HÃY HIỂU THẾ NÀO LÀ "CÚ SỐC THỜI GIAN"
- Võ Văn Thành -
Khi ta không tận dụng được cơ hội ghi bàn của cuộc đời mình, cú sốc thời gian sẽ là rất lớn.
Sau những ngày thi đấu kiên cường tại giải U23 châu Á và được hàng triệu người hâm mộ đón tiếp trong sự cuồng nhiệt, các cầu thủ trẻ lần lượt trở về với quê nhà và cha mẹ.
Dõi theo hành trình của các tuyển thủ sẽ thấy đa số họ xuất thân từ các miền quê nghèo. Anh em thủ thành Bùi Tiến Dũng trở về huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), nơi người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Tương tự là hậu vệ Bùi Tiến Dũng (Hà Tĩnh), hậu vệ Xuân Mạnh, tiền về Phan Văn Đức (Nghệ An)... tấm hình Xuân Mạnh ngồi bên ngôi nhà cũ nát của gia đình anh, khoác trên người chiếc áo đội tuyển có chữ ký của các đồng đội đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Xuân Mạnh đầu quân cho Sông Lam Nghệ An, nhưng phải đến khi lên được đội một, anh mới có thể giúp bố mẹ xây căn nhà mới, thay cho ngôi nhà cũ kỹ, dột nát. Có nhà mới nhưng gần như toàn bộ tiền xây đều phải đi vay nợ và Mạnh chính là người có khả năng trả nợ duy nhất trong gia đình.
Từ nỗ lực vươn lên của Mạnh và ý nghĩa mà con đường bóng đá mang lại cho các em, có thể nói không quá rằng với nhiều đôi chân trần đi ra từ các miền quê nghèo, bóng đá là tất cả.
Tuổi nghề của một cầu thủ chỉ trên dưới chục năm, vì vậy cơ hội đổi đời phụ thuộc nhiều vào những năm tháng thanh xuân này. Câu chuyện chia thưởng trước mắt và sự quan tâm của xã hội về lâu dài có ý nghĩa cực lớn. Không chỉ là tiền bạc, sự quan tâm còn làm ở chỗ làm sao vun vén và giữ gìn cùng các em.
Lớn lên bên cạnh nơi đóng quân của đội bóng Sông Lam, tôi đã chứng kiến nhiều thế hệ cầu thủ giã từ sự nghiệp mà không tận dụng được "cơ hội vàng" trong cuộc đời mình. Không ít người xếp giày với hai bàn tay trắng. Một phần do thời tiết thu nhập của cầu thủ ở mt bằng khiêm tốn. Phần khác, do lối sống phung phí của chính họ.
Mười mấy năm trước, bên cạnh con đường dẫn vào sân Vinh có một bức tường lớn vẽ chân dung Văn Quyến tươi tắn trong sách áo vàng - niềm tự hào xứ Nghệ và cả nước. Một cái chớp mắt của thời gian. Bây giờ thì tuổi đời của Quyến chưa nhiều nhưng tuổi nghề nữa xếp vào hàng "lão tướng".
Khi ta không sử dụng được cơ hội ghi bàn của cuộc đời mình, cú sốc thời gian sẽ là rất lớn.
"Cú sốc thời gian" là chữ tôi mượn của giáo sư Trần Văn Thọ, cho nghiên cứu của ông về trường hợp một quốc gia có cùng điểm xuất phát hoặc hơn kém một chút so với nhiều nước khác, nhưng cuối cùng đã bị tụt lại trong cuộc đua phát triển. Tụt hẳn trong so sánh về quy mô nền kinh tế, thu nhập đầu người và sau vài mươi năm nhìn lại sẽ thấy choáng váng với cú sốc thời gian.
Theo giáo sư Thọ, nếu không bị níu kéo bởi những tư tưởng lỗi thời và nhóm lợi ích tiêu cực, một quốc gia có thể xoay chuyển vận mệnh trong 15-20 năm. Con đường hóa hổ, hóa rồng của nhiều nước ở Châu Á đã cho thấy điều đó. Và ngược lại, nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng, bỏ lỡ cơ hội đưa đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi, thì chắc chắn đa số người dân sẽ đối mặt với bi kịch chưa giàu đã già. Cú sốc thời gian ở phương diện này sẽ rất trầm trọng.
Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng và được dự báo giai đoạn này cũng chỉ kéo dài khoảng trên dưới 10 năm nữa. Với năng lượng khổng lồ mà mọi người đã chứng kiến trên đường phố trong "những ngày U23" vừa qua, với khát khao tự tôn dân tộc đã được thể hiện qua đó và với một thế hệ trẻ đầy sức sống, phía trước có lẽ là trận bóng mang tính quyết định của thế hệ dân số vàng.
Việt Nam đã tiến hành đổi mới hơn 30 năm và thời gian để tận dụng cơ hội dân số vàng không còn bao nhiêu nữa. Nói như nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, lúc này với những thuận lợi ở giữa dòng chảy của tư bản, công nghệ, tri thức kinh doanh tại vùng năng động nhất thế giới, nếu Việt Nam không tạo được kỳ tích phát triển thì là một điều mà mỗi người dân sẽ không khỏi thấy bùi ngùi, đau xót.
Cho dù những thống kê về năng suất lao động đang gợi những tín hiệu xấu, chúng ta vẫn đủ thời gian để tránh một "cú sốc thời gian".