Bão Lửa U23 – Thường Châu Tuyết Trắng

Phần Ba: Những Bài Học Vô Giá Từ Sự Kiện U23 Việt Nam

BÀN TAY TẶNG HOA HỒNG BAO GIỜ CŨNG NGÁT HƯƠNG THƠM...
U23 VIỆT NAM: ĐỜI THAY ĐỔI KHI CHÚNG TA HÀNH ĐỘNG

- Vũ Hoàng - 

Chỉ nhìn U23 thi đấu ở giải châu Á, không ai có thể tưởng tượng đó là đội bóng đã phải xách vali về nước sau vòng bảng SEA Games 29, trước những đội bóng yếu kém hơn mọi đối thủ tầm cỡ châu lục. Mặc dù U23 đá không đến nỗi nào tại SEA Games, nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa sự thất bại và thành công chính là cách tiếp cận trận đấu và tinh thần của các cầu thủ. Dù rằng, những điều ấy đến với chúng ta không hề dễ dàng.

TỪ SỰ NGHI NGỜ VỚI NGƯỜI THẦY MỚI...

Nếu có một suy nghĩ chung của những nhà chuyên môn và cả các cổ động viên Việt Nam vào thời điểm tháng 10/2017, khi HLV Park Hang Seo đến nhậm chức, đó chắc chắn là "sự nghi ngờ". Ông Park, 59 tuổi, từng là trợ lý của Hiddink tại World Cup 2002. Song những gì diễn ra sau đó đã khiến tất cả những ai quan tâm tới Đội tuyển quốc gia và U23 phải tự hỏi "Nếu một HLV ở trình độ ấy lại chấp nhận cầm một CLB hạng 3, thì liện ông ta có tạo nên nổi phép màu nào ở đội bóng của chúng ta?".

Sự nghi ngờ đó tiếp tục nối dài ngay cả khi Việt Nam giành vé dự Asian Cup 2019 sau trận hoà 0-0 trên sân nhà trước Afganistan. Báo chí đã đặt một câu hỏi to đùng về năng lực của "HLV chuyên nắm các đội đẳng cấp thấp" (nguyên văn từ báo) như ông Park và cho rằng đội bóng vẫn đang vận hành nhờ dấu ấn của người thuyền trưởng cũ.

... ĐẾN NHỮNG BƯỚC NGOẶT ĐẦU TIÊN

Đâu là lối chơi của đội tuyển Việt Nam? Đó là câu hỏi mà một tờ báo lớn đã đặt ra khi ông Park trở thành HLV trưởng. Trước đó, 9 đời thầy ngoại và nhiều đời thầy nội đã không định hình được lối chơi, liệu ông Park sẽ làm thế nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi? Nỗi ám ảnh về viện đội tuyển (bao gồm cả U23) thay đổi sơ đồ chiến thuật lẫn cách thức chơi bóng theo tư duy từng HLV đã khiến sự lo âu càng tăng lên.

Chỉ đến lúc chiến thắng đươc U23 Thái Lan tại giải M-150 - chiến thắng đầu tiên của bóng đá Việt trước bóng đá Thái sau gần 10 năm, sự lo âu đó mới tạm thời lắng xuống, dù đấy chỉ là giải giao hữu vô thưởng vô phạt. Và sự lo lắng ấy ngày một giảm sau mỗi trận đấu của U23 tại giải châu Á. Những bước ngoặt đến từ bốn điểm chính:

Thứ nhất, ông Park yêu cầu các cầu thủ phải cải thiện phần thân trên. Không phải là thể lực, bởi ông cho rằng thể lực của các học trò không hề thua kém những đội khác. Nhưng phần thân trên vốn yếu ớt của họ có thể là điểm yếu khi phải dùng sức mạnh giành giật bóng trên sân. Một tháng không phải quá nhiều nhưng cơ bắp của các cầu thủ đã được tăng cường đáng kể và đó là yếu tố quan trọng cho sự bền bỉ sau này. 

Thứ hai, chiến thuật phù hợp với con người. Ông Park đã quyết định sử dụng sơ đồ 3-4-3 với biến thể 5-4-1. Chính sơ đồ này đã giúp các cầu thủ phóng ngự của chúng ta có thể chủ động trong các tình huống tấn công của đội bạn và khi cần, lập tức phát động phản công. Xuyên suốt các trận đấu của U23 tại giải, các học trò của ông Park luôn cầm bóng ít hơn đối thủ nhưng không hề lép vế, kể cả khi phải phòng ngự. Sự chủ động này khác hoàn toàn với lối đá "phá bóng thật xa khung thành" trước kia.

Thứ ba, tinh thần và ý chí thi đấu. Chưa bao giờ, một đội bóng nào của chúng ta lại thể hiện tinh thần và ý chí quật cường đến thế. Khó khăn tứ bề, đối thủ hùng mạnh, trọng tài o ép. Tất cả đều bị U23 khuất phục bằng nghị lực hiếm có. Ngay cả khi đối thủ dẫn bàn vào lúc thời gian đang đi đến hồi kết, mọi cầu thủ trên sân vẫn không hề có dấu hiệu buông xuôi. Nếu không phải có sự động viên thường xuyên từ ông Park, chưa chắc các cầu thủ có tinh thần tốt đến vậy.

Thứ tư, cách dùng người hợp lý. Ông Park chỉ sử dụng có 14 cầu thủ ở vòng bảng và gần như chỉ 1 đội hình xuất phát (Văn Toàn thay Đức Chinh đá chính ở trận cuối vòng bảng). Nhưng khi vào vòng trong, ông lập tức đánh tan nghi ngờ của giới chuyên môn khi cho Phan Văn Đức vào sân đá chính ở trận tứ kết. Ngay lập tức, cầu thủ người Nghệ An đã chơi một trận tuyệt vời. Hay như trận bán kết, ông bất ngờ tung Hồng Duy và "Pinky boss" đã làm các cầu thủ Qatar phải khổ sở đến tận phút chót. Kết quả này có được nhờ ông luôn truyền vào các học trò ý thức "sẵn sàng chiến đấu", rằng "cả 23 cầu thủ đều quan trọng". Bởi thế, mỗi một cầu thủ dự bị vào sân thay người đều thi đấu cực kỳ cố gắng khi có cơ hội được thể hiện mình.

NHƯNG MỌI THỨ ĐỀU CẦN ĐẾN NỀN MÓNG VỮNG CHẮC

Tất cả những gì mà ông Park thực hiện cho U23 đến nay đều phải dựa trên một nền tảng đã có từ rất lâu trước đó. Trở lại khoảng 10 năm về trước, bầu Đức rồi đến bầu Hiển lần lượt cho ra đời hai trung tâm đào tạo bóng đá trẻ theo mô hình và tiêu chuẩn châu Âu. Đó là Trung tâm HAGL JMG và Trung tâm Hà Nội FC, cùng với Trung tâm PVF tạo thành thế "kiềng ba chân"ncho bóng đá trẻ Việt Nam.

Ba trung tâm này không chỉ thống trị những giải đấu trẻ trong nước mà còn giới thiệu các cầu thủ đầy triển vọng. Khác với lò đào tạo của SLNA chủ yếu lấy nguồn từ hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, ba trung tâm trên săn lùng các cầu thủ trẻ trong cả nước, cố gắng đảm bảo không để sót một tài năng nào. Không chỉ có giáo trình khoa học cộng với kinh nghiệm của các HLV là những cựu danh thủ, các trung tâm còn có chế độ dinh dưỡng khoa học, riêng trung tâm HAGL-JMG còn đảm bảo cả việc học văn hoá và ngoại ngữ cho các học viên. Nhờ đó, một thế hệ mới của bóng đá Việt Nam đã manh nha xuất hiện: đá bóng giỏi và tin thần cùng thái độ chuyên nghiệp trên sân.

Rõ ràng, những thành công gần đây của bóng đá trẻ Việt Nam, bao gồm cả U20 (giành quyền dự World Cup U20) lẫn U23 (Á quân U23 châu Á) không thể đến trong một sớm một chiều và cũng không thể do bàn tay đơn độc của một phù thuỷ nào đó. Nó là một quá trình đằng đẵng kéo dài hơn 10 năm với công sức của rất nhiều người mà ông Park là chất xúc tác cuối cùng để tạo nên thành quả. Bây giờ, sau những niềm vui, chúng ta liệu có nên đặt câu hỏi: Chỉ với vài trung tâm đào tạo trẻ chất lượng, bóng đá Việt Nam đã có những thành công không nhỏ, vậy nếu tất cả các CLB chuyên nghiệp đều có riêng những lò đào tạo theo mô hình đó, chúng ta sẽ còn đi xa đến đâu?