BÃO TÁP CUNG ĐÌNH

CHƯƠNG 17

Cuộc tuần thú của đức vua từ Thăng Long ra An Bang xuất phát từ một chiếc lâu thuyền. Đó là một chiếc thuyền rồng lớn có tên Phi Long. Sức chứa tới vài ba trăm người với khoảng vài ba chục con ngựa. Nhưng trên thuyền, ngoài bọn thuỷ thủ ra, chỉ có một đội lính cận vệ ba chục tên với vài cỗ kiệu, dăm bảy con ngựa. Tháp tùng đức vua còn có quan thừa chỉ và một vài nội nhân(1) theo hầu.

Chiếc lâu thuyền từ hồ thuỷ quân đi ra bên Đông bộ đầu, đã làm cho dân kinh thành phải xôn xao. Người ta nườm nượp kéo nhau đi xem lâu thuyền, như trẩy hội. Chiếc thuyền thon dài, cao lênh khênh, hai tầng. Hai bên mạn thuyền trạm nổi hai con rồng vươn đầu lên, như sắp bay vút vào không gian. Hai con rồng sơn màu đỏ. Mạn thuyền sơn màu vàng. Con thuyền trang trí lộng lẫy từ những chiếc rèm cửa sổ, đến các hàng con tiện. Từ những cây cột buồm, đến các mái chèo, đều được kén chọn vải tốt, gỗ quí, soi, tiện, sơn quét thật là ngoạn mục.

Từ mờ sáng, cả kinh thành còn đang ngái ngủ, vua Thái tôn cùng đoàn tuỳ tùng, đoàn hộ giá đã xuống thuyền.

Thái tôn vốn trọng nhân cách quan thừa chỉ, nhưng chưa có dịp thù tiếp. Nhà vua muốn nhân cuộc tuần thú này để dò biết ý tứ quan thừa chỉ, và cũng là ý tứ của các bậc trọng thần.

Thắm thoắt, Trần Cảnh được Chiêu Hoàng nhường ngôi đã gần chục năm. Bằng ấy năm ở ngôi, Trần Cảnh tự xét các công việc triều chính đều dựa vào một tay Trần Thủ Độ. Ông chú rất mực trung thành với đế nghiệp họ Trần. Song ông chú cũng là một người chuyên chế. Dần dần Trần Cảnh cũng ý thức được ngôi vị của mình, nên trong từng việc, nhà vua đã tự mình xướng xuất. Gần đây sau khi thượng hoàng mất, Trần Cảnh lấy thái uý Trần Liễu là anh ruột làm phụ chính, sách phong Hiển hoàng. Cùng lúc định phong cho anh ruột Trần Thủ Độ là An Quốc làm đại tướng. Thái sư nói: “An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho thần là hiền hơn An Quốc, thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao?”. Các quan đều cho ý của Trần Thủ Độ là phải. Vua bèn thôi.

Phải nói, nhà vua là người kiên tâm học hành lại chịu khó tham bác ý kiến các bậc quốc sĩ, các vị trọng thần, và thường là biết nghe lời khuyên can của người trên, kẻ dưới. Chính việc không cố chấp ấy đã khiến cho nhiều người muốn gần gũi nhà vua.

Việc quan thừa chỉ chủ mưu chuyện cần vương hồi sinh thời Lý Huệ tôn, nhà vua cũng được Trần Thủ Độ cho biết. Nhưng thái sư lại căn dặn nhà vua phải trọng dụng quan thừa chỉ, vì ông ta là người hiền.

Con thuyền đi giữa đôi bờ san sát những lúa ngô. Thỉnh thoảng một cánh rừng ăn xuống tận mép sông. Nhìn quang cảnh đất trời lồng lộng, không khí yên ả thanh bình, lúa, ngô xanh tốt bời bời, nhà vua lấy làm đẹp ý, tự nhiên muốn thổ lộ tâm tình. Đúng lúc có tên lính trạo nhi(2) đi qua, nhà vua sai vào trong khoang mời quan thừa chỉ lên lầu đàm đạo.

Quan thừa chỉ là một người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, vầng trán cao, tiếng nói đanh như tiếng chuông. Ông có uy khác thường. Nếu ai làm điều gì trái ý, ông chỉ đưa mắt nhìn, kẻ ấy phải thôi ngay.

Quan thừa chỉ sớm nay mặc áo thụng tía, quấn khăn chữ nhân bằng vóc tím trùm lên cả búi tó phía sau đầu. Nhìn từ phía lưng, đầu ông tựa hình một chiếc mui thuyền. Ông vái nhà vua hai vái, rồi nói:

- Tâu bệ hạ. Non sông Đại Việt ta quả là gấm vóc, trù phú, nhìn mãi không chán mắt. Đối cảnh sinh tình, thần vừa tức sự được một bài tứ tuyệt. Dâng bệ hạ ngự lãm. Vừa nói, ông vừa móc trong tay áo thụng ra một tờ giấy hoa tiên, nét mực đen ánh như chưa kịp khô.

Thái tôn đọc chăm chú. Nét mặt nhà vua mỗi lúc một thêm tươi nhuần. Đọc đi đọc lại tới cả chục lần. Nhà vua như đang tìm kiếm điều gì phía sau các con chữ. Hết nhìn vào bài thơ, Thái tôn lại ngẩng nhìn trời nhìn dòng sông, và dường như dừng rất lâu lại phía đôi bờ trù mật. Cuối cùng nhà vua nhìn thẳng vào quan thừa chỉ. Trả lại cho ông bài thơ, Thái tôn nói:

- Ông dùng chữ như thần. Ta chưa từng biết có bài thơ tức sự nào hay hơn thế.

Để tỏ lòng biết ơn, quan thừa chỉ vái nhà vua hai vái. Vẻ cung kính, ông nói:

- Bệ hạ quá khen. Nếu có tứ nào lọt được vào mắt xanh của bệ hạ, ấy là do thần được thụ hưởng khí thiêng sông núi do hồng phúc của bệ hạ tạo nên, chứ thần có tài cán gì đâu.

- Ông khiêm nhường quá. Ta mong trong cuộc tuần sát này được ông chỉ bảo cho đôi điều hữu ích. Ông đừng thủ lễ một cách thái quá. Hãy coi ta như một người bạn vong niên. Được thế, ta thật quí vô cùng.

Đúng là Thái tôn thiếu người để thổ lộ tâm can. Trong lớp lứa với ông, chỉ có Chiêu Thánh hoàng hậu. Nhưng không thể đàm đạo thế sự với đàn bà. Vả lại, hậu có hiểu biết gì mấy mà trò chuyện. Duy có thượng hoàng, đôi khi nhà vua còn tỏ lộ được nỗi lòng. Khốn nỗi, thượng hoàng đã sớm lìa bỏ nhà vua để về với tiên tổ. Ngay cả đến thái uý Trần Liễu, nhà vua cũng không bầy tỏ được điều gì. “Hình như huynh trưởng vẫn có ý coi thường ta thì phải”. Trần Cảnh biết thế, nhưng nhà vua là người hiếu đễ, nên dằn lòng chịu đựng chứ không phản bác. Đối với quốc mẫu, tức phu nhân Trần Thủ Độ, nhà vua vẫn một lòng tôn kính. Bà là người đảm lược, khéo léo thu xếp mọi việc trong hoàng gia và hoàng tộc. Ít ai có thể chê trách được bà.

Trong nhà đã vậy, ngoài triều chính lại chỉ có bàn bạc việc công với những ông già khú đế, không còn sức sống, nhưng lại bài xích lớp trẻ, không muốn để cho ai thay thế mình, ngoài con cháu họ. Nhà vua luôn luôn có mặc cảm cô đơn. Nhiều khi cũng muốn gặp gỡ, để hỏi han hoặc bàn bạc cho ra lẽ với thái sư thống quốc. Nhưng Trần Thủ Độ là một người nghiêm khắc, và chỉ áp đặt chứ ít khi chịu bàn bạc. Có việc nhà vua đã quyết hẳn hoi trước bá quan, mà Thủ Độ vẫn không tuân, ví như việc cử ông trị nhậm Thanh Hoá. Ông chỉ nhận kiêm thêm, rồi giao cho một viên phó của ông nhiệm sở. Còn ông không bao giờ chịu rời bỏ quân đội.

Tự biết mình vì đâu được ngồi trên thiên hạ. Thái tôn thấy có bổn phận phải thờ chú như cha. Cho nên cái gì dù ông đã quyết mà Thủ Độ phản bác, ông tìm cách bãi bỏ cho êm chuyện. Nhà vua cũng biết không thể dựa mãi vào lực của người khác được. Mai đây thái sư già, rồi khuất núi. Mọi việc sẽ đến tay mình. Nếu không tu chính học vấn từ bây giờ, sau này biết được điều phải quấy ra đâu mà chăn dắt trăm họ. Bởi thế nhà vua đã học một cách ẩn nhẫn, có thể nói, đức vua đã nhún mình thờ các bậc quốc sĩ, trọng dụng những người hiền đức, ngõ hầu đem lại sự an dân hưng quốc.

Sực nhớ đang tiếp chuyện quan thừa chỉ, và đang nói về bài thơ tức sự của ông, Thái tôn hỏi:

- Hẳn là ông đã viết được nhiều rồi?

Quan thừa chỉ mỉm cười cung kính:

- Tâu hoàng thượng, thần vốn đầu óc quê kệch, chớ đâu có tâm hồn siêu viễn như các bậc thi nhân. Nhưng trước cảnh đẹp của đất nước, trước nỗi vui buồn, yêu ghét của đám lê dân và của chính hạ thần, không biết thổ lộ cùng ai, đành phải cầm bút viết. Những cảnh, những tình như thế, thần ghi lại được từ thuở mười lăm mười sáu tuổi cho tới nay đã ngoài sáu chục tuổi, kể có vài ngàn bài.

Thái tôn chau mày, vẻ khiếp phục:

- Vậy chớ ông còn lưu giữ được cả chứ. Ông có thể cho ta coi được chăng?

- Dạ, tâu hoàng thượng. Phần mỗi khi đọc lại, có những bài không còn thấy thích nữa, thần đốt đi. Phần do những năm biến loạn, vật đổi sao dời, chẳng biết ra sao, lại mang hoạ vào thân, thần đã đốt gần hết. Dạ muôn tâu, thơ là để nói lên trước hết cái tâm chất của mình rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên, và cảnh ngộ của con người. Sau nữa là nói lên cái chí của mình. Thứ đến là nói tới những cái mình thật yêu hoặc thật ghét

- Tiếc quá! Tiếc quá! Tại sao ông không viết khác đi một chút, hoặc thác lời vào cái này cái nọ để có thể lưu giữ được cho đời sau?

Quan thừa chỉ cười thầm: đức vua của ta còn thơ ngây quá, trắng trong quá. Chưa hiểu được cuộc đời cùng thế sự. Ước gì mãi mãi ông ta giữ được sự thanh khiết của tâm hồn, để đem vào việc trị nước an dân. Chợt nhớ nhà vua vừa bảo “viết khác đi một chút” quan thừa chỉ tiếp:

- Tâu bệ hạ, không thể được. Viết khác đi một chút, nó không phải là mình. Và vì thế nó cũng không còn là thơ nữa. Người có nhân cách không bao giờ tự dối mình, cũng như thà chết chớ không bao giờ dối người. Vả lại, nếu có viết khác đi môt chút thì, tâu bệ hạ, nó có đáng gì để được lưu giữ. Còn như ý bệ hạ là “thác lời vào cái này cái nọ” để nói lên cái vi ý của mình, thì chính đức Khổng Tử đã làm. Ngài sống trong Thời Chiến quốc: đời suy, đạo mờ, nhân luân nát mục, tài năng của kẻ sĩ không được đem dùng, cái tàn bạo ở ngôi, cái thiện đức bị chôn vùi, nên ngài soạn kinh Xuân Thu, là cốt để cho các đấng bậc chăn dân soi vào đó mà hành hóa. Bệ hạ chắc đã đọc kinh Xuân Thu?

Thái tôn gật đầu:

- Ta có đọc đôi ba lần. Mỗi lần đọc, lại mỗi lần sáng tỏ thêm. Thế mới biết văn chương của Khổng Tử thật là thâm viễn, thật là uẩn ảo. Đấy là cách lấy sử làm văn. Người tục, tâm phàm, chẳng viết nổi một chữ có hồn, còn nói gì đến văn chương. Vậy chớ hiện thời gom góp lại, ông còn được độ bao nhiêu bài thơ?

- Dạ, tâu hoàng thượng, rải rác còn giữ lại được khoảng non một trăm bài, thần đã lựa và đôn vào thành hai tập. Tập thượng, gồm những bài viết trong độ tuổi thiếu niên, có tựa đề “Tú thanh”. Tập hạ, gồm các bài viết trong độ tuổi trưởng thành, mang tựa đề “Lạc nhạn”. Trong dăm năm gần đây, hiện tình xã hội có chiều ổn cố, tâm hồn đã có phần thư tĩnh, thần có viết thêm được non trăm bài. Cũng định tuyển lại, rồi cho vào tập để đọc di dưỡng lúc tuổi già. Dạ, tâu bệ hạ, nếu Người có lòng, để rồi thần dâng bệ hạ đọc, và xin bệ hạ châu phê cho vài lời làm tựa sách.

Thái tôn cười khiêm tốn:

- Nếu bỏ cái ngôi quân trưởng ra, ta chưa đủ văn chất để thẩm định thơ ông.

- Dạ, bệ hạ quá khiêm nhường.

Cuộc nhàn đàm về thi phú làm đã làm cho vua tôi nhích lại gần nhau. Về phía nhà vua, qua trò chuyện cũng mở thêm được cái nhãn giới vốn hạn hẹp của mình. Vì nhà vua vừa ít học, ít đi, ít thấy. Cho nên đức vua lấy làm mãn nguyện về những cuộc viễn du, thù tiếp như thế này lắm.

Phần mình, quan thừa chỉ cũng có phần cảm thông với nỗi niềm cô đơn của ông vua nhỏ. Nhưng quan ông còn quí trọng nơi đức vua, có được cái bổn tâm chí thiện. Chính vì thế mà ông mừng. Ấy là nói về sự mừng cho trăm họ, đỡ phải sống trong cảnh lầm than, ngột ngạt của một triều đại chuyên chế.

Nhìn những trà ngô trổ hoa trắng trời, những trà lúa mơn mởn xanh chạy tít tắp từ xa tới bên mép sông, và nghe những giọng hát ánh ỏi từ các cánh đồng hai bên bờ vọng lại, cả vua tôi đều im lặng. Có lẽ cả hai người cùng đang cảm thụ cái đẹp của đất trời và của cư dân Đại Việt. Bầu trời xanh thẳm, cao vời vợi, mấy cánh cò trắng dập dờn trong sóng nắng, gợi mở một cái gì vừa trong trẻo thanh bình, lại vừa cao khiết nơi con người. Phía xa kia hiện ra một dãy núi xanh mờ. Đỉnh núi mây trắng đùn lên ngùn ngụt. Thái tôn sực hỏi quan thừa chỉ:

- Ông đã có lên chơi ngọn núi kia lần nào chưa?

- Tâu bệ hạ, thần chưa có may mắn được lên chơi Yên Tử. Nghe nói Phù Vân quốc sư hiện đang trụ trì trên đó?

- Đúng vậy. Thuở nhỏ ta thường gặp ông hay lui tới Thăng Long, và cũng đã có giao thiệp với nhau. Nhưng những năm đất nước rối loạn, quốc sư không về triều nữa. Đã có đôi lần ta cho người lên vời, song Phù Vân không chịu xuống núi.

Thuyền xuôi gió, lại được những tay chèo khoẻ, cứ rẽ nước đi phăng phăng. Chợt nhà vua nhìn thấy cảnh dân chúng đắp đê đen nghịt, Thái tôn lấy làm hài lòng nói với quan thừa chỉ:

- Mấy năm qua, triều đình tha bớt tô thuế để dân có sức đắp đê. Ông thường có dịp đi kinh lý, chẳng hay lòng dân thế nào?

- Tâu bệ hạ, việc bệ hạ khoan giảm tô thuế, khuyến khích cấy trồng, khẩn hoang, lập ấp trong mấy năm qua, ơn mưa móc ấy đã xuống đến từng nhà. Nay bệ hạ lại nối tiếp sự nghiệp trị thủy của nhà Lý. Nhà Lý chỉ đắp đê khoanh vùng chống lụt cho thành Đại La và một vài nơi khác, việc trị thủy còn lỏi. Nhiều nơi mùa nuớc lũ, dân còn bị trôi hết cả cửa nhà, gia sản đồng ruộng bị mất trắng tới mấy mùa vụ liền, dân đói khát phiêu bạt, xiết bao cơ cực. Nay bệ hạ cho đắp đê từ nguồn xuống tận biển. Ấy là việc thủy từ gốc, đem lại không biết bao nhiêu lợi lộc cho cả nước. Lại không sợ cái họa nước lớn đe dọa liền năm. Tâu bệ hạ, đây là một việc làm chưa từng thấy trong công cuộc mở mang nền nông nghiệp nước nhà. Đối sánh với lịch sử, nó sẽ là một công tích vô tiền khoáng hậu.

Gió đem theo điệu hò hoành tráng của đám người đắp đe, cùng với hơi mát của dòng sông phả vào đầy ắp lâu thuyền. Nhà vua khoan khoái hít căng lồng ngực bầu không khí trong làn, và mỉm cười hiền hậu. Nom nhà vua đẹp như một ông tiên đồng. Đôi mắt sóng sánh như hai viên ngọc minh châu. Cặp lông mi dài rậm, hơi xếch. Vầng trán cao rộng, phẳng phiu. Hai gò má đầy đặn. Mũi thẳng, màu sắc hồng hào, cánh mũi dầy dặn, kín đáo. Đẹp hơn cả vẫn là cái miệng của nhà vua. Với cặp môi hồng mọng, chiếc cằm vuông vức nở nang mà người ta thường gọi là hàm én. Hai hàm răng đều tăm tắp, trắng phau. Mỗi khi nhà vua mỉm cười, thì cả khuôn mặt bừng sáng lên như một viên ngọc lớn gặp ánh nắng trời tỏ chiếu.

Lòng tràn đầy hương sắc thiên nhiên, với vẻ khoái hoạt, Thái tôn quay hỏi quan thừa chỉ:

- Có một điều từ bấy lâu nay ta hằng day dứt. Vì Sao ta là một đứa trẻ mà lại được ở ngôi quân trưởng. Ngồi trên cả cha, anh cùng các bậc lão thần, quốc sỹ, lòng ta lúc nào cũng run sợ như ngồi trên ngọn lửa? Khanh có thể chỉ giùm ta lẽ phải quấy trong chuyện này.

- Tâu bệ hạ. Việc nắm giữ ngôi trời không phải ai muốn cũng được. Mà trời chỉ dành cho người có đức tốt. Trước hết, phải là người có đức lớn, rồi mới kể đến tài. Dạ muôn tâu, người tài giỏi thì có nhiều, nhưng người có đức lớn trùm thiên hạ, không phải đời nào cũng có. Tại sao chuyển tiếp từ nhà Lý sang nhà Trần lại cứ phải là bệ hạ, mới là người được quyền tiếp nối? Đây thật sự là một việc uẩn ảo khôn lường, phi các bậc tài trí như thái sư Trần Thủ Độ, không ai có thể dẫn dắt được mọi việc đâu vào đấy, cứ như là có bàn tay của hóa công xen vào sắp đặt. Có nhẽ mai đây, khi bệ hạ đã dạn dày trên trường chính trị, chắc bệ hạ hiểu được vì cớ gì mà thái sư chỉ lựa chọn bệ hạ chứ không phải là thượng hoàng, hoặc vương huynh Trầøn Liễu. Và mặc dù thừa uy lực nắm giữ ngôi trời, thái sư Trần Thủ Độ vẫn không bao giờ màng tới.

Dạ muôn tâu, đây là một thế cờ cực hiểm. Nhầm lẫn hoặc kém cạnh là tiêu vong. Quan thái sư sắp đặt việc này, nếu không xuất phát từ nghĩa lớn, không làm nổi. May thay, mọi việc đều thành tựu trót lọt. Mà thành tực lớn nhất ít ai nhắc đến hoặc biết đến, là tránh được một cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn. Bệ hạ thử hình dung xem, ba thế lực lớn nhất kình chống nhau thời ấy là Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn và thái sư Trần Thủ Độ, nếu không khéo thu xếp mà xảy ra huyết chiến thì cuộc tương tàn huynh đệ ấy, biết bao giờ mới chấm dứt được? Đành rằng trong việc đánh bại đối thủ, thái sư cũng có nhiều hành vi tàn bạo.

- Tâu bệ hạ, giết Huệ tôn mới chỉ là một trong nhiều điều tàn bạo. Song le, thái sư bị đẩy vào một tình thế bất khả kháng. Nếu lúc ấy thái sư cứ khư khư giữ lấy điều thiện nhỏ, chắc chắn ông sẽ phạm vào tội ác lớn. Một đằng là hại một người để cứu lấy muôn người. Đây là sự lựa chọn dứt khoát. Thái sư đã chọn con đường cứu muôn người. Việc làm đó là đại nhân, đại nghĩa. Thành thử cái sự giết người kia lại trở thành có công chứ không phải là có tội, nếu ta xét nó trong hoàn cảnh đất nước năm bè bảy mối.

Ngừng một lát như để suy xét về những điều mình đã nói và những điều sắp phải nói ra, quan thừa chỉ thoáng nhìn qua gương mặt đức vua; ông như đọc được niềm xúc động chân thành của Thái tôn. Có nhẽ nhà vua đã cảm nhận được tất cả. Quan thừa chỉ lại tiếp:

- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ tha thứ cho những điều thần sắp nói sau đây. Thái tôn lẩm nhẩm một điều gì đấy với vẻ xúc động, nhà vua gật đầu.

Quan thừa chỉ nói:

- Vào những năm cuối của triều Lý Huệ tôn, tình cảnh xã hội ta lúc ấy thật là thảm hại. Tiếc thay bệ hạ không được chứng kiến. Từ triều đình tới xóm ấp, không còn tồn tại một trật tự kỷ cương nào hết. Người ta không cần biết đến kỷ cương luật pháp. Bộ máy quan liêu của nhà nước, phải nói đó là những bầy quỷ dữ. Bởi chúng chỉ lo hút máu dân lành và hút lẫn máu của nhau. Chúng lừa trên, chẹt dưới, bạo hành, với các mưu mô thủ đoạn mập mờ chấp chới như một lũ ma trơi. Còn dân chúng thì sao? Tâu bệ hạ, ngoại trừ mội số ít giữ được cái tâm thiền thiện, hầu hết là những đồ trí trá, tham tàn, trộm cướp. Thật là một thời đại dã man chưa từng thấy. Tâu bệ hạ, lúc đầu thần đâu nhận ra điều đó. Nếu không có thái sư độ lượng, có dễ thần đã chết theo đám ngu trung chứ làm sao mà thức tỉnh được. Tâu bệ hạ, thời đại ấy, nếu không bị diệt vong thì có nghĩa là dân tộc ta phải diệt chủng. May thay!

Thái tôn bùi ngùi. Một lúc sau nhà vua mới lại lên tiếng:

- Ta tin những điều ông nói. Ghê rợn quá! Ghê rợn quá! Nhà vua nhắc lại tới hai lần – Thật tình ta không hình dung nổi. Ngay cả trong mơ, cũng không vẽ ra được một bộ mặt xã hội ghê rợn đến thế. Cho nên, ta nghĩ: những người có trọng trách trong bộ máy quốc gia, nếu không nghĩ đến dân mà chỉ nghĩ đến thân, trước sau gì rồi cũng sụp đổ. Dù sao thì họa lớn cũng đã qua. Nhưng nó còn để lại không ít những tàn dư nhức nhối. Ta muốn ông – một người đã chứng kiến cảnh đau lòng đó, ông phán xét như thế nào về vụ tàn sát tháng tám năm Nhâm thìn (1232)? Hồi đó ta lờ mờ rằng có một mưu đồ khởi nghĩa ở Hoa Lâm(3).

- Trình bệ hạ, việc này thần biết rõ. Đó là vụ phản loạn chứ không phải một cuộc khởi nghĩa. Ngày ấy mới thống nhất thiên hạ được vài năm. Bản triều ta đang gồng sức lên cùng với trăm họ, hàn gắn lại những gì bị tàn phá, sau nhiều năm biến loạn. Công cuộc phục hưng đang nhen nhóm, thì có một bọn người lôi cuốn nhau hợp thành bè đảng, chống lại triều đình. Mượn cớ làm lễ tế các vua nhà Lý. Đầu đảng từ các nơi đổ về, rủ rê một số người trong tôn thất; dựng cờ “Phù Lý diệt Trần”, kéo nhau nhóm họp tại hương Hoa Lâm huyện Đông Ngàn, là đất quê của Lý Thái tổ. Thái sư phát giác ra mưu đồ đó, nên lập kế giết đi.

Tâu bệ hạ, thiển ý của hạ thần: Triệt bỏ các cuộc nổi loạn là việc làm cấp bách của triều ta. Nếu không thì không đi vào đại định được. Nhưng cùng một lúc giết cả mấy trăm người, bất phân tội lỗi nặng nhẹ thì quả là một việc làm tàn bạo. Phi Trần thái sư ra, không ai dám quyết. Nhất là việc ấy lại diễn ra trong thời bình.

Mắt hơi cay, Trần Cảnh lơ đãng nhìn ra xa thấy một đàn sẻ bay là là sát mặt sông. Chợt một con diều hâu đang lượn vòng tít trên trời cao sà xuống nơi đàn sẻ. Đàn sẻ tan tác y hệt ta ném một nắm trấu lên trời bị một cơn gió lốc cuốn đi. Nhà vua tặc lưỡi:

- Ông thừa chỉ thấy chưa? Nhà vua vừa nói vừa chỉ tay về phía đàn chim. Con người đối với nhau chẳng hơn gì con vật. Cũng cảnh lớn hiếp bé, khoẻ đè yếu. Mà rồi để làm gì? Tất cả mọi cuộc hành trình ấy đều đi về cõi chết? Chao ôi, thế mà con người không tự biết. Không quí trọng khoảng trần thế ngắn ngủi, để chung sống cho êm hoà thuận thảo với nhau.

- Tân bệ hạ, chẳng qua cái tâm của thế gian chưa định được.

- Ta cũng nghĩ như ông - Đoạn nhà vua quay ra hỏi:

- Này ông thừa chỉ, việc ta cất nhắc thăng thưởng một số vị đại thần, ông có thấy ai bàn tán gì không? Mà là, ta không hiểu tại sao ta phái Thái sư trị Thanh Hóa phù sự mà ông không chịu đi?

Quan thừa chỉ thấy khó nói quá. Đúng là việc triều đình, nhưng gốc lại là chuyện trong hoàng gia...Việc làm này, họa chăng có nhà vua không biết, chứ các quan đại thần còn ai không nhìn thấu ruột gan quan thái úy phụ chính Trần Liễu. Quan ông định dùng kế điệu hổ ly sơn. Định trao quyền làm tướng cho An Quốc. Bởi An quốc là một người bất tài, rốt cuộc việc điều hành quân đội lại rơi vào tay Trần Liễu. Còn Trần Thủ Độ trở thành một ông quan hành chính. Việc cất nhắc ấy, người ta không thể không nghĩ tới mưu đồ của Trần Liễu. Mưu con trẻ, sao có thể che mắt được một tướng tài từng trải như Trần Thủ Độ.

Như mắc cỡ một điều gì, quan thừa chỉ ấp úng nói:

- Trình bệ hạ, việc bệ hạ gia phong cho Hưng nhân vương Phùng Tá Chu làm đại vương. Phạm Kính Ân làm thái úy, lại ban cho mũ áo đại vương, khiến mọi người kính phục. Vì rằng hai vị đệ nhất đại thần này là người cũ triều Lý, bệ hạ không có phân biệt. Vậy là việc dùng người, cốt ở tài năng và đức hạnh của người đó.

- Đúng như ông nói. Nhà vua xác nhận – Nhưng cái chính là ta muốn hoá giải những điều thù nghịch còn ẩn náu trong tâm tưởng mỗi người. Phải hướng tới điều thiện. Phải lấy quốc gia dân tộc làm trọng. Xã tắc là của muôn dân chứ không phải là của riêng nhà nào.

Ngừng một lát, nhà vua lại hỏi:

- Thế còn việc ta hỏi ông về Thái sư?

- Tâu bệ hạ, Thái sư là cây trụ chống trời của nhà Trần. Việc binh bị hiện thời chưa có người nào có thể thay thế được Thái sư. Vả lại, việc quân đâu phải chỉ có bảo vệ xa giá, và diễu hành cho đẹp mắt. Ta chớ nên quên mặt Bắc. Chưa có lúc nào phía Bắc thôi nhòm ngó ta. Không có một thống lĩnh kiệt xuất, mất nước như chơi. Thái sư không đi nhiệm sở Thanh Hóa, không có nghĩa là trái quân mệnh, mà là có ý thức lớn đối với quốc gia, dân tộc. Quan thừa chỉ tự nghĩ: “Nếu quan thái sư không sáng suốt, hẳn là triều đình lại sớm rối loạn bởi sự thao túng của thái úy Trần Liễu. Quan việc này, ta ngờ rằng Trần Liễu đang toan tính chuyện khuynh loát”.

Dừng một lát, quan thừa chỉ lại nói:

Tâu bệ hạ, thái sư Trần Thủ Độ là một người có nhân cách lớn. Ông luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Không bao giờ ông đan xen chuyện tư túi vào việc công. Ông là người nghiêm chỉnh nhất trong việc chấp hành pháp luật của triều đình. Chẳng hay bệ hạ có nghe chuyện thái sư đi xét định hộ khẩu và tuyển chọn câu đương gần đây?

Thái tôn bỗng cười vang, hồi lâu mới trấn tĩnh lại được, nhà vua nói:

- Chỉ vì cái chuyện phu nhân xin cho người cháu làm câu đương không được, mà suýt còn bị chặt một ngón chân. Chuyện đó làm chấn động cả kinh thành. Nhưng nực cười nhất là bà thím ta - bà nhạc mẫu ta ấy. Bà dày vò đay nghiến ông đến là cực.

- Tâu bệ hạ, thái sư đã nêu một tấm gương sáng cho thiên hạ. Rằng luật pháp phải công bằng, không ai có quyền được vi phạm, dù người ấy có là thái sư thống quốc.

- Dù người ấy có là đức vua, cũng không có quyền đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật – Thái tôn nói xen vào.

- Tâu bệ hạ, phải như thế thì phép nước mới nghiêm.

======================.

1. Nội nhân: những người hầu cận trong cung đi theo.

2. Trạo nhi: Lính khiêng kiệu, khiêng cáng, võng.

3. Vụ án Hoa Lâm nơi Trần Thủ Độ làm bẫy sập giết một lúc hơn hai trăm người tôn thất nhà Lý. Việc này Lê Văn Hưu không chép trong chính sử. Sau Phan Phù Tiên cũng không nhắc đến. Ngô Sĩ Liên cho là một nghi án.