Bên Dòng Sông Trẹm

Chương 1

Docsach24.com
hới Bình, một làng quê trù phú của quận Cà Mau và nằm cạnh con sông Trèm Trẹm, muôn đời uể oải trôi với dòng nước đỏ một màu máu của miền “rừng U Minh” đổ xuống.

Dưới thời Pháp thuộc, Thới Bình là một làng sầm uất, dân cư đông đảo. Nhưng cũng như bao nhiêu làng quê Việt Nam khác, Thới Bình thôn thơ mộng, thanh bình bị chiến tranh tàn phá đến ngày nay. Khi tiếng súng đã ngưng, Thới Bình mới thật sự sống trong cảnh thời bình. Dân làng nô nức xây dựng lại những gì đã bị chiến tranh tàn phá bao năm qua và hăng hái bắt tay vào công việc. Sự hoạt động bắt đầu.

Dịp này, Thới Bình tiếp rước một nhóm người thành thị từ Cà Mau, Giá Rai, Bạc Liêu đổ xuống để thử thời vận. Trong số người đi làm ăn xa này, bà Triệu Phú là người đầu tiên đặt chân lên chợ Thới Bình.

Bà Triệu Phú, tên thật là Trần Sương Mai, con gái út của một địa chủ ở Vĩnh Mỹ đã qua đời. Bà kết hôn với ông Triệu Phú, một đại thương gia và một tay chạy việc bực nhứt ở quân châu thành Bạc Liêu. Ông Triệu Phú số phận ngắn ngủi, qua đời trong một chuyến đi làm ăn xa ở Vạn Tượng vào năm 1947, để lại cho vợ một đứa con trai 17 tuổi là cậu Triệu Vĩ đang học ban Tú tài toàn phần ở Pháp năm đó.

Bà Sương Mai góa chồng từ đó. Bà không chịu tái giá, ở một mình nuôi con và cai quản cái sản nghiệp kếch sù của chồng để lại. Năm nay bà đã năm mươi tuổi nhưng chí hoạt động vẫn còn hăng say.

Bà Triệu Phú, người hiền hậu, biết thương kẻ nghèo khốn, nhưng vô tình bà lại trở thành tàn ác, khắt khe vì tâm tính yếu đuối và đầu óc phong kiến còn chứa chấp những tư tưởng cũ rích của những thế hệ xa lắc xa lơ nào. Dù sao bà Triệu Phú cũng là kẻ đáng thương chớ không đáng trách, vì bà chỉ là một trong những người còn sót lại của cái xã hội cũ mục nát nó đã đào tạo bà và giáo huấn bà.

Đặt chân lên chợ Thới Bình, công việc trước nhứt của bà Triệu Phú là tạo một ngôi nhà sàn vách ván rộng rãi nằm cạnh rạch Bà Đanh, cách bờ sông Trẹm chừng 200 thước, để làm chỗ trú ngụ nhứt định cho gia quyến bà.

Xong xuôi công việc nhà cửa, bà vãi tiền ra xây cất một nhà máy xay lúa gạo, một trại cưa dùng vào việc đóng ghe xuồng, và nhiều xưởng dệt. Hầu hết thanh niên trai tráng và phụ nữ trong làng đều kéo đến làm công cho bà.

Làng Thới Bình chuyển sang cách hoạt động mới mẻ. Suốt ngày từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều, tiếng máy rầm rầm, tiếng lưỡi cưa nghiến gỗ vang lên không ngớt, tạo nên một âm thành hỗn loạn nhưng rất vui tai.

Hàng trăm nhân công đem mồ hôi, lấy sức vóc ra đổi miếng cơm manh áo và để làm giàu thêm cho bà Triệu Phú. Tất cả số nhân công đông đảo này đều đặt dưới quyền cai quản của Năm Hương, tên quản gia trung thành của bà Triệu Phú. Nói đến Năm Hương tức là nói đến hạng quản lý, thầy xếp, cặp rằng rất nịnh bợ chủ và rất ác độc đối với lao động.

Năm Hương xuất thân là một tên cặp rằng nhỏ ở đồn điền cao su Quản Lợi. Bản tính lưu manh, ba xạo dâm đãng, gã có đủ mọi tật xấu. Làm việc chẳng bao lâu gã bị viên cặp rằng chánh tống ra khỏi đồn điền vì gã đòi “tiền nước” của một số phu mới làm và còn định hãm hiếp con gái của một lão chuyên nghề lấy mủ cao su.

Thất nghiệp nhưng thời may Năm Hương gặp gỡ ông Triệu Phú. Với tính luồn cúi, nịnh bợ có sẵn, Năm Hương chiếm được cảm tình của ông Triệu Phú ngay.

Đã có nhiều kinh nghiệm trong trường đời, Năm Hương lần nầy giấu kín những tật xấu đê hèn của mình. Gã gắng sức làm việc, tỏ ra là người có năng lực. Chẳng bao lâu Năm Hương nghiễm nhiên trở thành cánh tay mặt của ông Triệu Phú và ngày nay là người quản gia tin cậy của bà Sương Mai và cai quản gần trăm lao động.

Năm Hương giở ngay thủ đoạn bất lương, đạp đổ, áp bức và bộc lộ rõ rệt những tánh xấu của gã. Gã đối đãi với thầy thợ bằng một cách sắt đá, bạc ác. Hầu hết người trong sở đều ghét thù gã, chỉ trừ vài kẻ nịnh bợ về hùa với gã để nương dựa thế lực.

Những tiếng kêu rên, hờn oán của anh chị em thầy thợ không lọt đến tai bà Triệu Phú. Vả lại, bà Triệu Phú hoàn toàn tin cậy ở Năm Hương và giao tất cả công việc cho gã. Và công việc vẫn chạy mạnh như thường. Bà Triệu Phú chỉ lo sổ sách và xuất phát tiền bạc, còn ngoài ra bà không biết đến. Vì thế, Năm Hương mới làm mưa làm gió, gây ác cảm với thầy thợ.

Tuy đã 35 tuổi và mặc dù tính vốn dâm đãng, Năm Hương vẫn chưa có vợ con. Người ta cũng rất làm lạ về việc này. Người ta bàn tán lung tung nhưng vẫn không khám phá được bí mật của Năm Hương. Đến cả bà Triệu Phú, người sống gần Năm Hương lâu năm, cũng không rõ cuộc đời tình ái của gã.

Nhịp sống của Thới Bình thôn lặng lẽ xuôi một chiều êm ả cũng như dòng nước sông Trẹm lờ đờ trôi.

o0o

Hoàng hôn lần lần phủ khắp nơi. Những tia nắng của mặt trời vừa tắt hẳn ở chân mây. Nền trời trong vắt từ màu hồng đổi sang màu xanh lơ. Những áng mây giang hồ bập bềnh trôi không định hướng. Những bầy chim giang thẳng cánh bay hấp tấp trở về tổ ấm dệt thành nhiều hình linh động luôn luôn thay đổi.

Sức sống của làng Thới Bình lịm dần. Tất cả những thứ tiếng động ầm ĩ bắt đầu ngưng bặt.

Chợ chiều đã lặn từ lâu nhưng trên con đường nhỏ nằm dọc theo bờ sông quang cảnh vẫn còn nhộn nhịp. Các bà già, các thiếu phụ, các thiếu nữ lần lượt kéo nhau từ chợ về nhà, quang gánh kĩu kịt trên vai, miệng huyên thuyên bàn tán chuyện mua bán và giá hàng lên xuống.

Những bộ đồ vải đen thô sơ ngời lên trong bóng chiều đã tắt.

Những mái tóc dài bay phơ phất trong gió chiều nhẹ thổi.

Những đôi chân rảo bước thoăn thoắt trên mặt đường đất cứng gồ ghề. Những vành nón lá nghiêng nghiêng. Cả một đám người này dệt thành một hàng dài, đen sậm, trước còn nhiều, sau thưa dần rồi tản mác ra khắp nơi trong xóm.

Vào giờ này trên sông Trẹm náo nhiệt lạ thường. Mặt nước đang im lặng thình lình nổi sóng gió vì những chiếc xuồng buôn bán băng dọc, ngang, xuôi, ngược. Những mái chèo gỗ nhanh nhẹn quậy dòng sông làm nước văng tung tóe.

Ở bên đò chợ, chiếc tam bản chở đầy hành khách lướt băng băng sang bên kia bờ. Cô lái đò trẻ tuổi vừa đẩy mái chèo vừa tươi cười chuyện trò với khách quen thuộc.

Nhiều đám trẻ nít tụ tập ở bờ sông trửng giỡn reo hò ầm ĩ vang động cả một góc làng.

Xa hơn nữa, những cánh đồng bao la thẳng tắp chạy dài đến tận chân trời. Không nhằm mùa lúa, quang cảnh đồng ruộng có vẻ trầm lặng. Những bó rơm rạ nằm rải rác khắp mọi nơi trên mặt đất cứng nứt nẻ vì nắng cháy.

Một tốp thanh niên đi bắt cá ở vùng làng về sắp hàng dài theo bờ đê, chạy mút tận ngọn đồi cỏ. Vài gã mục đồng chưa về vội, lững thững cỡi trên lưng trâu và nghêu ngao hát những bài bát nên thơ của đồng quê Nam Việt.

Xa xa, những ngọn khói trắng xanh từ các nóc nhà tranh trong ấp cuồn cuộn tỏa rồi tan rã trong gió chiều càng lúc càng thổi mạnh. Những rặng cây xanh, xám ngắt lần lần, chứng tỏ khu rừng U Minh huyền bí sắp đắm mình trong bóng tối dạ thần...

Kỹ sư canh nông Triệu Vĩ, con trai bà Triệu Phú đứng dựa lan can trên gác phòng mắt nhìn bao quát khắp khung cảnh bao la của làng quê khi hoàng hôn rủ bóng.

Triệu Vĩ vươn vai hít một hơi dài không khí trong sạch của đồng ruộng. Tâm hồn chàng khoan khoái nhẹ lâng lâng, tự nhiên chàng chép miệng:

- Buổi chiều ở đồng quê thật đẹp! Chẳng gì đẹp hơn khung cảnh thiên nhiên!

Triệu Vĩ xoa hai tay vào nhau và vơ vẩn mỉm cười.

Triệu Vĩ đã đậu cấp bằng kỹ sư canh nông ở Pháp. Chàng đến Thới Bình thôn hai tháng rồi để phụ giúp mẹ già coi sóc công việc làm ăn.

Triệu Vĩ là một thanh niên trí thức ham hoạt động, tánh tình vui vẻ, hiền lương, nhân đức. Chàng có tình thương tất cả mọi người. Chàng khác hẳn với mẹ ở chỗ không phân biệt giai cấp. Chàng có tư tưởng tiến bộ. Luôn tỏ ra thân mật và hết lòng giúp đỡ những gia đình bần hàn gặp hoàn cảnh quẫn bách.

Chàng thích giao thiệp vui đùa với anh em lao động, nông dân hơn là với người trưởng giả. Tánh vốn ưa tìm những cách sống và tâm tư của mọi hạng người nên Triệu Vĩ hiểu thấu đáo tất cả. Chàng nhận thấy người nghèo khó có nhiều tánh tình tốt đẹp hơn hạng người giàu sang.

Khác hẳn với các thanh niên thời đại đang mải mê chạy đuổi theo danh lợi, tiền tài, sắc dục, Triệu Vĩ chỉ thích một đời sống giản dị giữa khung cảnh thiên nhiên của vũ trụ, bên cạnh những con người chất phác lam lũ, và cố gắng tìm hết mọi cách để giúp đỡ dân nghèo. Chàng ngán những cảnh tranh giành, đoạt lợi, xâu xé, giành giựt lẫn nhau của đám người sống quay cuồng trong gió bụi đô thành.

Vì thế, sau khi đậu xong bằng kỹ sư canh nông, Triệu Vĩ vội vã về Thới Bình thôn với hoài bão to tát. Chàng đã vạch sẵn một chương trình cải tạo đời sống của nông dân, khuếch trương nông nghiệp.

Chàng chỉ còn chờ lúc ra tay làm việc cho xứng đáng với cái bằng kỹ sư canh nông của chàng. Chàng nhứt định đi đúng quan niệm: “Học thành tài để giúp ích cho xã hội chớ chẳng phải để xây danh lợi”.

Suốt hai tháng trời Triệu Vĩ sống cạnh anh em nông dân, chàng đã hiểu được những ham muốn, những hy vọng của họ. Rồi chàng tự nhận thấy chàng còn một trách nhiệm quá to tát, quá nặng nề. Nhưng tâm hồn chàng luôn luôn thảnh thơi, trí óc chàng luôn luôn nhẹ nhàng.

Không khí của đồng quê làm dịu lòng người. Sống giữa nơi đây có lẽ những dục vọng đen tối của con người cũng giảm bớt. Người ta thấy yêu thương thiên nhiên, yêu thương nhân loại hơn là yêu thương những cám dỗ đê hèn của xã hội phù hoa.

Triệu Vĩ thu phục được cảm tình của anh em nông dân rất nhanh chóng. Họ ghét Năm Hương bao nhiêu thì thương mến Triệu Vĩ bấy nhiêu. Triệu Vĩ không khỏi mừng thầm khi thấy mình thành công quá dễ dàng bước đầu tiên.

Tánh tình của anh em nông dân rất giản dị. Yêu thương họ, giúp đỡ họ thì họ sẽ yêu thương và hết lòng với mình. Còn khắc nghiệt, bạc ác với họ, họ sẽ căm thù và cứng đầu. Tâm hồn họ dễ hiểu lắm, nhưng chỉ tại người ta không chịu hiểu đấy thôi.

Triệu Vĩ nhận thấy dòng sông Trẹm đỏ ngầu, những rặng cây xanh thẫm, những cánh đồng xa ngút mây ngàn, những thôn nữ hiền lành còn đẹp và thơ mộng gặp ngàn lần những tòa nhà cao ngất những đường phố huy hoàng, những thiếu nữ thành đô diêm dúa.

Lòng Triệu Vĩ đã thiên về đồng quê mất rồi. Ở đây chàng tìm được những cái mà ở kinh thành không bao giờ có được. Nhứt là về phương diện luân lý và đạo đức. Ở đây còn giữ được nguyên vẹn một phần nào những cái tốt đẹp của nền văn minh Á Đông cổ truyền còn sót lại.

Ở đây người ta không lạm dụng danh từ văn minh để mà dầy bừa tất cả những cái gì tốt đẹp của tổ tiên để lại. Ở đây người ta không thu nhận những món hàng văn minh nhập cảng của ngoại quốc một cách mù quáng điên rồ. Ở đây người ta biết lọc lừa những cái đáng giữ lại và những cái đáng vất bỏ.

Tuy ở Thới Bình thôn chưa được bao lâu nhưng Triệu Vĩ đã yêu say đắm nó, yêu cũng như chàng đã yêu cô gái quê Mỹ Lan suốt tháng trời nay. Lạ thật, chàng trai học thức của kinh kỳ đã từng gặp không biết bao nhiêu bóng sắc kiều diễm, thế mà chàng lại si tình một thôn nữ.

Mỹ Lan, cô gái quê của Thới Bình thôn... Người thôn nữ có gương mặt tròn trắng trẻo, đôi mắt đen long lanh sáng biểu lộ sự thông minh tiềm tàng: đôi má mịn màng hơi ửng hồng, đôi môi đỏ ướt lúc nào cũng như sẵn sàng để nở những nụ cười dịu hiền bác ái. Mỹ Lan đẹp lắm, một vẻ đẹp thiên nhiên đóng khung trong sự thùy mị và dịu dàng.

Sanh đẻ và lớn lên giữa lũy tre xanh và những con người chất phác, tâm hồn Mỹ Lan chân thật và giản dị. Đầu óc nàng không xây những ảo vọng. Nàng tin tưởng ở định mệnh và sống trong khuôn khổ nhứt định của tập quán và phong tục Á Đông.

Mỹ Lan có theo học đến lớp nhứt ở trường chợ quận Cà Mau, nhưng cái văn minh thành thị ở vùng đó vẫn không chi phối được tâm hồn và tâm tính nàng.

Thôn nữ vẫn hoàn thôn nữ. Qua mấy năm trời chiến tranh, Mỹ Lan và gia đình gồm có một cha già và một anh trai vẫn bám chặt lấy mảnh đất chôn nhau cắt rốn để nhìn những sự tang thương của đất nước.

Sau chiến tranh, mái tóc của Mỹ Lan xanh thêm, cũng như tâm trí nàng già thêm về sự hiểu biết.

Triệu Vĩ gặp gỡ Mỹ Lan. Hai người thông cảm nhau rồi yêu nhau say đắm, yêu thầm lén.

Nhớ đến Mỹ Lan, tự nhiên Triệu Vĩ sung sướng mỉm cười.

Gió ngoài trời thổi mát rượi. Chưa đến giờ dùng cơm. Triệu Vĩ chậm chạp bước xuống cầu thang. Chàng thả bách bộ dọc theo bờ sông vẩn vơ nhìn những chiếc xuồng con lướt băng băng theo dòng nước.

Trại cưa và trại đóng xuồng đã ngưng hoạt động. Nhiều tốp thợ lũ lượt kéo nhau về trò chuyện om sòm.

Triệu Vĩ bỗng nảy ra ý định đến thăm trại cưa.

Chàng vội rảo bước. Qua khỏi cửa chính, chàng nghe tiếng cãi lầy dữ dội tự trong vọng ra.

Ngạc nhiên, Triệu Vĩ hấp tấp đi đến chỗ đám đông đang tụ họp ở giữa trại. Chàng nghe tiếng Năm Hương sừng sộ:

- Anh không được nhiều lời, anh lãnh tiền của tôi anh phải vâng theo lời tôi chớ không được quyền cãi. Anh hiểu chứ?

Tiếng của người thợ đáp lại với giọng hậm hực:

- Tôi không hiểu gì hết, tôi chỉ hiểu lẽ phải thôi. Thầy không được phép bắt buộc tôi làm quá sức. Tôi là người cũng như thầy chớ phải là máy móc đâu. Tôi đã đem bán cái sức lao động của tôi, nhưng thầy cũng không được lạm dụng cái sức đó. Tôi là lao động, tôi hiểu rõ luật lao động và quyền lợi của lao động. Tôi không phải làm biếng nhưng sức tôi chỉ làm được tới đó thôi.

Năm Hương cười ác độc:

- Anh không theo ý tôi, tôi bớt lương anh. Nếu anh cãi lầy nữa tôi sẽ cho anh nghỉ việc... nghỉ việc rồi có mà chết đói giữa thời buổi này.

Anh thợ cưa vẫn to tiếng:

- Thầy phải trả lương đủ cho tôi! Thầy định bóc lột à? Thầy lầm rồi! Thầy vẫn còn mê ngủ? Thầy nên nhớ người dân lao động bây giờ không ngu như trước nữa đâu. Người lao động ngày nay biết đòi hỏi quyền lợi và biết chống lại những sự áp bức, bóc lột bất công, người lao động đã đem mồ hôi và nước mắt để làm giàu cho các thầy, các thầy không nên ăn cướp công khai cả đến mồ hôi và nước mắt đó. Chánh phủ đã ban hành luật lệ cho lao động hẳn hoi. Thầy có giỏi thì cứ xâm phạm đến.

Tiếng một anh thợ khác xen vào:

- Bóc lột sức của lao động là tàn nhẫn lắm thầy ơi! Thầy là người gì! Hình như thầy cũng là một lao động như chúng tôi, và chỉ khác chúng tôi ở chỗ, thầy là lao công trí óc, còn chúng tôi là lao công sức lực. Là lao công với nhau đáng lý thầy phải bênh vực chúng tôi mới là phải, chúng tôi làm mướn, thầy cũng làm mướn kia mà.

Thêm một anh thứ ba với giọng mỉa mai:

- Sau chiến tranh, con người lao động đã đổi khác nhiều. Thầy đừng nên cố cản trở bánh xe tiến hóa của giới lao công.

Năm Hương giận quá hét to:

- Tôi không cần các anh dạy khôn tôi! Mấy anh làm nhiều, tôi trả lương nhiều; mấy anh làm ít, tôi trả lương ít. Ai muốn phản đối thì hãy ra khỏi trại cưa này.

Đám thợ đứng dậy vây quanh Năm Hương đồng thanh nhao nhao lên:

- Chúng tôi phản đối tất cả!

Năm Hương đã núng chí nhưng còn ráng làm oai:

- Mấy anh cứng đầu hở!?

Cả đám thợ la ầm lên:

- Chúng tôi cứng đầu trong lẽ phải!... Yêu cầu thầy hãy dùng lẽ phải mà đối đãi với chúng tôi!.

Thấy tình thế đã đến mức nghiêm trọng, Triệu Vĩ vội lướt tới và nói lớn:

- Anh em đừng chộn rộn! Chuyện gì đấy?

Thấy Triệu Vĩ, đám thợ đang im lặng vì bình nhựt họ rất yêu mến và kính nể chàng. Họ đứng vẹt hai bên nhường chỗ cho Triệu Vĩ và mừng rỡ reo to:

- A!... Cậu Hai! Cậu Hai... mới đến!...

Chạm mặt với Triệu Vĩ, Năm Hương hơi xụ mặt nhưng cũng gượng tươi cười chào hỏi:

- Cậu Hai mới đến?

Triệu Vĩ khẽ gật đầu, chàng rảo mắt nhìn quanh đám thợ và khoan thai hỏi:

- Chuyện gì đã xảy ra giữa anh em và Năm Hương vừa rồi.

Năm Hương vọt miệng đáp trước:

- Anh Bảy Lăn cưa không đủ số cây nhứt định hàng bữa, tôi trách móc anh ấy sừng sộ lại với tôi.

Người thợ cưa tên Bảy Lăn phản đối:

- Thầy Năm nói không đúng! Theo lệ mỗi ngày tôi phải cưa xong một phần tư cây súc ra làm nhiều mảnh ván nhỏ. Nhưng thình lình hôm nay thầy Năm bắt buộc tôi phải cưa hơn một phần tư cây súc. Cậu Hai thử nghĩ xem làm sao tôi cưa nổi? Tôi là người chớ có phải là máy đâu, mấy anh bạn làm chung chứng thật cho lời nói của tôi!

Đám thợ hò nhau nói:

- Chúng tôi chứng thật cho câu nói của anh Bảy Lăn!

Bảy Lăn nói tiếp:

- Bắt bẻ tôi không cưa đủ số cây mà tôi không thể làm nổi, thầy Năm đòi bớt lương và cho tôi nghỉ việc.

Triệu Vĩ đã hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Đã dư biết tính khắc nghiệt và ác độc của tên quản lý. Triệu Vĩ nghiêm giọng nói:

- Những chuyện mà anh Bảy vừa nói đều là sự thật cả chứ chú Năm?

Bị hỏi bất thình lình, Năm Hương lúng túng:

- Cậu đừng nghe lời... Anh ấy vu oan cho tôi.

Triệu Vĩ trỏ đám thợ vây xung quanh:

- Có ai làm chứng cho chú? Còn anh Bảy có cả một số đông!

Càng lúc Năm Hương càng bị dồn vào ngõ bí, gã ấp úng nói không ra lời. Gặp dịp may hiếm có để sửa trị tên quản lý ác hiểm, Triệu Vĩ cao giọng:

- Chú Năm, đây thật là một câu chuyện đáng tiếc. Theo nguyên tắc và luật lệ lao động hiện hành. Chú không được quyền ép buộc anh Bảy làm việc quá sức của ảnh. Anh Bảy làm tròn bổn phận của ảnh là được rồi. Thời đại này không giống như thời đại trước nữa. Giữa chủ và nhân công cần phải có sự hợp tác chân thành chặt chẽ. Sự bất công và bạo lực không bao giờ tồn tại, chỉ gây ở lòng người sự phẫn uất thì rất là khốc hại. Anh em lao công nghèo nên mới mang sức lực và mồ hôi để đổi bát cơm manh áo. Chúng ta được giàu sang, sung sướng là nhờ ở anh em. Chúng ta nên biết ơn và đối đãi hợp lý với anh em. Chú Năm hẳn dư biết luồng gió chiến tranh vừa rồi đã quét sạch tất cả những cái bất công, tàn ác, vô nhân đạo của những chế độ xã hội mục nát cũ còn sót lại. Anh em lao công đã tiến bộ rất nhiều; họ đã hiểu biết quyền lợi của họ, họ biết đoàn kết, đòi hỏi tranh đấu để bênh vực lẫn nhau. Hãy thương yêu nhau và giúp đỡ nhau, chú Năm ạ, vì đấy mới chính là chân lý của con người.

Triệu Vĩ ngừng câu nói một giây để nhận xét ảnh hưởng của câu khuyên nhủ vừa rồi của mình. Chàng hạ thấp giọng nói tiếp:

- Từ ngày về đây tới giờ tôi nhận thấy chú đối đãi với anh em không được thân mật và hơi nghiêm khắc.

Không muốn làm chạm tự ái của Năm Hương nên Triệu Vĩ lựa lời nói nhỏ nhẹ:

- Không nên hành động như thế nhé chú Năm. Bao giờ anh em không làm tròn bổn phận chừng ấy chú Năm hãy nghiêm khắc với họ. Thôi, tôi xin xử huề vụ xung đột nhỏ nhen này. Chú Năm hãy trả lương đủ cho anh Bảy và hai người bắt tay nhau cười xem nào!

Những lời khuyên nhủ thân ái và xác đáng của Triệu Vĩ không làm cho một hạng không có tinh thần phục thiện như Năm Hương hài lòng. Trái lại gã cho là Triệu Vĩ cố ý làm nhục gã trước mặt anh em thợ thuyền.

Căm giận Năm Hương nói lớn không còn kiêng dè Triệu Vĩ:

- Nhân đạo như cậu công việc không bao giờ tiến mạnh và sẽ sạt nghiệp mất thôi. Tôi đã làm lợi cho bà chủ nhiều. Cậu còn trách cứ gì nữa. Cậu mới về không biết gì hết, nhưng cậu cứ can thiệp vào chuyện riêng của tôi và bênh vực bọn thợ. Rồi họ sẽ lộng hành ai mà cai quản nổi.

Triệu Vĩ cười nhẹ:

- Chú Năm, tôi chỉ muốn chú làm lợi cho chúng tôi bằng cách lương thiện và hợp lẽ. Tôi không bằng lòng hành động của chú. Từ nay trở đi tôi không muốn thấy chú có chuyện xích mích với anh em thợ nữa. Biết trọng quyền lợi của họ thì họ mới biết tôn trọng lại quyền lợi của mình chứ. Thôi, chào chú.

Triệu Vĩ từ giã anh em thợ và nhanh nhẹn rời khỏi trại cưa. Đám thợ nhiệt liệt hoan hô chàng giữa sự căm tức cực độ của Năm Hương.

Tên quản lý quắc đôi mắt đỏ ngầu nhìn hút theo bóng Triệu Vĩ và gã nghiến răng ken két.