Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Hồi Thứ Mười Năm

Bao Công nghe bà già kêu mình là Bao Khanh và tự xưng là Ai gia thời lấy làm lạ lắm, song cứ ngồi nghe thuật lại chuyện cũ. Khi Lý Phi thuật xong, Bao Công nói rằng: "Tuy lời như vậy; nhưng chưa có chi làm bằng cớ, làm sao bản quan tin được”, Lý Phi nghe nói lật đật thò tay vào đẩy móc ra một gói đưa cho Bao Công. Bao Công tiếp lấy, mở ra mấy mươi lớp mới thấy trong ấy có một túi nhỏ, mở túi nhỏ ấy ra thời là một hạt kim hoàn trên có khắc chữ "Ngọc Chấn cung” và tên của Lý Phi. Bao công xem rồi gói lại lập tức, đưa cho Bao Hưng dâng lại cho Lý Phi, còn mình thời đứng dậy bước xuống tòa, thỉnh Lý Phi lên ngồi trên rồi cúc cung bái kiến. Lý Phi nói: "Bao Khanh bất tất như vậy, chuyện oan uổng của Ai gia đều nhờ ở khanh cả". Bao Công thưa: "Bẩm lệnh Nương nương chớ quá lo ngại, kẻ hạ thần xin hết lòng vì Nương nương mà vạch chuyện này, nhưng mà tai mắt quá nhiều, e lộ ra chăng, vậy xin Nương nương tha tội cho hạ thần và xin nhận người làm mẹ, vậy ý Nương nương ra sao?". Lý Phi đáp: "Đã như vậy thời mẹ chỉ có trông mong ở con thôi!". Bao Công cả mừng cúi xuống tạ ơn, rồi sai Bao Hưng ra truyền quan huyện sắm một cái kiệu lớn, lựa hai hầu gái lanh lợi, trang sức cho sạch sẽ và cấp các đồ dùng cùng tiền bạc cho đủ cung dụng lúc đi đường, chừng về tới kinh sẽ trả lại. Công quán thời phải bày biện chỉnh tề... lại nói cho Tôn Hoa biết rằng bà già mà nó dắt tới đó là mẹ của Khâm sai tướng công. Nay mẹ con gặp nhau rồi, cảm ơn Tôn Hoa đã thường hay cung cấp chăm sóc lâu nay, nên muốn cho nó theo hầu về kinh sư.  Tôn Hoa nghe vậy, vui mừng như được bay lên mây, nên vâng liền. Bao Hưng lại thúc quan huyện lo liệu các vật bày trí, và nói ý Bao Công muốn Tôn Hoa về kinh. Quan huyện y lời lui ra.

Khi xếp đặt các việc xong rồi, Bao Công viết một bức thư, niêm kín sai Bao Hưng đem về kinh trước.  Còn Lý Phi tắm gội, thay y phục, lên kiệu, được một đỗi Bao Công liền thưa rằng: "Thưa mẹ, xin cứ tới trước nơi công quán, rồi con sẽ theo sau”. Lý Phi nói: "Con chớ nhọc lòng nhiều lễ như vậy”. Bao Công dạ dạ lui ra. Tùy tùng thấy lão gia trở lại, cùng cất bước lên đường, một tốp người ngựa rầm rộ, ai cũng vui lòng không có điều chi nghĩ ngợi, duy có Công Tôn Sách sinh nghi mà thôi.

Đây nói riêng về Bao Hưng vâng lệnh đem thư về phủ Khai Phong, hầu gái thấy Bao Hưng về liền vào bẩm với Lý phu nhân (vợ Bao Công). Phu nhân cho vời vào hỏi: "Lão gia có được mạnh giỏi chăng?". Bao Hưng vội vàng đáp rằng: "Lão gia mạnh như thường, nay có thư đem về dâng cho phu nhân đây". Nói rồi dâng thơ, phu nhân giở ra xem:

"Bản quan tại Trần Châu, gặp được thái hậu là Lý nương nương, giả nhận làm mẹ con, phu nhân mau sai người dọn dẹp Phật đường cho sạch sẽ, chuẩn bị cho Nương nương về ở, và phu nhân phải lấy lễ mẹ chồng nàng dâu ra mắt. Làm sao che được tai mắt chung quanh là hay lắm".

Phu nhân xem xong, nói với Bao Hưng rằng: "Ngươi trở lại hầu đón lão gia, và thưa: "Ta đã xếp đặt các việc xong xuôi, song không tiện viết thơ đáp". Nói đoạn sai đầy tớ gái lấy cho Bao Hưng hai mươi nén bạc. Bao Hưng lĩnh bạc từ tạ lui ra bỗng gặp các bạn mời ăn cơm. Khi cùng nhau ăn uống, mọi người hỏi chuyện đi đường, Bao Hưng vui miệng thuật sơ sơ xong lại hỏi: "Vậy còn Bàng thái sư ở nhà, thế nào?".  Họ đáp: "Lúc tấu văn của lão gia tâu lên, Hoàng thượng cả giận, quăng tờ cung của con y xuống cho y coi, coi xong y cúi đầu xin tội... Chuyện đó có lẽ y cưu hờn lão gia lắm, sau này e có nhiều việc lôi thôi, lão gia cần phải đề phòng lắm mới được". Bao Hưng nghe xong, hỏi cặn kẽ chuyện ấy, an ủi cho êm lòng họ, từ giã lên ngựa buông cương.

Còn trong phủ, phu nhân bảo bọn sai dịch bày biện xong xuôi, mỗi ngày mỗi ngóng trông người về.

Một hôm nghe báo kiệu đã tới thành còn cách phủ không bao xa nữa, phu nhân liền đem cả con hầu ra đợi ở cửa Tam Lương. Giây lát kiệu tới, Lý phu nhân bước tới trước kiệu quỳ xuống thưa rằng: "Dâu bất hiếu họ Lý xin ra mắt nương thân và chúc mừng ngọc thể khang kiện". Lý Phi đáp: "Ta miễn lễ cho". Bây giờ kẻ hầu xúm lại đỡ Lý Phi ra khỏi kiệu và đưa vào Phật đường.

Lý Phi ngồi xong, bọn con hầu đều lui vào thay y phục hết, nhân lúc vắng người, phu nhân mới quỳ xuống tâu rằng: "Thần thiếp xin bái kiến, và cầu chúc Nương nương sống lâu muôn tuổi". Lý Phi giơ tay khoát mà rằng: "Con chớ nên làm như vậy, về sau cứ lấy lễ mẹ chồng nàng dâu thôi. Vả lại mẹ họ Lý, mà con cũng họ Lý, thế thời còn ngại gì". Phu nhân dạ dạ vâng lời, Lý Phi bèn đem những chuyện do lúc bị hại thuật lại một hồi, rồi nói rằng: "Vì mẹ nhớ con của mẹ quá, khóc đến nỗi hai mắt tối lại thế này”. Vừa nói vừa khóc rất thảm, phu nhân nghe xong, thoạt nghĩ lại: ”Mình có một vật có thể trị mắt sáng lại được, vậy bây giờ nên thử xem sao, nếu Nương nương lành bệnh thời còn chi quý hơn nữa". Nghĩ rồi quỳ xuống tâu với Lý Phi rằng: "Con có một vật tên Cổ Kim Bồn, trên có hai lỗ âm dương, dùng hứng nước mù sương, có thể chữa mắt tối sáng lại. Tối nay con xin cầu trời khấn phật để giúp cho Nương nương “. Lý Phi nghe nói cả mừng. Sau khi ăn cơm chiều, phu nhân cáo từ lui ra, tắm rửa sạch sẽ, tới tối bưng Cổ Kim Bồn ra hoa viên, tự mình thắp nhang cầu nguyện trời Phật hai tay ngọc bưng Cổ Kim Bồn đưa thẳng lên, đứng hứng mù sương.

Lòng ngay động tới cõi trời, đêm ấy mù sương dầm rưới, và hình như trong Cổ Kim Bồn có sức hút vào không mấy lát mà mù sương lọt vào trong hai lỗ âm dương, thấy bồn có hơi nặng phu nhân liền đỡ xuống xem, vui mừng khôn xiết, hối hả bưng vào. Lúc ấy Lý Phi vẫn còn thức, mới nhúng tay thoa nước ấy vào đôi mắt, thời biết hơi lạnh thấu xương, hơi thơm nực mũi, trên trán rịn chút mồ hôi, trong hai mắt có hơi chuyển động, nhưng Lý Phi cứ nhắm cứng lại mãi. Thật lâu mới mở thử ra thời mây trống mù tan, xem thấy rõ ràng muôn vật. Lý Phi rất vui vẻ mà phu nhân cũng mừng rỡ.

Qua ngày sau được tin Bao Công đã về kinh, song còn ở lại chùa Đại Tướng Quốc, chờ vào triều kiến thiên tử rồi sau mới về dinh.

Ấy là:

Chưa vỡ án, con còn xa mẹ.

Đợi vào chầu, vợ ngóng dạng chồng.