Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Hồi Thứ Hai Mươi Bốn

Khi vợ chồng Lý Bảo giết Khuất Thân rồi, bèn lấy cả tiền bạc cất vào một nơi. Vợ mới bảo chồng rằng: "Bây giờ đêm khuya canh vắng, bốn phía không ai, mình nên cõng thây này đem bỏ sau miếu bên bờ phía bắc, thời còn ai biết được nữa". Lý Bảo nghe theo kề vai cõng thây, mở cửa nhè nhẹ, ngó quanh ngó quất một hồi không thấy ai bèn rón rén ra đi. Hắn đi được một đỗi xa, thấy mờ mờ trước mặt có bóng thoáng qua, thất kinh không dám bước tới, quăng đại thây ma trên vũng cỏ rồi đâm đầu chạy về. Về tới nhà người vợ lại nói rằng: "Còn phải nhọc một chút nữa mới xong, nếu còn để con lừa ở trong nhà e không khỏi mang hại". Lý Bảo nghe nói lật đật chạy ra mở cương thả lừa và đuổi đi, lừa cũng lạ thật, đã thả mà không chịu đi. Vợ Lý Bảo giận lắm, vác gài cửa ra đập, đau quá nó chạy cong đi mất. Rồi vợ chồng Lý Bảo mới đóng cửa ngủ giả đò vô sự.

Sáng ngày những người đi đường thấy có thây người chết nằm sóng sượt giữa đường, lật đật đi báo quan địa phương. Quan truyền đem tới khám nghiệm; đương lúc lật qua trở lại xem, thời thây ấy co tay ngoe chân, dân chúng vội vàng đỡ dậy, một lát thở khì ra và rên rỉ, nhưng bộ yếu lắm. Quan địa phương lật đật bước tới hỏi rằng: "Người vô phước kia, mau mau tỉnh lại, thuật cặn kẽ chuyện bị hại cho ta nghe". Thây của Khuất Thân mở mắt ra dòm một hồi rồi trả lời giọng đàn bà rằng: "Có chi mà các người bu chung quanh thiếp chòng ghẹo thế này, chẳng sợ sái lễ sao?". Nói rồi lấy tay áo che mặt, ai nấy đều tức cười và lấy làm lạ lắm. Quan địa phương hỏi tiếp nữa rằng: "Tại sao mà ngươi bị chúng thắt cổ hại chết như vậy nói lại cho ta biết". Khuất Thân nói: "Thiếp tự treo cổ mà chết, chớ có ai giết đâu?". Quan địa phương lại hỏi: "Tại sao mà ngươi treo cổ tự vẫn?". Khuất Thân nói: "Vì chồng con thiếp dắt thiếp đi tìm mẹ, rủi bị Oai liệt hầu nào đó bắt ngang đem về ép bức, thiếp không chịu nên tự vẫn mà chết". Các người ngồi nghe đều lấy làm lạ, cớ sao hình dung rõ là đàn ông, mà lại nói tiếng đàn bà và tình sự đàn bà như vậy. Còn đương phân vân nghĩ ngợi, bỗng đâu một người điên ở sau đi trờ tới, cầm chiếc gậy đập đánh lăng xăng. Khuất Thân dòm thấy nói với người chung quanh rằng: “Người cầm chiếc giày là chồng thiếp đó, xin các ngài giữ lại đừng cho đi". Đương lúc nói bỗng phía trước có hai người đàn ông đương chèo kéo nhau đi tới kêu quan địa phương xin phân xử.  Ấy là Bạch Hùng và Khuất Long. Bởi hôm qua Bạch Hùng không tìm được Trọng Võ, nên bữa nay lại đi tìm nữa, dọc đường gặp con lừa, tưởng hễ gặp lừa thời gặp anh rể, chớ không dè lừa trắng chẳng phải của Trọng Võ. Vì Bạch Hùng vô ý quên hỏi Kim Ca sắc lừa ra sao nên khi thấy lừa liền mở cương leo lên cưỡi đi được một đỗi lại gặp Khuất Lương đi tìm anh.  Khuất Lương thấy người lạ cưỡi lừa của anh mình thời kéo lại hỏi rằng: "Sao chú giật lừa và bạc của anh tôi, vậy anh tôi ở đâu phải chỉ ra ngay?". Bạch Hùng nói: "Lừa này của anh rể tôi, chú muốn nhận ngang thời phải để anh rể tôi cùng đối chất". Hai người gây gổ nhau một hồi, rồi kéo tới xin quan địa phương phân xử.

Khuất Lương đương kéo Bạch Hùng, thấy Khuất Thân ngồi ở trong, mừng quýnh, buông ra chạy vào kêu rằng: "Anh ơi, anh ơi! Làm gì ngồi đó vậy, trên cổ sao lại có dấu giây thắt, nói cho em nghe?". Khuất Thân đáp: "Người này làm cái gì vô lễ vậy, mất phép lịch sự coi sao được!". Khuất Lương nghe giọng nói không phải người Sơn Tây, lại nheo nhéo như tiếng đàn bà thời đứng nhìn trân trân suy nghĩ ngơ ngẩn. Lại nghe Khuất Thân kêu Bạch Hùng nói rằng: "Bạch Hùng! Sao em lại bạc đến nỗi, không biết chị sao? Chị khốn khổ quá mà!". Bạch Hùng nghe nói cũng kinh dị. Kế ở ngoài có một người điên đi vào, Bạch Hùng nhìn kỹ là người mình mới gặp trong núi ngày hôm kia, đương lúc nghĩ ngợi, thời nghe Khuất Thân kêu lớn rằng: "Bạch Hùng! Em không biết Phạm Trọng Võ là anh rể của em đó sao? Mau mau giữ lại đừng cho đi nữa”. Quang cảnh như vậy ai nấy đều thấy lạ kỳ, chỉ xin quan địa phương giải về huyện Tường Phù mà thôi. Giải đi một đỗi gặp một con lừa đen đàng kia chạy lại, đi sau có một người lùn và một tên bạn đường.

Nguyên Bao Công làm chủ khảo khoa thi, khi chấm bài xong, thấy quyển của tên Phạm Trọng Võ trúng đậu Trạng mới sai người lại chỗ nhà trọ báo tin, tới nơi không thấy Trọng Võ ở đó, đi tìm cùng cũng không gặp, nên vào triều chầu Thiên tử tâu rõ việc mất Trạng nguyên, khi kiệu về dọc đường, gặp con lừa đen đón đường, mọp hai chân trước gục đầu coi rất thảm. Bao Công nghĩ rằng: "Vật thường cũng có tính linh như người. Con lừa này đón đường chắc cũng có lẽ gì oan ức của chủ nó chẳng sai". Nghĩ vậy liền nói rằng: "Lừa đen kia? Mi quả có điều oan uổng thời mau quay đầu qua hướng nam trở đuôi lại hướng bắc, ta sẽ cho người theo dò xét cho". Bao Công vừa nói dứt lời, con lừa quả quay đầu về nam trở đuôi lại bắc. Bao Công liền sai Triệu Hổ đi theo, nếu có điều chi mau mau trở về bẩm lại. Triệu Hổ vâng lệnh đi theo, lừa đen cứ chậm chậm đi trước dắt đường. Đi một đỗi Triệu Hổ mỏi cẳng, lừa cũng đứng lại chờ.  Triệu Hổ liền nói với lừa rằng: "Bây giờ ta đã mỏi chân, mi nên chở ta đi ít dặm". Lừa nghe nói liền cúi đầu quỳ chân xuống, Triệu Hổ leo lên, đi riết tới miếu hoang trong núi Vạn Toàn. Triệu Hổ nhảy xuống dòm không thấy ai, vừa muốn quay mình trở lại, chợt nghe tiếng kêu cứu ở mé trong, liền nhảy lên vách lầu đứng dòm, thấy trong phòng bên kia có một cái hòm, một người đàn bà dung mạo rất tốt ngồi dựa bên. Triệu Hổ bèn nhảy xuống lại gần hỏi rằng: "Vì sao cô nương lại ngồi nơi này, cái hòm ấy nguyên cớ làm sao?". Người đàn bà đáp: "Lạc tử bị chúng mưu hại, đặng đoạt bốn trăm lượng bạc, rồi chẳng biết làm sao lại vào trong quan tài này". Triệu Hổ bèn chạy kiếm đạo sĩ ở miếu ấy lại hỏi, thời đạo sĩ đáp rằng: "Miếu này nguyên của Oai liệt hầu, hôm qua người sai hai tên gia đinh khiêng quan tài tới, nói rằng mẹ của chủ quán Ác Thọ chết, dạy tội chôn, nhưng mắc phải ngày cấm thổ chưa chôn vội, đợi mai này sẽ chôn. Ai dè hối hôm nghe có tiếng rên rỉ trong quan tài, tôi lật đật mở ra thời là đàn bà chớ không phải bà già như lời đã nói“. Triệu Hổ nghe nói dạ phát nghi, nhìn lại bộ tịch người đàn bà thời hệt như đàn ông, ăn nói dõng dạ, đi đứng chững chạc lại càng lấy làm lạ lắm, liền truyền bắt đạo sĩ và giải người đàn bà về phủ Khai Phong.