứng dậy:

- Cậu Hai, cậu thăm tôi hay có chuyện gì? Bà cần dùng đến tôi? Mời cậu ngồi ghế!

Triệu Vĩ cố đè nén cơn giận nói:

- Tôi có chuyện rất quan trọng cần nói với chú. Chú hãy nghe tôi và thành thật trả lời những câu tôi hỏi.

Năm Hương hơi tái mặt nhưng lấy lại vẻ thản nhiên ngay:

- Một chuyện quan trọng? Tôi nghe cậu đây, nhưng cậu hãy ngồi ghế!

Triệu Vĩ gay gắt:

- Cảm ơn chú, tôi đứng được! Chú Năm, tôi muốn biết sự thật về sự biệt tích bí mật của Mỹ Lan?

Năm Hương gãi tai đáp:

- Tại sao cậu lại hỏi tôi như thế? Đây là chuyện riêng của Mỹ Lan làm sao tôi biết được. Tôi đâu có quyền giữ cô ấy!

Triệu Vĩ như muốn hét lớn:

- Chú đừng vờ vĩnh! Vai kịch chú đóng tuy khéo léo nhưng tôi đã hiểu rồi. Tôi muốn chú tự nhận tội lỗi của chú.

Không ngờ trước Triệu Vĩ hiểu nổi âm mưu của mình, Năm Hương lúng túng:

- Cậu điên rồi... Tôi có tội gì đâu mà phải thú?

Đấm mạnh tay lên mặt bàn, Triệu Vĩ hét lớn:

- Chú còn chối hở? Hèn nhát quá! Chú hãy mở mắt to mà nhìn xem vật này?

Triệu Vĩ rút chiếc khăn của Mỹ Lan đưa trước mắt Năm Hương:

- Hẳn chú không lạ với vật này?

Nhận ra ngay chiếc khăn của Mỹ Lan quấn cổ đêm tối trời hôm nọ, Năm Hương buột miệng kinh hãi:

- Khăn của Mỹ Lan!

Triệu Vĩ gật đầu:

- Phải đấy, chú cũng có một bộ óc nhớ dai. Giờ chú hãy tiếp tục thú tội!

Triệu Vĩ đã rõ chuyện, Năm Hương cúi mặt nhìn xuống đất ngẫm nghĩ. Một lát sau gã ngẩng đầu lên và bướng bỉnh:

- Cậu bảo quá lời, tôi có gì mà phải thú tội với cậu. Tôi nhận ra chiếc khăn của Mỹ Lan vì tôi thấy cô ấy đội đầu luôn luôn mỗi lần ra khỏi nhà.

Thấy tên quản lý gian xảo vẫn chối dai, Triệu Vĩ không dằn được nữa, chàng xông tới túm cổ áo Năm Hương và căm hờn rít lên:

- Mỹ Lan đã nhảy xuống sông Trẹm tự tử. Tôi tìm được chiếc khăn này ở bờ sông. Đêm hôm đó chú đến nhà làm gì Mỹ Lan? Nếu chú không thú thật hết, tôi giết chú ngay bây giờ.

Trước sự hùng hổ cực độ của Triệu Vĩ, Năm Hương mất hết bình tĩnh. Gã run bây bẩy:

- Tôi thề độc với cậu đêm đó tôi chẳng hề đến nhà cô Mỹ Lan. Nếu cô ấy tự vận là tại cô ấy muốn thế.

Dặt mạnh cổ áo Năm Hương, Triệu Vĩ cười nhạt:

- Có phải chú thủ tiêu tất cả những bức thư của tôi gởi về cho Mỹ Lan? Điều này chú không thể chối được nữa, vì tất cả mọi bức thư phải qua tay chú trước đến tay người nhận thư.

Biết không thể chối được nữa, Năm Hương đành phải thú nhận:

- Tôi chịu tôi có thủ tiêu những bức thư đó, nhưng tôi không chịu là tôi đến nhà Mỹ Lan vào cái đêm nàng biệt tích.

Triệu Vĩ giúi mạnh làm Năm Hương ngã ngửa lên nền nhà và nghiêm khắc:

- Chính chú đã loan tin tôi sắp cưới con gái của bác sĩ Thạch ở chợ Bạc Liêu?

Năm Hương gượng đứng ngay ngắn lại và ấp úng:

- Tôi chịu có...

Triệu Vĩ quát to:

- Tại sao chú lại làm như thế? Chú có biết làm như vậy là chú giết người ta không?

Năm Hương ngồi phệt xuống ghế, bộ óc máy móc của gã tìm tòi những lời lẽ để đương đầu với Triệu Vĩ.

Thấy tên quản lý im lặng, Triệu Vĩ tiến tới một bước như sẵn sàng túm lấy đầu gã giật xuống.

Đã biết sức mạnh của đôi cánh tay Triệu Vĩ, Năm Hương hoảng sợ:

- Cậu đừng nóng nảy, để tôi nói hết cho cậu nghe!

Triệu Vĩ gườm gườm nhìn tên quản gia chờ đợi.

Năm Hương vừa vỗ đầu vừa sợ sệt nói:

- Buộc lòng lắm tôi mới làm như thế, cậu hiểu cho tôi rất đội ơn...

Năm Hương tỏ vẻ ngần ngại. Triệu Vĩ bực tức thúc giục:

- Cái gì chận họng chú thế?

Lần này Năm Hương nói mạnh dạn:

- Cậu Hai, tôi chỉ là người làm theo mạng lịnh của...

Năm Hương lại ngưng bặt. Triệu Vĩ nóng nảy:

- Mạng lịnh ai?

Đợi cho Triệu Vĩ thúc hối lần thứ hai, Năm Hương mới chịu dứt câu:

- Tôi làm theo mạng lịnh của... bà chủ!

Như bị điện giật, Triệu Vĩ thất sắc:

- Mẹ tôi?

Nhận thấy rõ gương mặt thay đổi của Triệu Vĩ, Năm Hương đổ lỗi tất cả cho bà Triệu Phú:

- Được biết cậu tư tình với cô Mỹ Lan, bà chủ rất bất mãn nhưng bà không trách mắng cậu vì bà quá yêu thương cậu. Bà chủ không muốn làm phiền lòng con trai của bà. Bà mới gọi tôi vào và truyền lệnh cho tôi làm như thế. Tôi không dám cãi lời bà chủ nên tôi mới thủ tiêu những bức thư của cậu gởi về cho Mỹ Lan, và loan tin cậu sắp cưới con gái của bác sĩ Thạch. Chính bà chủ đã cố ý giữ chân cậu ở Sài Gòn. Cốt ý chính của bà chủ là làm chia rẽ cậu và Mỹ Lan bằng cách cho hai người hiểu lầm nhau. Vì thế tôi mới bảo với Mỹ Lan là cậu lấy vợ giàu. Và ngược lại tôi bảo với cậu là Mỹ Lan bỏ nhà theo tình nhân.

Gã khôn ngoan buông một câu thòng:

- Còn sự biệt tích của cô Mỹ Lan, tôi thề nặng là tôi không hề hay biết. Nếu thật tình cô ấy đã tự vận thì có lẽ là tại cô ấy quá tuyệt vọng. Cậu hãy thương hại tôi vì tôi chỉ là một kẻ làm công trung thành.

Triệu Vĩ đứng chết lặng nghe Năm Hương nói, mặt chàng cắt không còn chút máu. Kẻ chủ mưu tội ác này lại là người mẹ yêu quý của chàng. Trời ơi! Có thể được ư? Mẹ chàng lại tàn nhẫn đến thế? Mẹ chàng đan tay phá hoại hạnh phúc và cuộc đời chàng. Chẳng có gì ác độc hơn hành động của mẹ chàng. Ban đầu chàng ngờ Năm Hương nói dối, nhưng sau nhớ lại vấn đề giai cấp chàng biết mẹ chàng dám làm như thế. Chỉ có mẹ chàng nhúng tay vào mới có câu chuyện này, nếu không Năm Hương chẳng đời nào dám.

Bỗng dưng Triệu Vĩ rùng mình ghê sợ như cái mưu kế hiểm độc ấy.

Biết Triệu Vĩ đã xúc động mạnh, Năm Hương nói thêm cốt ý làm cho Triệu Vĩ khỏi nghi ngờ gã:

- Hẳn cậu đã thấy rõ tôi là một người trong sạch, tôi chẳng hề cố ý làm hại cậu và cô Mỹ Lan. Chẳng qua tôi vâng theo lời bà chủ.

Triệu Vĩ quắc mắt căm hờn Năm Hương:

- Dù sao chú cũng là một thằng hèn hạ!

Bỏ mặc Năm Hương lầm thầm nguyền rủa một mình, Triệu Vĩ nện mạnh gót giầy đi sang phòng bà Triệu Phú. Chàng nhứt định hạch hỏi mẹ cho ra sự thật. Chàng đẩy cửa bước vào phòng chẳng cần gõ cửa trước như thường lệ.

Đang nằm trên giường xem sách để dỗ giấc ngủ trưa, bà Triệu Phú giật mình ngồi nhỏm dậy khi trông thấy gương mặt hầm hầm của con trai. Bà lo ngại hỏi:

- Có chuyện gì mà mẹ trông con không được vui?

Triệu Vĩ không dám hằn học với mẹ như vừa đối đãi với Năm Hương, chàng tỏ vẻ bực tức bằng cách lôi mạnh chiếc ghế kéo lê trên sàn gạch.

Từ lo ngại đến ngạc nhiên, bà Triệu Phú giương mắt lớn:

- Con làm gì vậy? Mẹ chưa thấy con lần nào như lần này?

Buông mình rơi xuống ghế, Triệu Vĩ nén giận hỏi mẹ bằng giọng gay gắt:

- Mẹ có biết mẹ đã giết chết hai tâm hồn và luôn cả hai cuộc đời không?

Chưa hiểu ngụ ý câu nói của con trai, bà Triệu Phú cười hiền hậu:

- Trông con ngây ngô như một thằng Mán! Con hỏi cái gì mà kỳ thế?

Triệu Vĩ nhìn sang chỗ khác và nói thẳng:

- Có phải mẹ sắp đặt làm chia rẽ mối tình của con và Mỹ Lan?

Chẳng đợi mẹ trả lời, Triệu Vĩ nói luôn:

- Năm Hương đã thú nhận hết cho con biết rồi, mẹ khỏi cần phải đóng kịch!

Bà Triệu Phú đã hiểu sự hằn học của con trai. Bà ngồi nín lặng một phút để tìm cách đối phó với Triệu Vĩ. Hồi lâu, bà đứng dậy bước đến cạnh Triệu Vĩ. Bà nhẹ nhàng đặt tay lên con trai:

- Con đã biết hết tự sự, mẹ không chối cãi và giấu diếm con. Chính mẹ đã sai bảo Năm Hương làm như thế, con đừng sanh chuyện với nói.

Bà hạ thấp giọng trìu mến:

- Triệu Vĩ con, đấy là một chuyện hơi tàn ác nhưng mẹ buộc lòng phải làm...

Bà dằn giọng:

- Vì tương lai của con, vì danh dự của gia đình ta. Cuộc đời của con không thể dính líu với một đứa con gái như Mỹ Lan. Mẹ biết con đau khổ lắm, nhưng thà rằng mẹ chịu thấy con đau khổ ngày nay hơn là thấy con hối tiếc ngày mai. Tuổi trẻ là tuổi bồng bột rất dễ lầm lẫn trong lúc chọn lựa tình yêu, nhứt là mối tình đó lại là mối tình đầu tiên. Con đừng nên dại dột nghĩ rằng ái tình không bắt buộc điều kiện. Phải suy nghĩ chín chắn trước khi yêu con ạ!

Triệu Vĩ uất ức nhìn thẳng vào mặt bà Triệu Phú:

- Thì con đã suy nghĩ chín chắn rồi! Con thấy con yêu Mỹ Lan và nàng mới chính là vợ hiền của con. Không ai hiểu lòng con hơn con.

Bà Triệu Phú vẫn nhỏ nhẹ:

- Mẹ hiểu lòng con nhiều và đúng hơn con! Mẹ còn kinh nghiệm nữa!

Quá tức tối và đau khổ, Triệu Vĩ đâm bướng bỉnh:

- Chỉ có con mới hiểu được lòng con thôi! Có phải mẹ làm như thế là vì hạnh phúc của con?

Bà Triệu Phú gật đầu:

- Phải, chớ còn gì nữa!

Triệu Vĩ dằn lắm mới khỏi gầm lên:

- Mẹ có biết làm như thế chính là mẹ giết hạnh phúc của đời con? Mẹ có biết là Mỹ Lan đã đâm đầu xuống sông Trẹm chết vì hành động sai lầm của mẹ?

Bà Triệu Phú kinh hãi hỏi nhanh:

- Mỹ Lan đã tự vẫn?

Triệu Vĩ ném mạnh chiếc khăn lên mặt bàn:

- Phải! Con tìm thấy chiếc khăn này cạnh bờ sông. Mẹ đã gián tiếp giết nàng! Thật con không ngờ mẹ lại ác độc đến thế!

Sự hối hận thoáng hiện trên gương mặt bà Triệu Phú, nhưng nó lại tiêu tan ngay khi bà nghĩ đến danh dự của gia đình hơn là hạnh phúc của con trai. Đối với một người đàn bà cổ lổ như bà Triệu Phú, danh giá và giai cấp là thứ bất khả xâm phạm.

Bà vuốt tóc Triệu Vĩ và ôn tồn khuyên bảo:

- Âu đấy cũng là số mệnh. Con hãy quên Mỹ Lan đi. Mẹ tin chắc dưới suối vàng con bé rất hài lòng, vì ai chẳng muốn cho người mình yêu hạnh phúc.

Triệu Vĩ ngắt ngang:

- Mẹ đã phạm tội ác mà không ai có thể tha thứ được. Tòa án loài người không thể trừng phạt mẹ nhưng tòa án lương tâm sẽ hành hạ mẹ cho đến chết.

Chàng đứng phắt dậy và lạnh lùng nói:

- Mỹ Lan đã chết, con không còn thấy thú vị của cuộc đời nữa. Mất Mỹ Lan, đời con mất tất cả. Suốt đời con sẽ không quên cái chết bi thảm của Mỹ Lan cũng như mẹ chẳng bao giờ quên được tội ác của mẹ. Con mong rằng mẹ sẽ sám hối tội lỗi đó. Trước một chuyện đã rồi, trước hành động mù quáng và nhẫn tâm của mẹ, con không còn biết nói gì với mẹ vì mẹ là mẹ của con, mà con thì không có quyền khinh bỉ mẹ!

Triệu Vĩ quay lưng bước nhanh ra khỏi phòng và không quên đóng sầm cửa lại.

Bà Triệu Phú thở dài chép miệng:

- Thằng nông nổi quá!... Tuổi trẻ ngu dại thật!...