U23 VIỆT NAM - MỘT THẾ HỆ ĐỘT PHÁ
-Hồng Ngọc -
Tài năng, bản lĩnh và không ngừng tiến bộ, U23 Việt nam xứng đáng được xem như một thế hệ đột phá của nền bóng đá nước nhà.
Họ tài năng, với cả một dàn cầu thủ chất lượng và đồng đều, nhưng không loại trừ các cá nhân xuất sắc như Quang Hải. Họ bản lĩnh, khi vượt qua được những thời điểm đầy thử thách cả ở vòng bảng lẫn hai trận đấu loại trực tiếp. Và họ trình diễn một thứ bóng đá hiện đại mà tinh tế. Và họ tiến bộ không ngừng trong giải đấu. Một thế hệ đột phá làm ngỡ ngàng tất cả chúng ta.
TÀI NĂNG
Một phần trong số họ là lứa đầu tiên của lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, một mô hình đào tạo của Arsenal mà bầu Đức đã nhập khẩu về Việt Nam, mà khi họ "xuống núi" lần đầu tiên gần 4 năm trước đã làm ngất ngây những người yêu bóng đá Việt Nam.
Nhưng đó không phải là tất cả. Chỉ có 3 cầu thủ của lứa đó thường xuyên được ra sân trong đội hình đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á năm nay: Đội trưởng Lương Xuân Trường, tiền đạo Nguyễn Công Phượng và hậu vệ Vũ Văn Thanh.
Bóng đá Việt Nam còn ghi danh rất nhiều cầu thủ tài năng khác, cùng thế hệ với họ. Nổi bật là lò đào tạo CLB Hà Nội, không ồn ào nhưng cực kỳ hiệu quả. Có tới 5 cầu thủ của CLB Hà Nội thường xuyên ra sân ở giải lần này, nổi bật nhất là tiền vệ tấn công Nguyễn Quang Hải.
Chàng trai đó là một phiên bản nâng cấp vượt trội của đàn anh Phạm Thành Lương, với cái chân trái kỳ diệu hơn, giàu sức mạnh hơn, và tính hợp lý cũng cao hơn.
Tài năng của Quang Hải không chỉ nằm ở việc thực hiện các siêu phẩm, anh đã ghi 5 bàn tại giải lần này, xếp thứ nhì trong danh sách ghi bàn tại giải, dù không phải là một tiền đạo thực thụ. Anh giữ bóng, xử lý bóng, phối hợp trong không gian hẹp theo cách mà giới bóng đá gọi là "dị", nhưng rất hợp lý và chính xác.
Khả năng giữ bóng, phối hợp đoạn ngắn thì không phải là tài của riêng Quang Hải. Hầu hết cầu thủ thường xuyên ra sân của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải châu Á đều có kỹ năng này tốt hơn hẳn các thế hệ trước, ù không "dị" như Quang Hải.
Không chỉ các tiền vệ, hậu vệ cánh mà cả các trung vệ đều có thể tự tin cầm bóng, phối hợp nhóm rất tự tin và khéo léo để giải tỏa sức ép và phát triển bóng. Đó là lý do đội tuyển U23 Việt Nam có thể cầm bóng tấn công trước mọi đối thủ khi cần thiết, dù tất cả đều là đối thủ mạnh, luôn trên cơ bóng đá Việt Nam.
Nhưng về tổng thể, chất lượng của họ là không phải bàn cãi. Đó có thể là lý do HLV Park Hsng Seo đã luôn miệng nhắc tới điều đặc biệt mà đội tuyển U23 Việt Nam sẽ làm được, bởi sau thời gian làm việc, ông đã nhận ra chất lượng của họ.
TƯ DUY CHIẾN THUẬT
Nhờ kỹ thuật của cả một thế hệ cầu thủ cho phép, đội tuyển U23 Việt Nam có thể chơi phối hợp nhóm tốt trên cả ba tuyến. Những tiến bộ về thể lực và ý thức chiến thuật được gia tăng dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo cũng cho phép cả ba tuyến giữ được cự ly đội hình rất tốt để triển khai lối chơi. Cự ly đội hình là khoảng cách phù hợp giữa các tuyến, cho phép các cầu thủ ở hai tuyến kề nhau (hậu vệ - tiền vệ; tiền vệ - tiền đạo) phối hợp bóng ngắn mà ít có nguy cơ bị đối phương băng cắt (trừ khi để lộ ý đồ chuyền bóng). Bóng đá Việt Nam thời thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức hầu như không có ý thức giữ cự ly đội hình.
Khi các hậu vệ còn ở trước vòng cấm địa đội nhà, tiền đạo có thể vẫn đứng ở... gần vòng cấm địa đối phương. Việc chuyền bóng giữa cầu thủ ở hai tuyến liền kề thậm chí cần đến các đường chuyền dài và trung bình. Thời đó, chỉ có Cảng Sài Gòn và Đồng Tháp là giữ cự ly đội hình tương đối phù hợp.
Do không giữ cự ly đội hình phù hợp để các tuyến hỗ trợ nhau, các đợt tấn công chủ yếu thực hiện bằng các đường chuyền dài, hướng lên rất nhanh theo kiểu đột kích. Từ khi HLV Weigang đến Việt Nam, những cải tiến về cự ly đội hình bắt đầu thực hiện, nhưng thói quen tấn công kiểu đột kích tốc độ bằng số ít đã ngấm vào máu của các cầu thủ.
Nỗ lực giữ cự ly đội hình chỉ thực hiện được giữa hai tuyến mà không kết nối tốt với tuyến thứ ba: khi phòng ngự thì tuyến tiền đạo ở quá xa tuyến tiền vệ, khi tấn công thì tuyến hậu vệ lại ở quá xa tuyến tiền vệ. Khi đột kích gặp bế tắc trước các đối thủ có tổ chức thì tấn công bị tê liệt, trong khi hàng thủ thiếu sự hỗ trợ phòng ngự của các cầu thủ tấn công cũng bị bóp nát trước các đội bóng mạnh có khả năng tấn công bằng cả đội hình. Đó là lý do ngay cả "thế hệ vàng" cũng nhanh chóng bị sụp đổ trước các đối thủ mạnh ở ngoài khu vực, thậm chí trước Thái Lan.
Thế hệ vô địch Đông Nam Á năm 2008 đã cải thiện đáng kể về việc giữ cự ly đội hình thời HLV Calisto, nhưng kỹ năng đan bóng hạn chế của các tiền vệ và khả năng cầm bóng còn hạn chế của các hậu vệ đã khiến đội tuyển Việt Nam gặp hạn chế trong việc dàn đội hình để tấn công các đối thủ mạnh trong khu vực. Những chiến thắng trước Singapore, Thái Lan vẫn đến từ các pha bóng tấn công kiểu đột kích.
Nhưng thế hệ U23 hiện tại đã khắc phục được những hạn chế ấy. Đó là lý do cả đội bóng có thể dâng đội hình lên tấn công Iraq hay Qatar khi bị dẫn bàn, hoặc tình huống cho phép. Đó cũng là lý do cả đội hình có thể triển khai phòng ngự khắp các tuyến, khiến đội bóng không bị thua quân số cục bộ, và người hâm mộ không rơi vào cảm giác lo lắng thường trực theo kiểu cứ đối thủ mạnh lên bóng lại khiến chúng ta thót tim như trước đây.
Nhờ cải thiện về kỹ thuật và tư duy chơi bóng, cuộc chơi không còn là những chặng đua tốc độ thường trực khiến cầu thủ không trụ nổi sau 90 phút như truyền thống của bóng đá Việt Nam. Thế hệ này thậm chí đã vượt qua 2 trận đấu liên tiếp với 120 phút và loạt sút luân lưu chỉ cách nhau 3 ngày, và đều có ít hơn đối phương 1 ngày nghỉ.
BẢN LĨNH
Các thế hệ cầu thủ trước khi đương đầu với đối thủ mạnh chỉ trông chờ vào việc tử thủ: phòng ngự nhiều lớp, ranh chấp bóng kiểu lăn xả và hy vọng ở các đợt phản công đột kích. Hy vọng đó chỉ duy trì khi vẫn còn là tỷ số hòa, và sáng hơn khi chúng ta dẫn bàn. Còn khi bị dẫn bàn là coi như... ván đã đóng thuyền.
Đó là lý do khi Iraq vươn lên dẫn trước 2-1 ở hiệp phụ, theo truyền thống đa số chúng ta đều tin rằng chuyến phiêu lưu đã kết thúc.
Nhưng thế hệ này đã khác. Họ không còn phòng ngự kiểu tử thủ nữa, mà có tổ chức, tư duy và kỹ thuật, nên giữ được thể lực đến cuối trận và có thể dâng đội hình lên tấn công khi cần. Họ đã tấn công Iraq trở lại, gỡ hòa và vượt lên, trước khi bị gỡ để kết thúc 120 phút ở tỷ số 3-3.
Đó không phải là lần duy nhất họ bị dẫn trước. Họ cũng bị Hàn Quốc, Qatar và Uzbekistan dẫn trước, nhưng không một lần sụp đổ. Chỉ có trước Hàn Quốc là không có bàn gỡ, trận trước Qatar thậm chí bàn gỡ hòa còn được ghi ở phút 89.
Cách các cầu thủ đối diện với những quyết định sai lầm của trọng tài thì quá mẫu mực, dù đó là quả phạt đền oan ức dẫn đến việc Iraq gỡ hòa 1-1 hay Qatar dẫn 1-0, cả đội bóng chỉ phản ứng có chừng mực để không bị phạt thẻ, và giữ được cái đầu lạnh để tiếp tục thi đấu như thể chưa từng chịu bất công nào. Vì sai lầm của trọng tài là một phần của bóng đá, ấm ức với nó như các thế hệ đàn anh thì chỉ góp phần loại đội mình khỏi cuộc chơi. Nhưng để không ấm ức lại vô cùng khó khăn về tâm lý.
Các cầu thủ cũng đối diện tuyệt vời với loạt sút luân lưu. 10 lần thì thành công tới 9, cú sút không thành bàn duy nhất là của Quang Hải cũng rất chất lượng, nhưng thủ môn đối phương đã phán đoán và phản xạ quá tốt. Nhìn cách Vũ Văn thanh khoanh tay đứng ngạo nghễ ăn mừng sau cú sút quyết định ở bán kết, chúng ta hiểu rằng bản lĩnh của họ thật vững vàng, chứ không đơn giản thành tựu của họ là may rủi.
Với tất cả lý do trên, chúng ta có thể đặt niềm tin vào thế hệ cầu thủ này. Những gì họ đã thực hiện ở giải lần này sẽ không phải là lần duy nhất.