Bản Sonata Kreutzer

Chương 8

Docsach24.com

À THẾ LÀ MỌI THỨ ĐỀU THUẬN LỢI: nào là tài sản của tôi, nào là váy áo đẹp, nào là dạo chơi trên thuyền. Cứ giống như một cạm bẫy. Tôi không đùa đâu. Bây giờ người ta sắp xếp các cuộc hôn nhân như gài bẫy vậy. Còn thực chất là gì? Cô con gái đã đến tuổi rồi, phải gả đi thôi. Dường như thật là đơn giản khi một cô gái không xấu xí có những chàng muốn lấy làm vợ. Ngày xưa cũng vậy thôi. Cô gái đến tuổi, cha mẹ định chuyện hôn nhân. Trên thế giới này người ta đều làm như thế: người Trung Hoa, người Ấn Độ, người Ả Rập, và nông dân ở ta, đều vậy cả, ít nhất chín mươi chín phần trăm loài người làm như thế. Chỉ có một phần trăm hoặc ít hơn thế thấy rằng điều đó là không tốt, và phát minh ra cái gì đó mới hơn. Cái mới đó là gì nào? Mới là ở chỗ các cô gái ngồi đó, rồi các anh chàng đàn ông như ở ngoài chợ vậy, đi lại và lựa chọn. Còn các cô gái ngồi và nghĩ, nhưng không dám nói ra: “Anh ơi, hãy chọn em! Không, em cơ. Đừng chọn cô ấy, mà chọn em cơ, hãy nhìn em có đôi vai và những thứ khác như thế nào”. Còn chúng ta, bọn đàn ông, đi lại, xem xét và rất hài lòng. “Tôi biết rồi, nhưng tôi chưa bị mắc vào đâu”. Bọn đàn ông đi lại, xem xét và hài lòng, bởi tất cả bày ra là để dành cho họ. Xem đi, cô này không được. Ô, đây rồi, cô này thì được!

- Sao lại thế? - Tôi nói. - Thế tại sao người ta vẫn đi cầu hôn phụ nữ?

- Tôi cũng không biết tại sao; chỉ có điều nếu như có sự bình đẳng thì phải bình đẳng thật sự. Nếu như thấy chuyện mối lái gả chồng ngày xưa là hạ nhục, thì cách làm của chúng ta còn tệ hơn thế hàng ngàn lần. Ở kia quyền lợi và cơ hội ngang nhau, còn ở đây phụ nữ hoặc như nô lệ ở đem bán ngoài chợ, hoặc là cái lưới đánh bẫy. Thử nói với một bà mẹ hay một cô gái nào về sự thật xem, rằng bà ta hay cô ta chỉ quan tâm đến chuyện làm sao tóm được chàng rể thôi. Trời ơi, thật là sự xúc phạm kinh khủng! Thế nhưng thực tế tất cả bọn họ chỉ làm mỗi chuyện đó thôi, ngoài chuyện đó thì họ chẳng còn việc gì khác. Nó thật là khủng khiếp khi nhìn thấy đôi lúc có những thiếu nữ trinh trắng tội nghiệp còn rất trẻ cũng làm chuyện đó. Nếu như điều đó được làm công khai thì còn đỡ, chứ đây tất cả đều trong sự dối trá. “Ôi, Nguồn gốc các loài(6) à, cái này thật là thú vị quá! Ôi, Lisa rất thích hội họa đấy! Anh sẽ đến xem triển lãm chứ? Thật là lời khuyên hay! Thế còn chuyện đi xe tam mã, còn vở kịch, còn buổi hòa nhạc? Ôi, thật tuyệt quá! Lisa của tôi mê nhạc phát điên lên ấy. Sao ngài không chia sẻ quan niệm đó với nó? Còn chuyện đi chơi thuyền!...”. Còn trong tâm trí của họ thì: “Hãy chọn tôi đi, chọn Lisa của tôi! Không, chọn tôi! Nào cứ thử đi!...”. Ôi thật là đê tiện! Thật là dối trá! - Anh ta kết luận và sau khi uống nốt ngụm trà cuối cùng bèn thu dọn tách đĩa.

Chú thích


6. Nguồn gốc các loài (tên đầy đủ: Về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn): tác phẩm nổi tiếng của Charles Darwin, xuất bản năm 1859, trong đó trình bày những luận điểm cơ bản của học thuyết tiến hóa. Nó được dịch sang tiếng Nga năm 1864.