Bên Dòng Sông Trẹm

Chương 14

Docsach24.com
ắng vàng rải trên những lối mòn, nắng ấm rơi lung linh trên đồng lúa. Bầy cò trắng nhẹ nhàng vỗ cánh bay trong vòm trời mênh mông. Bình minh diệu hiền! Bình minh thanh bình!

Đồng quê tràn sức sống!

Sự sinh hoạt của Thới Bình thôn vẫn nhịp nhàng. Người dân quê vẫn cần cù nhẫn nại. Dòng sông Trẹm vẫn lờ đờ trôi bình thản.

Sáng chúa nhật hôm ấy, theo thường lệ mỗi tuần, Ngọc Anh dắt con gái ra bờ sông Trẹm hóng gió. Con bé tung tăng chạy giỡn trên bờ cỏ và đuổi theo những cánh bướm màu sặc sỡ.

Trong lúc Ngọc Lệ vô tư chơi đùa thì Ngọc Anh ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Lòng nàng buồn rười rượi. Nàng vẫn không sao quên được cái chết của bà Triệu Phú, mối tình xưa cũ của Triệu Vĩ và nhất là thằng bé Trần Đức. Những bóng hình này cứ theo ám ảnh nàng mãi. Triệu Vĩ chẳng hề yêu nàng. Một người chồng chẳng hề yêu vợ. Còn gì khổ sở hơn. Triệu Vĩ vẫn còn nhớ thương Mỹ Lan, người con gái đẹp dịu hiền của rừng U Minh và dòng sông Trẹm. Triệu Vĩ sống bên nàng mà hồn chàng gởi đâu đâu.

Đầu óc Ngọc Anh quay cuồng với nhiều ý nghĩ mông lung không lối thoát. Chim chóc ca hát vang chung quanh nàng để chào đón buổi bình minh tươi đẹp. Ngọc Anh có cảm thấy gì đâu. Đối với nàng mọi vật đều vô nghĩa. Chỉ có tình yêu của chồng là đáng kể. Nhưng vô ích, hoài công, nàng đã tìm hết mọi cách làm cho chồng quên hẳn Mỹ Lan để nghĩ tới nàng, nhưng công lao của nàng chỉ là công dã tràng. Triệu Vĩ yêu con chớ không yêu vợ. May mà có Ngọc Lệ, nếu không đời nàng sẽ còn khổ đau nhiều hơn nữa.

Ngọc Anh ngơ ngẩn thở dài. Nàng không ngờ đời nàng lại bạc bẻo đến thế. Lấy chồng tưởng đâu tìm được hạnh phúc, dè đâu nàng chỉ tìm gặp những đau buồn và chán ngán. Thế là tan một đời hoa. Nàng đã lỡ trao cả cuộc đời xanh tươi thắm vào tay Triệu Vĩ, bây giờ nàng không mong gì lấy lại được. Đời người con gái chỉ có một lần thôi.

Càng nghĩ nhiều Ngọc Anh càng đau xót. Nàng biết con tim của Triệu Vĩ đã chết hẳn rồi. Nàng không mong gì tìm ở Triệu Vĩ một tình thương chân thật.

Mãi suy nghĩ triền miên, Ngọc Anh không để ý tới con bé Ngọc Lệ đang hăng hái đuổi bắt một con bướm to lớn. Con bướm tinh quái dường như trêu chọc Ngọc Lệ cứ bay lởn vởn trước mặt con bé. Vừa ham muốn, vùa bực tức. Ngọc Lệ nhất định bắt cho kỳ được con bướm.

Con bướm bay một đỗi lại đậu bên cành cây. Ngọc Lệ chạy trờ tới định chụp con mồi, nhưng cánh bướm đã bay vụt đi. Ngọc Lệ lại đuổi theo.

Chỉ một thoáng Ngọc Lệ đã theo cánh bướm tới một khoảng vắng cạnh bờ sông. Con bướm ranh mãnh bay ra đậu trên nhành dừa nước mọc xa bờ.

Ngọc Lệ dừng bước trố mắt nhìn con bướm với vẻ căm tức lẫn tiếc rẻ. Con bướm cắc cớ vỗ nhẹ hai cánh như khiêu khích cô bé.

Ngọc Lệ nhíu đôi mày ra dáng ngẫm nghĩ. Chịu thua con bướm ư? Thế thì hoài công quá. Tự nãy giờ Ngọc Lệ đuổi theo nó đã mỏi cả đôi chân yếu đuối.

Con bướm màu vẫn rún rẩy soi bóng nước.

Không thể chịu thua con bướm, Ngọc Lệ mím môi nói thầm:

“Tao nhất định túm cổ mầy về bỏ vào sách ép cho biết mặt”.

Chẳng do dự nữa, Ngọc Lệ can đảm bước lên chiếc cầu tre lỏng lẻo. Tay vịn lan can, Ngọc Lệ cẩn thận dò từng bước một. Đôi chân cô bé hơi run, nhưng cô vẫn hăm hở tiến tới. Còn chừng vài thước nữa là mút đầu cầu. Con bướm vẫn còn đậu nguyên chỗ cũ. Ngọc Lệ tức căm gan.

Thêm vài bước nữa là Ngọc Lệ tới đích. cô bé ngồi xuống và với tay định chụp con bướm. Tay cô bé ngắn quá. Con bướm sắp sửa bay, Ngọc Lệ quýnh lên. Chẳng nghĩ suy lợi hại, cô bé chồm tới chút nữa. Nhưng bàn tay vịn thanh cầu của cô bé tuột ra, mất thăng bằng, Ngọc Lệ rơi tỏm xuống nước. Cô bé thét lên một tiếng thất thanh. Tiếng thét kinh hãi này vang đến tận tai Ngọc Anh. Nàng hoảng hốt đứng phắt dậy, kịp trông thấy con gái đang quậy lung tung dưới nước.

Hồn bất phụ thể Ngọc Anh đâm sầm chạy tới, miệng nàng kêu cứu rầm rĩ. Nhưng nàng còn cách khá xa chỗ Ngọc Lệ bị đắm, hơn nữa khoảng sông này rất vắng người.

Giữa lúc Ngọc Anh chẳng biết làm sao và Ngọc Lệ sắp chìm nghỉm, thì thằng bé Trần Đức từ trong một bụi rậm nhảy xổ ra. Nó nhanh nhẹn cởi áo vất lên bờ cỏ. Nó phóng mình xuống nước và bơi nhanh ra chỗ Ngọc Lệ đang cố ngoi đầu khỏi mặt nước.

Sau một hồi khó nhọc, Trần Đức lôi được Ngọc Lệ vào bờ. Ngọc Anh cũng vừa tới nơi. Nàng đặt con gái nằm trên bãi cỏ. Con bé thở thoi thóp, gương mặt không còn chút máu, đôi mắt nhắm híp.

Trần Đức dùng phương pháp thông thường làm cho nước trong bụng Ngọc Lệ ói ra hết. Xong xuôi, Trần Đức đứng dậy, lấy áo mặc vào mình và từ giã Ngọc Anh:

- Kính chào bà chủ. Bà chủ hãy mau đem cô về nhà thay quần áo kẻo nước lạnh ngấm vào cơ thể nhiều không tốt.

Từ nãy giờ mãi lo săn sóc con gái nên Ngọc Anh quên mất vị ân nhân bé tí hon của nàng. Đến chừng nghe Trần Đức từ giã, nàng mới sực nhớ ra, nàng cảm động nhìn thằng bé can đảm và dịu dàng nói:

- Em rất can đảm. Nếu không có em hôm nay con gái của tôi đã chết đắm. Tôi sẽ nói với ông chủ đền ơn em xứng đáng.

Trần Đức cười nhạt:

- Cảm ơn bà chủ. Công lao tôi có gì đâu mà đáng được ban thưởng. Đấy là một việc mọn. Tôi chỉ làm tròn bổn phận của một con người. Bà chủ đừng nhắc tới vấn đề đền ơn. Tôi chẳng bao giờ dám nhận đâu.

Trước tấm lòng cao quý của thằng bé Trần Đức, Ngọc Anh bồi hồi rung động. Thế rồi một niềm hối hận bỗng dưng nổi lên đay nghiến lòng nàng. Một thằng bé tốt như thế mà nàng lại nhẫn tâm làm hư hỏng đời nó. Nàng đã xé bỏ tờ di chúc của bà Triệu Phú và làm cho cha con Trần Đức xa nhau vĩnh viễn. Trần Đức cũng là anh trai một cha khác mẹ của Ngọc Lệ. Vì lòng ích kỷ nhỏ nhen nàng phạm một tội ác. Nàng có lỗi với hương hồn bà Triệu Phú, với Triệu Vĩ, với Trần Đức, với cả Ngọc Lệ nữa. Ngọc Anh vội vàng nắm tay Trần Đức và nghẹn ngào:

- Em ở nán lại một chút, tôi chưa cảm ơn em. Và Ngọc lệ cũng chưa cảm ơn em nữa.

Trần Đức hơi lấy làm lạ về những lời nói thân mật của bà chủ. Nó giật tay về và thản nhiên nói:

- Kìa, cô chủ đã hồi tỉnh! Bà chủ dẫn cô chủ về nhà ngay bây giờ tốt hơn. Kính chào bà chủ.

Dứt lời trần Đức chạy vụt đi, phút chốc nó đã biến mất sau một cụm tre dầy.

Ngọc Anh ngơ ngẩn nhìn theo đến khi mất bóng Trần Đức. Nàng lẩm bẩm:

- Một thằng bé kỳ lạ!

*

Trưa hôm đó, Trần Đức đẩy cửa bước vào văn phòng của Triệu Vĩ. Chẳng đợi cho Triệu Vĩ hỏi lôi thôi, Trần Đức móc túi lấy một xâu chuỗi trao cho Triệu Vĩ:

- Thưa ông, tôi nhặt được xâu chuỗi này ở bờ sông. Hình như đây là xâu chuỗi mà cô chủ thường đeo ở cổ. Tôi đem vào trả ông.

Triệu Vĩ trân trối nhìn thắng bé trong sạch. Chàng hỏi:

- Em lượm xâu chuỗi ở bờ sông?

Triệu Vĩ chẳng hay biết vụ Trần Đức cứu mạng sống của con gái chàng, vì Ngọc Anh giấu kín câu chuyện. Nàng sợ chồng trách móc.

Trần Đức gật đầu đáp cộc lốc:

- Phải!

Triệu Vĩ liền lấy xâu chuỗi ngắm nghía một lát, đoạn hỏi tiếp:

- Em vừa mới nhặt được?

Trần Đức đáp:

- Phải!

Xâu chuỗi này cô bé Ngọc Lệ thường đeo nơi cổ. Ban sáng, lúc Trần Đức lôi Ngọc Lệ vào bờ, xâu chuỗi đứt dây rơi trên bãi cỏ. Trong lúc lộn xộn chẳng ai để ý đến xâu chuỗi. Lúc Ngọc Anh đưa Ngọc Lệ vào nhà, Trần Đức trở lại chỗ cũ chơi và nó bắt gặp xâu chuỗi. Bản tính vốn không tham lam nên Trần Đức vội đem trả cho Triệu Vĩ. Triệu Vĩ đặt tay lên vai thằng bé:

- Em là một đứa bé rất tốt. Đáng lẽ em phải giữ luôn xâu chuỗi này vì đây là một xâu chuỗi rất đắt tiền. Nhưng em lại giao trả cho tôi, điều này chứng tỏ em không có tánh tham lam, còn gì tốt đẹp hơn.

Chàng thành thật hỏi thằng bé:

- Em muốn tôi cho em bao nhiêu tiền?

Câu hỏi vô tình của Triệu Vĩ làm chạm lòng tự ái của Trần Đức. Thằng bé vênh mặt cau có:

- Tôi yêu cầu ông chủ đừng nói tới vấn đề tiền bạc. Tôi tuy nghèo thật nhưng không ham tiền của đâu. Nếu ham tiền tôi đã giữ xâu chuỗi. Ông luôn luôn nói tới tiền. Hẳn ông nghĩ rằng cứ bỏ tiền ra là mua chuộc được tất cả. Tiền bạc của ông chỉ mua được những người hèn hạ, ham nịnh bợ thôi. Còn chúng tôi, những người dân của Thới Bình thôn chỉ tôn trọng lẽ phải. Chúng tôi tuy nghèo tiền nhưng rất giàu tình, tình đồng loại.

Trần Đức mai mỉa:

- Chúng tôi làm tiền một cách lương thiện, chớ không như ai kia xây sự nghiệp bằng mồ hôi và nước mắt của dân nghèo. Ông có bao giờ chịu khó nghĩ đến sự vùng dậy của những kẻ đã bị quá nhiều ức hiếp? Chắc chắn ông không bao giờ nghĩ tới, vì ông lúc nào cũng nghĩ đủ mọi cách đào ra tiền. Tiền bạc không bền vững đâu ông ạ!

Bị thằng bé khinh rẻ, Triệu Vĩ giận đỏ mặt. Chàng gắt lớn:

- Em còn nhỏ quá chưa biết gì hết. Em đừng nên nói xấu một người lớn tuổi hơn em, dù người đó có xấu thật đi nữa.

Trần Đức cười lạt:

- Tôi nhỏ nhưng tôi biết nhiều hơn ông đấy. Tôi biết rõ đời sống và nỗi thống khổ của dân lao động. Còn ông, ông đã biết gì về họ?

Triệu Vĩ nắm hai vai thằng bé lắc mạnh:

- Tôi không cần em dạy tôi. Tôi biết những việc làm của tôi!

Chẳng muốn kéo dài câu chuyện với thằng bé cứng đầu. Triệu Vĩ móc túi lấy tờ giấy hai trăm giúi vào tay nó.

- Cầm lấy hai trăm này và cút ngay cho rảnh mắt!

Trần Đức trao tờ giấy bạc trả Triệu Vĩ và bĩu môi nói:

- Tôi không cần tiền thưởng của ông! Đối với tôi, hai trăm bạc này chỉ có giá trị bằng một tờ giấy trắng.

Triệu Vĩ xoay mặt chỗ khác, không nói một lời.

Trần Đức ném tờ giấy bạc lên bàn:

- Trả lại ông đấy!

Không dằn được nữa, Triệu Vĩ nắm tay thằng bé giữ lại trong lúc nó định bỏ đi. Chàng dằn giọng:

- Mầy phải cầm lấy tờ giấy bạc! Nếu không mầy đừng trách tao!

Trần Đức bướng bỉnh:

- Tôi nhất định không lấy tờ giấy bạc của ông. Ông làm gì tôi thì làm đi. Tôi thách ông đấy, một lát nữa ông sẽ biết.

Trần Đức muốn ám chỉ âm mưu của Năm Hương. Vào giờ này, Năm Hương đang đặt mìn để phá hoại các cơ sở làm ăn của bà Triệu Phú để lại cho Triệu Vĩ.

Triệu Vĩ hét lớn:

- Mầy cầm lấy mau!

Trần Đức vùng mạnh vuột khỏi tay Triệu Vĩ. Căm giận đến cực điểm, Triệu Vĩ vói tay lấy cây roi mây ở góc tường. Chàng hùng hổ xông tới túm đầu thằng bé.

- Bây giờ mầy chịu lấy chưa?

Trần Đức tống một đạp vào chân Triệu Vĩ và hằn học đáp:

- Ông buông tôi ra mau không tôi la ầm lên bây giờ. Ông có quyền gì bắt buộc tôi. Tôi xem thường tiền bạc của ông lắm. Tôi đã bảo với ông, tiền bạc không mua chuộc được lòng người.

Triệu Vĩ quất mạnh một roi vào mông thằng bé. Trần Đức nhào tới nằm áo Triệu Vĩ và la ầm lên. Cánh cửa phòng vụt mở, Ngọc Anh hớt hải chạy vào. Trông thấy cảnh tượng đang diễn trước mặt, nàng đứng chết lặng. Hai cha con Triệu Vĩ ấu đả với nhau. Tự dưng Ngọc Anh cảm thấy không cầm lòng được. Nàng vội cản ngăn Triệu Vĩ:

- Anh Triệu Vĩ, anh đừng đánh thằng bé! Nó có tội tình gì!

Vẫn nắm chặt thằng bé, Triệu Vĩ quay đầu lại đáp:

- Những thằng cứng đầu như nó anh cần phải trị một trận mới được. Nó nhặt xâu chuỗi của Ngọc Lệ ở bờ sông, nó mang đến trả cho anh. Anh thưởng nó hai trăm bạc. Nó không nhận và còn phỉ báng anh. Anh phải cho nó một bài học để nó biết kính trọng người lớn tuổi.

Dứt lời, triệu Vĩ lại thẳng tay quất mạnh lên mình thằng bé. Trần Đức cũng không vừa, đấm túi bụi vào mình Triệu Vĩ.

Ngọc Anh xúc động mạnh khi nhớ lại Trần Đức đã can đảm cứu mạng sống của con nàng. Nó còn lượm xâu chuỗi quý giá trao trả Triệu Vĩ. Một thằng bé như thế rất xứng đáng hưởng phần gia tài của bà Triệu Phú. Nàng không thể giữ mãi lòng ích kỷ để làm hại đời thằng bé.

Trần Đức cứu sống Ngọc Lệ, nàng phải trả ơn lại cho nó. Hơn nữa, lương tâm đã đay nghiến nàng nhiều quá rồi. Nếu nàng vẫn im lặng giữ sự bí mật thì tâm hồn nàng sẽ không bao giờ được yên tĩnh.

Ngọc Anh cố gắng ngăn cản cuộc ấu đả giữa hai cha con Triệu Vĩ, nhưng Triệu Vĩ không đếm xỉa tới Ngọc Anh. Chàng xô mạnh vợ ra ngoài vòng quát mắng:

- Em làm gì kỳ quái thế? Anh không muốn em xen vào chuyện riêng của anh. Đàn bà biết gì!

Hai cha con Triệu Vĩ vẫn lôi kéo giằng co. Cha đánh con, con đánh trả lại. Thấy tình thế đã đến lúc gay cấn, Ngọc Anh không dám chần chờ nữa. Nàng hét lớn:

- Anh Vĩ, Trần Đức là con của Mỹ Lan đấy!

Bốn tiếng “con của Mỹ Lan” có mãnh lực làm cho Triệu Vĩ phải ngừng tay. Chàng nhìn sững thằng bé, rồi nhìn sững vợ.

- Con của Mỹ Lan? Em muốn nói gì?

Ngọc Anh cúi mặt đáp:

- Trần Đức là con của Mỹ Lan và của... anh.

Triệu Vĩ giật nãy mình. Câu nói đột ngột của vợ làm xáo trộn đầu óc Triệu Vĩ. Chàng ngơ ngác:

- Con của anh và Mỹ Lan đã chết thiêu từ lâu rồi. Em nói gì lạ vậy?

Trần Đức cũng đứng yên nghe câu chuyện giữa hai vợ chồng Triệu Vĩ. Nó cũng không khỏi kinh ngạc khi nghe Ngọc Anh bảo nó là con của Mỹ Lan và Triệu Vĩ. Nó là con của ông chủ giàu sang? Không có lý. Tại sao Triệu Vĩ lại không nhận ra nó? Cha không nhìn ra con. Ngọc Anh vừa bảo mẹ nó tên Mỹ Lan, thế sao vợ Triệu Vĩ lại là Ngọc Anh? Tại sao con Ngọc Lệ được nuôi nấng sung sướng, còn nó thì bị đày đọa khổ sở?

Trần Đức nghĩ không ra lý do. Nó trố mắt nhìn Ngọc Anh rồi Triệu Vĩ. Im lặng một phút, Triệu Vĩ bước tới nắm cánh tay vợ.

- Trần Đức là con của anh? Em có điên không?

Ngọc Anh nhếch mép cười chua chát:

- Phải, nó là con ruột của anh đấy! Và mẹ nó là Mỹ Lan, người đàn bà mà anh vẫn nhớ nhung cho mãi đến bây giờ.

Chẳng để chồng hỏi lôi thôi, Ngọc Anh thuật rành mạch cho Triệu Vĩ biết âm mưu của bà Triệu Phú cùng với Năm Hương và luôn cả chuyện xé bỏ tờ di chúc.

Ngọc Anh kết luận:

- Bây giờ thì anh đã hiểu hết rồi. Anh hãy tha thứ cho em, vì người đàn bà nào cũng ích kỷ.

Triệu Vĩ vui mừng vô hạn. Chàng ôm chầm lấy Trần Đức. Thằng bé cũng đã hiểu rõ mọi chuyện. Hai cha con xúc động không thốt nên lời. Bốn dòng lệ chảy tràn xuống má hai người chứng tỏ tình phụ tử bao giờ cũng nặng. Giây lâu, Triệu Vĩ nghẹn ngào:

- Trần Đức, cha không ngờ có ngày cha con ta gặp nhau. Con hãy quên tất cả mọi chuyện vừa qua mà tha thứ cho cha. Con đã biết lỗi chẳng phải tại cha và chẳng phải mẹ con. Chúng ta chỉ là những nạn nhân.

Trần Đức úp mặt lên vai Triệu Vĩ, ngậm ngùi:

- Cha mẹ chẳng có lỗi gì hết. Con rất sung sướng được gặp cha. Con cứ ngỡ cha mẹ chết hết rồi. Còn mẹ con ở đâu, hở cha?

Nghe Trần Đức nhắc tới Mỹ Lan. Triệu Vĩ không khỏi đau lòng. Chàng vuốt má con trai trìu mến đáp:

- Rồi con sẽ gặp mẹ con. Cha tin rằng mẹ con sẽ rất sung sướng khi ôm con vào lòng. Bao nhiêu năm trời nay cha vẫn chưa nguôi nỗi sầu thương nhớ con. Mẹ con đã hủy bỏ cuộc đời xanh tươi thắm chỉ vì ngỡ con đã chết thiêu trong ngọn lửa đỏ. Trời cao thật có mắt. Những kẻ hiền bao giờ cũng gặp chuyện lành. Ngày nay cha con ta đã đoàn tụ. Con sẽ được cắp sách đến trường và sau này con sẽ trở thành một người hữu dụng của xã hội. Mẹ con đã sanh ra con giữa Thới Bình thôn. Trong thân thể con có dòng máu bất khuất. Mẹ con sẽ rất hài lòng.

Trần Đức ngây thơ ngước mắt nhìn cha, hỏi:

- Mẹ con có ở xa đây lắm không? Bao giờ cha dẫn con đi thăm mẹ con. Con rất nóng lòng gặp mẹ. Thế mà bọn trẻ trong trường bảo con không có cha mẹ.

Triệu Vĩ mỉm cười sung sướng.

- Con cứ yên tâm, con cũng có cha mẹ như bao nhiêu đứa trẻ khác. Con còn hơn chúng nó ở chỗ cha con là một người đàn ông có đầu óc và mẹ con là một người đàn bà có tâm trí, mẹ con ở không xa đây lắm. sáng mai cha sẽ dẫn con đi thăm mẹ con. Con dùng cơm chưa?

Trần Đức vụt nhớ tới âm mưu phá hoại của Năm Hương mà tình cờ nó khám phá được. Nó hoảng hốt nói nhanh:

- Chết mất. Năm Hương mưu toan đặt mìn phá hoại các xưởng máy. Con biết chỗ hắn đặt mìn! Con phải ngăn cản hành động trả thù điên cuồng của hắn kẻo muộn!

Trước sự ngơ ngác của Triệu Vĩ, Trần Đức chạy vụt ra khỏi phòng. Chẳng để mất thì giờ. Trần Đức chạy bay ra cửa ngõ. Triệu Vĩ hoảng hồn chạy theo vừa gọi:

- Trần Đức con đi đâu đấy?

Vừa chạy, Trần Đức vừa quay đầu lại đáp:

- Cha ở đấy chờ con một lát. Con cần phải ngăn cản hành động của Năm Hương. Chậm trễ sự nghiệp của cha sẽ tiêu ra tro.

Triệu Vĩ đã hiểu ý định của con trai. Lo sợ Trần Đức bị hại, Triệu Vĩ cuống cuồng chạy theo.

Mặc cho Triệu Vĩ kêu gọi ầm ĩ. Trần Đức cắm cổ chạy không ngừng. Triệu Vĩ vẫn đuổi theo. Trần Đức chạy quá nhanh nên bỏ Triệu Vĩ khá xa.

Trần Đức chạy một mạch đến trước nhà máy xay lúa. Không bị ai ngăn cản, Trần Đức lọt vào trong dễ dàng. Nó liền dập tắt cái ngòi đang cháy. Xong xuôi nó trở lộn ra ngoài. Triệu Vĩ vẫn chưa theo kịp. Trần Đức chạy luôn sang xưởng dệt vì Năm Hương còn đặt ở đó một trái mìn thứ hai.

Trong lúc Trần Đức gần tới cửa xưởng dệt, thì Triệu Vĩ mới vừa tới miếu Thổ Thần, cách đấy hơn hai trăm thước. Năm Hương từ trong miếu nhảy xổ ra chận đường Triệu Vĩ. Gã cười hăng hắc:

- Triệu Vĩ, mầy đừng giở trò khỉ vô ích. Chỉ một lát nữa là mầy trở thành một thằng tay trắng. Mầy hẳn chưa quên lời nói trước của tao hôm nào? Thằng Năm Hương này chỉ rời khỏi Thới Bình thôn khi nào vật ngã được Triệu Vĩ. Giờ trả thù của tao đã tới. Mầy chẳng làm gì được đâu. Mầy đừng nên oán hận tao vì lỗi tại mầy hết. Nếu bà chủ còn sống và nếu mầy đừng làm nhục tao thì ngày nay đâu có chuyện này.

Triệu Vĩ gầm lên:

- Mầy là thằng khốn nạn, quân phản chủ! Nuôi mầy chẳng khác nào nuôi ong tay áo. Mầy là con vật chứ chẳng phải là con người. Bây giờ tao không cần nói dài dòng với mầy. Tao sẽ trừng trị mầy sau này. Tránh ra mau!

Năm Hương chống nạnh khả ố:

- Mầy có còn là ông chủ nữa đâu mà ra lệnh. Tao đã châm ngòi, mìn sắp nổ. Mầy muốn tan xác thì chạy vào đó, nhưng tao cấm mầy không được vào xưởng dệt.

Triệu Vĩ vung tay gạt phắt Năm Hương sang một bên, tên quản lý đời nào chịu thua. Lợi dụng Triệu Vĩ không đề phòng, Năm Hương tung một quả đấm mạnh mẽ vào cằm Triệu Vĩ.

Chống đỡ không kịp, Triệu Vĩ ngã ngửa.

Năm Hương cười khoái trá:

- Quả đấm của tao có nặng lắm không? Tao tuy lớn tuổi rồi nhưng vẫn đủ sức đánh ngã mầy. Ngồi dậy tao xem nào!

Tuy đau đớn nhưng Triệu Vĩ đứng phắt dậy ngay. Phần tức giận, phần nóng lòng về Trần Đức. Triệu Vĩ xông tới đấm túi bụi vào mặt Năm Hương.

Trước sức tấn công dữ dội và chớp nhoáng của địch thủ, Năm Hương cuống cuồng tránh đỡ không kịp. Bị mấy thoi nháng lửa trúng ngay mặt, Năm Hương sặc máu mũi. Triệu Vĩ bồi thêm vài cú tạt ngang. Năm Hương ngã lăn trên mặt đất. Gã không sao ngồi dậy nổi, đành quằn quại rên rỉ và đưa đôi mắt căm hờn nhìn Triệu Vĩ như muốn ăn tươi nuốt sống chàng.

Bỏ mặc Năm Hương nằm đó, Triệu Vĩ định chạy đến xưởng dệt. Nhưng...

Ầm... Ầm... một tiếng nổ dữ dội tiếp theo tiếng sụp đổ. Triệu Vĩ tái xanh mặt khi trông thấy Trần Đức ngã lăn ngay trước ngưỡng cửa xưởng dệt. Một cây cột to lớn đè ngang lưng nó. Cát bụi rơi đầy mình nó.

Năm Hương đã đặt trong xưởng dệt hai trái mìn, Trần Đức dập tắt một trái và quên lửng trái thứ hai, vì vậy trái mìn nổ tung vừa đúng lúc nó ra tới cửa. Quá đau đớn, thằng bé ngất đi.

Triệu Vĩ chẳng kể nguy hiểm, chàng chạy tới nơi xốc thằng bé dậy. Gương mặt Trần Đức xanh như tàu lá, hai mắt nhắm híp. Miệng nó trào ra một đường máu.

Lòng Triệu Vĩ đau nhói như có một người dùng dao bén cắt. Chàng lay đầu con trai. Thằng bé nằm im không cựa quậy.

- Trần Đức con! Con mau tỉnh dậy! Cha của con đây!

Thấy lời kêu gọi của mình không có hiệu quả. Triệu Vĩ khóc thành tiếng:

- Con ơi! Trần Đức ơi!

Trước mặt Triệu Vĩ là một cảnh hoang tàn sụp đỗ. Triệu Vĩ ôm con vào lòng khóc ngất.