BÃO TÁP CUNG ĐÌNH

CHƯƠNG 21

Trước khi Lê Tần đi khám sát vùng biên ải, thái sư thống quốc Trần Thủ Độ có ghé thăm tận tư dinh.

Lê tướng quân tuổi còn trẻ, nhưng là một tay nghĩa hiệp. Văn võ kiêm toàn. Tuy trẻ, nhưng lại chín chắn, thận trọng. Thường lấy bụng nhân để đãi người. Những đức tính ấy làm tăng phẩm cách của ông ta. Trần Thủ Độ trọng tướng quân cũng là ở nơi nhân cách của họ Lê. Thái sư đặt nhiều sở vọng vào vị tướng quân này. Trần Thủ Độ cũng không cần giấu giếm lòng mến mộ của ông, mặc dù tướng quân là người ngoại tộc. Đã nhiều phen đàm đạo về thế sự, hai người tỏ ra tâm đắc lắm. Trần Thủ Độ cũng mong có dịp nào đấy, sẽ cất nhắc Lê Tần ở vào chức vụ cho xứng với tài, đức của tướng quân. Về phía mình, Lê Tần cũng nhìn thấy thái sư, rõ ràng là một bậc tài trí. Điều làm Lê Tần kính trọng thái sư còn ở chỗ, ông xét đoán công việc như thần, tiên lượng được cả những điều nhỏ nhặt và bất ngờ có thể xảy ra. Đấy là đức quý nhất của người làm tướng. Quí hơn cả là thái sư rất trọng hậu đối với những người hiền tài. Và không có lòng đố kỵ. Vì vậy có những việc thái sư làm, về đạo lý không chấp nhận được, nhưng cũng không vì thế mà có thể xem nhẹ vai trò của ông ta đối với thời đại. Phân biệt được như vậy, nên Lê Tần vẫn xem thái sư như là linh hồn của cả vương triều.

Lê Tần mời thái sư ngồi lên kỷ. Còn tướng quân tự bê một chiếc ghế đẩu, ngồi đối diện phía ngoài.

Nô bộc dâng trà. Thái sư cho lui. Và lấy ở trong bọc ra một be sành rượu.

Ông giơ chiếc be lên trước mặt rồi nói:

- Được tướng quân nhận lời đi thám sát biên ải, thấy lòng vui quá. Tự nhiên muốn uống với tướng quân vài chén, nói với nhau một đôi lời. Vừa nói, thái sư vừa liếc nhìn Lê Tần, vừa rót đầy lùm hai chén rượu. Thái sư nâng chén rượu đầy trao cho Lê Tần:

- Xin tướng quân cạn chén. Nếu tướng quân làm sánh một giọt ta sẽ phạt tướng quân phải uống thêm một đấu.

Lê Tần kính cẩn đỡ lấy chén rượu trong như một khối ngọc. Trần Thủ Độ cũng tự nâng chén lên. Lê Tần nói:

- Kính chúc sức khỏe thái sư. Tướng quân ngửa cổ uống một hơi cạn sạch.

Trần Thủ Độ “khà” một tiếng, rồi đặt chén xuống kỷ:

- Chúc tướng quân đi chuyến này thành đạt. Nói rồi ông cầm lấy chén của Lê Tần rót xuống mặt kỷ, được vừa đúng hai giọt, ông nói:

- Ta mời tướng quân cạn chén, mà tướng quân không uống hết, thế là phụ lòng ta. Vậy ta phạt tướng quân mỗi giọt phải uống bù một chén. Nói rồi ông trao be rượu cho Lê Tần - Tướng quân tự rót lấy.

Trần Thủ Độ thừa biết Lê Tần là một tay bợm rượu. Có lần trong tiệc khao quân, ông đã thấy Lê Tần chấp cả năm đô trưởng, mà Tần vẫn cứ tỉnh như không.

Thái sư tuy đã có lệnh nghiêm cấm việc uống rượu trong quân doanh. Nhưng cuộc uống này lại khác. Đây là uống ở tư dinh trong lúc thù tiếp, không có gì phạm vào luật cấm kỵ. Chính vì thế, Lê Tần càng biết thái sư biệt đãi mình.

Uống xong, Lê Tần đặt be rượu trả Trần Thủ Độ, vòng tay kính cẩn nói:

- Bẩm thái sư, trước lúc tiểu tướng lên đường có điều gì xin thái sư răn dạy.

Trần Thủ Độ cười vui, khuôn mặt quắc thước của ông có phần dịu lại, khiến Lê Tần cảm thấy ấm áp, gần gũi. Trần Thủ Độ nâng chiếc be rượu lên ngang mày, nói:

- Đây là món đồ của phường gốm Bát Tràng cho ta. Ông xoay chiếc be hết mặt nọ sang mặt kia - Tướng quân xem, men độc sắc màu cánh dán. Loại men này ta ưa hơn men huyến bò của Tống. Tất nhiên men Tống nó có vẻ hào hoa hơn. Nhưng men của ta, đằm hơn. Lại cái dáng, ta cũng ưa nó khỏe hơn vóc dáng Tống. Nghề đến như thế này, theo ta là tuyệt đỉnh. Các đời trước chưa hề thấy có. Sau này thế nào thì chưa rõ. Chẳng hay ý tướng quân ra sao? Lê Tần chưa kịp đáp lời, Trần Thủ Độ lại nói tiếp:

- Quý vật phải tầm quý nhân. Ta xin biếu lại tướng quân.

Lê Tần cảm kích hai tay đỡ lấy chiếc be, quỳ xuống vái Trần Thủ Độ.

Thái sư vội đỡ Lê Tần, ông nói:

- Ta vì lòng quý trọng tướng quân. Một chút quà mọn để lưu dấu tình ta mà sao tướng quân thủ lễ một cách thái quá.

- Bẩm thái sư, tiểu tướng chưa có công lao gì đã được bề trên ưu hậu. Thái sư gia ân cho tiểu tướng đi thị sát miền biên ải, hẳn có điều gì khuyên bảo trước lúc lên đường.

- Chính vì việc đó mà ta đến đây. Trước hết phải xem xét việc canh phòng, việc lập các đồn trại, việc luyện tập hàng ngày. Việc lương thảo, vũ khí và lòng quân, lòng dân đối với triều đình. Tướng quân cũng kiểm xét xem, việc các lộ trên đó phái người sang thám sát ở bên kia, có thu được tin tức gì mới lạ không?

Ta lưu ý tướng quân, lần này cùng đi với tướng quân còn có Hoài Vương Liễu. Mọi điều có quan hệ đến việc quân, tướng quân tự quyền quyết lấy. Còn các việc về dân sự, thuộc quyền vương Liễu. Hai người có thể tham bác nhau, nhưng không phụ thuộc nhau. Về phần vương Liễu, vốn thích chuyện hoa nguyệt. Đôi khi cậy quyền cậy thế làm bừa. Tướng quân gắng giúp cho vương Liễu khỏi vướng vào cái vòng luẩn quẩn, làm mất cả thể diện của triều đình. Chắc tướng quân còn nhớ cái vụ ở cung Lệ Thiên hồi giữa năm Bính thân(1) chứ? Đấy, tốt nhất là không nên để xảy ra điều gì đáng tiếc. Tướng quân đi gấp. Xong việc về ngay, ta còn cần Tướng quân vào việc khác, hệ trọng không kém việc tướng quân lên biên ải.

Thái sư ngừng lời, Lê Tần bèn lên tiếng:

- Trình Thái sư, tiểu tướng xin hết lòng phụng quân mệnh.

- Chúc Tướng quân vạn an.

Vương Liễu, Lê Tần vừa ra khỏi kinh thành vài chục dặm. Trần Thủ Độ đã cho quân đến bao vây phủ Hoài vương. Bao nhiêu vệ binh, tinh binh của Trần Liễu đều bị áp giải giáp hết và bắt phải lập tức trở về quê quán làm ăn. Kẻ nào còn trù trừ sẽ chém bêu đầu. Thế là trong phút chốc, cơ đồ binh nghiệp mà Trần Liễu tốn công gây dựng tan biến như khói mây chiều. Phủ đệ của Trần Hoài vương vẫn được bảo tồn nghiêm ngặt, duy có Thuận Thiên được rước về nội điện của Thái tôn.

Tin đó đồn ngầm trong kinh thành, thoáng lát đã loang ra như một đám cháy được gió thổi tung đi các ngả. Các đại thần hối hả vào triều kiến đức vua.

Điện Thiên An đóng cửa. Các bậc lão thần, những người lương đống lại kéo sang cung Thủy Tĩnh, Trần Thủ Độ treo biển “hồi tị”(2). Các quan lần lượt kéo nhau về, túm năm tụm ba bàn tán. Mọi người đều bàng hoàng trước cảnh đồi phong bại tục của hoàng gia. Đầu têu chuyện này là từ Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung. Gốc của sự loạn, lại chính từ nơi các người có quyền lực nhất nước còn biết tính sao?.

Quan thừa chỉ dâng sớ hạch tội Trần Thủ Độ. Ông xin cáo quan. Không đợi nhà vua xét định. Ông bỏ kinh thành đi. Không ai biết ông đi đâu.

Được chú và mẹ đón vào nội điện, Thuận Thiên còn chưa hết ngơ ngác, đã được phu nhân Trần Thủ Độ ra kéo vào hậu điện. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thuận thiên hỏi:

- Thưa mẹ, cớ làm sao Hoài Vương phụng quân mệnh lên biên ải, thái sư lại đem binh đến vây vương phủ? Nhất loạt bắt hết bọn thân vệ, tinh binh phải hồi hương. Bắt cả con phải lên kiệu về bên này. Có phải Hoài Vương làm loạn hay thái sư lộng hành? Nói rồi Thuận Thiên xõa tóc gào khóc thống thiết.

Phu nhân ruột rối như tơ vò, nghe tiếng con khóc bà bủn rủn cả chân tay. Không ngờ cơ sự lại xảy đến như thế này. Những tưởng ông ấy sắp đặt được êm thấm. Ai ngờ nông nổi cứ mỗi ngày mỗi rối thêm. Từ bữa ông ấy ngỏ ý tới nhà vua, hoàng thượng đã khước từ. Ta chưa kịp nói gì với Chiêu Thánh, thì Trần Cảnh đã giãi bày với nó rồi. Tới lúc mẹ con nói chuyện với nhau thì thật là tàn nhẫn. Ta cảm nhận như đây là một cuộc xô xát. Chiêu Thánh uất ức phản bác ta. Coi ta như một con yêu tinh, chui vào triều Lý để sát hại cha nó và làm sụp đổ cả vương triều này. Chắc là nó bị xúc động quá, không hiểu được nỗi lòng ta thương chị em nó. Ta cũng chẳng chấp với con cái làm gì. Nhưng điều ta đau buồn nhất là con bé như phát khùng lên. Y hệt cái chứng loạn tâm của Huệ tôn ngày trước. Nó như không muốn nhìn mặt ta. Hễ thấy ta ló vào là nó hét lên: “Ma! Ma!” Vài bữa nay ta xem nó đã bớt la hét. Đã chịu nhấm nháp ăn uống chút đỉnh. Còn nhà vua cũng đã bình thường. Tưởng việc hãy xếp lại. Ai ngờ ông ấy lại quyết liệt thái quá. Bắt Hoài Vương lên biên ải, đón Thuận Thiên về cho đức vua, chặt hết tay chân vây cánh của Liễu. Tức là ông ấy ra mặt ép, không cần các cháu có chấp nhận hay không. Người đâu mà kỳ cục!

Nắm lấy tay Thuận Thiên, phu nhân nhẹ nhàng nói:

- Con hãy cứ bình tâm. Bình tâm lại đã, rồi mẹ nói cho con nghe. Đừng có hấp tấp con ạ. Đây là chuyện trong nhà, ta đóng cửa bảo nhau. Chớ có to tiếng mà vạch áo cho người xem lưng.

Thuận Thiên vẫn còn khóc tức tưởi, một lát sau nàng nói:

- Phu nhân chỉ muốn bịt miệng con. Nhưng Thái sư làm như vậy thì cả nước biết chứ giấu được ai? Nếu sợ thì đừng làm bậy nữa có được không?

Phu nhân cảm thấy khó chịu về cách ăn nói của con gái, nhưng bà vẫn ngon ngọt dỗ dành:

- Các cô là lắm điều lắm đấy. Con gái mẹ lớn quá rồi. Nghe nói con đã tắt kinh gần ba tháng phải không? Gớm sắp làm hoàng hậu đến nơi rồi còn ngúng ngẩy cái gì. Phu nhân vừa buông lời, vừa nhìn sắc mặt con thăm dò.

Thuận Thiên chậm hiểu, nhưng rồi cũng nhận ra lời nói khá lọt tai, bèn hỏi:

- Thưa mẹ, con không hiểu ý mẹ định nói gì. Phải chăng đức vua lại trả ngôi báu về cho Hoài Vương? À mà thế cũng phải, không có anh em lại hục hặc với nhau suốt đời.

- Chuyện không phải thế. Nhân đây mẹ nói cho con nghe. Số là Chiêu Thánh nó bấy bót quá. Lại từ ngày sinh hoàng tử Trịnh chết yểu tới nay đã năm năm. Xem ra cũng không còn sinh nở được nữa. Mẹ cùng chú mày bàn đến nát nước. Mãi sau mới tính chuyện đem con về bên này. Thế là hai chị em cùng có phúc, có phận cả. Mà họ Trần ta cũng được nhờ vào các con. Hoài vương thì nó được thằng Quốc Tuấn rồi. Còn nhà vua thì muộn mằn quá. Vả lại mẹ cũng không muốn con phải làm lẽ. Thân cành lá ngọc, phí một đời. Nay con về đây, hai chị em cùng là hoàng hậu. Con cái nối dõi đã có sẵn trong bụng rồi, còn lo gì. Nếu các con nghe lời mẹ, thì vĩnh viễn đời đời, mẹ có chết cũng yên lòng.

Nghe mẹ nói, Thuận Thiên cứ ngỡ là mẹ ốm đau gì đâm mê sảng, nàng hoảng hốt thật sự. Hết sờ vào tay lại ấp vào trán mẹ. Phu nhân tưởng như con gái nghe lời mình, vì thế bà cứ nói liên hồi cho đến lúc Thuận Thiên không chịu được nữa, gào lên:

- Sao mẹ nỡ đem cái chuyện chó lợn ấy nói với con.

Khi ép con phải lấy Hoài vương cũng mẹ chứ ai. Ngày ấy con đã biết gì. Thế em Chiêu Thánh đâu rồi?

- Chiêu Thánh! Chiêu Thánh! - Thuận Thiên gào lên. Em có còn, hay người ta giết chết em rồi. Khổ thân em tôi.

- Con làm gì mà ồn lên thế, Thuận Thiên! Mẹ tính vậy để lo cho các con được trọn vẹn. Vả lại giữa Cảnh với Liễu cũng là hai anh em ruột nhà nó, với hai chị em ruột nhà mày, chứ có phải người xa lạ nào mà sợ. Việc này tùy con, mẹ không ép. Phu nhân đã toan đi vào, thì chợt có tiếng một chuỗi cười dài dại từ phía ngoài vọng tới. Rồi Chiêu Thánh lấp ló ngay nơi cửa. Đầu tóc rối bù. Áo quần xộc xệch. Chân không giày dép. Tay cầm bông mẫu đơn, Chiêu Thánh vừa đi vừa hát:

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi(3)

Hát xong, Chiêu Thánh lại cười sặc sụa.

Chợt trông thấy Thuận Thiên, mắt Chiêu Thánh vụt sáng lên, reo òa:

- A, chị Thuận Thiên! Rồi Chiêu Thánh lùi lại nhìn Thuận Thiên như nhìn người xa lạ. Buông tiếng chào lạnh nhạt:

- Kính chào hoàng hậu.

Chiêu Thánh ngoắt quay đi, như chưa hề biết có Thuận Thiên.

Thuận Thiên hốt hoảng lao theo em. Vừa đi vừa gọi:

- Chiêu Thánh! Chiêu Thánh! Chị đây mà.

Phu nhân đứng nhìn hai chị em, lòng ngao ngán.

Tiếng Chiêu Thánh vẫn còn vang vọng:

- Người ta vây phủ Hoài vương, diệt vây cánh Trần Liễu. Thế nào rồi con ngựa Hoài Vương ruổi sáng nay cũng trở về. Nhưng không có người cưỡi nó trên yên đâu, chị Thuận Thiên ơi!

Ha ….ha ….ha….ha! Túy ngọa sa trường….

===============.

1. Bính thân (1236), tháng 6 lụt to, nước tràn vào cung Lệ Thiên, Hiển hoàng Trần Liễu đi thuyền qua đây, thấy có người phi cũ của triều Lý bèn đưa vào hiếp ở trong cung. Có người hặc tâu, giáng Trần Liễu từ Hiển hoàng xuống Hoài vương. Và đổi cung Lệ Thiên thành cung Thưởng Xuân.

2. Có nghĩa là: quay về, không tiếp khách.

3. Đây là khúc Lương Châu của Vương Hàn, đời nhà Đường. Dịch nghĩa:

Chốn sa trường say nghiêng ngả ai nỡ cười

Xưa nay đi chinh chiến đã mấy người trở lại.