Đi được một đoạn thì những lời trao đổi của Sở Cảnh sát trong máy bộ đàm khiến ông đổi hướng: “Xe 423 gọi sở chỉ huy. Đang tiến tới căn nhà của những nạn nhân có thể đã bị lâm nạn. Địa chỉ 66 đại lộ Park. Yêu cầu cử một thanh tra tới gặp tôi ở đấy”.
“Trụ sở gọi 423. Mười bốn”.
Ngừng một lát rồi nghe tiếp: “Trụ sở gọi 426. Khẩn cấp tới 66 đại lộ Park. Gặp sĩ quan tuần tra, xe 423. Kết quả điều tra về trụ sở”.
Trong cách dùng của cảnh sát địa phương, Bert nhận ra rằng “khẩn cấp tới” có nghĩa là: “Bật đèn hiệu và rú còi”. Rõ ràng là có chuyện thật rồi và Bert cũng tăng tốc độ của chiếc Volkswagen cũ kỹ đến mức tối đa. Giờ đây, vừa cho xe chạy về phía đại lộ Park, ông vừa cảm thấy phấn khởi khi nghe địa chỉ số 66. Ông không dám chắc, nhưng nếu căn nhà thuộc về người mà ông nghĩ, thì thực sự đây là một chuyện lớn.
Trong khi phỏng vấn mọi người có mặt tại siêu thị, nhiều người làm chứng khẳng định họ đã nhận thấy người mua hàng – hai người trong số này nói chắc đó là bà Crawford Sloane đã đột ngột rời cửa hàng rõ ràng là trong cơn hoảng hốt. Bà đi cùng với cậu con trai nhỏ của bà và hai người đàn ông nữa, một người vào quãng 30 tuổi, người kia đã già. Người đàn ông 30 tuổi hình như đi vào siêu thị một mình. Đầu tiên, hắn hỏi những người mua hàng khác xem họ có phải là bà Sloane không. Rồi khi hắn gặp đúng bà Sloane, thì mấy người đó vội vã đi ngay.
Sau thời điểm này, người duy nhất khai đã thấy tất cả những người được mô tả trên đây là bà Rhea. Cậu chuyện của bà về vụ tấn công, về những nạn nhân đã bị chở đi “Trong một chiếc xe chở khách nhỏ” ngày càng đáng tin hơn. Lại càng đáng tin hơn khi một người quen biết bà Sloane chỉ cho viên sĩ quan Jensen thấy chiếc xe Volvo chở hàng của bà vẫn còn ở khu đỗ xe của siêu thị mà không thấy bà Sloane hoặc những người cùng đi với bà đâu cả. Còn những vết thấm trên mặt đất mà rất có thể là máu, Jensen yêu cầu một trong những sĩ quan khác đang có mặt tại hiện trường giữ những vết này làm bằng chứng để xét nghiệm sau.
Một người đứng xem sống ở gần nhà bà Sloane cho Jensen địa chỉ gia đình bà. Điều này, cùng với việc chẳng còn gì để làm ở siêu thị nữa khiến Jensen gọi về sở yêu cầu một viên thanh tra tới gặp mình ở nhà 66 đại lộ Park. Ở vào những trường hợp khác và vì những câu chuyện qua máy bộ đàm của sở cảnh sát Larchmont thỉnh thoảng lắm mới xảy ra, chứ không phải như ở những lực lượng lớn khác, thì chắc anh đã nói cả tên của Sloane kèm theo địa chỉ đó. Nhưng biết rằng chuyện có dính dáng đến nhân vật nổi tiếng nhất của khu Larchmont và biết rằng người ngoài có thể nghe trộm, nên anh đã không nói tên ra.
Bây giờ Jensen đang trên đường đi tới đại lộ Park, một quãng đường đi chỉ mất vài phút.
Anh vừa cho xe vào cổng nhà số 66 thì chiếc xe cảnh sát thứ hai không có số hiệu, nhưng lại có đèn hiệu ở trên nóc và rú còi liên tục, đến ngay phía sau. Thanh tra Ed York, một người kỳ cựu trong lực lượng cảnh sát, rất quen thuộc với Jensen bước ra. York và Jensen hội ý chớp nhoáng, rồi cùng tiến đến cửa ngôi nhà. Hai cảnh sát tự giới thiệu mình với Florence, người giúp việc của gia đình Sloane, lúc này đã bước ra cửa khi nghe tiếng còi cảnh sát. Chị mời họ vào, trên mặt lộ vẻ vừa ngạc nhiên vừa hốt hoảng.
“Có khả năng, chỉ là có khả năng”, thanh tra York thông báo cho chị, “là có lẽ có chuyện gì đó đã xảy ra với bà Sloane”. Ông bắt đầu hỏi những câu hỏi mà lúc Florence trả lời thì sự lo lắng của chị ngày càng tăng lên.
Đúng, chị đã ở trong nhà lúc bà Sloane, Nicky và bố của ông Sloane đi mua hàng. Lúc đó là khoảng mười một giờ. Ông Sloane đi làm đúng vào lúc Florence vừa đi tới nơi, tức là khoảng chín giờ rưỡi. Không, từ lúc bà Sloane đi đến giờ, chị không nghe thấy ai gọi nhà, vả lại chị cũng không nghĩ là họ sẽ gọi. Thực tế là không có ai gọi điện cả. Không, không có gì bất thường từ lúc bà Sloane và mấy người kia lái xe đi. Trừ một chuyện… à…
Florence ngừng một chút, rồi lo lắng hơn: “Mà có chuyện gì vậy? Bà Sloane gặp chuyện gì sao?”.
“Ngay bây giờ thì không có thời gian để giải thích”. Viên thanh tra nới – “Chị nói “trừ một chuyện…à…” nghĩa là thế nào?”.
“À, lúc bà Sloane, ông cụ và Nicky đi, tôi đứng ở kia” Florence chỉ về phía một căn phòng đầy ánh nắng ở mặt trước của ngôi nhà. “Tôi thấy họ lái xe đi”.
“Rồi sao nữa?”.
“Có một chiếc xe đỗ ở góc phố, đứng ở đây ông có thể nhìn thấy nó. Khi bà Sloane lái xe đi, bất chợt xe đó cũng rồ máy và đi theo hướng của bà ấy. Lúc đó tôi không nghĩ gì về nó cả”.
“Chẳng có lý do gì phải nghĩ tới nó cả”, Jensen nói. “Chị có thể tả chiếc xe đó không?”. “Tôi nghĩ là xe màu nâu sẫm. Loại trung bình”.
“Chị có thấy biển số không?”.
“Không”.
“Chị có nhận ra loại xe của nước nào sản xuất không?” Florence lắc đầu “Tôi thấy xe nào cũng giống xe nào”.
“Thế được rồi”, - thanh tra York bảo Jensen. Rồi ông quay sang Florence: “Chị thử nghĩ kỹ xem. Cố nhớ xem xe có cái gì khác không nhé. Chúng tôi sẽ quay lại ngay”.
Viên thanh tra và Jensen bước ra ngoài. Khi đó, hai xe cảnh sát nữa đã tới. Một trung sĩ cảnh sát từ trong xe bước ra, còn trong xe kia là cảnh sát trưởng Larchmont. Ông cảnh sát trưởng cũng mặc sắc phục, cao, gầy, cử chỉ thận trọng đến mức dễ lăn. Bốn người trao đổi vội vã trên đường vào nhà để xe.
Đi tới gần cuối đường, ông cảnh sát trưởng hỏi thanh tra York: “Anh có cho rằng đây là chuyện thật – tức là một vụ bắt cóc không”.
“Đến nay thì mọi điều đều khẳng định theo chiều hướng đó” – York nói.
“Còn anh, Jesnsen?”.
“Đúng vậy, thưa ngài. Đây là chuyện thật”.
“Anh nói người ta nhìn thấy chiếc Nissan mang biển số New Jersey phải không?”.
“Theo lời những người làm chứng thì đúng như vậy, thưa ngài”.
Ông cảnh sát trưởng trầm ngâm: “Nếu đây là một vụ bắt cóc và nều chúng vượt sang bang khác, thì nội vụ lại thuộc phạm vi quyền hạn của FBI. Đó là quy định trong luật Lindbergh. Ông nói thêm: “Mà việc loại này cũng chẳng làm FBI lo lắng gì đâu”.
Những lời cuối cùng lộ vẽ chua chát, vì nhiều nhà giữ gìn luật pháp địa phương tin rằng FBI chỉ lao vào những vụ lớn mà họ chọn, và luôn tìm cớ để phớt lờ các vụ mà họ không muốn. Sau đó ông cảnh sát trưởng quả quyết nói: “Tôi sẽ gọi điện báo FBI bây giờ”.
Ông trở lại xe của mình và vớ lấy máy bộ đàm.
Khoảng một hai phút sau, ông quay lại ra lệnh cho thanh tra York vào nhà và ở lại trong đó. “Việc đầu tiên anh phải làm là bảo chị giúp việc để anh gọi điện trực tiếp cho ông Sloane. Báo cho ông ấy mọi điều anh biết và nói rằng chúng ta hết sưc cố gắng làm mọi việc cần làm. Sau đó, trả lời tất cả các cú điện thoại gọi đến. Ghi chép lại cẩn thận mọi việc. Sẽ có người đến giúp anh”.
Viên trung sĩ và Jensen được lệnh canh gác vòng ngoài. “Sắp sửa hàng đàn hàng lũ người kéo đến đây đông hơn là ruồi bay quanh nhà vệ sinh đấy. Không được để ai bước qua cổng trừ người của FBI. Nếu dân báo chí đến đây dò hỏi, cứ chỉ họ thẳng trụ sở cảnh sát”.
Đúng lúc đó thì họ nghe thấy tiếng một chiếc xe ô tô ầm ầm lao đến. Tất cả quay phắt lại. Đó là chiếc Volkswagen ọc ạch, và ông cảnh sát trưởng cau có nói: “Đây là kẻ thứ nhất”.
Khi ông đỗ xe bên vỉa hè và bước ra, ông cảnh sát trưởng đã bước vào trong xe và chuẩn bi nổ máy. Bert vội vã lao tới: “Thưa ông cảnh sát trưởng, ông có tuyên bố gì không ạ?”.
“Ôi, lại cái ông này!”. Ông cảnh sát trưởng hạ cửa kính bên phía người lái xe xuống, ông đã nhiều lần phải tiếp chuyện cái tay phóng viên báo chí già lão này rồi. “Tuyên bố về cái gì?”.
“Ồ, thôi mà, ông cảnh sát trưởng! Tôi đã nghe tất cả mọi cuộc nói chuyện qua máy bộ đàm, kể cả chỉ thị của ông về việc gọi cho FBI”. Bert nhìn quanh, và nhận ra rằng linh cảm của ông là đúng. “Đây là nhà của Crawford Sloane?”.
“Đúng”.
“Thế có phải là bà Sloane đã bị bắt cóc không?”.
Trong khi ông cảnh sát trưởng còn ngần ngại, Bert lại năn nỉ: “Thôi đi mà! Tôi là người đầu tiên đến đây. Tại sao ông lại không giúp cho người sở tại này một chút?”.
Vốn là một con người rất biết điều, viên cảnh sát trưởng nghĩ: “Ừ nhỉ! Tại sao lại không? Thậm chí ông còn thấy mến ông già Fisher này, đôi lúc cũng dai như đĩa, nhưng không đến nỗi sẽ như một số tay nhà báo khác”.
“Nếu ông đã nghe thấy mọi chuyện” – ông cảnh sát trưởng nói – “thì ông cũng biết chúng tôi chưa khẳng định điều gì cả. Nhưng đúng là chúng tôi cho rằng bà Sloane có thể đã bị bắt cóc, cùng với con trai là cậu Nicholas và ông cụ thân sinh của ông Sloane nữa”.
Bert vội vàng ghi lại tất cả những lời của ông cảnh sát trưởng vì biết rằng đây là câu chuyện quan trọng nhất trong đời ông, nên ông muốn thật cẩn thận: “vậy điều ông vừa cho tôi biết có nghĩa là cảnh sát Larchmont đang theo dõi vụ ba người bị bắt cóc”.
Ông cảnh sát trưởng gật đầu: “Nói thế cũng được”.
“Ông có đoán rằng thủ phạm là ai không?”.
“Không. Ồ! Chỉ có một chuyện. Ông Sloane chưa biết tin gì và chúng tôi đang cố gắng nói chuyện với ông ấy. Vậy nên trước khi ông gửi tin đi, thì vì Chúa lòng lành, xin ông hãy để cho chúng tôi làm việc đó đã”.
Dứt lời, ông cảnh sát trưởng lao xe đi, còn Bert thì đâm bổ về chiếc xe cũ kỹ của ông. Bất chấp lời cảnh cáo của ông cảnh sát trưởng, ông không muốn chờ đợi gì hết. Trong đầu ông chỉ có một ý nghĩ duy nhất là: Đâu là trạm điện thoại công cộng gần nhất?
Một lúc sau, khi Bert rẽ khỏi đại lộ Park, ông thấy một chiếc xe khác rẽ vào và nhận ra người ngồi trong xe là cộng tác viên địa phương của hãng WNBC-TV. Vậy là cuộc đua săn tin cũng đã bắt đầu. Vì thế, nếu Bert muốn là người đầu tiên thì ông phải hành động thật nhanh.
Cách đó không xa, trên đường Boston Bost, ông tìm thấy một trạm điện thoại công cộng. Lúc ông bấm nút điện thoại gọi cho hãng WCBA-TV, tay ông run lẩy bẩy.