SỨC MẠNH CỦA BÓNG ĐÁ
- Nguyễn Hương -
Đến giờ hẳn là nhiều người cũng đã lý giải được, sức mạnh của bóng đá nằm ở khả năng đánh thức những vùng hoang dại của xúc cảm, khiến người ta quẳng đi hết những luận giải thông thường về logic, về lý trí để nhảy nhót, gào thét và khóc cười như trẻ nhỏ.
Cậu nhóc, con trai tôi, khi được đón từ trường về nhà sau trận bán kết U23 Việt Nam - U23 Qatar đã ngơ ngác thắc mắc rằng, không thể hiểu nổi tại sao người lớn lại có thể phát cuồng lên chỉ vì một trận bóng. Tất nhiên rồi, nó chỉ là đứa trẻ sinh năm 2009, chưa từng được hít thở bầu không khí của AFF Cup 2008, càng không thể biết đến Tiger Cup 1998, chưa từng nhìn thấy khung cảnh ăn mừng chiến thắng của hàng vạn người, chưa từng trải qua những cảm xúc căng thẳng đến ngộp thở, và hồi hộp, vỡ oà. Và vì thế chúng chưa hiểu chiến thắng của Đội tuyển U23 trong những ngày vừa qua có ý nghĩa như thế nào với 96 triệu người dân Việt!
Chẳng ai có thể lý giải cặn kẽ vì sao họ mê bóng đá nhưng bóng đá chắc chắn là môn thể thao vua. Khi trái bóng lăn, mọi phân biệt về chủng tộc, màu da hay địa lý sẽ chẳng còn ý nghĩa. Những ranh giới về giàu nghèo, về tầng lớp xã hội, về xu hướng tình dục, quan điểm chính trị đều lu mờ... Đội hình U23 với nhiều cầu thủ chân trần đi lên từ những vùng quê nghèo khó là minh chứng rõ ràng, hùng hồn nhất, rằng với xuất thân nào chúng ta cũng có thể chơi bóng chuyên nghiệp, thậm chí xuất sắc. Và hình ảnh cuồng nhiệt, máu lửa của cổ động viên Việt Nam những ngày qua đã cho thấy tình yêu với bóng đá là không giới hạn, dù cuộc sống mưu sinh, cơm áo vẫn còn nhiều nhọc nhằn.
Sau cú sút quyết định của Văn Thanh, xác quyết Việt Nam chính thức lọt vào trận chung kết, tôi cùng đồng nghiệp đã ôm nhau nhảy nhót và gào thét như điên dại, kẻ khóc, người cười nhưng tất cả chúng tôi, mà không, tất cả những người Việt yêu bóng đá khi ấy đều có chung một trạng thái cảm xúc vỡ oà, hân hoan, hạnh phúc tột cùng.
Sau trận thắng lịch sử ấy, đã dự liệu trước phải vượt dòng người thật nhanh về nhà trước khi "cơn bão" ập xuống. Nhưng kỳ lạ thay, trên những con phố ngợp cờ đỏ sao vàng, trước những dòng người đông đảo, giữa những âm thanh náo nhiệt hò reo, tôi lừng chừng trễ nải, lòng réo rắt hát ca, cứ muốn chạy xe thật chậm, muốn hoà vào dòng người ấy mà tay bắt mặt mừng, mà sẻ chia niềm xúc động, mà tự hào hô vang hai tiếng "Việt Nam". Có lẽ, chưa bao giờ hai tiếng "Việt Nam" lại trở nên thân thương, tự hào đến thế - xoá tan đi những mặc cảm, những trăn trở, khắc khoải, thậm chí là cả những thất vọng, tổn thương nhiều năm qua của hàng triệu người. Chưa bao giờ những con tim Việt Nam lại xích lại thân thương, ấm áp và rạng rỡ cùng một lúc như thế!
Và có lẽ cũng chưa bao giờ trên các trang cá nhân của mình người dân Việt lại có chung một trường từ khoá trùng khớp nhau đến thế. Người ta công khai tỏ tình với U23, với Hải, với Dũng, với Trường, với thầy Park, và chắc hẳn không ít những đứa trẻ chào đời và ngày hôm ấy sẽ được đặt tên là Dũng, là Hải... Chưa bao giờ giới trẻ Việt Nam, và cả những người có trái tim còn trẻ lại cùng đuổi theo "trendy" "NẾU U23 THẮNG, TÔI SẼ..." một cách sôi nổi và tích cực đến thế. Người ta hứa hẹn, thề thốt sẵn sàng rũ bỏ những thói hư tật xấu, sẵn sàng làm những điều điên rồ nhất và nhất định hoàn thành những mục tiêu dang dở của đời mình mấy mươi năm qua nếu... U23 thắng/vô địch. Nhiều người nghiêm túc, có người vì vui mà "hứa hão"... nhưng hẳn là động lực vô cùng mạnh mẽ từ U23 đã thôi thúc, khiến họ cảm thấy bản thân phải làm gì đó, bất kể là gì, để xứng đáng với kỳ tích không tưởng của đội bóng trẻ nước nhà.
Phải nói là, gần 15 năm sống ở Hà Nội, tôi vẫn luôn ước ao được tận hưởng không khí vắng vẻ của Thủ đô, khi người dân tỉnh lẻ về quê ăn tết. Nhưng có lẽ, chẳng cần đến Tết Nguyên đán, Tết U23 trong lòng dân tộc đã khiến phố phường Hà Nội vắng vẻ nhất từ trước đến nay, ít nhất là trong thời gian diễn ra trận Chung kết. Người ta tìm các tụ điểm có màn hình lớn, nhanh nhanh chóng chóng xong việc, rồi nháo nhào ập vào quán cà phê, quán nước, ngồi cạnh nhau, chung bàn với những kẻ xa lạ để cùng bình luận, hò hét và hồi hộp dõi theo từng đường bóng. Và có lẽ cũng chưa khi nào người dân Việt lại cùng nhau "ốm tập thể", dân công sở lại đồng loạt cắt phép, thầy cô lại cho học trò nghỉ và vô số các sự kiện khác trên khắp cả nước phải đổi giờ, đổi ngày để toàn tâm toàn ý cổ cũ cho U23.
Tôi không am tường về bóng đá, nhất là bóng đá Việt những năm gần đây. Nhưn dõi theo các em U23 trong trận chung kết lịch sử tại Thường Châu, giữa mịt mùng mưa tuyết và giá lạnh thấu xương, tôi cảm nhận sâu sắc tinh thần dân tộc và nỗ lực phi thường của các em. Sẽ rất khó để có lại cảm giác này thêm lần nào nữa! Bóng đá Việt Nam có thể đăng quang ở những giải khác, nhưng cảm xúc về những chiến binh trong tuyết trắng sẽ không thể nào lặp lại nguyên sơ và tinh khiết đến thế. Rất khó để phân định đâu là khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ nhất trong trận "giác đấu" nhưng có thể khẳng định một điều, chính tình yêu của người hâm mộ và tinh thần xả thân, tận hiến vì dân tộc đã khiến cho các tuyển thủ U23 làm được những điều vượt ngưỡng, quá sức tưởng tượng.
Đến giờ tôi rất mực tin rằng, lối đá của một đội tuyển bóng đá sẽ phản ánh tâm hồn và văn hoá của quốc gia, dân tộc ấy. Những chiến thuật và đấu pháp có thể thay đổi tạm thời dưới tay các ông thầy HLV nhưng không thể đánh gục một bản ngã thẳm sâu, đã được định hình qua cả một chiều dài lịch sử.
Đến giờ hẳn là nhiều người cũng đã lý giải được, sức mạnh của bóng đá nằm ở khả năng đánh thức những vùng hoang dại của xúc cảm, khiến người ta quẳng đi hết những luận giải thông thường về logic, về lý trí để nhảy nhót, gào thét và khóc cười như trẻ nhỏ.
Tôi tin là những cung bậc cảm xúc quý giá của những ngày qua sẽ lưu lại dấu ấn không thể xoá nhoà trong tim tất cả chúng ta. Và lũ trẻ sinh những năm 2010 như con trai tôi hẳn là sẽ may mắn được chiêm ngưỡng những kỳ tích tiếp nối của bóng đá Việt!
---- Những ngày cảm xúc tuôn trào