Kim Sinh nói: "Chớ ngại điều ấy, gần đây có tiệm Thái Hòa, buôn bán đủ các thứ thực phẩm, lo gì không có lễ vật". Võ Mặc nghe nói đã có ý lo, song mím môi ráng chịu. Bây giờ Kim Sinh không sai Võ Mặc lại sai người nhà trọ đi gọi người ở của tiệm Thái Hòa qua cho mình hỏi. Người tiệm Thái Hòa tới, Kim Sinh sai sắm sửa đầu heo, nhang, đèn, rượu đủ cả đồ tế lễ, và bữa ăn thượng hạng, cá lý ngư tươi, rượu Nữ Trinh Thần Thiệu, các thức ăn y như bữa hôm qua. Võ Mặc nghe nói mà nhăn mặt, sợ lại một chuyến nữa chắc chết đói chết lạnh nếu không cũng đến ở đợ, nhưng ráng sức nhịn, chỉ thấy Nhan sinh và Kim Sinh cười cười nói nói như thường. Chẳng bao lâu lễ vật bày đủ, hai người đứng vào thề nguyền, Nhan sinh lớn hơn Kim Sinh hai tuổi làm anh. Lễ xong hai người ngồi ăn uống. Ăn xong cùng bảo Võ Mặc ăn như thường. Chuyến này Võ Mặc chẳng những ăn một mình mà lại mời người hầu phòng ăn, có thiếu thời cứ đi lấy đồ ăn thêm, không thèm hà tiện nữa. Ăn uống xong dọn dẹp đi ngủ. Sáng Nhan sinh thức dậy trước, Võ Mặc hỏi: "Sao tướng công không hỏi quê quán nghề nghiệp của Kim khách rồi sẽ kết minh, nếu rủi gặp kẻ bất lương thời thanh danh còn gì?". Nhan sinh nói rằng: "Sao mày lo quấy, nói nhiều điều trái ý tao, từ nay không được như vậy nữa". Câu chuyện vừa dứt, Kim sinh thức dậy kêu tiểu nhị đem sổ tính tiền, thời thấy hết mười tám lượng ba tiền, Kim Sinh cũng hứa cho người hầu phòng hai tiền như lệ cũ. Xem sổ rồi quay lại nói với Nhan sinh rằng: "Thưa nhân huynh?... " Võ Mặc tưởng Kim Sinh kiếu từ nên mặt dớn dác, ngực đánh phập phình. Té ra không phải, Kim Sinh nói với Nhan sinh rằng: "Nhân huynh tính lên kinh đầu thân thế nào, e lòng người lạnh nhạt thời sao?". Nhan sinh đáp: "Tiện huynh cũng có nghĩ như thế, vì mấy năm nay cô dượng tôi bặt tin đi lại, nhưng thân mẫu dạy như vậy, biết cãi làm sao?". Kim Sinh nói: "Thế thời phải lo tính mới được". Võ Mặc đứng nghe câu chuyện cười thầm rằng: "Thôi mà, ăn rồi thời đi, cần nói lôi thôi gì nữa". Hai người đương trò chuyện, bỗng thấy một người đẩy cửa bước vào tới trước mặt Kim Sinh xá mà thưa rằng: "Lão gia tôi e ngài đi đường thiếu tiền xài nên sai đem thêm bốn trăm lượng". Kim Sinh nói: "Ta không cần nhiều như vậy, chỉ lấy hai trăm lượng mà thôi, còn bao nhiêu đem về và thưa lại rằng ta rất cảm tạ lão gia mi”. Người nọ nghe nói liền móc ra bốn gói bạc để lên bàn. Kim Sinh lật đật xé ra lấy hai nén cho người nọ làm tiền trà nước. Người nọ vừa từ tạ ra đi, Kim Sinh kêu vào nói rằng: "Mi cưỡi ngựa lại đây phải không? Ta còn cậy mi một chút nữa". Nói rồi hỏi Nhan sinh rằng: "Cái giấy cầm đồ ở Hưng Long trấn đâu?". Võ Mặc lật đật đưa lên, Kim Sinh sai người nọ đi chuộc.
Người nọ đi rồi, Kim Sinh lấy hai đĩnh bạc cho Võ Mặc và nói: "Tiền này cho riêng em dùng bánh trái chơi vì công em cực nhọc mấy hôm nay và em cũng nên biết rằng ta không phải là người quấy người chạ!". Võ Mặc thẹn lắm, cúi đầu làm thinh. Một lát đồ đạc của Nhan Sinh đã được chuộc về, giao cho Võ Mặc gói cất xong xuôi. Sáng ra Kim Sinh trả tiền phòng và lễ vật lúc đêm hết mấy chục lượng, sắm ngựa và y phục thêm cho Nhan sinh cũng mấy chục lượng, còn hơn một trăm lượng tặng cho Nhan sinh. Nhan sinh không nỡ nhận, song thấy Kim Sinh nài nỉ quá cũng phải cầm. Bấy giờ Kim Sinh mới từ giã ra đi, hẹn rằng lúc lên kinh lại gặp nhau nữa.
Kim Sinh đi rồi, thầy trò Nhan sinh cũng sủa soạn ra đi, Võ Mặc cũng mua một con lừa, chủ trước tớ sau, vó ngựa mống lừa, bụi hồng mù mịt. Chẳng bao lâu đã tới huyện Tường Phù, đi qua Song Tinh Kiều hỏi thăm nhà Liễu viên ngoại.
Nguyên chú dượng của Nhan Xuân Mẫn là Liễu Hồng, người khó tính, chuyên nghề làm ruộng, tuy với cha của Xuân Mẫn có tình anh vợ em rể mà không thuận nhau. Song thấy người làm quan huyện thời mê, nên đem con gái mình hứa hôn với Xuân Mẫn. Sau nghe cha Xuân Mẫn thất lộc, có ý ăn năn. Ba năm trước cô của Xuân Mẫn chết, Liễu Hồng cưới vợ khác là họ Phùng, người ấy có mặt hiền lòng dữ, mỗi khi Liễu Hồng nhắc tới việc hứa hôn thời Phụng Thị ngăn cản, vì vậy mà Liễu Hồng đã có ý từ hôn. Phùng Thị có một người cháu tên là Phùng Quân Hoành tuổi xấp xỉ với Kim Thiền tiểu thư, nên có ý muốn đem cháu làm rể, để sau này hưởng trọn gia tài của họ Liễu. Bởi vậy nên Phùng Thị giả bộ thương Kim Thiền lắm, và thường cho Quân Hoành hay lui tới để Viên ngoại thương. Bề ngoài thì Viên ngoại làm ra vui vẻ, nhưng trong lòng lấy làm khó chịu vì Quân Hoành xấu xa và là đứa vô nghề nghiệp, cho nên chưa lộ ý ra.
Hôm ấy Liễu Hồng đương ngồi suy nghĩ về nỗi nhân duyên của con mình, bỗng thấy gia đinh vào thưa cỏ Nhan công tử ở huyện Võ Tấn tới ra mắt, liền hỏi rằng: "Nó tới đây ăn mặc và diện mạo thế nào?". Gia đinh thưa: "Công tử hình dung tuấn tú, cưỡi ngựa mập, mặc y phục rất đẹp, có tiểu đồng theo hầu rất tề chỉnh". Liễu Hồng tưởng Nhan sinh đã phát tài lại rồi, nên cả mừng, vội vã ra cửa, thấy y như lời gia đinh đã nói thời vui vẻ lắm, bước tới đón vào. Nhan sinh lấy lễ dượng cháu đáp lại. Vào nhà hai bên hỏi thăm nhau, gia đinh dâng trà lên cùng uống. Nhân chuyện vãn Nhan sinh nói tới thế nhà mình sa sút, nên không thể đọc sách được, nay gia mẫu dạy tới đây đầu thân chờ sang năm ứng khảo, vừa nói vừa dâng thư lên. Liễu Hồng xem xong trước kia vui vẻ bao nhiêu bây giờ lại buồn bã bấy nhiêu, dạy gia đinh dọn phòng cho thầy trò Nhan Xuân Mẫn nghỉ. Nhan sinh xin ra mắt cô thời Liễu Hồng lại nói dối rằng: "Tiện nội mấy hôm nay không được khỏe trong mình, vậy xin để khi khác".
Nhan sinh thấy quang cảnh như vậy, cũng có ý buồn song biết làm sao bây giờ, đành theo gia đinh ở nơi phòng gần hoa viên mà thôi. Nhan sinh được Liễu Hồng cho ra mắt là nhờ Kim Sinh biết trước tình đời vậy, nên sắm sửa cho ăn mặc lòe loẹt, nếu không chắc là không được vào nhà.