Đây là nói qua tiểu đồng nhờ Tưởng Bình cứu đó nguyên là Cẩm Tiên. Từ lúc Thi Tuấn giận Kim Huy, ra đi ngồi trên ngựa nghĩ căm tức lắm. Vừa mệt, vừa giận, luôn ba ngày cơm nước không ăn được, liền nhuốm bệnh, tìm nơi ở trọ. Cẩm Tiên thấy chủ đau, thời lo sợ lắm, cậy chủ quán rước thầy xem mạch, bốc thuốc, ngày đêm săn sóc, áo không hề mở giải, chẳng rời ra khỏi phút nào. Lại thấy Thi Tuấn không đủ tiền tiêu, thời lấy bạc của Ngại Hổ cho lúc trước ra mua thuốc men. Kế đến ngựa chết một con, chủ quán thấy thế cùng quẫn lại tính sổ đòi tiền. Cẩm Tiên vất vả quá cũng mang bệnh. Ban đầu còn ráng hầu hạ Thi Tuấn, riết lắm không gắng nổi, bèn nằm mê man. Bấy giờ Thi Tuấn đã đỡ, phải lo săn sóc lại Cẩm Tiên, cậy rước thầy xem mạch bốc thuốc cho nó. Nhưng tội nghiệp quá! Không có tiền trả xem mạch và đi mua thuốc, phải cầm cả áo quần. Thi Tuấn thấy thế khốn quá phải bán con ngựa trả tiền cho chủ tiệm, còn dư bao nhiêu để mua thuốc cho Cẩm Tiên, thế là chỉ còn hai bàn tay trắng.
Thi Tuấn cầm đơn đi bốc thuốc cho Cẩm Tiên, trở về ngang chợ may gặp người bán lúa là Lý Tôn đương uống rượu với người quen là Trịnh Thân, Lý Tôn vốn có quen biết với Thi Tuấn, nên thấy Thi Tuấn đi ngang bèn kêu hỏi: "Thi công tử đi đâu đó?". Thi Tuấn đáp: "Chuyện tôi không thể nào nói một ít lời cho hết được". Lý Tôn nói: "Vậy xin mời ngồi ghế chơi và nói chuyện, người này là Trịnh Thân, cùng một bọn với tôi, không sao mà ngại". Thi Tuấn ghé vào, Lý Tôn hỏi tình do, Thi Tuấn thuật rõ việc từ trước tới sau, Lý Tôn nghe xong liền nói: "Nói vậy thời bây giờ thầy trò công tử đều đau ốm hết sao? À! Mà ở tiệm nào?". Thi Tuấn đáp: "Ở tiệm Liên Thăng mé bên phía tây". Lý Tôn nói: "Công tử đau mới mạnh chẳng nên quá lo, sẵn đây có mười lạng bạc, xin dâng cho Công tử dùng làm tiền dưỡng bệnh, nếu có thiếu rồi tôi sẽ đem lại tại tiệm dâng thêm". Thi Tuấn thấy Lý Tôn có lòng thành thật, lại đương lúc túng cùng, bèn nuốt thẹn mà nhận rồi tạ ơn xách thang thuốc lên tay sắp ra đi. Chỉ nghe Lý Tôn nói với Trịnh Thân rằng: "Anh uống ít ít thôi, còn phải lo giữ cái túi bạc với chớ". Trịnh Thân nói rằng: "Sợ cóc gì! Say rượu chớ bụng không say, có hai trăm lượng bạc chứ bao nhiêu, ta xách còn nổi, mà nhà chẳng còn bao xa nữa". Thi Tuấn liền hỏi: “Nhà ở đâu?". Lý Tôn nói: "Đi qua mé tây lối hai dặm có chỗ kêu là đầm Tùy Phương, đó là nhà của anh ấy!”. Lý Tôn nói: "Không dám nhọc Công tử. Tôi cần phải đi tỉnh sổ; nhưng mà thôi, để tôi đưa anh Trịnh về rồi sẽ trở lại tính". Nói rồi đứng dậy đi. Lý Tôn nói: "Thôi, phiền Công tử đưa giùm anh ấy đi, sau này tôi sẽ lại tiệm thù lao!". Thi Tuấn đáp: ”Xin Lý huynh yên dạ". Dứt lời liền đỡ Trịnh Thân đi. Trịnh Thân vừa nói láp đáp rằng: "Thôi, ngài đừng đưa tôi nữa, ngài cứ lo công việc của ngài đi". Thi Tuấn nói: "Anh Lý cậy tôi, lẽ nào tôi phụ lời sao?", Trịnh Thân đáp: ”Tôi cho ngài biết, tôi say thời say, chớ tôi còn biết rõ hết, tôi biết ngài đi bốc thuốc, tôi biết ngài có người đau, thôi ngài về đi, sắc thuốc cho người ta uống! Tôi không có ngày nào là không say, mà tôi cứ đi đi về về hoài, nếu mỗi lần say bắt người ta đưa thời ai đâu mà đưa cho đủ. Kìa tới quán Liên Thăng rồi, ngài đi vào đi, nếu không chịu, tôi cũng không chịu đi!”. Nói rồi đứng lại. Bỗng tên hầu phòng trong quán chạy ra nói với Thi Tuấn rằng: "Người tiểu đồng của cậu đương kêu tìm cậu”. Trịnh Thân nói: “Vậy thời ngài vào đi, tôi đi về!”. Thi Tuấn bèn xách thang thuốc đi vào, thấy Cẩm Tiên nóng mê nói xàm bèn lật đật đi sắc thuốc cho Cẩm Tiên uống, tới tối nó ra chút mồ hôi, trong mình khá lên nhiều.
Qua ngày sau, Cẩm Tiên tươi tỉnh được vài phân, Thi Tuấn cậy chủ quán đi rước thầy coi mạch cho đơn nữa. Cẩm Tiên cản rằng: "Đã bớt rồi, còn uống thuốc chi nữa cho tốn tiền". Thi Tuấn bèn đem việc Lý Tôn cho tiền nói lại cho Cẩm Tiên nghe. Một lát lâu, thầy thuốc tới coi mạch nói rằng: "Bệnh đã nhẹ nhiều, bốc vài thang thuốc về uống thì khỏi”. Nói đoạn kê đơn đưa cho Thi Tuấn. Thi Tuấn chạy đi bốc thuốc về sắc cho Cẩm Tiên uống, hôm sau thời mạnh như thường.
Tới ngày thứ ba, bỗng thấy chủ tiệm dẫn tới hai người công sai chỉ Thi Tuấn mà rằng: ”Người này là Thi tướng công đây". Hai người công sai liền nói: “Chúng tôi vâng lệnh lão gia tới đây mời tướng công". Thi Tuấn nói: "Mời ta có việc chi?". Công sai nói: "Tôi không biết, ngài tới đó thì rõ". Nói rồi, trói Thi Tuấn dắt đi, Cẩm Tiên thấy vậy thất kinh, không rõ chủ mình vì việc gì mà bị quan sai bắt, nên cũng đi theo lên huyện, lắng nghe tình thế.
Nguyên vợ Trịnh Thân là Vương Thị nhà trông chồng đã hai ngày mà không thấy trở về, bèn sai người đi hỏi Lý Tôn. Lý Tôn nói ngày nọ tan chợ, Trịnh Thân đã đem hai trăm lượng bạc đi về rồi. Vương Thị nghe nói lấy làm lạ, tới nhà Lý Tôn hỏi thăm nguyên do, vì sao nay bạc mất người cũng không còn, việc thật đáng nghi. Rồi viết trạng lên quan huyện đầu cáo nói Lý Tôn giết người đoạt của.
Công sai giải Thi Tuấn tới nha, quan huyện là Phương Cửu Thành lập tức thăng đường, sai đem Thi Tuấn lên, thấy chàng là người học trò nho nhã, chẳng phải là kẻ hung ác, bèn hỏi: "Lý Tôn có cậy ngươi đưa Trịnh Thân hay không?”. Thi Tuấn thưa: ”Nhân vì Trịnh Thân say, nên Lý Tôn không dám để cho về một mình, cậy tôi đưa nhưng Trịnh Thân không chịu, từ chối đôi ba phen, nên tôi trở về tiệm". Phương huyện quan hỏi: "Trịnh Thân có cầm vật gì không?". Thi Tuấn thưa: "Có cái túi mang trên vai, mà Lý Tôn nói với Trịnh Thân rằng: "Còn lo giữ túi bạc", và Trịnh Thân nói: "Sợ cóc gì, có hai trăm lượng bạc chứ bao nhiêu”. Tôi chỉ nghe nói như vậy, chớ trong túi có những gì thời thật không thấy”. Quan huyện thấy Thi Tuấn nói chắc chắn, không có vẻ giấu giếm, nên không nỡ gia hình, bèn dạy giam vào ngục, chờ ngày xét lại.
Cẩm Tiên nghe chủ can án nhân mạng bị giam nghi chắc không khỏi chết, lật đật chạy về chỗ trọ, khóc than một lúc rồi nghĩ rằng: "Nghe nói phủ Trường Sa mới đổi tới một vị Thái thú rất thanh liêm, vậy mình nên tới đó kêu oan cho chủ coi khỏi tội chăng?". Nghĩ đoạn đi tay không ra khỏi tiệm, nhắm Trường Sa đi tới. Chàng liệu trong mình đau mới mạnh, không đủ sức đi, lại không có tiền nữa. Kế thêm bị trận gió, đi không nổi, tiến thoái lưỡng nan, nghĩ vẩn vơ, rồi lo khóc, thảm quá bèn tính tự vẫn. May sao vừa mới treo vòng, Tưởng Bình gặp cứu và cho tiền.
Cẩm Tiên được tiền mừng rỡ quá, tinh thần phấn chấn, ráng sức đi Trường Sa, viết một tờ trạng kêu oan tới Thái thú.
Thái thú Trường Sa là Thiệu Ban Kiệt thấy trong trạng có tên Thi Tuấn bèn cho đòi Cẩm Tiên vào hỏi kỹ lại mới hay là cháu mình, con rể của Thi Kiều, liền lập tức xuất trát cho quan huyện Du giải cả bọn lên phủ, rồi lập tức thăng đường, hỏi lại một lượt y với lời cung khai trước. Quan huyện Phương Cửu Thành vừa lên hầu, Thiệu Công liền hỏi: "Quý huyện tra xét thế nào?". Phương Cửu Thành đáp: "Ti chức thấy Thi Tuấn không phải là người hung ác nên muốn tới đầm Tùy Phương tra xét một lượt”. Thiệu Công gật đầu nói: “Vậy càng hay". Đoạn phái người đi với quan huyện trở lại huyện Du đến đầm Tùy Phương. Tới nơi, quan huyện sai đòi người cai trị tại đó tới hỏi: "Làng mé tây nọ có mấy nhà?". Người ấy thưa: "Có tám nhà". Quan huyện lại hỏi: "Trịnh Thân ở nhà nào?". Người ấy thưa rằng: "Ở mé tây nhà ngoài cùng đó". Quan huyện đương hỏi, bỗng thấy dưới đầm chỗ lau sậy rậm rạp diều quạ bay lên đáp xuống, liền sai người cai trị tại đó xuống coi là vật gì? Người ấy cởi giầy lột tất lội xuống một lát trở lên bẩm rằng: "Tại đó có một cái thây người". Quan huyện sai sai dịch lội xuống khám nghiệm, thời thây ấy sau khi chết bị kéo bỏ dưới nước, trên cổ có dấu bị bóp họng. Cho đòi Vương Thị đến nhìn, thì quả là chồng bà. Quan huyện bảo người cai trị tại đó đòi hết tám nhà trong xóm lên phủ Trường Sa hầu thẩm.