Bên Dòng Sông Trẹm

Chương 10

Docsach24.com
rần Đức xách bọc hành lý bước ra khỏi cửa ngôi trường đạo. Nó dừng chân ngắm ngôi trường thân yêu lần cuối cùng. Bỗng dưng nó thấy bồi hồi luyến tiếc. Từ đây nó sẽ xa ngôi trường này mãi mãi để lăn mình vào cuộc đời gay khổ. Nó không biết đời gay khổ đến bực nào, nhưng nó đoán trước phải là gay khổ nhiều lắm.

Sống dưới mái trường nó đã bị nhiều sự hiếp đáp, nhiều điều tủi nhục. Còn ra đời, có lẽ nó còn phải hứng chịu rất nhiều điều khác nữa. Nhưng Trần Đức ưng chịu lăn lộn với đời hơn, vì ngoài đời nó sẽ có quyền chống trả lại mọi sự bất công. Ở trong trường, nó không có quyền chống trả, mà chỉ có quyền hứng chịu.

Dù sao Trần Đức cũng tiếc rẻ những ngày làm bạn với đèn sách. Đời học sinh có lẽ là dễ chịu nhất. Nhưng không thể tiếp tục nữa. Nếu nó có cha mẹ.

Trần Đức buồn rầu chép miệng:

- Nếu ta có cha mẹ, ta sẽ cố gắng học hành mãi mãi, và sau này ta sẽ trở nên một người hữu dụng của xã hội. Thế mà những kẻ có phước hơn ta chúng chẳng bao giờ chịu học. Tối ngày chúng chỉ trững giỡn và ăn nhiều quà.

Ánh nắng vàng le lói chiếu trùm lên vạn vật. Mái tóc Trần Đức rung nhẹ trong gió sớm.

Ngoài đường thiên hạ qua lại tấp nập, xe cộ chạy dập dìu, bày những quang cảnh rộn rịp tưng bừng. Lần thứ nhất được ra đường, Trần Đức không khỏi sợ sệt. Nó chẳng được biết những gì đang chờ đợi nó. Rồi đây, trong sự sống quay cuồng của xã hội nó sẽ làm gì? Một thằng bé nhỏ tuổi, chẳng có người thân thích, chẳng có nhà cửa. Không khéo nó sẽ lọt vào giữa đám người xa lạ và họ sẽ vùi lấp mất nó.

Trần Đức rùng mình chán nản:

- Trước hết ta phải về Thới Bình tìm gặp ông Năm Hương. Rồi tới đâu hay tới đó.

Trần Đức tha thiết nhìn cổng trường trang nghiêm và những mái nhà đỏ chói lần chót. Nó đưa bàn tay lên ngang mày chào, tỏ dấu mến tiếc:

- Vĩnh biệt mầy!... Tình bạn khắng khít giữa tao và mầy đến đây là chấm dứt. Tao rất đau đớn khi phải xa lìa mầy, nhưng biết làm sao bây giờ. Tao nghèo quá, và chủ mầy thì không thích những thằng học trò nghèo, mồ côi cha mẹ. Thôi, mầy ở lại, tao đi nhé!

Trần Đức nắn nắn túi tiền đựng hơn trăm bạc đoạn càu nhàu:

- Với số tiền nhỏ này mình phải về Thới Bình. Nếu đi lạc đường thì khổ lắm. Mà biết đường nào đi về Thới Bình bây giờ? Tỉnh Sóc Trăng này mình còn chưa biết được một đường.

Nhưng nó bâng quơ mỉm cười:

- Khó khăn gì, đường ở trong miệng mình. Ra đời phải bạo dạn và lanh lợi một chút mới được.

Trần Đức cương quyết tiến bước giữa cái xã hội đang quay cuồng, hỗn loạn.

*

Trải qua ngày rưỡi hành trình mệt nhọc, khó khăn vì không thuộc đường lối. Trần Đức đặt chân lên Thới Bình thôn thơ mộng với rừng U Minh xanh thẳm và dòng sông Trẹm đỏ ngầu.

Tuy nhọc mệt nhưng Trần Đức thấy khoan khoái ngay trước cảnh vật dịu hiền và không khí trong sạch của vùng quê thanh tịnh. Nó thấy yêu mến đồng quê tha thiết, dường như Thới Bình thôn là quê hương của nó. Có một cái gì vô hình đã buộc chặt nó với đồng ruộng. Đôi mắt quan sát của nó nhận thấy ngay ở nhà quê dễ sống hơn ở thành thị.

Chưa dư thời giờ để ngắm cảnh, Trần Đức còn phải tìm gặp Năm Hương. Nó tìm được nhà bà Triệu Phú dễ dàng vì trong làng ai chẳng biết bà ta.

Nhằm giờ trưa nên Năm Hương đã về nhà. Gã vừa dùng cơm thì một tên gia đinh dẫn Trần Đức vào phòng, Năm Hương không nhận ra mặt Trần Đức vì đã mười mấy năm dư rồi. Gã khó chịu nhìn thằng bé mặt mũi sáng sủa hồi lâu và cau có hỏi:

- Em tìm tôi?

- Dạ, tôi tìm ông, nhưng ông có phải là ông Năm Hương, người đã nuôi tôi đến lớn và còn gởi tôi vào học trường ở Sóc Trăng?

Nghe mấy lời, Năm Hương biến sắc mặt. Gã vội khoát tay bảo tên gia đinh lui bước. Lần này gã chăm chú nhìn kỹ thằng bé xem có nét nào giống Triệu Vĩ hoặc Mỹ Lan. Gã bảo thầm:

“Thằng oắt con này có rất nhiều nét giống Triệu Vĩ lẫn Mỹ Lan. Nhưng tại sao nó lại bỏ học về đây bất thình lình?”

Giây lâu Năm Hương lấy lại được vẻ tự nhiên, gã điềm đạm:

- Phải, tôi chính là người gởi tiền cho em ăn học, nhưng sao em lại bỏ trường về đây?

Mặc dù Năm Hương là vị ân nhân của Trần Đức, nhưng thoạt mới gặp Năm Hương thằng bé đã không có cảm tình với gã ngay. Cái gương mặt của Năm Hương vẻ sâu hiểm, nịnh bợ và hao hao giống nhiều gương mặt của các giáo học trong trường. Có lẽ tại vì thế mà Trần Đức thấy không thích tên quản gia này.

Trần Đức đáp rõ ràng:

- Tôi rất cảm ơn tấm lòng tốt trời biển của ông. Tôi biết chẳng bao giờ tôi đáp đền được ơn ông. Nhưng tôi không thể tiếp tục sự học vì tôi chịu không nổi sự khinh bỉ của các thầy giáo và những học sinh đồng lớp. Họ luôn luôn bảo tôi là đứa con không cha mẹ hoặc thằng bé đầu đường xó chợ. Vì thế tôi mới bỏ trường vào đây định hỏi ông cha mẹ tôi là ai. Chắc chắn ông biết rõ những người đã đào tạo ra tôi?

Trước sự khôn ngoan của thằng bé Trần Đức hơi cứng đầu, Năm Hương đâm ra bối rối. Nếu gã giải quyết không êm thắm chuyện này, âm mưu và tội ác từ mười mấy năm trước của gã và bà Triệu Phú sẽ vỡ lỡ. Như thế thì nguy mất. Nhưng Năm Hương chỉ lúng túng một lát thôi. Bộ óc gian xảo chứa sẵn trăm mưu nghìn kế của hắn làm gì không giàn xếp ổn thỏa nổi câu chuyện nhỏ nhặt này.

Năm Hương vỗ vai Trần Đức ra vẻ thương hại lẫn cảm mến:

- Em nói đúng! Ta biết rõ cha mẹ em vì cha mẹ em là bạn thân của ta.

Trần Đức mừng rỡ ra mặt, hỏi nhanh:

- Thế hiện giờ cha mẹ tôi ở đâu?

Năm Hương giả bộ rầu rầu, đáp:

- Thật vô phúc cho em! Mẹ em sanh em ra được năm tháng thì bị bạo bệnh từ trần. Cha em quá thương nhớ mẹ em nên cũng chết luôn vài tháng sau. Trước khi nhắm mắt, cha em giao em nhờ ta nuôi nấng hộ. Hoàn cảnh ta không cho phép ta tự tay nuôi dạy em. Ta phải gởi em vào viện mồ côi. Khi lớn ta mới gởi em vào học trường đạo ở Sóc Trăng.

Nghe câu chuyện bịa đặt của Năm Hương, Trần Đức không khỏi đau buồn. Cha mẹ nó đã chết từ lúc nó còn nhỏ.

Trần Đức rầu rầu nét mặt:

- Tôi quả là một đứa trẻ vô phúc. Nhưng dù sao cũng hài lòng đôi chút, tôi cũng có cha mẹ như tất cả mọi đứa trẻ khác.

Để tránh trước mọi chuyện không may, Năm Hương dỗ dành thằng bé:

- Em hãy trở về nhà trường và yên tâm học hành. Vấn đề tiền bạc đã có ta lo lắng chu toàn. Em chỉ có lo học cho giỏi thôi.

Trần Đức lắc đầu:

- Cảm ơn lòng tốt của ông. Hiện thời tôi không muốn tiếp tục sự học nữa. Tôi đã khá lớn rồi, tôi có thể tự làm lấy để nuôi sống. Ông hãy làm ơn tìm cho tôi một chỗ làm vừa sức lực của tôi.

Năm Hương cố thuyết phục thằng bé:

- Em còn bé nghĩ như thế là sai lầm. Sự học vẫn luôn luôn cần cho con người. Có nhiều người muốn học mà không đủ phương tiện để học. Ta đã hứa với cha em, ta sẽ nuôi em ăn học nên người. Em không nên phụ lòng tốt của ta. Em hãy nghe theo lời ta. Sau này em sẽ trở thành người hữu dụng của xã hội. Tuổi em còn quá nhỏ, em chưa ra đời được.

Trần Đức vẫn không thay đổi ý định:

- Tôi đã nhứt quyết thôi học. Tôi không muốn lợi dụng lòng tốt của ông mãi. Hơn nữa, tôi không thể nào ở lại trường vì nơi đó đầy dẫy những ức hiếp bất công. Tôi thích sống tự do.

Mềm dẻo không thành công, Năm Hương đổi sang thái độ cứng rắn:

- Em không được cãi lời tôi. Tôi bắt em trở lại trường lập tức.

Trần Đức cương quyết:

- Tôi đành phụ lòng ông vậy.

Năm Hương chụp hai vai thằng bé cứng đầu lắc mạnh:

- Mầy lì lợm hở? Nói phải không chịu nghe, muốn tao dùng đến roi à?

Trần Đức bướng bỉnh:

- Mặc dù ông là vị ân nhân của tôi, nhưng ông đừng ăn hiếp tôi. Tôi không thích thấy người ta ăn hiếp tôi.

Trong mình Trần Đức đã có sẵn dòng máu bất khuất, dòng máu của người dân Thới Bình.

Năm Hương rủa thầm:

“Mẹ kiếp, nó giống mẹ nó, giống những thằng cày ruộng ở vùng này, cứng đầu cứng cổ!”

Biết không bắt nạt thằng bé được, Năm Hương đành dịu giọng:

- Cũng được, tùy ý mầy! Mầy muốn làm thằng cày ruộng hơn làm ông quan. Mầy muốn làm việc gì?

Trần Đức đáp không nghĩ ngợi:

- Làm gì cũng được, miễn đừng quá sức tôi thôi.

Năm Hương ngắm nghía thằng bé giây lâu, đoạn bĩu môi:

- Tướng tá của mầy bằng cái nắm tay mà làm việc cái quái gì được. Ở đây tao chỉ cần những người làm việc bằng sức vóc, bằng tay chân, chứ không xài những thằng oắt con chuyên môn ăn hại.

Trần Đức vênh mặt nhìn tên quản lý mà nó đã thấy ghét ngay từ lúc đầu:

- Tôi cũng làm việc bằng tay chân được như những người khác, miễn người ta đừng bắt tôi làm quá sức lực của tôi thôi. Mà ông không có quyền bắt buộc một ai làm quá sức của họ. Người lớn làm nhiều thì lãnh tiền nhiều. Con nít làm ít thì lãnh tiền ít.

Năm Hương thù hằn nhìn thằng bé:

- Mầy khôn lắm đấy, nhưng khôn trước tuổi thì có hại chớ không có lợi. Tao chưa phải là chủ ở đây. Mầy đứng yên trong phòng này chờ tao một lát. Tao đi hỏi bà chủ xem có thâu nhận mầy hay không.

Gã ấn thằng bé ngồi xuống ghế, đoạn nhanh nhẹn đi thẳng đến phòng bà Triệu Phú.

Bà Triệu Phú đã già thêm rất nhiều. Mái tóc bà bạc gần hết, da mặt bà nhăn nhúm, lưng bà còng thêm với tuổi già chồng chất. Đi đôi với tuổi tác, bà không còn khỏe mạnh như xưa. Bà đau ốm luôn luôn. Tối ngày bà ở lì trong phòng. Ngày trước bà hoạt động bao nhiêu thì bây giờ bà uể oải bấy nhiêu. Tất cả mọi việc kinh doanh và cai quản bà đều giao hết cho Triệu Vĩ và Năm Hương. Bà chỉ còn biết đọc sách và nghiền ngẫm mãi câu: “Tất cả mọi người đều đi vào cõi chết”. Chết là hết. Lúc thiếu thời hoạt động hăng hái cho lắm, xoay xở để làm giàu cho nhiều, đến ngày tàn cuộc trở về với lòng đất cũng chỉ với hai bàn tay trắng. Vì tiền, người ta gây ra vô số tội ác. Thế mà đến ngày chết, người ta chẳng mang theo được xu con nào.

Càng nghĩ sâu bà Triệu Phú càng chán nản, hiện thời sự nghiệp của bà quá to tát. Bà đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi vào đó. Và bà đã xây dựng nên nó bằng biết bao nhiêu mồ hôi của kẻ khác. Thử kiểm điểm lại mấy chục năm qua bà đã tìm được bao nhiều thứ hạnh phúc trong đóng bạc kếch sù? Dường như là không có gì hết. Có chăng bà đã hao tổn rất nhiều sức lực lẫn trí óc để rồi ngày nay bà ngồi nhìn sự nghiệp mà chán chê. Chồng bà đã tử nạn một cách thảm thương chỉ vì tiền. Còn bà, suốt đời mệt nhọc hoài phí tuổi xanh đẻ chạy đuổi theo hai chữ “tiền bạc”. Đến khi thành công rồi, nhìn lại, bà mới sực nhận thấy hình như “hạnh phúc thật sự của đời người, không thể tìm được ở trong đống vàng”.

Vả lại, cái tuổi già của bà còn chưa được yên ổn. Khi nhớ lại cách làm giàu không mấy lương thiện của mình bao năm qua, bà Triệu Phú không khỏi có đôi chút ăn năn và hối hận. Bà đã xây sự nghiệp trên mồ hôi và nước mắt của hàng ngàn lao động khốn khổ. Bà đã lợi dụng sức lực của họ để làm giàu cho riêng bà. Bà càng ngày càng giàu thêm. Họ càng ngày càng nghèo hơn.

Ngày nay, với mái tóc bạc phơ, với đôi mắt yếu ớt, với đôi bàn tay run rẩy, ngày ngày bà Triệu Phú gò lưng ngồi đếm bạc, đếm từng tờ một và đếm không bao giờ hết. Vừa đếm bạc, bà vừa tự hỏi:

- Ta phải làm gì với số bạc to tác này đây?

Bà hỏi để rồi khó trả lời. Đem hoang phí cho sướng tấm thân. Vô ích. Bà đã già yếu lắm rồi. Còn đâu những ngày xanh thắm. Tuổi hoa niên xán lạng không bao giờ còn trở lại với đời bà. Đem bố thí cho những kẻ nghèo đói để lấy chút ít tiếng tăm! Nhà Triệu Phú nhân từ? Có thể được lắm, nhưng nhớ lại công lao khó nhọc của mình suốt cả một đời người, bà thấy tiếc rẻ. Bà không đủ can đảm làm như thế. Hơn nữa, làm thế cũng chẳng ích lợi gì cho bà. Tiếng tăm làm cái quái gì. Bà đã gần đất xa trời rồi.

Thôi, để lại cho con cháu nó hưởng vậy.

Luôn luôn bà chấm dứt ý nghĩa bằng câu nói này.

Thế là ngày ngày người ta vẫn thấy bà Triệu Phú già nua kiên nhẫn ngồi đếm bạc, đếm say mê để tự hài lòng một phần nào.

Hôm ấy, sau giờ dùng cơm trưa, theo thường lệ, mỗi ngày bà Triệu Phú ngồi trong phòng riêng trửng giỡn với con bé Ngọc Lệ, con gái của Triệu Vĩ và Ngọc Anh. Bà rất mực yêu thương đứa cháu nội nhỏ bé vì Ngọc Lệ có nhiều nét giống bà và con bé kháu khỉnh. Tối ngày nó ca hát và cười luôn mồm. Nhờ nó mà bầu không khí của gia đình Triệu Vĩ bớt tẻ lạnh. Đứa bé ngây thơ đem nguồn vui đến cho cả gia đình. Triệu Vĩ vơi bớt đôi phần thương nhớ Mỹ Lan và đứa con trai vô phước đã bỏ mình trong lửa đỏ. Nhiều lúc nhìn Ngọc Lệ, Triệu Vĩ liên tưởng đến đứa con mà chàng chưa gặp qua một lần. Chàng không khỏi rớt nước mắt. Bà Triệu Phú bớt cô đơn và chán nản trong tuổi già.

Trửng giỡn với Ngọc Lệ hồi lâu, bà Triệu Phú bắt đầu kể chuyện cổ tích cho cháu nội nghe. Con bé ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng xen vào hỏi một câu vu vơ làm bà Triệu Phú phì cười.

Đang kể chuyện bỗng bà Triệu Phú ngưng bặt vì bà thoáng thấy tên quản lý thân tín đứng lấp ló ngoài cửa. Bà hỏi vọng ra ngoài:

- Chú Năm đấy à?

Năm Hương nhanh nhẹn dạ một tiếng thật lễ phép. Bà Triệu Phú ôn tồn:

- Mời chú vào phòng!

Năm Hương rón rén bước vào đứng cóm róm trước mặt chủ. Bà Triệu Phú hất hàm hỏi:

- Chuyện gì đấy? Có quan hệ lắm không?

Năm Hương đáp trịnh trọng:

- Dạ, rất quan trọng và cần kíp.

Bà Triệu Phú khẽ cau mày. Bà vuốt tóc Ngọc Lệ:

- Thôi cháu về phòng chơi với ba má. Bà nói chuyện với bác Năm một lát. Chiều tối bà kể tiếp cho cháu nghe. Chào bác Năm đi rồi về!

Ngọc Lệ nhanh nhẹn nhảy tót xuống gạch. Nó khoanh hai tay trước ngực, cúi đầu chào bà Triệu Phú:

- Bẩm bà, cháu về!

Bà Triệu Phú hôn nhẹn lên trán đứa cháu yêu:

- Cháu nội bà ngoan ngoãn lắm. Chiều lên bà cho nhiều bánh in.

Ngọc Lệ quay sang phía Năm Hương:

- Chào bác Năm, cháu về.

Năm Hương vuốt tóc đứa bé:

- Cháu giỏi lắm.

Ngọc Lệ chạy tọt ra khỏi phòng. Bà Triệu Phú trỏ ghế mời Năm Hương:

- Chú ngồi xuống ghế! Chuyện gì đấy?!

Năm Hương đáp nhỏ:

- Một chuyện vô cùng quan hệ. Hẳn bà còn nhớ đứa con trai của Mỹ Lan?

Bà Triệu Phú uể oải ngả lưng lên thành giường phàn nàn:

- Già cả rồi, ngồi một chút là mỏi lưng.

Giây lâu bà sực nhớ đến câu hỏi Năm Hương:

- Thằng con trai Mỹ Lan, tôi nhớ rồi. Hình như nó học ở Sóc Trăng và mỗi tháng tôi có bảo chú gởi tiền cho nó ăn học.

Năm Hương kính cẩn:

- Dạ phải. Mỗi tháng tôi đều làm đúng theo lời bà dạy. Nhưng...

Quen với cái tật lớn mỗi khi nói chuyện với chủ Năm Hương ngừng ngang.

Bà Triệu Phú nóng nảy giục:

- Nhưng cái gì?

Năm Hương gãi đầu, nói tiếp:

- Thằng bé bỏ học trở về thình lình.

Bà Triệu Phú ngồi nhỏm dậy, kinh ngạc hỏi gấp:

- Chú nói sao? Thằng bé về đây? Làm sao nó biết đường và biết địa chỉ của chúng ta?

Năm Hương lắc đầu:

- Tôi không hiểu được. Thằng bé đã khá lớn rồi. Nó đến phòng tôi và hỏi cha mẹ nó là ai? Tôi phải nói dối là cha mẹ nó đã chết hồi còn nhỏ.

Bà Triệu Phú gật gù:

- Bây giờ nó muốn gì?

Năm Hương thong thả đáp:

- Tôi khuyên lơn nó trở về tiếp tục sự học nhưng nó cứ từ chối. Tôi coi bộ nó cứng đầu lắm. Nó nhất quyết không thèm học nữa. Nó đòi tôi cho nó một chỗ làm vừa với sức lực của nó. Nó không muốn nhờ vã ai hết. Tôi vội đến đây hỏi ý kiến bà. Bà nghĩ thế nào?

Bà Triệu Phú tỏ vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi. Bà lo lắng hỏi:

- Hiện thời nó ở đâu?

- Nó đang chờ ở phòng tôi.

Bà Triệu Phú lặng yên. Đầu óc bà quay cuồng nhiều ý nghĩa. Lương tâm bà bỗng nhiên xáo trộn mãnh liệt. Bà nhớ lại tội ác của bà mười mấy năm về trước. Thằng bé Trần Đức là con trai của Triệu Vĩ và là cháu nội của bà. Đáng lẽ ra nó phải sống sung sướng trong cảnh trìu mến của cha mẹ nó cũng như con bé Ngọc Lệ. Nhưng, bà đã nhẫn tâm làm cho nó xa cha lìa mẹ, đày ải nó vào một thế giới xa lạ. Bà đã cốt ý làm hư hỏng cuộc đời trẻ trung của Mỹ Lan. Bà làm cho con bà đau khổ, cháu bà lạc loài. Hành động của bà thật tàn ác. Bà không xứng đáng làm một người chút nào hết.

Bao nhiêu năm qua, bà không khỏi có những giờ phút lương tâm bị đay nghiến. Bà cũng thấy hối hận. Bà không làm cách gì khác được. Bà phải luôn luôn đặt danh dự gia đình của bà trên hết. Tuy thế, bà cũng yên lòng đôi chút vì bà vẫn lo cho thằng bé ăn học đầy đủ. Ngẫm nghĩ hồi lâu, bà Triệu Phú hỏi lại tên quản lý:

- Chú nghĩ thế nào?

Năm Hương xoa hai bàn tay, đáp;

- Theo thiện kiến của tôi, chúng ta cứ tìm việc cho nó làm như nó muốn.

Bà Triệu Phú lo ngại:

- Để nó gần Triệu Vĩ?

Năm Hương cười tin tưởng:

- Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Bà khỏi phải lo ngại. Về chuyện đốt nhà Mỹ Lan và bắt cóc thằng bé Trần Đức, chỉ có tôi và bà biết thôi. Còn những người khác, kể cả Mỹ Lan và cậu Hai, họ đều tin chắc thằng bé Trần Đức đã bị chết thiêu từ hơn mười năm trước. Chúng ta để cho nó làm việc tại đây mà khỏi lo sợ điều gì hết. Chẳng một ai tìm ra nổi tông tích nó.

Nghĩ đến thằng bé đầu xanh, cháu nội của bà phải làm việc mệt nhọc suốt ngày, bà Triệu Phú không khỏi se lòng. Nhưng bà đành phải chịu vì chẳng còn cách nào khác hơn. Bà thở dài, gật đầu:

- Cũng được! Tôi giao hết mọi việc cho chú đảm nhận. Nhưng chú nhớ đừng bắt nó làm những công việc nặng nhọc.

Năm Hương nhếch một nụ cười hiểm độc:

- Xin tuân theo lời bà dạy. Tôi bắt thằng bé làm việc lấy lệ thôi. Xin kiếu bà.

- Cảm ơn chú!

Bà Triệu Phú mệt mỏi nằm xuống giường nệm.

Năm Hương bước nhẹ ra khỏi phòng. Gã trở về phòng riêng.

Đang ngồi trên ghế, Trần Đức đứng phắt dậy:

- Bà chủ quyết định thế nào, thưa ông?

Năm Hương lấy giọng oai nghiêm:

- Nhờ tao hết lời biện bạch nên bà chủ đã bằng lòng cho mầy vào giúp việc trong nhà máy xay lúa gạo. Phận sự của mầy rất dễ dàng. Mỗi ngày mầy cho gạo vào bao bố và may miệng bao lại. Ban đầu mầy chưa quen nhưng lần lần rồi sẽ thông thạo. Ráng học hỏi các anh chị, đừng xấc xược, hỗn láo mà mang hại. Cần nhất mầy phải làm cho chạy công việc. Nếu lười biếng tao sẽ cho mầy nghỉ việc chẳng vị tình. Lương mỗi tháng mười lăm đồng bạc. Ăn cơm chủ, ngủ nhà chủ. Làm việc giỏi tao sẽ tăng lương thêm. Công việc chẳng có gì nhọc mệt. Sáng mai mầy bắt đầu lãnh việc. Bằng lòng chứ?

Trần Đức đáp cộc lốc:

- Bằng lòng!

- Ăn cơm chưa?

- Chưa, nhưng không đói, chiều ăn luôn.

Năm Hương cười gằn:

- Càng tốt! Chờ một lát tao bảo người dọn dẹp chỗ ăn ngủ cho mầy. Nên lễ phép với người trên trước một chút.

Trần Đức khô khan nói:

- Vâng!